Thursday, August 26, 2010

Vì sao Đại Hội Sáu chủ trương đổi mới


 Hơn nữa lúc đó, những người lãnh đạo tại Liên Xô lẫn Việt Nam thấy khu vực của khối cộng sản ngày càng được mở rộng trên thế giới, Mỹ càng ngày phải rút lui tại nhiều điểm trên thế giới thì họ cho rằng nền kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa có những điểm ưu việt của nó. Điểm ưu việt không phải là năng suất cao hơn năng suất của kinh tế tư bản mà là bắt dân hạn chế tiêu thụ để dồn sức cho quân sự và bắt dân phải lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước nên phải tuyệt đối tuân lệnh nhà nước.


Vì sao Đại Hội Sáu chủ trương đổi mới



Bài viết của ông Mai Kim Đỉnh về những kỷ niệm với giáo sư Đặng Phong do đài BBC Việt Ngữ đăng cho thấy một số chi tiết có thể dùng để đánh giá về đường lối cai trị của đảng Cộng Sản.


Những gì ông Mai Kim Đỉnh viết cho thấy các cán bộ trung cấp của Cộng Sản trước 75 không biết gì nhiều về nền kinh tế tại miền Nam . Họ không biết rắng chính quyền miền Nam có nghiên cứu để phát triển kinh tế, đặc biệt là dự trù phát triển kinh tế hậu chiến, nghĩa là sau khi hai miền ngưng đánh nhau thì sẽ phát triển như thế nào. Những người như Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt sau khi lên cầm quyền tại miền Nam mới có cơ hội tìm hiểu kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam, còn ông Đặng Phong thì phải đợi vài năm sau khi có lệnh vào miền Nam nghiên cứu xem trước đây chính quyền miền Nam dự trù phát triển ra sao thì ông mới được đi vào đọc tài liệu, gặp gỡ hỏi han những người cũ đã làm việc tại miền Nam.

Đó là những cán bộ cấp trung . Thế còn các cán bộ cao cấp trong Bộ Chính Trị, nắm quyền quyết định về chính sách thì thế nào ? Sau Hiệp Định Ba Lê báo chí miền Nam rầm rộ loan tin về kế hoạch kinh tế hậu chiến của giáo sư Vũ Quốc Thúc thì chẳng lẽ những người trong Bộ Chính Trị ở Hà Nội không biết. Chắc chắn họ biết và họ có thể biết nội dung như thế nào nếu họ quan tâm vì các sách báo miền Nam đều được Hà Nội cho người đọc để phê phán thì kế hoạch kinh tế của ông Vũ Quốc Thúc được công bố, không phải giữ kín như bí mật quốc gia thì ở Hà Nội muốn có thì cũng là việc làm dễ dàng. Sau 75, sách báo của Cộng Sản có đề cập đến kế hoạch kinh tế hậu chiến với giọng dè bỉu để nói xấu kinh tế thị trường miền Nam rằng kế hoạch này bị cản trở vì các thương gia Hoa Kiều phản đối thì điều đó cho thấy ở cấp cao trong Bộ Chính Trị quả có biết đến các công trình nghiên cứu để phát triển kinh tế tại miền Nam. Chỉ có giáo sư Đặng Phong và những cán bộ cấp dưới mới tin là kinh tế miền Nam chỉ là phồn vinh giả tạo, nhờ viện trợ Mỹ mà được sung túc. Giáo sư Đặng Phong được dịp nghiên cứu kinh tế miền Nam trước 75 thì mới được biết là miền Nam có quan tâm đến phát triển kinh tế chứ ngày nay tại Việt Nam vẫn còn người tin lời tuyên truyền của chế độ Cộng Sản là kinh tế miền Nam chỉ là phồn vinh giả tạo .

Trong bài của ông Mai Kim Đỉnh cũng đề cập đến tình hình kinh tế phá sản tại miền Nam vào lúc Đại Hội Sáu của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra .Đại Hội Sáu được triệu tập vào năm 1986, nghĩa là 9 năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Thế thì câu hỏi đặt ra việc tập thể hóa nông nghiệp năm 1979, tịch thu nhà máy, đánh tư sản từ 1976 đến 1979 đã đem lại kết quả làm nền kinh tế miền Nam suy sụp ngay tức khắc thì sao Bộ Chính Trị không ngưng lại các chương trình xã hội chủ nghĩa hóa kinh tế miền Nam mà phải đợi đến năm 1986?

Nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đâu phải áp dụng tại miền Nam lần đầu tiên mà nó đã áp dụng tại miền Bắc từ sau 1954 rồi. Nếu kết quả của kinh tế xã hội chủ nghĩa không khả quan thì sao chính sách này tiếp tục duy trì tại miền Bắc hàng chục năm rồi sau 1975 lại đem vào miền Nam áp dụng y như vậy?

Tại miền Nam, kể từ giữa thập niên 1960 là đã có sách báo nói về năng suất yếu kém của công nghiệp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung . Lúc đó, vì thấy năng suất lao động của công nhân kém nên nhà nước dùng tiền thưởng, nghĩa là dùng lợi nhuận để khuyến khích công nhân làm việc hăng hái hơn. Tại các nước Đông Âu khác như Bungary, Hungary thì dễ dàng hơn khi cho người dân được buôn bán nhỏ nên nền kinh tế tương đối khá hơn tại Liên Xô và các nước tuân theo giáo điều cứng nhắc. Dùng lợi nhuận để làm động cơ làm việc hăng hái hơn là điều chủ nghĩa Mác bài bác vì cho rằng làm theo óc tham lợi nhuận sẽ sinh ra tính bóc lột, sẽ tạo thành xã hội có bóc lột. Thế thì những người trong Bộ Chính Trị tại Hà Nội lúc đó có biết là xã hội tại Đông Âu không diễn ra như chủ nghĩa Mác tiên liệu hay không?

Qua đến thập niên 1970 thì sách báo tại miền Nam đề cập đến việc Liên Xô phải nhập cảng lúa mì của Mỹ và Canada vì nền nông nghiệp tại Liên Xô sản xuất không đủ lúa mì để nuôi dân. Trong môn Kinh Tế Học Nhập Môn do giáo sư Nguyễn Cao Hách giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất đại học Luật tại Sài Gòn vào đầu thập niên 1970 có mô tả đặc tính của các hình thức kinh tế khác nhau trên thế giới và ưu khuyết điểm của mỗi loại. Trong đó, phần đề cập đến nền kinh tế hoạch định một cách cứng rắn tại Liên Xô đã nói rằng vì bài bác óc lợi nhuận nên nông dân Nga làm việc lơ là, khiến cho nhà nước Liên Xô phải cho mỗi gia đình nông dân một miếng đất riêng để họ tự do trồng trọt và hưởng lợi khi bán cho nhà nước. Nhờ được hưởng lợi trên miếng đất riêng nên nông dân Nga hăng hái chăm bón cho mảnh đất riêng. Kết quả là mặc dù số đất cấp cho các gia đình nông dân chỉ chiếm có 5% tổng số diện tích canh tác nhưng sản xuất ra 40% tổng sản lượng nông nghiệp. Thế thì những người trong Bộ Chính Trị tại Hà Nội trước 1975 có biết đến điều này hay không? Ngay cả khi họ không biết đến điều này thì ở tầng lớp lãnh đạo tối cao, những vị này nắm trong tay toàn bộ thống kê về tình hình sản xuất thì họ có thể biết sản lượng lúa của miền Bắc trước 75 là bao nhiêu, tổng số diện tích đất canh tác là bao nhiêu để biết rằng tính trung bình một hecta ruộng sản xuất ra bao nhiêu gạo. Nếu muốn thì những vị này có thể so sánh năng suất lúa gạo của miền Bắc với các nước theo chế độ tư bản như Thái Lan, Indonesia, Nam Hàn, Nhật Bản để thấy sự hơn kém giữa chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa và chính sách kinh tế tư bản. Sản lượng nông nghiệp tại các nước tư bản được công khai hóa cho toàn thế giới biết, không phải là bí mật quốc gia thì người dân miền Bắc lúc đó bị bưng bít nên không có tài liệu để so sánh nhưng những người lãnh đạo ở trên cao thì được đọc tất cả tài liệu nào mà họ muốn. Trong tài liệu giảng dạy của giáo sư Nguyễn Cao Hách đề cập ở trên có đưa ra số liệu là Nhật Bản dù rất ít ruộng đất nhưng lại có thể sản xuất gạo đủ để nuôi dân và có thế xuất cảng gạo. Vào đầu thập niên 1970 dân số Liên Xô đông gấp đôi dân số Nhật, diện tích canh tác của Liên Xô gấp 16 lần diện tích canh tác của Nhật mà Liên Xô vẫn không sản xuất đủ lúa mì để nuôi dân để đến nổi phải nhập cảng lúa mì của nước tư bản về nuôi dân.

 Đoàn máy kéo trên nông trường tập thể Liên Xô

Thế thì những vị lãnh đạo trong Bộ Chính Trị tại Hà Nội trước 1975 có biết những yếu kém này của nền kinh tế xã hội chủ nghìa hay không hay không? Nếu bảo họ không biết thì họ đáng bị lên án vì theo đuổi chiến tranh làm chết hàng triệu người để biến miền Nam thành xã hội chủ nghĩa trong khi họ không có đủ kiến thức để nhìn ra sự yếu kém của kinh tế xã hội chủ nghĩa so với kinh tế tư bản. Còn nếu bảo rằng họ biết thì họ đáng bị lên án vì theo đuổi chiến tranh làm chết hàng triệu người để đem thực hiện một nền kinh tế mà họ đã biết rằng yếu kém hơn kinh tế tư bản .

Điều chắc chắn là những người lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính Trị tại miền Bắc trước 1975 và những người lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Nga đều biết là năng suất nông nghiệp và kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung đều kém hơn các nước tư bản. Vậy mà những người này vẫn tiếp tục đề ra chính sách kinh tế bao cấp trong khi dốc toàn lực vào quân sự để bành trướng vùng ảnh hưởng của khối cộng sản để cho dân sống thiếu thốn . Vì mục đích là dốc toàn lực vào quân sự nên họ thấy chính sách kinh tế bao cấp có những ưu điểm. Bắt dân ăn theo tiêu chuẩn mỗi tháng, có nghĩa là hạn chế sự tiêu thụ lương thực của người dân để chính quyền có thể bớt ngân sách cho khu vực sản xuất lương thực mà đem ngân sách đó dốc vào việc sản xuất vũ khí, nuôi quân đội, duy trì sự vận hành của máy bay, tàu chiến. Việc tịch thu ruộng đất, bắt nông dân làm việc trong hợp tác xã tuy đem lại năng suất thấp nhưng có cái lợi cho chính quyền là nông dân không có ruộng đất phải hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền nên phải răm rắp tuân theo lệnh chính quyền. Nhất là với nước đang theo đuổi chiến tranh như miền Bắc thì thanh niên khó có thể trốn lính vì trốn lính thì không có tiêu chuẩn lương thực để ăn chỉ có nước chết đói mà gia đình cũng không còn ruộng đất nên không có dư giả lương thực để mà dấu diếm con cái.

Chính vì những ưu điểm của chế độ kinh tế bao cấp cho chính sách dốc toàn lực vào quân sự để bành trướng mà Liên Xô, Trung Quốc cũng như miền Bắc đã theo đuổi chính sách này mặc dù biết rất rõ sự kém cỏi về năng suất. Cũng chính vì lý do đó mà những người lãnh đạo tại Hà Nội tiếp tục chính sách đó tại miền Nam sau 1975 dù dân miền Nam phản đối và nền kinh tế bị suy sụp. Sự yếu kém về sản xuất tại miền Nam do áp dụng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được Liên Xô cứu vớt bằng cách viện trợ lúa mì, bo bo cho Việt Nam.

Điều mà ông Mai Kim Đỉnh viết là đến Đại Hội Sáu của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra vào năm 1986 thì đảng Cộng Sản mới xét đến việc thay đổi chính sách kinh tế. Điều mà ông Mai Kim Đỉnh và guồng máy tuyên truyền của chế độ Cộng Sản Việt Nam không đề cập đến là năm 1986 là lúc Liên Xô đã bắt đầu cắt viện trợ cho Việt Nam.

