Saturday, August 22, 2020

Năm mươi năm Mùa Xuân Praha 1968

Dân chúng Thủ đô Praha bao quanh xe tăng Liên Xô, khi quân đội nước này và khối Vác Xa Va tràn vào dập tắt Mùa xuân Praha. 25/8/1968.
Dân chúng Thủ đô Praha bao quanh xe tăng Liên Xô, khi quân đội nước này và khối Vác Xa Va tràn vào dập tắt Mùa xuân Praha. 25/8/1968.
  

Cách đây đúng 50 năm, lực lượng cộng sản phát động một chiến dịch quân sự lớn nhắm vào các thành thị miền Nam Việt Nam gọi là Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu thân 1968, thì tại Đông Âu diễn ra một sự kiện có chiều hướng ngược lại gọi là Mùa xuân Praha 1968, nhằm cải cách nước cộng sản Tiệp Khắc theo chiều hướng dân chủ hơn.

 

Mùa xuân Praha 1968

Tiệp Khắc là tên gọi bằng tiếng Việt của một quốc gia ở Đông Âu, tiền thân của hai nước cộng hòa, Cộng hòa Séc, và Cộng hòa Slovakia ngày nay.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trước 1945, Tiệp Khắc bị quân đội Phát xít Đức chiếm đóng. Từ năm 1945 đến năm 1948, Tiệp Khắc có một chính thể đa đảng, có tranh cử tự do. Năm 1948, với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô, những người cộng sản Tiệp Khắc đã giành chính quyền và cai trị nước này như là một quốc gia cộng sản trong quĩ đạo của Liên Xô cho đến khi chủ nghĩa cộng sản bị sụp đổ vào năm 1989, sau cuộc Cách mạng nhung, diễn ra một cách ôn hòa dẫn đến một nền dân chủ đa đảng.

Trong khoảng thời gian từ 1948 cho đến 1989 có một sự kiện quan trọng là Mùa xuân Praha 1968.

Vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, một nhân vật cộng sản còn trẻ tuổi là ông Alexander Dubcek lên cầm quyền và bắt đầu thực hiện những cuộc cải cách, cho phép tự do ngôn luận và một phần tự do chính trị. Những cuộc cải cách này được biết là nhằm thoát khỏi mô hình cộng sản hà khắc theo kiểu Stalin của Liên Xô, nhằm tạo ra điều gọi là một xã hội chủ nghĩa có nhân tính.

Nhưng cuộc cải cách này chỉ diễn ra được vài tháng. Ngày 20-21 tháng Tám, năm 1968, khoảng nửa triệu quân của khối quân sự Vác Xa Va, bao gồm các quốc gia cộng sản châu Âu trong thời chiến tranh lạnh, tràn vào Tiệp Khắc, dập tắt cuộc cải cách, truất phế ông Dubcek, lập lại thể chế cộng sản như trước kia. Thể chế này tồn tại cho đến Cuộc cách mạng nhung 1989 làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu.

Người Việt Nam tiếp xúc với Mùa xuân Praha 1968

Không có nhiều người Việt hiện nay biết về biến cố Mùa xuân Praha 1968. Tất cả những bạn trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà chúng tôi tiếp xúc đều không biết gì về sự kiện này, kể cả những bạn có quan tâm đến chính trị.

Kỹ sư Phạm Hữu Uyển, hiện sống tại thủ đô Praha, đến Tiệp Khắc vào những năm 1980 kể lại rằng ông rất sốc khi nghe người dân Tiệp Khắc kể lại về Mùa xuân Praha 1968:

“Khi tiếp xúc với người Séc thì cái bị sốc đầu tiên là họ nói họ bị xâm lược vào năm 1968. Đi tìm hiểu sự thật thì mới biết là nó khác với những thông tin trong nước hồi đó chúng tôi có được. Có một chi tiết khá đặc biệt là nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên công nhận cuộc tấn công của các nước hiệp ước Vác Xa Va vào Tiệp Khắc.”

Nước Việt Nam mà ông Uyển đề cập là miền Bắc Việt Nam trước năm 1975, một quốc gia nằm trong khối cộng sản do Liên Xô đứng đầu.

Đến Praha trước ông Uyển vài năm là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, ông đến Tiệp Khắc vào năm 1979. Mặc dù biến động Mùa xuân Praha xảy ra đã lâu trước thời điểm đó, nhưng ông Hà Sĩ Phu cũng cảm thấy một sự bất bình trong xã hội Tiệp Khắc:

“Thế nhưng mà cái bế tắc của xã hội của họ tôi cũng được nghe. Các ông thầy giáo hướng dẫn mình luận văn, rồi tiếp xúc với một vài người Tiệp, thì tôi thấy xã hội cũng không ổn. Họ ghét Liên Xô lắm, họ bảo rằng cái xã hội gì mà không có dân tộc gì cả, ngày lễ nào cũng phải treo hai lá cờ.”

Hai lá cờ mà ông Hà Sĩ Phu nói đến là cờ quốc gia Tiệp Khắc, và cờ đỏ búa liềm biểu hiện của tất cả các đảng cộng sản trên thế giới.

Ông Hà Sĩ Phu sau này được biết đến như một nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, từng bị chính quyền cộng sản bắt bỏ tù. Hiện ông sống tại thành phố Đà Lạt.

Người Việt Nam sống tại Tiệp Khắc vào lúc nổ ra Mùa xuân Praha là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, đến Tiệp Khắc vào năm 1967, và ở đó trong thời gian bốn năm với tư cách là một sinh viên du học do nhà nước Việt Nam gửi sang.

Ông nhớ lại khoảng thời gian trước khi ông Alexander Dubcek tiến hành những cuộc cải cách:

“Tôi nhớ rằng trước khi nổ ra cuộc cách mạng Mùa xuân Praha 1968 thì chúng tôi đã bị cán bộ của đại sứ quán xuống từng trường, gọi học sinh Việt Nam ra nói chuyện. Họ lệnh cho chúng tôi là không được tiếp xúc với những người tuyên truyền những tư tưởng của ông Dubcek. Thứ hai nữa là không được nói chuyện chính trị với những người Tiệp Khắc và sinh viên Tiệp Khắc.”

Ông Nghĩa nói thêm là những tin tức từ Thủ đô Praha hầu như bị bưng bít rất chặt chẽ. Ngày 21 tháng Tám, quân đội Liên Xô và khối Vác Xa Va đổ vào Tiệp Khắc, ông Nghĩa nhớ lại:

“Đại sứ quán đến và đưa chúng tôi ra xe bus. Chúng tôi có 18 người, trong đó có ba đảng viên. Họ chở chúng tôi đi đâu đó mà không nói gì hết. Sau bốn tiếng đồng hồ xe chạy thì chúng tôi lên một ngọn núi, là nơi nghỉ đông của người Tiệp Khắc. Chúng tôi ở đấy, bị cấm trại mãi cho đến khi quân đội Nga và quân đội Vác Xa Va dẹp được các cuộc biểu tình, của sinh viên, công nhân tại thủ đô Praha, thì chúng tôi mới về.”

Ông Nghĩa nói rằng mặc dù tin tức bị kiểm soát nhưng ông cũng có nghe nói một sinh viên tại Praha tự thiêu phản đối cuộc xâm lược của quân đội Liên Xô, và tại khu vực ông sống, người dân Tiệp Khắc vẽ những khẩu hiệu lên tường phản đối ông Brezhnev, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc đó, so sánh ông này với Hitler.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa hiện sống tại Hải Phòng, là một nhà bất đồng chính kiến và từng bị nhà nước Việt Nam bỏ tù vì những phản kháng bất bạo động của mình. Ông nói với chúng tôi rằng những sự kiện diễn ra vào năm 1968 tại Tiệp Khắc đã đặt ra trong đầu ông những câu hỏi hoài nghi đầu tiên về Chủ nghĩa cộng sản.

Bài học Tiệp Khắc

Ông Phạm Hữu Uyển, một trong những người thành lập tổ chức Văn Lang tại Cộng Hòa Séc, nhằm cổ vũ xã hội dân sự hướng về Việt Nam, cho chúng tôi biết rằng những người tham gia Mùa xuân Praha 1968 có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của cuộc cách mạng nhung 1989. Ông Uyển cho đó là một bước đi ngắn để đi đến một bước đi dài hơn trên con đường tiến đến xã hội dân chủ của Tiệp Khắc.

 Ông Nguyễn Minh, một kỹ sư sống tại Thủ đô Praha nói rằng trong tiến trình dân chủ hóa Tiệp Khắc có một phong trào báo chí, văn chương phản kháng gọi là Samizdat, kéo dài từ năm 1948 cho đến năm 1989. Samizdat bùng nổ mạnh sau Mùa xuân Praha 1968, theo lời ông Nguyễn Minh:

“Đến những năm sau Mùa xuân Praha thì rộ lên nhiều hơn, với sự tham gia của rất nhiều người gọi là tiến bộ của cộng sản. Họ muốn thay đổi xã hội chủ nghĩa với khuôn mặt của con người. Những người ấy họ tham gia rất nhiều. Có thể nói rằng cái số Samizdat phần nhiều là sau 1970 trở đi, sau mùa xuân Praha 1968.”

So sánh những gì diễn ra tại Tiệp Khắc trước đây và phong trào dân chủ hóa hiện nay ở Việt Nam, ông Phạm Hữu Uyển nhận thấy có một sự khác biệt lớn là sự tham gia của giới trí thức, và sự thống nhất của những hoạt động phản kháng:

“Tôi thấy là giới trí thức của họ hồi đó không phải là đa số, không bao giờ là đa số được, nhưng họ đông đảo hơn, và rõ ràng hơn Việt Nam bây giờ.”

Tuy nhiên ông cũng cho rằng giới tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam cũng đang sử dụng những phương cách giống như những người Tiệp Khắc cách đây mấy mươi năm, đó là sử dụng chính những cam kết của nhà nước cộng sản với quốc tế, hay với chính dân chúng của họ, về những vấn đề nhân quyền, dân quyền, cũng đòi hỏi họ tôn trọng luật pháp do chính họ đặt ra.

 

Kính Hòa RFA 2018-01-22

rfa.org

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prague-spring-1968-01222018124859.html


No comments:

Post a Comment