Saturday, March 2, 2019

Mặt trái chiếc huân chưong "Chiến Thắng"

Chế độ Phát Xít Ðức là một con quái vật khủng khiếp của thế kỷ 20, đã gây ra cuộc thế chiến thứ hai, ngốn hàng chục triệu sinh mạng người vô tội, gieo rắc biết bao đau thương, tang tóc, điêu tàn cho các dân tộc hồi đầu thập niên 40. Nhờ sự chiến đấu của Ðồng minh các nước chống Phát Xít, gồm có Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh, nên mới đánh bại hoàn toàn được quân Phát Xít vào đầu tháng Năm, năm 1945. Trong cuộc chiến thắng vĩ đại đó, Liên Xô đã góp phần quan trọng nhất và cũng là nước bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo con số chính thức thì Liên Xô có 27 triệu người chết, trong số đó 11 triệu 300 ngàn người chết trên chiến trường, số thương binh là 18 triệu 400 ngàn người, khoảng 6 triệu người bị bắt làm tù binh (1).

Chiến thắng quân Phát Xít Ðức là một sự kiện lịch sử huy hoàng của thế kỷ 20. Nó đem lại hào quang rực rỡ cho Liên Xô. Nhưng, oái oăm thay! Chế độ cộng sản của Stalin cũng là một con quái vật khủng khiếp của thế kỷ 20, về bản chất nó không khác gì chế độ Phát Xít của Hitler, nó cũng độc tài toàn trị và đẫm máu không kém gì. Trong hơn bảy thập niên tồn tại, chế độ cộng sản Liên Xô cũng đã ngốn đến 65 triệu (2) sinh mạng người vô tội chủ yếu là dân nước mình.

Chính vì thế trong dịp kỷ niệm 50 năm Liên Xô thắng Phát Xít Ðức, khi xác nhận tầm quan trọng của chiến thắng, những người trung thực không thể không nghĩ tới tấn bi kịch khủng khiếp của các dân tộc và những con người bình thường, vô tội đã phải gánh chịu trong và sau chiến tranh. Có thể nói đó là mặt trái chiếc huân chương “Chiến Thắng”.

Ở đây, tôi không nói đến những vụ thảm sát khủng khiếp hàng vạn sĩ quan và binh sĩ Ba Lan vô tội ở Katyn và Mednoe, mà chỉ nhắc đến những hành động diệt chủng đối với người dân của nước mình mà chế độ cộng sản Liên Xô đã thực thi trong thời gian cuối và sau chiến tranh. Bắt đầu từ cuối năm 1943, các nhà cầm quyền Liên Xô đã ra lệnh cho NKVD (3) xua đuổi trên hai triệu người thuộc các dân tộc Kalmykia, Karachaev, Chechnya, Ingush, Tatar Crimé, Balkaria, Bulgari, Grec (Hy Lạp), Turkia (Thổ), Kurd, Khemshil, v.v... khỏi quê hương, bản quán của mình để đi lưu đày đến các vùng xa xôi, hẻo lánh, như Sibiria, Altai, Omsk, Novosimbirsk, Trung Á, Kazakhstan,... Ðông nhất trong số đó là gần nửa triệu dân Chechnya và Ingush, trên 183 ngàn dân Tatar Crimé, trên 93 ngàn dân Kalmykia và trên 68 ngàn dân Karachaev. Ở đây chưa tính đến cộng đồng sắc dân Corea ở Viễn Ðông bị lưu đày đến Trung Á.

Những dân tộc bị lưu đày đều không được báo trước để chuẩn bị, mà lệnh vừa đưa ra là bị lùa tất cả đi ngay, ai vớ được cái gì thì đem theo cái ấy. Mọi sự phản đối đều bị trấn áp ngay bằng súng đạn. Già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà bị lèn chặt trong toa hàng, xe vận tải hoặc xe ngựa. Trên đường đi, họ không được cung cấp gì về sinh hoạt, thuốc men, đến nơi đã định thì không có nhà lều gì hết, tất cả đều phải tự mình làm lấy, trước nhất là dựng lều tạm trú, rồi tự mình lo liệu mọi sự để ổn định cuộc sống. Chính vì thế có rất nhiều người, nhất là trẻ con và cụ già đã chết ngay trên đường đi và tại nơi mới đến. Có điều kỳ quái là bọn đao phủ chẳng cần quan tâm gì đến các binh sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, chúng lùa đồng loạt cha mẹ, vợ con, anh chị em của họ đi đày cũng như mọi người khác. Thậm chí, những người có danh hiệu Anh hùng Liên Xô chúng cũng không tha, như L. Mandzhiev (người Kalmykia), B. Khechiev (anh này bị chết khi đi đày). Còn sau chiến tranh, Anh Hùng Liên Xô Khansultan Dachiev, người Chechnya, Thượng Tá M.Visaitov trong bộ tư lệnh Tập đoàn quân Belarus, cũng là người Chechnya, đã bị bắt đi đày. Chính vì thế, các dân tộc căm hận cao độ cái chính sách lưu đày của chế độ cộng sản Liên Xô. Ðiều đó giải đáp cho chúng ta câu hỏi: Tại sao đến bây giờ nhiều người dân Chechnya vẫn còn kiên cường chiến đấu chống lại quân Nga để bảo vệ quyền tự quyết cho dân tộc mình.

Sau chiến tranh, người dân Liên Xô chỉ mong mỏi được sống yên ổn, nhưng nào có yên đâu! Không cần nói đến chính sách trả thù, bắn giết hàng loạt những người đã cộng tác với địch trong thời kỳ chiến tranh bất kể tự nguyện hay là bị bắt buộc. Ngay đối với tất cả những người dân bình thường đã sống trong vùng bị địch chiếm đều nghiễm nhiên bị xếp vào loại công dân hạng... “đặc biệt.” Mọi chính sách tuyển chọn nhân viên, tuyển sinh, v. v... đều có phân biệt, có kỳ thị rất rõ ràng. Thậm chí trong những bản mẫu khai lý lịch đều có mục “bản thân có sống trong vùng địch chiếm không?, những năm nào?, làm gì?” “cha mẹ, vợ con, họ hàng có ai sống trong vùng địch chiếm không?, những năm nào?, làm gì?” “có mồ mả ông bà, cha mẹ, họ hàng chôn trong vùng địch chiếm không?”... Mẫu lý lịch này cho đến những năm 60, 70 vẫn còn, và chính tôi cũng đã nhận một mẫu như vậy. Chắc các bạn có thể tưởng tượng là số dân đã từng sống trong vùng địch đông như thế nào? Con số đó lên đến hàng chục triệu người! Ðó là dân nước Ukraina, nước Belarus, một bộ phận miền Tây nước Nga, vùng Caucasia và vài vùng mới thôn tính, như Moldavia, ba nước vùng Baltic. Tất cả đều bị kỳ thị suốt mấy chục năm ròng. Và cố nhiên, ở ba nước Baltic, người ta lại thi hành chính sách lưu đày đến vùng Sibiria xa xôi, như các dân tộc đã kể trên. Hồi những năm 70, chúng tôi có những người bạn là dân Lithuania, họ kể cho nghe về những đợt lưu đày khủng khiếp của dân tộc họ đến Sibiria.

Cũng cần nói rõ việc lưu đày các dân tộc này khác với chính sách bắt vào các trại tập trung, nói đúng ra là trại tù: các dân tộc bị lưu đày tuy mất tự do thật, nhưng chưa chính thức bị coi là tù nhân, họ phải tự kiếm sống trong khuôn khổ vùng lưu đày. Còn những người ở trại tù đều bị coi là tù nhân, họ bị giam giữ, bị bắt làm việc và hàng ngày buộc phải thực hiện đủ định mức lao động, không thì bị cúp khẩu phần. Ðây là nguồn nhân lực lớn không phải trả tiền mà chế độ cộng sản triệt để khai thác nhằm thực hiện những kế hoạch sản xuất của họ. Ðến sau chiến tranh, do nhu cầu nhân lực cho công cuộc phục hồi kinh tế rất lớn, nên người ta càng đẩy mạnh việc bắt người vào trại tập trung. Diện người bị bắt càng mở rộng. Theo chính sách, những người tích cực hợp tác với địch thì bị bắn, những người hợp tác với địch thì đưa vào trại tù, nhưng người ta tống vào trại tù cả những người gọi là “không tích cực đấu tranh với địch” - một tiêu chuẩn cực kỳ mơ hồ! Những sĩ quan và binh lính Hồng quân bị bắt làm tù binh Ðức (4), những công nhân Liên Xô bị lùa sang Ðức làm việc, những người dân Liên Xô có thái độ bất mãn, nói năng không thận trọng, bị quy là “phản động,” “chống đối chính sách”... đều nhất loạt bị bắt vào trại tù. Ngoài ra còn có những người bị coi là “phần tử thù địch” ở các nước Baltic và các nước gọi là “dân chủ nhân dân,” như Ba Lan, Ðông Ðức, Rumania, Hungary, Bulgaria,...

Con số tù nhân trong các trại tù, mà nhà văn A. Solzhenitsyn gọi là “Quần Ðảo GULAG”, không bao giờ được Liên Xô công bố, nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì nhân số thường xuyên là 8 triệu người, cao nhất là 15 triệu. Theo báo cáo của Chính phủ Anh ngày 15.08.1950 tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc, số tù nhân của Liên Xô là 10 triệu người. Chính vì số tù nhân đông đảo như thế nên đất nước Liên Xô đã được mệnh danh là “đế quốc trại tù”. Ðiều kiện sinh sống trong trại tù vô cùng tồi tệ, số tù nhân bị chết rất nhiều, số người ốm yếu cũng rất cao đến nỗi năm 1950, người ta ra lệnh bắn hàng loạt tù nhân ốm yếu với định mức là phải thanh toán 5% số tù để khỏi phải... “nuôi báo cô” những người đau yếu!

Có một điều quái gở là sau chiến tranh, việc bắt bớ trong hàng ngũ cán bộ, sĩ quan... dưới thời Stalin đã xảy ra nhiều đến nỗi tất cả mọi người đều run sợ, sống hôm nay mà không biết số phận của mình ngày mai ra sao. Ông cụ thân sinh nhà tôi là một đại tá đã vào sinh ra tử ở mặt trận Leningrad, bị thương nặng, mất một lá phổi, teo một cánh tay, được tặng nhiều huân chương, đã kể lại cho tôi là cứ mỗi tối trước khi đi ngủ cụ xếp sẵn sàng đồ dùng vào chiếc va li con để khi người ta đến bắt thì có thể đi ngay. Chỉ sau khi Stalin chết, cụ mới bỏ thói quen này. Và điều này chắc nhiều bạn Việt Nam cũng không được biết là ngay như nhà chế tạo tên lửa nổi tiếng Liên Xô S. Koroliov, mãi đến khi bắn tên lửa đầu tiên đi vào vũ trụ, vẫn còn ngồi trong trại tù! Chỉ sau khi bắn thành công rồi ông mới được thả ra.

Cái giá xương máu trên chiến trường và mọi sự chết chóc, tù đày oan uổng của người dân, mọi đau thương của các dân tộc trong và sau chiến tranh to lớn biết dường nào! Nhưng có điều đáng buồn là Chiến thắng thực tế đã không đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Và đại đa số các cựu chiến binh Liên Xô, tức là những người đã làm nên chiến thắng huy hoàng - có lẽ chỉ trừ một số tướng lĩnh cao cấp - giờ đây vẫn cảm thấy hụt hẫng, ngao ngán, chán nản: Họ so sánh cuộc sống của họ và của dân chúng “đất nước chiến thắng” với cuộc sống bình thường của người dân các “nước bại trận” là Ðức, Ý, Nhật - sao mà khác nhau một trời một vực! Chính vì thế, trong những cuộc biểu tình hồi tháng Ba năm nay để chống chính sách của Tổng thống V. Putin chuyển các khoản ưu đãi thành tiền cấp đã có không ít cựu chiến binh Liên Xô tham gia.

Nói đến Chiến thắng của Liên Xô, tưởng cũng nên nói qua một chút đến cái gọi là “Chiến thắng” của Hà Nội. Cũng là những bài bản cũ của Liên Xô được những người cộng sản Việt Nam lặp lại: Chính sách kỳ thị, phân biệt đối xử với những người sống dưới chế độ “cũ”, chính sách trả thù, chính sách trại tù với 300 ngàn sĩ quan, binh sĩ, viên chức, trí thức bị mệnh danh là “ngụy”, với hàng chục ngàn người bình thường, bị quy là “phản động”, “gián điệp”, “chống đối” mà thực ra họ chỉ có cái “tội” là đề nghị với đảng và chính phủ những ý kiến khác với ý kiến kẻ cầm quyền hay chỉ đòi kẻ cầm quyền thực thi những quyền tự do dân chủ đã ghi rõ ràng trong hiến pháp! Cho đến cả sự suy sụp kinh tế, hồi những năm 70, 80, cũng như tâm lý hụt hẫng, chán chường của dân chúng cũng không khác nhau! Nếu nói nghiêm túc thì cái khác biệt đáng kể là cuộc chiến tranh của Liên Xô chống Phát Xít Ðức là một cuộc chiến tranh chống kẻ xâm lược, còn cuộc chiến tranh Bắc-Nam vừa qua là một cuộc nội chiến mà những người lãnh đạo cộng sản đã lừa mị dân chúng để đưa quân vào đánh miền Nam. Ðến khi thắng rồi thì nhiều người mới “vỡ mộng”: Hóa ra là người dân hy sinh xương máu đi đánh nhau với anh em ruột thịt trong nhà, và cuối cùng thì... chỉ để cho một số kẻ cầm quyền tọa hưởng!

Nhân dịp này, mọi người nên để một phút tưởng niệm những người bị ngã xuống cả ở hai phía, những oan hồn của các chế độ độc tài toàn trị, Phát Xít cũng như Cộng Sản.

Tháng 3-1946, Stalin nói là 7 triệu người chết, tương đương với con số người chết của Ðức. Năm 1956, Khrutchev nói là 20 triệu. Còn các số liệu này - lấy từ bách khoa toàn thư Nga.

Con số do chủ tịch ủy ban xét lại các vụ án chính trị dưới thời Xô Viết là A. Yakovliev công bố.

Bộ Nội Vụ, tức là bộ công an khét tiếng độc ác.

Theo điều lệnh, họ phải tự sát chứ không được để bắt làm tù binh.

Nguyễn Minh Cần

No comments:

Post a Comment