Chính sách dồn hết cho quân sự được Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Nga Leonid Brezhnev theo đuổi trong suốt thập niên 1970 cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1982. Mặc dù biết rõ những yếu kém về nông nghiệp và kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng Brezhnev không làm gì để sửa đổi mà tiếp tục dồn hết ngân sách cho quân sự. Liên Xô theo đuổi được chính này nhờ xuất cảng dầu hỏa, vàng, kim cương và các loại quặng mỏ. Nhờ giá dầu hỏa trên thế giới gia tăng vào đầu thập niên 1970 mà Liên Xô có đủ ngân sách để chạy đua vũ trang với Mỹ đồng thời viện trợ quân sự cho miền Bắc. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam năm 1975 thì viện trợ cả về quân sự và kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam vẫn còn dồi dào, nhờ thế những người lãnh đạo tại Hà Nội thấy rằng vẫn nên áp dụng chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa tại miền Nam. Nếu có đem lại năng suất kém cỏi thì đã có viện trợ Liên Xô. Hơn nữa lúc đó, những người lãnh đạo tại Liên Xô lẫn Việt Nam thấy khu vực của khối cộng sản ngày càng được mở rộng trên thế giới, Mỹ càng ngày phải rút lui tại nhiều điểm trên thế giới thì họ cho rằng nền kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa có những điểm ưu việt của nó. Điểm ưu việt không phải là năng suất cao hơn năng suất của kinh tế tư bản mà là bắt dân hạn chế tiêu thụ để dồn sức cho quân sự và bắt dân phải lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước nên phải tuyệt đối tuân lệnh nhà nước.

 Diễu binh tại Quảng Trường Đỏ kỷ niệm 61 năm Cách Mạng Tháng Mười, 1978

Khi Brezhnev từ trần vào năm 1982 thì ông ta để lại cho Gorbachev di sản một nước Liên Xô dồn hoàn toàn vào quân sự trong khi giá dầu hỏa trên thế giới bắt đầu đi xuống. Giá dầu hỏa đi xuống nên ngân sách của Liên Xô không đủ để duy trì vừa viện trợ cho các phong trào cộng sản trên thế giới vừa tiếp tục chạy đua vũ trang, nuôi một đội ngũ tàu chiến, máy bay đông đảo. Vì thế Liên Xô phải cắt bớt viện trợ dân cho Việt Nam. Đại Hội Sáu diễn ra khung cảnh Việt Nam bị mất viện trợ cho Liên Xô do đó những người lãnh đạo cao cấp thấy cần phải thay đổi chính sách kinh tế. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính sách thay đổi kinh tế được bắt đầu từ 1984 đem lại kết quả khả quan về nông nghiệp thì có thể đã có ảnh hưởng đến những người lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam muốn đi theo chính sách “kinh tế xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Quốc” để cứu nguy cho nền kinh tế Việt Nam không còn viện trợ của Liên Xô.

 Biểu đồ giá dầu hỏa vào thập niên 1970 và 1980

Giáo sư Đặng Phong là một người có kiến thức về kinh tế nên được ra lệnh nghiên cứu về kinh tế miền Nam. Những gì ông thu thập được khi nghiên cứu chỉ được lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam nghe theo và đem áp dụng khi tình thế đòi hỏi không còn có thể theo đường lối cũ được nữa, để cứu nguy cho sự sụp đổ của chế độ . Giáo sư Đặng Phong không có quyền quyết định gì vế chính sách cũng như không được quyền công bố những gì mình biết cho người dân dù là khi ông thấy trong chính sách của nhà nước có chỗ sai.

 Biểu đồ của giá dầu hỏa từ 1945 đến 2005. Giá dầu hỏa lên từ năm 1973 khi cuộc chiến giữa Do Thái và khối Ả Rập xảy ra, gọi là The Yom Kippur War. Vào giai đoạn 1972 đời sống tại Liên Xô dễ chịu nhất. Sau 1975 cho đến 1979, đời sống tại Liên Xô đi xuống dần mặc dù tiền xuất cảng dầu hỏa cao. Phần lớn tiền này đi vào quân sự. Sau 1980, giá dầu đi xuống. Gorbachev lên năm 1984 phải đối phó với kinh tế suy sụp vì giá dầu thấp. Năm 1986, Liên Xô cắt dần viện trợ cho Việt Nam, đến 1987 thì ngừng hoàn toàn.

1 comment:

  1. that la nuc cuoi!gio cac nguoi noi gi cha duoc!chi co mot dieu cac nguoi nen nho:Viet Nam duoc nhu ngay hom nay khong phai la mot buoc tien ma la mot cu nhay phi thuong.toi la the he 9x,khong giau co nhung cung chua tung co mot bua doi nao ttha doi.Va toi hoan toan biet chac nhung gi toi se "may man" co duoc neu nhu che do cu van con ton tai.tai sao cu phai tim moi cach chia re dan toc toi thiu cac nguoi moi vua long.

    ReplyDelete