Friday, December 4, 2015

Chỉnh Huấn


Chủ Tịch Hồ Chí Minh khai mạc lớp Chỉnh Huấn ngày 6 tháng 2 năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc
 Theo nghĩa tầm nguyên, “chỉnh” là sửa đổi, sắp xếp; “huấn” là dạy dỗ. Chỉnh huấn có nghĩa là dạy dỗ, huấn luyện và sửa đổi (con người) cho đúng hơn, tốt hơn theo đường lối cộng sản. Phong trào "chỉnh huấn" của Việt Minh Cộng Sản nhắm mục đích thanh lọc đảng viên, củng cố tư tưởng chuyên chính vô sản, và hỗ trợ cho cuộc CCRĐ. Lúc đó Việt Minh nhận định: "Phần lớn [cán bộ, đảng viên lúc đó] là tiểu tư sản trí thức, công chức cũ, có người xuất thân giai cấp bóc lột, và không loại trừ người "hai mặt chui vào đảng".

Nói chung, anh em ta, trót đã thụ hưởng giáo dục của đế quốc tư bản thì sự tham gia cách mạng không khỏi có phức tạp. Huống chi nay lại còn có Cải cách ruộng đất để bồi dưỡng cho nông dân để đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi, thì biết đâu tư tưởng của họ không biến đổi phức tạp hơn nữa. Vậy nên Trung ương cho mở cuộc vận động chỉnh huấn nầy để tiếp tục giáo dục, để cải tạo họ một cách triệt để, cho họ phân rõ địch ta trong tư tưởng, cho họ…cho họ nào là tự mình cắt đứt mối liên hệ với thành phần xuất thân, dứt khoát từ bỏ các thứ tư tưởng cầu an hưởng lạc, tự tư tự lợi…" (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tt. 171-172.)

Nói theo ngôn ngữ của cộng sản, chỉnh huấn là tự phê, tự kiểm. Như vậy chỉnh huấn có nghĩa là tự suy nghĩ và nhận xét về những tư tưởng, hành động cũ của mình trong đời sống đã qua, mà không thích hợp với đường lối cộng sản. Những tư tưởng và hành động nầy bị xem là sai lầm, tội lỗi, được từng cá nhân tự giác ngộ, tự khai trình, và tự đề ra những biện pháp sửa chữa. Nói cách khác, chỉnh huấn là đoạn tuyệt với quá khứ và tự nguyện sống theo nguyên tắc cộng sản, hay cũng theo ngôn ngữ cộng sản, là lột xác để trở thành con người cộng sản. Những văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát… đã tự phỉ báng mình, và nguyện theo cộng sản suốt đời. Sau đây là tâm tư của Xuân Diệu đáp lại lá thư của ông Hồ trong cuộc học tập chỉnh huấn:

"Chúng con thề nguyện một lời,

Quyết tâm thành khẩn… lột người từ đây…"

(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn 1959, tr. 22.)

Phong trào chỉnh huấn đã gây nhiều điêu đứng cho giới trí thức, văn nghệ sĩ. Một trong những điêu đứng rất mỉa mai, như lời ông Nguyễn Văn Trấn viết, đó là: "Họ nói khổ sở không phải là nói ra lỗi lầm, mà khổ sở là phải bịa ra lỗi lầm để bản kiểm thảo được coi là thành khẩn." (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 173.)


Hồ Chí Minh tuyên bố tạI lớp chỉnh huấn

 Nói chuyện tại lớp Chỉnh Huấn khóa II của Bộ Công An

Gần một tháng học tập, các cô, các chú đã thấy được cách mạng xã hội chủ nghĩa là vĩ đại. Thấy được như vậy là tiến bộ, nhưng chưa đủ. Các cô, các chú là cán bộ cần phải nhận thức sâu hơn nữa. Phải thấy càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu. Ví dụ: đào một con kênh càng rộng, càng sâu, càng dài thì cần phải bỏ ra nhiều công sức, càng phải vất vả khó nhọc. Đó mới chỉ là việc đào kênh, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc. Một cuộc thay đổi vĩ đại như vậy tất nhiên phải mất nhiều công sức. Mất nhiều công sức thì nhất định là phải vất vả, gian khổ. Nhưng gian khổ mỗi thời kỳ có khác nhau: hồi hoạt động bí mật gian khổ khác, trong kháng chiến gian khổ khác, bây giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội gian khổ khác. Gian khổ đó ai phải ra sức vượt qua trước? Đó là Đảng, là đảng viên và cán bộ. Phải nhận thức cho rõ điều ấy, chớ không phải vào Đảng để hưởng thụ, để làm quan cách mạng. Và thấy gian khổ là để vượt qua, chớ không phải là để lùi bước.

Nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nên nhớ rằng bọn Mỹ - Diệm, bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang. Không phải được đăng báo, được nêu trên đài phát thanh mới là vẻ vang, mà bất kỳ làm công việc gì có ích cho cách mạng, cho nhân dân, cho xã hội đều là vẻ vang cả.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái "thiện" và cái "ác", hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân.
Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dịa, sinh sôi, nảy nở rất dễ.

Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hoá, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau, v.v.. Còn có thể nêu ra nhiều ví dụ nữa, nhưng tóm lại cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được. Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc.

Bác nói một điểm nữa là: làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Một điểm nữa là tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Như Bác đã nói ở trên, nhiệm vụ của các cô, các chú rất nặng nề. Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Có như vậy mới xứng đáng là người cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm.

Tóm lại:

1. Phải trau dồi đạo đức cách mạng,

2. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.


Nói ngày 16-5-1959.
Sách Phát huy tinh thần cầu học cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.84-86. 


Phần dưới đây trích trong cuốn sách Từ Thực Dân Đến Cộng Sản của tác giả Hoàng Văn Chí, xuất bản tại Sài Gòn năm 1964.

Chương 11 - Chỉnh huấn

Người đầu tiên muốn mang phương pháp chỉnh huấn của Trung cộng áp dụng tại Việt Nam là thiếu tướng Nguyễn Sơn, hồi 1948, làm khu trưởng khu 5 (từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên). Trong khoảng hai mươi năm về trước, Nguyễn Sơn là cán bộ quân sự cao cấp của Hồng quân Trung Hoa. Ông là người tính khí rất đặc biệt và đã sống một cuộc đời vô cùng gian lao. Nhờ vậy mà ông đã được Trung cộng suy tôn là “anh hùng dân tộc” của Trung quốc và suýt nữa ông đã trở thành Tito của Việt Nam. Nhắc đến nhân vật kỳ lạ này, chúng tôi tưởng nên nói qua về đời sống rất “Từ Hải” của ông ta.

Tướng Nguyễn Sơn (1908 - 1956)

Nguyễn Sơn, tên thật là Vũ Văn Bác, sinh tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nhưng ở bên Tầu ông lấy tên là Hồng Thuỷ. Con một nhà nho có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, ông được vào học trường Sư phạm Hà Nội và đang học dở, năm 1925, ông tham gia phong trào bãi khoá năm 1925. Bị mật thám tầm nã, ông trốn sang Tàu và được thu nhận vào Trường Chính trị Quân sự Trung ương tại Hoàng Phố. Vừa tốt nghiệp xong thì xảy ra vụ Quảng Châu công xã. Ông là người Việt Nam duy nhất tham gia phong trào này và từ ngày ấy trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Hoa. Ông được nổi tiếng về tài lãnh đạo quân sự trong cuộc Vạn lý trường chinh (1934 - 36) và sau đó, ông được bổ nhiệm là tùy tướng cho Bành Đức Hoài, chỉ huy trưởng Đệ Bát Lộ Quân của Trung cộng. Nguyễn Sơn là một trong bảy tướng còn sống sót của Quảng Châu công xã và một trong mười tám tướng còn lại của Vạn lý trường chinh. Vì vậy nên năm 1949, sau khi Trung cộng toàn thắng, ông được tuyên dương là “anh hùng dân tộc” của Trung Quốc.

Cuối năm 1945, Nguyễn Sơn còn đang ở Diên An thì một hôm, ông gặp một ký giả người Canada tới đấy, sau khi nhé qua Hà Nội. Người này báo tin là Việt Nam đã tuyên bố độc lập, nhưng vì Pháp đang tấn công, âm mưu chiếm lại, nên toàn quốc đương có phong trào kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Canada cũng thuật chuyện có gặp vị chủ tịch của Chính phủ lâm thời, một ông già biết nói tiếng Anh tên là Hồ Chí Minh. Đoán chắc Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Sơn bèn xin các lãnh tụ Trung cộng cho phép hồi hương giúp đất nước mình chống Pháp. Ông Mao Trạch Đông khuyên Nguyễn Sơn nên gắn liền với sự thành bại của cách mệnh Trung Hoa. Nhưng vì Sơn cứ nằng nặc đòi về nên cuối cùng các lãnh tụ Trung cộng cũng chấp thuận cho về. Họ làm giấy tờ chứng nhận Nguyễn Sơn và cả Nguyễn Khánh Toàn là nhân viên phái đoàn Trung cộng từ Diên An xuống Trùng Khánh để điều đình với Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, rồi nhân dịp trốn xuống Hoa Nam, về Việt Nam.

Vì quyết tâm bỏ hàng ngũ Trung cộng để về nước kháng chiến giành độc lập, nên ngay từ khi ra về Nguyễn Sơn đã bị Trung cộng phê bình là nặng về tinh thần quốc gia, nhẹ về tinh thần quốc tế. Có lẽ ông Hồ Chí Minh cũng phê bình Nguyễn Sơn như vậy nên đầu năm 1946, khi Nguyễn Sơn về tới Hà Nội, ông Hồ không thể tiếp và các lãnh tụ Việt cộng khác cũng tỏ vẻ lạnh nhạt. Nhưng vì Pháp tấn công mỗi ngày một mạnh ở miền Nam và một mặt khác, vì cộng sản ở tỉnh Quảng Ngãi bất chấp lệnh trên cứ giết tróc bừa bãi, nên ông Hồ phái Sơn vào khu Năm (miền Nam Trung Việt) với nhiệm vụ đình chỉ cuộc chém giết lung tung và điều khiển công cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó ít lâu, Sơn được đổi ra khu Bốn (miền Bắc Trung Việt) làm “khu phó” phụ trách huấn luyện quân đội. Chẳng bao lâu, khu trưởng là Thiết Hùng bị mất chức vì liên can vào một vụ buôn thuốc phiện lậu nên Nguyễn Sơn được cử thay thế. Vì có hai mươi năm kinh nghiệm hành quân, nên Nguyễn Sơn được quân đội khu Bốn hết sức mến phục. Đồng thời vì có tâm hồn nghệ sĩ và tận tâm giúp đỡ văn nghệ sĩ, nên Nguyễn Sơn cũng được giới văn nghệ hết sức hâm mộ. Nói chung vì có thành tâm yêu nước và có thực tài, rộng rãi và thân mến mọi người, nên Nguyễn Sơn được mọi người quý trọng. Năm 1948, ông Hồ phong Võ Nguyên Giáp làm đại tướng và Nguyễn Sơn là thiếu tướng, khiến Sơn khó chịu, vì Sơn vẫn chê Giáp “i tờ” về quân sự. Sự thực thì Giáp chỉ là một sinh viên trường Luật, được huấn luyện qua loa về chiến tranh du kích trong một khoá do quân đội Mỹ mở ở Tĩnh Tây, hồi Thế chiến thứ hai. Giáp được địa vị cao chỉ vì Giáp được ông Hồ tin yêu, không phải vì Giáp có thực tài về quân sự. 

Tuy nhiên mối bất hoà lớn giữa Nguyễn Sơn và các lãnh tụ Việt cộng không phải là vấn đề kèn cựa địa vị, mà là vấn đề bất đồng ý kiến đối với chính sách yêu cầu Trung cộng viện trợ. Nguyễn Sơn hết sức phản đối việc yêu cầu Trung cộng viện trợ vì Sơn cho rằng hễ nhận viện trợ của Trung cộng thì sẽ mất hết chủ quyền. Sơn viện lẽ rằng hồi chiến tranh chống Nhật, ông Mao không thèm yêu cầu Nga viện trợ và để mặc Nga tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch. Theo Sơn thì nên tự lực kháng chiến chống Pháp, đánh Pháp bằng vũ khí thu được của Pháp, tuy gian lao hơn nhưng không bị phụ thuộc vào bất cứ một ngoại bang nào. Sau một cuộc thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình nhắm phía bắc, đi thẳng sang Trung Quốc. Vì được tôn là “anh hùng dân tộc” của Trung Quốc nên từ Lạng Sơn đến Bắc Kinh, đi qua tỉnh nào, Sơn cũng được đón tiếp trọng thể. Nhưng ông Hồ đã đánh điện sang Bắc Kinh, báo cáo với ông Mao là Sơn vô kỷ luật, và đồng thời Võ Nguyên Giáp cũng bắt toàn thể quân đội Việt Minh phải học tập một tài liệu đặc biệt, trong đó tả Sơn là một cán bộ “điển hình xấu”. Vì bị ông Hồ báo cáo lên tới Bắc Kinh, Sơn phải đi chỉnh huấn ngay tức khắc. Sau khi chỉnh huấn, Sơn tình nguyện đi học đại học quân sự ở Nam Kinh, do chuyên viên Nga dạy về chiến thuật quân sự hiện đại. Năm 1956, Sơn bị ung thư dạ dày và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt Nam. Hai ngày sau khi về tới Hà Nội thì Sơn chết, và Võ Nguyên Giáp phải đi đưa đám. Những người đã từng quen biết Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc gia mặc dầu suốt đời tranh đấu trong hàng ngũ cộng sản. Nếu không chết sớm, Nguyễn Sơn có thể là một Tito Việt Nam.

Hồi còn làm khu trưởng khu Bốn, Sơn có viết và xuất bản mấy cuốn sách nhỏ, nói về chỉnh quân, chỉnh phong và chỉnh đảng. Chỉnh nghĩa là chỉnh đốn tư tưởng và tác phong. Chỉnh quân dành riêng cho quân đội; Chỉnh đảng dành riêng cho đảng viên và chỉnh phong dành cho cán bộ ngoài đảng. Nhưng vì hồi ấy Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp ghét Nguyễn Sơn nên đã không chịu nghe theo. Họ chỉ bắt chước những nét đại cương để lập nên phong trào Rèn cán chỉnh cơ (Rèn luyện cán bộ và Chỉnh đốn cơ quan). Mãi sau này, sau khi Nguyễn Sơn đã sang Tầu, và cố vấn Tầu sang Bắc Việt bày vẽ, Việt cộng mới chịu áp dụng phương pháp “cải tạo tư tưởng” theo kiểu Trung cộng nhưng bao gồm cả chỉnh phong và chỉnh đảng dưới hình thức mới, gọi là Chỉnh huấn, nghĩa là cán bộ và đảng viên đều học chung một khoá, mặc dầu có những bài chỉ giảng riêng cho đảng viên.

Người ngoài cuộc thường hay nói đến danh từ “tẩy não” và thường không biết có nhiều loại “tẩy não” khác nhau, nặng nhẹ tuỳ theo thành phần của đương sự. Hình thức nặng nhất là “quản huấn” dành riêng cho “địa chủ ngoan cố”, hình thức vừa vừa, gọi là “cải tạo” dành cho tù binh ngoại quốc. Các hình thức này đều nặng về khủng bố tinh thần, và nhẹ về thuyết phục. Chỉnh huấn thì trái lại, nặng về thuyết phục và tương đối nhẹ về khủng bố, vì mục đích chính của chỉnh huấn là “thêm bạn bớt thù”. Với phương pháp chỉnh huấn, cộng sản mưu đồ cải tạo tư tưởng và tác phong của cán bộ với dụng tâm lôi kéo những phần tử còn hi vọng lôi kéo được.

Chỉnh huấn bắt đầu trở thành “quốc sách” năm 1949, sau khu Trung cộng thành lập chế độ Dân chủ Nhân dân. Theo thường lệ, từ ngày ấy trở đi, mỗi lần cộng sản thay đổi đường lối là một lần tất cả cán bộ chính quyền và đảng viên, từ bộ trưởng xuống để thư ký hạng bét, phải đi chỉnh huấn để học tập chính sách mới của Đảng.

Như Trường Chinh đã nói rõ: “Mỗi công tác tư tưởng đều nhằm một mục tiêu chính trị”. Như vậy nghĩa là chỉnh huấn nhằm sửa soạn tinh thần cán bộ trước khi thực hiện một chính sách mới, để đến khi thực hiện, cán bộ không phản ứng và mọi việc được êm đềm. Nói chung thì chiến lược chỉnh huấn không khác một cuộc hoà nhạc, nhạc trưởng là Đảng còn các nhạc công là đảng viên và cán bộ. Y hệt các nhạc công phải theo sát điệu bộ của nhạc trưởng, các cán bộ công tác cũng phải theo sát đường lối của Đảng để hoạt động cho đúng nhịp. Những cán bộ khác không có trách nhiệm trực tiếp, cũng phải có thái độ lịch sự của thính giả, nghĩa là yên lặng ngồi nghe, không được la ó, chỉ trích.

Thực hiện một đường lối mới là một việc phức tạp, khó khăn, nhất là ở các nước chậm tiến, vì trình độ văn hoá và giác ngộ chính trị không đồng đều, nên thường có những phản ứng khác nhau, tuỳ theo trường hợp, hoàn cảnh và địa phương. Vì vậy nên cộng sản bao giờ cũng nhắc nhở cán bộ nên hết sức linh động. Linh động nghĩa là không được áp dụng chính sách một cách máy móc cứng rắn, mà trái lại phải biết dò trước đón sau, tuỳ cơ ứng biến. Vì cần phải linh động, nên Đảng không thể gò ép, áp dụng một thứ kỷ luật quân sự đối với cán bộ phụ trách. Trái lại, Đảng áp dụng một chính sách tự nguyện tự giác, coi nhiệm vụ Đảng giao phó như một nhiệm vụ thiêng liêng. Muốn gây cho cán bộ một tinh thần như vậy, Đảng phải giảng giải cho cán bộ thấy rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác họ phụ trách. Cán bộ phải tuyệt đối tin tưởng ở sự đúng đắn của chính sách và ở tài năng của giới lãnh đạo. Đảng tổ chức chỉnh huấn cốt để thuyết phục cán bộ và đảng viên, làm cho họ đinh ninh rằng chính sách của Đảng hoàn toàn đúng và bao giờ cũng đúng. Đôi khi Đảng cũng phải thú nhận một vài sai lầm, nhưng mặc dù sai lầm Đảng cũng cố gắng chứng minh rằng chủ nghĩa Mác Lê vẫn đúng và bao giờ cũng đúng. Chỉnh huấn còn nhằm mục đích giải thích cho cán bộ thấy rõ thay đổi đường lối là sự rất cần thiết. Đảng lý luận rằng nếu không thay đổi, cách mạng sẽ thất bại, và thực dân đế quốc sẽ trở lại.

Nhưng có nhiều cán bộ, tuy vẫn thiết tha muốn học, nhưng không thể chấp nhận lối giải thích của Đảng, vì trước đây không bao lâu, cũng một sự việc ấy, mà Đảng đã giải thích một cách hoàn toàn khác và đề ra một chính sách khác hẳn. Tỷ dụ, hồi cách mạng mới bùng nổ, Đảng hứa rằng chính quyền sẽ do bốn giai cấp lãnh đạo: là công, nông, tiểu tư sản và địa chủ yêu nước; và sau cùng Đảng lại nói chỉ có công, nông mới đủ tư cách nắm chính quyền, còn các thành phần khác đều là phản động hoặc không đủ khả năng.

Vì Đảng cứ đưa ra rồi lại dìm đi những lời tuyên bố về đường lối chính sách, và thỉnh thoảng lại thay đổi nội dung những danh từ thường dùng, nên nhiều cán bộ đâm ra thắc mắc, nghi ngờ sự thành thực của đảng. Vì vậy nên mỗi lần đảng giải thích một chính sách mới, cán bộ vẫn ngờ rằng đấy chưa phải là lời giải thích cuối cùng. Khi có một cán bộ đi dự chỉnh huấn mà tỏ vẻ thắc mắc về chính sách của Đảng thì Đảng thấy cần phải “đả thông tư tưởng” cho họ. Đấy là nhiệm vụ thứ hai của chỉnh huấn.

Y hệt một người thợ thông ống nước, việc đầu tiên của Đảng là phải tìm xem cán bộ “tắc” ở chỗ nào. Muốn biết chỗ “tắc” đảng khuyến khích cán bộ thành thật nói lên những thắc mắc, thành thật phê bình chính sách của Đảng. Học viên các lớp chỉnh huấn được phép nói “toạc” tất cả những khổ tâm từ lâu nay vẫn ủ ấp trong lòng. Đảng trịnh trọng tuyên bố sẽ hoàn toàn tha thứ và nhất thiết không mượn cớ để trừng trị. Sau khi mọi người phơi bày hết thảy mọi thắc mắc, ban giáo uỷ mới lần lượt trả lời từng điểm mà học viên đã nêu ra, không khác thủ tướng một nước tự do ra trước nghị viện trả lời những câu chỉ trích của phe đối lập. Không khí trong lớp chỉnh huấn khác hẳn không khí hàng ngày ở ngoài đời, vì chỉ có trong lớp chỉnh huấn mỗi người mới được tự do phê bình chính sách và hành động của Đảng và chính phủ. Đảng cho phép cán bộ và đảng viên nói lên những thắc mắc của họ để Đảng biết chỗ mà “đả thông”, hòng cứu vớt những linh hồn còn có thể cứu vớt được. Sự thực thì có nhiều “linh hồn” mà Đảng đã coi là hoàn toàn không thể cứu vớt được, nên Đảng không gọi đi chỉnh huấn. Đấy là những người mà Đảng đã quy là “kẻ thù” mặc dầu trước đó mấy năm, Đảng còn coi là “bạn”. Vì vậy, nên người nào nhận được giấy gọi đi chỉnh huấn cũng đều vui mừng, vì họ cảm thấy họ còn được coi là “bạn”. Họ hiểu rằng, nếu họ “chỉnh huấn thành công” thì họ sẽ được tiếp tục coi là bạn trong một thời gian nữa, ít nhất cũng tới kỳ chỉnh huấn sau.

Để độc giả có ý niệm rõ ràng hơn về chính sách chỉnh huấn, chúng tôi xin lược thuật cuộc chỉnh huấn năm 1953. Mục đích cuộc chỉnh huấn này là sửa soạn tinh thần cán bộ để đón tiếp chiến dịch Cải cách ruộng đất năm 1954 - 56.


Tổ chức một khoá chỉnh huấn

I. Phân chia học viên

Những người được tham gia chỉnh huấn đều là “bạn”: đảng viên, cán bộ và một số “nhân sĩ tiến bộ”. Tất cả đều học một chương trình, nhưng tuỳ theo cấp bực công vụ và tuỳ theo trình độ hiểu biết chính trị, họ được chia thành nhiều loại.

1.    Đảng viên cao cấp, cán bộ trung ương và một số nhân sĩ quan trọng, lên Việt Bắc học. Địa điểm dạy gần nơi chính phủ trung ương để ông Hồ và ông Trường Chinh có thể thân hành đến dạy.

2.    Đảng viên, cán bộ cấp giữa và một số nhân sĩ địa phương, học tại khu, do khu uỷ phụ trách giảng dạy.

3.    Đảng viên và cán bộ cấp dưới học ở tỉnh, do tỉnh uỷ giảng dạy.

4.    Công nhân và nhân viên cấp dưới học ngay tại chỗ. Đảng cử một phái đoàn tới dạy ngoài giờ làm việc, buổi chiều hoặc buổi tối.

Vì tất cả mỗi cấp bậc đều phải đi học, nên chỉnh huấn phải chia thành nhiều đợt liên tiếp để mọi người có thể lần lượt nghỉ việc đi học. Mỗi đợt một phần ba nhân viên đi học, trong khi hai phần ba ở lại đảm bảo phần việc của họ. Sau khi nhóm thứ nhất chỉnh huấn xong, thì đến lượt nhóm thứ nhì lên đường và cuối cùng là nhóm thứ ba. Mỗi khoá chỉnh huấn kéo dài trong ba tháng, công việc bố trí phòng ốc và thu xếp chỗ ăn ở hết chừng một tháng nữa. Như vậy là ít nhất cũng phải trọn một năm mới thực hiện xong một chiến dịch chỉnh huấn, nhưng sự thực thì phải mất 18 tháng, vì trước hết còn phải chờ một số cán bộ cao cấp đi chỉnh huấn trước rồi về mới dạy học viên khoá đầu.


II. Tổ chức về phương diện vật chất

Địa điểm chỉnh huấn bao giờ cũng đặt sâu trong chiến khu ở những nơi rất hẻo lánh. Học viên tạm trú trong nhà nhân dân địa phương, còn giảng đường thì do học viên xây cất lấy, sán gỗ và tre nứa trốn trong rừng. Chủ nhật, học viên phải vào rừng đốn củi cho nhà bếp nấu cơm. Công tác lao động nằm trong chương trình huấn luyện vì Đảng muốn trí thức phải lao động để hiểu rõ hơn về đời sống của nhân dân lao động. Mỗi người đi dự chỉnh huấn phải mang theo quần áo, chăn mùng, một cái bát, một đôi đũa, và một số tiền tương đương với giá một trăm cân gạo. Số tiền này để chi mọi khoản trong thời gian ba tháng học tập, tính như sau: Tiền ăn 75 cân (mỗi tháng 25 cân), tính mỗi người ăn hết 15 cân gạo, còn mắm muối hết 10 cân. Số tiền tương đương với 25 cân còn lại tính vào phí tổn giấy bút, dầu đèn, và tài liệu quay bằng rô-nê-ô.

Học viên chia thành từng tổ, mỗi tổ ba người: tổ trưởng là một đảng viên có trách nhiệm điều tra và kiểm soát hai tổ viên khác không đảng. Mỗi tổ ở nhờ một gia đình nông dân và mỗi ngày hai lần cử một tổ viên đến ban “cấp dưỡng” (nhà bếp) lĩnh thức ăn do các “anh nuôi” (đầu bếp) cấp phát. Mỗi lần đi mang theo một cái rổ và một cái nồi đất mượn của chủ nhà, rổ để đựng cơm và nồi để đựng canh. Cơm nấu bằng gạo “mậu dịch” để lâu trong kho nên thường mốc, và thức ăn là rau nấu với muối. Mỗi tuần lễ được ăn thịt một lần nhưng thịt cắt thành từng miếng nhỏ nấu lẫn với rau. Thịt hiếm đến nỗi người phụ trách lĩnh cơm thường phải vớt ra chia từng miếng cho đều để khỏi hơn thiệt. Những người có tiền mang theo cũng bắt buộc phải ăn uống như vậy vì trước khi tới trại, đảng uỷ đã ra lệnh cấm dân địa phương không được mua bán thức ăn cho các học viên. Chỉ trong trường hợp thiếu sức khoẻ mới được phép mua thêm một vài quả trứng hoặc vài miếng thịt để tẩm bổ. Đơn phải gửi qua tổ trưởng đưa lên đảng uỷ..

Học viên không được phép ra khỏi một khu vực nhất định, không được liên lạc với xã hội bên ngoài; được phép viết thư về nhà (qua kiểm duyệt), nhưng không được nhận thư ở ngoài gửi đến. Tất cả thư từ gửi đến đều bị giữ lại, chờ khi nào mãn khoá mới được nhận, vì đảng muốn mọi người yên tâm học tập, không bận tâm đến công việc gia đình. Có trường hợp một bác sĩ (Trịnh Đình Cung) chỉnh huấn xong, mới nhận được thư báo vợ chết, từ hai tháng trước.

Kỷ luật trong trại chỉnh huấn cũng đại khái như trong trại lính. Sáng dậy từ 6 giờ, tập thể thao nửa giờ. Học từ 7 đến 11 giờ. Về nhà ăn cơm và nghỉ từ 11 giờ đến 1 giờ, rồi lại học từ 1 giờ đến 5 giờ, ăn cơm tối và làm bài vở từ 7 đến 10 giờ tối. Mười lăm phút trước khi đi ngủ dành cho “hội thảo” tức là trong tổ kiểm thảo lẫn nhau qua loa về hành vi trong ngày. Chủ nhật ra suối tắm và cộng tác lao động như vào rừng kiếm củi cho nhà bếp, hoặc đào hầm trú ẩn để tránh máy bay. Tối thứ Bẩy có biểu diễn văn nghệ do học viên trình bày. Trong một khoá được xem chiếu bóng một lần, phim Nga hoặc phim Tầu.


III. Phương pháp giảng dạy

Mỗi khoá chỉnh huấn gồm một số bài sắp xếp như thế nào đó để tuần tự đưa học viên đến một mục đích nhất định. Mỗi bài phải học chừng nửa tháng, mất tất cả chừng 150 giờ. Cách thức giảng dạy đã được nghiên cứu rất tỉ mỉ và gồm có những hoạt động như sau:

1.    Tất cả học viên (vào khoảng 500) họp tại giảng đường. Mỗi người được phát một tài liệu quay rô-nê-ô. Một đại diện Đảng giảng bài và các học viên ghi chép lớp giảng.

2.    Học viên về tổ thảo luận về nội dung các danh từ dùng trong bài học, người biết nhiều giảng cho người biết ít. Sau đó thảo luận về ý nghĩa từng đoạn văn một nếu có đoạn nào tối nghĩa quá, cả tổ không ai hiểu thì tổ trưởng báo cáo với ban giáo uỷ.

3.    Sau khi nhận được báo cáo các tổ gửi đến, ban học uỷ giải thích lại cho toàn thể lớp học. Đôi khi ban học uỷ chấp nhận ý kiến học viên đề nghị sửa chữa một vài danh từ cho rõ nghĩa hơn.

4.    Học viên lại trở về tổ để thảo luận từng đoạn một, tất cả ý nghĩa trong bài. Mỗi học viên lần lượt phát biểu ý kiến của mình. Đảng khuyến khích mọi người thẳng thắn nói lên ý kiến của mình, dù không đồng ý với tác giả bài học. Nếu không đồng ý cứ việc nêu “thắc mắc” và theo thường lệ mỗi người đều nêu lên một vài thắc mắc, vì nếu không nêu thắc mắc tức là giấu kín ý nghĩ của mình. Càng thắc mắc bao nhiêu càng có vẻ thành khẩn bấy nhiêu. Sau khi một tổ viên nêu thắc mắc, thì hai tổ viên khác tìm cách đả thông. Nhưng nếu trong tổ không đả thông nổi thì tổ trưởng lập tức báo cáo lên ban học uỷ..

5.    Sau khi tập trung tất cả thắc mắc của cả lớp, ban học uỷ triệu tập tất cả học viên tới giảng đường để đả thông. Đại diện Đảng đọc lên từng thắc mắc một và lần lượt đả thông cho cả lớp nghe. Có được nghe tất cả các thắc mắc (nhiều người công kích Đảng một cách thậm tệ) mới rõ là phần đông cán bộ và đảng viên vẫn uất ức với chính sách của Đảng.

6.    Học viên lại trở về tổ để thảo luận về những câu giải thích của đại diện Đảng. Nếu mọi người đồng ý chấp nhận thì thông qua nhưng đôi khi có người vẫn nhất định không chấp nhận. Trong trường hợp ấy, đảng uỷ cử một giáo viên đến tận nhà để đả thông tư tưởng cho học viên kể trên. Nếu giáo viên đả thông không nổi thì ông Trường Chinh, tổng bí thư Đảng đến. Nếu ông Trường Chinh cũng không thuyết phục nổi thì ông Hồ thân hành đến để thuyết phục cho kỳ được. Theo sự hiểu biết của tác giả thì chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi.

7.    Trong thời gian ấy ban giáo ủy tổ chức một vài buổi thực nghiệm. Thí dụ, trong khi học bài về chế độ thực dân thì Đảng mời một cán bộ trước kia đã bị giam ở Sơn La hoặc Lao Bảo đến kể chuyện cho cả lớp nghe ngày trước họ bị hành hạ dã man như thế nào. Trong khi học bài nói về Cải cách ruộng đất, thì cả lớp được đi dự một cuộc đấu tố gần đấy.

8.    Sau khi học xong một bài, nghĩa là tất cả học viên đã hoàn toàn công nhận quan điểm của Đảng đối với vấn đề trình bày trong bài, thì mỗi người bắt đầu viết một bài “Kiểm thảo sơ bộ”. Mỗi học viên phải căn cứ vào những điểm mới học được để tự xét mình và nói ra những hành động và tư tưởng mà bây giờ, nhờ sự giáo dục của Đảng, mình nhận thấy là sai. Thí dụ, sau khi học xong bài về chế độ thực dân thì học viên phải bộc lộ thái độ của mình đối với Pháp trước kia, những ý nghĩ hoặc cử chỉ xét thấy có thể có lợi cho chính quyền thực dân. Nếu học viên không hề làm công chức cho Pháp thì ít ra cũng phải “bộc lộ” những tư tưởng hoặc ý nghĩ “không yêu nước”. Tỉ dụ, một người ngắm một máy bay Pháp đang lồng lộn bắn phá mà trong lòng hâm mộ tài nghệ của viên phi công khéo lái chiếc máy bay. Nếu thành thật yêu nước thì đúng lý, chỉ căm thù đối với viên phi công ấy, không được phép cảm phục. Để giúp các học viên nhớ lại các “tội lỗi” cũ, ban giáo uỷ đọc cho cả lớp nghe một bản lược kê những “tội lỗi” mà học viên mấy khoá trước đã bộc lộ. Ban giáo uỷ cũng đọc cho nghe những bản bộc lộ điển hình của mấy nhân vật có tiếng tăm, nghệ sĩ, văn sĩ, như Nguyễn Tuân chẳng hạn.

9.    Sau khi mọi người đã viết xong bản “Kiểm thảo sơ bộ” thì tổ trưởng mang nộp cho ban giáo uỷ. Ban giáo uỷ đọc qua và chọn những bản xuất sắc nhất, nghĩa là những bản kê khai những tội ghê gớm nhất, rồi mời tác giả mấy bản kiểm thảo này ra trước lớp học bộc lộ công khai cho mọi người thưởng thức. Cả lớp chăm chú nghe thỉnh thoảng hô “đả đảo” (tội lỗi nào đó), nhưng cấm không được ghi chép. Có người công khai thú nhận đã làm Việt gian cho Pháp; có người vừa khóc nức nở vừa bộc lộ là đã gian dâm với em gái. Không ai hiểu họ nói thực hay họ bịa để tâng bốc Đảng, ra vẻ nhờ Đảng đã giáo dục mà nay quyết tâm lột bỏ cái “xác” dơ bẩn thuở trước. Nhưng nói chung thì người nghe có cảm tưởng thanh niên có vẻ thành thực hơn mấy người đứng tuổi.

10.    Sau khi học hết chương trình mỗi học viên phải viết một bản lý lịch và một “Tổng kiểm thảo”. Nhà trường dành riêng cho hai tuần để viết hai bản này, mỗi bản viết vào một quyển vở 60 trang, và viết hai lần, tức là bốn quyển vở tất cả.

Bản lý lịch ghi đủ tên, họ, nơi và ngày sinh, lịch trình học vấn, nghề nghiệp, chức vụ, khả năng về ngoại ngữ, bằng cấp, thành tích công tác, khen thưởng, v.v. Điểm đặc biệt là phải khai mọi khoản rất tỷ mỷ. Tỉ dụ về thành phần phải khai rõ ba họ: họ nội, họ ngoại và họ nhà vợ (hoặc nhà chồng) cho đến tam đại. Phải nêu rõ ảnh hưởng tốt hoặc xấu của những người trong gia đình và trong ba họ. Học viên cũng phải khai ảnh hưởng của thầy hoặc cô giáo, của bạn học, của đồng nghiệp, ảnh hưởng của các sách vở đã học, của các tác giả, các nhà văn, những triết lý nào đã ảnh hưởng đến tính tình và tư tưởng của mình. Sau đấy phải ghi rõ những tư tưởng và hành động chính trị, giải thích cặn kẽ lý do tại sao đã thay đổi tư tưởng. Cuối cùng học viên phải trả lời những câu hỏi như: công tác hiện thời? Lương bổng? Tài sản? Gia cảnh? Đời sống gia đình? Tình hình tài chính? v.v.

Bản lý lịch đầy đủ tới mức bất cứ ai đọc cũng biết ngay hoàn cảnh và thành phần của đương sự, có thể nhận định đương sự là hạng người như thế nào.

Viết bản “Tổng kiểm thảo” là công việc khó khăn và cực nhọc nhất, mặc dầu mọi người đã từng hơi quen với công việc bằng cách viết các bản “Kiểm thảo sơ bộ”, sau mỗi bài học. Thú nhận các tội lỗi không phải là việc khó, mà chỉ khó ở chỗ không “moi” đâu ra cho đủ tội lỗi sai lầm, thiếu sót, để viết cho đầy 60 trang giấy và kết quả là những người càng trong trắng bao nhiêu càng thấy khó bấy nhiêu. Tuy nhiên khó dễ cũng tuỳ thành phần xã hội và hoàn cảnh sinh hoạt của mỗi người. Đối với văn sĩ chẳng hạn thì bộc lộ sai lầm tương đối dễ. Họ chỉ việc điểm lại tất cả các phẩm họ đã từng viết, nêu lên những đoạn sai lầm, công nhận là đã bị ảnh hưởng của phong kiến thực dân, “tán” rộng ra một chút là đủ 60 trang. Các nhà văn phần nhiều là người thành thị tản cư vào vùng kháng chiến nên không có liên hệ với địa chủ. Do đó họ không lo ngại về vấn đề cải cách ruộng đất và không cần phải bộc lộ những trọng tội đối với nông dân. Văn nghệ sĩ chỉ cần phải “tự phê” một cách nghiêm khắc, “đấm ngực xưng tội và từ bỏ” tất cả các sáng tác cũ, dù là tác phẩm hay nhất của mình. Nhưng về phần kết luận các văn nghệ sĩ vẫn phải tỏ ý tán thành chính sách cải cách ruộng đất mặc dầu không có liên hệ trực tiếp.

Trái lại, viết bản “Tổng kiểm thảo” quả là gay go đối với những học viên thuộc thành phần địa chủ, vì họ bị lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: hoặc phải tự gán cho mình đủ thứ tội lỗi đối với nông dân, hoặc để mặc nông dân quy mình là địa chủ gian ác khi nào chiến dịch Cải cách ruộng đất lan đến làng mình. Họ bị kẹp ở giữa hai gọng kìm: một bên là tam đoạn luận “Địa chủ là gian ác, anh là địa chủ, vậy thế tất anh phải gian ác” và một bên là lời cảnh cáo rất nhẹ nhàng “Nếu anh không chịu bộc lộ hết tội lỗi nông dân bộc lộ hộ anh”.

Trước khi khai giảng lớp chỉnh huấn thì ở một vài nơi, gọi là thí điểm, chiến dịch Cải cách ruộng đất bắt đầu, và các học viên đều biết nông dân không được tự do muốn tố gì thì tố (nếu họ tự ý tố, Đảng không chấp nhận), mà trái lại bao giờ họ cũng tố theo lời chỉ dẫn của Đảng. Người kém thông minh nhất cũng hiểu rằng chỉnh huấn là cơ hội cuối cùng để thoát thân, bằng cách thú cho thật nhiều tội và tỏ cho Đảng thấy là mình đã hoàn toàn “lột xác”. Nếu chỉnh huấn “thành công” thì Đảng sẽ không coi là ngoan cố, và sẽ chỉ thị cho địa phương xếp đặt vào thành phần khác, không phải là địa chủ.

Mọi người đều phải tự đặt một câu hỏi: “Moi đầu moi óc mà tìm mãi không ra tội, vậy có nên sáng tác ra một vài tội không? Một số người quả thực đã “sáng tác” rất nhiều tội, nhưng không chắc là đã thành công vì muốn vừa lòng Đảng phải bộc lộ cho đúng những tội lỗi mà Đảng đương chờ nơi mình. Ngay hôm lớp học mới khai giảng, mỗi học viên đã phải khai rõ những nơi trú ngụ từ trước tới nay, và những cơ quan đã từng hoạt động, và tức khắc đảng uỷ sẽ đánh điện hỏi về tính nết và hành vi của đương sự. Vì vậy nên Đảng chỉ thực sự tin tưởng là đương sự đã hoán cải, khi nào đương sự thú nhận đúng những tội trạng có ghi trong hồ sơ bí mật của đảng. Một việc khác cũng khó lường là rất có thể một học viên nào đó, trong khi thú nhận một tội lỗi nào đó đã khai mình là chính phạm mà hắn chỉ tòng phạm. Tóm lại, vấn đề nan giải là phải tìm ra những tội nào mà Đảng đương trông chờ nơi mình. Bộc lộ một tội A sẽ không ăn nhằm, nếu trong hồ sơ của Đảng tội mình lại là B, chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu bộc lộ những tội có tính cách “phổ thông” như chiếm đoạt của nông dân một vài thứ gì đó hoặc hiếp dâm một vài cô gái quê cũng chẳng tội vạ gì, mà may ra lại trúng ý Đảng, vì lẽ thứ nhất là toàn thể giai cấp địa chủ không ai không bị “tố” những tội kể trên và lẽ thứ hai là Đảng đã trịnh trọng tuyên bố rằng “bất cứ tội gì, hễ thành thật bộc lộ sẽ được tha thứ”.

Tuy nhiên cũng có một số học viên, vì khí khái “tiểu tư sản” không chịu “sáng tác” tội lỗi để viết cho đầy trang, mà trái lại chỉ ngồi ngậm bút hoặc kê khai những “thiếu sót” vớ vẩn không đáng kể là “tội”, không vừa ý Đảng. Như vậy là hễ chiến dịch Cải cách ruộng đất lan tới làng họ, những học viên kể trên thế tất sẽ bị quy là “địa chủ cường hào gian ác” và sẽ bị “tố” vô số tội lội tầy trời.

Chỉnh huấn quả thực là một nơi luyện tội để những linh hồn không được trong sạch lắm, nhưng còn có thể cứu vớt được, trút rửa tất cả những tư tưởng phản động để thoát khỏi địa ngục “kẻ thù của nhân dân”. Số phận những người bị rơi vào địa ngục này sẽ trình bày ở Chương 14 và 15.

Chương 12 - Năm bài học

Khoá chỉnh huấn 1953 - 54 gồm có năm bài học:

Bài thứ nhất: Thái độ học tập

Bài thứ hai: Lịch sử cách mạng Việt Nam

Bài thứ ba: Tình hình mới, nhiệm vụ mới

Bài thứ tư: Tác phong cán bộ và đảng viên

Bài thứ năm: Cải cách ruộng đất

1. Thái độ học tập

Bài này giảng về thái độ đúng đắn của học viên trong lớp chỉnh huấn. Mỗi người phải có thái độ “thực sự cầu thị” nghĩa là thành tâm học hỏi để mong “tiến bộ” cho bản thân, không được “vờ vịt” làm bộ hối cải để mong đánh lừa Đảng. Mỗi lần phê bình bạn, phải có tinh thần “chữa bệnh cứu người”, nghĩa là yêu bạn mà chữa cho bạn thoát khỏi những tư tưởng phản động để bạn chóng lành mạnh, y hệt tinh thần của một bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân. Đảng cấm dùng “đao to búa lớn”, cấm “chụp mũ”, “truy kích”, những phương pháp trước kia thường dùng trong phong trào kiểm thảo. Chính trong khi giảng dạy bài này đảng uỷ đã đưa ra lời hứa và lời đe doạ có liên can đến Cải cách ruộng đất. Đảng nói: “bất cứ tội nặng bằng mấy, nhưng hễ thành thực bộc lộ cũng sẽ được hoàn toàn tha thứ” và “nếu đồng chí không chịu bộc lộ ngay bây giờ thì sau này anh em nông dân sẽ bộc lộ hộ cho đồng chí”. Nhờ có lời đe doạ này mà mọi người đều phải rán sức học tập, mặc dù Đảng không sử dụng những phương pháp khủng bố tinh thần khác, vì mỗi người đều cảm thấy có một chiếc gươm của ông Damoclès treo lủng lẳng trên đầu mình. Trong tình trạng ấy, tất nhiên mọi người đều rán sức học tập và tuân theo lời Đảng. Những người khôn ngoan không ngần ngại lúc đầu làm ra bộ hết sức phản động, nêu nhiều thắc mắc rất lớn, rồi về sau bộc lộ rất nhiều tội lỗi, cũng rất lớn, để chứng minh rằng nhờ có chỉnh huấn mà mình đã hoàn toàn “lột xác”, quyết tâm đi hẳn vào con đường mới do đảng đã chỉ dẫn cho mình theo.


2. Lịch sử cách mạng Việt Nam

Đây là một bài giảng về lịch sử cách mạng Việt Nam dưới quan điểm đấu tranh giai cấp. Đại khái có những điểm như sau:

1.    Thực dân là một chế độ hết sức tàn ác và những công cuộc khai hoá của người Pháp ở Việt Nam chỉ nhằm mục đích phục vụ quyền lợi ích kỷ của họ. Họ mở đại học và các trường chuyên nghiệp để đào tạo thêm tay sai, làm đường xe lửa để tăng thêm thuế ruộng. Vì vậy nên mọi người Việt Nam đều có nhiệm vụ đấu tranh chống Pháp, đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

2.    Suốt trong thời kỳ Pháp thuộc ngọn lửa cách mạng lúc nào cũng bùng cháy, nhưng tất cả các cuộc khởi loạn đều đã thất bại vì lẽ giới lãnh đạo thuộc thành phần phong kiến hoặc trí thức tiểu tư sản, không được quảng đại quần chúng ủng hộ.

3.    Nhưng từ ngày Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời năm 1930, thì cách mạng Việt Nam tiến bộ rất nhanh và rất vững vàng. Đấy là nhờ ở chủ nghĩa Mác Lê, ở sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và nhờ ở kinh nghiệm quý báu của cách mạng thế giới. Vì vậy nên mọi người nhiệt thành yêu nước phải tham gia kháng chiến chống Pháp và chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Lao động.

Mục đích của bài này là thuyết phục mọi người về một điểm: cộng sản tức là yêu nước, và mọi người yêu nước phải gia nhập Đảng Cộng sản, hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận sự lãnh đạo của cộng sản.

3. Tình hình mới, nhiệm vụ mới

Bài học bắt đầu bằng một bản báo cáo về tình hình trong nước. Cả lớp đều hết sức phấn khởi khi nghe giảng viên báo tin những thắng lợi mới nhất về quân sự và ngoại giao (chiến thắng ở Lào, và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tất cả các nước xã hội chủ nghĩa công nhận). Giảng viên cũng trình bày tầm quan trọng và tính cách bất vụ lợi của việc Liên Xô và Trung Quốc viện trợ Việt Nam, so sánh nền kinh tế tư bản và nền kinh tế cộng sản, nhấn mạnh về quân lực của Liên Xô và tài lực của Trung cộng. Đưa ra một tỉ dụ nhỏ, giảng viên nói hiện không có một công ty tư bản nào có đủ tiền để mua số lông lợn do mậu dịch Trung Quốc thu được trong một năm. Giảng viên phân tích kỹ lưỡng tình hình thế giới và tình hình trong nước để kết luận rằng chế độ tư bản đã đến ngày tàn và mặc dầu được đế quốc Mỹ viện trợ quân sự thực dân Pháp thế nào cũng thất bại. Nhưng vì Mỹ can thiệp giúp Pháp và Pháp đương gắng sức phá hoại nền đoàn kết dân tộc nên hiện nay tình hình rất khẩn trương. Muốn đạt tới thắng lợi hoàn toàn, chính phủ và nhân dân phải thực hiện ngay một số nhiệm vụ khẩn cấp như:

1.    Thành lập chế độ dân chủ nhân dân chuyên chính, nghĩa là dân chủ đối với nhân dân và chuyên chính đối với “kẻ thù của nhân dân”. Chính thể phải vừa dân chủ vừa chuyên chính (độc tài) vì “chúng ta có dân chủ với nhân dân mới có thể chuyên chính với kẻ thù, và chúng ta phải chuyên chính đối với kẻ thù mới có thể bảo vệ được chế độ dân chủ nhân dân”.

2.    Cần phải tăng cường đoàn kết toàn dân bằng các loại trừ những phần tử phản động trong guồng máy hành chính và để cho giai cấp vô sản tham dự chính quyền.

3.    Cần phải liên kết mật thiết với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam rất cần sự viện trợ của họ.
Có một điểm rất đáng chú ý là nhiều học viên tỏ thái độ thắc mắc về chính sách kết liên với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ viện lẽ rằng nhiều nước như Ấn Độ và In-đô-nê-sia chẳng cần liên kết với khối nào mà vẫn kiện toàn được nền độc lập. Hơn thế nữa, vì họ đứng trung lập giữa hai khối nên cả hai đều phải kính nể họ. Do đó họ chiếm được ưu thế trên luận đàn thế giới. Nhiều học viên rất thắc mắc về điểm này, không giảng viên nào “đả thông” nổi, khiến cuối cùng, ông Hồ phải thân chinh đến thuyết phục từng người. Ông đả phá chủ trương “trung lập”, ông gọi các nước trung lập là những nước “làm đĩ chính trị”, nay ngả với phe này, mai ngả với phe khác để kiếm ăn. Khi nói chuyện với cả lớp và nhân nhắc đến thái độ trung lập, không dứt khoát lập trường, ông Hồ nói: “Đối với những chú không dứt khoát tư tưởng, còn đang lưng chừng, thì tôi khuyên nên dứt khoát ngay từ bây giờ: một bên là tổ quốc, một bên là quân thù. Chú nào muốn dinh tề thì xin cứ việc. Công an địa phương sẽ cấp giấy ngay tức khắc”. Nghĩ một lúc, ông nói: “Có hai ghế trước mặt. Các chú muốn ngồi cái ghế nào thì tuỳ ý chọn. Nhưng tôi khuyên chớ ngồi giữa hai chiếc ghế, vì ngồi như thế có cơ ngã xuống đất lúc nào không biết”.

4. Tác phong cán bộ và đảng viên

Bài này giảng về tác phong đúng đắn của cán bộ và đảng viên, nhưng học viên chia làm hai nhóm. Cán bộ học riêng và đảng viên học riêng. Đối với cán bộ ngoài đảng thì bài học cũng đại khái như cuốn Sửa đổi lề lối làm việc [1] do chính ông Hồ viết năm 1946. Trong cuốn sách nhỏ này ông Hồ đã liệt kê những thói hư tật xấu của công chức dưới thời Pháp thuộc, như tham ô, lười biếng, nịnh trên nạt dưới, hống hách với nhân dân. Một điều đáng chú ý là từ ngày ông Hồ lên án những tật xấu này, guồng máy chính quyền của chính phủ kháng chiến gần như đã trở nên trong sạch hẳn, nhưng nhiều tật xấu lại tái phát từ ngày thành lập chế độ vô sản chuyên chính, năm 1954. Cũng những thói xấu ấy lại nẩy nở thêm dưới chế độ Bảo Đại và phát triển tới mức chưa từng thấy dưới chính thể Diệm Nhu ở miền Nam.

Ngoài những thói xấu vốn có từ thời Pháp thuộc mà ông Hồ đã liệt kê trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, bài học trong khoá chỉnh huấn còn nêu thêm “bệnh” mới như: tả khuynh và hữu khuynh, cơ hội, tiêu cực, trùm chăn, lãng mạn, chủ quan, mất lập trường, mất cảnh giác, tự do (thích tự do cá nhân), bè phái, làm láo báo cáo hay, dân chủ quá trớn, bất mãn và vô số những bệnh thuộc về tư tưởng khác. Có một điểm đặc biệt là đối với các học viên không đảng thì tất cả các thói hư tật xấu này đều trút lên đầu giai cấp địa chủ và muốn diệt trừ những “chứng bệnh truyền nhiễm” này. Đảng dạy mọi người phải dứt khoát với giai cấp địa chủ và lật đổ giai cấp xấu xa ấy. Nhưng đối với các đảng viên, Đảng lại giảng rằng có một số bệnh phát xuất từ tư tưởng tiểu tư sản và Đảng dạy các đảng viên phải tích cực đấu tranh chống tư tưởng tiểu tư sản (tác giả không phải là đảng viên nên chỉ biết qua loa như vậy, không biết được nhiều điều giảng dạy khác).

Sau khi học xong bài này, đảng viên bộc lộ riêng, những học viên không đảng không được dự; nhưng trái lại các đảng viên vẫn dự những buổi bộc lộ công khai của những học viên không đảng. Tất cả đều bộc lộ những “bệnh” có liên quan đến bài học, và có một bệnh được mọi người ưa nghe nhất là bệnh hủ hoá, một danh từ mới có nghĩa là dâm ô. Nhiều học viên theo tinh thần của Jean Jacques Rousseau và lối trình bày của Francoise Sagan vanh vách kể hết những chuyện dâm ô với các bạn gái, nữ đồng sự, chị em họ và ngay cả chị em ruột. Có một anh sau khi kể hết cho cả lớp nghe những “chiến công oanh liệt” của mình có thể so sánh với những thành tích của Casanova, đột nhiên kết luận: “Bây giờ nhờ ơn Đảng đã dạy dỗ, tôi hết sức hổ thẹn, không dám nhìn mặt một nạn nhân cũ của tôi hiện đương có mặt tại đây”. Tự nhiên anh chàng tung ra “quả bom” này, khiến cả hội trường xôn xao và giới phụ nữ đỏ mặt tía tai. Về sau mọi người to nhỏ với nhau là anh chàng chủ tâm trả thù một nữ học viên ngày trước có gian díu với anh nhưng đã bỏ anh để gắn bó với một người khác cũng có mặt trong lớp học. Câu chuyện trên đây chứng tỏ rằng bộc lộ có thể có nhiều động cơ khác, không hẳn chỉ có chủ tâm cải thiện linh hồn sa ngã.

Sự thực thì bệnh dâm ô là một bệnh khá phổ biến trong vùng cộng sản kiểm soát. Lúc đầu Đảng có ý làm ngơ để phụ nữ có cảm tưởng được hoàn toàn giải phóng khỏi những “ách” của phong kiến trong đó có “tam tòng, tức đức” của Nho giáo. Ly dị được hết sức dễ dàng, nếu không phải là được khuyến khích trong nhiều trường hợp, khiêu vũ là một thứ mà người Việt đã quên từ ngàn xưa thì nay được Đảng để cao trở lại, bằng cách truyền bá một số vũ điệu nhập cảng từ Trung Quốc như “xôn lá xôn”, “yêu hoà bình” v.v. Lúc đầu nam nữ chỉ cầm tay, lượn đi lượn lại như múa rồng múa rắn, nhưng dần dà tiến tới những điệu mà nam nữ cũng ôm nhau theo kiểu khiêu vũ của Tây phương. Tại nhiều nơi, phụ nữ đi chợ phải nhảy một vài bước để tỏ ra có học nhảy mới được cán bộ cho vào chợ mua bán. Chữ “cô” bị coi là “phong kiến” và gạt hẳn ra ngoài từ vựng Việt Nam. Mọi người, không kể là chưa chồng hay đã có chồng đều được gọi là chị, nếu là “quần chúng” và gọi là “đồng chí” nếu là đảng viên. Thanh niên nam nữ được tự do hẹn hò để “tìm hiểu” không cần phải xin phép cha mẹ. Có trường hợp một nữ sinh bị phê bình là “phong kiến” vì không chịu chụp ảnh chung với một nam sinh.

Sự giao thiệp giữa trai gái rất lỏng lẻo, nhưng chúng ta vẫn phải thành thực công nhận chính sách đả phá tinh thần “nam nữ thụ thụ bất thân” của cộng sản đã làm cho phụ nữ miền Bắc hết sức tự nhiên không còn e lệ như phụ nữ thuở xưa và bạo dạn hơn phụ nữ miền Nam, chưa nói đến phụ nữ các nước Á châu khác. Những chính sách cởi mở của cộng sản như cho phép tự do luyến ái, dễ dàng cho li dị, không nhằm mục đích giải phóng phụ nữ thực sự, mà cốt ngấm ngầm huỷ bỏ quyền lực của các phụ huynh, để thay thế bằng quyền lực của Đảng. Ví dụ: theo pháp luật thì trai gái vị thành niên phải được bố mẹ cho phép mới được kết hôn nhưng thực tế bố mẹ không có quyền vì trong bản giá thú không có chỗ giành cho cha mẹ ký tên. Mặt khác, năm 1951 Đảng ra chỉ thị buộc các đảng viên cấp xã phải báo cáo trước khi kết hôn, cán bộ cấp tỉnh phải được sự đồng ý của Đảng, còn đảng viên cao cấp trong chính quyền hoặc trong quân đội thì việc lấy vợ, lấy chồng là do Đảng xây dựng. Kết quả là cuộc trăm năm chăn gối không còn mang nặng tính chất “môn đăng hộ đối” mà cũng không dựa trên nền tảng luyến ái. Tiêu chuẩn mới của hôn phối là lập trường và công tác chính trị. Nạn dâm ô hủ hoá tràn lan trong mấy năm đầu, một phần tại chính sách thả lỏng của Đảng, nhưng một phần lớn cũng tại tình trạng sinh hoạt trong mấy năm kháng chiến, tạo ra nhiều điều kiện quá dễ dàng. Thanh niên nam nữ năng hội họp và học tập ban đêm, công chức và học sinh trú ngụ thường xuyên trong gia đình nông dân mà thường khi chỉ có đàn bà con gái ở nhà, vì đàn ông thường phải đi “dân công” hàng tháng không về. Những người buôn bán cũng di chuyển về ban đêm và đến đâu cũng chỉ việc gõ cửa là có chỗ ngủ. Tình trạng thường xảy ra là trong khi chồng đi dân công vắng, người vợ ở nhà dễ dàng ngoại tình với người đàn ông khác đến ngủ nhờ trong khi đi dân công. Tình trạng nghiêm trọng đến nỗi nhiều người thoái thác mọi lẽ để không đi dân công, nhưng thực sự là muốn ở nhà để “canh” vợ. Tới mức đó, Đảng trông thấy mối nguy lớn nên tích cực đả phá nạn hủ hoá.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra là vấn đề đa thê. Trong thời gian kháng chiến nhiều người thất lạc vợ con và muốn cho cuộc đời hậu phương đỡ “hiu quạnh”, đã lấy “tạm” một người khác vì không biết ngày nào mới gặp lại gia đình chính thức. Có nhiều cán bộ cho vợ về thành để chạy chọt tiền nong, nhưng các bà vợ tiểu tư sản cứ ở lì, không muốn trở lại chiến khu. Các ông chồng chờ mãi không thấy vợ ra phải lấy vợ khác, nên đến khi tiếp quản Hà Nội, họ trở về với 2 vợ, một vợ “tề”, một vợ “kháng chiến”. Nhiều cán bộ cao cấp đã cưới vợ mới để “xứng” với địa vị mới. Đấy là trường hợp của ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng bộ văn hoá, ông Trần Huy Liệu, nguyên bộ trưởng bộ tuyên truyền và ông Đặng Kim Giang, Bộ trưởng Bộ Quân nhu. Có người kể chuyện ông Hồ phải thân hành đến đả thông trong suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Trần Huy Liệu mới chịu công nhận có ba bà vợ là một khuyết điểm, đặc biệt là bà Ba lại là vợ goá của Phạm Giao, con Phạm Quỳnh. Cả hai bố con đều bị Việt Minh lên án “Việt gian” và thủ tiêu năm 1945.

Có một điều cần phải xác định là nạn hủ hoá không hề có trong hàng ngũ quân đội nhân dân. Kỷ luật hết sức khắt khe và hễ hiếp dâm là bị kết án tử hình. Vì vậy nên có trường hợp một cô gái quê, sau khi bị hiếp dâm, nhưng vì thương tình anh vệ quốc quân đã hiếp dâm mình, vội vã khai trước toà rằng chị ta đã “xung phong ủng hộ bộ đội”. Mục đích của Đảng là bắt buộc bộ đội phải cư xử hết sức đứng đắn với nhân dân những vùng mới giải phóng để kéo họ về phe kháng chiến, trái ngược với tư cách của quân đội viễn chinh Pháp. Chính nhờ kỷ luật sắt của quân đội cộng sản mà một phần lớn họ được nhân dân quý mến, khiến họ chiến thắng quân đội Pháp tương đối dễ dàng.

Câu chuyện sau đây chứng tỏ kỷ luật sắt trong hàng ngũ quân đội cộng sản. Trong cuộc Tây tiến năm 1950, quân đội Việt Minh đóng ở Sơn La thường bị con gái Thái ở địa phương trêu ghẹo. Con gái Thái không có tập tục “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không e lệ như con gái miền xuôi và thường tròng ghẹo bất cứ thanh niên nào đặt chân đến bản thôn của họ. Nhưng họ hết sức ngạc nhiên khi thấy “bộ đội cụ Hồ” cứ trơ như đá, vững như đồng và họ đồn đại là cụ Hồ đã thiến lính trước khi đưa họ ra trận.

Một điểm khác cần được chú ý là bộ đội, mặc dầu có vợ cũng rất khó khăn mới được về phép thăm gia đình. Có người tin rằng cộng sản nhằm mục đích nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Lời giải thích này kể ra cũng hơi có lý vì thông thường những người nuôi gà chọi và ngựa đua vẫn áp dụng chính sách ấy: Tóm lại “thả lỏng” hay “kỷ luật sắt đá” đều tuỳ thuộc nhu cầu của cách mạng. Việc cộng sản có thể tuỳ thời áp dụng hai chính sách trái ngược chứng tỏ cộng sản nắm vững chiến thuật, sử dụng mọi biện pháp để thực hiện một cứu cánh tối hậu.


5. Cải cách ruộng đất

Như đã trình bày ở trên, mục đích chính của khoá chỉnh huấn 1953-54 là chuẩn bị tư tưởng cho chiến dịch Cải cách ruộng đất, nghĩa là thuyết phục đảng viên và cán bộ bắt họ phải công nhận sự cần thiết và chính sách thực hiện cải cách ruộng đất. Tất cả vấn đề là, mặc dầu Đảng đã nắm quyền sinh quyền sát, Đảng không muốn thực hiện cải cách ruộng đất bằng sắc lệnh và nghị định từ trên ban xuống, mà Đảng muốn “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh”, nghĩa là dùng hình thức quần chúng bạo động. Tất cả năm bài học trong khóa chỉnh huấn này đều được xếp đặt trước sau theo một thứ tự rất khôn ngoan, cốt để lái học viên, xuất phát từ lòng yêu nước tự nhiên và bồng bột, đến chỗ chấp nhận việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất theo đúng sách lược Mao Trạch Đông. Muốn tới kết quả như vậy, công tác tư tưởng phải chia thành nhiều giai đoạn tuần tự.

Bài học mở đầu bằng cách nhắc lại một vài điểm quan trọng đã giảng trong các bài trước. Chế độ thực dân rất ác nghiệt, nên mọi người yêu nước phải tích cực kháng chiến chống thực dân. Các phong trào quốc gia đều thất bại, vì không lôi kéo được quảng đại quần chúng. Bây giờ nhờ có sự chỉ dẫn của Bác Hồ và Bác Mao - những đệ tử trung thành của Mác, Lênin và Sit-ta-lin - chúng ta đã huy động được sự tham gia đông đảo của các đồng chí nông dân. Nhờ có sự tham gia cách mạng của nông dân nên kháng chiến đã thành công rất lớn. Hiện nay, anh chị em nông dân là lực lượng bản bộ của kháng chiến.

Sau khi nhắc lại những điểm này, bài học mới thực sự đi vào việc thuyết phục học viên về chính sách cải cách ruộng đất:

1.    Bản chất anh chị em nông dân là rất “thực tế” (tránh chữ hám lợi). Trong khi anh chị em tích cực tham gia kháng chiến chịu đựng hy sinh, anh chị em cũng muốn được hưởng ngay tức khắc một vài quyền lợi vật chất và tinh thần. Vì vậy nên, nếu chúng ta muốn anh chị em nông dân tích cực hơn nữa, chúng ta phải làm cho anh chị em phấn khởi thêm bằng cách cấp phát cho mọi người có đủ ruộng đất để cày cấy, và để các anh chị em có toàn quyền tự làm chủ lấy vận mạng của mình.

2.    Đường lối của Đảng, nói chung vẫn đúng, nhưng Đảng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong việc chấp nhận giai cấp địa chủ là một trong bốn thành phần chính yếu của chế độ dân chủ nhân dân. Thực tế đã cho chúng ta biết là giai cấp địa chủ không phải là bạn của nhân dân, mà là kẻ thù số một của chế độ dân chủ nhân dân.

3.    Nhưng chỉ có anh chị em nông dân mới biết rõ ai là địa chủ và mỗi tên địa chủ phản động tới mức nào và đã phạm những tội ác gì. Vì vậy chúng ta phải “phóng tay” phát động các anh chị em nông dân “tố khổ” và trị tội bọn chúng. Đấy là công việc của anh chị em nông dân, còn về phần Đảng chỉ giữ nhiệm vụ “hướng dẫn”. Đảng không trực tiếp lãnh đạo.

Có một điểm cần được nêu nên là chiến thuật cải cách ruộng đất do ông Mao thiết lập cho Trung Quốc, có nhiều chỗ không phù hợp với tình hình Việt Nam vì giữa hai nước tình trạng chiếm hữu ruộng đất có mấy điểm sai biệt như sau:

a.    Chế độ phong kiến phát triển rất mạnh ở Trung Hoa và vẫn duy trì được ưu thế dưới chính thể Quốc dân Đảng. Các địa chủ lớn ở Trung Hoa đồng thời cũng là quân phiệt, có quân đội riêng, tự đặt ra pháp luật, mặc sức bóc lột và áp chế nông dân theo kiểu các tiểu vương thuở xưa. Tình trạng ở Việt Nam lại khác hẳn. Người Việt Nam thuộc chủng tộc In đô nê sia (cùng gốc với người Mường và người Mọi) mà đặc tính là tinh thần “làng bản”, một di tích của chế độ cộng sản nguyên thuỷ. Làng nào cũng có công điền, công thổ, và có khi tất cả ruộng đất trồng trọt trong làng, hoặc trong một huyện đều là công điền. Trong toàn cõi Việt Nam, 20 phần trăm ruộng đất đều là công điền. Việc sở hữu tư điền tất nhiên không đồng đều, người có ít, người có nhiều, nhưng sự chênh lệch không đến nỗi trầm trọng như nhiều nước khác. Trước thế chiến thứ hai, nhà kinh tế học người Pháp, ông Yves Henri, đã kê khai việc phân chia ruộng đất ở Việt Nam như sau:



Ruộng đất
Bắc kỳ
Trung kỳ
Nam kỳ

Địa chủ %
Diện tích %
Địa chủ %
Diện tích %
Địa chủ %
Diện tích %
Trên 50 Ha
0,10
20
0,13
10
2,46
45
Từ 5 - 50 Ha
8,35
20
6
15
25,77
37
Dưới 5 Ha
90,88
40
93,80
50
71,73
15
Công điền

20

25

3
 

b.   
(Y. Henri - Econonmie Agricole de l’Indochinne (Hanoi, 1932). Bản này được chính quyền Bắc Việt công nhận là đúng và trích đăng trong cuốn Xã thôn Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Sử Địa, cơ quan nghiên cứu chính thức của Đảng Lao động ấn hành, Hanoi, năm 1959, trang 62.)

c.    Trung Hoa là một quốc gia độc lập. Địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng bênh vực và che chở. Trái lại, Việt Nam là một thuộc địa, do ngoại bang cai trị. Do đó, dù là “giai cấp bốc lột” các địa chủ Việt Nam vẫn bị chính quyền thực dân áp bức và bóc lột. Vì bản thân là nạn nhân của chế độ thực dân nên địa chủ Việt Nam luôn luôn chống đối chính quyền thực dân. Không ai chối cãi được rằng họ đã ủng hộ cách mạng Việt Nam rất nhiều, nhất là về phương diện tài chính. Ngay cả Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào Việt Minh và phong trào kháng chiến cũng quyên được của địa chủ rất nhiều (Tuần lễ vàng, Ủng hộ bộ đội địa phương, v.v.) Sự thực thì họ đóng góp rất nhiều công của cho chính phủ kháng chiến từ đầu cho đến ngày đương ở địa vị “một thành phần của chính quyền dân chủ nhân dân”, họ bị giáng xuống là “kẻ thù của nhân dân”.

d.    Khổng giáo xuất phát từ Trung Quốc, nhưng cũng bắt đầu suy tàn từ Trung Quốc, trong khi còn đương thịnh hành ở Việt Nam. Trong mấy thế kỷ gần đây, Trung Quốc trải qua nhiều triều đại đốn bại, và nhất là sau cuộc Cách mạng Tân Hợi thì tình hình trở nên gần như vô chính phủ, ban ngày thì quân phiệt sách nhiễu, ban đêm thì thổ phỉ hoành hành. Việt Nam cũng trải qua nhiều triều đại, nhưng lúc nào chế độ vua quan cũng đặt trên nền tảng Nho giáo. Từ triều đình cho đến thôn xã giới thống trị được chọn lọc trong đám khoa bảng, không có tình trạng quân phiệt chiếm đoạt chính quyền như ở Trung Quốc.

e.    Trong 80 năm gần đây, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Nhân dân Việt Nam có dịp đụng chạm với văn hoá Tây phương một cách trực tiếp hơn nhân dân Trung Quốc. Sự va chạm giữa hai nền văn hoá khác nhau tất nhiên gây nên nhiều tai hại trong xã hội Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang lại một vài ảnh hưởng tốt. Một trong những ảnh hưởng này là sự hấp thụ được tính lý luận chính xác và khúc chiết. Do đó, người Việt Nam và nhất trí thức Việt Nam không ưa những lối lý luận hàm hồ, quanh co và “đại khái chủ nghĩa”. Nếu tính theo phần trăm dân số thì những người có thể gọi là tri thức ở Việt Nam nhiều hơn ở Trung Quốc bội phần.

Tất cả những điểm sai biệt kể trên, và nhiều điểm dị đồng về nhiều phương diện khác nữa, khiến xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc có rất nhiều điểm không giống nhau, vì vậy nên chiến thuật cải cách ruộng đất từ Trung Quốc mang sang, không hợp với hoàn cảnh Việt Nam bằng hoàn cảnh Trung Quốc. Nói vậy không có nghĩa là công nhận chiến thuật của họ Mao hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh Trung Quốc và tinh thần nhân dân Trung Quốc.

Vì vậy nên việc Đảng Lao động muốn bắt giới trí thức Việt Nam phải chấp nhận chính sách cải cách ruộng đất của Trung Quốc quả là một công việc gay go. Chính vì muốn bắt giới trí thức phải “chịu liều thuốc Bắc”, nên Đảng đã tổ chức khoá chỉnh huấn 1953-54. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cặn kẽ, vì toàn bộ quả thật là một mưu mô kỳ diệu.

Tài liệu học tập chính trong bài thứ 5 này là bản báo cáo của ông Trường Chinh, đọc tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, họp tại Việt Bắc, từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 2, 1953.

Đảng đã dùng ngay những luận điệu của ông Trường Chinh để cố gắng giải thích, chứng minh và thuyết phục các học viên trong lớp. Sau đây chúng tôi xin trích những đoạn quan trọng trong bản báo cáo của ông Trường Chinh. Chúng tôi viết thêm những tiêu đề để nói rõ lên những điều ông Trường Chinh không muốn nói rõ.

Chế độ cũ là một chế độ bóc lột.

Địa chủ không đầy năm phần trăm dân số mà còn cùng với đế quốc chiếm đoạt vào khoảng 70 phần trăm trong nước, trong khi nông dân, gồm 90 phần trăm dân số, chỉ sở hữu chừng 30 phần trăm ruộng đất.

Nếu chia đều ruộng đất thì mỗi gia đình sẽ được bao nhiêu?

Đất trồng tỉa trong toàn quốc có đến 5 triệu héc ta. Nếu mà đem chia đều 5 triệu gia đình, thì sẽ được một héc ta.

Địa chủ Việt Nam luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp.

Từ ngày bị Pháp cai trị, giai cấp địa chủ luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp để bóc lột và áp bức nông dân mỗi ngày một ác nghiệt hơn.

Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Chúng ta cần phải tiêu diệt cả hai.

Mục tiêu của cách mạng là tiêu diệt cả đế quốc lẫn phong kiến vì cả hai đều là kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam. Muốn lật đổ đế quốc thì đồng thời phải lật đổ cả phong kiến. Ngược lại, muốn lật đổ phong kiến thì đồng thời cũng phải lật đổ đế quốc.

Chống thực dân chưa đủ. Phải là cộng sản mới đủ.

Nhiệm vụ phản đế và phản phong không thể tách rời nhau được. Chúng ta cần đả phá thái độ muốn tách rời nhiệm vụ phản phong và nhiệm vụ phản đế, coi đế quốc là kẻ thù chính và phong kiến là kẻ thù phụ. (phản đế nghĩa là chống thực dân. Phản phong nghĩa là tiêu diệt giai cấp địa chủ.)

Chương trình hai đợt

Phong trào Cải cách ruộng đất sẽ gồm có hai đợt:

1.    Giảm tô [2] để giảm ưu thế kinh tế của giai cấp địa chủ bước đầu để tiến tới tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng.

2.    Cải cách ruộng đất, bãi bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng.

Có thực giai cấp địa chủ là Việt gian không?

Chiến tranh càng khốc liệt thì giai cấp địa chủ phong kiến càng tỏ ra phản động. Chứng cớ là trong phong trào giảm tô, nhân dịp đấu tố, chúng ta đã phát hiện nhiều địa chủ làm Việt gian do thám cho địch. Chúng thành lập những căn cứ ở địa phương cho quân đội địch, thành lập nhiều tổ chức phản động để hòng phá hoại chính sách của chính phủ chống thuế, chống dân công v.v. Nhiều địa chủ đã ám sát cán bộ, đốt nhà nông dân, bỏ thuốc độc xuống giếng, ra hiệu cho máy bay địch bắn phá thả bom.

Chúng ta đã phạm sai lầm.

Trong những năm gần đây chúng ta đã đoàn kết một chiều với giai cấp địa chủ. Chúng ta coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, và chúng ta không nhận định rõ ràng có đấu tranh phản phong thì đấu tranh phản đế mới thành công, chóng đạt tới kết quả .

Tại sao chúng ta không bắt chước Bác Mao, chờ đánh Pháp xong rồi sẽ tiêu diệt địa chủ?

Chúng ta áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc trong tám năm kháng Nhật, nhưng hồi đó, cách mạng Trung Quốc chỉ thực hiện giảm tô, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc còn phải liên minh với chính phủ Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Chính phủ Quốc dân Đảng đại diện cho giai cấp địa chủ và bọn quan liêu tư sản. Chúng ta không có vấn đề liên minh như vậy nên chúng ta không cần phải hạn chế chính sách ruộng đất của chúng ta bằng cách chỉ thực hiện giảm tô mà thôi.

Chúng ta nhận là sai và sẽ chữa.

Đảng ta là Đảng Mác-xít Lê-nin-nít, có truyền thống phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Chúng ta thành thật nhận là sai và quyết tâm sẽ sửa chữa.

Phải cô lập giai cấp địa chủ để tiêu diệt chúng.

Phải dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Muốn được như vậy chúng ta phải tôn trọng quyền lợi của họ, giác ngộ quyền lợi giai cấp cho họ và làm cho họ thấm nhuần câu: “Bần cố nông và trung nông là anh em một nhà”.

Còn đối với phú nông thì chúng ta liên hiệp với họ (về phương diện chính trị (nghĩa là không đấu tố họ); về phương diện kinh tế thì chúng ta giữ nguyên lối làm ăn của họ (cộng sản chỉ giữ lời hứa trong đúng một năm).

Liên hiệp với phú nông để cô lập giai cấp địa chủ, để lôi kéo phú nông vào hàng ngũ kháng chiến và để trung nông được yên tâm. Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông để thanh toán từng bước một chế độ phong kiến bóc lột, để tăng cường sản xuất và củng cố kháng chiến.

Tại sao phải thực hiện hai chiến dịch?

Giảm tô là bước đầu, cải cách ruộng đất là bước thứ hai của một chiến thuật chính trị duy nhất. Chúng ta thực hiện giảm tô để dọn đường cho cải cách ruộng đất.

Tại sao mỗi chiến dịch gồm có nhiều đợt?

Muốn thực hiện chính sách ruộng đất chúng ta phải chiến đấu chống lại những lực lượng chống đối. Tình hình quân sự quyết định sự thành bại. (Cộng sản chỉ thực hiện cải cách ruộng đất ở những nơi cộng sản kiểm soát chặt chẽ, không thực hiện ở những nơi giáp giới vùng Pháp chiếm đóng).

Cần thực hiện cải cách ruộng đất làm nhiều đợt. Trước tiên ở những vùng thuận tiện sau mới tới các vùng khác, không bao giờ thực hiện một lúc khắp mọi nơi. (Có nghĩa là cải cách ruộng đất chưa thực hiện ngay ở những vùng dân tộc thiểu số đảng chưa nắm vững).

Đừng hoảng sợ. Đảng có chính sách phân biệt.

Giai cấp địa chủ phong kiến là phản động. Tuy nhiên hiện nay trong nước ta có ba loại địa chủ:

1.    Địa chủ cường hào, gian ác, Việt gian, phản động

2.    Địa chủ thường

3.    Địa chủ kháng chiến và nhân sĩ tiến bộ

Nếu anh nhận đường lối của Đảng, anh sẽ thoát.

Chúng ta sẽ xử lý tuỳ theo thái độ chính trị của mỗi loại địa chủ.

Nếu anh “tốt”, ruộng đất của anh sẽ không bị tịch thu. Trái lại sẽ được trưng mua.

Sau khi phân chia địa chủ thành loại và xét từng loại ruộng đất, cần phải thi hành biện pháp sau đây để tước quyền sở hữu ruộng đất của đế quốc và địa chủ.

1.    Tịch thu
2.    Trưng thu không bồi thường
3.    Trưng mua (theo giá chính phủ ấn định)

Tiếp theo bài báo cáo của ông Trường Chinh, và đạo sắc lệnh về ruộng đất ấn định thể thức thi hành. Cả bản báo cáo lẫn bản sắc lệnh đều điển hình của lối hành văn cộng sản.

Trở lại quang cảnh học viên đương khổ tâm nghiên cứu bản báo cáo của ông Trường Chinh. Họ thảo luận suốt trong mười ngày, bàn cãi từng câu từng chữ. Nhưng thực sự không mấy người hoàn toàn chấp nhận luận điệu của ông Trường Chinh, vì nhiều chỗ ông nguỵ biện một cách quá lộ liễu. Không ai chối cãi là từ trước ruộng đất ở Việt Nam cũng như ở mọi nước không cộng sản phân chia không đồng đều, và có những địa chủ bóc lột và đàn áp nông dân. Nhưng không ai có thể công nhận những con số quá đáng mà ông Trường Chinh đã nêu ra để lấy cớ áp dụng một chính sách cực kỳ bạo tàn trong chiến dịch Cải cách ruộng đất. Ông nói ở Việt Nam, 5 phần trăm dân số bóc lột 90 phần trăm khác. Trong số “bị bóc lột” ông bao gồm cả hai triệu dân thành thị không có ruộng đất, và hai triệu dân thiểu số thường sống lưu động, hoặc có ruộng nhưng không khai báo, vì không muốn đóng thuế. Trong số “bị bóc lột” ông Trường Chinh cũng gộp luôn cả giới trung nông là đại đa số những người sở hữu ruộng đất (90, 88 phần trăm ở Bắc kỳ, 93, 80 phần trăm ở Trung kỳ và 71, 73 phần trăm ở Nam kỳ). Ông Trường Chinh đổ diệt cho địa chủ Việt Nam và đế quốc chiếm hữu tới 70 phần trăm, ông kể cả công điền, chừng 20 phần trăm, và tập tục thì bao giờ cũng chia đều cho dân làng thay phiên cày cấy. Tại sao ông Trường Chinh lại bao gồm công điền vào số ruộng đất bị địa chủ chiếm đoạt? Khi bị chất vấn trong một khóa chỉnh huấn về vấn đề kể trên, ông trả lời: “Công điền chỉ còn là ruộng công trên nguyên tắc thực tế, những công điền đã bị bọn cường hào ác bá dùng thủ đoạn chiếm đoạt làm ruộng tư”. Mặc dầu vậy, trong cuốn Xã thôn Việt Nam xuất bản năm 1959, Đảng Lao động cũng phải công nhận như sau:

… Chế độ ruộng công đã từng có lâu đời ở Việt nam. Cho nên nguyên tắc phân phối bình quân ruộng công cũng trở thành một tập quán ăn sâu trong nhân dân, nó có sức mạnh của truyền thống, và nhân dân luôn đấu tranh để bảo tồn nguyên tắc ấy. Cho nên chừng nào chế độ ruộng công còn tồn tại, thì những nguyên tắc đó không thể xoá bỏ được. Nghĩa là bọn cường hào địa chủ cho dù có dựa vào chính quyền thực dân chăng nữa cũng không thể nào công nhiên đem tất cả ruộng công mà lần lượt chia nhau không đếm xỉa gì đến nhân dân. (Xã thôn Việt Nam, Tr. 77).

Một mặt khác, ông Trường Chinh cố tình dùng lối hành văn mập mờ “cùng với đế quốc” để bao gồm trong số ruộng đất mà ông coi là “chiếm đoạt của nhân dân” những đồn điền chè và cà phê do Pháp kiều khai khẩn ở những nơi trước kia mà vì sợ bệnh sốt rét nên không ai dám lui tới. Dĩ nhiên là ở các đồn điền Pháp đã bóc lột cu li Việt nam một cách tàn nhẫn nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng đấy là những đất mới khai hoang, không phải như ông Trường Chinh nói, là đế quốc “chiếm đoạt của nông dân”.

Việc ông Trường Chinh hứa mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một héc ta đất (mẫu tây) ruộng cũng rõ ràng là một thủ đoạn lừa bịp. Đành rằng nếu đem số 5 triệu héc ta, nhưng ông Trường Chinh cố ý quên rằng trong số 5 triệu héc ta thì 2 triệu 3 héc ta lại ở Nam kỳ, không phải ở Bắc kỳ, nơi mà Đảng Lao động thực hiện cải cách ruộng đất. Nếu muốn gia đình Việt Nam có một héc ta ruộng đất thì phải di cư một nửa dân số Bắc kỳ vào Nam, nghĩa là di cư 10 triệu người đi xa 2.000 cây số vào miền đồng bằng phì nhiêu của sông Cửu Long. Dĩ nhiên là hồi năm 1954, khi ông Trường Chinh đọc bản báo cáo của ông trước Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, Đảng không có phương tiện thực hiện một cuộc di cư vĩ đại như vậy; nhưng phải chăng Đảng đã định tâm, nếu thống nhất được quốc gia dưới chế độ cộng sản sẽ đưa đến một nửa dân số Bắc Việt vào Nam để chia bớt ruộng đất của đồng bào ruột thịt Nam bộ”?

Ông Trường Chinh cứ gọi địa chủ Việt Nam là “phong kiến” với ngụ ý “mập mờ đánh lận con đen” làm như thế từ xưa tới nay họ vẫn là “con vua cháu chúa” có quyền coi nhân dân như tài sản tư hữu của mình. Khi bị chất vấn về danh từ “phong kiến” dùng để chỉ “địa chủ”, ông Trường Chinh chỉ trả lời lờ mờ rằng “chế độ địa chủ xuất phát từ thời phong kiến”. Các học sinh trong lớp chỉnh huấn hiểu rõ ý định của ông Trường Chinh là “muốn giết chó thì kêu là chó dại”, và họ cũng hiểu rằng bản báo cáo của ông Trường Chinh chỉ là một cái bình phong dùng để che đậy thâm ý độc ác của Đảng: tiêu diệt giai cấp địa chủ đã từng tham gia kháng chiến, đã giúp cộng sản lên lắm chính quyền và củng cố thế lực.

Trong thời gian học tập bản báo cáo, cuộc thảo luận vẫn sôi nổi như mấy bài trước, nhưng học xong bài này thì mọi người đều tỏ ra chấp nhận luận điệu của Đảng. Họ chấp nhận sự cần thiết của cải cách ruộng đất và cả phương pháp tàn bạo thực hiện cải cách ruộng đất một cách rất ngoan ngoãn vì một lẽ rất dễ hiểu: Đa số học viên thuộc thành phần địa chủ nên hy vọng rằng một khi đã chấp nhận chủ trương đường lối của Đảng, may ra sẽ được sắp xếp là địa chủ kháng chiến trong nhiều năm. Vì vậy nên đối với họ, thái độ khôn ngoan hơn cả là đứng về phe Đảng, hoặc ít nhất cũng tỏ ra như vậy. Học xong bài học về cải cách ruộng đất, tất cả lớp đều đồng ý về bản báo cáo của ông Trường Chinh và đồng thanh hô to: “đả đảo giai cấp địa chủ!”

