Trước thềm đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, guồng máy tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc ra sức đề cao uy tín của ông Chủ Tịch Tập Cận Bình . Liệu ông Tập Cận Bình có trở thành một Mao Trạch Đông thứ hai của Trung Quốc và ông Tập Cận Bình có thể đổi mới được bao nhiêu cho Trung Quốc?
Việc suy tôn lãnh tụ và dương ngọn cờ xã hội chủ nghĩa xảy ra sau khi Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ tương đối có tự do và chủ nghĩa xã hội bị mờ nhạt vì óc ham lợi nhuận của kinh tế thị trường. Liệu ông Tập Cận Bình có đạt được sự sùng bái như Mao Trạch Đông? Tại Liên Xô vào thập niên 1970, Leonid Breznev cũng đã dùng guồng máy tuyên truyền tự đề cao mình. Đó là sau giai đoạn Nikita Kroushchev lên án tệ nạn sùng bái lãnh tụ của Stalin. Breznev không bao giờ có thể đạt được sự tôn sùng như dân Nga đã tôn sùng Stalin, mặc dù sự kiểm soát về tư tưởng rất khe khắt. Đó là vì cái ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng Sản lúc đó đã phai nhạt rồi. Người dân không còn tin vào chủ nghĩa Cộng Sản một cách cuồng nhiệt nữa nên họ cũng không xem lãnh tụ là thần thánh. Ngày nay, người dân Trung Quốc cũng không còn tin vào chủ nghĩa Cộng Sản nữa nên lá cờ xã hội chủ nghĩa sẽ không bay phất phới mà đứng rũ. Ông Tập Cận Bình giữ được uy tín khi làm cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục thịnh vượng, người dân có bát cơm ăn. Guồng máy tuyên truyền có thể kích động tinh thần quốc gia làm cho thanh niên Trung Quốc hăng hái tham gia chiến tranh bành trướng lãnh thổ cho Trung Quốc. Điều này làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.
Lý thuyết gì đi chăng nữa thì trên thực tế Trung Quốc đang là một nước tân phát xít, dồn sức chế tạo vũ khí, kích động dân bằng luận điệu dối trá của chủ nghĩa quốc gia, xâm chiếm lãnh thổ của láng giềng. Nếu kinh tế bị chậm lại hoặc đánh nhau với nước khác bị thua thì uy tín của ông Tập Cận Bình sẽ sụp đổ và uy tín của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ sụp theo.
Những gì từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền là siết lại tự do và phục hồi lại một phần cách cai trị thời Mao Trạch Đông. Có thể nói những gì ông Tập Cận Bình làm là sự chỗi dậy của thế hệ Mao - ít. Đó là những người đã từng cuồng nhiệt sùng bái Mao Trạch Đông, ngày nay thấy tinh thần cách mạng sôi nổi thời Mao đã nguội lạnh nên tìm cách vực dậy. Họ không hài lòng với óc ham lợi nhuận và óc hưởng thụ lan tràn thời kinh tế thị trường. Óc "Gió Đông thổi bại gió Tây" vẫn còn trong đầu óc của thế hệ Vệ Binh Đỏ sắp về hưu này. Vì thế họ đề cao chủ nghĩa quốc gia, ngăn cản bớt văn hóa Tây Phương nhập vào Trung Quốc, xem Mỹ và các nước Tây Phương là kẻ thù, hy vọng rằng Trung Quốc rồi đây sẽ đè bẹp các nước Tây Phương, làm bá chủ thế giới.
Sự đề cao uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình được phát động trong hoàn cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Xuất cảng không còn nhiều như xưa và các công ty quốc doanh đang phải bị sắp xếp lại vì nhiều công ty làm ăn không có lời. Điều mà Chủ Tịch Tập Cận Bình không có ý định làm hoặc làm không nổi là thay đổi cách cai trị, làm cho nhà nước cai trị theo luật pháp thay vì dùng lối đảng trị. Chiến dịch Đả Hổ Diệt Ruồi chỉ tiêu diệt những thành phần chống đối. Nhưng liệu Trung Quốc đã tiêu diệt được nạn tham nhũng? Nếu Trung Quốc tiếp tục cai trị theo lối đảng trị thì nạn tham nhũng cũng sẽ tồn tại và ngầm phát triển dù cho bên trên có nghiêm cấm. Với chế độ đảng trị liệu Trung Quốc có trừ được nạn nợ xấu trong ngân hàng? Với chế độ đảng trị liệu Trung Quốc có được guông mày chính quyền và kinh tế hữu hiệu để đuổi kịp các nước Tây Phương để thực hiện giấc mộng Gió Đông thổi bạt Gió Tây? Chẳng riêng gì Trung Quốc mà nhiều nước ở Nam Mỹ như Bresil, Mexico, các nước lớn như Ấn Độ, Pakistan cũng đuổi mãi mà không theo kịp các nước Tây Phương vì tình trạng pháp luật lỏng lẻo, nạn tham nhũng, lạm quyền. Chỉ có thực tế mới trả lời được.
Mặc dù có lời tuyên bố của chủ tịch Tập Cận Bình là mô hình Trung Quốc đang là mẫu mực của một số quốc gia nhưng thời kỳ phát triển nhanh của Trung Quốc đã ở phía sau lưng. Thời kỳ đó có được là do những người lãnh đạo Trung Quốc không dám can thiệp vào kinh tế quá đáng mà để cho các chuyên gia kinh tế được đào tạo từ Tây Phương làm việc. Ngày nay, với thái độ đem chính trị can thiệp vào kinh tế liệu chủ tịch Tập Cận Bình có đủ kiến thức về kinh tế thị trường để biết khi nào cần can thiệp, khi nào không nên can thiệp vào? Vụ thị trường chứng khoán của Trung Quốc bị trồi sụt vào năm 2015 là thí dụ của việc lãnh đạo can thiệp vào kinh tế bất chấp qui luật thị trường.
Mặc dù có lời tuyên bố của chủ tịch Tập Cận Bình là mô hình Trung Quốc đang là mẫu mực của một số quốc gia nhưng thời kỳ phát triển nhanh của Trung Quốc đã ở phía sau lưng. Thời kỳ đó có được là do những người lãnh đạo Trung Quốc không dám can thiệp vào kinh tế quá đáng mà để cho các chuyên gia kinh tế được đào tạo từ Tây Phương làm việc. Ngày nay, với thái độ đem chính trị can thiệp vào kinh tế liệu chủ tịch Tập Cận Bình có đủ kiến thức về kinh tế thị trường để biết khi nào cần can thiệp, khi nào không nên can thiệp vào? Vụ thị trường chứng khoán của Trung Quốc bị trồi sụt vào năm 2015 là thí dụ của việc lãnh đạo can thiệp vào kinh tế bất chấp qui luật thị trường.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc bước vào Đại Hội Đảng với lời tung hô ca tụng chủ tịch Tập Cận Bình và trước đây từng có lời trấn an người dân của một số viên chức nhà nước là Trung Quốc sẽ không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình như một số nước Nam Mỹ.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment