Thursday, January 26, 2017

Vì sao bài hát Ly Rượu Mừng bị cấm?

Vì sao bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương bị cấm hát trong suốt 40 năm, từ 1975 cho đến 2015?

Người thương gia lợi tức!

Điều khiến cho bài hát bị cấm là câu "người thương gia lợi tức". Sau 1975, thì chính quyền CS thực hiện các chiến dịch đánh tư sản. Thương gia bị lên án là bóc lột, cơ sở làm ăn, tài sản của họ bị nhà nước tịch thu, còn gia đình họ bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Tư nhân bị cấm kinh doanh. Ai nuôi mộng làm giàu thì bị lên án là còn có óc bóc lột.

Sau 1975, kể từ 1976 là chính quyền Cộng Sản bắt đầu chính sách tiêu diệt tư nhân kinh doanh . Một số doanh nghiệp tư nhân tuy chưa bị bắt phải đóng cửa thì bị chính quyền bắt phải đóng thuế thật nặng . Cái lý do nêu ra để bắt phải đóng thuế nặng không quan trọng bằng mục đích là bắt các doanh gia phải nộp hết tài sản cho nhà nước, nằm trong chính sách kinh tế chung là vét sạch tiền bạc trong nhà người dân, không cho dân có tiền để dành, cấm để dành vàng, đô la . Các doanh nghiệp xin được đóng cửa nhưng nhà nước không cho phép đóng cửa mà cứ bắt phải tiếp tục kinh doanh, tiếp tục nộp thuế thật nặng. Chỉ đến khi nào nhà nước nghĩ rằng họ không còn của cải để đóng thuế nữa thì mới cho họ đóng cửa. Đây cũng là chính sách mà chính quyền Cộng Sản đã thực hiện tại tại miền Bắc sau 1954.

Trong hai chiến dịch đánh tư sản, mà chiến dịch thứ nhất bắt đầu năm 1979, thương gia, các nhà doanh nghiệp bị tịch thu cơ sở sản xuất. Có gia đình bị tịch thu nhà cửa, đuổi đi vùng kinh tế mới. Các cán bộ tham gia chiến dịch đánh tư sản vào nhà các thương gia khám xét xem có còn dấu vàng bạc, đá quí, đô la để tịch thu. Trong trường hợp nghi là nhà đó còn dấu vàng và của cải thì cán bộ ở lì luôn trong nhà nhiều tuần lễ để lục lọi, quan sát người trong nhà. Kinh nghiệm đánh tư sản ở miền Bắc được dạy lại cho thế hệ cán bộ mới là quan sát cách đi đứng, động tác của người trong nhà . Khi họ dấu vàng bạc ở đâu thì họ thường hay liếc mắt  nhìn, hay có thái độ lo sợ khi nhìn vào chỗ đó. Bằng cách này, các cán bộ đã khám phá và tịch thu thêm được vàng bạc, đá quí.

Trong trường hợp rình rập trong nhà mà không tìm ra gì, thì chủ nhà có thể bị bắt giam để khảo của. Một người ngồi quán cà phê chỉ trích chế độ bị công an chìm bắt giam kể lại chuyện thương gia bị bắt trong chiến dịch đánh tư sản. Sau 1975, các tòa cao ốc có nhiều phòng trước đó xây để cho lính Mỹ thuê, khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam thì nhiều tòa nhà bỏ trống, được dùng làm chỗ nhốt tù. Người này bị giam trong một tòa cao ốc đó cùng với một số thương gia bị bắt trong chiến dịch đánh tư sản. Người này kể cứ khoảng 3, 4 giờ sáng, những thương gia bị đánh thức dậy trong khi đang ngủ để đem đi tra khảo xem họ dấu của cải ở đâu. Cái kỹ thuật đánh thức người vào lúc 3, 4 giờ, lúc người đó đang ngủ say để thẩm vấn sẽ làm khai thác tin tức dễ hơn vì lúc đó đầu óc họ còn ngái ngủ, chưa kịp chuẩn bị nói dối. Hơn nữa bị đánh thức vào lúc trời còn tối và dẫn đi người đó sẽ lo sợ khủng khiếp. Tiếng người đó đau đớn, gào thét vì bị tra khảo vang rền trong tòa nhà tối đen tạo ra không khí rùng rợn, khủng khiếp. Có thương gia không chịu nổi cảnh tra khảo đã cắt mạch máu cổ tay tự tử.

Về mặt tư tưởng thì lòng ham lợi nhuận bị xem là xấu. Ai có óc ham tiền, thích làm giàu bị phê bình là còn có đầu óc bóc lột, là lạc hậu, chưa cải tạo được tư tưởng. Con cái những gia đình thương gia bị lên án là xuất thân từ giai cấp tư sản, không được cho gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Có nghĩa là tương lai chính trị của họ không có lối đi lên.

Trong hoàn cảnh đối xử với thương gia như thế mà cho hát bài có câu "người thương gia lợi tức" thì không phù hợp với đường lối của nhà nước. Vì thương gia bị nhà nước xem là thành phần nhờ bóc lột mà trở nên giàu có mà lại chúc họ có thêm lợi tức nghĩa là chúc cho họ bóc lột nhiều hơn. Vì thế mà cấm bài hát này.

Hiến pháp năm 1982 qui định không có thành phần phần kinh tế tư doanh, nghĩa là đảng CSVN chủ trương trong quốc gia lúc đó không có thành phần thương gia. Bài hát chúc "thương gia lợi tức" không phù hợp với đường lối của đảng CSVN lúc đó.

Người lính là người lính nào

Có bài viết bàn về chữ "người lính" trong bài Ly Rượu Mừng là người lính nào, đó là người lính thuộc phe Cộng Sản hay người lính thuộc phe chống Cộng. Người viết bài nói là bài hát làm vào thời kỳ từ 1951 cho đến 1953 thì tức là người lính đó là người lính chống Pháp. Vì sao tác giả bài đó đoán đó là người lính chống Pháp? Phải chăng là vì bài hát đó làm trước 1954, tức là trước khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa ra đời tại miền Nam thì người lính đó không phải là người lính Việt Nam Cộng Hòa. Mà không phải lính Việt Nam Cộng Hòa thì tức phải là bộ đội Cụ Hồ, là lính chống Pháp?

Ông Phạm Đình Chương viết bài hát này vào khoảng 51, 52 đó là thời gian Phạm Duy, Thái Thanh, Thái Hằng và những người trong Ban Hợp Ca Thăng Long đã bỏ vùng Việt Minh, chạy về thành phố, là vùng chính phủ Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại, hay là vùng Pháp kiểm soát, tùy theo cách nói. Từ đó họ lập ra Ban Hợp Ca Thăng Long đi lưu diễn từ Sài Gòn đến Hà Nội.

Vào thời kỳ 51, 52, sau khi Trung Cộng thắng ở Trung Hoa năm 49, thì Việt Minh đã lộ ra bộ mặt cộng sản, ca tụng Liên Xô và phe XHCN, nhận viện trợ của Trung Quốc. Đến năm 1953 là Việt Minh bắt đầu thực hiện chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, đấu tố địa chủ. Bài hát Ly Rượu Mừng không thích hợp với đường lối cách mạng vô sản của chính quyền Việt Minh nữa mặc dù thương gia lúc đó chưa bị đụng đến, nhưng tinh thần xem các giai cấp ngang nhau không phải là chủ trương của đảng Cộng Sản. Bài hát này được làm trong vùng không do chính quyền Việt Minh kiểm soát. Đây là bài hát xem mọi giới trong xã hội đều bình đẳng như nhau và chúc cho tất cả mọi giới đều thịnh vượng, vui vẻ. Khác với chính sách của đảng CSVN là xem thương gia là bóc lột, địa chủ là bóc lột.

Người lính trong bài hát này chỉ là nhắc đến giới quân nhân, cũng như là giới nông dân, giới thương gia, là các thành phần trong một xã hội bình thường. Tác giả bài hát chắc là không có ý nói về lính của một phe nào mà chỉ nói về người lính của một quốc gia vì mọi quốc gia đều phải có người lính. Đầu óc phân biệt phe phái, xét xem đó là lính của phe nào nào là đầu óc của người lâu năm thấm nhuần lối sáng tác phải gắn liền với chế độ, phải có tính giai cấp, phải gắn liền với một phe.

Đảng CSVN trước đây không chấp nhận lối sáng tác chung chung của các nhạc sĩ miền Nam mà bắt tác phẩm phải gắn liền với chế độ chính trị, phải có tính giai cấp. Các bài hát có tính cách chung chung thì bị lên án là không có tính giai cấp, đánh đồng địch với ta. Không riêng gì bài Ly Rượu Mừng mà phần lớn bài hát của miền Nam đều bị cấm sau 1975 vì bị chê là các bài nói chung chung. Chỉ đến khi sau 1990, sau khi Liên Xô bị sụp đổ, chế độ dần dần bớt đỏ đi về mặt nghệ thuật nên dần dần cho phép hát một số bài hát cũ của miền Nam.

Không phân biệt phe phái cũng là lối làm nhạc của nhiều nhạc sĩ tại miền Nam mà chính quyền CS cho như thế là không đạt yêu cầu. Các vở kịch, cải lương cũng bị kiểm duyệt theo lối này nên có soạn giả cải lương thời trước 75 mỗi tháng soạn ra một vở cải lương, còn sau 1975 nhiều vở viết ra bị từ chối, cả năm mới có một vở được cho phép hát. Nhưng chính vì lối làm nhạc chung chung, không gắn liền nhạc với riêng chế độ chính trị nào mà nhiều bài hát trở thành bất tử, tồn tại với thời gian, dù cho đã trải qua nhiều chế độ. Chính những nghệ sĩ cũng muốn cho tác phẩm của mình nói lên ý tưởng đúng mới mọi thời đại, chứ không phải chỉ đúng với một chế độ, hễ qua chế độ đó là tác phẩm của mình không còn giá trị nữa.

Tự Do

Bài hát Ly Rượu Mừng còn có một điểm mà chế độ Cộng Sản không tán thưởng cho lắm là đề cao Tự Do. Ở cuối bài hát có câu:

"Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do".

Chế độ Cộng Sản không bao giờ nhận chế độ của mình là chế độ mất tự do. Nhưng chế độ Cộng Sản cũng không làm bài hát thúc dục dân khao khát sống đời tự do. Trong khi chữ tự do xuất hiện khá nhiều trong các bài hát ở miền Nam. Thí dụ bài Xuân Miên Nam của nhạc sĩ Văn Phụng, có câu:

"Quên đi đau thương sầu nhớ, vui ca tung reo nguồn sống đắp xây Tự Do"

Bài hát Khúc Ca Đồng Tháp có câu:

"Tháp Mười ơi, đây miền Nam, say Tự Do, vui bình an".

Chế độ Cộng Sản tuy luôn luôn nói đến chữ "giải phóng" để ca tụng công lao của đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng lại không tha thiết lắm trong việc làm cho dân khao khát Tự Do cho cá nhân. Cái Tự Do chung chung đó là điều chế độ muốn tránh.

Bài Ly Rượu Mừng bị cấm mà không nêu lý do cấm. Khi được cho hát lại thì cũng không nêu lý do vì sao cho hát lại. Nếu nêu lý do thực sự thì người dân thấy là trước đây đảng Cộng Sản đã đi lầm đường mà đánh tư sản, cấm tư nhân buôn bán, tiêu diệt giới thương gia. Bài viết xăm soi xem người lính trong bài Ly Rượu Mừng đánh lạc hướng sự chú ý của quần chúng. Làm cho quần chúng chú ý đến vấn đề người lính mà không thấy chữ "thương gia lợi tức" là điều cấm kỵ của chế độ thời đó. Mà lập luận để nói là người lính đó là người lính chống Pháp cũng không có lý. Vì lúc đó Phạm Đình Chương sống trong vùng quốc gia, là vùng Pháp kiểm soát. Nếu Phạm Đình Chương ca tụng người lính chống Pháp thì sao lại bỏ vùng Việt Minh để về sống trong vùng Pháp kiểm soát?

Minh Đức

No comments:

Post a Comment