Từ lý tưởng cộng sản đến chế độ cực quyền
Sau ngày 30-4-1975, điều tất nhiên là mọi người chờ đợi xem chế độ mới sẽ như thế nào. Có người tưởng chẳng qua giống như các cuộc đảo chánh tại miền Nam trước đó rồi thì đời sống sẽ trở lại bình thường như cũ, có người chờ đợi sự giết chóc kinh hoàng như đã xảy ra tại Huế, có người chờ đợi một chế độ mọi người đều bình đẳng, không còn chênh lệch xã hội như miền Nam trước đó .
Một số người biết rằng chế độ cộng sản chủ trương san bằng sự ngăn cách giàu nghèo nên nghĩ rằng chế độ cộng sản sẽ giáo dục cho người dân đừng quá ham mê vật chất, đừng quá ham mê làm giàu, có như thế thì mới không có kẻ giàu quá, người nghèo quá. Họ quan sát những người từ miền Bắc vào để xem những người này sau hai mươi năm sống dưới chế độ cộng sản thì có kém ham mê vật chất như những người ở trong Nam hay không. Nhưng họ thấy những người ở miền Bắc vào cũng vẫn ham mê vật chất như những người ở trong Nam chưa từng sống dưới chế độ cộng sản. Cũng vẫn có những người muốn có chiếc xe gắn máy đẹp, dàn âm thanh nổi, TV, tủ lạnh và muốn sắm cho nhà mình các vật dụng đắt tiền, xa hoa.
Người trong Nam lúc mới đầu nghe nói chữ "quan cách mạng" thì thấy buồn cười và nói với nhau là ở ngoài Bắc dân họ gọi cán bộ là "quan cách mạng". Tự chữ "quan cách mạng" là đã nói lên cách suy nghĩ của dân về cán bộ có quyền như thế nào và cũng nói lên thái độ của viên chức chính quyền đối với dân ra sao. Một thời gian không lâu sau, người dân miền Nam hiểu rõ lý do vì sao dân miền Bắc có chữ đó khi họ phải xin xỏ giấy tờ, bị ngay cả những người bán hàng ở các cửa hàng quốc doanh nạt nộ, hống hách. Ở miền Nam trước đó, tuy là có chênh lệch giàu nghèo nhưng viên chức chính quyền, dù có tham nhũng, dù có người ỷ quyền hống hách nhưng tình trạng nói chung không đến nỗi người dân phải gọi là "quan cách mạng". Báo chí miền Nam thường ngày vẫn đem các nhân vật cầm quyền, kể cả tổng thống, ra mà phê phán, nói xỏ xiên, chế riễu thì thái độ của người cầm quyền cũng phải bớt đi thói hống hách .
Sau 75, một anh sinh viên tò mò hỏi một cán bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản là tại sao chế độ cộng sản chủ trương san bằng giai cấp mà lại có chế độ cho các cán bộ quyền lợi chênh lệch nhau, người chức vụ cao được nhiều lương thực hơn, đi xe tốt hơn, có nhà tốt hơn. Anh cán bộ Đoàn trả lời là vì những người đó đóng góp nhiều hơn nên họ được đãi ngộ tốt hơn. Anh sinh viên này im lặng không trả lời nhưng xem ra anh ta không hài lòng với câu trả lời đó. Một thời gian sau, anh vắng bóng trong trường. Anh ta đã vượt biên. Đó là cách trả lời của anh ta là anh ta có tin rằng chế độ cộng sản này sẽ san bằng được giai cấp hay không.
Vì sao một chế độ theo một chủ nghĩa chủ trương san bằng giai cấp mà sau bao nhiêu năm cầm quyền lại không làm cho xã hội kém chênh lệch mà lại tạo ra một chế độ với những đẳng cấp, có một tầng lớp có đặc quyền đặc lợi như vậy? Như thế giống như là nói là sẽ đi về hướng Đông nhưng sau một thời gian nhìn lại thì thấy đang đi về hướng Tây. Lúc Lê Nin và đảng Bôn Sê Vích mới làm cách mạng lên nắm chính quyền thì mọi người đã sinh ra quan liêu, uy quyền ngay hay nạn quan liêu phảt triển dần dần về sau này?
Thật ra lúc Cách Mạng Tháng Mười mới thành công thì Lê Nin và những người cộng sản thật sự tin vào chủ nghĩa Cộng Sản và họ thực tâm muốn thực hiện một xã hội bình đẳng, không còn giai cấp, mọi người dân đều yêu Chủ Nghĩa Xã Hội và hăng hái đóng góp cho Chủ Nghĩa Xã Hội vì thấy mình không còn bị bóc lột.
Lúc đó, những người cộng sản cho rằng chính quyền thuộc về nhân dân thì mọi người dân đều có quyền có tiếng nói, được góp ý kiến. Đặc tính dân chủ này được đem áp dụng vào mọi tổ chức. Trong nhà máy, các tổ chức theo đẳng cấp bị bãi bỏ, không còn giám đốc ngồi trên ra lệnh mà công nhân họp nhau bàn luận để cùng nhau đưa đến quyết định sẽ sản xuất như thế nào, qui chế làm việc ra sao. Trong ban nhạc giao hưởng mọi người đều có quyền bàn luận, góp ý kiến để quyết định sẽ chơi bản nhạc nào, cách thức ra sao, chức nhạc trưởng bị bãi bỏ.
Về sản xuất thì nhà nước cộng sản theo đúng chủ nghĩa Cộng Sản là xóa bỏ tư hữu. Các xí nghiệp của tư nhân bị tịch thu và do nhà nước quản lý. Mức lương được sửa đổi để đừng quá chênh lệch như xưa.
Kết quả của các biện pháp cách mạng này là tình trạng lộn xộn, vô tổ chức xảy ra trong các tổ chức. Về mặt kinh tế, vì cơ sở sản xuất tư nhân bị xóa bỏ, mọi người đều làm việc cho nhà nước và làm với thái độ thờ ơ, tắc trách. Không giống gì như Karl Marx đã tiên đoán là khi xóa bỏ tư hữu, tiêu diệt được bóc lột thì công nhân sẽ hăng hái làm việc với năng suất cao hơn chế độ tư bản có bóc lột.
Trước nguy cơ kinh tế bị phá sản, Lê Nin phải sửa lại nền kinh tế, cho tư nhân được kinh doanh và gọi là chính sách Tân Kinh Tế. Trên thực chất đó là chính sách "Cựu Kinh Tế" vì đó là thụt lùi lại tình trạng trước khi làm cách mạng. Khi tư nhân được kinh doanh thì nền kinh tế khởi sắc trở lại.
Chính sách kinh tế áp dụng chủ nghĩa Cộng Sản của Lê Nin gây ra sụt giảm về sản lượng nông nghiệp gây ra nạn đói. Nhà nước tận thu nông phẩm dành cho thành phố gây ra nạn đói ở nông thôn. Hình chụp nạn nhân chết đói tại vùng sông Volga trong thời kỳ 1921 - 1922
Sau khi Lê Nin qua đời Stalin lên nắm quyền đã xóa bỏ đường lối Tân Kinh Tế của Lê Nin, xóa bỏ hoàn toàn kinh doanh tư nhân, tịch thu lại ruộng đất, cưỡng bách nông dân vào nông trường. Chính sách này làm cho sản lượng nông nghiệp giảm sút, nhưng đồng thời trong khu vực khai thác mỏ Stalin cũng thuê các kỹ sư Tây Phương sang làm việc và áp dụng các kỹ thuật mới của Tây phương, nhờ thế mà sản lượng khoáng sản khai thác được gia tăng, nền kinh tế Liên Xô trong thời gian đó có lúc được nhà nước công bố là tăng trưởng đến 16% mỗi năm. Ngày nay người ta ước đoán việc tập thể hóa nông nghiệp của Stalin làm cho sản lượng nông nghiệp giảm đi 40%.
