Wednesday, March 15, 2017

Thời Mỹ đổ quân vào miền Nam

Dưới đây là một đoạn phim phóng sự về miền Nam thời Mỹ đang đổ quân vào miền Nam do đài truyền hình Pháp thực hiện vào khoảng cuối năm 1966. Trong đoạn phim này, phóng viên Pháp có phỏng vấn một số nhân vật Mỹ, Việt . Qua đoạn phim này, người xem có thể thấy cách suy nghĩ của phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa vào thời đó.





Dịch:



Phút 0:45, phóng viên nói: đường Tự Do, đường Catinat, con đường cũ là đường Catinat được nhiều người biết, của thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương. Đường Catinat đi từ Nhà Thờ Đức Bà đến bến cảng. Continental Palace, cái tên nói lên nhiều điều. Tôi đã ở Sài Gòn từ 24 giờ qua và trong vòng 24 tiếng đầu tiên, nhiều điều làm chúng tôi chú ý. Những điều làm chúng tôi chú ý được Michel Parmaux quay phim và chúng tôi đem trình chiếu cho các bạn. Tôi xin nhắc lại, đây là những cảm tưởng đầu tiên. Đầu tiên là đường phố, giống như một tiệm tạp hóa vĩ đại. Và người ta đã bỏ tiếng Pháp để nói tiếng Anh, tiện lợi hơn. Bạn sẽ là người “number one” (số một) khi bạn được coi trọng và bạn là người “number ten” (số mười) khi bạn bị coi thường. Ở đây người Pháp ở Sài Gòn bị coi thường, họ là “number ten”. …










Phút 2:05, phóng viên nói: trước hết là hoạt động chuyển quân mạnh mẽ. Đây là các chiếc máy bay vận tải cất cánh bay đến Đà Nẵng, Huế, Chu Lai, chở người Mỹ đến khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Những người kia là những lính biệt kích sắp lên máy bay để lên đường. Khi có lệnh báo động thì họ sẽ lên máy bay và nhảy dù. Ở phía bên phải là các máy bay F-104 với phi hành đoàn ở phía sau đang sẵn sàng để cất cánh và đi thả bom.



Nhìn tổng quát, guồng máy vĩ đại của Mỹ điều khiển bởi thiết bị điện tử định sẽ nghiền nát một tổ kiến với những con người và xe đạp.










Còn đây là bến cảng chất đầy thiết bị, đầy những xe vận tải, nhừng rờ mọoc, những căn nhà đang chờ đợi. Người Mỹ đem vào tất cả những gì họ cần, một số từ Phillipines, gỗ từ California, xi măng từ Nam Hàn, đôi khi có những căn nhà từ Đài Loan.





Phút 3:39: phóng viên nhìn lên và nói: Đây là căn nhà với cửa sổ bịt kín bằng bê tông. Đó là nơi điều hành chiến tranh, đó là tòa đại sứ Mỹ với các chướng ngại vật đặt ngoài đường. Trong năm nay, tòa nhà này đã bị phá hoại bởi hàng ký chất nổ.




Phỏng vấn ông Harold Kaplan, phát ngôn viên của tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.

Phút 4:04: Thưa ông Kaplan, Sài Gòn đang ở giữa hai hưu chiến vào dịp Giáng Sinh và dịp Tết, theo ông liệu hai hưu chiến này sẽ đem lại được gì?

Ông Kaplan: Thưa ông, tôi không biết. Chúng tôi ở đây không có phương tiện nào để biết phía bên kia sẽ có hành động gì với đề nghị của chúng tôi để thương thuyết về các vấn đề chúng tôi đang đối phó ở Việt Nam. Đề nghị của chúng tôi thẳng thắn và rõ ràng: tất cả là tùy thuộc họ.

Phóng viên: Trong khi đó ở châu Âu, như ông biết, người ta nói rằng ở đây người Mỹ đang chỉ huy.

Ông Kaplan: Không. Người Việt Nam có khoảng 750 ngàn lính trong quân đội. Họ đảm nhiệm nhiều hơn chúng tôi trong công cuộc bình định. Quả thật là chúng tôi đem lại các yếu tố chính trong việc giữ an ninh nhưng hiện nay không có sự chỉ huy thống nhất, chúng tôi hợp tác với nhau, và phía Việt Nam là yếu tố quan trọng trong tình thế này và quan trọng hơn là chúng tôi.






