Friday, June 23, 2017

Khi Khmer Đỏ đổ tội cho Việt Nam về tội diệt chủng

Nuon Chea (bên trái) và Khieu Samphan (bên phải) ngồi trước tòa ngày 23-11-2016
Hai cán bộ cao cấp của Khmer Đỏ là Khieu Shamphan và Nuon Chea bị đưa ra tòa xử vào ngày 23-6-2017 về hành vi giết người của chế độ mà họ phục vụ. Họ đều cho rằng không phải là do họ ra lệnh giết mà đổ cho Việt Nam đã gây ra sự thiệt mạng của gần hai triệu người Campuchia. Lối đổ tội này cũng giống như Hoàng Phủ Ngọc Tường vào năm 1979, khi được hỏi về vụ thảm sát tại Huế năm Mậu Thân 1968, đã đổ cho là vì nhân dân căm thù nên đã giết chứ không phải do Cộng Sản giết. Lối chối tội này cho thấy Cộng Sản Miên hay Việt thì cũng có lối hành xử giống nhau. Chẳng những giống nhau ở lối đổ tội, họ còn giống nhau ở cách suy nghĩ khi ra tay giết nhiều người.

Nếu muốn đổ lỗi thì cội nguồn là tư tưởng phải dùng bạo lực làm cách mạng của Lenin. Với tư tưởng này, Liên Xô đã giết hàng chục triệu người, Trung Quốc cũng đã giết hàng chục triệu người. Gấp mấy lần số người bị Kmer Đỏ giết. Tất cả đều phát xuất từ tư tưởng của Lenin cho rằng ngày nay giết nhiều người nhưng khi tiến lên được chủ nghĩa Cộng Sản thì sẽ làm cho toàn thể nhân loại hạnh phúc thì con số người bị giết dù nhiều cũng vẫn là cái giá đáng phải trả. Liên Xô đã đem thanh niên các nước đến Nga để dạy cho họ tư tưởng này rồi tung họ ra khắp nơi trên thế giới để hoạt động. Vì thế việc làm mà Kmer Đỏ chẳng qua là do họ được giáo dục từ những người theo chủ nghĩa Mác Lê. Mà những người CSVN cũng được giáo dục để suy nghĩ theo lối đó. Ông Trần Trọng Kim trong cuốn sách Một Cơn Gió Bụi kể lại mẩu đối thoại giữa ông ta và cán bộ Việt Minh tên là Đoàn Xuân Tín như sau:

"Trần Trọng Kim: Theo như ý các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

Đoàn Xuân Tín: Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.

Rồi người ấy ngồi đọc một bài hình như đã thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế, tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

Tôi nói:

- Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, sao các ông không vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

Đoàn Xuân Tín; Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường.

Trần Trọng Kim: Các ông chắc là các nước Ðồng Minh tin ở sức mạnh của các ông không?

Đoàn Xuân Tín: Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.

Trần Trọng Kim: Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử."

(Hết phần trích dẫn).

Khieu Samphan, chụp năm 1980, tại biên giới Thái - Campuchia

Việc làm của Kmer Đỏ thì chính là phát xuất từ lối suy nghĩ "Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia." . Hàng chục triệu người bị giết tại Nga và Trung Quốc cũng phát xuất từ lối suy nghĩ này. Nhưng người Cộng Sản ít khi nói ra với quần chúng mà họ chỉ nói với nhau . Họ cho rằng quần chúng còn lạc hậu, chưa giác ngộ chủ nghĩa Cộng Sản thì sẽ không tán thành ý nghĩ này.

Noun Chea, đứng thứ hai từ bên phải sang, thời còn uy quyền

Lenin chủ trương là phải dùng bạo lực và có nhiều câu nói để thuyết phục mọi người là việc dùng bạo lực là cần thiết, là con đường duy nhất để tiến đến xã hội cộng sản vô cùng tốt đẹp, không có con đường nào khác. Chẳng hạn Lenin nói:

"Anh không thể làm món trứng ốp la nếu anh không đập vỡ quả trứng".

Hoặc:

"Cách mạng là ngày hội của nhân dân".

Cách mạng dùng bạo lực gây chết chóc lại được tô điểm là vui như là ngày hội.

Cội nguồn của sự giết chóc trong phong trào Cộng Sản lan ra từ Nga, kể cả sự giết chóc của Khmer Đỏ, là do tư tưởng phải dùng bạo lực của Lenin

Thật ra khi những người Cộng Sản ra tay tàn sát người thì họ thực sự tin tưởng là họ giết người là điều cần thiết để xây dựng một chế độ cộng sản vô cùng tốt đẹp. Nhưng khi bị người ta cật vấn vì sao giết người thì họ không dám ưỡn ngực ra khảng khái nói tôi đã giết vì tôi tin là việc giết chóc là điều cần thiết để đi đến xã hội cộng sản vô cùng tốt đẹp mà họ lại đổ cho người khác làm.

