Thursday, June 1, 2017

Nước Mỹ và các đồng minh độc tài

Việc ông Donald Trump đến Saudi Arabia được đón tiếp trọng thể cùng với hứa hẹn là Saudi Arabia sẽ mua vũ khí của Mỹ trị giá một trăm tỉ đô la làm cho một số người Mỹ và nhiều nhà bình luận trên thế giới cho rằng chính sách của Mỹ là chỉ chú trọng về buôn bán mà bỏ qua về dân chủ, nhân quyền. Tuy thế Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh dân chủ, nhân quyền tại nhiều nơi khác trên thế giới . Chính sách ngoại giao của Mỹ là như thế nào?

Đối với một số người Việt ở miền Nam, từng sống qua thời Việt Nam Cộng Hòa thì sự việc Mỹ ủng hộ chế độ độc tài chẳng mới mẻ gì . Họ đã chứng kiến là Mỹ giúp Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ tự do, dân chủ nhưng Mỹ cũng ủng hộ chế độ quân nhân ở miền Nam và một số chế độ quân nhân tại các nước khác nữa . Mà các chế độ quân nhân thì không nhiều thì ít đều độc tài, vi phạm các nguyên tắc dân chủ. Điều này nói lên đặc điểm về chính sách ngoại giao của Mỹ.

Thời Chiến Tranh Lạnh

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Mỹ phải đối phó với khối Cộng Sản, do Liên Xô đứng đầu, theo chủ nghĩa Mác Lê, dùng bạo lực để "giải phóng" toàn thế giới . Liên Xô đem người từ các nước về Nga huấn luyện cho phương pháp tuyên truyền, phương pháp thành lập đảng, phương pháp gây rối loạn trong xã hội để nổi lên cướp chính quyền rồi cho những người này về nước họ lập ra đảng cộng sản, bất chấp luật pháp gây rối loạn, dùng bạo lực cướp chính quyền . Với hệ thống cộng sản quốc tế, Liên Xô dự định các đảng Cộng Sản khi cướp được chính quyền ở nước mình sẽ ngả theo Liên Xô, không làm ăn buôn bán với Mỹ nữa . Bằng cách này, Liên Xô làm mất các đối tác kinh tế của Mỹ, cô lập Mỹ, làm suy yếu Mỹ . Đến lúc nào đó khi Mỹ suy yếu, Liên Xô cũng lũng đoạn xã hội Mỹ, đưa những người thân với Liên Xô lên cầm quyền . Như vậy là Liên Xô sẽ làm bá chủ thế giới . Để đối phó với chiến thuật bành trướng của Liên Xô, Mỹ chủ trương giúp cho các nước có thêm phương tiện để chống lại sự lật đổ của Cộng Sản . Chế độ dân chủ tuy tốt đẹp, để cho dân được tự do tham gia chính trị, tự do phát biểu nhưng lại dễ bị người Cộng Sản lợi dụng để tuyên truyền kích động dân chống chính quyền . Mà chính sách tuyên truyền của Cộng Sản dùng mọi dối trá, miễn sao đạt được mục đích nên sự tự do ngôn luân của xã hội dân chủ là môi trường tốt để người Cộng Sản lan truyền các luận điệu dối trá, đánh lừa quần chúng, lợi dụng quần chúng cho mục đích nhất thời của họ, là quấy rối, lật đổ chính quyền hiện tại.

Các chính quyền do dân bầu tuy có thể bầu được người tốt, biết lo cho đất nước nhưng họ lại yếu về mặt quân sự, ít kinh nghiệm đối phó với chiến thuật tuyên truyền lật đổ của Cộng Sản. Do đó, tại một số nước các tướng lãnh đã ra nắm quyền, dùng quân đội để đàn áp việc cộng sản dùng bạo lực lật đổ chính quyền. Mỹ đã phải chấp nhận ủng hộ các chế độ quân nhân chống Cộng trong trước mắt, để rồi về lâu về dài, sẽ ảnh hưởng đến các nước này, biến các nước thành thành tự do, dân chủ hơn.

