Friday, March 10, 2017

2017: Việt Nam đứng thứ nhì về hối lộ ở Châu Á - Thái Bình Dương

Theo thống kê của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế công bố vào ngày 7 tháng 3 năm 2017, thì Việt Nam đứng thứ nhì, sau Ấn Độ về mức độ tham nhũng. Một số người tranh đấu cho dân chủ nói rằng nếu có dân chủ thì Việt Nam sẽ hết tham nhũng. Nhưng Ấn Độ là một nước dân chủ đa đảng, nhưng nạn tham nhũng vẫn cao. Vì sao các nước bị nạn tham nhũng và làm cách nào để trừ nạn tham nhũng?




Hai nước nhất nhì về tham nhũng lại có chế độ chính trị khác nhau. Ấn Độ có chế độ dân chủ đa đảng còn Việt Nam thì có chế độ độc đảng. Những người đang ra sức chống diễn biến hòa bình có thể nói đấy chúng mày thấy chưa, chế độ dân chủ như Ấn Độ mà vẫn tham nhũng thế thì chúng mày đòi dân chủ làm gì.

Xét các nước tham nhũng nhiều đều có đặc điểm có tầng lớp ở trên cầm quyền mãi trong khi các tầng lớp thấp khác trong xã hội không có điều kiện để tham gia chính quyền. Cho dù đó là chế độ dân chủ nhưng chế độ dân chủ mà mỗi lần bầu thì lại cũng vẫn là tầng lớp trên thối nát được bầu. Ấn Độ tuy có chế độ dân chủ nhưng lại có xã hội phân biệt giai cấp. Theo đạo Ấn Độ, có giai cấp chuyên cầm quyền, có giai cấp được nắm quân đội, có giai cấp ở dưới chỉ được buôn bán, giai cấp thấp hơn nữa chỉ làm các việc tạp nhạp, hèn kém. Các qui định của chế độ dân chủ không được áp dụng mạnh hơn chế độ phân chia giai cấp nên giai cấp thấp không có quyền lên cầm quyền. Ở Ấn Độ, sự phân chia giai cấp là do quan niệm về tôn giáo mà niềm tin tôn giáo là điều rất khó xóa bỏ. Đụng đến niềm tin tôn giáo thì sẽ bị lên án là xúc phạm đến các điều linh thiêng.

Xét một nước khác là Phillipines, tuy cũng là dân chủ nhưng ý thức tôn trọng luật lệ kém và tham nhũng lan tràn. Phillipines cũng có một tầng lớp ở trên được thay nhau cầm quyền còn đại chúng không có cơ hội ăn học và không có cơ hội tham gia chính trị. Tầng lớp giàu có và có quyền lực này có từ thời người Tây Ban Nha còn cai trị Phillipines từ thế kỷ 19.

Nói chung dù là chế độ chính trị nào chăng nừa mà có một tầng lớp cứ nắm quyền và nắm nhiều của cải mãi sẽ sinh ra thối nát, tham nhũng. Quyền lực làm cho con người trở thành thối nát, quyền lực tuyệt đối làm thối nát một cách tuyệt đối.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam, viết trong cuốn hồi ký của mình vào đầu thập niên 1980, sau khi ông đã sống vài năm dưới chế độ Cộng Sản là hồi trước 75 có người nói Cộng Sản mà chiếm được miền Nam thì trong vòng 48 giờ sẽ không còn nạn tham nhũng. Nhưng khi chế độ Cộng Sản được thiết lập tại miền Nam thì nạn tham nhũng lại lan tràn hơn là thời trước 75. Vào sau 1975, đầu thập niên 1980, đi vào một số cơ quan để nộp đơn xin đều phải mua vài điếu thuốc lá của bà bán thuốc lá trước cửa cơ quan để đem hối lộ cho người nhận đơn. Mà phải là thuốc lá ngoại quốc chứ không được hối lộ thuốc lá quốc nội rẻ tiền. Có thế thì người đó mới nhận đơn, còn không thì người đó sẽ làm khó dễ là thiếu giấy tờ này, thiếu giấy tờ kia. Nhưng người đó không nói ra tất cả các giấy tờ bị thiếu một lần để người nộp đơn lo cho đủ mà mỗi lần người nộp đơn đến thì lại bảo bị thiếu một thứ gì đó rồi phải về lo cho đủ. Lần sau đến lại bị nói là thiếu một thứ khác. Sau khi nhận đơn và thuốc lá, cán bộ đó đem thuốc lá ra bán lại cho bà bán thuốc lá ở trước cửa để lấy tiền bỏ túi còn bà bán thuốc lá lại bán các điếu thuốc lá đó cho những người khác sẽ đến nộp đơn. Một điếu thuốc lá xoay vòng qua tay biết bao nhiêu người nộp đơn, còn tiền của những người nộp đơn thì chạy vào túi cán bộ và bà bán thuốc lá. Đó là thời kinh tế còn nghèo nàn, nên món hối lộ còn rẻ tiền, chỉ có vài điếu thuốc lá hay một bao thuốc lá.

