Saturday, December 2, 2023

Tuệ Sỹ - ánh tà dương của một thời đại


“Cọng lau gầy gánh nặng ánh tà dương” – trong thơ, thiền sư Tuệ Sỹ tự coi mình như một cọng lau gầy. Nhưng khi nằm xuống, cọng lau gầy ấy đã làm “chấn động cả đại ngàn” như nhận xét của một người viết trong nước. Quả thật, sự viên tịch của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ ngày 24 Tháng Mười Một vừa qua đã gây cảm xúc mạnh cho rất nhiều người Việt cả trong và ngoài giáo hội Phật Giáo.

 

Theo chương trình tang lễ do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất công bố, hôm Thứ Bảy, 29 Tháng Mười Một, nhục thân của Hòa Thượng Tuệ Sỹ sẽ được trà tỳ (hỏa thiêu) tại Việt Nam.

Ở đây chúng tôi xin mạn phép không bàn về tài đức của ngài Tuệ Sỹ. Thầy Tuệ Sỹ để lại cho hậu thế một kho tàng lớn sách vở, trước tác, công trình nghiên cứu dịch thuật về triết học, văn chương. Ngoài ra, đã có hàng trăm bài viết trên mạng điện toán, của các bậc thức giả, của môn đồ pháp chúng về trí tuệ siêu việt và hạnh vô úy “Trí, Dũng” của bậc chân tu, bạn đọc dễ dàng tham khảo. Chúng tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh ít được nói tới: thời đại, xã hội đã hun đúc nên một con người xuất chúng như Thầy Tuệ Sỹ, một nhà Phật học, nhà thơ, một người tù thế kỷ bất khuất trước bản án tử hình (sau đổi thành án chung thân), mà chế độ gán cho thầy đầu thập niên 1980.

Con người là sinh vật xã hội. Trí tuệ, tâm tính của một người có phần do thiên phú, do huyết thống, nhưng phần lớn là do ảnh hưởng của xã hội, của thời đại mà người đó sống, thông qua tác động của giáo dục, văn hóa và các mối giao tiếp. Tục ngữ đã nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” – tròn hay dài đâu phải là nghiệp số nhất thành bất biến. Nói theo từ ngữ của nhà Phật, nếu phần thiên phú là nhân thì môi trường xã hội là duyên để tạo nên quả; không gặp duyên lành hay môi trường thuận lợi thì nhân tốt cũng khó thành quả ngọt.

Cũng như nhiều bậc kỳ tài thuộc “thế hệ vàng” của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ (sinh năm 1943 hoặc 1945) lớn lên trong không khí tự do dân chủ mới manh nha. Tuy chưa hoàn thiện, nhưng những quyền tự do căn bản minh định trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967, cùng với nền giáo dục “dân tộc, nhân bản và khai phóng” đã tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển tài năng và phẩm giá con người.

Tự do tư tưởng, tự do học thuật không bị gò bó vào một học thuyết, một chủ nghĩa cứng nhắc cho phép các bậc thức giả tìm tòi, nghiên cứu kho tàng trí tuệ của nhân loại, chắt lọc những tinh túy đem về phục vụ khai dân trí. Từ đó, chúng ta có những bậc trí thức thông kim bác cổ, tự do đàm luận, trước tác mà không sợ hãi. Chỉ riêng về nghiên cứu Phật học, trong một thời gian ngắn chừng mười năm, đã xuất hiện những học giả cao sâu như các hòa thượng Minh Châu, Huyền Quang, Nhất Hạnh, Trí Siêu và nhiều vị cao tăng khác mà Hòa Thượng Tuệ Sỹ là gương mặt tiêu biểu.

Tự do sáng tác cho phép các văn nhân, thi sĩ, nhạc thả trí tưởng tượng bay bổng và tạo ra những tác phẩm thấm đẫm tình người, tồn tại mãi với thời gian. Không ai giống ai, mỗi nghệ sĩ thực tài là một gương mặt riêng, một tiếng nói riêng, đem vào cái vườn hoa đầy hương sắc của văn nghệ miền Nam một giá trị độc đáo. Nhìn vào mọi lĩnh vực sáng tạo, từ triết học, văn nghệ tới khoa học ở đâu ta cũng thấy những cây đại thụ làm nên hình hài một nền văn hóa quốc gia.

Nghiên cứu không chỉ để nghiên cứu, sáng tác không chỉ vị nghệ thuật, đến lượt mình, những thành quả văn hóa ấy phục vụ công cuộc chấn hưng xã hội, xây dựng đạo lý, làm cho cuộc sống của người dân tuy chưa thật sự sung túc về vật chất nhưng đúng với phẩm giá con người. Nói cách khác, tự do dân chủ có ảnh hưởng sâu rộng tới đạo đức của xã hội chứ không chỉ ươm mầm và phát triển các tài năng.

So sánh với các xã hội độc tài thì thấy rõ. Không phải chế độ độc tài nào cũng đều làm băng hoại đạo lý, bóp chết các tài năng nhưng rõ ràng chế độ độc tài sử dụng bạo lực để tồn tại, tôn sùng sự giả dối và thù hận thì không thể là mảnh đất thích hợp để tài năng và đạo đức phát triển.

Chế độ toàn trị ở miền Bắc trong thời nội chiến và trên cả nước Việt Nam từ ngày 30 Tháng Tư, 1975, đến nay lại càng kinh khủng. Khi dối trá và bạo lực trở thành bản chất của chế độ cầm quyền thì mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn, trắng thành đen, phải thành trái, người tài năng và đức hạnh bị những kẻ vô học nhưng thừa lòng tham và thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ. Cứ xem trường hợp của hai nhạc sĩ cùng thời, Văn Cao và Phạm Duy, thì thấy – tài năng một chín một mười, nhưng Văn Cao khốn khổ sống lay lắt như chết dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc trong khi Phạm Duy phát tiết tinh hoa ở miền Nam, để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ ít ai sánh nổi. Có vô số những ví dụ như vậy, cho thấy tự do và dân chủ là điều kiện cốt yếu của sự phát triển tài năng và đạo lý xã hội.

Nhưng như đã thưa trên, tự do và dân chủ ở miền Nam chỉ mới manh nha, chưa hoàn chỉnh và vững chắc như ở các nước tiên tiến. Hơn nữa, miền Nam kiến quốc trong hoàn cảnh chiến tranh tự vệ với một địch thủ cùng màu da cùng chủng tộc nhưng vô cùng xảo quyệt. Vì thế, những mầm mống tự do dân chủ đã bị lợi dụng để phá hoại từ bên trong bởi một thế lực gian ác nhưng giỏi ngụy trang dưới những lớp vỏ dân tộc, hòa bình, dân chủ. Văn minh bị thất bại trước dã man là điều đáng tiếc, là nỗi bất hạnh của dân Việt, nhưng không phải là chuyện gì khó hiểu; trong lịch sử một Athens văn minh rực rỡ đã phải thất thủ trước cuộc xâm lăng của Sparta man rợ trong cuộc chiến nổi tiếng Peloponnesian (431-404 Trước Công Nguyên).

Báo chí thiên tả Tây phương thời Chiến Tranh Việt Nam và đến tận bây giờ vẫn coi chế độ Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam như một chế độ thối nát, hoặc độc tài gia đình trị thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hoặc độc tài quân phiệt thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng với người miền Nam, đó là một chế độ nhân bản, tôn trọng dân chủ và tự do tuy ở mức hạn chế của thời chiến. Không có một chế độ nhân bản như vậy, sẽ không thể có những thành quả văn hóa rực rỡ còn chiếu rạng đến hôm nay.

Trở lại với sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ. Hơn một tuần qua, không chỉ môn đồ pháp quyến của thầy mà rất nhiều đồng bào trong và ngoài nước, Phật tử và tín đồ các tôn giáo khác, đều cảm thấy một sự mất mát to lớn. Cảm giác mất mát đó có phần do thực tế Thầy Tuệ Sỹ – trí huệ uyên thâm, đạo đức sáng rỡ – như là cây đại thụ cuối cùng của một cánh rừng những tài năng xuất chúng trưởng thành trong không khí tự do dân chủ buổi đầu kiến quốc ở miền Nam, một trí thức chân chính, một công dân đầy trách nhiệm với xã hội, đất nước và dân tộc.

Với Phật Giáo, sau các vị trưởng lão Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thầy Tuệ Sỹ có thể là bậc cao tăng cuối cùng gánh vác vận mệnh của giáo hội qua những truân chuyên của thời mạt pháp. “Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương,” gợi hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ như ánh tà dương của một thời thịnh trị đang qua nhanh. Nỗi thương tiếc ngài Tuệ Sỹ có phần cũng là thương tiếc một thời đại, một chế độ nhân bản đã sớm thất bại và bị hủy diệt dưới bạo lực của cường quyền và gian trá.

Khi ánh tà dương Tuệ Sỹ vụt tắt, nhiều người vẫn hy vọng “hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật Giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc,” nối gót chư tổ chấn hưng Phật Giáo và từ đó chấn hưng đạo lý của cả dân tộc. Nhưng chúng tôi không cảm thấy lạc quan như vậy. Nửa thế kỷ qua, đất nước chìm trong chế độ toàn trị nghiệt ngã nhất, chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ Phật Giáo mà gần như toàn bộ hệ thống giá trị đạo lý đều đã bị phá hủy hoặc lũng đoạn trong một xã hội tôn sùng bạo lực và gian trá. Để vực dậy một nền kinh tế lạc hậu, người ta cần một thế hệ nếu có đường lối chính sách đúng đắn, nhưng để chấn hưng tinh thần và đạo đức của một dân tộc thì cần nhiều hơn thế, cần nhiều thế hệ với những nỗ lực vô cùng lớn trong một xã hội thật sự tự do, dân chủ và nhân bản.

Bao giờ đất nước ta có một thể chế tự do, dân chủ như vậy, chúng tôi không biết nhưng chắc hẳn sẽ không sớm như mong ước. [qd]

Hiếu Chân
Nhật Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tue-sy-anh-ta-duong-cua-mot-thoi-dai/

No comments:

Post a Comment