Nói về những tổ chức bí mật hay Hội kín, ở Tàu từ cuối thế kỷ XVII, có Hội kín Tam Điểm (Triade) ra đời chống lại nhà Mãn Thanh nhằm phục hồi nhà Minh. Phản Thanh phục Minh là khẩu hiệu. Những người sáng lập có lẽ là các nhà sư ở Chùa Thiếu Lâm với môn vỗ huấn luyện các nhà sư và hội viên Tam Điểm là môn Thiếu Lâm mà ngày nay còn rất nhiều người học như một môn thể thao tinh xảo.
Tam Điểm là một tổ chức ái quốc. Suốt qua thời gian dài, Tam Điểm ủng hộ những cuộc nổi dậy của dân chúng tàu chống nhà Thanh đang trị vì.
Các Hội viên Tam Điểm liên lạc với nhau bằng mật mã, áp dụng triệt để kỷ luật của hội, giữ tuyệt đối bí mật chương trình và kế hoạch hành động.
Nhưng tới giữa thế XIX, một số hội viên tách rời Hội, phản lại lý tưởng cao đẹp ban đầu, sử dụng tổ chức, phương tiện, bạo lực chỉ nhằm phục vụ lợi ích bản thân. Rồng là biểu tượng của nhà vua Tàu, nhưng cũng là hiệu kỳ của nhiều Hội kín bạo lực còn hoạt động ngày nay. Tam Điểm Rồng đỏ và Rồng xanh là hai tổ chức được nhiều người biết tới. Về chủ trương hoàn toàn khác với lúc ban đầu, nhưng về tổ chức vẫn áp dụng cách tổ chức bí mật như trước.
Ra hải ngoại, Tam Điểm trở thành Thiên Địa hội. Qua Việt Nam, Thiên Địa Hội hoạt động phản Thanh phục Minh thì ít, mà làm “kinh tế chớp nhoáng” thì nhiều. Phía Việt Nam cũng có Thiên Địa Hội Việt Nam. Cũng giống như Tàu lúc đầu, Thiên Địa Hội Việt Nam hoạt động bí mật chống Tây từ đầu thế kỷ XX với những thành tích cũng khá nổi đình nổi đám. Cũng áp dụng sự bí mật trong quan hệ với nhau. Những mật hiệu thường được sử dụng lúc bấy giờ như “kèo đỏ, kèo xanh”. Hay để nhận nhau, khi một hội viên được gởi tới hội viên bạn, làm dấu hiệu tự giới thiệu như lấy nón lật ngửa để lên bàn hoặc lấy cây dù máng ngược lên thành cửa,… Rồi thời gian qua, Thiên Địa Hội Việt Nam cũng không tránh khỏi bị biến chất thành băng đảng bạo lực.
Thiên Địa Hội hoạt động ngoài vòng pháp luật vì đó là băng đảng chuyên dùng bạo lực cướp bốc dân chúng lương thiện. Ở Việt Nam từ khi cộng sản xuất hiện, Thiên Địa Hội không còn nữa nhưng có Đảng Cộng sản thay thế và hoạt động nửa bí mật, nửa công khai theo hiến định.
Khác với các tổ chức trên đây ở Tàu và Việt Nam tiếp theo sau đó, ở Âu châu từ thế kỷ XVIII đã có Hội kín hoạt động ngoài Giáo hội La Mã, trong dân chúng, vì đây là tổ chức thế tục. Đó là “Hội Thợ Hồ” (La Franc-Maçonnerie). Thợ Hồ không dùng bạo lực để cướp chánh quyền, mà dùng ảnh hưởng đối với chánh phủ.
La Franc-Maçonnerie
Trước đây, Thợ Hồ hoạt động kín. Trụ sở, người lãnh đạo, cả hội viên, chỉ người trong tổ chức biết nhau mà thôi. Ngày nay, Hội, trụ sở và nhơn sự đều được giới thiệu với dân chúng. Thăm viếng, liên lạc, trao đổi thông tin dễ dàng. Thợ Hồ, theo thời gian và địa phương, thành nhiều hội khác nhau. Một Hội lại gồm nhiều “Phân bộ” nên giữa các Hội Thợ Hồ cũng có nhiều khác biệt, giữa các Phân bộ có nhiều khác biệt hơn, Hội viên thường không biết nhau, có khi mâu thuẫn với nhau.
Từ kín cho tới mở, Hội Thợ Hồ lúc nào cũng ảnh hưởng mạnh đến chánh trị quốc gia nơi Hội hoạt động. Thợ Hồ chỉ không hoạt động được ở các quốc gia trong thời gian bị cộng sản cai trị. Ở Việt Nam và Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, Thợ Hồ có mặt và hoạt động. Họ giúp thực hiện nhiều đối thoại, thương thảo, trao đổi giữa chánh quyền Pháp với nhà cầm quyền cộng sản từ khi họ về Hà nội. Các Ông Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Hoàng Minh Giám đều là Thợ Hồ thuộc Phân bộ “Liên Hiệp Huynh đệ Bắc kỳ – La Fraternité Tonkinoise”. Cả Ông Hồ Chí Minh cũng là một Thợ Hồ, lúc ở Paris, vào đầu năm 1922, gia nhập “Phân bộ Liên Hiệp Hoàn vũ – La Fédération Universelle” và tham dự sanh hoạt suốt cả năm nhưng không lâu có lẽ vì không đủ tư cách hội viên, như thành phần xã hội, sự hiểu biết và đóng góp tài chánh thường xuyên (Francs-Maçons d’Indochine 1868 – 1975, Encyclopédie maçonnique, Editions maçonniques de France, Paris, 2002). Và Lê-nin cũng từng là Thợ Hồ. Ông gia nhập Phân bộ Belleville, Paris, trước năm 1904 ( Tuần bái Le Point, số 1948 ngày 14/01/2011, Paris).
Sơ lược về Thợ Hồ
Năm 1717, Thợ Hồ có mặt ở Anh. Tới năm 1725, Thợ Hồ định cư và hoạt động ở Pháp. Những tư tưởng về cộng hòa như tự do về lương tri, vấn đề phụ nữ,… đều phải phổ biến ngầm, kín đáo.
Lúc bấy giờ, ở Pháp, có nhiều tổ chức nghề nghiệp. Những người buôn bán, thủ công nghệ họp nhau lại thành những hội nghề nghiệp. Như ở Việt Nam ta ngày xưa có “phường”, để quản lý quyền lợi và sanh hoạt của tổ chức như huấn nghệ, thu nhận người làm việc, phân phối công việc.
Thời xưa, nghề nghiệp không phải là việc làm đơn giản chỉ nhằm lợi tức như ta hiểu ngày nay, mà nó mang đậm nét thiêng liêng nên những hội nghề nghiệp ấy lo cho hội viên trong hoạt động nghề nghiệp còn gắn liền với thần linh, tức Tổ nghề. Tổ nghề thợ mộc là Lỗ Bang. Ta có thước Lỗ Bang được cho là linh thiêng dùng để đo cửa chọn kích thước tốt đem lại may mắn, sức khỏe, thành công cho người ở trong nhà, tránh kích thước xấu như bịnh hoạn, tai nạn,… Thậm chí, thước Lỗ Bang phải được cất giữ ở chỗ trang nghiêm và người lớn tuổi mới được phép cất giữ.
Vào thế kỷ XVII, ở Ái-Nhĩ-Lan, có vài hội chấp nhận gia nhập hội những người không cùng ngành nghề. Ở Anh, hội viên không cùng ngành nghề gia tăng mạnh. Những người có thiện chí lấy Hội như chỗ ẩn náo vì nước Anh bị chiến tranh tôn giáo và các vua chúa đánh nhau. Riêng ở Luân-Đôn có 4 Phân bộ họp lại thành một Khu bộ lớn cho 2 Thành phố Luân-Đôn và Westminster.
Tới năm 1723, Phân bộ mới này công bố bản Hiến pháp và những Điều lệ do Mục sư James Anderson soạn thảo, dựa một phần trên bản Qui Uớc “Những Nghĩa vụ Cũ” của Thợ Hồ, nhưng những điều mới chủ yếu nhằm bảo đảm cho Thợ Hồ quyền tự do lương tri.
Năm 1725, nhiều Hội Thợ Hồ lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp, trong không khí sanh hoạt tự do và chỉ liên hệ tới giới thượng lưu mà thôi. Thợ Hồ xây dựng nhà thờ, thành phố . Từ đây, Thợ Hồ bắt đầu ảnh hưởng vào đời sống xã hội và đồng thời trở thành một thế lực thế tục từng bước thoát khỏi sự chi phối của giáo hội Vatican. Vì ở họ có sự hiểu biết khác hơn của Giáo hội lại đáp ứng được những đòi hỏi thiết thực của xã hội.
Giáo hoàng phê phán Hội Thợ Hồ không nghiêm chỉnh trong sự phán xét “đúng/sai” vì đón nhận nhiều giáo sĩ bị Giáo hội Công giáo trục xuất. Nhưng không vì đó mà giáo sĩ không gia nhập Hội ngày càng đông đảo hơn.
Từ năm 1740, Thợ Hồ có mặt gần khắp nước Pháp, cả ở những thành phố nhỏ. Hội quán Thợ Hồ trở thành những nơi gặp gỡ thân tình, nơi hội viên đề cao đạo đức và sự bình đẳng. Lần hồi nơi đây nảy nở sự tập họp đông đảo Hội viên sanh hoạt tự do và dân chủ, sự kiện này dẫn tới những tư tưởng mới về sau mà không ai để ý.
Tới năm 1773, Thợ Hồ Pháp mới có được một Trung tâm chung và một uy tín được thừa nhận. Hội viên bầu chọn chức sắc và đại diện cho tất cả các Phân bộ. Thợ Hồ “Grand Orient de France” là Hội lớn và xuất hiện sớm ở Pháp, đặt dưới quyền điều khiển của hai Công tước Chartres và Montmorency-Luxembourg, hai nhà quí tộc yêu chuộng tự do và sáng suốt.
“Quí tộc yêu tự do” và “tư sản sáng suốt” là hai yếu tố cơ bản đóng vai trò hàng đầu làm bùng nổ cuộc cách mạng 1789. Thợ Hồ xuất hiện trong mọi cuộc thảo luận, ở mọi xu hướng của Cách mạng Pháp.
Tóm lại Thợ Hồ là một cơ chế chủ yếu “nhân ái, triết lý và cấp tiến” nhằm theo đuổi mục tiêu mưu tìm sự thật, nghiên cứu về đạo đức và thực hiện sự đoàn kết, kiện toàn sự hiểu biết và đời sống xã hội của con người. Hội Thợ Hồ lấy làm nguyên tắc ứng xử cho mình sự tha thứ lẫn nhau, sự tự trọng và kính trọng mọi người, sự tự do tuyệt đối về lương tri. Xét thấy quan niệm về siêu hình là chọn lựa riêng của hội viên nên Hội từ khước mọi xác định giáo điều. Hội theo đuổi phương châm: Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ. Hội có nhiệm vụ trải rộng với tất cả Hội viên sợi dây huynh đệ để nối kết chặt chẽ những người Thợ Hồ khắp trên hoàn vũ lại với nhau.
Vài nét về Thợ Hồ Pháp
Ở Pháp, hỏi Thợ Hồ à? Thợ Hồ ở khắp nơi, tận trong nội thất Chánh phủ, trong Điện Elysée. Đó là nhận xét của nhà văn Sophie Coignard theo kết quả điều tra công phu của bà về Thợ Hồ Pháp (Un Etat dans l’Etat, 2009, Paris). Bà làm hiện rõ vai trò của Thợ Hồ vừa bí ẩn như huyền thoại, vừa thực tế. Qua điều tra sâu vào tổ chức đầy bí ẩn này, tác giả quả quyết Thợ Hồ vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh, gia tăng ở thế kỷ này trên chánh trường và kinh tế. Như Chánh phủ, ngân hàng, xí nghiệp lớn,… Trong khi quyền lực chánh trị suy sụp, kinh tế xã hội khủng hoảng thì Thợ Hồ đóng vai trò trung gian giữa Nhà nước và xã hội, có khi họ lại là người đưa ra những quyết định quan trọng cho đường lối chánh trị, kinh tế quốc gia. Từng bước, khi vai trò của họ vững chắc nhờ hữu hiệu, họ tạo ra “Một quốc gia trong Quốc gia”.