Vì sao chế độ Cộng Sản không trừ được nạn tham nhũng như vậy ngay từ lúc chính quyền mới lập nên ở miền Nam? Vì các cán bộ đó đều là con em, họ hàng các cán bộ lớn hơn. Nên khi họ làm bậy thì không thể đuổi họ. Đuổi họ thì các cán bộ đó sẽ bị mất vây cánh trong guồng máy đảng và nhà nước. Nạn dùng người thân thuộc, họ hàng là để một giai cấp được cầm quyền mãi mãi, không để cho các thành phần khác trong xã hội có cơ hội nắm địa vị trong chính quyền.

Những người cộng sản có thể nhìn vào Phillipines và nói vì Phillipines không có cách mạng nên tầng lớp giàu có do hợp tác với người Tây Ban Nha vẫn ăn trên ngồi chốc, không lo cho dân nghèo, thối nát, tham nhũng. Nhưng Việt Nam là nước đã trải qua cuộc cách mạng vô sản. Tầng lớp ăn trên ngồi chốc do hợp tác với Pháp đã bị xóa bỏ. Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam lại dựng lên một chế độ để một thiểu số nắm toàn bộ quyền lực, có quyền quản lý toàn bộ đất đai của quốc gia, chia nhau các quyền lợi to lớn của đất nước. Thiểu số này có quyền quá lớn không ai có thể đụng đến nên họ cũng không cần phải tuân theo luật pháp, có thể công khai tham nhũng mà không sợ bị trừng phạt. Ở Phillipines, tầng lớp ăn trên ngồi chốc do lòng tham mà bảo vệ địa vị, quyền lợi của mình. Còn ở Việt Nam thì tầng lớp ăn trên ngồi chốc có chủ nghĩa Cộng Sản để biện minh cho việc mình được độc quyền nắm quyền lực, của cải.

Không phải chế độ dân chủ nào cũng thành công. Các chế độ dân chủ thành công là các chế độ tạo điều kiện cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các thành phần khác nhau trong xã hội thay phiên nhau cầm quyền. Giống như là chiên cơm, phải dảo luôn luôn để không bị các hạt cơm nằm ở dưới mãi bị cháy khét còn ở trên thì sống. Như thế diễn biến hòa bình là biện pháp tốt đẹp cho quốc gia, nên khuyến khích, không nên ngăn cản. Vì diễn biến hòa bình cho phép các thành phần xã hội khác nhau thay phiên nhau cầm quyền một cách hòa bình, không dùng vũ lực, không gây chết chóc, không để cho một thiểu số cầm quyền mãi sinh ra thối nát.



Việt Nam: Hối lộ cao thứ nhì Châu Á-Thái Bình Dương

Tổ chức theo dõi chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế đặt ở Berlin hôm thứ Ba cho hay khoảng 900 triệu người, tương đương khoảng 1/4 dân số, ở 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương phải hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ công. Sau khi phỏng vấn 22.000 người trong khoảng thời gian 18 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 1/2017, Minh bạch Quốc tế cho biết cảnh sát là những viên chức hay đòi hối lộ nhất với gần 1/3 số người tham gia khảo sát nói rằng họ phải hối lộ trong năm qua.

Ấn Độ có tỷ lệ hối lộ cao nhất trong số 16 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương mà Minh bạch Quốc tế khảo sát. 69% người được phỏng vấn ở Ấn Độ nói họ phải trả tiền hối lộ. Đứng thứ nhì sau Ấn Độ là Việt Nam với khoảng 2/3 số người, tương đương 65%, đã phải hối lộ khi tiếp cận các dịch vụ công.

Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc có tỉ lệ thấp hơn nhiều với mức 26%, trong khi đó ở Pakistan là 40%.

Trái ngược lại, nước có mức tham nhũng ít nhất là Nhật Bản, chỉ có 0,2% số người được hỏi cho biết họ đã trả tiền hối lộ.

Trong khi ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, những người nghèo thường là mục tiêu của nạn hối lội, lại có xu hướng ngược lại ở những nước như Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Trên toàn khu vực, chỉ có 20% cho biết họ nghĩ rằng số vụ tham nhũng đã giảm đi, trong khi 40% nói rằng tình hình đã tồi tệ hơn. Ở Trung Quốc, gần 3/4 số người được hỏi cho biết tình hình đã xấu đi trong ba năm qua kể từ khi báo cáo gần đây nhất về khu vực được công bố vào năm 2013.



No comments:

Post a Comment