Friday, December 11, 2009

So sánh ông Diệm và ông Hồ

Về mặt kinh tế thì chế độ ông Diệm theo nền kinh tế thị trường còn chế độ ông Hồ theo nền kinh tế tập trung bao cấp giống như các nước XHCN ở Đông Âu . Trong khi tại miền Nam, chế độ ông Diệm đưa ra biện pháp cấm người Hoa làm một số nghề để cho người Việt được dễ dàng vươn lên về kinh tế sao nhiều năm sống dưới chế độ thực dân thì chế độ ông Hồ theo đúng như thuyết Mác Lê nên đã tịch thu ruộng đất của nông dân, tịch thu hết các cơ sở sản xuất của tư nhân .




So sánh ông Diệm và ông Hồ

Minh Đức

Nhân dịp đài BBC đặt câu hỏi so sánh giữa ông Diệm và ông Hồ thì xin có vài lời.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2003/10/031024_ngodinhdiem.shtml

Nếu muốn so sánh ông Diệm và ông Hồ thì đưa ra những điểm giống nhau những điểm khác nhau .

Ông Diệm và ông Hồ giống nhau ở điểm là cùng dựa vào một nước khác để tìm cách đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam . Ông Hồ Chí Minh thì đi trước. Từ năm 1922 đã đi theo đường lối dựa vào thế lực của Liên Xô để đánh đuổi người Pháp. Ông Ngô Đình Diệm thì mãi đến vài năm sau Thế Chiến Hai mới dựa vào người Mỹ để đuổi người Pháp đi. Nếu vào sau Thế Chiến Hai người Mỹ muốn hất cẳng các nước thực dân Anh, Pháp để đưa ảnh hưởng của mình vào thì Liên Xô đã có ý định đó từ hồi Lê Nin lên cầm quyền vào đầu thập niên 1920. Mặc dù khối Cộng Sản nhân danh chủ nghĩa Cộng Sản và "giải phóng các dân tộc thuộc địa" để giúp đỡ các đảng cộng sản tại các nước thuộc địa đánh đuổi thực dân nhưng ý đồ của các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Nga cũng chả khác gì ý đồ của các nhà lãnh đạo nước Mỹ: đó là bành trướng thế lực của nước mình .

Điều cũng nên nói thêm ở đây là vào sau Thế Chiến Hai, cả Nga lẫn Mỹ đều không dùng cách bành trướng của các nước thực dân cũ như Anh, Pháp, Đức, Ý là đi chiếm thuộc địa mà khôn ngoan hơn, chỉ giữ cho các nước khác nằm trong vùng ảnh hưởng của mình để mình có thể buôn bán, đầu tư vào mà thôi. Cái cách mới này của Nga và Mỹ được người ta gọi là chủ nghĩa thực dân kiểu mới, khác với chủ nghĩa thực dân kiểu cũ là dùng quân đội đi chiếm đất rồi sáp nhập nước bị chiếm vào nước mình.

Điểm giống nhau nữa giữa ông Diệm và ông Hồ là cả hai đều thiết lập một chế độ độc tài. Nếu tại miền Bắc sùng bái ông Hồ Chí Minh thì tại miền Nam cũng suy tôn ông Ngô Đình Diệm. Nếu ở miền Bắc có tiền in hình ông Hồ Chí Minh thì ở miền Nam có tiền in hình ông Ngô Đình Diệm. Nếu ở miền Bắc phải treo ảnh ông Hồ thì tại miền Nam phải treo ảnh ông Diệm. Tại miền Bắc, đảng lãnh đạo đặt ra các tổ chức như Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên CS, Mặt Trận Tổ Quốc... để đoàn ngũ hóa toàn dân thì tại miền Nam cũng có Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, Đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa, Hội Phụ Nữ Liên Đới .... để đoàn ngũ hóa toàn dân.

Thanh Nữ Cộng Hòa

Đồng tiền 50 xu, năm cắc, in hình ông Ngô Đình Diệm, phát hành năm 1960

Tiền 10 đồng tại miền Bắc, phát hành năm 1958, in hình ông Hồ Chí Minh

Điểm khác nhau giữa hai chế độ là chế độ tại miền Bắc là chế độ độc tài, độc đảng phát xuất từ thuyết Mác Lê, vốn cho rằng tất cả các lý thuyết, đường lối nào khác hơn là chủ nghĩa Mác Lê đều là phản động cả và phải bị tiêu diệt. Trong khi đó chế độ độc tài tại miền Nam phát xuất từ phản ứng muốn có một chính quyền mạnh để chống với sự bành trướng của Cộng Sản. Miền Nam lúc đó coi như là một xứ đang bị chiến tranh, bị phe cộng sản miền Bắc được sự hỗ trợ của hai nước lớn là Liên Xô, Trung Quốc tấn công, do đó nếu một số quyền tự do bị hạn chế thì đó cũng là điều cần thiết.

