Saturday, March 16, 2019

Bốn Quy Tắc Trong Đời Sống


Người ta bảo bạn rằng những giá trị luân lý cổ đã thuộc về thời cổ rồi. Sai bét. Nếu bạn cạo lột cái lớp vỏ từ ngữ nó che lấp con người thời nay đi thì bạn sẽ tìm lại được con người vĩnh viễn của mọi thời.


Có những nhà văn báo trước với bạn rằng những nền văn minh cổ điển sắp tàn. Họ bảo: "Phải nhìn nhận cái hiển nhiên; thế kỷ XX này sẽ chấm dứt một thời đại năm ngàn năm của nhân loại - tức cái Kỷ nguyên của những nền đại văn minh cổ điển - và chúng ta sắp bước qua một thời đại khác... Cái nó sắp tới đó không có một chút gì giống cái nhóm kia cả; không phải là một biến thể mới của linh hồn trong lịch sử; mà là một linh hồn mới trong một thể xác mớị "Một linh hồn mới trong một thể xác mới ư?" Tôi không tin điều đó. Thể xác mới, điều đó không đúng. Thử hỏi tim, gan, mạch máu, dây thần kinh của ta có khác gì của những người Cro-Magnon thời tiền sử không? Còn về linh hồn thì những giá trị luân lý đâu phải là do những luân lý gia già nua vô cố bày đặt ra để chơi. Nó là những giá trị vì thiếu nó thì không một xã hội nào, không một hạnh phúc nào có thể tồn tại được. Vậy, mới đầu tôi hãy xin nhắc bạn vài quy tắc cổ như nền văn minh, nhưng bây giờ vẫn còn đúng, mặc dầu chúng ta đã có những kỹ thuật mới và những triết học hư vô.

Quy tắc thứ nhất là phải sống cho một cái gì khác, chứ không phải cho mình.

Người nào cứ ngẫm nghĩ hoài về mình thì luôn luôn sẽ tìm ra được cả ngàn lý lẽ để mà khổ sở. Không bao giờ người đó làm được tất cả những điều mình mình muốn làm và phải làm; không bao giờ người đó được hưởng tất cả những điều mà người đó đáng hưởng, theo người đó nghĩ; rất ít khi người đó được yêu như đã ước ao được yêụ Nếu người đó cứ nhai lại cái dĩ vãng của mình thì tất sẽ thấy hối tiếc hoặc ân hận, mà điều đó thật là vô ích. "Lỗi lầm của ta sẽ bị quên đi và nó cũng chỉ đáng như vậy thôi". Ðừng mất công gạch bỏ một dĩ vãng mà không có gì hủy diệt được; nên rán xây dựng một hiện tại mà sau này bạn có thể lấy làm vinh hãnh được. Không có gì tai hại bằng mình bất hòa với chính mình; người nào sống cho những người khác, cho xứ sở, cho một người đàn bà, một sự nghiệp, cho những kẻ đói khát, những kẻ bị hành hạ thì quên được hết những ưu tư, những lo lắng lăng nhăng của mình một cách thần diệu. "Cái ngoại giới chân thực chính là cái nội giơi chân thực".

Quy tắc thứ nhì là phải hoạt động.

Ngồi đó mà than thở cái vô lý của thế giới thì sao không rán biến đổi cái khu vực nho nhỏ trong đó ta sẽ phải sống này? Chúng ta không thể thay đổi toàn thể vũ trụ, nhưng ai là người muốn thay đổi toàn thể vũ trụ. Mục tiêu của chúng ta gần hơn, giản dị hơn: làm cái nghề của ta, lựa chọn nó kỹ lưỡng, hiểu rõ nó, thành một bực thầy trong nghề đó. Mỗi người có một khu vực hoạt động; tôi viết sách, người thợ mộc ghép ván đóng tủ sách cho tôi, thầy cảnh sát điều khiển sự giao thông trên công lộ, viên kỹ sư xây cất, viên xã trưởng trên công lộ, viên kỹ sư xây cất, viên xã trưởng cai trị môt. xã. Tất cả những người đó nếu lúc nào cũng bề bộn những công việc mà mình biết làm cho khéo thì trong lúc hoạt động, đều thấy sung sướng cả. Ðiều đó rất đúng, đến nỗi khi rảnh rang, họ thấy khó chịu phải tự buộc mình có những hoạt động bề ngoài có vẻ vô ích, như du hí và thể thaọ Người chơi ruy-bi kia, bị đối thủ làm cho té lăn trên bùn mà thấy sung sướng. Còn như những hoạt động hữu ích, thì nó làm cho ta hưởng thêm cái vui là thấy nó có hiệu quả: một viên thị trưởng hoạt động làm cho một châu thành hóa sạch sẽ, một vị mục sư hoạt động làm cho giáo khu linh động, và những thành công đó làm cho họ hài lòng.

Quy tắc thứ ba là phải tin ở sức mạnh của ý chí.

Không tương lai không phải là hoàn toàn do tiền định đâu. Một bậc vĩ nhân có thể thay đổi dòng lịch sử được. Ai có can đảm muốn thì có thể sửa đổi tương lai của mình được. Dĩ nhiên, chúng ta không ai là vạn năng cả: sự tự do của mỗi người đều có giới hạn. Sự tự do ở trên cái ranh giới giữa những cái mình có thể làm được và những cái mình muốn làm. Tôi không có quyền năng gì để ngăn cản chiến tranh nhưng tôi có thể dùng lời nói hoặc cây viết mà gây một tác động, tác động đó nhân lên với hằng triệu tác động khác, sẽ làm cho chiến tranh khó xảy ra hơn. Tôi có thể tự ngăn lại, đừng luôn luôn nói với các đồng bào của tôi, và nói không hợp lúc, rằng họ bị lăng nhục và danh dự buộc họ phải tự tử với xứ sở của chúng tôi. Tôi không tài năng gì để thắng trận, nhưng ở trong cái địa vị của tôi, tùy khả năng của tôi, tôi có thể làm một người lính can đảm. Và vì "cái giới hạn của ý lực tùy thuộc điều người ta dám làm", cho nên luôn luôn phải làm chủ được mình càng nhiều càng tốt, đừng quá thắc mắc về cái giới hạn. Lười biếng, hèn nhát tức là tự khí (tự bỏ qua mình); đức siêng năng và can đảm là do những hành động tự ý mà có. Và có lẽ nghị lực là đức cao quí nhất.

Tuy nhiên đây là quy tắc thứ tư - tôi còn đề nghị với bạn một giá trị khác cũng quí báu bằng đức nghị lực, tức đức trung tín.

Trung tín với những lời hứa, những hợp đồng, với người khác và với bản thân mình. Chúng ta phải là hạng người không bao giờ làm cho người khác thất vọng về ta. Trung tín không phải là một đức dễ dàng đâu. Có cả ngày cái quyến rũ xen vào ngăn cản ta giữ lời hứa. Bạn sẽ bảo: "Ủa, nếu tôi cưới phải một người vợ lẳng lơ, không trung thành và mê trai thì tôi cũng phải chung thủy với ả ư? Nếu tôi đã lựa một nghề và thấy rằng không hợp với sở nguyện của tôi thì tôi cũng phải tự cấm mình không được kiếm một nghề khác ư? Nếu tôi đã gia nhập một đảng và thấy rằng nó gồm toàn một bọn người hư hỏng, tham lam thì tôi cũng không được gia nhập một đảng khác, mà tôi đã điều tra kỹ hơn và biết là lương thiện hơn ư? "Không. Trung tín không phải là mù quáng. Nhưng cũng không thể viện cái lẽ đã lầm lẫn trong sự lựa chọn để biện hộ cho những hành động bất trung tín, nó chỉ là dấu hiệu của một tấm lòng thiếu đại độ. Alain nói: "Trái lại, ý này mới đúng, là nếu người ta phóng túng, tự khí thì sự lựa chọn nào cũng là lầm lẫn hết, còn như nếu người ta có thiện chí thì sự lựa chọn nào cũng có thể thành ra tốt được cả. Không ai có những lý lẽ tốt khi lựa nghề của mình cả vì phải có lựa nó rồi mới biết được nó. Cũng vậy, không ai lựa những tình yêu của mình cả" Nhưng (thường khi) có thể uốn nắn một người đàn bà được, làm cho khéo cái nghề mình đã lựa, và thay đổi được một đảng. Sự trung tín tạo ra những lý lẽ để biện hộ cho nó.

Tôi đoán rằng bạn cho bốn quy tắc kể trên vừa quá nghiêm khắc vừa quá khái lược. Tôi biết vậy lắm, nhưng không còn quy tắc nào khác. Tôi không đòi bạn phải sống như một nhà khắc kỉ yếm thế. Bạn nên có tinh thần hài hước. Tôi mong rằng bạn có thể mỉm cười về chính bạn - và về tôi nữa. Nếu bạn không chế ngự được những nhược điểm của bạn thì đành nhận nó đi, nhưng mặc dầu có những nhược điểm đó, bạn cũng phải rán giữ một cốt cách mạnh mẽ. Trong xã hội nào mà mọi công dân chỉ sống để thỏa mãn những tham vọng, những trụy lạc của mình, xã hội nào mà sự tàn nhẫn, bất công không bị trừng trị, xã hội nào mà không ai còn ý chí nữa thì xã hội đó là một xã hội bỏ đi rồi. Khi mà thành La Mã còn là thành La Mã của các vị anh hùng, thì nó vẫn còn thịnh vượng; nhưng ngay từ khi nó không tôn trọng những giá trị đã tạo ra nó, thì nó đã không còn nữa. Những kỹ thuật mới đã thay đổi những cách thức hoạt động; nhưng nó không hề thay đổi cái giá trị của sự hoạt động và những lý do để hoạt động. Khởi thủy là như vậy mà cũng sẽ như vậy hoài cho tới chung cục.

Trích: Thư Ngỏ Gởi Tuổi Ðôi Mươi (1966)
Tác giả: André Maurois
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê

No comments:

Post a Comment