Friday, June 24, 2011

Shinshin: chiến đấu cơ tàng hình của Nhật










Chiến đấu cơ tàng hình của Nhật Shinshin (Tinh Thần) trong giai đoạn nghiên cứu, với mẫu nhỏ bay thử được điều khiển bằng vô tuyến điện và hai mẫu lớn bằng thật nhưng chưa bay được




Minh Đức


Khi chiếc máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc làm cho thế giới sửng sốt về sự tiến bộ về kỹ thuật quân sự của Trung Quốc thì Nhật Bản âm thầm, không khua chiêng gõ trống đã nghiên cứu và thử nghiệm máy bay tàng hình của mình .

Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Kỹ Thuật thuộc Bộ Quốc Phòng Nhật đã bắt tay vào việc nghiên cứu từ 2004. Chiếc máy bay này dùng cả hai kỹ thuật để tàng hình mà các chiếc máy bay F-22, F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và T-50 của Nga dùng là hình dạng không phản chiếu lại sóng ra đa và lớp sơn bên ngoài không phản xa lại sóng ra đa. Trong khi đó thì các chiếc máy bay của châu Âu là Rafale của Pháp, Euro Fighter của Đức, Ý, Anh chỉ dùng lớp sơn không phản xạ để tàng hình. Vào thời gian Nhật tung ra tin này, năm 2007, thì việc thí nghiệm về tính tàng hình đã được thực hiện thành công hai năm về trước, 2005, tại phòng thí nghiệm DGA tại Pháp và đã thành công mỹ mãn. Trên màn ảnh ra đa, chiếc Shinshin trông nhỏ hơn một con chim cỡ trung bình nhưng lớn hơn các con côn trùng.


Chiếc máy bay chiếu trong video của đài truyền hình Nhật là mẫu nhỏ bằng 1/5 kích thước thật được làm năm 2006, được gắn động cơ phản lực thật, cho bay để thí nghiệm.



Theo phát ngôn viên Nhật thì chiếc máy bay Shinshin cũng được dùng để thử xem hệ thống ra đa phòng không của Nhật sẽ khám phá các máy bay tàng hình như thế nào.

Chiếc Shinshin được trang bị hai động cơ, có khả năng thay đổi góc phụt của tia phản lực theo hướng lên xuống và cả qua phải, qua trái, như chiếc T-50 của Nga, trong khi chiếc F-22 của Mỹ thì chỉ đổi hướng theo chiều lên và xuống mà thôi .

Bản tin về chiếc máy bay này nói là đến năm 2014 thì Nhật sẽ cho bay thử chiếc máy bay lần đầu tiên. Hiện nay, Nhật đang gửi giấy tờ đi các hãng chế tạo động cơ phản lực trên thế giới như General Electric của Mỹ, Snecma của Pháp, Volvo Aero của Thụy Điển và cả hãng Kaveri của Ấn Độ thăm dò mua động cơ gắn vào mẫu sẽ bay thử. Trong khi đó thì hãng chế tạo động cơ phản lực của Nhật Ishikawajima-Harima Heavy Industries (IHI) được lệnh bắt tay vào nghiên cứu thế hệ động cơ phản lực mới, có khả năng supercruise cho chiếc máy bay thế hệ thứ 5 này của Nhật.

Nhật muốn bắt kịp với trào lưu thế giới về kỹ thuật quân sự, không để cho mình bị tụt hậu, mặc dù hiến pháp Nhật chỉ cho phép Nhật có lực lượng phòng vệ mà thôi chứ không được có quân đội có khả năng tấn công nước khác. Việc Nhật chỉ được có lực lượng phòng vệ chỉ giới hạn số lượng vũ khí mà Nhật có vì muốn tấn công nước khác thì phải sản xuất nhiều xe tăng, máy bay tàu chiến … Nhưng việc giới hạn này không cấm Nhật nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất thế giới cho lực lượng vũ trang của mình.



Dưới đây là bản tin của hãng thông tấn AP về chiếc Shinshin:

Thiếu tướng Hideyuki Yoshioka, Giám đốc phát triển hàng không thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hãng tin AP hay, nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình có thể cất cánh thử vào năm 2014. Nhật Bản đã chi 39 tỉ Yên (473 triệu USD) cho dự án này từ năm 2009, sau khi được thông báo rằng Mỹ không thể bán F-22 Raptor – chiến đấu cơ tiên tiến nhất – cho Nhật bởi vướng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của quốc hội.

“Chúng tôi đã tiến hành dự án này được 2 năm và mọi việc đang diễn tiến đúng kế hoạch” – tướng Yoshioka cho biết hôm 7.3. Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc bay thử thành công nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình có tên gọi “Shinshin” hay “Spirit” không có nghĩa là Nhật Bản sẽ lập tức cho sản xuất loại vũ khí này. Nguyên mẫu được thiết kế để thử các công nghệ hiện đại, và nếu như mọi việc đều thành công tốt đẹp, chính phủ sẽ quyết định những động thái tiếp theo vào năm 2016.

Nhật Bản đang chịu sức ép của một cuộc “không chiến” trong khu vực về khả năng vượt trội của máy bay chiến đấu tàng hình. “Nếu những nước xung quanh Nhật Bản có khả năng sản xuất chiến đấu cơ tàng hình, thì Nhật Bản cũng phải phát triển khả năng này nhằm tự đảm bảo cho nền quốc phòng” – Đại tá Yoshikaku Takizawa của Viện nghiên cứu phát triển kỹ thuật, Bộ Quốc phòng nói.

Nhật Bản từ lâu là đồng minh quân sự với Mỹ – cường quốc có số lượng lớn máy bay chiến đấu và nhiều loại máy bay khác. Mỹ có khoảng 50 nghìn quân đồn trú trên quần đảo Nhật Bản.

Tuy nhiên, sức mạnh đồng minh ấy cũng không đủ thuyết phục để Tokyo từ bỏ ý định sở hữu F-22. Quốc hội Mỹ liên tục bác bỏ việc bán F-22 cho Nhật, bởi e sợ rằng chiếc chiến đấu cơ này có quá nhiều công nghệ bí mật, khó có thể chia sẻ được, kể cả những bạn bè thân cận nhất của Washington.

Sức ép và động lực

“Chúng tôi nhận ra rằng, điều quan trọng là chúng tôi phải tự phát triển khả năng sản xuất trong nước” – Đại tá Yoshioka nói.

Nga và Trung Quốc đã có những bước tiến lớn hướng tới hoàn thiện máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến có thể cạnh tranh với F-22. Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc khiến các chuyên gia ngạc nhiên khi bay thử nghiệm thành công chiếc Chengdu J-20 ngay trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh.

Chiếc J-20 của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với F-22 của Mỹ, gây choáng váng các nhà hoạch định quân sự Mỹ – Nhật bởi sự phát triển của nó nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Trong khi đó, chiếc chiến đấu cơ mới toanh của Nga mang tên Sukhoi T-50 cũng đã cất cánh vào năm ngoái. Máy bay này được phát triển chung với Ấn Độ. T-50 không chỉ được xem là một động lực cho sức mạnh không quân Nga, mà còn là mối quan tâm của Nhật, bởi lẽ quan hệ Nga – Nhật gần đây không mấy “trời êm bể lặng” xung quanh chuỗi quần đảo tranh chấp Kuril.

Mặt khác, lực lượng không quân của Nhật ngày một già đi nhanh chóng. Tokyo muốn thay thế những chiếc máy bay chiến đấu cũ kỹ F-4EJ và F-15 bằng những máy bay tân thời hơn, chẳng hạn như F-35 hoặc F/A-18 của Mỹ hay Typhoon của Châu Âu.

Chính vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là Nhật Bản phải trau dồi khả năng các kỹ sư trong nước nhằm tự phát triển những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất, nếu như các đối tác nước ngoài từ chối bán, như trong trường hợp chiếc F-22 của Washington.

“Điều đặc biệt quan trọng là duy trì và nâng cao khả năng sản xuất bằng công nghệ trong nước” – Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh trong kế hoạch phác thảo chương trình công nghệ tiên tiến ATD-X cuối năm 2009.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác đáng phải quan tâm là tiền bạc. Bộ Quốc phòng dự kiến tác động kinh tế của việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu nội địa lên tới 101 tỉ USD, cùng với 240 nghìn việc làm sẽ được tạo mới.

Vân Anh (Theo AP)

Cập nhật 10-10-2011

Theo tin vào tháng 2 năm 2011, phóng viên Hàn Quốc được Nhật cho đi thăm xưởng chế tạo máy bay Mishubishi để xem tại đây đang đóng 10 chiếc máy bay Shinshin. Theo Bộ Quốc Phòng Nhật thì ra đa và các thiết bị điện tử sẽ do Nhật chế tạo và mỗi máy bay có thể mang bốn phi đạn chống tàu biển. Máy bay Shinshin sẽ được thay thế máy bay F-2 hiện nay của Nhật. F-2 là chiến đấu cơ có nhiều điểm tương tự như chiến đấu cơ F-16, được Nhật chế tạo với sự hợp tác của Mỹ.


Máy bay F-2 của Nhật



Dưới đây là mẫu chiếc máy bay Shinshin được vẽ bằng computer:


No comments:

Post a Comment