Sunday, March 3, 2019

Nhìn lại phong trào Tây Sơn - BBC


Bên cạnh hai cách nhìn từ trước tới nay về phong trào Tây Sơn (1773-1802), nay một nhà nghiên cứu người Mỹ vừa đưa ra một đánh giá mới.

Trong bài viết ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây Sơn), giáo sư George Dutton, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, ĐH University of California Los Angeles (UCLA) không đồng ý với hai quan điểm cũ ở Việt Nam về triều đại Tây Sơn.



Đó là cách nhìn của triều Nguyễn coi Tây Sơn là giặc hay nguỵ triều, không có tính chính danh quyền lực, và hai là cách nhìn của các sử gia xã hội chủ nghĩa muốn lý tưởng hóa anh em nhà Tây Sơn, cho rằng họ là những lãnh tụ cách mạng từ nông dân mà ra và vì nông dân mà đấu tranh.

Bài viết này được trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2, tổ chức ở TP. HCM tháng Bảy 2004.

Sử gia George Dutton tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
   

Tiểu sử GS. George Dutton

Luận án tiến sĩ về Tây Sơn: The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Late Eighteenth-Century Viet Nam, 1771-1802

Viết nhiều bài về thời kì Tây Sơn, và công nghệ quân sự VN

Chủ nhiệm chương trình liên khoa Đông Nam Á ở UCLA

Theo ông, phong trào Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất.

Theo George Dutton, cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh.

Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch. Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng.

Nghĩa vụ quân sự
Theo tác giả Dutton, phong trào Tây Sơn gần như ở trong tình trạng lâm chiến triền miên. Ngoài những trận ban đầu đánh chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đánh nhau với quân Trịnh năm 1786, sau đó nhiều lần tấn công ra Bắc, rồi xâm lăng Lào năm 1791, chuẩn bị đánh nhà Thanh để ‘lấy lại Lưỡng Quảng’ năm 1792, các trận đánh với quân Nguyễn Phước Ánh ở phía Nam v.v.

Giữa các anh em nhà Nguyễn thỉnh thoảng cũng có xung đột quân sự như trận Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc năm 1787. Và chỉ trong một trận đó, nguồn tin từ một nhà truyền giáo nước ngoài nói Nguyễn Nhạc mất tới 40 nghìn quân. Số quân lính Tây Sơn bị giết trong các trận đánh khác cũng rất lớn.

Để có quân lính phục vụ các chiến dịch, nhà Tây Sơn đã áp dụng chính sách cưỡng bức nông dân vào lính một cách tàn khốc. Sử gia George Dutton nói dù ban đầu có những nông dân hăng hái xung vào đội quân Tây Sơn, nhưng càng về sau này, hàng ngũ của họ không còn những người ‘nhiệt tình’ nữa, mà chỉ là lính quân dịch.

Dutton cũng nói rằng trên thực tế chế độ quân dịch dưới ách các chúa Trịnh và Nguyễn cũng không kém tàn khốc đối với nông dân, nhưng dưới chế độ Tây Sơn, người lính-nông dân phải liên tục ra trận và thường bị các cấp chỉ huy đối xử tàn bạo. Nhà Tây Sơn thẳng tay bắt lính và trừng trị nặng nề những ai không muốn theo họ.

Chế độ lao dịch

Theo George Dutton, dân chúng ở những vùng Tây Sơn làm chủ phải chịu chế độ lao dịch rất hà khắc. Dân chúng bị buộc phải tham gia xây dựng cách công trình quân sự và dinh thự.

Năm 1775, Nguyễn Nhạc bắt dân xây thành ở Chà Bàn để làm kinh đô cho ông ta năm 1776. Trong đợt tấn công ra Bắc năm 1786, Nguyễn Huệ cũng bắt dân đi lao công, gây ra phản ứng xấu trong dân chúng.

Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho lính vây bắt dân chúng, buộc họ làm việc ngày đêm để củng cố lại thành quách làm chỗ ông ta cố thủ. Chỉ vài năm sau, Nguyễn Huệ lại bắt dân xây Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, một công trình có tầm vóc rất lớn. Theo các sử liệu nước ngoài, dân địa phương phản đối và mạnh ai ngưòi nấy trốn.

Quân Tây Sơn còn hà khắc hơn các chúa Trịnh và Nguyễn trong việc áp dụng chế độ lao dịch. Dưới quyền của họ, quân lính bắt cả các nhà sư, phụ nữ và trẻ em đi phu. Chỉ có những bà mẹ đang cho con bú là được miễn.

Theo George Dutton, một trong những lý do khiến các công việc xây cất có nhiều dưới triều Tây Sơn là quân Tây Sơn hay đốt phá các công trình của đối thủ và cả các chùa chiền.

Việc dùng hỏa công như một cách tiến hành chiến tranh cũng góp phần tàn phá nhà cửa. Và sau khi chiếm được một đô thị, họ lại có nhu cầu phòng thủ và xây cất dinh thự cho các tướng lĩnh.

Huyền thoại cách mạng

Sử gia George Dutton cũng tìm cách giải thích vì sao có huyền thoại Tây Sơn như những người giải phóng. Theo ông, vào thế kỷ 18, trong một thời gian dài kéo qua mấy thế hệ, người dân, nhất là nông dân Việt Nam ở mọi miền đất nước đã chịu cảnh can qua không ngừng.Hàng trăm nghìn người bị giết trong các cuộc chiến giữa hai miền, Đàng Trong và Đàng Ngoài và giữa các thế lực quân sự khác nhau.

Họ quá mệt mỏi, đau khổ và luôn mong ước thoát khỏi cảnh chiến tranh, áp bức.

Triều Tây Sơn, khởi đầu bằng một nhóm thương nhân người Việt cộng tác với người sắc tộc thiểu số vùng An Khê, đã xuất hiện như một thế lực mới.

Ban đầu, họ nổi tiếng là nhóm khởi nghĩa có tài đốt phá dinh thự, nhà cửa của quan lại và chia của cho dân. Dân chúng ở những vùng chưa biết đến họ đã mơ ước được giải phóng.

Chỉ có điều những người giải phóng này sau đó đã áp đặt một chế độ cưỡng bức quân dịch và lao động công ích không kém tàn khốc so với những lãnh chúa phong kiến khác.

Theo Dutton, hiện tượng ‘mơ ước’ được một thế lực khác đối xử tốt hơn cũng xảy ra với dân ở những vùng chưa biết đến chế độ của Nguyễn Phước ánh khi ông ta còn trú ẩn ở cực Nam. Nhìn chung, theo George Dutton thì trong suốt thế kỷ 18, không một thế lực nào ở Viêt Nam lại không áp bức nông dân, buộc họ đi phu đi lính.

Nhìn chung, nhà Tây Sơn cũng chẳng khác gì các triều khác, thậm chí còn có phần tàn khốc hơn. Nhưng theo phân tích của George Dutton thì sau khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, hình ảnh ‘giải phóng’ của Tây Sơn phần nào đọng lại trong ký ức dân gian vì sự căm ghét đối với triều Nguyễn, chứ không phải là sự thực.

Nó được các sử gia Cộng sản sử dụng từ sau Thế Chiến II để tô vẽ ra hình ảnh ‘những anh hùng cách mạng nông dân’. Họ cũng đặt cho triều Tây Sơn ba ‘đức tính’ là ‘tính cách mạng, lòng cao thượng vì công bằng xã hội và ý chí đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước’.

Nhà Tây Sơn được nhìn nhận như những người tiên phong trong cuộc cách mạng được nông dân ủng hộ để thay đổi toàn bộ xã hội. Nhưng George Dutton cho rằng cách nhìn đầy lưu luyến về phong trào Tây Sơn này chỉ là sản phẩm của việc viết lại lịch sử phục vụ cho các mục tiêu của thế kỷ 20, dựa trên lời kể truyền miệng trong dân chúng theo kiểu truyền thuyết dân gian (folk tradition) mà thôi.

Ý kiến bạn đọc:


Lê Thoa, TP. HCM
Thiết nghĩ, chúng ta nên tách rời cá nhân Nguyễn Huệ ra khỏi phong trào Tây Sơn khi làm các xét đoán lịch sử. Cá nhân của vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một thiên tài kiệt xuất về chính trị và quân sự, có công phá tan âm mưu xâm chiếm nước ta của nhà Thanh và Xiêm-La, biết trọng dụng nhân tài, và có tầm nhìn xa về chính trị, văn hóa cho tương lai đất nước. Chỉ tiếc là ông chết quá sớm. Dĩ nhiên là ông cũng có làm những việc thất nhân tâm như dùng thủ đoạn tàn bạo, bắt lính, bắt phu nhưng đó là chuyện hầu như triều đại phong kiến nào cũng có làm.

Còn phong trào Tây Sơn nói chung, thực chất cũng chỉ là một nhóm anh hùng hảo hớn ôm mộng tranh bá đồ vương, tầm thường và điển hình trong thời phong kiến. Bản thân phong trào không có một ý thức cách mạng gì mới mẻ hay ước muốn thay đổi xã hội gì hay ho như ở châu Âu (ngoại trừ các sáng kiến của cá nhân ông Nguyễn Huệ khi làm vua nửa nước). Vì vậy triều Tây Sơn bị đào thải nhanh chóng là phải.

Những người Việt viết sử sau này có lẽ cũng nên bớt khai thác quá độ những "phút huy hoàng rồi chợt tắt" của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Thay vào đó, chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn từ những cống hiến có tính chiến lược lâu dài cho dân tộc, như của các vị vua Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tôn... Người Việt ai cũng biết Lê Lợi, Quang Trung, nhưng có bao nhiêu người biết gì về các vị vua này? Chính các cống hiến chiến lược này mới là nền tảng giúp cho dân Việt xây dựng được nền độc lập lâu dài và tạo ra một bản sắc văn hóa đặc thù của mình.

Trần Thắng, TP. HCM
Triều đại nào không hợp lòng dân thì cuối cùng cũng bị sụp đổ, thay thế, đó là chân lý của muôn đời. Tây Sơn chắc chắn là không được lòng dân nên mới bị thay dổi nhanh như vậy. Nhưng chúng ta đều phải công nhận là chưa có vị vua nào ở VN mà dám nói đến chuyện đánh Trung Quốc lấy lại Lưỡng Quảng, chúng ta không thể không khâm phục thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ.

No Name
Hoàng đế Quang Trung là anh hùng dân tộc. Câu nói của người "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Đánh cho để biết nước Việt Nam là có chủ" mãi mãi nhắc nhở các thế hệ con dân đất Việt quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Kẻ nào phản đối chẳng qua là mang cái nhãn quan thiển cận mà thôi.

Anh Tuấn, Đồng Tháp
Bản thân chúng ta đã đối xử không công bằng với các nhân vật lịch sử, thì làm sao có thể đòi hỏi điều đó đối với một người nước ngoài trong một nền văn hóa khác biệt. Theo tôi George Dutton đã cố gắng có những nhận xét khách quan.

Hùng, California
George Dutton dùng làm tài liệu là các ghi chép thành báo cáo của các nhà truyền giáo hải ngoại gửi về trung ương của họ là Mission Etrangère ở Paris. Các nhà truyền giáo này, lúc đó phò Nguyễn Ánh theo quan điểm của Bá-đa-lộc, bên ngoài thêu người Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha đánh vào, bên trong lôi kéo giáo dân nổi dậy tiếp ứng, nhưng cả hai phía trong ngoài đều bị dẹp tan; khi đó, quân Tây Sơn quả có nặng tay đối với bọn giáo gian, co khi cả một làng giáo bị xóa hẳn, nên các nhà truyền giáo có thiên kiến (nếu không muốn nói là ác cảm) đối với nhà Tây Sơn (mà họ gọi là "Giặc Tây Sơn"). Như vậy, chúng ta không ngạc nhiên về kết luận của George Dutton !!

Nguyễn Việt, TP. HCM
Cũng may mà hồi đó chưa có công nhân, nếu không thì chắc phong trào Tây Sơn cũng sẽ được biến thành phong trào cách mạng của giai cấp công nhân mất. Tôi không muốn nói về mặt đúng hay sai của tác giả Dutton, nhưnh chắc chắn các bạn phải thừa nhận một điều là ngành sử học của ta quá không bình thường, hầu như ít có những ý kiến phản biện, trái chiều. Những gì đã được nhà nước "đóng khung" lại rồi thì coi như là "chân lý", các nhà sử học cứ nương theo đó mà "phát triển" tiếp thôi, đặc biệt là sử trong thời ký hiện đại, khi có sự xuất hiện của đảng CS.

Trần Khoa, TP. HCM
Theo tôi, sử sách hoặc tài liệu nghiên cứu xưa nay, nếu không kể về sự kiện, thì đều bị chi phối bởi tình cảm của người chép sử hoặc của người kiểm soát việc viết sử. Tôi đồng ý rằng ý đồ "giải phóng nông dân" hoặc "phong trào nông dân khởi nghĩa" mà các sử gia XHCN gán cho Tây sơn là có ý đồ sai lạc, cũng như nhận xét của ông Dutton về các cuộc chiến liên tục của nhà Tây sơn là có cơ sở.

Tuy nhiên, đâu phải nếu Tây sơn yên phận ở rẻo đất miền Trung thì Nguyễn Ánh ở phía Nam, nhà Lê và các thế lực phía Bắc chịu để yên ? Cuộc chiến đàng Trong-Ngoài liên miên chẳng đã làm hao tổn nguyên khí đất nước biết bao ? Việc tiêu diệt thế lực Trịnh-Nguyễn là hợp lòng dân nên dân theo. Nếu cưỡng bức nghĩa vụ quân sự, 3 người bắt 1 như một số tài liệu nói, thì liệu với một đám quân ô hợp gượng ép bị tuyển mộ một trong thời gian ngắn ngủi liệu có đánh thắng 20 vạn quân Thanh?

Việc đốt phá chùa chiền của Tây sơn e rằng không đúng. Nên nhớ Nguyễn Lữ là một nhà sư. Nhận xét về chính sách tôn giáo dưới thời Tây sơn, các giáo sĩ phương tây nhận xét khá tốt : Giáo sĩ Tân ban nha, Jumilia, kể :”nhiều ông quan của đám “giặc” đã đến thăm tôi và xin tôi thuốc. Tôi cũng đã được họ giúp đỡ rất nhiều. Họ cho phép chúng tôi tự do giảng đạo, công khai dựng các thánh đường, không còn ai có thể đến quấy phá và ăn trộm bất cứ thứ gì trong nhà thờ.

Ngoài ra họ còn cho 13 tên lính ngày đêm bảo vệ chúng tôi”, Giáo sĩ Le Roy trong một bức thư đề ngày 18-07-1793 viết : “Từ khi Tây sơn lên cầm quyền, Tôn giáo được tiến bộ”(Việt sử tân biên). Về tư cách của Nguyễn Huệ, nếu tin vào lời ông trong Chiếu đăng quang, chiếu lập nhà học, chiếu cầu hiền ... thì ta thấy ông là người sáng suốt, biết cách trị nước, và đặc biệt là tinh thần Nhân Nghĩa. Vua Quang trung đã nhắc lại đường lối Nhân Chính vua theo đuổi trong bài “Thôi ân chiếu” : “Làm phúc ban ơn, vương giả thi hành Nhân chính”. Nhiều tài liệu nước ngoài cũng như trong nước cho vua Quang Trung là một "bạo vương", có thể là do ông hy sinh không ít lính và diệt quá nhiều kẻ thù ... nhưng nếu xét lại về tình hình nước ta trong thời gian ngắn ngủi ông cầm quyền thì Nguyễn Huệ không thể là người bạo tàn, hiếu chiến được.

Nguyễn Phương, TP. HCM
Tôi đồng ý với ý kiến bạn Quốc Bảo và thính giả không muốn nêu tên. Ông Dutton chỉ tìm và nêu các mặt xấu, còn nhiều điều tích cực của triầu đại Tây Sơn thì ông không nhắc. Đây là triều đại tuy ngắn ngủi nhưng hết sức oanh liệt. Có thể nói dưới tài cầm quân của Nguyễn Huệ, chưa khi nào Tây Sơn thua trận. Còn cái tàn nhẫn thì hầu như bất kì triều đại phong kiến nào cũng vậy. Ở phương Tây cũng chẳng hơn gì. Đừng dựa vào thời thế ngày nay mà có cái nhìn thiển cận như vậy.

Quốc Bảo, Hoa Kỳ
Tôi còn nhớ lúc học sử lớp 5 ở VN, Tây Sơn - Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh, muốn lấy lại Lưỡng Quảng cho VN. Tôi nghĩ Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì Trịnh Nguyễn. Tuy vậy, khi nói tới Tây Sơn, tôi cảm thấy sự bất khuất của dân tộc. Một triều đại ngắn mà đầy sức mạnh quân sự và cũng là lần đầu tiên VN chuẩn bị đánh Trung Hoa đòi lại lãnh thổ. Tây Sơn - Nguyễn Huệ sẽ sống mãi trong lòng người Việt Nam. Việt Nam hôm nay cần người lãnh đạo như Nguyễn Huệ, cũng như cần sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải quê hương.

Thính giả ẩn danh, Đắc Lắc
Tôi không hiểu cái ông Dutton lấy tài liệu nghiên cứu ở đâu, trong khi rất hiểm sử sách còn lưu giữ về Tấy sơn, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi. Ông ta đã đọc cuốn "The smaller Dragon" của Bớt-Tinh-Gơta chưa? Tôi thấy ông có ác cảm với chiến công chống ngoại xâm của dân tộc Việt nam thì phải. Cái cách mà ông nhìn nhận có vẻ như so sánh chế độ Cộng Hoà và chế dộ phong kiến Nhà Tây Sơn, mong ông có cái nhìn khách quan về bước tiến của lịch sử.


No comments:

Post a Comment