Giờ đây, những người cộng sản đó, Miên, Việt, Hoa hay Nga, ở tuổi sắp sửa nằm xuống đi vào lòng đất họ đã nhìn đời đủ lâu để thấy ra việc giết chóc đã không đem lại được xã hội cộng sản hoàn toàn tốt đẹp.  Và điều đó họ cũng âm thầm giữ trong lòng không dám nói ra giống như mấy chục năm trước đây họ không dám nói ra là tôi giết người vì đó là điều cần thiết để đi đến xã hội cộng sản vô cùng tốt đẹp.

Minh Đức



Cựu Thủ lãnh Khmer Đỏ đổ lỗi cho Việt Nam về vụ diệt chủng Campuchia

Một trong hai cựu thủ lãnh hãy còn sống của chế độ Khmer Đỏ khét tiếng nói ông ta không có dính dáng gì tới các hành vi tàn bạo của Khmer Đỏ.

Cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan, năm nay 85 tuổi, đọc bản tuyên bố cuối cùng của ông hôm thứ Sáu 23/6 trước tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.

Ông Khieu Samphan bị cáo buộc đã phạm các tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng.

Ông nói: “Tôi triệt để bác bỏ từ ngữ “sát nhân”. Ông nói “cái ý tưởng về cuộc diệt chủng ở Campuchia” đã được Việt Nam bịa đặt ra để biện minh cho cuộc xâm lăng Campuchia.”

Ông Nuon Chea, 90 tuổi, cánh tay phải của Pol Pot, cũng dối mặt với cùng cáo trạng. Ông không có mặt tại tòa hôm thứ Sáu vì lý do sức khỏe. Thay vào đó, ông theo dõi diễn tiến phiên tòa từ một xà lim.

Hai nhân vật này là những quan chức cao cấp nhất của chế độ Khmer Đỏ hãy còn sống .

Cả hai đều giữ lập trường cho rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc giết hại gần 2 triệu người Campuchia bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả bỏ đói, tra tấn, lao động tới chết trong các trại lao động cải tạo. Nhiều người khác bị đánh đập tới chết trong những vụ hành quyết tập thể được biết đến sau này dưới tên gọi “những cánh đồng chết.”

Hiện chưa rõ bao giờ thì tòa án đặc biệt mới ra phán quyết trong vụ án này.

VOA Tiếng Việt



 Sứ giả của Việt Minh trong những ngày Hà Nội khởi nghĩa

Hà Nội Mới, số Chủ Nhật 8:03 10/08/2008

(HNM) - Ngày 15-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa (UBKN) được thành lập và ông Lê Trọng Nghĩa, là một trong 5 thành viên  (Nguyễn Khang, Ủy viên thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi - tức Trần Quang Huy, cán bộ Xứ ủy; Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy, Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy, và Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên).

 Tôi đến gặp ông trong căn nhà ngói cũ, chật hẹp đã được sửa chữa  ở trạm 354 phố Đội Cấn. Nhìn mái tóc bạc trắng như cước và đồ đạc quá sơ sài, lòng tôi chợt se lại. Nhưng khi kể cho tôi nghe những ngày được ngập tràn trong ánh sáng cách mạng, ông như quên hết mọi ưu phiền. Và cho đến hôm nay, tôi mới được ông cho biết, đêm 19-8, ông chọn tên mới - Lê Trọng Nghĩa. Ông giải thích  Lê Trọng  là tỏ lòng nhớ ơn người thầy đã giáo dưỡng tâm hồn ông thuở ấu thơ và Nghĩa là kỷ niệm cuộc khởi nghĩa vĩ đại của dân tộc. Ông kể...

 Tôi sinh năm 1921 trong một gia đình công giáo toàn tòng ở Yên Hưng (Quảng Ninh), ngay  từ khi còn bé, tôi được cha mẹ cho lên Hà Nội học ở Trường Gia Long. Trong làn sóng đấu tranh sôi nổi của phong trào đòi dân chủ, hòa bình, tôi tham gia Đoàn thanh niên Dân chủ, tuyên truyền sách báo công khai của Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1939, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, tôi phải về Hải Phòng học trường Bô-nan. Ở  đây, tôi cùng anh Nguyễn Đình Thi xây dựng tổ Việt Minh và hoạt động bí mật. Sau khi đỗ Đíp - lôm, chúng tôi lên Hà Nội, tôi vào Trường Thăng Long, Nguyễn Đình Thi vào Trường Bưởi, cả 2  tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1942, tôi bị bắt, Pháp tống vào Hỏa Lò. Tháng 3-1945, tôi cùng với các anh Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc… vượt ngục rồi  lao ngay vào việc chuẩn bị khởi nghĩa. Tôi được anh Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ phụ trách Đảng đoàn khối Dân chủ đảng của Bắc kỳ và Hà Nội.

 Do nắm được một số nhân sĩ trí thức cao cấp (qua cơ sở của Đảng dân chủ), tôi được biết ông Phan Kế Toại (Khâm sai Bắc kỳ) muốn tiếp xúc với Việt Minh. Ông Toại là người yêu nước và có tinh thần dân tộc, nhân cơ hội này, tôi muốn gặp ông để tiếp xúc, thăm dò thái độ của ông. Cuối tháng 7, lần đầu tiên, tôi gặp ông tại dinh Khâm sai, trân trọng trình bày chương trình của Việt Minh để giải phóng đất nước. Với sự quan tâm và cởi mở, ông tỏ thái độ trọng thị Mặt trận Việt Minh nhưng cũng chưa ngả hẳn về Việt Minh. Tiếp đó, nhân dịp Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc, ông Toại  báo cho tôi biết và tỏ ý muốn  giới thiệu tôi gặp ông Trần Trọng Kim. Tôi nhận lời vì muốn để biết rõ hơn thái độ trước thời cuộc của người cầm đầu chính phủ Huế. Ngay từ đầu, tôi đã bị mặc cảm bởi cách bắt tay của ông Trần trọng Kim. Có lẽ nghe ông Toại giới thiệu gặp gỡ đại diện của Việt Minh, ông Kim không ngờ lại gặp người đại diện trẻ như tôi. Ông Kim cho rằng trong tình thế hiện nay, phải dựa vào Nhật để giành độc lập. Tôi trình bày rõ quan điểm là phải dựa vào dân, giành lấy chính quyền thì mới có độc lập hoàn toàn. Mỗi người  đều đưa ra quan điểm riêng của mình, sau đó ông Trần Trọng Kim đi đến đề nghị: “Hai bên cùng muốn đi đến cái đích độc lập dân tộc, nhưng chúng tôi đi đường vòng, các ông đi đường thẳng, nhưng vẫn có thể hợp tác với nhau; chúng tôi ở vòng trong, các ông ở vòng ngoài”. Tôi không đồng ý quan điểm này. Không khí ngày một  căng thẳng. Tôi nhớ mãi câu nói của ông, đại ý: “Lịch sử sẽ phán xét cho công việc của chúng tôi”. Khâm sai Phan Kế Toại thấy vậy, bèn đứng lên nói: “Thế nào Chính phủ cũng xem xét lại vấn đề này vì Việt minh ở Bắc kỳ mạnh lắm, nhân dân theo họ”. Chính câu nói này của ông Toại làm tôi yên tâm. Và chỉ hơn một tháng sau, Cách mạng Tháng Tám thành công là minh chứng hùng hồn cho đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn của Đảng.

 Tôi hỏi ông:

- Khi đó, bác còn quá trẻ mà dám một mình đi gặp gỡ, “thuyết pháp” với các nhân vật chóp bu của chính phủ bù nhìn, có lúc nào bác thấy run không?

- Mặc cảm ban đầu với ông Trần Trọng Kim thì có, run thì không vì tôi tin vào sự đúng đắn, sáng suốt  của Việt  Minh, tin vào sức mạnh của nhân dân.

- Cuộc gặp gỡ nào để lại cho bác nhiều ấn tượng nhất?

- Cuộc gặp Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn. Lúc đó, ông Hãn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ra Bắc cùng đoàn đại biểu chính phủ Trần Trọng Kim  để điều đình với Nhật  và liên lạc với Việt Minh, mời Việt Minh hợp tác với chính phủ. Sớm 18-8, ông Hãn đích thân đến trụ sở Ủy ban quân sự cách mạng ở 101 Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo) để nêu lại vấn đề Việt Minh hợp tác mà lần trước, ông Trần Trọng Kim đã nêu. Anh Khang giao cho tôi  thay mặt Ủy ban quân sự cách mạng  tiếp ông Hoàng Xuân Hãn. Qua thái độ cử chỉ, những tin tức ông thông báo cho biết về Chính phủ bù nhìn và đề ra giải pháp, tôi thật sự xúc động trước tấm lòng yêu nước của ông. Ông bộ trưởng ăn mặc chỉnh tề. Coi ông có vẻ hiền lành nhưng không giấu được cử chỉ của người đang xúc động mạnh. Tôi trân trọng mời…Ông cũng không chờ thêm, tự giới thiệu là người đại diện cao cấp của Thủ tướng  Chính phủ lúc đó đang ở Hà Nội, đến để báo những tin quan trọng, khẩn cấp. Ông cho biết Khâm sai Phan Kế Toại ngay từ đêm 17 đã từ bỏ nhiệm vụ và rời nhiệm sở (dinh Khâm sai). Ngày 18, Chính phủ, nhà vua đã cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch Ủy ban chính trị kiêm Khâm sai Bắc bộ thay ông Phan Kế Toại. Quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào chiếm miền Nam và miền Bắc vĩ tuyến 16 nước ta rồi. Ngừng một chút như nén xúc động, ông tiếp, đất nước có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa. Và ông gợi ý luôn: Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để Chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng minh trong lúc này… Những tin tức của ông thật hệ trọng và gây bất ngờ. Tôi ôn tồn từ chối khéo với lý do giản đơn chỉ có Việt Minh mới duy nhất có đủ tư cách, danh nghĩa và khả năng để đối phó với tình hình và Việt Minh chúng tôi đã sẵn sàng. Sáng 19-8, Cả Hà Nội xuống đường với rừng cờ, biểu ngữ của hàng nghìn quần chúng cuồn cuộn đổ về quảng trường Nhà hát Lớn. Theo sự phân công của UBKN, anh Khang, anh Trần Tử Bình và tôi chỉ đạo mũi chiếm phủ Khâm sai, sau đó anh Trần Quang Huy dẫn đầu quần chúng sang chiếm Tòa thị chính; anh Quyết chỉ đạo mũi chiếm Trại bảo an binh. Sở mật thám, Ty liêm phóng.

 Tại Trại bảo an binh, trong khi lực lượng vũ trang đã vào trại, chiếm được kho súng và phân phát cho anh em thì ở ngoài cổng trại, quân đội Nhật cho xe tăng đến bao vây. Anh Quyết từ trong trại gọi dây nói báo cáo tình hình căng thẳng. Trong tình thế cấp bách, anh Khang và anh Bình quyết định để tôi đi gặp quân Nhật. Từ phủ Khâm sai, tôi lấy xe Limouzin, cắm cờ đỏ sao vàng, đến gặp viên sĩ quan Nhật ở trước rạp Tháng Tám  để đối thoại. Tôi  nói rõ Trại bảo an binh thuộc quyền Phủ khâm sai của người Việt, người Nhật sắp về nước không nên can thiệp. Viên sĩ quan đã phải chấp nhận cho quân rút về doanh trại ở Phạm Ngũ Lão nhưng vẫn muốn tôi phải nói chuyện vói thượng cấp của họ theo kỷ luật nhà binh. Với sức mạnh như thác đổ của quần chúng, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lại  có sự điều đình thương lượng kịp thời của Việt Minh, Trại bảo an binh đã về tay chính quyền cách mạng mà không phải đổ máu. Ta đã chiếm được các cơ quan đầu  não về chính trị và quân sự của địch nhanh gọn.

 Ngay tối 19-8, Thường vụ Xứ ủy họp, quyết định thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ do anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, tôi và anh Nguyễn Thân  là ủy viên. Ủy ban phải ra mắt đồng bào ngay sáng 20-8. Vì vậy, chúng tôi chọn tên để ra hoạt động công khai. Tôi, Lê Trọng Nghĩa tên thật là Đoàn Xuân Tín, anh Nguyễn Khang tên thật là Nguyễn Đệ, anh Trần Quang Huy tên thật là Vũ Đức Huề. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội cùng được thành lập do anh Trần Quang Huy làm Chủ tịch. Sau đó, anh Khang cử tôi và anh Trần Đình Long gặp ngay Tổng tư lệnh kiêm Đại sứ toàn quyền Nhật, tướng Tsuchiháhi tại 33 Phạm Ngũ Lão để nói cho họ biết: Ta không đụng đến người Nhật và mong rằng họ không gây rắc rối hay xung đột cho ta. Cuộc hội đàm đầu tiên giữa đại diện chính quyền cách mạng với viên tướng cao cấp của Nhật đã thắng lợi to lớn, ngoài cả dự kiến ban đầu của ta. Họ xác định thái độ không can thiệp vào nội bộ người Việt, mặc nhiên thừa nhận chúng tôi là nhà chức trách đương quyền  và cử sĩ quan liên lạc với ta...

 Hơn nửa thế kỷ đã qua, sứ giả của Việt Minh trong mùa thu cách mạng Đoàn Xuân Tín xưa đã là dịch giả của cuốn sách “Tại sao Việt Nam” và nhiều công trình dịch thuật có giá trị để bảo vệ chủ quyền biên giới. Ông đang viết hồi ký về những thời khắc không thể nào quên trong mùa thu cách mạng  mà với ông, đó là sức mạnh to lớn, kỳ diệu của đồng chí đồng bào đang nổi dậy giành quyền sống trong độc lập tự do.



Phạm Kim Thanh ghi

No comments:

Post a Comment