Trường hợp Tây Ban Nha

Trong thời gian Mỹ ủng hộ chế độ của các tướng lãnh của miền Nam, có nhà báo đã đưa ra trường hợp Mỹ cũng ủng hộ chế độ Franco tại Tây Ban Nha trong khi bỏ phe dân chủ để đưa đến kết luật chua chát là Mỹ không xem trọng dân chủ. Chuyện đó xảy ra khi Tây Ban Nha lâm vào nội chiến giừa hai phe từ năm 1936 đến năm 1939. Hai phe trong cuộc nội chiến là Cộng Hòa là những người chủ trương xây dựng chế độ dân chủ và phe thứ ba là phe Quốc Gia do tướng Francisco Franco cầm đầu. Phe Cộng Hòa được Liên Xô, Mexico, Pháp ủng hộ. Phe Quốc Gia được Đức Quốc Xã, Phát Xít Ý và Bồ Đào Nha ủng hộ. Cuối cùng phe Quốc Gia của tướng Franco đã thắng . Khi châu Âu đã có hòa bình, năm 1953, Mỹ thắt chặt bang giao với chế độ Franco mặc dù đây là một chế độ độc tài. Lý do Mỹ ủng hộ chế độ ở Tây Ban Nha là vì chế độ này đủ sức chống lại Cộng Sản. Trong khi đó phe Cộng Sản rất mạnh ở Ý và có lần suýt thắng trong cuộc bầu cử. Trong thời gian từ 1953 cho đến khi tướng Franco qua đời, trong khi hợp tác với Tây Ban Nha, Mỹ đã dần dần biến Tây Ban Nha phải tôn trọng dân chủ hơn . Khi tướng Franco qua đời năm 1975, Tây Ban Nha đã chuyển sang chế độ dân chủ mà không gây xáo trộn nhiều cho quốc gia.

Trường hợp Đài Loan, Nam Hàn

Trường hợp Đài Loan, Tưởng Giới Thạch cũng là một nhà độc tài nhưng Mỹ vẫn ủng hộ . Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, dưới áp lực của phe đối lập, những người kế vị Tưởng Giới Thạch đã phải nhượng bộ để Đài Loan có chế độ chính trị dân chủ đa đảng. Tại Nam Hàn, tuy có một thời gian do có các tướng lãnh cầm quyên nhưng về sau Nam Hàn cũng có một chế độ dân chủ.

Trường hợp Việt Nam Cộng Hòa

Miền Nam trải qua cuộc đảo chánh do các tướng lãnh cầm đầu năm 1963 . Sau đó xảy ra sự tranh giành quyền lực giừa các tướng lãnh. Đến năm 1967, thì miền Nam đã tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trở lại và tiếp tục xây dựng chế độ dân chủ đa đảng. Mỹ chỉ tạm thời ủng hộ chế độ quân nhân nhưng đồi thời gây sức ép để các quân nhân đi đến chế độ dân chủ.


Điều mà một quốc gia cần

Trong lịch sử, nước Mỹ tùy theo nhu cầu mà có thể ủng hộ các chế độ độc tài trong nhất thời. Nhưng nhìn theo nhu cầu của một quốc gia thì điều mà một quốc gia cần là có một chế độ cai trị theo luật pháp. Singapore đã thành công và trở thành thịnh vượng vì ông Lý Quang Diệu chú trọng vào việc giữ cho luật pháp được tôn trọng. Luật pháp được ví như dây cương để người lãnh đạo lèo lái đất nước đi theo đúng chính sách của lãnh đạo đề ra. Một chế độ không tôn trọng luật pháp là cỗ xe mà người đánh xe không biết sử dụng dây cương để điều khiển, để cho ngựa lồng lên kéo xe đi mọi hướng, không theo ý muốn của người đánh xe.

Điều mà một quốc gia cần cũng là người lãnh đạo biết lo cho kinh tế, biết lo cho đời sống người dân. Nhiều người lãnh đạo chỉ cầm quyền để lo vun quén cho sự giàu sang của mình. Một số nhà lãnh đạo khác tuy nói là lo cho đất nước nhưng chỉ ham chinh chiến, bắt dân kham khổ để theo đuổi chiến tranh. Một chính sách thiên lệch về chiến tranh, lơ là không chăm lo cho kinh tế cuối cùng sẽ làm cho đất nước bị tàn phá, nghèo nàn cũng không phải là chính sách tốt cho quốc gia. Một chính sách thăng bằng, vừa biết lo cho kinh tế, lo cho đời sống người dân vừa phải biết phòng vệ quốc gia tốt hơn là quá thiên về một phía.

Như vậy dù phải bang giao với các nước với các chính sách khác nhau, điều quan trọng vẫn là người dân nước đó biết được điều gì là tốt cho đất nước, điều gì là xấu cho đất nước để giữ cho đường lối của quốc gia đi theo hướng có lợi không bị chao đảo, lôi kéo vào các tham vọng của nước khác.


Minh Đức





No comments:

Post a Comment