Tuy thế, chính sự tự kiêu quá mức trong đánh giá quyền lực, cộng với cảm giá bất an trong các vấn đề nội bộ, khiến chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong hai năm qua trở nên cứng rắn hơn.
Trung Quốc đừng nhầm Hoa Kỳ yếu thế
Joseph Nye
Giáo sư Đại học Harvard, Hoa Kỳ
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/01/110118_joseph_nye_china_us.shtml
Khi ông Barack Obama lên làm Tổng thống Mỹ, một trong các ưu tiên của ông là cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nay, trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang thăm Washington, quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi chứ không tốt hơn.
Các quan chức của chính quyền Mỹ cảm thấy những nỗ lực của họ nhằm vươn ra bắt tay Trung Quốc bị hất bỏ.
Điều trớ trêu là hồi năm 2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói với các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 rằng nước này cần đầu tư nhiều hơn vào quyền lực mềm, vào sức hấp dẫn của chính mình.
Từ quan điểm của quốc gia đang có những bước đi vươn ra, cao rộng cả về kinh tế và quân sự, đây thực là một chiến lược khôn ngoan.
Với các nỗ lực nhằm biến Trung Quốc thành một quốc gia đáng mến hơn, đi cùng với sự trỗi dậy của 'quyền lực cứng', về quân sự và kinh tế, Trung Quốc nhắm tới chỗ giảm đi lo sợ và các xu hướng nhằm cân bằng lại quyền lực Trung Quốc vốn có thể nảy sinh ra ở các nước láng giềng.
Nhưng cách hành xử của Trung Quốc thì lại trái ngược hẳn, và năm qua là một năm tồi cho chính sách ngoại giao chỉ có một nửa này của Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc đang lên
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã làm theo lời ông Đặng Tiểu Bình, đó là giữ mình thủ thế.
Nhưng vì phục hồi kinh tế thành công sau suy thoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Trình diễn mô hình tàu vũ trụ nhân Quốc kháng Trung Quốc hồi năm 2009
Cùng lúc, sự phục hồi chậm của nước Mỹ đã khiến nhiều người Trung Quốc nhầm tưởng và kết luận rằng nay Hoa Kỳ đang xuống dốc.
Cách suy tính này, cộng với chủ nghĩa dân tộc đang dâng lên tại Trung Quốc trong quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm vào 2012, đang khiến những người ở Trung Quốc muốn có một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn.
Năm 2009, Trung Quốc mới chỉ tự hào là đã thành công trong quá trình thoát ra khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu với tăng trưởng 10 phần trăm.
Nhưng nhiều người Trung Quốc tin rằng nay đã là thời điểm có một sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực quốc tế, và rằng Trung Quốc cần phải tỏ ra ít lắng nghe các nước khác hơn, kể cả nước Mỹ.
Các học giả Trung Quốc bắt đầu viết về sự xuống dốc của Hoa Kỳ.
Một vị đưa ra năm 2000 là điểm quyền lực nước Mỹ đạt đỉnh điểm.
Người ta nay khinh thị Phương Tây, từ giới lãnh đạo cho tới giới khoa bảng và dân thường
GS Khang Hiểu Quang
Giáo sư Khang Hiểu Quang tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng:
"Người ta nay khinh thị Phương Tây, từ giới lãnh đạo cho tới giới khoa bảng và dân thường".
Quan điểm này của Trung Quốc là một sai lầm nghiêm trọng và Trung Quốc chưa thể có khả năng bằng nổi Hoa Kỳ về kinh tế, quân sự cũng như quyền lực mềm trong những thập niên sắp tới.
Tuy thế, chính sự tự kiêu quá mức trong đánh giá quyền lực, cộng với cảm giá bất an trong các vấn đề nội bộ, khiến chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong hai năm qua trở nên cứng rắn hơn.
Trung Quốc đã tính toán sai khi rời xa chiến lược khôn ngoan của một cường quốc đang lên, và làm sai hẳn lời căn dặn thông thái của ông Đặng Tiểu Bình rằng nước này cần tiến lên thận trọng và "khôn khéo cúi đầu".
Nhưng cảm quan bên ngoài về Trung Quốc, cho dù sai, là điều có tác động.
Thái độ mới có của Trung Quốc đã làm chính quyền Obama phật ý.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama sang Bắc Kinh hồi tháng 11/2009 được Trung Quốc dàn dựng và xử lý khá thô; nước này cũng phản ứng quá mức trước cuộc gặp của ông Obama với Đức Đạt Lai Lạt Ma, và trước vụ bán vũ khí cho Đài Loan đã lên kế hoạch từ lâu trước đó.
GS Joseph Nye nhiều lần sang châu Á và từng đến cả Việt Nam để thuyết giảng về 'quyền lực mềm'
Khi được hỏi vì sao họ phản ứng mạnh như vậy trước những điều trong quá khứ họ chấp nhận, một số người Trung Quốc đáp trả: "Vì trước đây chúng tôi yếu hơn".
Quan chức chính quyền Obama bắt đầu tin rằng các cố gắng nhắm tới hợp tác và hòa giải sẽ chỉ được Trung Quốc diễn giải theo hướng Hoa Kỳ đang xuống dốc.
Ứng xử lên gân của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tới quan hệ của nước này với các quốc gia khác.
Chính sách tại vùng biển Nam Trung Hoa của Bắc Kinh đang khiến các nước Asean lo sợ; và thái độ quá mức của họ trước hành động của Nhật Bản trong vụ đảo Senkaku đã chấm dứt hoàn toàn hy vọng của đảng Dân Chủ Nhật, muốn có giao hảo gần với Trung Quốc hơn. Đổi lại, chính quyền Naoto Kan nay xác tín lại liên minh với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh cũng làm phật ý Hàn Quốc vì không chịu phê phán vụ Bắc Triều Tiên bắn pháo vào hòn đảo của miền Nam.
Trung Quốc làm Ấn Độ bực bội về vụ biên giới và hộ chiếu, và chỉ làm mình tự xấu mặt ở châu Âu và các nơi khác với cách phản ứng quá trớn khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù, ông Lưu Hiểu Ba.
Tất cả những điều này sẽ tiếp tục ra sao trong năm nay?
Có nhiều khả năng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ giảm bớt thái độ cứng rắn đã làm họ phải trả giá đắt.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu ra mong muốn hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, ngăn ngừa phổ biến vũ khí nguyên tử và cổ vũ cho năng lượng sách sẽ giúp cho việc giảm căng thẳng.
Nhưng các nhóm đặc quyền tại Trung Quốc trong ngành xuất khẩu và trong Quân Giải phóng sẽ hạn chế mọi hợp tác kinh tế và hải quân.
Quan trọng hơn, vì chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong giới blogger Trung Quốc, sẽ rất khó để các nhà lãnh đạo thay đổi đường lối một cách mạnh mẽ.
Chyến thăm cấp nhà nước của ông Hồ sẽ giúp cải thiện vấn đề, nhưng bang giao hai nước sẽ vẫn còn khó khăn chừng nào người Trung Quốc còn bị căn bệnh ảo tưởng rằng Hoa Kỳ đang xuống dốc.
Giáo sư Joseph Nye giảng dạy tại Đại học Harvard và là tác giả cuốn 'The Future of Power'. Ông cũng từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng và An ninh Quốc tế, và cựu Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment