Wednesday, July 11, 2012

Hàn Phi: Mua giày



Sách Hàn Phi Tử, thiên "Ngoại Trữ Thuyết Tả Thượng" viết:

Có người nước Trịnh muốn mua giày. Trước tiên tự đo lấy chân mình rồi đặt ở chỗ ngồi. Đến chợ quên cầm theo. Khi đã tìm được giày rồi, anh ta nói: “Tôi quên cầm theo ni giày”. Bèn trở về lấy ni giày. Đến khi trở lại thì chợ đã nghỉ bán, cuối cùng vẫn không mua được giày. Có người nói: “Sao không thử giày bằng chân?”. Anh ta đáp: “Thà tin vào ni giày, chứ không tin vào (chân) mình vậy”.

Trần Văn Chánh dịch


Bình Luận:

Người muốn mua giày chỉ tin vào cái mẫu đo chân mà không tin vào chính bàn chân của mình giống như người đọc sách chỉ tin vào sách chứ không nhìn vào chính thực tế. Sách thì cũng chỉ là viết về chuyện xảy ra ngoài đời giống như mẫu đo chân là vẽ theo bàn chân thực ngoài đời. Nếu ngoài thực tế khác với sách thì chính là sách sai. Bao nhiêu người đọc về chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia rồi chỉ tin vào chủ nghĩa mà không nhìn vào sự việc xảy ra ngoài đời. Nếu sự vật xảy ra ngoài đời khác với chủ nghĩa, lý thuyết đã tiên đoán thì có nghĩa là chủ nghĩa đó, lý thuyết đó sai, nhưng họ không chịu, chỉ ôm vào chủ nghĩa và lý thuyết của họ.

Truyện này trong sách Hàn Phi là để ám chỉ các Nho Gia chỉ ôm lấy lý thuyết của Nho giáo mà không chịu nhìn vào thực tế. Từ thời đó Trung Hoa đã phát triển về văn hóa, tư tưởng khá phong phú nên mới có nạn chỉ tin vào sách mà không nhìn vào thực tế. Vào thời Hàn Phi sống thì Nho giáo đã được lưu truyền trong dân hàng trăm năm và có nhiều nhà Nho làm việc cho các nhà vua. Để giải quyết nạn các nước đánh lẫn nhau thời Chiến Quốc, có nhà Nho, như Mạnh Tử, đi du thuyết kêu gọi theo nhân nghĩa, đừng dùng sức mạnh, đừng đánh nhau. Hàn Phi và các Pháp Gia thời đó cho rằng chủ trương của Nho gia không thích hợp. 

Hàn Phi các Pháp gia chủ trương dùng các biện pháp làm cho quốc gia mạnh như cách cai trị đúng đắn, phát triển kinh tế, quân sự để thắng các nước khác còn các Nho Gia chủ trương dùng nhân nghĩa, tôn trọng trật tự, không tham lam đất đai mà đánh nhau.

Cuối cùng nước Tần đã áp dụng phương pháp của Pháp Gia mà trở nên mạnh, đánh thắng các nước khác. Nhưng sau đó, khi nhà Hán lên cầm quyền thì thấy chủ trương kêu gọi đừng đánh nhau của Nho Gia là tốt cho việc giữ cho xã hội được ổn định.

No comments:

Post a Comment