Thursday, September 20, 2012

Cải cách khoa học ở Trung Quốc

Nghiên cứu ứng dụng luôn được coi là ưu tiên đối với Trung Quốc, trong ảnh là một
công nghệ được giới thiệu tại hội chợ triển lãm

LTS: Hồ sơ dưới đây của tạp chí khoa học Pháp La Recherche được thực hiện cách đây hơn 10 năm (vào nửa cuối năm 1998). Mặc dầu vậy, những gì diễn ra ở Trung Quốc thời đó có những nét tương đồng với tình trạng khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay, chính vì vậy chúng tôi trích dịch và đăng hồ sơ này với hy vọng chúng ta nhìn lại thực tế diễn ra ở Trung Quốc để chiêm nghiệm và rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình.



Từ đầu những năm 1980, trường đại học và các tổ chức khoa học tại Trung Quốc đã ở trong tình thế buộc phải cải cách và chính điều này đã làm thay đổi cục diện trong bức tranh toàn cảnh của khoa học Trung Quốc. Hiện nay, hoạt động của các trường đại học và tổ chức khoa học ở Trung Quốc đang theo mô hình tự chủ (do it yourself) và sử dụng các phương pháp đánh giá dựa theo mô hình anglo-saxon.

Tháng 2/1998 tại Bắc Kinh: Lin Quan, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học và Công nghệ Nhà nước Trung Hoa chủ trì một cuộc họp báo. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc công bố danh sách các kết quả khoa học chính của năm trước đó, với những thành tựu khoa học và công nghệ đóng góp cho công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Kết quả thu được khá ấn tượng: Năm 1997, cả đất nước Trung Quốc đã có 30.566 khám phá khoa học được ghi nhận, trong đó có 2.727 công trình khoa học cơ bản, 26.244 công trình nghiên cứu ứng dụng và 1.595 công trình trong các lĩnh vực khác. Thống kê của Ủy ban này cho thấy 7.000 chương trình ứng dụng công nghệ chính trong các lĩnh vực khác nhau đã đóng góp 104 tỉ nhân dân tệ vào GDP (tương đương 12,5 tỉ USD) của nước này. Trong số các kết quả đã được dẫn ra, đáng chú ý là việc nghiên cứu đông y nhằm “đưa ra các phương pháp điều trị ung thư và quá trình lão hóa của con người”, và các thử nghiệm lâm sàng cho thấy những nghiên cứu các phương thuốc đông y mới đã tỏ ra rất hiệu quả, trên hơn 85% người thử nghiệm, đối với các bệnh như mất ngủ, hồi hộp và sầu cảm (1).

Tiếng nói của người trong cuộc


Trong một bài viết gây chú ý cả cộng đồng khoa học quốc tế lẫn lãnh đạo nước này, một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc đã bày tỏ nỗi thất vọng trước thực trạng trong nghiên cứu khoa học cơ bản của nước này (2). Người đó chính là nhà nghiên cứu sinh hóa hai lần được vinh danh trên cộng đồng quốc tế Tsou Chenlu, người đứng đầu Ban Khoa học sự sống của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Tư tưởng của Khổng Tử vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống người Trung Quốc
Nhận xét đầu tiên của ông: “Ảnh hưởng của Khổng giáo đã giải thích tại sao Trung Quốc không bao giờ mạnh trong khoa học, đặc biệt trong các ngành khoa học trừu tượng”, Đạo Khổng dạy người ta nghệ thuật định vị chính mình theo thứ bậc xã hội, chứ không phải dạy cách khiến người ta tò mò hoặc sáng tạo. Tsou nhận xét rằng trong số bốn phát minh lớn nhất của Trung Hoa cổ đại như la bàn, thuốc súng, giấy và in (thậm chí cả địa chấn học), tất cả đều chỉ là những sáng chế công nghệ chứ chẳng có phát minh nào giải đáp được các qui luật của thiên nhiên. Khoa học hiện đại chỉ tới Trung Hoa vào giữa thế kỷ 19, dưới sức ép của các họng súng đại bác của Anh. Hơn thế nữa, triều đình nhà Thanh hồi đó chẳng hề chú ý gì tới các thành tựu của công nghệ thế giới vào lúc đó, thí dụ như xe lửa, điện và ô tô.

