Một đoàn các nhà ngoại giao Hoa Kỳ do Trợ lý Ngoại trưởng Virginia Bennett dẫn đầu đã gặp các nhà tranh đấu tại Sài Gòn tối 24/5, một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Việt–Mỹ tại Hà Nội.
Blogger Huỳnh Thục Vy cho VOA biết mục đích của cuộc gặp:
“Họ đến nghe trình bày các hoạt động của chúng tôi, tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và những phương cách hiệu quả để phát triển hoạt động của xã hội dân sự, hoạt động bảo vệ nhân quyền, và công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt Nam.”
Blogger Thục Vy, từ Đăk Lăk, nói chị có cơ hội trình bày với đoàn về các trường hợp phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền bị chính quyền sách nhiễu:
“Tôi trình bày về những người phụ nữ trong cộng đồng bị ngược đãi ở Việt Nam, như cộng đồng người Montagnard, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, hay cộng đồng phụ nữ bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu tại Việt Nam. Những thành viên cốt lõi của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đang bị cấm xuất cảnh. Bà Bennett có nói đến việc chúng ta nên dùng các cơ chế của địa phương để giải quyết vấn đề địa phương.”
Tôi trình bày về những người phụ nữ trong cộng đồng bị ngược đãi ở Việt Nam, như cộng đồng người Montagnard, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, hay cộng đồng phụ nữ bất đồng chính kiến đang bị sách nhiễu tại Việt Nam. Những thành viên cốt lõi của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đang bị cấm xuất cảnh.
Chị Thục Vy cho biết bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà tranh đấu được nhiều người biết tiếng, bị công an chặn, không đến được, trong khi một số người khác phải rời nhà trước vài hôm mới có thể có mặt trong cuộc họp mặt này.
“Các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam thì có anh Phạm Bá Hải, anh Lê Công Định, anh Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Huỳnh Thục Vy, và hai vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển, nhưng bác sĩ Quế không có mặt vì bị chặn không cho ra khỏi nhà. Vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển phải rời nơi ở của họ ở Sài Gòn cách đó 3 ngày, đi trốn, rồi mới đến cuộc gặp được. Anh Phạm Bá Hải cũng phải đi trốn một ngày trước cuộc gặp.”
Thông cáo hôm 25/5 của Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho biết các chủ đề được trao đổi trong cuộc gặp hầu hết đều xoay quanh các quyền tự do căn bản đang bị tước đoạt tại Việt Nam.
Ông Phạm Bá Hải, đại diện của Hội, nêu lên với đoàn vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa xả độc gây ra. Trong vụ việc kéo dài hơn một năm qua, không có tiến triển đáng kể nào để đền bù thiệt hại cho ngư dân bị tác động, và cũng không có biện pháp cải tạo môi trường biển nào đáng nói.
Trong khi đó nhiều người đưa tin về vụ ô nhiễm Formosa tiếp tục bị truy bức. Ông Hải nói “xử lý hình sự những người làm truyền thông như anh Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, và truy nã anh Bạch Hồng Quyền chỉ làm người dân càng thêm phẫn uất.”
Thông cáo cho biết luật sư Lê Công Định có nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã thụ án hơn phân nửa bản án tù, và kêu gọi chính phủ Mỹ tăng sức ép để Việt Nam sớm thả ông Thức.
Ông Phạm Chí Dũng nhận định về tình hình bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ từ cuối thời Obama đến đầu thời Trump và đề xuất đã đến lúc Hoa Kỳ cần đặt nặng gấp đôi vấn đề tôn trọng nhân quyền trong các hiệp ước thương mại với Việt Nam.
Cũng theo thông cáo trên, bà Virginia Bennett cho biết phái đoàn Mỹ đã đưa “một số vấn đề nhân quyền quan trọng lên bàn đối thoại tại Hà Nội, như quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng... Hoa Kỳ tiếp tục kỳ vọng vào việc cải cách hệ thống luật pháp Việt Nam theo hướng tôn trọng các quyền căn bản của con người”
Bà nói khó có thể kết luận rằng cuộc đối thoại thành công hay thất bại, nhưng phía Việt Nam có vẻ lắng nghe và quan tâm.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo nói rằng vòng Đối thoại Nhân quyền lần thứ 21 do Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Virginia Bennett dẫn đầu cùng phía đối tác Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, đã diễn ra ở Hà Nội vào ngày 23/5.
Nhà hoạt động vì dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội khuya hôm 23/5 nói với VOA-Việt ngữ rằng chị “không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại” trong bối cảnh Hoa Kỳ có chính quyền mới, mà đứng đầu là một tổng thống cho đến nay chỉ có vài phát biểu hiếm hoi về nhân quyền.
Chị Đoan Trang cũng được mời tham dự cuộc gặp với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Hà Nội trước ngày diễn ra cuộc đối thoại, nhưng chị bị an ninh chặn không cho ra khỏi nhà. Chị cho VOA - Việt ngữ biết tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng bị “ngăn cản thô bạo” vào tối hôm 22/5.
Không thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam và truyền thông trong nước loan tin về cuộc đối thoại nhân quyền này
VOA Tiếng Việt
Bình Luận:
Buổi họp này xảy ra trước lúc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ ký kết hợp đồng làm ăn với Mỹ trị giá 17 tỉ đô la vào chuyến đi Mỹ ngày 29-5-2017. Điều này nói lên chính sách chung của nước Mỹ là mặc dù làm ăn buôn bán, trong đó với cả các nước có chế độ thiếu dân chủ, kém tôn trọng nhân quyền nhưng đẩy mạnh nhân quyền và dân chủ vẫn là một trong các hoạt động của Mỹ trên thế giới chứ không phải chỉ là buôn bán mà thôi.
No comments:
Post a Comment