Phút 5:28: Phóng viên: người ta nói rằng người Mỹ hiện diện ở Việt Nam vì muốn có căn cứ quân sự ở Việt Nam.

Ông Kaplan: làm thế nào có thể trả lời câu hỏi vô nghĩa này. Chúng tôi không cần có căn cứ ở Việt Nam. Chúng tôi theo đuổi mục đích được xác định rất rõ ràng, được nói ra bởi tổng thống Mỹ, bởi ngoại trưởng Mỹ và được lập lại nhiều lần bởi các phát ngôn viên khác của chính phủ Mỹ, khi nào tình hình ở đây trở lại yên tĩnh, chúng tôi không có ý định lập căn cứ quân sự ở đây, chúng tôi không muốn giữ quân đội và khí giới ở đây.

Phút 6:15: Phóng viên: chiến tranh rất là tốn kém cho nước Mỹ.

Ông Kaplan: Đúng thế. Chiến tranh rất là tốn kém. Tất cả chiến tranh đều tốn kém ở thời chúng ta. Chiến tranh luôn luôn là tốn kém. Và ít tốn kém hơn với hậu quả của thái độ gọi là hèn nhát và vô trách nhiệm trong tình hình mà chúng tôi đang phải đương đầu ở đây.

Phút 6 :45, phóng viên : câu hỏi cuối cùng. Khi nào hòa bình sẽ đến?

Ông Kaplan : hòa bình trở lại rất là đơn giản. Đó là khi nhừng người ở Hà Nội chịu chấp nhận rằng họ không thể dùng vũ lực đế sáp nhập vùng đất này thì hòa bình sẽ có một cách dễ dàng.






Phỏng vấn Trung Tướng Đặng Văn Quang.

Phút 8 :20, phóng viên : ông không muốn có hưu chiến nhân dịp Giáng Sinh, ông cũng không muốn có hưu chiến nhân dịp Tết. Vì sao ông không thích chữ hưu chiến, thưa trung tướng?

Tướng Đặng Văn Quang: Đúng thế. Tôi không thích chữ hưu chiến như người cộng sản đã nói vì nó không đáp ứng đúng ý nguyện của chúng tôi, mà chỉ là ngưng các hoạt động quân sự trong vài ngày, cho các binh sĩ có dịp sống với gia đình, đi nhà thờ, đi chùa, để nghỉ ngơi để rồi lại tấn công nữa.




Phút 9:00, phóng viên: ở Pháp người ta nghĩ và nói rằng chính phủ Việt Nam bị người Mỹ chỉ huy.

Trả lời: Thật là sai lầm . Trong chính quyền chúng tôi, phần lớn quyết định là do chúng tôi tự quyết định lấy. Một số vấn đề có liên quan đến quân trang, thiết bị chúng tôi làm việc chung với người Mỹ. Nhưng trong phần lớn các hoạt động, người Mỹ tôn trọng ý kiến của chúng tôi thay vì áp đặt các lệnh.

Phút 9 :43, phóng viên : Ông thấy giải pháp cho vấn đề Việt Nam ra sao?

Trả lời : Giải pháp cho Việt Nam. Người Cộng Sản muốn đánh chiếm bằng vũ lực. Chúng tôi nghĩ điều chúng tôi có thể làm là làm cho họ nản chí. Bằng quân sự làm cho họ thấy rằng họ không thể dùng vũ lực mà đánh chiếm mà phải xét đến việc dàn xếp chính trị.

Tướng Đặng Văn Quang trả lời : chúng tôi phải duy trì sức mạnh quân sự để cho người cộng sản để yên cho chúng tôi để chúng tôi có thể tổ chức một quốc gia ở phía dưới vĩ tuyến 17 theo ý nguyện của người dân chúng tôi.




Phút 10 :32, phóng viên : Ông không bao giờ nghĩ đến việc thống nhất Việt Nam hay sao?

Tướng Đặng Văn Quang : chúng tôi vẫn nghĩ về vấn đề này nhưng tôi không thể nói là đến năm nào, như ông biết, cũng giống như nước Đức, nước Đại Hàn, còn tùy thuộc tình hình chung của thế giới.



Phút 10 :51 : trả lời : Chừng nào mà thế giới còn chia làm hai khối thì bị chia đôi cũng là điều bình thường. Ngày nào mà tình hình thế giới thay đổi, chúng tôi tin chắc là chúng tôi sẽ thống nhất.

(Hết phim)

Minh Đức dịch

No comments:

Post a Comment