Sunday, August 23, 2020

Mùa Xuân Praha

Mùa xuân Praha (tiếng Séc: Pražské jaro, tiếng Slovak: Pražská jar) là một giai đoạn có những cải cách đưa đến tự do hơn về chính trị và có những cuộc biểu tình của đông đảo quần chúng tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc. Thời đó, nước Tiệp Khắc gồm hai nước Cộng Hòa Séc và Cộng Hòa Slovak. Cuộc cải cách để có cởi mở hơn bắt đầu từ ngày 5 tháng 1 năm 1968, khi người có tinh thần cởi mở là một người Slovak, ông Alexander Dubček, được bầu làm Bí Thư Thứ Nhất (Tổng Bí Thư) của đảng Cộng Sản Tiệp Khắc. Cuộc cải cách này không được Liên Xô tán thành nên ngày 21 tháng 8 năm 1968 Liên Xô huy động quân đội các nước trong Khối Hiệp Ước Warszawa đem quân vào Tiệp Khắc, bắt giam ông Dubček, đưa người khác lên thay để hủy bỏ cuộc cải cách.

 

Cuộc cải cách Mùa Xuân Praha là nỗ lực của ông Dubček làm cho chính quyền bớt tập trung sự kiểm soát và để cho việc làm ăn buôn bán được tự do hơn bằng cách  cho người dân có nhiều quyền hơn. Báo chí được tự do đăng tin tức hơn, người dân được tự do đi lại, đi từ nơi này đến nơi khác trong nước Tiệp ít bị công an theo dõi và có thể xin đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn.

Những người cải cách đã bàn luận để biến Tiệp Khắc thành một liên bang. Có người đề nghị là có ba tiểu bang, gọi là Nước Cộng Hòa, là Bohemia, Moravia-Sileria và Slovakia . Cuối cùng mọi người đồng ý là có hai nước Cộng Hòa là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Czech và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Slovak. Sau khi Liên Xô can thiệp và bắt bỏ đi các điều cải cách thì việc thành lập liên bang với hai nước Cộng Hòa Czech và Slovak được giữ lại.

Cuộc cải cách này không được Liên Xô đồng ý vì có những điều khác với cách cai trị của Liên Xô và người Nga sợ rằng cho tự do sẽ đưa đến việc đảng Cộng Sản Tiệp Khắc bị mất quyền trong quá trình dân chủ hóa. Tổng Bí Thư Nga là Leonid Breznev đã gọi ông Alexander Dubček họp để đề nghị ông Dubček bỏ đi việc cải cách nhưng ông Dubček không đồng ý . Sau đó,  Liên Xô đã gửi hàng trăm ngàn quân của Khối Hiệp ước Warszawa tiến vào Tiệp Khắc cùng với nhiều xe bọc thép và xe tăng. Báo New York Times tường thuật có 650 ngàn lính cùng với các khí giới hiện đại nhất của Liên Xô đã tiến vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư với hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi. Sau khi ông Dubček bị bắt thì những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Tiệp Khắc không dùng quân đội chống lại sự can thiệp của Liên Xô. Các cuộc phản kháng đều do người dân tự đứng ra làm.

 

Ông Alexander Dubček (bên phải), chụp vào tháng 6 năm 1968 tại phi trường Budapest, Hungary.

Trong khi có nhiều cuộc tuần hành diễn ra trong nước, có một sinh viên tên là Jan Palach tự thiêu vào ngày 16 tháng giêng năm 1969 để phản đối. Đám tang của sinh viên này đã qui tụ hàng trăm ngàn người đi đưa tại quãng trường Wencesla. Một số người dân tìm cách đối thoại một cách thân thiện với quân đội chiếm đóng khuyên họ rút đi, một số đặt chướng ngại vật cản đường quân đội và xe tăng, có người phá các bảng tên đường để làm cho quân lính ngoại quốc lạc đường, có nhiều người phản đối bằng cách bất chấp lệnh giới nghiêm, cấm đi ra đường bằng cách vẫn ra đường tuần hành phản đối. Quân đội Liên Xô dự trù trong bốn ngày sẽ dẹp tan việc cải cách và vãn hồi trật tự nhưng đã phải mất đến tám tháng mới lập lại ổn định. Sau đó quân đội Liên Xô tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Tiệp Khắc và rút đi năm 1991 sau khi Cuộc Cách Mạng Nhung chấm dứt chế độ cộng sản tại Tiệp Khắc.

 

Nơi sinh viên Jan Palach tự thiêu được đánh dấu bằng hình thánh giá để tưởng niệm. Bên phải là ảnh của Jan Palach.



Xác của Jan Palach. Có người lấy thạch cao in khuôn mặt của anh ta sau khi chết và sau đó tạc thành tượng để tưởng niệm.

Jan Palach là sinh viên môn Nghệ Thuật tại đại học Charles University. Nơi phân khoa Nghệ Thuật của đại học Charles này có đài tưởng niệm anh ta với khuôn mặt anh ta được làm theo cái mẫu đã lấy được ở xác anh ta sau khi tự thiêu. Bên dưới có ghi ngày anh ta tự thiêu.
 

 Sau sự can thiệp của Liên Xô, ông Gustáv Husák, người thay thế Dubček và cũng trở thành Chủ tịch nước, đã đổi lại mọi thứ như trước khi Dubček lên nắm quyền.

Tuy việc cải cách chỉ xảy ra trong vài tháng rồi bị dẹp bỏ nhưng người dân Tiệp Khắc không bao giờ quên và trong lòng nhiều người vẫn mong mỏi có dịp để có được thêm tự do, dân chủ như họ đã từng có. Hai mươi mốt năm sau, 1989, khi phong trào Cách Mạng Nhung xảy ra trên các nước Đông Âu, những người Tiệp đã từng mong mỏi được tự do đã tham gia vào phong trào này và ông Alexander Dubček đã quay trở lại đóng vai trò tích cực trong việc dân chủ hóa Tiệp Khắc.

Mùa Xuân Praha đã trở nên bất tử trong âm nhạc và văn học như trong tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và Milan Kundera với cuốn tiểu thuyết Đời Nhẹ Khôn Kham.


No comments:

Post a Comment