Saturday, September 26, 2020

Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam

 


ANAHEIM, California (NV) – Biệt Đội Thiên Nga gồm khoảng 30 người thuộc “phái yếu” rất trẻ đẹp, ai cũng học giỏi và thông minh, tất cả mọi người đều có một tên chung là Thiên Nga, với công tác đặc biệt là bí mật xâm nhập vào hàng ngũ hạ tầng cơ sở Cộng Sản để thu thập tin tức.

 

Năm 1964, bà Nguyễn Thanh Thủy đang theo học Khoa Dược tại Đại Học Sài Gòn phải bỏ ngang vì sức khỏe, sau đó theo học phân khoa Chánh Trị Kinh Doanh và Sư Phạm, Viện Đại Học Đà Lạt. Tuy rất tiếc không khí và môn học đã chọn tại đây, bà phải bỏ học lần nữa vì bị bệnh gout chịu không nổi xứ lạnh, phải trở về Sài Gòn.

Sau khi thi đậu vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, phải qua cuộc tuyển lựa về nhân dạng, chiều cao, gương mặt, phải đúng tiêu chuẩn. Trong những người thi đậu, cả 18 cô biên tập viên đều về Khối Đặc Biệt, với điều kiện bắt buộc là phải độc thân ít nhất hai năm từ khi vào làm việc.

“Có một số các Thiên Nga được đi ra ngoài xã hội làm việc, với danh nghĩa như vậy dễ tiếp cận các đối tượng hơn, riêng tôi về Phòng Nghiên Cứu thuộc Khối Đặc Biệt, lý do vì chân tôi yếu, đi đứng dễ bị nhận diện. Trong Phòng Nghiên Cứu, tôi có bổn phận mỗi tháng phải nhận những chứng minh thư của tình báo viên để xác nhận lại, nhìn coi thật hay giả hoặc đọc lại những hồ sơ cũ không còn sử dụng nữa, nhận xét có đúng hay không. Đó là cách tập cho người biên tập viên có cái nhìn bao quát và nhận định chính xác từng chi tiết, không bỏ sót,” bà Thủy nói.

Bà Thủy kể, từ trận Mậu Thân 1968 cho đến những năm về sau, chiến tranh trở nên khốc liệt. Trong khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận, thì bên trong nội thành Sài Gòn Gia Định nổi lên những phong trào xã hội như Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Quả Phụ Tử Sĩ Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nữ Phật Tử Long Hoa, Nghiệp Đoàn Bạn Hàng Các Chợ, Đoàn Thanh Sinh Công, Nhóm Công Giáo Thân Cộng của Linh Mục Chân Tín và Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan, Nhóm Phật tử Ần Quang, Hội Ni Giới Khất Sĩ, phong trào sinh viên học sinh tại các trường đại học và trung học Sài Gòn.

Những phong trào xã hội lúc bấy giờ đều do Việt Cộng giật dây, biểu tình chống đối chính phủ, gây rối đời sống người dân, gây bất an cho xã hội khiến một số người bất mãn, gia nhập thêm vào các lực lượng chống đối này.

Thiên Nga Nguyễn Thị Bê trong vai ký giả Bạch Tuyết

Người Sài Gòn Gia Định lúc bấy giờ ai cũng biết phong trào “Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” nổi lên gây xáo trộn rất nhiều trong xã hội do bà Ngô Bá Thành nhũ danh Phạm Thị Thanh Vân chủ trương. Bà Ngô Bá Thành từng tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa tại Pháp, trở về nước bắt đầu có những hoạt động gây rối chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1970 đến 1975.

Tháng Tám, 1970, trong lễ ra mắt tại chùa Ấn Quang, bà Ngô Bá Thành với danh xưng “chủ tịch Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” đã kêu gọi phụ nữ Việt đòi quyền sống cho chồng, con em và của chính họ. Sau đó phong trào này mở rộng thành phong trào “Bảo Vệ Nhân Phẩm và Quyền Lợi Phụ Nữ,” lôi kéo rất nhiều sinh viên và chị em phụ nữ xuống đường biểu tình chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Những người hưởng ứng phong trào của bà Ngô Bá Thành luôn tự xưng thuộc “Thành Phần Thứ Ba” nghĩa là không theo Cộng Sản, cũng không theo chính quyền quốc gia tại miền Nam Việt Nam. Họ luôn hướng các cuộc biểu tình tranh đấu tới việc đòi xóa bỏ chính thể Việt Nam Cộng Hòa để lập một chính phủ khác có tự do, dân chủ và nhân quyền hơn. Tuyệt đối các phong trào này không bao giờ tố cáo tội ác của Việt Cộng.

Người của bà Ngô Bá Thành đi vào các xóm lao động, khu dân cư nghèo để phát truyền đơn, phổ biến tài liệu, sách báo do bà Thành soạn thảo in ra với nội dung lên án chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có những ngược đãi can phạm trong nhà tù, chế độ giam giữ người tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền…

Vào thời điểm đó, những cuộc biểu tình công khai trên đường phố, đô thành Sài Gòn Gia Định như một bãi chiến trường, thường xuyên có những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh phản chiến chống chiến tranh, kêu gọi không đi Quân Sự Học Đường, rồi nào là giới báo chí đi “ăn mày,” rồi phong trào Phật Giáo xuống đường do Ni Sư Huỳnh Liên tổ chức.

Những cuộc biểu tình tổ chức công khai ở nhiều địa điểm khắp nơi trong thành phố, nhiều nhất là tập trung trên đường Cường Để, quận Nhất, Sài Gòn, nơi tập trung nhiều trường đại học như Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc và tại Đại Học Luật Khoa, Đại Học Khoa Học Sài Gòn, cùng những cơ sở tôn giáo khác.

Để tiếp cận và theo dõi phong trào do bà Ngô Bá Thành chủ trương, thực chất là do Cộng Sản núp bên trong giật dây điều khiển, Biệt Đội Thiên Nga đã cài rất nhiều nhân viên của mình xâm nhập vào các phong trào này, và người của Thiên Nga đã từng được các phong trào này chọn để giữ nhiều nhiệm vụ then chốt.

Riêng nữ ký giả Bạch Tuyết, thường có nhiều cuộc phỏng vấn bà Ngô Bá Thành (lúc đó là “chủ tịch Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống”), luôn bên cạnh bà Thành để phổ biến tin tức hoạt động của phong trào cho báo giới, nên tin tức lúc nào cũng chính xác.

Với sự tin tưởng tuyệt đối, nữ ký giả Bạch Tuyết luôn đồng hành và là cái loa phát thanh về mọi hoạt động của bà Thành, thậm chí bà được giao đánh máy những tài liệu quan trọng của các phong trào xã hội.

Sau thời gian thử thách, Thiên Nga Nguyễn Thị Bê được tin tưởng vì làm việc cẩn mật nên được cấp thẻ ký giả chính thức, từ đó nữ ký giả Bạch Tuyết có thể xâm nhập bất cứ nơi nào có phong trào tranh đấu chống chính phủ, có thể kết nối nhiều móc xích khác, thực hiện nhiều công tác nữa cho Biệt Đội.

Một số phong trào của Việt Cộng mà ký giả Bạch Tuyết đã xâm nhập vào được như Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn do sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch; Hội Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh do sinh viên Võ Như Lanh thân Cộng làm chủ tịch; Tổng Hội Trung Học Sài Gòn do Lê Văn Nuôi làm chủ tịch; Tịnh Xá Ngọc Phương ở Gò Vấp của Ni Sư Huỳnh Liên; chùa Ấn Quang ở đường Sư Vạn Hạnh, nhờ đó mà chính quyền Sài Gòn đã bẻ gãy nhiều âm mưu phá hoại của Việt Cộng dưới chiêu bài các phong trào dân chúng chống chính phủ.

Thiên Nga “Tư Hương” với chức vụ của Việt Cộng

Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngay tại thủ đô Sài Gòn, do Ni Sư Huỳnh Liên xách động và nhóm Phật Giáo Ấn Quang cầm đầu. Biệt Đội Thiên Nga đã gài được người nằm trong hai tổ chức tôn giáo này.

Bà Tư Hương, một nữ can phạm chính trị bị Cảnh Sát bắt giam, là cán bộ đặc công Việt Cộng nhưng không đủ gan dạ đặt chất nổ một cao ốc có người Mỹ cư ngụ trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn nên bà bị hạ tầng công tác xuống làm “binh vận.”

Sau này khi bà Tư Hương đồng ý hợp tác với phía Việt Nam Cộng Hòa với một điều kiện là chỉ làm việc với nữ nhân viên, chứ không làm việc với nam giới. Theo yêu cầu này, bà được điều động về Biệt Đội Thiên Nga, và đã báo cáo nhiều tin tức giá trị giúp Việt Nam Cộng Hòa phá vỡ nhiều hoạt động của Việt Cộng.

Với chức vụ  huyện đội trưởng huyện Gò Môn của Việt Cộng, Thiên Nga Tư Hương được triệu tập về họp tại mật khu Hố Bò, Củ Chi. Lần họp đó có rất nhiều huyện ủy ở nơi khác cùng về dự để nhận chỉ thị công tác cấp trên giao, Biệt Đội Thiên Nga được đề nghị gắn một máy phát tuyến trong đôi guốc gỗ của bà Tư Hương, để máy bay của Việt Nam Cộng Hòa có thể nhận được tín hiệu phát ra trong từng bước đi của bà, biết chính xác vị trí nơi họp mật mà thả bom tiêu diệt tất cả những người dự họp. Nhưng kế hoạch ấy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến người của Việt Nam Cộng Hòa nên không được thực hiện và bà đã báo cáo đầy đủ về nghị quyết ban hành cho các huyện ủy kỳ họp đó, gởi về Biệt Đội.

Thiên Nga Hà Thị Nhã với công tác Hải Âu

Thiên Nga Hà Thị Nhã sau khi đã xâm nhập được vào Hội Phụ Nữ Việt Nam và khối Phật Giáo Ấn Quang, Tịnh Xá Ngọc Phương của Ni Sư Huỳnh Liên, sau những ngày cùng tham gia biểu tình tuyệt thực trên đường phố, nếm mùi lựu đạn cay, dùi cui, cùng bị bắt bớ nên bà Nhã được tin cậy.

Bà được giao cho việc chở người già đi biểu tình, nhờ vậy bà đã bí mật chụp hình các nhân vật chủ chốt xách động, biết được địa điểm giờ giấc hoạt động của các nhóm này, giúp phá tan những âm mưu do Việt Cộng núp đằng sau giật dây.

Thiên Nga Hà Thị Nhã được móc nối vào Mật Khu Hố Bò, sau khi cân nhắc và đánh giá khả năng của bà, Biệt Đội quyết định thêm một bước công tác cho bà, tiếp tục đi sâu vào mật khu.

“Lúc vô mật khu học khóa hoạt động giao liên nội thành do Việt Cộng huấn luyện, chị Nhã cho biết Việt Cộng có đề cập đến và cảnh giác các khóa sinh về một tổ chức tình báo Sài Gòn đang hoạt động toàn nữ giới, đứng đầu là một phụ nữ trẻ đẹp có tài, có học và thông minh. Việt Cộng vẫn chưa biết rõ được danh tánh tổ chức tình báo ấy cũng như các nhân viên đang hoạt động. Tuy nhiên chúng xác định đây là một tổ chức tình báo rất nguy hiểm mà mọi người phải đề cao cảnh giác về mọi hoạt động của đội tình báo này để tránh lộ công tác và bị họ theo dõi,” bà Nguyễn Thanh Thủy kể.

Sau khóa học tình báo ở mật khu, Thiên Nga Hồ Thị Nhã được tin cậy giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ Việt Cộng từ mật khu về hoạt động nội thành, được tiếp cận với nhóm thân cộng của hai Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan và Linh Mục Chân Tín, chuyên in ấn các sách báo chống đối dựa theo bài viết do Việt Cộng cung cấp, chống sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, đòi trả tự do tù chính trị, đặc biệt là tù Côn Đảo. Ngoài ra bà còn cung cấp nhiều tin tức về cách thức hoạt động nội tuyến của phe phá hoại do nhóm Linh Mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan cầm đầu trong các hoạt động phản chiến của sinh viên, cung cấp thuốc men quần áo cho can phạm chính trị.

Thiên Nga Diệu Ngôn với công tác Hoàng Yến

Khi đã xâm nhập được vào hoạt động xã hội của bà Ngô Bá Thành, Thiên Nga Diệu Ngôn được làm việc với bà Nguyễn Thị Mạnh Quỳnh (Bôn Quỳnh), là vợ của một đại úy quân y Việt Nam Cộng Hòa, bà Quỳnh mượn uy tín của chồng chuyên đi phát thuốc trong những xóm lao động nghèo, nên ghi nhận được hết những cơ sở bà Quỳnh đã tiếp xúc, thực chất đó là những cơ sở Việt Cộng trong nội thành.

Sau đó bà Quỳnh thấy bị động nên giao cho Thiên Nga Diệu Ngôn thay mình trong những công tác xã hội nên chị Diệu Ngôn biết sâu thêm nhiều cơ sở của Việt Cộng, giúp phá vỡ nhiều ổ hoạt động nội thành. (Văn Lan) [qd]

Văn Lan/Người Việt

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/biet-doi-thien-nga-va-nhung-chien-cong-tham-lang-trong-cuoc-chien-viet-nam/




Quyết định lớn trong đời Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy

 

ANAHEIM, California (NV) – Trước ngày 30 Tháng Tư, nữ biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy trăn trở không ngủ được, lúc nào cũng suy nghĩ phải giải quyết như thế nào về nhân viên, hồ sơ, và gia đình, mặc dù gia đình bà được đi trong một chuyến tàu sang Mỹ lúc ấy.

Biệt Đội Thiên Nga gồm khoảng 30 người người thuộc “phái yếu” rất trẻ đẹp, ai cũng học giỏi và thông minh, tất cả mọi người đều có một tên chung là Thiên Nga, với công tác đặc biệt là bí mật xâm nhập vào hàng ngũ hạ tầng cơ sở Cộng Sản để thu thập tin tức.

Vào những ngày cuối cuộc chiến, vì còn kẹt một số hồ sơ mật, bà Thủy phải chờ lệnh trên thì mới tiêu hủy được. Chiều 28 Tháng Tư, 1975, có người tài xế của một ông trưởng đoàn đặc nhiệm tới nhà, cho biết sẽ đem xe tới đón cả gia đình bà đi Mỹ.

Bà Thủy kể, khi nhìn thấy cái thẻ của ông trưởng gởi người tài xế mang tới, bà biết ngay là đã tới tình trạng khẩn cấp rồi. Người nào nhận được thẻ này là biết ám lệnh đã tới giờ cuối cùng nhưng bà quyết định không đi, để trở vô Khối Đặc Biệt đốt hết tất cả hồ sơ. Nhờ vậy tất cả hồ sơ nhỏ lớn gì cũng mất sạch, không còn gì. Nhưng bà thì không vượt thoát được.

“Bọn Việt Cộng vào tới nơi tìm mãi cũng không thấy hồ sơ ở đâu, về sau này khi bị biệt giam, tôi mới biết bọn chúng đã để ý từ lâu. Với nhận xét người chỉ huy Biệt Đội Thiên Nga là một người phụ nữ trẻ đẹp, thông minh và học giỏi, chính tôi đã ở trong mục tiêu của kế hoạch ám sát khi tôi còn làm việc trước 1975,” bà Thủy kể.

Một Thiên Nga thứ hai hoạt động sau 1975: Phải chiến thắng kẻ thù

Ngay sau ngày 30 Tháng Tư, bà Thủy được lệnh tới Ủy Ban Quân Quản (văn phòng của Khối Đặc Biệt Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa) hằng ngày. Sau đó có giấy kêu bà đến trình diện tại trại Trương Quốc Dung (Tân Định, Sài Gòn), sau thời gian ở đó, họ chuyển bà sang trại Long Thành, rồi qua trại Thủ Đức.

Đến 1978, họ chuyển bà qua trại Z 30D, căn cứ 5 Rừng Lá, thuộc huyện Hàm Tân, Phan Thiết, tiếng lóng dân tù gọi là trại “Án Sầm,” do cán bộ cấp trung ương về điều tra, khai thác. Trong trại cũng có những thành phần “phản động” nhốt chung. Chủ đích những câu hỏi lúc đó là hỏi về hồ sơ của bà, gồm những công tác gì, tình báo viên trong mạng lưới của bà gồm những ai, hoạt động ra sao.

“Họ hỏi tôi về địa chỉ các nhân viên cộng tác, và luôn nhận được câu trả lời vì đường Sài Gòn quá nhiều ngõ hẻm, mỗi lần đi hoặc đến đều có người chở nên tôi không biết, hoặc số nhà tôi cho toàn số giả không có thật, hoặc bọn chúng chận đầu khi nói là tôi là người học trường Luật Sài Gòn chuyên đi vào cổng chính và ra bằng cổng sau,” bà Thủy nhớ lại.

Vì hồ sơ đã bị thiêu hủy hết, nên bà phải hóa thân ra một Thiên Nga khác, nhập vai vào một Thiên Nga mới để đối phó, dựa vào đó làm mục tiêu để trả lời những câu hỏi lúc bị biệt giam. Như vậy bà tuyệt đối phải nhớ những gì đã khai và nhất là không được quên những gì đã khai trước đó.

“Và cứ như thế, những câu trả lời của tôi trong những cuộc điều tra tại trại biệt giam theo đó mà biến ảo đến nỗi sau khi bị đưa về trung ương do Đại Tá Liễn (có lẽ là tên giả, người ngoài Bắc vô) điều tra, ông ta chìa ra một xấp những hồ sơ, tài liệu do tôi trả lời, và nói rằng những câu trả lời của tôi đều ‘lửng lơ con cá vàng,’ nghĩa là chẳng đi tới đâu, đọc mà không khai thác được gì,” bà Thủy cho biết.

Có lần Việt Cộng nghi ngờ lục lọi xét phòng, giũ hết quần áo chăn mền của bà để tìm tìm tài liệu cất giấu, nhưng “Hôm đó tôi có nhét tờ giấy nhỏ ghi chú vài điều vào trong gối và ngồi lên đó nên bọn chúng không tìm được gì. Nếu chúng cứ xét như vậy, thế nào cũng có ngày bị lộ nên tôi không ghi vô giấy nữa mà học thuộc lòng, làm sao thiếu hơn là dư, thiếu còn khai thêm được nhưng dư rất nguy hiểm, thế là kịch bản được học thuộc lòng và trả bài được kéo dài trong suốt 10 năm ở trại Z30D, sao cho khớp với tinh thần của một Thiên Nga mới,” bà Thủy kể.

“Trong những lần hỏi cung, bọn chúng thường giáo đầu bằng câu ‘với chính sách khoan hồng của nhà nước, nên thành khẩn khai báo, cách mạng sẽ khoan hồng’ nhưng trong những lần đó, tôi không cần biết người hỏi cung mình là ai, cấp bậc gì, chỉ biết đó là kẻ thù, và mình phải chiến thắng kẻ thù. Nhất là tránh việc bọn chúng dùng tình cảm để khai thác mình, nếu yếu lòng sẽ bị lộ. Cấp như chúng tôi, bọn nó không đánh đập, thường để cho nói cái gì cũng được, cấm nói đến Tết Mậu Thân vì chúng bị thua cay trong trận ấy khi nắm chắc phần thắng, để tấn công bất ngờ vào miền Nam,” bà Thủy nói.

Tuy hồ sơ tại Khối Đặc Biệt đã bị bà thiêu hủy hết sạch, nhưng có vài hồ sơ ở các nơi khác chưa kịp tiêu hủy nên bị lọt ra ngoài. Trong một lần hỏi cung ngay tại phòng của ông trưởng khối đặc biệt cũ tại Tổng Nha Cảnh Sát, gồm năm người phụ trách, Việt Cộng đưa những lời khai của bà, dụ dỗ bà nếu chịu hợp tác khai hết về Thiên Nga sẽ được thả về lo cho con.

“Đằng đẵng 10 năm ở tù, cho ra rồi bị đưa trở lại mấy lần ở trại Z30D, đây là lần đầu tiên nghe nhắc đến con, cổ họng tôi nghẹn đắng. Lúc đó tình mẹ trỗi dậy mãnh liệt trong lòng bởi khi tôi vô tù thì ba đứa con còn nhỏ, một đứa 4 tuổi, đứa 5 và đứa lớn 7 tuổi, phải đưa về Mỹ Tho gởi bà ngoại nuôi. Nỗi nhớ con mãnh liệt dâng tràn khiến cổ họng nghẹn cứng, tôi phải giả vờ suy nghĩ hồi lâu để bình tĩnh, bèn hỏi lại muốn tôi hợp tác bằng cách nào cứ nói thẳng ra, đừng đem con tôi ra rào đón nữa,”
bà Thủy kể tiếp.

Chuyển trại tù liên tục

Bà kể, ở trại Z30D, bà mắc bệnh kinh hoàng là sốt rét rừng, tưởng phải bỏ mạng. Có lần vào dịp Tết tù nổi dậy chống đối, sau đó bị phân tán ra nhiều nhóm đổi về Chí Hòa, nhóm ra miền Trung. “Còn ở trại Long Thành lúc mới vô trại, vấn đề vệ sinh thật là rắc rối và kinh khủng cho phái nữ vào những tháng mùa mưa dầm, khi con dòi (tù gọi là ‘thằng mập’) bò lổn nhổn khắp nơi, ai cũng mắc bệnh tiêu chảy liên miên,” bà nhớ lại.

“Lúc đó tôi còn ở chung với tù hình sự, nước là vấn đề cần thiết nhất, mỗi người một ngày chỉ được một lon gô nước, ăn uống sinh hoạt tắm rửa tùy thích! Trồng rau phải tưới bằng nước tiểu và phân người, thời gian đó tất cả người tù đều mắc bệnh sán lãi, ai cũng xanh mét. Người tù bị mắc bệnh sốt rét, lao phổi, dịch tả, riêng tôi bị sốt rét rừng trầm trọng, lại thêm đau bao tử tưởng đâu bỏ mạng trong tù rồi!” bà kể tiếp.

“Thời điểm đó người dân cả nước đều ăn bo bo thì người tù làm gì có cái ăn, chỉ có khoai mì mốc xanh, phải ráng nuốt để sống. Hoặc mì sợi luộc lên, tôi nhận phần chia thức ăn cho tù, có ngày phải vớt ra một con chuột cống bỏ thùng rác không nói gì, cả đội đều ăn hết không ai biết,” bà Thủy nhớ lại.

Năm 1980, có lần bà Thủy bị đưa về trại của Bộ Công An (Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia trước đây) đề điều tra trong bốn tháng sau khi có thêm hồ sơ về bà. Bà bị nhốt vô đó riêng biệt mỗi người một phòng, bịt kín không có máy hút nhiệt và người tù đi phát thức ăn không được mặc áo chỉ mặc quần đùi, bị cấm nói chuyện với bất cứ ai, chỉ có cán bộ mới được nói chuyện. Thức ăn để bên ngoài và người tù phải thò tay ra khỏi song sắt để lấy, phải ăn bốc bằng tay.

“Chỉ có tôi là bị điều tra nhiều nhất, ngoài ra những người khác được yên thân. Những người tù ‘phản động’ bị tra tấn ở đâu đó, khi đưa về có người bị dập nát ngón chân, hoặc có một chị bị đánh gãy cổ, vì chị ấy bị thêm tội ‘phục quốc,’ nhưng lúc đó Việt Cộng không biết chị ấy là Thiên Nga,
” bà Thủy kể tiếp.

Năm 1975 bà bị tù ở Long Thành, năm 1976 qua trại Thủ Đức, năm 1978 sang trại Z30D, rồi trở về trại Long Thành lần thứ hai. Năm 1984 bà trở lại trại Z30D và ở đó đến năm 1988 khi về nhà. Tổng cộng người biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga trải qua 13 năm lao tù Cộng Sản.

Ra tù sau 13 năm

Sau 13 năm ở tù Cộng Sản, năm 1988 khi về lại xã hội bà phải đối diện với nhiều khó khăn khi nhà cửa bị tịch thu mất hết, không có giấy tờ hợp pháp. Cuối cùng, bà Nguyễn Thanh Thủy lập một chỗ bán cà phê lề đường hẻm Trương Quyền, Quận Nhất, gần bánh mì ông Lý Toét. Nhờ ơn trên mà quán nhỏ lề đường rất đắt khách, còn mua bán thêm món ăn sáng, nhờ vậy bà cũng tạm sống qua ngày.

 

Bán quán lề đường, 1991



Bà Thủy cho biết: “Đến một hôm, có một chị đến quán tôi hỏi thăm, sau khi xưng tên, tôi và chị ấy qua chỗ vắng hơn để hỏi lại cho kỹ mới biết chị ấy là Thiên Nga Cẩm Vân, đã phá vỡ 10 ổ giao liên của Việt Cộng, bị kêu án tử hình từ sau 1975, nhưng chị đã đổi chổ ở nhiều lần nên không bị bắt.”

“Với tư cách là Thiếu Tá Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, tôi bèn viết tay chứng nhận để giúp chị ấy làm hồ sơ đi qua Mỹ, vì tất cả chúng tôi đều có hồ sơ cá nhân được người Mỹ đem về nước từ 1972. Vấn đề khó là làm sao gởi hồ sơ để chị ấy được đi, không gởi qua bưu điện vì sẽ bị lộ, sẽ bị Việt Cộng làm khó dễ không cho đi. Không ngờ tháng sau, chị ấy được mời đến Sở Công An phỏng vấn bổ túc hồ sơ, hiện nay chị ấy đang định cư ở Mỹ,” bà cười tươi.

Tháng Mười Một, 1992, bà được qua Mỹ.
 


Gia đình đoàn tụ tại Hoa Kỳ, từ phải, bà Nguyễn Thanh Thủy cùng phu quân, ông Lê Thành Long; con trai Lê Long Quân, kỹ sư điện toán, cựu quân nhân Không Vận thuộc Binh Chủng Không Quân Hoa Kỳ; con gái Lê Thủy Tiên. (Hình chụp lại: Văn Lan/Người Việt)

Nỗi nhớ về thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở quê nhà

Bà Thủy kể: “Khi sang Mỹ nhờ bà chủ tiệm bánh mì Cali là em gái của anh Nguyễn Kim Hùng, bạn học cùng khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt năm xưa, giúp tôi có việc làm trong tiệm. Sau 10 giờ đêm hết giờ bán, hai mẹ con tôi qua làm cho tiệm giặt ở Costa Mesa đến 2 giờ sáng mới về tới nhà. Nghỉ chút xíu sáng mẹ lại đi bán chè Cali, con trai tiếp tục đi học. Cũng nhờ có tay mua bán, sau đó tôi làm chủ tiệm bán bánh mì ăn sáng ở Tiệm Thiên Nga Deli, góc đường Heil và Brookhurst cũng rất đắt khách. Cứ thế làm suốt bao nhiêu năm trời mới có đủ tiền để trả nợ mượn trước khi đi Mỹ, phần cũng nhín chút gởi về nuôi mẹ già bệnh tật và người em thương phế binh ở quê nhà.”

“Lúc bán quán ngoài lề đường sau khi ra tù, những khi bán không hết bánh cuốn, hai vợ chồng tôi ngồi ăn thay buổi cơm chiều. Thấy người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngồi lết trên hai chiếc ghế gỗ đi bán vé số, chúng tôi đều mời họ lại ăn chung. Cùng chia sẻ tình đồng đội lúc gian khổ thôi, chứ chúng tôi cũng có dư dả gì đâu!” bà Thủy bồi hồi xúc động kể.

“Khi qua Mỹ, người đầu tiên đón tôi là bà Hạnh Nhơn, vì chúng tôi cùng ở tù trại Z30D ở Hàm Tân sau 1975. Sau đó bà Hạnh Nhơn có mời tôi giúp công việc ở Hội Thương Phế Binh mà bà là hội trưởng. Lúc đó tôi bận quá nhiều việc để kiếm sống, nên chỉ nhận giúp trông coi có hồ sơ nào cần giúp sẽ đem tới cho hội. Cho tới năm 2003 tôi mới có thì giờ rảnh để giúp Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh cho đến ngày hôm nay,” bà Thủy kể.

Nói về ước mơ nhỏ nhất hiện nay, nữ biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “Thời gian tôi bán cà phê ngoài lề đường là dịp tiếp xúc nhiều nhất với người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và rất cảm thông cho số phận nghiệt ngã của họ, đã hy sinh cả thân mình cho công cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam thân yêu, hiện đang vất vưởng bên lề cuộc sống. Tôi ao ước năm nào cũng có đủ tiền để giúp đỡ thương phế binh ở quê nhà luôn sống trong nỗi khắc khoải đợi chờ. Tôi mong rằng chúng ta, những người may mắn ở Mỹ, nhất là những cựu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, lúc nào cũng nhớ về họ, chia sẻ chút tình đồng đội khi cùng chiến đấu chống Cộng Sản để mang lại thanh bình cho đất nước, nhưng tiếc thay ước mơ vẫn chưa thành!” (Văn Lan) [qd]



Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy sinh năm 1943 tại Mỹ Tho.

Cựu sinh viên Dược Khoa Đại Học Sài Gòn.

Cựu sinh viên phân khoa Chánh Trị Kinh Doanh Khóa 1 và Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Đà Lạt.

Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 1 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa.

Cấp bậc Thiếu Tá, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga thuộc Khối Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa.

Huy chương: Đệ Tam Đẳng Chiến Công Bội Tinh, Đệ Nhị Đẳng Danh Dự Bội Tinh.

Sau năm 1975 đi tù Cộng Sản 13 năm.

Định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ năm 1992.

Kế nhiệm hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa.

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/quyet-dinh-lon-trong-doi-thien-nga-nguyen-thanh-thuy/


Văn Lan/Người Việt



Câu chuyện Biệt Đội Trưởng Tình Báo Thiên Nga


WESTMINSTER (NV) - Tôi không nhớ chính xác đã nghe đến cụm từ “biệt đội Thiên Nga” từ lúc nào. Chỉ biết rằng, hình ảnh những người con gái, những người phụ nữ từng là “tình báo Thiên Nga” mà tôi được đọc, được xem qua phim ảnh, sách báo, luôn để lại trong tôi dấu ấn khá đậm.

Cũng không biết vì lý do gì. Có thể là sự ngưỡng mộ. Cũng có thể là sự tò mò. Những gì tôi được nghe về họ, cứ như một huyền thoại.

Tôi không biết chính xác lý do.

Cho đến một buổi chiều, suốt một buổi chiều, tôi ngồi nghe một cựu tình báo kể chuyện nghề, chuyện đời của một “Thiên Nga,” tôi bỗng vỡ ra nhiều điều.

Chân dung một tình báo đã trở nên “đời” hơn rất nhiều qua những lời kể của cô, cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga.

Cái nghề là cái nghiệp

Xuất thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng cảnh sát, thế nhưng, hình ảnh nữ y tá duy nhất, Genevieve de Galard, người Pháp, “còn trẻ măng, chưa có gia đình” tham gia trong chiến tranh Điện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi.

“Tôi thích đi lính từ đó,” cô kể.

Sau khi đỗ tú tài 2 ở trường trung học Mỹ Tho, Thủy không thể theo học Đại Học Dược bởi lý do sức khỏe. Thay vào đó, Thủy chọn trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, và trường Sư Phạm Công Giáo.

Tuy nhiên, khi sắp sửa tốt nghiệp thì bên cảnh sát tuyển “sinh viên sĩ quan.” “Vậy là tôi ghi tên dự thi. Lúc đó tôi 21 tuổi.” Cựu thiếu tá tình báo tiếp tục.

Bỏ ngang chuyện học ở Đà Lạt, đầu năm 1966, Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.

Sau một năm huấn luyện, người ta muốn chọn ra năm trong số 18 cô gái được tuyển vào chương trình “biên tập viên cảnh sát” (tức những người phải có bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào “khối đặc biệt.” Tuy nhiên, không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy.

“Thế là, Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia khi đó, ra lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối đặc biệt.” Cô nhớ lại.

Sau khóa huấn luyện đặc biệt, “Biệt Đội Thiên Nga” được thành lập vào tháng 8, 1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên.

Và, Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những “thiên nga” đầu tiên.

Năm 1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng đội nữ tình báo cho đến ngày bị bắt vào tháng 5, 1975.

Biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga năm xưa chậm rãi nhận xét: “Tên tôi, số phận tôi gắn liền với Biệt Đội Thiên Nga nên tôi mới lãnh 13 năm tù và không ít lần tưởng mình khó thoát được lưỡi tử thần trong thời gian đó. Nhưng nếu chọn lại, tôi vẫn chọn làm tình báo bởi cho dù có những lúc khó khăn, cô độc, nhưng đây là nghề luôn luôn mới, công việc ngày hôm nay không hề giống nhau ngày hôm qua.”

'Không nói thật, không bạn bè, không chia sẻ'

Nghe đội trưởng “Biệt Đội Thiên Nga” kể lại những năm tháng hoạt động của mình, những cách thức tìm hiểu, móc nối, tiếp xúc, đối đầu, xây dựng, tổ chức cả một mạng lưới tình báo “thiên nga” ở khắp mọi nơi, tôi khẽ hỏi: “Làm công việc này, cô có thấy mình đã phải có một sự đánh đổi lớn không?”

Sau vài giây im lặng, cô nói: “Thì đánh đổi cho đến ngày ba tôi mất, năm 1986, lúc tôi còn ở tù, tôi cũng chưa nói rõ ràng với ba tôi là tôi làm cái gì.”

Dường như niềm u uẩn được gợi ra quá bất ngờ, sau một thoáng tư lự, người phụ nữ mà tên tuổi một thời là mối âu lo của kẻ thù, là sự ngưỡng mộ của nhiều người, chậm rãi kể về những tâm tư chưa từng giãi bày bằng giọng run run.

Không ai trong gia đình, kể cả chồng cô, biết Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy là một “thiên nga,” và hơn thế nữa, là người chỉ huy của những nữ tình báo trong biệt đội “Thiên Nga.”

Người cha, một thầy giáo dạy học, chỉ biết con mình là một thiếu tá cảnh sát.

Người chồng, một sĩ quan xuất thân Võ Bị Đà Lạt, chỉ biết vợ mình làm ở khối đặc biệt nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì.

Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở trường trung học cảnh sát Trung Thu.

Ngoài một số bạn học cùng khóa huấn luyện sĩ quan cảnh sát đặc biệt, và cùng ở chung đội “Thiên Nga,” không mấy ai biết Nguyễn Thanh Thủy là “tình báo,” bởi “nếu nói ra tôi sẽ mất bạn bè. Chỉ nghe nói cảnh sát họ đã sợ rồi chứ đừng nói gì là cảnh sát đặc biệt.”

Chính vì tính chất đặc biệt của nghề, người phụ nữ này dường như không bao giờ thoát khỏi áp lực nặng nề của một con người luôn phải sống trong sự khép kín, không bao giờ được nói thật, và không bao giờ có thể tìm được sự chia sẻ, đồng cảm.

Bởi, rất đơn giản: tình báo là nghề không có quyền tâm sự về công việc của mình, không bộc lộ được tình cảm của mình.

Chia sẻ những “oan ức” này, cô Hà Thị Đông Nga, trung úy Cảnh Sát, xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, và cũng là một cựu “Thiên Nga,” kể rằng: “Ngoài những khó khăn nguy hiểm, người làm công việc tình báo còn phải hy sinh cả tình cảm gia đình và tình cảm cá nhân. Những thiên nga hầu hết đều ở tuổi mười mấy, hai mươi mấy, ai cũng có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác dồn tới, hoặc mình chưa ra khỏi được điểm mục tiêu, làm sao giữ được hẹn? Mà nghề tình báo đâu chỉ một ngày một bữa, đó là công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12 giờ đêm có thể là 1, 2 giờ sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?”

Trung Úy Đông Nga, tức xướng ngôn viên Hồng Nga nhiều năm làm việc tại đài phát thanh VNCR, tâm sự rằng: “Cay đắng nhất, đôi khi tình cảm gãy đổ mà mình mang một tiếng oan rất nhục nhã. Đôi khi công tác đòi hỏi mình đóng vai một người ăn chơi trong vũ trường. Mới buổi sáng mình gặp người yêu trong tư cách là một sinh viên ngoan hiền. Đột nhiên buổi tối, người yêu nhìn thấy mình ăn mặc rất 'sexy' từ trong vũ trường bước ra. Tình huống đó trả lời sao đây? Họ sẽ cho mình là người lừa dối, hai mặt. Nhưng vì công tác, không nói được, mình chỉ biết ngậm ngùi chia tay.”

Trở lại với Biệt Đội Trưởng Thanh Thủy, cô nói: “Tôi bị đau đầu. Công việc lúc nào cũng mới mẻ. An ninh xã hội cứ biến chuyển, nên cứ phải suy nghĩ hôm nay đặt chương trình này như thế nào, ngày mai giao công việc cho cho người khác ra làm sao.

Chồng tôi làm việc ở xa, mà tôi cũng không thể nói với chồng. Tôi lại phải lo nhà, lo con.

Có nhiều lúc chồng tôi từ Đà Lạt về bất chợt, nhưng ngày giờ hẹn với tình báo viên từ trong mật khu ra đã có rồi nên đúng ngày giờ tôi phải đi thôi.

Có nhiều khi từ cơ quan về nhà, cả đêm tôi không ngủ được. Ngày mai tôi sẽ tiếp xúc với một cán bộ cao cấp của đối phương. Tôi không biết mình phải nói cái gì, hỏi cái gì, làm như thế nào để họ chịu nói chuyện và cộng tác với tôi, bởi nếu tôi không khéo léo, tôi sẽ mất một đầu mối... Những lo lắng đó, tôi không thể nói được với bất kỳ ai.”


Cũng như một lẽ thông thường, “nói ra những điều để đề nghị khen thưởng, thăng cấp cho cấp dưới dễ bao nhiêu thì khi nói đến chuyện tình cảm lại khó bấy nhiêu.”

Người đội trưởng đội tình báo còn rất trẻ khi đó chia sẻ tiếp:

“Vì công tác, có khi mình phải dùng người của mình tạo tình cảm với đối phương để lấy tin tức. Thế nhưng khi thấy họ bắt đầu có cảm tình với nhau rồi thì mình lại phải yêu cầu người của mình dừng lại, bởi nếu không, sợ cổ sa lầy thì lại nguy hiểm. Lúc đó, thấy rất tội nghiệp, mình là người hướng dẫn họ cách tạo tình cảm, yêu cầu họ phải làm vì công tác. Bây giờ mình lại ngăn cản, chia cắt họ. Thấy tội nghiệp nhưng mình cũng đâu thể nói ra điều đó được.”


“Những điều như vậy cứ khiến mình suy nghĩ. Những điều như vậy, mình biết nói với ai.” Người phụ nữ giàu tình cảm nhưng lại phải sử dụng lý trí để giải quyết những tình huống đó thoáng trầm ngâm.

Cũng vì tính chất đặc thù của nghề tình báo là như vậy, nên “Thiên Nga” Nguyễn Thanh Thủy, người phụ nữ duy nhất mang cấp bậc thiếu tá của khối cảnh sát đặc biệt, đã khuyên con trai mình “nên chọn nghề khác” sau khi nghe con nói ý định theo nghề của mẹ: “Con hãy chọn nghề gì mà có thể nói ra cho anh em vợ con nghe được thì sẽ dễ hơn, chứ tình báo là nghề nghiệp không rõ ràng, cái gì cũng phải giấu diếm, mệt lắm.”

Người đốt hồ sơ Thiên Nga

13 năm tù là thời gian Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy phải trả cho chức vụ “đội trưởng biệt đội Thiên Nga” của mình.

13 năm đó là thời gian đứa con trai đầu của cô bước chân vào trường học và tốt nghiệp lớp 12 mà hoàn toàn không có bóng dáng yêu thương, vỗ về dạy dỗ của người mẹ. Và đứa con trai cũng chỉ thực sự biết mẹ mình là một “tình báo cao cấp” khi báo chí trong nước đưa tin và lý lịch vào đại học của anh bị “bôi đen.”

13 năm đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật của cô thiếu hẳn hơi ấm người mẹ, phải lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của cha, khi ông trở về từ “trại cải tạo” sau hơn sáu năm bị giam mình.

Tôi im lặng lắng nghe, và quan sát người phụ nữ đang nói chuyện với mình.

Tôi hỏi: “Cuộc sống trong tù của cô có khác gì hơn so với những người khác không, khi mang tiếng là đội trưởng biệt đội Thiên Nga?”

“Khắc nghiệt hơn.” Giọng người phụ nữ miền Tây chậm rãi đáp: “Tôi bị giam một mình, cách ly hơn một năm để thẩm vấn từ tháng 10, 1975 đến tháng 12, 1976. Năm 1981, tôi lại bị biệt giam trong phòng tối ở cơ quan X4 hơn bốn tháng.”

Bảy mươi mấy lần Thiếu Tá Thủy bị hỏi cung chỉ vì phía Việt Cộng “không tìm ra được tài liệu hồ sơ Thiên Nga.”

Đối phương cứ quanh đi quẩn lại điên tiết nhiều lần với câu hỏi: “Tại sao làm nghề này mà chỉ có nhân viên chính thức thôi mà không có mật báo viên. Không có tình báo viên thì thật là vô lý!”

Để có được điều “vô lý” mà Việt Cộng khó lòng truy tìm ra được tất cả những người phụ nữ đã tham gia vào biệt đội “Thiên Nga” là bởi “ngày 29 tháng 4, 1975, chính tay tôi đã đốt toàn bộ hồ sơ, cho nên chúng không còn cái gì để mà kiểm chứng.” Người đội trưởng tiết lộ.

Thiếu Tá Thủy tiếp tục câu chuyện năm xưa. Cô cho biết, trong cơn tranh tối tranh sáng, cô đã “không ngủ được cả tuần lễ để quyết định về đội của mình, làm như thế nào để bảo toàn được bí mật.”

Cách mà đội trưởng tình báo chọn là “hủy hồ sơ trước khi mấy cô này có thể bị bắt.”

Cô lý luận: “Tôi là người biết hết mọi người, tôi lại không nói bất kỳ chuyện gì với ai, thành ra khi tài liệu bị đốt hết, mấy cô muốn khai thế nào thì khai, không có tài liệu để đối chất, nên điều đó vừa đỡ cho các chị, vừa đỡ cho tôi. Bởi tôi muốn khai gì tôi khai, tôi muốn giấu nhẹm chuyện gì là tôi giấu. Họ không nắm được bí số, ám danh của tất cả những người đó, các cộng tác viên, tình báo viên cũng vì thế mà không biết đâu mà soi ra, đối chất lại với các cán bộ điều khiển của họ.”

Làm được điều đó, đội trường biệt đội ‘Thiên Nga” cảm thấy an lòng.

Trở về với đời thường

 Qua những khóa huấn luyện, những ngày tháng nghiên cứu hồ sơ, cùng những trải nghiệm của chính mình, người chỉ huy tình báo “Thiên Nga” chậm rãi nói về cuộc đời, về những thật giả của công việc một người làm tình báo mà vì những phức tạp của nghề nên khi có sự đảo chánh, hay bất cứ sự thay đổi nào, mình phải chấp nhận cảnh đi tù vì những âm mưu chính trị chung.

“Mình làm mình chịu. Tôi làm hết với lương tâm và trách nhiệm với công việc, và chấp nhận sự phán xét theo pháp luật của mỗi thời cuộc. Còn thì ngoài ra, tất cả đều là con người với nhau.”

Tôi nghe tiếp câu chuyện của người sĩ quan tình báo năm nào sau khi ở tù ra, trở về nhìn ba đứa con xơ xác trong ngày 29 Tết.

Tôi nghe tiếp câu chuyện của người đội trường biệt đội Thiên Nga năm nào quăng mình vào chốn nhân gian mà mưu sinh qua từng bữa mua vay buổi sáng trả lãi buổi chiều.

Tôi nghe tiếp câu chuyện của Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cùng quán cóc cà phê trở thành tụ điểm của những người sĩ quan xưa, đến tìm sự giúp đỡ bổ túc thêm hồ sơ đi Mỹ.

Và, tôi nghe tiếp câu chuyện của người tị nạn H.O bươn chải trong những ngày đầu đặt chân lên xứ người.

Tư chất của một người tình báo sẵn sàng ẩn mình dưới nhiều vỏ bọc khác nhau đã giúp người đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga khả năng hòa nhập và chấp nhận cuộc sống, dù như thế nào.

Chiến tranh đã qua đi. Quá khứ dần khép lại. Nhưng câu chuyện về thân phận những người đã dự phần trong những biến động lịch sử, nhất là những người làm công tác tình báo, như Biệt Đội Thiên Nga, vẫn có điều khiến lòng người day dứt.

“Nhìn lại thấy đời sao lăn lóc quá.” Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy kết luận bằng gương mặt mang nhiều tâm trạng.

Biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga cười buồn: “Ông xã tôi nói sao tôi nặng nợ với thế gian này nhiều quá!”

Âu rằng, đó cũng là tâm trạng chung của những “thiên nga” ngày xưa. Lăn lóc là vậy, nặng nợ là vậy, nhưng họ mang đầy trong lòng niềm tự hào, như lời tâm sự của Đông Nga, tức Hồng Nga: “Không có gì hối hận, vì đằng sau những vẻ chân yếu tay mềm, những dị nghị đắng cay, mình phải gồng gánh biết bao trách nhiệm nặng nề để đạt được mục tiêu lý tưởng của mình. Đó là điều hãnh diện.”

Ngọc Lan/Người Việt

21-07-2010

https://hung-viet.org/a823/cau-chuyen-biet-doi-truong-tinh-bao-thien-nga


No comments:

Post a Comment