Sau kết quả bầu cử Tổng thống Pháp ở vòng một, Đảng Mặt Trận Dân tộc (Front National – bị xếp Cực Hữu nên bị lên án. Cực Tả, tức Cộng sản, không bị lên án, bài trừ, trái lại còn kết hợp vào Chánh phủ) được 18% phiếu, Thợ Hồ, ngày 27 /04/12, vội lên tiếng cảnh giác “Các Anh, Chị Em của Hội đều xúc động sâu xa về một tình hình nhân xã cho thấy sự lo ngại là nhiều người bị ngược đãi, bị ruồng bỏ, việc làm bấp bênh, thất vọng, đã phản ứng bằng cách chối bỏ chánh sách của Chánh phủ và bày tỏ sự tức giận của họ. Hội tố cáo một số chánh trị gia có ý chấp nhận và kết hợp tư tưởng cực hữu vào chủ trương của mình. Hội cảnh giác những ứng cử viên hội viên về sự chệch hướng nguy hiểm này.
Thợ Hồ có mặt và hoạt động ở cùng khắp nước Pháp nên ảnh hưởng sâu đậm đến chánh trị, kinh tế, xã hội Pháp.
Trong chánh trị quốc gia vì vấn đề phe cánh cầm quyền nên có Tả/Hữu. Trong Hội Thợ Hồ, tất cả cùng gặp nhau, không còn phân chia Tả/Hữu. Từ trước Ông Chirac, tới Chirac, Mitterrand, Sarkozy, Hollande và nhiều nhân vật chánh trị Pháp là Thợ Hồ hoặc thân hữu và được Thợ Hồ ủng hộ.
Thợ Hồ có ảnh hưởng mạnh như vậy, mà hội có bao nhiêu hội viên? Có 160 000 hội viên tập họp trong tất cả 18 hội trên khắp nước Pháp. Hội thành lập lâu đời nhứt, năm 1773, và mạnh hơn hết, có 1045 Phân bộ với 47 000 hội viên, là “ Grand Orient de France ”, tọa lạc tại đường Cadet, Paris 9. Chỉ gồm nam hội viên. Qua năm 1893 và 1894, có thêm hai hội ra đời: Hội “Le Droit de l’Homme” có 518 Phân bộ và 15 700 hội viên nam và nữ; Hội “Grande Loge de France” có 804 Phân bộ, 30 157 nam hội viên. Những Hội nhỏ, ít Phân bộ, ít hội viên, mới xuất hiện và hoạt động năm 2003 như Hội “Grande Loge Traditionnelle et Modernité de France.” Có 12 Phân bộ và 500 hội viên nam, Hội “Grand Orient Traditionnel de Méditerranée” ra đời năm 2003, gồm 11 Phân bộ với 300 hội viên nam nữ.
Xếp theo cơ cấu tổ chức, có 8 hội gồm toàn hội viên nam, 9 hội hỗn hợp hội viên nam nữ chung và 2 hội chỉ gồm nữ hội viên.
Có 3 hội, tổng số hội viên trên 10 000 người ;15 hội có số hội viên dưới 10 000 người.
Quyền lực của Thợ Hồ từ trước giờ vẫn kín đáo nhưng trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp vừa rồi, người ta mới thấy hé lộ ra quyền lực thật sự hữu hiệu của Thợ Hồ: “Bà Laurence Parisot, Chủ tịch Nghiệp đoàn Chủ nhơn Pháp, sau khi được Hội Thợ Hồ “ Grand Orient de France ” tiếp, bà liền giữ khoảng cách với Ông Sarkozy đang trong cuộc vận động bầu cử vì Ông Sarkozy phê phán nghiệp đoàn, đảng phái và hiệp hội. Nên nhớ trong một “thể chế dân chủ thật sự, người ta phải vinh danh những tổ chức trung gian”. Thế là có một hòn đá rớt ngay vào vườn của Điện Elysée! (Le Nouvel Observateur, 3/ 2012).
Ông Nicolas Sarkozy thất cử chỉ với số phiếu sít soát với Ông François Hollande.
Thợ Hồ chọn ứng cử viên, dân bầu
- Chân dung Ông Sarkozy
Ngày 14 tháng giêng năm 2008, tại Ryad, Ông Sarkozy táng tụng “Thượng Đế là người siêu việt hiện diện trong tư tưởng và con tim của mỗi người trong chúng ta”.
Lời tuyên bố này đã làm cho Ông Jean-Michel Quillardet nhảy dựng lên. Vị Đại Sư phụ của GODF, cuối năm trước, đã đau nhói tim vì những lời tuyên bố của Ông Sarkozy tại Thánh đường Latran ở La-mã nhân dịp được Giáo hoàng tiếp kiến.
Hôm ấy, Ông Sarkozy phê phán đạo đức thế tục và đề cao đạo đức của Cha Sở và Mục sư trội vượt ông thầy giáo trong làng xã. Qua đầu năm sau, Đại Sư phụ Quillardet vội tìm cách lên tiếng phản đối. Ông trả lời 2 cuộc phỏng vần của tuần báo Người Quan sát mới (Le Nouvel Observateur, 3/1/2008) và nhật báo Giải phóng (Libération, 4/1/2008). Lên tiếng trên báo chưa đủ, Đại Sư phụ Quillardet muốn gặp ngay T.T. Sarkozy. Ông chuyển yêu cầu của ông qua cựu Đại Sư phụ của GODF, Ông Alain Bauer, lúc bấy giờ là Cố vấn của Tổng thống Sarkozy. Đại Sư phụ Alain Bauer vẫn là người thân cận với TT Sarkozy từ năm 2002 khi Ông Sarkozy làm Tổng trưởng Bộ Nội vụ.
Ông Alain Bauer lấy được cái hẹn với Ông Sarkozy chỉ trong vài ngày sau không có gì khó khăn . Ông Sarkozy tiếp Ông Jean-Michel Quillardet với 4 người nữa trong đó, lẽ dĩ nhiên, phải có Ông Alain Bauer tại phòng họp của Điện Elysée. Trước khi hội kiến, Ông Sarkozy được Ông Alain Bauer chuẩn bị rất lâu, rất kỷ để ông sẽ thuyết trình vững vàng và mạch lạc đề tài “Nền Cộng hoà là thế tục, nhưng không phải vô thần”.
Thỉnh thoảng, ông tỏ ra tấn công những người đối thoại “Tính thế tục đã luôn luôn không phải là một khuôn mẫu của sự từ tốn.” Ông buông thêm một câu: “Các ông đều Tả phái cả, phải không?”.
Mấy ông khách Thợ Hồ lấy làm lo ngại là ông sẽ thay đổi luật năm 1905 “tách Nhà thờ ra khỏi Nhà nước” thì sự yên ổn dân sự sẽ không còn nữa. Ông Sarkozy trấn an bốn Thợ Hồ” sẽ có vài tu chính nhưng chỉ nhằm vào qui chế của Mục sư mà thôi.”
Cuộc gặp gỡ này không thay đổi được quan điểm của khách Thợ Hồ. Ông Alain Bauer nhận xét và đánh giá Ông Sarkozy là “tuyệt vời” . Nhưng Ông Jacques Lafouge, một trong ba người kia, lại cho rằng Ông Sarkozy coi thường họ. Ông Sarkozy muốn lăn bột họ. Còn Ông Jean-Michel Quillardet lấy làm tiếc là Ông Sarkozy chỉ vuốt ve họ mà thôi.
Sau đó, Ông Sarkozy đồng ý tới Đền thánh của GODF ỏ đường Cadet, Paris IX, để thảo luận với đông đủ huynh đệ. Nhưng nhiều Thợ Hồ lo ngại nếu sau những cuộc gặp gở mà sau cùng Ông Sarkozy vẫn thay đổi luật 1905 thì hóa ra Thợ Hồ biến làm công cụ cho Ông Sarkozy.
Thượng Nghị sĩ Jean-Luc Mélenchon, cánh tả, cho rằng Ông Sarkozy đã thắng trận chiến với GODF. Tháng giêng 2008, Ông Mélenchon thuyết trình chống Sarkozy tại Thánh đường Arthur-Groussier ở đường Cadet, Paris IX.
Ông Claude Vaillant, diễn giả lớn của GODF, tuyên bố “Nếu Ông Sarkozy đụng tới luật 1905, ông sẽ cho 1 triệu dân chúng xuống đường phản đối . Thợ Hồ GODF tuy chỉ có 50 000 Hội viên nhưng có khả năng điều động nhiều hội tranh đấu mạnh mẻ cho tính thế tục như Tổ chức “Tự Do Tư tưởng”, liên hệ với Thợ Hồ GODF vì do Ông Marc Blondel, nguyên Tổng thư ký Lực lượng Thợ thuyền và Ông Christian Eyschen, cộng sản Đệ tứ điều khiển, có 5 000 hội viên, nỗi tiếng là “quá khích” vẫn giữ khẩu hiệu thời sáng lập là “Không có Chúa Trời, không có Đấng sáng thế . Xã hội muôn năm và đả đảo mủ ca-lốt ( calotte – của giáo sĩ như mủ của Giám mục, Hồng Y, .. .)”, nhiều Tổ chức khác khuynh tả và nhiều nhơn vật lãnh đạo nghiệp đoàn, ký giả lớn khuynh tả, … Sau cùng, hai Tổ chức rất quan trọng, Liên hiệp Gia đình và Liên hiệp Nhơn quyền, chủ tịch đều là Thợ Hồ của GODF, đứng về lập trường của GODF để chống lại Ông Sarkozy trong viển ảnh luật 1905 sẽ bị sửa đổi.
Tại Quốc Hội, Dân biểu Thợ Hồ lên tiếng chống Ông Sarkozy cho rằng ông đưa nền văn minh lên tột đỉnh để chỉ còn là một tôn giáo duy nhứt, chà đạp những nguyên tắc Cộng hòa vốn bất khả phân, thế tục, dân chủ và xã hội, được ghi trong Hiến pháp.
- Chân dung Ông François Hollande
Tại trụ sở của GODF ở đường Cadet, Paris IX, từ tháng 11 đến tháng giêng, Thợ Hồ dành để đón tiếp những “người ngoại đạo” tới thuyết trình những suy nghĩ của họ trước Thợ Hồ họp lại tại Đền thánh Arthur-Groussier là nơi rất bí mật. Hồi đầu năm nay, tại đây có 6 ứng cử viên Tổng thống lần lượt tới, mỗi người có quyền sử dụng 2 giờ, nói về 7 giá trị của GODF: dân chủ, thế tục, tương thân, tính công dân, môi trường, nhơn phẩm, nhơn quyền.
Diễn giả nói xong, không có vỗ tay hoan nghênh vì nội qui không cho phép. Ông François Hollande phê bình “Đầy ấn tượng”, “Không thấy có gì hiện lên gương mặt, nhưng ông nói ông hoàn toàn hiểu”. Ông Hollande thích nói chuyện ở đây lắm.
Cuộc nói chuyện này được phổ biến trên mạng của Thợ Hồ GODF để cho hơn 40 000 người khác có thể theo dõi.
Từ thế kỷ XVIII, Thợ Hồ Pháp mà đại diện là GODF, luôn tranh đấu cho nền Cộng hòa.
Ông Sarkozy từ chối lời mời tới thuyết trình vì lúc bấy giờ ông chưa nạp hồ sơ tái ứng cử. Để cáo lỗi, TT.Sarkozy tổ chức một buổi lễ và mời Thợ Hồ tới tham dự như ông đã từng làm hai lần trước đây. Trong buổi lễ, ông không đề cặp tới ông sẽ là ứng cử viên Tổng thống. Bài diễn văn của ông đậm nét cộng hòa. Năm 2007, ứng cử viên Sarkozy nhận lời tham dự tiệc cộng hòa “Đối thoại và Dân chủ Pháp” qui tụ tất cả Thợ Hồ của các Hội ở Pháp. Nhưng từ bài phát biểu của Ông Sarkozy ở Thánh đường Latran đề cao nguồn gốc thiên chúa giáo của nước Pháp, GODF và Elysée không còn thông cảm nhau nữa, không còn tin cậy nhau nữa nên sự ủng hộ của Thợ Hồ cũng từ đó trở thành phai nhạt.
Trong lúc đó, Ông François Hollande trở thành người được Thợ Hồ ái mộ. Năm 2006, được Thợ Hồ tiếp đón với tư cách Tổng bí thư đảng Xã hội, ông đã thành công làm say mê Thợ Hồ với bài thuyết trình của ông về “Tương lai của chủ nghĩa xã hội”.
Từ đây ông được mọi người xem ông như “Thợ Hồ không tạp-dề (tablier)” vậy. Ông Hollande biết và đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống kết hợp chặt chẽ này mà ông nhiệt tình chia sẻ với họ những giá trị cấp tiến. Trong những cam kết trong chương trình ứng cử Tổng thống của ông, sự “tôn trọng luật 1905″ và “nhìn nhận quyền được chết xứng đáng” là hai điều đầy sức hấp dẫn Thợ Hồ. Đại Sư phụ Guy Arcyzet được Ông Hollande mời xuất hiện bên cạnh ông trong những cuộc vận động bầu cử nhưng Ông Arcyzet từ chối tuy ông có thẻ đảng viên đảng Xã hội.
Trước Đền thánh của GODF, Ông Hollande long trọng tuyên bố “Tính thế tục không cần phải được bổ sung, nó là tính thế tục, nó không cần phải được định nghĩa hoặc chính xác hơn, nó là qui tắc, nó là nguyên lý xây dựng nền Cộng hòa của chúng ta (…) . Tôi biết đôi khi có những tiền lệ của tòa án hành chánh, tư pháp thiết lập khi đề cập tới những tự do. Nên tôi nghĩ cần phải tái xác định nguyên tắc về thế tục, có khi phải sửa đổi Hiến pháp để đưa vào cơ cấu cao nhứt của chúng ta luật tách rời Nhà thờ khỏi Nhà nước. Kế đó, về sự tài trợ, nhiều luật đã được biểu quyết. Tôi nghĩ đến luật đã đè nặng lên thị xã để tài trợ trường tư. Đó là điều sẽ phải được xem xét lại …”.
Phần lớn Thợ Hồ đều khuynh tả, theo mác-xít, và hết 80 % báo chí khuynh tả. Người để được họ ủng hộ trong cuộc bầu cử phải là ứng cử viên tả phái. Nếu không phải ứng cử viên tả phái thì ít ra phải biểu lộ rỏ lập trường phù hợp với những giá trị lý tưởng của họ. Ông Hollande vừa là đảng viên xã hội, vừa nói đúng tiếng nói của Thợ Hồ phải được Thợ Hồ nhiết tình ủng hộ mà thôi.
Vậy chẳng lẽ nước Pháp là Cộng hòa Thợ Hồ?
© Nguyễn Văn Trần
© Đàn Chim Việt
Bình Luận:
Trong bài trên ở phần đầu tác giả đã nhầm lẫn hội Tam Điển với Thiên Địa Hội tại Trung Hoa.
Tuy nhiên khi kể lại lịch sử của hội Tam Điển thì câu chuyện đó đưa ra một số điểm đáng để ý như sau:
- Trong một chế độ chuyên chế, cấm tự do tư tưởng ở thời phong kiến thì cũng vẫn có những nhóm người không theo tư tưởng của chính quyền, họ tìm những người có đồng tư tưởng với họ để hội họp lại, để bàn bạc, nói chuyện. Hội đó trở thành hội kín vì để tránh chính quyền đàn áp và khi gia nhập thì rất khó, phải qua giới thiệu, thử thách rồi mới được kết nạp.
- Trong chế độ cho tự do tư tưởng thì hội đó trở thành công khai. Những người trong hội tùy theo tư tưởng của họ đúng đắn đến mức nào mà họ có có thể chiếm được sự kính trọng của quần chúng, có tiếng nói có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của quần chúng. Vì thế hội đó có thể ảnh hưởng đến việc bầu cử, ảnh hưởng đến sự chọn lựa ứng cử viên, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của cử tri khi đi bầu chọn người.
- Hội La Franc-Maçonnerie này là một hội có tính cách thiên tả, có được quần chúng lao động ủng hộ. Vì thế hội này có ảnh hưởng đến việc nước Pháp đi theo con đường thiên tả. Bài viết này cho thấy làm thế nào mà quần chúng qua các hội, các tổ chức độc lập với chính quyền có thể có ảnh hưởng đến việc bầu cử, đến việc đưa người lên cầm quyền, mà không phải là nền dân chủ Pháp là nền dân chủ tư sản như Lê Nin nói, nghĩa là nền dân chủ hoàn toàn do tư sản chi phối và chỉ bầu lên những người làm công cụ cho giai cấp tư sản.
No comments:
Post a Comment