Nhưng sau khi mãn khoá ra về, nhiều người chợt nhớ tới cái câu ví của ông Hồ Chí Minh: “đế quốc là con hổ mà địa chủ là bụi rậm để cho con hổ núp. Vì vậy nên muốn đuổi hổ, phải phá cho kỳ được bụi rậm”. Mặc dù họ đi chỉnh huấn về, có cảm tưởng rằng bản thân mình sẽ được an toàn, nhưng họ quên rằng bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ bị Đảng coi là lang sói, và gia đình êm ấm của họ là sào huyệt của hổ báo mà Đảng sẽ đốt phá trong một tương lai rất gần.

Chú Thích:
________________________________________
[1]Sửa đổi lề lối làm việc, nhà xuất bản Sự thật. Cuốn sách của tác giả XYZ, bút hiệu của ông Hồ.
[2]Giảm tô ở Trung Quốc (thực hiện ở những vùng Trung cộng chiếm đóng trước 1949) là chỉ giảm tô không mà thôi, không phải là chiến dịch giảm tô theo kiểu Trường Chinh trình bày, vì giảm tô theo kiểu này là đợt một của cải cách ruộng đất, có đấu tố và xử bắn địa chủ. Ý Trường Chinh muốn nói là: “địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng che chở nên bác Mao không dám tiêu diệt họ trong khi đương liên minh với Tưởng Giới Thạch. Còn địa chủ Việt Nam thì chẳng được chính phủ nào che chở, nên chúng ta có thể tiêu diệt họ ngay bây giờ được”.


Phần 5 - Cải cách ruộng đất

“Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt qua giới hạn của công bằng.”

Mao Trạch Đông (“Báo cáo về vụ nông dân bạo động tại Hồ Nam”)

Cộng sản thực hiện cải cách ruộng đất bằng hai chiến dịch liên tiếp: chiến dịch giảm tô vào những năm 1953 và 1954, và chiến dịch cải cách ruộng đất đích thực vào những năm 1954 và 1956.

Năm 1955, cộng sản tạm thời đình chỉ cải cách ruộng đất vì năm ấy có cuộc di cư ồ ạt của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, trong thời gian 300 ngày do Hiệp định Genève ấn định để theo nguyên tắc, mọi người được tự do di chuyển giữa hai miền. Nhà cầm quyền miền Bắc tạm ngừng đấu tố vì họ sợ số người di cư sẽ tăng thêm; nhưng sau khi chiếm đóng Hải Phòng, hải cảng cuối cùng mà người Bắc có thể thoát vào Nam được, họ tiếp tục đấu tố trở lại. Có điều khác là lần này, khi thực hiện cải cách ruộng đất tại vùng đồng bằng sông Nhị Hà, họ muốn chóng xong nên dồn cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực làm một, thực hiện toàn bộ chương trình bằng một loạt đấu tố duy nhất, tất nhiên là khủng khiếp bằng hai những kỳ trước.

Cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều nhằm một mục đích tức là tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ để tiến tới việc thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn. Cả hai chiến dịch đều áp dụng một chiến thuật duy nhất, và chiến dịch thứ nhất và thứ nhì chỉ khác nhau ở mức tàn bạo và ở các loại tài sản tịch thu của các địa chủ. Nói một cách rõ hơn thì chiến dịch thứ nhất cốt tiêu diệt sơ bộ những phần tử “có máu mặt” ở nông thôn mà cộng sản gọi là những “phản động chính”, và tịch thu tiền bạc, nữ trang hoặc châu báu, tức là những “của nổi” mà họ giấu giếm hoặc giao cho quyến thuộc cất giữ. Chiến dịch thứ hai nhằm vào những người “có đủ bát ăn”, mệnh danh là “phản động phụ”. Nhóm thứ hai này tương đối nghèo hơn nhóm thứ nhất, và nói chung chỉ có ruộng nương nhà cửa, không có vàng bạc châu báu. Họ cũng là phần đông trong cái giới mà cộng sản quy định là “địa chủ”. Chiến dịch thứ hai, tức là cải cách ruộng đất đích thực cũng là dịp để cộng sản dựa theo “pháp luật” tịch thu toàn bộ ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc của tất cả giai cấp “địa chủ”. Họ chỉ được phép ra khỏi nhà cùng vợ con với hai bàn tay trắng. Trong các Chương sau, chúng tôi sẽ trình bày cách thức “đấu tố” và tịch thu tài sản trong mỗi chiến dịch.

Nơi đây, chúng tôi sẽ giải thích tại sao cộng sản lại thấy cần thiết phải tiêu diệt giai cấp địa chủ bằng hai chiến dịch liên tiếp. Muốn có một ý niệm rõ ràng hơn, chúng ta hãy lấy một ví dụ sau đây:

Giả sử trong một làng nào đó có 25 gia đình tạm gọi là A, B, C, D, vân vân, theo thứ tự bản mẫu tự và theo giầu, nghèo. A giầu nhất và Z nghèo nhất. Lúc khởi đầu chiến dịch giảm tô, Đảng dạy cho nông dân cách phân định nhân dân trong làng thành nhiều thành phần khác nhau, chiếu theo bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn [1] mà họ phải học tập kỹ lưỡng trong 10 hôm. Sau đó, họ phân định dân làng đại khái theo thứ tự sau đây:

A, B, C : địa chủ

D, E, F : phú nông

G, H, I, J: trung nông cứng

K, L, M, N: trung nông vừa

O, P, Q, R: trung nông yếu

S, T, U, V: bần nông

X, Y, Z: cố nông

Đồng thời cộng sản cũng đề ra khẩu hiệu: “Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông để tiêu diệt địa chủ”. Cộng sản kêu gọi những người từ G đến Z thành lập một khối liên minh hùng hậu để tiêu diệt mấy kẻ bất hạnh: A, B, C bị quy là “địa chủ”. Những phú nông D, E, F kế sát với địa chủ A, B, C không được phép tham gia đấu tranh, nhưng được hứa hẹn “yên thân” nếu chịu khó “ngoan ngoãn”, và đấy là tất cả ý nghĩa của khẩu hiệu “Liên hiệp phú nông” [2] . Những người được quy là “phú nông” hết đỗi mừng rỡ vì lẽ ranh giới giữa “địa chủ” và “phú nông” quả là huyền huyền ảo ảo, không một người nào có thể biết trước mình sẽ là địa chủ hay phú nông.

Trung nông được vinh dự đứng cùng hàng ngũ với bần cố nông (cũng gọi là thành phần bản bộ) cũng mừng rơn vì cảm thấy sẽ được an toàn dưới chế độ mới, mặc dầu không phải là “cánh ta”. Để củng cố lập trường, họ hăng hái đấu tranh chống mấy tên A, B, C. Họ muốn chứng minh với Đảng họ đứng hẳn về phe đảng, phe bần cố nông.

Theo lệ thường, A sẽ bị bắn trước công chúng, B sẽ bị án khổ sai, nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Nhưng câu chuyện đến đấy chưa phải là hết. Khoảng một năm sau, Đảng lại phái một đội “cải cách” thứ hai tới làng để phát động một cuộc khủng bố thứ hai: đó là chiến dịch Cải cách ruộng đất đích thực. Một đoàn cán bộ mới tới làng, quan sát qua loa, rồi tuyên bố rằng việc phân định thành phần năm trước cả làng đã làm sai. Họ nói: “Các đồng chí nông dân không nắm vững các tiêu chuẩn phân định thành phần nên năm ngoái đã để quá nhiều địa chủ lọt lưới”. Họ bắt nông dân học tập lại bản Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và thúc đẩy nông dân phát hiện thêm địa chủ. Họ nói rằng theo sự tính toán rất khoa học của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đã điều tra rất cẩn thận ở các làng (thực ra chỉ có một đoàn cố vấn Tầu đi lướt qua các làng) thì lẽ ra số địa chủ phải nhiều hơn gấp bội. Họ bắt nông dân quy định thành phần lại, và lần này những người D, E, F (trước đây là phú nông) và G, H, I, J (trước đây chỉ là trung nông cứng) đều trở thành địa chủ, trong khi K, L, M, N (trung nông vừa) trở thành phú nông v.v. Như vậy tổng số địa chủ mới “tìm ra” đông gấp 5 lần số địa chủ phát hiện trong chiến dịch giảm tô năm trước. Theo lệnh của Trung ương đảng, con số tối thiểu những án tử hình cũng tăng từ 1 lên 5 tại mỗi xã. Con số những người tự tử hoặc chết đói vì chính sách “cô lập địa chủ” (sẽ giải thích sau) cũng tăng theo. Tổng số nạn nhân của phong trào Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt chưa hề được công bố, nhưng nếu tin lời ông Gérard Tongas, một giáo sư Pháp ở lại Hà Nội cho tới năm 1959 thì “kết quả của cuộc tàn sát kinh khủng này là một trăm ngàn người”. [3]

Cho tới nay chưa một ai có thể ước lượng được số người chết trong hai chiến dịch long trời lở đất này (đấy là danh từ chính thức của cộng sản khi đề cập đến Cải cách ruộng đất), nhưng theo lời những người vượt tuyến vào Sài Gòn năm 1957 thì khắp các vùng nông thôn Bắc Việt nhân dân mang toàn khăn trắng. Điều này rất dễ hiểu vì ngoài những người bị toà án nhân dân đặc biệt lên án xử tử và hành quyết công khai còn vô số những người chết trong các trại giam và những người tự tử ngay sau khi bị quy là địa chủ. Số người tự tử và chết trong các trại giam đã nhiều, nhưng chưa thấm vào đâu với số bố mẹ, con cái địa chủ chết đói vì chính sách bao vây kinh tế. Đấy chẳng qua chỉ là kết quả của phương châm: “Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù”. Đấy là chính sách của Đảng Lao động, áp dụng trong Cải cách ruộng đất, mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lớn tiếng tố cáo trong bài diễn văn của ông, đọc trước Đại hội toàn quốc của Mặt trận tổ quốc, họp tại Hà Nội tháng 10 năm 1956.

Mỗi chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều được thực hiện bằng năm “đợt” liên tiếp, theo một kỹ thuật gọi là “Vết dầu loang”. Thể thức như sau: Đợt thứ nhất khởi đầu tại một vài xã ở mỗi tỉnh. Những xã này là những nơi quả có những địa chủ cường hào trước đây vẫn bóc lột nông dân một cách quá quắt. Một đoàn cán bộ đặc biệt đã được huấn luyện tại Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo chiến dịch tại các xã này, gọi là thí điểm. Trong khi ấy, rất nhiều cán bộ từ mọi nơi khác trong tỉnh được phái tới để quan sát học tập. Đợt thứ nhất chấm dứt thì những cán bộ mới huấn luyện này phát động một “đợt” thứ hai tới các xã xung quanh, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn Việt và các cố vấn Trung cộng. Y hệt một vệt dầu loang, phong trào khủng bố lan dần ra toàn huyện rồi đến toàn tỉnh. Đến hết “đợt năm” thì chiến dịch được hoàn tất trên toàn lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của cộng sản, trừ miền giáp giới với Lào, nơi có các bộ lạc Thái. Vì người Thái có liên lạc mật thiết với người Lào nên cộng sản muốn tránh không cho người Lào biết, sợ các “đồng chí Pathet Lào” hoảng sợ. Cho đến 1958 cộng sản không thực hiện một cải cách nào quan trọng tại miền này. Còn ở Quảng Trị, cộng sản cũng thực hiện cải cách ruộng đất một cách ôn hoà, lấy ruộng đất thừa của địa chủ phân phát cho bần cố nông mà không chém giết ai cả. Sở dĩ không chém giết là để tránh sự ngờ vực của những người không cộng ở phía Nam vĩ tuyến. Theo lời Trường Chinh thì: “Ở những miền đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt”.

Một điểm nữa đáng nêu lên là chính phủ làm bộ không dính dáng gì đến việc khủng bố. Họ làm ra vẻ đấy là việc riêng của nông dân, hoàn toàn do nông dân chủ trương để nâng cao “uy tín chính trị” của họ. Vì vậy nên có khẩu hiệu: “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh để thực hiện giảm tô”, hoặc “Cải cách ruộng đất”. Đảng cũng phủ nhận mọi trách nhiệm. Đảng nói Đảng chỉ giúp ý kiến cho nông dân để họ biết cách đấu tranh mà thôi. Còn quân đội thì phái một vài tiểu đoàn tới đóng các xã kế bên để đề phòng “phản động” có nổi dậy thì giúp đỡ nông dân một tay.




6 comments: