Có thể nói không quá là chiến dịch đánh tư sản đang xảy ra tại Trung Quốc. Nhiều người giàu có đang bị tội, nhiều công ty lớn bị trừng phạt. Đánh tư sản có nghĩa là những người có quyền lực bằng vũ lực muốn tiêu diệt thế lực của những người có quyền lực bằng tiền bạc.
Giới nhà giàu ở Trung Quốc bị vua quan đàn áp đã thường xảy ra trong lịch sử. Khi Trung Hoa phát triển đến mức nào đó dân số gia tăng. Khi dân số gia tăng thì xuất hiện các thành thị đông đúc với sự buôn bán sầm uất. Trong lịch sử Trung Quốc đã có những thành gọi là "Bất Dạ Thành", nghĩa là thành không có ban đêm. Ngay cả ban đêm vẫn có người đi ăn uống, mua sắm, nhiều cửa hàng vẫn mở cửa. Điều này cũng thấy tại một số thành phố trên thế giới ngày nay. Đó là những thành phố có thế giới về đêm. Ban đêm vẫn có những sinh hoạt nhộn nhịp, nhiều người đi chơi, ăn uống, giải trí, mua bán. Khi dân số đông đúc, hoạt động buôn bán gia tăng thì có những người buôn bán giỏi, trở nên giàu có. Đồng tiền cũng sinh ra quyền lực. Vì thế người ta nói "Nén bạc đâm toạc tờ giấy" hoặc "Đa kim ngân, phá luật lệ". Những người giàu có trở thành thế lực có thể khuynh đảo được vua quan .
Trong lịch sử Trung Hoa có những giai đoạn nhà vua hạn chế số người kinh doanh, buôn bán vì cho rằng ai cũng ham lợi đi buôn thì không còn ai cầy ruộng, thì nước sẽ đói. Nhưng cũng có những ông vua, ông quan thấy có những thương gia quá giàu có, có thế lực nên muốn triệt hạ, viện cớ người đó nói câu gì đó hay làm bài thơ gì đó mà vu cho tội phản nghịch đem chém đầu, tịch thu tài sản.
Trong hàng ngàn năm tồn tại, các triều đại ở Trung Hoa luôn luôn trung thành với nguyên tắc của Pháp Gia Thương Ưởng là "Cành không được nặng hơn cây". Nghĩa là nhà vua không để cho trong dân có kẻ có quyền lực mạnh hơn nhà vua. Vì thế khi nhà vua thấy có những người giàu có có thể làm khuynh đảo quyền lực của mình thì tìm cách triệt hạ. Nhà vua kiếm cớ này, cớ kia để mà triệt hạ chứ không nhất thiết là người đó phải phạm luật. Cái tội thật sự là dám có quyền lực vượt nhà vua. Có sử gia Tây Phương đặt dấu hỏi tại sao từ thời nhà Minh, Trung Hoa đã có thành với dân số hơn một triệu dân, với sự tập trung dân như vậy thì sẽ có các hoạt động buôn bán và sinh ra giới thương gia giàu có . Như vậy là có đủ điều kiện để trở thành chế độ tư bản mà sao điều đó không xảy ra. Trung Hoa không thể trở thành chế độ tư bản được là vì các ông vua Trung Hoa theo đúng nguyên tắc của Thương Ưởng, không để cho cành được nặng hơn cây. Các ông vua tìm cách triệt hạ những ai quá giàu có.
Việc Tập Cận Bình triệt hạ giới nhà giàu có thể gọi là phe đảng đánh phe kinh doanh. Nhưng cũng có thể gọi là phe có quyền lực bằng vũ lực đánh phe có quyền lực bằng tiền bạc.
Như vậy, nước Anh trở thành một nước tư bản chẳng qua là vì vua Anh kém cỏi, để cho cành nặng hơn cây, để cho dân có quyền lực hơn vua. Nhà vua Anh phải nhượng bộ sự đòi hỏi của nhà giàu, phải làm ra luật pháp sao cho nhà giàu kinh doanh được thuận lợi, làm ra các đường xá, cầu cống sao cho nhà giàu chuyên chở hàng hóa cho mau chóng, tiện lợi, không được đánh thuế nhà giàu quá nặng mà chỉ đánh thuế ở mức nào đó mà thôi để nhà giàu có thể kiếm tiền để làm giàu thêm mãi.
Nhưng
nếu nước Anh trở thành một nước tư bản chỉ vì sự vụng dại của vua Anh
thì tại sao các nước tại Châu Âu lại theo nhau trở thành tư bản còn các
vương triều thì lại thua các nước tư bản để các vương triều ngày càng
suy yếu và hiếm hoi ở trên thế giới? Chỉ có thể trả lời là kinh tế là
thứ rất phức tạp, biến đổi luôn luôn, chính quyền ở trên khó mà biết
được sự biến chuyển của kinh tế mà đề ra các luật lệ, biện pháp cho phù
hợp . Vì vậy tầng lớp nhà giàu bầu người vào quốc hội, lập ra các đoàn
đi gặp nhà vua để nói cho vua biết yêu cầu kinh doanh của mình để vua
thay đổi luật lệ, qui định cho việc kinh doanh sao cho thuận lợi . Còn
vua chuyên quyền tự cho mình có quyền ra luật lệ, bất chấp thực tế của
nền kinh tế, bất chấp quyền lợi của người kinh doanh thì có thể gây trở
ngại cho nền kinh tế . Vì thế các nước để cho nhà giàu được có đại diện
trong quốc hội, được có tiếng nói thì có nền kinh tế phát triển, giàu
mạnh hơn các nước mà các ông vua chỉ thích chinh chiến, bắt dân đóng góp
tiền của để mua vũ khí, bất chấp việc làm của mình gây hại cho nền kinh
tế . Thời xưa, người Trung Hoa có câu: "Thiên hạ là con vật thần, để tự
nhiên thì nó sống, đụng đến nó thì nó chết". Trong lịch sử Trung Hoa đã có Vương Mãng và Vương An Thạch có ý định thay đổi nền kinh tế, can
thiệp vào nền kinh tế rốt cuộc gây cho kinh tế rối loạn, nạn lạm phát
gia tăng. Đó là vì những nhà cải cách đó không biết rõ các qui luật về
kinh tế. Các vua Anh cũng dốt về kinh tế, nhưng các nhà kinh doanh luôn luôn xin nhà vua làm cho điều này, điều kia, các luật lệ về kinh tế, thuế má phải do các dân biểu, trong đó có người đại diện cho vua và có người đại diện cho giới kinh doanh cùng nhau duyệt xét. Nhờ thế mà kinh tế nước Anh có thể đi lên mà không gặp rắc rối như khi các nhà cải cách của Trung Hoa xen vào kinh tế.
Cuộc tranh hùng giữa một bên là Mỹ và các nước Châu Âu còn bên kia là Nga và Trung Quốc là cuộc tranh hùng giữa một bên là những người kinh doanh có quyền lực nhờ đồng tiền và bên kia là những người nắm quyền lực nhờ vũ lực. Trung Quốc đã có một thời có kinh tế phát triển nhanh nhờ những người cải cách theo tư tưởng Đặng Tiểu Bình, giữ cho nền kinh tế theo sát các qui luật kinh tế thị trường. Với việc Tập Cận Bình lên cầm quyền thì từ mười năm nay, Tập Cận Bình không còn làm theo qui luật kinh tế thị trường nữa mà đặt các mục tiêu chính trị lên trên hết, bắt kinh tế phải hy sinh cho chính trị. Nền kinh tế Trung Quốc bị chậm lại một phần do các việc làm của Tập Cận Bình chứ không phải cho do Covid và do tình hình chiến tranh tại Ukraine. Với việc các nước tư bản Tây Phương rút ra dần khỏi Trung Quốc để đầu tư vào các nước bạn của mình, thế trận giữa phe dùng sức mạnh đồng tiền và phe dùng sức mạnh vũ lực đã dàn ra. Phen này ai sẽ thắng ai?
Minh Đức
2023.11.11
No comments:
Post a Comment