Sự khác nhau trên đưa đến kết quả là tại miền Bắc chỉ có tư tưởng Mác Lê là được lưu hành mà thôi, còn ngoài ra các tư tưởng khác, vốn vẫn lưu truyền trong văn hóa Việt Nam như Phật, Lão, Khổng..., hay các tư tưởng tôn giáo đều bị coi là phản động phải loại bỏ. Tại miền Bắc những sách về Nho, Lão, Phật bị cấm lưu truyền, chỉ có những người làm công tác nghiên cứu mới được đọc. Còn về tôn giáo thì trong nhất thời chế độ miền Bắc không tiêu diệt hết nổi thì đảng Cộng Sản Việt Nam áp dụng chính sách làm suy yếu dần dần để đi đến chỗ bị tiêu diệt. Trong khi đó, tại miền Nam, mặc dù thuyết Nhân Vị được chính quyền đề cao coi như là lý thuyết chủ đạo của đảng cầm quyền, tức là đảng Cần Lao, thì sách vở về các tư tưởng truyền thống của Việt Nam như Nho, Lão, Phật vẫn được tự do lưu hành. Không những chính quyền còn đặt ra giải thưởng khuyến khích những người viết sách về tư tưởng truyền thống Việt Nam để tạo nên một tư tưởng và tinh thần độc lập cho Việt Nam. Các cuốn sách của giáo sư Nguyễn Đăng Thục về văn hóa Việt Nam được viết trong thời gian này, trong đó có bộ Lịch Sử Triết Học Đông Phương. Như vậy, tại miền Nam lúc đó tuy đảng Cần Lao muốn độc quyền nắm về chính trị nhưng xã hội cũng vẫn là xã hội đa nguyên và tương đối có tự do tư tưởng hơn, vì có nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Trong khi đó tại miền Bắc thì chỉ có một tư tưởng duy nhất được phép lưu hành mà thôi. Đó là tư tưởng Mác Lê, còn các tư tưởng khác đều bị đảng CSVN cho là phản động cả.

 Lịch Sử Triết Học Đông Phương của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, in lần đầu tiên năm 1958

Một kết quả của sự khác nhau giữa hai chế độ chính trị là vì chế độ độc tài miền Nam, cũng như tại Nam Hàn, Đài Loan, Indonesia là phản ứng của người cầm quyền khi phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm nhập, lật đổ của khối Cộng Sản cho nên khi mối đe dọa của Cộng Sản không còn nặng nề nữa thì các chế độ này dễ dàng chuyển qua chế độ đa đảng, dân chủ. Còn chế độ Cộng Sản vì phát xuất từ tư tưởng Mác Lê cho tất cả các đảng khác đều là phản động nên chế độ Cộng Sản không chấp nhận có đảng nào khác được hoạt động, do đó khó chuyển qua chế độ đa đảng, dân chủ hơn. Bây giờ thì niềm tin và thuyết Mác Lê đã phai nhạt thì lý do duy trì chế độ độc đảng là vì quyền lợi, địa vị hơn là vì lý tưởng.

Về mặt kinh tế thì chế độ ông Diệm theo nền kinh tế thị trường còn chế độ ông Hồ theo nền kinh tế tập trung bao cấp giống như các nước Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Âu. Trong khi tại miền Nam, chế độ ông Diệm đưa ra biện pháp cấm người Hoa làm một số nghề để cho người Việt được dễ dàng vươn lên về kinh tế sao nhiều năm sống dưới chế độ thực dân thì chế độ ông Hồ theo đúng như thuyết Mác Lê nên đã tịch thu ruộng đất của nông dân, tịch thu hết các cơ sở sản xuất của tư nhân. Xét ra thì biện pháp kinh tế của ông Diệm ôn hòa hơn, có hiệu quả hơn. Đến năm 1986 thì chế độ Cộng Sản Việt Nam phải gỡ bỏ đường lối kinh tế tập trung bao cấp, chia ruộng đất lại cho nông dân sau khi đã tịch thâu dưới thời ông Hồ, cho tư nhân được kinh doanh thì chúng ta thấy nếu như chế độ ông Diệm còn đến ngày nay đường lối kinh tế của ông Diệm cũng không cần phải thay đổi bao nhiêu mà trong thời gian nửa thế kỷ theo nền kinh tế thị trường thì miền Nam hiện nay đã có thể có một tầng lớp tư sản vững vàng về kinh tế có khả năng cạnh tranh với các tư bản Đài Loan, Hong Kong, Nam Hàn...

Nếu tại miền Bắc lập những vùng Kinh Tế Mới thì tại miền Nam có chính sách Dinh Điền. Tại miền Nam, sau khi chế độ ông Diệm đổ thì người ta lưu truyền câu chuyện về một số công chức đã dàn cảnh mỗi khi ông Diệm đi thăm khu trù mật. Có nơi người ta đem cắm cây ở nơi ông Diệm đi đến để làm cho ra vẻ có cây cối xum xuê. Nhưng nói chung cũng có một số khu trù mật đã thành công rực rỡ. Huyện Chợ Lách, nơi sản xuất trái cây ngon, đã sinh ra từ khu trù mật. Nếu đem so sánh với các thiết lập khu kinh tế mới của chế độ Cộng Sản thì khu trù mật có lẽ thành công hơn vì cách chọn lựa địa điểm và cách thực hiện tương đối có nghiên cứu và có phương pháp hơn. Tại miền Nam thời ông Diệm không có hiện tượng người dân đi vùng kinh tế mới sống không nổi vì đất không trồng trọt được phải bỏ về sống ở lề đường lan tràn.

Điều khác nhau giữa ông Diệm và ông Hồ là ông Diệm đi về miền quê thăm dân thì mặc đồ vét, đi giày tây, trong khi đó ông Hồ thì mặc bộ đồ kaki, đi dép râu. Nếu đem so sánh thì hình ảnh của ông Hồ trông bình dân hơn, dễ chiếm được cảm tình của người dân lao động hơn. Do đó cũng có thể nói thì ông Hồ tương đối được cảm tình của người dân hơn so với ông Diệm, mặc dù vào thời gian đầu, ông Diệm cũng được nhiều người dân miền Nam kính mến (dĩ nhiên là trừ những người Cộng sản). Nhưng đấy là hình ảnh nhìn trên báo. Còn về thực chất chính sách nông nghiệp thì chính sách nông nghiệp tập thể hóa của ông Hồ đưa đến năng suất kém vì nông dân không làm cho mình nên mất hăng hái. Trong khi đó tại miền Nam chính sách nông nghiệp vẫn không thay đổi, nghĩa là quyền sở hữu ruộng vẫn được tôn trọng. Có thể là chế độ ông Diệm cần phải cải cách ruộng đất để sửa lại tình trạng người có nhiều đất quá, kẻ lại không có. Nhưng điều này đã không xảy ra dưới thời ông Diệm mà đến thời ông Thiệu cầm quyền mới được thực hiện. Vì thế mặc dù ông Diệm đi thăm dân không ăn mặc bình dân như ông Hồ, nhưng chính sách nông nghiệp của ông Diệm là chính sách có hiệu quả hơn. Còn chế độ tập thể hóa nông nghiệp do ông Hồ học được từ Liên Xô đem về thì đưa đến tình trạng lãng phí, lười biếng, sản xuất kém trong các hợp tác xã và nông trường tập thể. Mặc dù ông Hồ biết đóng kịch ăn mặc xuề xòa cũng không làm cho một đường lối sai trở thành có hiệu quả được.

 Ông Ngô Đình Diệm đi kinh lý mặc đồ vét trong khi ông Hồ Chí Minh mặc đồ kaki, đi dép râu

Điểm giống nhau nữa giữa ông Diệm và ông Hồ là cách cai trị của cả hai đều mang ảnh hưởng của chế độ quân chủ và tư tưởng Nho giáo. Trong khi tại miền Nam, dưới chế độ ông Diệm người dân không được phép phê phán, chỉ trích người lãnh đạo một cách sỗ sàng, cũng giống như chế độ tại Singapore, thì tại miền Bắc, ông Hồ cũng được đề cao. Tại miền Nam tuy có báo chí tư nhân như dưới chế độ ông Diệm thì báo chí cũng bị kiểm soát gắt gao, không cho nói ra ngoài những điều nhà nước cho nói. Trong khi đó thì tại miền Bắc báo chí tư nhân coi như là bị cấm tuyệt và tuyệt đối do đảng và nhà nước nắm.

 Ông Diệm ngủ trưa trên một chõng tre trong lúc đi kinh lý

Điểm giống nhau nữa giữa chế độ ông Diệm và ông Hồ là cả hai chế độ đều có một đám người nịnh hót chế độ để đổi lấy danh vọng, địa vị. Đó là vì chế độ độc tài thì bao giờ cũng đẻ ra một đám nịnh hót. Các chế độ quân chủ ngày xưa cũng đẻ ra một đám quan lại nịnh hót. Có kẻ nắm quyền lực thì có kẻ xu phụ. Tuy nhiên cũng phải công nhận là chế độ nào cũng có những con người công chính, tận tụy với chức vụ của mình.

Điều khác nhau giữa chế độ ông Diệm và chế độ ông Hồ là chế độ độc tài của ông Diệm vắn số hơn trong khi chế độ độc tài của ông Hồ thiết lập còn mãi đến ngày nay.

Một trong những lý do khiến cho chế độ độc tài của ông Diệm không vững vàng bằng là vì những người chống cộng tại miền Nam lúc đó muốn có một chế độ dân chủ, đa đảng hơn là một chế độ độc tài, độc đảng. Những người nào thích chế độ độc tài, độc đảng thì họ đã đi theo phe cộng sản rồi. Vì thế trong số những người làm chính trị ở miền Nam thì con số người không thích chế độ độc tài chắc là phải chiếm phần cao hơn so với ở miền Bắc.

Một yếu tố khách quan khiến cho chế độ độc tài của ông Diệm lâm vào cảnh khó khăn là dù cho miền Nam có một chính quyền muốn có một chế độ tự do, dân chủ với hoạt động nằm vùng, xâm nhập, khủng bố để mưu toan lật đổ chính quyền của Cộng Sản thì chính quyền đó cũng phải giảm bớt các quyền tự do để hạn chế sức xâm nhập và phá hoại của Cộng Sản. Nhưng miền Nam lại ở vào khu vực có các nước Tây phương theo chế độ dân chủ. Vì thế chính sách hạn chế các quyền tự do tại miền Nam bị dư luận các nước Tây phương lên án. Trong khi đó tại miền Bắc, chế độ độc tài, độc đảng là điều tất nhiên phải theo trong khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

So sánh giữa cá nhân ông Diệm và ông Hồ thì ông Diệm tánh tình thẳng thắn hơn, bảo thủ hơn. Trong khi đó thì ông Hồ uyển chuyển hơn, mưu mẹo hơn. Ông Hồ có tài tổ chức, lôi cuốn quần chúng hơn hẳn ông Diệm. Ông Hồ là một nhà chính trị biết cứng biết mềm đúng lúc, và biết quyền biến để vượt qua các tình thế khó khăn. Vì thế mà ông Hồ sống sót trong chính trường lâu hơn ông Diệm và thành công trong việc áp dụng đường lối của ông vào đất nước.

Nhưng so sánh về đường lối phát triển đất nước thì đường lối của ông Diệm đúng đắn hơn và có thể đưa đến một đất nước giàu mạnh. Cho đến ngày nay, đảng CSVN đang xóa bỏ dần đi những chính sách, đường lối mà ông Hồ đã học được ở Liên Xô và đem về nước áp dụng như chính sách kinh tế tập trung bao cấp, chính sách tập thể hóa nông nghiệp. Về mặt văn hóa thì ngày nay đảng CSVN cũng áp dụng chính sách văn hóa, văn nghệ cởi mở hơn thời ông Hồ, nghĩa là từ bỏ chính sách văn hóa, văn nghệ chặt chẽ do ông Hồ đề ra. Cuối cùng thì chế độ ngày nay tại Việt Nam đang tiến lại khá gần chế độ mà ông Diệm đã từng thiết lập tại miền Nam, nghĩa là có nền kinh tế thị trường với một số quyền tự do, dân chủ bị hạn chế.

Cuối cùng về mặt tư tưởng thì cả thuyết Mác Lê lẫn thuyết Nhân Vị đều chẳng bám rễ được vào văn hóa Việt Nam. Lúc đầu thuyết Mác Lê đã được một số người Việt Nam tin tưởng một cách mãnh liệt trong khi đó, ngay từ đầu, thuyết Nhân Vị không được bao nhiêu người Việt hưởng ứng. Nhưng mặc dầu với cả hệ thống chính quyền với quyền lực tuyệt đối và đầy đủ phương tiện truyền thông trong tay, những người Cộng Sản Việt Nam đã thất bại trong việc làm cho thuyết Mác Lê bám rễ vào tư tưởng và văn hóa Việt Nam.

Minh Đức

1 comment:

  1. liên tha liên thiên ý, gọi là ồng hồ và so sánh với diện ý về việt nam không phải chính quyền đâu,mà thanh niên nó đanh cho đấy,

    ReplyDelete