Thursday, June 1, 2017

Chuyện chiếc đèn Hoa Kỳ


Nhân dịp thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, đi Mỹ vào tháng 5, năm 2017, ông đã tặng thổng thống Mỹ một chiếc đèn dầu, mà người dân miền Bắc gọi là đèn Hoa Kỳ. Ý nghĩa của việc tặng tổng thống Mỹ chiếc đèn Hoa Kỳ là để nhắc lại quá khứ lúc người Mỹ muốn bán dầu hỏa vào cuối thế kỹ 19 sang đầu thế kỷ 20 nên đã đem tặng không đèn cho người dân các nước Á Châu trong đó có Trung Hoa và Việt Nam. Khen cho ai khéo nghĩ ra dùng chiếc đèn để nhắc lại mối quan hệ buôn bán lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên mối quan hệ buôn bán này cũng có những giai đoạn thăng trầm của nó.


Việc Mỹ tặng không đèn dầu cho thấy sự khôn ngoan cũng như óc thương mại của người Mỹ. Lúc đó nước Mỹ khám phá ra rất nhiều dầu hỏa. Lúc đầu người Mỹ không biết dùng dầu hỏa để làm gì. Có người lấy dầu hỏa thô, đem đóng chai bán và quảng cáo đây là thuốc trị bá bệnh. Bệnh đau bụng, bệnh cảm cúm gì uống dầu này cũng hết. Rồi về sau, có người thấy có thể dùng dầu để đốt thắp sáng. Rồi có người nghĩ ra chiếc đèn đốt bằng dầu, vừa sáng vừa an toàn không sợ bị bỏng cháy. Các nhà kinh doanh dầu hỏa Mỹ nghĩ rằng cần phải cho người tiêu thụ thấy cần phải mua dầu nên họ đem tặng không chiếc đèn dầu, dĩ nhiên trong đó có ít dầu để mà dùng thử. Khi người dân dùng thấy đèn này chiếu sáng hơn đèn mà họ đang dùng thì họ sẽ mua thêm dầu để mà thắp đèn. Từ đó mà số người tiêu thụ dầu gia tăng. Các nhà bán dầu hỏa kiếm được thêm nhiều tiền.

Thời đầu thế kỹ 20, người ta chưa nghĩ ra máy nổ dùng xăng nên sự tiêu thụ dầu hỏa chưa nhiều. Các nhà khai thác dầu hỏa đã đem đèn tặng không cho nước đông hàng trăm triệu dân là Trung Hoa. Họ nghĩ rằng một nước đông dân như Trung Hoa mà ai cũng thắp đền mỗi đêm thì sẽ tiêu thụ rất nhiều dầu hỏa. Việt Nam là nước có biên giới nối liền với Trung Hoa nên cũng nằm trong chiến dịch thương mại này.

Chiếc đèn Hoa Kỳ nói lên óc thương mại của người Hoa Kỳ. Từ nhiều thế kỹ nay, người Mỹ vẫn có óc thương mại như vậy. Đó là nét văn hóa của người Mỹ. Sở dĩ người Mỹ trước đây tách ra đòi độc lập với nước Anh cũng vì lý do thương mại chứ không phải là vì ham quyền lực, muốn có quyền hành ở xứ mới mẻ nằm xa nước Anh. Người Anh đã đánh thuế trà nặng quá cho những thương gia Mỹ bán trà qua Anh nên người Mỹ phản đối, đòi tách ra khỏi Anh, nghĩa là không chịu thuế xuất của triều đình Anh nữa. Sau này, khi tổng thống Obama cầm quyền, ông có nhiều chính sách thiên về chủ nghĩa xã hội muốn gia tăng thuế, hạn chế một số hoạt động kinh doanh khiến cho nhiều người trong đảng Cộng Hòa bất mãn. Một số đảng viên đảng Cộng Hòa đã thành lập Tea Party, nghĩa là Đảng Trà. Họ lấy tên là Đảng Trà là để nhắc lại việc doanh gia bán trà Mỹ thời xưa không muốn bị đánh thuế nặng, muốn được tự do kinh doanh. Đảng Trà vẫn nằm trong Đảng Cộng Hòa, nhưng là một nhóm đảng viên đảng Cộng Hòa có lập trường mạnh mè ủng hộ việc đánh thuế nhẹ, cho tự do kinh doanh.

Trải qua hàng trăm năm, từ lúc người Mỹ tặng đèn dầu cho dân Việt Nam cho đến ngày nay, người Mỹ vẫn không thay đổi. Ngay cả vào thời gian Việt Nam chia cắt Bắc Nam, thì người Mỹ vẫn hiện diện ở miền Nam với óc thương mại, nghĩa là muốn đem hàng hóa bán ở Việt Nam, muốn mở nhà máy ở Việt Nam. Chứ không phải là họ muốn xâm chiếm Việt Nam. Nhưng ở miền Bắc, những người Cộng Sản Việt Nam tin theo chủ nghĩa Mác Lê đã có cái nhìn khác về các nước Tây Phương, Họ xem các nước Tây Phương có óc thương mại là bọn đế quốc bóc lột. Họ cho rằng nếu giao thiệp, buôn bán với các nước tư bản Tây Phương thì sẽ bị bóc lột, làm cho đất nước bị nghèo đi. Trong đầu người Cộng Sản Việt Nam lúc đó nghĩ rằng chỉ có chơi với các nước cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc thì mới không bị bóc lột, mới làm cho nước mình được công nghiệp hóa, giàu mạnh như Liên Xô. Vì tin tưởng rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ là tương lai của nhân loại nên người Cộng Sản Mác Lê chủ trương dùng chiến tranh để "giải phóng" toàn thế giới, khi toàn thể thế giới đề trở thành Cộng Sản hết thì nhân loại mới có thể tiến lên xã hội Cộng Sản, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, ai làm được ít hay nhiều thì tùy sức, nhưng ai cũng có thể hưởng thụ tối đa, tùy ý thích vì lúc đó của cải vật chất rất là dồi dào, ăn chẳng hết.

Người Mỹ với óc thương mại thấy rằng các nước Cộng Sản không giao thiệp, buôn bán với các nước Tây Phương, Liên Xô lại giúp súng đạn cho các nước Cộng Sản đi bành trướng trên thế giới, đến lúc nào đó, các nước trên thế giới đều theo Cộng Sản hết thì không còn ai buôn bán với Mỹ nữa, không còn ai mua hàng của Mỹ nữa. Đó là một sự mất mát rất lớn với các nhà kinh doanh Mỹ. Vì thế Mỹ chủ trương ngăn chận sự bành trướng của phong trào Cộng Sản do Liên Xô chủ trương.

Vì nuôi mộng phải làm cho toàn thể thế giới biến thành Cộng Sản, nên những nhà lãnh đạo miền Bắc thấy trước nhất là phải biến miền Nam thành Cộng Sản. Để làm cho dân miền Bắc căm thù, muốn xung phong vào Nam để chiến đấu, chính quyền miền Bắc đã bịa chuyện là Mỹ xâm lăng miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa, cai trị rất là khắc nghiệt, đời sống người dân miền Nam rất là nghèo khổ, không có bát để mà ăn cơm, phải lấy vỏ quả dừa làm bát ăn cơm. Trên thực tế, đời sống người dân ở miền Nam tự do hơn ở miền Bắc, về kinh tế, miền Nam đất rộng, dân thưa, nhiều tài nguyên thiên nhiên nên đời sống ấm no.

Với tất cả mưu mẹo về tuyên truyền cộng với khí giới của Liên Xô, Trung Quốc cung cấp, cuối cùng miền Bắc cũng làm cho Mỹ phải bỏ không giúp dân miền Nam ngăn cản sự bành trướng của Cộng Sản nữa. Đảng Cộng Sản Việt Nam thành công trong việc đánh chiếm miền Nam rồi thì cũng biến miền Nam giống như là miền Bắc. Nghĩa là không cho tư nhân buôn bán, chỉ giao thiệp buôn bán với các nước xã hội chủ nghĩa.


Các nước gọi là Cộng Sản như Liên Xô chỉ nhân danh chủ nghĩa Cộng Sản mà cai trị nhưng trên thực tế họ biến quốc gia thành một bộ máy chiến tranh khổng lồ, trong đó toàn thể người dân ai cũng phải đóng góp vào guồng máy chiến tranh đó. Chỉ có một thiểu số ở trên mới có tham vọng biến toàn thế giới thành Cộng Sản nên chế độ chỉ tin dùng những người cùng nuôi tham vọng như họ. Trong một nước thì chỉ có một thiểu số mới có tham vọng quyền lực, thích cái thuyết chiếm toàn thế giới, còn thì người dân có những sở thích khác nhau. Có người chỉ chăm lo cho gia đình, có người thích làm thơ, làm nhạc, có người thích kinh doanh làm giàu. Vì thế xã hội kiểu Liên Xô là xã hội của một thiểu số, có tham vọng giống nhau, cưỡng bách toàn dân phải làm việc, chiến đấu phục vụ cho tham vọng của họ. Đó không phải là chế độ làm cho không còn giai cấp, hay ít ra là làm giảm bớt sự chênh lệnh giừa các giai cấp theo tinh thần của chủ nghĩa Cộng Sản. Người Cộng Sản tịch thu hết tài sản của dân thì làm mất đi sự chênh lệch về của cải trong dân chúng, nhưng lại tạo ra sự chênh lệch rất lớn về quyền lực trong quốc gia. Chỉ có một số mới có quyền lực rất lớn, nắm quyền sinh sát người dân, còn đại chúng bị tước bỏ hết các quyền. Đó đâu phải là chế độ mà Kác Mác mơ ước. Kác Mác mơ ước mọi người đều được giải phóng, không ai bị ép buộc phải làm nhừng điều mà mình không muốn. Kác Mác đã không muốn con người vì đồng tiền mà phải lao động bị khổ cực, bị bóc lột thì lại càng không muốn người dân bị tước bỏ hết các quyền tự do suy nghĩ, tự do phát biểu, bị đánh lừa mà phải xông pha nơi chiến trường.


Về mặt thực tế, hơn 40 năm sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, nhiều điều đã xảy ra trên thế giới, trong đó có việc Liên Xô bị sụp đổ khiến cho những người Cộng Sản Việt Nam mất viện trợ, phải chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với các nước mà trước đây họ cho là đế quốc tư bản bóc lột. Từ đó mà có chuyến đi của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đến Mỹ, trong đó có ông Nguyễn Xuân Phúc. Món quà chiếc đèn Hoa Kỳ tặng cho tổng thống Mỹ Donald Trump, là điều nhắc nhở đến quá khứ về buôn bán giữa hai nước Mỹ và Việt. Việc nhắc nhở đến quá khứ buôn bán lâu năm giừa hai nước cũng nói lên là người tặng đèn muốn bỏ qua cái thời những thế hệ cha ông của người tặng đèn từng có ý nghĩ xem quan hệ buôn bán giữa Mỹ Việt là xấu xa, là nước Mỹ có ý đồ bóc lột nước Việt.

Trong quan hệ buôn bán lâu dài giữa hai nước Mỹ - Việt, người Mỹ lúc nào cũng vẫn thế, vẫn xem lòng ham lợi nhuận điều tự nhiên của con người nên việc buôn bán cũng là điều tự nhiên. Trong khi đó có một số người Việt, có lúc từng xem việc buôn bán là xấu xa, là hành vi bóc lột, nay đã đổi ý.



Minh Đức


Dưới đây là bài viết trên báo Tuổi Trẻ nhưng sau đó vì lý do nào đó đã bị xóa đi.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Trump món quà gì?


Trong chuyến thăm lần này, món quà mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới nước Mỹ và tặng cho Tổng thống Trump là "Đèn Hoa Kỳ", được coi là biểu tượng cho mối quan hệ và đối ngoại kinh tế giữa hai quốc gia Việt - Mỹ trong lịch sử.

Hôm nay (29/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 29 - 31/5/2017.

Đây là chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và là lần tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kể từ khi cả hai nước bước vào nhiệm kỳ mới.

Trong chuyến thăm lần này, món quà mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới nước Mỹ và tặng cho Tổng thống Trump là "Đèn Hoa Kỳ" có hình tượng đong lúa (lúa non) làm hoạ tiết chân đèn với ẩn ý về nền văn hóa lúa nước, cùng với họa tiết hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt tạo thành điểm nhấn từ cổ đèn kéo xuống đế đèn.

Trên bầu đèn là họa tiết cuốn thư và cờ Việt Nam - Hoa Kỳ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện. Với chiều cao 32cm (thân đèn) đường kính 12cm, thông phong (bóng đèn thủy tinh) cao 12cm.

Lựa chọn Gốm Bát Tràng để chế tạo, đèn Hoa Kỳ được phủ men Thanh lưu ly tạo cảm giác sang trọng thân thiện, các họa tiết hoa Sen (cổ đèn, đế đèn) được các nghệ nhân thúc từ những tấm đồng lá với công đoạn hoàn toàn thủ công đã tạo ra một vật phẩm quà tặng đầy ý nghĩa và thể hiện sự sáng tạo và tài hoa của thợ Việt.

Giải thích về nguồn gốc và tên gọi đèn Hoa Kỳ, đơn vị thực hiện chế tác cho biết, đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi hãng dầu lửa của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam. Thời đó, người dân Việt Nam quen dùng dầu lạc hay nến (bạch lạp) để thắp sáng mà không quen dùng dầu hỏa. Để tiếp thị và để bán được dầu - hãng dầu của Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu – và tên gọi đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ) có tên gọi bắt đầu từ đó.

Đèn Hoa Kỳ đã phát huy tác dụng bởi tính ưu vượt hơn so với đèn sử dụng bằng dầu lạc và những ngọn bạch lạp. Và cây đèn Hoa Kỳ đã trở nên thân thiết với đời sống người Việt. Hàng trăm năm trôi qua nhiều người Việt vẫn gọi cây đèn này là đèn Hoa Kỳ, mặc dù đã có hàng trăm loại đèn do người Việt sáng tạo, cải tiến trên nguyên lý của cây đèn Hoa Kỳ xưa.

Đèn Hoa Kỳ được coi là biểu tượng cho mối quan hệ và đối ngoại kinh tế giữa hai quốc gia Việt - Mỹ trong lịch sử. Gắn kết mối quan hệ bền vững dựa trên nền tảng đôi bên cùng có lợi, mở rộng giao thương và mong muốn quan hệ Việt - Mỹ bền chặt và cùng tiến về phía trước.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016.

Về đầu tư, tính đến tháng 11/2016, Hoa Kỳ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với 815 dự án, đồng thời xếp tứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án.

http://tuoitre.vn//thong-bao/404.html?path=/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170529/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tang-tong-thong-trump-mon-qua-gi/1322442.html&ref=https://www.google.ca/&code=404


Đèn Hoa Kỳ là đèn gì?

Lazi.vn


Đèn Hoa Kỳ, tức là đèn dầu, là một loại đèn phát sáng do ngọn lửa đốt bằng dầu hỏa. Đèn có tên là đèn Hoa Kỳ, do trước kia một hãng dầu lửa của Mỹ (Hoa Kỳ) mang dầu sang bán ở Việt Nam, để tiếp thị, hãng này (hãng Shell) đã phát không đèn dầu cho người mua dầu, do đó xuất hiện cái tên đèn Hoa Kỳ. Và dần dần, đèn Hoa Kỳ thay thế những loại đèn phổ biến ở Việt Nam vào xã hội thời bấy giờ như đĩa đèn dầu lạc và những ngọn bạch lạp.

Chiếc đèn dầu đầu tiên được al-Razi (Rhazes) ở Baghdad thế kỉ 9 mô tả trong cuốn Kitab al-Asrar (Sách về các điều bí mật), ông gọi nó là "naffatah". Chiếc đèn dầu hiện đại do nhà phát minh người Ba Lan, Ignacy Łukasiewicz, chế tạo ra vào năm 1853.

Đèn có một bầu đựng dầu, thường làm bằng kim loại hay thủy tinh, một sợi bấc, thường được dệt bằng sợi bông, đoạn dưới nhúng trong dầu để hút dầu lên trên, đoạn trên nhô lên khỏi bầu đèn và thường được chỉnh độ dài bởi một hệ thống núm vặn.

Khi châm lửa vào phần nhô lên của bấc, dầu ngấm trong bấc sẽ cháy và tạo ra một ngọn lửa màu vàng. Khi dầu cháy, hiện tượng mao dẫn bên trong sợi bấc sẽ kéo thêm dầu từ dưới bầu đựng lên để tiếp tục cháy. Kích thước của ngọn lửa được điều khiển bằng cách chỉnh độ dài của phần bấc nhô lên. Núm vặn bấc cùng với trục sẽ làm quay một bánh răng kim loại có răng găm vào sợi bấc, nhờ đó sợi bấc bị kéo lên hoặc xuống tùy theo chiều vặn núm. Nếu bấc được vặn lên quá cao, ngọn lửa sẽ có khói (muội carbon chưa cháy hết).

"Tròn đầy" là cảm hứng để Hội Quán Di Sản thiết kế ra mẫu đèn Hoa Kỳ nói trên. Hình tượng đòng lúa (lúa non) được chọn làm họa tiết chân đèn mang ẩn ý về nền văn hóa lúa nước. Họa tiết hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt, tạo thành điểm nhấn từ cổ đèn kéo xuống đế. Trên bầu đèn là họa tiết cuốn thư và cờ Việt Nam - Mỹ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện.

Chiếc đèn Hoa Kỳ có thân cao 32 cm, đường kính 12 cm, thông phong (bóng đèn thủy tinh) cao 12 cm. Chất liệu gốm Bát Tràng phủ men thanh lưu ly tạo cảm giác sang trọng, thân thiện. "Các họa tiết hoa sen ở cổ đèn, đế đèn được nghệ nhân đúc thủ công từ đồng lá, tạo ra một vật phẩm quà tặng đầy ý nghĩa và thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của thợ Việt"

Chiếc đèn Hoa Kỳ độc bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ tặng Tổng thống Donald Trump nhân dịp sang thăm Mỹ từ 29-31/5/2017

Chiếc đèn Hoa Kỳ độc bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ tặng Tổng thống Donald Trump nhân dịp sang thăm Mỹ từ 29-31/5/2017

Ngọn lửa đèn được bảo vệ bằng bóng đèn hoặc chụp đèn bằng thủy tinh. Mục đích là để tránh bị gió thổi tắt, tránh gây cháy, và để tăng luồng không khí cung cấp cho ngọn lửa nhờ hiệu ứng nhiệt. Luồng gió này mang nhiều không khí (ôxi) thổi qua ngọn lửa, làm nó cháy sáng hơn là khi để ngọn lửa không có bóng chụp. Đèn dầu có thể có mùi nếu lửa cháy không đượm, thường là do sử dụng dầu không đúng loại hoặc dầu nhiễm bẩn.

Sử dụng đã từng được sử dụng rộng rãi trên thế giới trước khi các thiết bị chiếu sáng bằng điện được phổ biến. Ngày nay, ngoài các mục đích trang trí, chiếu sáng trong trường hợp khẩn cấp, hoặc tại các vùng xa xôi không có điện, đèn dầu hiếm khi được sử dụng tại các nước có mạng lưới điện và khí đốt phát triển.

Đèn dầu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, khi hãng dầu lửa Shell (thời đó gọi là hãng "con sò") của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam. Thời đó, người dân Việt Nam quen dùng dầu lạc hay nến (bạch lạp) để thắp sáng mà không quen dùng dầu hỏa. Để tiếp thị, hãng Shell phát không đèn dầu cho người mua. Do đó xuất hiện cái tên đèn Hoa Kỳ (đèn Huê Kỳ). Dần dần, đèn Hoa Kỳ thay thế những đĩa đèn dầu lạc và những ngọn bạch lạp. Ngày nay, ngoại trừ các vùng sâu vùng xa chưa có lưới điện quốc gia, đèn dầu không còn là loại phương tiện chiếu sáng thông dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đèn dầu vẫn còn được đặt trên bàn thờ ở các gia đình hoặc đình chùa để "giữ lửa" và để lấy lửa thắp hương trong các kì cúng lễ hay giỗ chạp. Đèn dầu cổ đã trở thành một thú chơi cho những người sưu tập.

http://lazi.vn/qa/d/den-hoa-ky-la-den-gi


No comments:

Post a Comment