Stalin còn sửa đổi chế độ trả lương, đãi ngộ khiến cho khoảng cách giữa các cấp xa hơn. Điều này bị những người trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản chỉ trích là gây ra chênh lệch xã hội nhưng Stalin cho rằng nhờ đãi ngộ chênh lệch mà mọi người hăng hái phấn đấu, phục vụ cho chế độ hơn.
Như vậy, lúc đầu những người cộng sản Nga cũng có ý muốn đi theo sát chủ nghĩa Cộng Sản bằng cách thực hiện làm chủ tập thể thực sự, xóa bỏ tư hữu, trả lương ít chênh lệch để không sinh ra giai cấp. Rồi thì Stalin lên nắm quyền dẹp bỏ việc cho mọi người tham gia thảo luận và tham gia quyết định, đặt ra chế độ đãi ngộ chênh lệch theo chức vụ. Những việc làm này tuy đi chệch hướng tinh thần của chủ nghĩa Cộng Sản nhưng về mặt thực tế thì đem lại quyền lực và sức mạnh cho chế độ. Stalin lái đường lối của đảng Cộng Sản Nga đi xa khỏi chủ nghĩa Cộng Sản chắc chắn là bị nhiều đảng viên cộng sản phản đối. Việc Stalin thực hiện được việc này bằng cách bỏ tù hoặc giết tất cả các đảng viên nào phản đối. Việc thanh trừng để củng cố quyền lực xảy từ lúc sau khi Lenin mất, năm 1924, kéo dài trong suốt thập niên 1930.
Ngoài ra Stalin còn xa rời chủ nghĩa Cộng Sản khi cho guồng máy tuyên truyền tôn sùng mình làm lãnh tụ, và guồng máy tuyên truyền đó vừa ca ngợi Stalin không hết lời lại vừa nói rằng Stalin chỉ muốn được mọi người nhớ đến như một người hết sức khiêm nhường của một dân tộc vĩ đại. Sau khi Stalin qua đời, Krushchev lên kế bị đã lên án Stalin tự tôn sùng mình là trái với tinh thần cộng sản.
Việc đặt ra phẩm trật và đãi ngộ theo chức vụ thì các vua chúa thời xưa đã làm. Nhưng nếu không cho những người có khả năng được hưởng nhiều hơn thì mọi người không ra sức làm việc và nhà vua không thu hút được người giỏi phục vụ mình. Đó là vì trong bản tính con người đã có lòng ham muốn được hưởng thụ nhiều hơn kẻ khác, muốn có nhiều quyền hành hơn để sai khiến kẻ khác. Karl Marx thì cho rằng cái tính đó là do xã hội có tư hữu tạo nên. Nhưng trong xã hội Nga thời đó thì tư hữu đã bị xóa bỏ nhưng bản tính muốn chiếm đoạt nhiều, muốn có quyền nhiều của các đảng viên vẫn còn tồn tại. Nếu bảo rằng vì mới thoát khỏi xã hội có tư hữu nên ảnh hưởng tính tham lam của xã hội cũ vẫn tồn tại thì những đảng viên vốn là những người đã giác ngộ chủ nghĩa Cộng Sản thì sao lại không hơn gì quần chúng, vẫn tham được đãi ngộ cao hơn, vẫn thích có nhiều quyền hơn để sai khiến người khác? Suốt hàng chục năm trời cái tính đó của các đảng viên dù là sinh ra trong chế độ không còn tư hữu vẫn không suy giảm.
Khi Liên Xô bị Đức tấn công trong Đệ Nhị Thế Chiến, Stalin đã khêu gợi lòng yêu nước để động viên tinh thần, làm cho người dân hăng hái chống lại Đức. Đề cao lòng yêu nước là điều chủ nghĩa Cộng Sản không chấp nhận vì nếu nước nào cũng đề cao dân tộc và quốc gia mình thì không thể nào tiến đến giai đoạn cộng sản là xóa bỏ hết ranh giới giữa các quốc gia. Lenin nhận thấy là các đại biểu đảng Cộng Sản trong phong trào Đệ Nhị Quốc Tế đã vì quyền lợi của nước mình mà có lập trường khác nhau, cuối cùng đi đến chỗ Đệ Nhị Quốc Tế tan rã nên lập ra phong trào Đệ Tam Quốc Tế, lên án tinh thần quốc gia, dân tộc, bắt các đảng Cộng Sản của các nước phải triệt để tuân theo sự chỉ huy của Đệ Tam Quốc Tế.
Như thế là những việc làm đi xa với chủ nghĩa Cộng Sản lại làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa của Nga được vững mạnh hơn. Phân chia đẳng cấp, đãi ngộ theo đặc quyền đặc lợi thì lại làm cho mọi người hăng hái hoạt động hơn là đãi ngộ mọi người bình đẳng với nhau. Đề cao tinh thần quốc gia thì mới làm cho dân hăng hái bảo vệ đất nước còn hô hào dân chiến đấu để bảo vệ Xã Hội Chủ Nghĩa thì chẳng mấy ai tha thiết, ngoài một số ít đảng viên cộng sản. Mà đề cao tinh thần quốc gia thì sẽ làm cho các nước trong phong trào Quốc Tế Cộng Sản hục hặc, chia rẽ với nhau, không thực hiện được khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”.
Stalin vẫn giữ chế độ tập thế hóa nông nghiệp mặc dù năng suất nông nghiệp thấp kém hơn là thời xưa vì nông dân bị tước hết ruộng đất sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước về mặt kinh tế nên phải tuyệt đối tuân theo nhà nước. Đến thập niên 1970, vì năng suất nông nghiệp xuống quá thấp nên nhà nước Xô Viết Nga phải cho mỗi gia đình nông dân một miếng đất riêng để tự canh tác và hưởng lợi trên mảnh đất này. Kết quả là các mảnh đất riêng cấp cho nông dân chỉ chiếm có 5% tổng số ruộng đất canh tác nhưng lại làm ra 40% sản lượng nông nghiệp. Việc cấp đất cho nông dân như thế là đi ngược lại chủ nghĩa Cộng Sản vì chủ nghĩa Cộng Sản chủ trương xóa bỏ hoàn toàn tư hữu nhưng việc làm này lại làm gia tăng sản luợng nông nghiệp.
Cuối cùng thì thập niên 80 và 90 nhà nước cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam chuyển qua kinh tế thị trường, nghĩa là cho phép người dân chạy theo lòng tham lợi nhuận. Việc dùng lòng tham lợi nhuật để kích thích nên kinh tế là đi ngược lại với chủ nghĩa Cộng Sản vì lòng tham lợi nhuận là nguyên nhân đưa đến nạn bóc lột lao động và cũng là nguyên nhân khiến mọi người tích lũy tài sản sinh ra nạn chênh lệch giai cấp giàu nghèo.
Cứ mỗi lần các đảng Cộng Sản đi chệch hướng chủ nghĩa Cộng Sản thì lại đem đến kết quả tốt hơn cho quốc gia, xã hội. Cái bóng ma Cộng Sản vào thế kỷ 19 làm cho tư bản phải sợ hãi thì ngày nay cứ ngày một mờ nhạt dần đi. Các chế độ cộng sản mặc dù đã xóa bỏ tư hữu nhưng không xóa bỏ lòng tham Lợi, Quyền, Danh trong lòng con người. Lòng tham đó có sẵn trong lòng mỗi người từ khi sinh ra chứ không phải là lòng tham là do ảnh hưởng của xã hội có tư hữu như Karl Marx tưởng nên không thể nào xóa bỏ được vì nó là bản chất của loài người. Lòng tham này giúp cho con người chiến đấu cho sự sinh tồn của mình nhưng cùng gây ra đau khổ cho người khác.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment