Sunday, July 19, 2020

Việt Nam, quốc gia không có báo chí độc lập, khai trương bảo tàng báo chí

Bất chấp bị xếp hạng là một trong những nước kém nhất thế giới về tự do báo chí và bắt bớ nhiều phóng viên, Việt Nam vừa khai trương bảo tàng báo chí, theo AFP.

Hãng tin Pháp AFP hôm 17/7 cho biết Bảo tàng Báo chí Việt Nam, được khai trương vào tháng trước, trưng bày các hiện vật từ những bức ảnh đoạt giải báo chí Pulitzer trong Chiến tranh Việt Nam cho đến câu chuyện về cuộc đấu tranh vì tự do báo chí trong thời kỳ thực dân Pháp, nhằm tôn vinh “nền báo chí cách mạng” ở quốc gia cộng sản.

Việt Nam mở cửa Bảo tàng này hôm 19/6 tại Hà Nội, diễn ra vài ngày sau khi hai nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành bị chính quyền bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì hai ông viết bài chỉ trích chính quyền.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí. RSF nói vụ bắt giữ các nhà báo này đã gửi đi một “thông điệp lạnh người” trước Đại hội Đảng 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.


Mặc dù vậy, đối với bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí, các sản phẩm trưng bày tại bảo tàng là “một bằng chứng đáng tự hào về nền tự do báo chí của đất nước”.

Bà Trần Thị Kim Hoa nói với AFP hôm 16/7: “Với luật tự do báo chí mà người Pháp mang đến Việt Nam, chúng tôi luôn ý thức cao như thế nào là tự do báo chí”. Bà nói như thế khi đề cập đến một bộ luật năm 1881 được áp dụng cho Pháp và thuộc địa của Pháp, nhưng được sử dụng một cách chắp vá ở Việt Nam.

Bà nói thêm: “Việc chúng tôi có thể xây dựng bảo tàng này cho thấy chúng tôi có tự do báo chí”.

Theo quan sát của AFP, không nơi nào trong bảo tàng có đề cập đến việc chính quyền Việt Nam cấm truyền thông độc lập.

Báo chí do chính quyền Việt Nam quản lý đưa tin hàng ngày về hàng loạt các sự kiện, đặc biệt là về các vấn đề xã hội - từ việc theo dõi từng phút rò rỉ thủy ngân từ các nhà máy đến ô nhiễm trong hệ thống nước máy của Hà Nội. Nhưng những tiếng nói chỉ trích lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì không được dung thứ.

Truyền thông Việt Nam cho biết Bảo tàng Báo chí được xây dựng với kinh phí khoảng 24 tỷ đồng, với không gian trưng bày trên diện tích gần 15.000 mét vuông, với trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu.

Vào năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trực thuộc sự quản lý của Hội Nhà báo Việt Nam, với nhiệm vụ “phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam”.



Bình Luận:

Chuyện đấu tranh vì tự do báo chí trong thời Pháp đô hộ là chuyện xảy ra khi Pháp cai trị theo văn hóa Pháp, còn đôi chút tự do.

Còn khi đảng Cộng Sản Việt Nam lên cầm quyền thì đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị theo văn hóa của người Nga, là tước bỏ hết tự do của người dân. Cuộc cách mạng vô sản phát xuất từ Nga thì cũng mang ảnh hưởng của văn hóa Nga, ảnh hưởng của cách thức tầng lớp cai trị đối xử với dân.

Văn hóa Nga khác với văn hóa Pháp. Văn hóa Pháp đã qua thời kỳ Cách Mạng Pháp, đã cởi mở cho dân được tự do. Còn cuộc Cách Mạng Tháng Mười chỉ nói là giải phóng nhân dân trên lời nói nhưng trên thực chất cách cai trị đã tước bỏ hết các tự do ít ỏi từ thời Nga Hoàng.

Nước Nga ngay từ thời trước Cách Mạng Tháng Mười đã có hiện tượng tầng lớp ở trên nhờ có tiền đi du học Pháp nên học được tư tưởng tự do phóng khoáng của Pháp, nhưng họ không đem áp dụng vào xã hội của Nga được. Xã hội của Nga theo mô hình nông nô, ở trên là quí tộc, địa chủ giàu có và có toàn quyền sinh sát với nông dân ở trong lãnh địa của mình. Những người Nga ở tầng lớp trên không thể sau một đêm phá bỏ hệ thống xã hội của mình cho nông nô tự do, có quyền ăn nói, có quyền làm những việc ngang hàng với mình. Ngay cả khi nhà vua tuyên bố bãi bỏ chế độ nông nô thì trên thực tế các ông chủ cũ vẫn có uy quyền còn người nông nô tuy được gọi là tự do vẫn phải theo thói quen phục tùng, khép nép đối với ông chủ cũ của mình. Điều này cũng giống như nước Mỹ tuy tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ da đen nhưng người da đen vẫn bị xem là thấp kém hơn người da trắng. Trải qua hàng trăm năm người da đen tranh đấu thì họ mới được đối xử tôn trọng hơn nhưng vẫn không xóa hoàn toàn được óc xem thường người da đen trong đầu một số người.

Khi người Nga làm Cách Mạng Tháng Mười thì vẫn có cái văn hóa là chính quyền thì rất là uy quyền, còn người dân không có ý thức là mình phải có quyền cãi lại chính quyền, có quyền phản đối, có quyền chất vấn chính quyền. Cuộc Cách Mạng Tháng Mười tuy có thay đổi về cách thức tổ chức chính quyền nhưng vẫn không thay đổi về quan hệ giữa tầng lớp trên có quyền và đa số dân bao nhiêu. Chỉ thay đổi trên lời nói, trên giấy tờ, là nói đã giải phóng dân mà thôi. Người Tây Phương nhận ra điều này và họ đưa ra nhận xét là ở các nước Tây Âu, người dân khác ý kiến với chính quyền không phải là cái tội, nhưng ở Nga, người dân khác ý kiến với chính quyền là có tội.

Cái văn hóa đó đã sang Việt Nam và vẫn còn tồn tại khi bà Trần Thị Kim Hoa khoe là Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp nên có tự do báo chí. Không phải Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp đâu. Bà Trần Thị Kim Hoa vẫn theo văn hóa của Nga ở chỗ miệng thì ca tụng văn hóa Pháp, cho là mình giải phóng cho dân, nhưng trên thực tế thì vẫn không cho dân có tự do. Hiện tượng nói và làm không đi đôi chính là văn hóa của Nga. Văn hóa đó sinh ra từ khi các nước Tây Âu thay đổi về xã hội cho dân được tự do còn Nga thì không làm được như vậy nhưng vẫn phải nói là mình giống Tây Âu để có vẻ là văn minh với thế giới. Vì nói và làm không đi đôi nên mới sợ không cho dân được tự do phát biểu, không cho dân ra báo.

Chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp chính là chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngay trong thời chiến tranh khốc liệt vẫn có báo chí tư nhân. Người Cộng Sản đã lợi dụng tình trạng này cho cán bộ giả làm nhà báo, đăng nhừng bài tuyên truyền cho đường lối của Cộng Sản, bịa đặt tin tức làm cho dân miền Nam không tin tưởng vào chính quyền của mình. Rồi khi nắm được quyền lực ở miền Nam thì người cộng sản dẹp hết các báo chí tư nhân.

Viện Bảo Tàng Báo Chí dù sao cũng ghi lại tình trạng báo chí tại Việt Nam dưới thời chế độ xã hội chủ nghĩa. Tình trạng đó là chỉ nói tự do, giải phóng trên miệng, trên giấy tờ còn thì trên thực tế thì không cho dân được hưởng quyền tự do báo chí.Thử xem viện bảo tàng này trưng bày được bao nhiêu tờ báo của tư nhân, độc lập với chính quyền, độc lập với đảng Cộng Sản kể từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam lên cầm quyền?


No comments:

Post a Comment