Nhà sinh hóa tiếp tục cho rằng điều tương tự đang diễn ra đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời nay. Trong bối cảnh của giai đoạn Trung Quốc đang tiến nhanh vào nền kinh tế thị trường, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thường chỉ chú trọng tới công nghệ và với khoa học thực sự chỉ là những lời nói suông. Người ta không nói tới khoa học nữa mà chỉ nói tới “keji”, có nghĩa là “khoa học công nghệ” theo nghĩa tích cực của từ này. Hơn thế nữa, “trong những dịp hiếm hoi mà người ta thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc tới cụm từ khoa học - công nghệ, người ta thường thấy các yếu tố “công nghệ” luôn đứng đầu. Ngay trong Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, bộ phận khoa học kỹ thuật vẫn là nơi tập trung nhiều nhà công nghệ nhất (173 trên tổng số 604) và sức mạnh của bộ phận này ngày càng tăng sau mỗi năm. Đấy là chưa kể tới Viện kỹ thuật, nơi có tới 439 thành viên là các nhà công nghệ. Như vậy tổng số các nhà công nghệ đã chiếm đa số áp đảo so với 431 nhà khoa học ở các lĩnh vực khác (trên thực tế thì con số này có thể khác vì có người có thể đồng thời là thành viên của cả hai viện nói trên).

Dựa trên suy luận này, Tsou nhận thấy rằng bộ phận truyền thông của Trung Quốc chuyên theo dõi thời sự khoa học và công nghệ trên thực tế chỉ chú ý tới phần công nghệ mà thôi. Ông cho rằng Quĩ Khoa học tự nhiên Quốc gia (FNCS), được thành lập từ năm 1986 dựa trên mô hình Quĩ Khoa học Quốc gia Mỹ chỉ cung cấp tiền, phần lớn cho các nghiên cứu về ứng dụng mà họ mong muốn. Ông cũng chỉ ra rằng trong lần trao giải thưởng khoa học quốc gia gần nhất vào lúc đó, có tới 478 giải thưởng được trao cho các thành tựu về công nghệ, 100 giải cho các sáng chế và chỉ có 51 giải thưởng cho các nghiên cứu khoa học cơ bản.

Tsou Chenlu, nhà khoa học dũng cảm đã nói lên lo âu của mình trước thực trạng phát triển khoa học và công nghệ ở Trung Quốc

Dựa trên các con số thống kê chính thức, Tsou nhấn mạnh rằng chỉ có 7% các chi tiêu quốc gia cho R&D (nghiên cứu và phát triển) được rót vào các nghiên cứu cơ bản (con số thực tế chỉ vào khoảng 6%), điều này khiến Trung Quốc chỉ nằm ở vị trí 14 trên thế giới nếu tính về số công bố khoa học trong các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Và chỉ số trích dẫn các nghiên cứu Trung Quốc thì còn thấp hơn nữa.

Nhà khoa học danh tiếng này cũng cho biết các tài trợ lớn cho khoa học (ngoài FCNS) mà các nhà khoa học và các phòng thí nghiệm nhận thường dựa trên các tiêu chí cố định, chủ yếu là dựa trên các quảng cáo mà các nhà nghiên cứu đăng trên các tờ báo lớn. Nhưng rất ít các nhà khoa học Trung Quốc hiểu được luật chơi quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và rất nhiều nhà khoa học Trung Quốc có trình độ tiếng Anh kém khiến họ khó có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi khoa học của thế giới.

Ông cũng nhận ra rằng sự gia tăng của thói sính bằng cấp và sự lên ngôi của các ngụy tạo trong khoa học (fausses sciences), cùng với nạn chảy máu chất xám đã khiến các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và các trường đại học ở Trung Quốc mất đi những cán bộ xuất sắc nhất. “Từ khi Trung Quốc mở cửa ra bên ngoài (dưới thời của Đặng Tiểu Bình, sau năm 1978), tôi đã hướng dẫn và nằm trong hội đồng xét duyệt cho khoảng 50 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tất cả trong số này đã đi nước ngoài học tiếp sau khi đỗ tiến sĩ và chỉ có 4 người trở về nước”. Ông còn cho rằng tới một nửa số sinh viên của các trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc đã đi nước ngoài, thậm chí họ đi ngay trước khi họ nhận bằng đại học.

Ưu tiên phát triển công nghệ

Sự lựa chọn ưu tiên cho công nghệ trên thực tế đã xuất hiện ở khắp các diễn văn chính thức. Cuốn “sách trắng” đầu tiên về “khoa học và công nghệ” được xuất bản ngày 7/4/1998 bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đưa ra các mục tiêu cho các nhà nghiên cứu là thúc đẩy tiến bộ nông nghiệp và công nghiệp trong mọi lĩnh vực. Cái từ “công nghệ” đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi văn bản, kể cả ở dòng đề tựa trên cuốn sách trắng của bà Bộ trưởng mới nhậm chức lúc đó Zhu Lilan, vốn là nhà hóa học chuyên nghiên cứu polymer và là vị phó của người tiền nhiệm. Trong chuyến thăm Paris vào lúc đó, vị tân Chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc Lu Yongxiang (56 tuổi) trong các bài phát biểu của mình đã tập trung chủ yếu vào các thành tựu kinh tế và xã hội, phù hợp với các công nghệ mới của thế kỷ 21. Bản thân vị chủ tịch này cũng là một tiến sĩ công nghệ, được đào tạo tại Đức. Cũng như bà Zhu, ông là vị phó của người tiền nhiệm.

Mặc dầu có sự tăng trưởng kinh tế rất nhanh trong vòng 20 năm liền (với mức trung bình 9,8% kể từ cuộc khủng hoảng châu Á 1978) và có thành phố Thượng Hải hiện đại như một thành phố lớn của Mỹ, các nhà lãnh đạo của đất nước đông dân nhất thế giới vẫn coi nước này là một quốc gia đang phát triển. Theo các con số thống kê, nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng tới 20% tổng sản phẩm quốc nội, dịch vụ chiếm 30% (so với các con số 2% và 70% ở Pháp). Song Jian, người tiền nhiệm của bà Zhu Lilan luôn nhấn mạnh rằng vấn đề dân số luôn là mối bận tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo khoa học. Với tỉ lệ sinh ở mức 1,8, dân số Trung Quốc được ước tính là sẽ tăng lên 1,5 đến 1,6 tỉ vào năm 2030. Nông nghiệp, sức khỏe và năng lượng do vậy là những ưu tiên lớn nhất và nếu “khoa học không phải là động lực hàng đầu thì nó khó có thể nói là khởi nguồn của việc phát triển các ngành công nghệ cao”, Song Jian nói. Bản thân Viện Hàn lâm Khoa học, trong bản kê tài chính của mình cũng không giấu giếm rằng chi tiêu trong cái gọi là khoa học ứng dụng đã lớn gấp 2 lần, thậm chí 3 lần nếu tính cả các “chi phí thực nghiệm”, các “ứng dụng kết quả R&D”...

Lựa chọn học tập ở nước ngoài là mong muốn của rất nhiều sinh viên Trung Quốc, nhưng câu hỏi sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài là: về nước hay không?

Người ta sẽ khó có thể hiểu được tình trạng hiện nay (của khoa học Trung Quốc) nếu không biết đến các quan niệm cơ bản, cũng như các đường lối chính trong chính sách của đất nước này, những chính sách đã tạo ra khuôn khổ pháp lý và đưa ra lối tư duy mới. Sau khi chế độ Mãn Thanh sụp đổ vào năm 1911, khoa học hầu như không có sự hiện diện ở đất nước này. Phải đợi tới năm 1920 thì những cơ quan, đơn vị nghiên cứu đầu tiên mới xuất hiện và nằm trong các trường đại học (Đại học Bắc Kinh ra đời năm 1898, Đại học Nam Kinh ra đời năm 1902 và Đại học Phục Đán ở Thượng Hải ra đời năm 1905), trước khi hình thành Viện Hàn lâm Khoa học vào năm 1928.

Nhưng cuộc nội chiến, rồi chiến tranh với Nhật Bản đã dẫn tới cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông, khi đó khoa học phương Tây bắt đầu bùng nổ ở đất nước rộng lớn này nhưng các kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.

Lúc đầu, mô hình Liên Xô được áp dụng, Viện Hàn lâm Khoa học trở thành một phiên bản của Viện Hàn lâm Xô Viết, bao gồm các viện nghiên cứu trong đủ mọi lĩnh vực khoa học. Một loạt các viện công nghệ ứng dụng ra đời dưới dự bảo trợ của các Bộ quản lý kỹ thuật. Các kế hoạch 12 năm ra đời và song song với đó là sự xuất hiện của một tổ hợp công nghiệp quân sự, rồi sự xuất hiện một hệ thống kinh tế tự cung tự cấp theo kiểu Xô Viết, vừa bí hiểm, vừa hiệu quả. Nhờ hai nhà khoa học Trung Quốc tới Mỹ học tập và trở về nước vào giữa những năm 1950, Trung Quốc đã thử quả bom khinh khí đầu tiên vào 8 năm sau đó, sau khi tự vận hành được tổ máy hạt nhân đầu tiên. Các tên lửa chiến lược cũng như hỏa tiễn Trường Chinh và ngành công nghiệp vệ tinh ra đời từ tổ hợp quân sự công nghiệp này, và giờ đang ở thời kỳ bùng nổ.

Mối bất hòa với Liên Xô bắt đầu vào năm 1960 khi tất cả các chuyên gia và nhà công nghệ Xô Viết, kể cả ở các dự án xây dựng nhà máy đang tiến hành, rút về nước. Chỉ còn một mình, Trung Quốc bắt đầu áp dụng khẩu hiệu “dựa trên sức mình” và đầu tư ồ ạt trong nghiên cứu. Vào khoảng năm 1965, Phương Tây nhận thấy rằng một số tinh hoa trong khoa học Trung Quốc bắt đầu tiếp cận tới trình độ tiên tiến của quốc tế, trong một số lĩnh vực (3). Rồi diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa, một cuộc cách mạng mà các nhà lãnh đạo đã chuẩn bị từ trước đó và để được tiến hành cũng mất khoảng thời gian tới 10 năm. Các nhà khoa học Trung Quốc thường buộc phải rời phòng thí nghiệm và biến thành những công nhân. Các viện nghiên cứu được đặt dưới sự kiểm soát của các Ủy ban cách mạng. Ngay cả việc công bố các bài báo khoa học cũng phải dừng lại. Các trường đại học ở trong tình trạng cô lập trong suốt 4 năm trời. Nghiên cứu khoa học được bắt đầu trở lại vào năm 1971 nhưng giới hạn trong các đề tài ứng dụng và bị kiểm soát về mặt chính trị. Phải đợi đến năm 1976, với việc bắt giữ “bè lũ 4 tên”, thì công việc nghiên cứu khoa học mới có thể bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Nhưng lúc này, tuổi của các nhà khoa học đầu ngành đã rất cao, và Trung Quốc đã phải mất đến cả thập kỷ thiếu những nhà khoa học đầu ngành.

Những điều đang diễn ra, trong lĩnh vực khoa học cũng như các lĩnh vực khác là sự tiếp nối đường lối chính trị mà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã đề xướng ra từ năm 1978. Vị lãnh tụ tối cao này đã chọn khoa học và công nghệ như một trong các lĩnh vực phát triển của chủ thuyết “bốn hiện đại hóa”. Câu nói bất hủ của nhà lãnh đạo tài ba này là: “Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Hành động tức thời đã đem lại hiệu quả: một phần tư GDP của Trung Quốc được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Sự năng động trong kinh tế đã làm lộ bộ mặt thật của một khu vực Nhà nước đầy nợ nần với hơn một nửa trong số 3.000 công ty Nhà nước luôn thông báo lỗ. Thời buổi kim tiền, trong các chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gương mặt chủ các doanh nghiệp được thay thế bằng các anh hùng lao động trong những năm 1960. Tầng lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện với khả năng mua các ô tô đắt tiền đến từ Phương Tây và cả các trang sức quí giá khác. Họ cũng gửi con cái của mình ở các trường học tư, đi nghỉ đông ở Thái Lan. Điện thoại di động xuất hiện ở khắp nơi. Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới của thứ đồ chơi công nghệ cao được làm từ Phương Tây và Nhật Bản này (4).

Bức tranh kinh tế-xã hội lúc này ở Trung Quốc nhìn khá thú vị: một bên là “một nước đang phát triển” với lối quản lý theo kiểu Xô Viết và bên kia là một đất nước năng động một cách khó tin đang dò dẫm tiến lên trên các hệ thống giá trị cũ kỹ được giới chính trị ủng hộ.

Trong quá trình tự chuyển đổi theo hướng kinh tế thị trường, Trung Quốc đã sống hơn 20 năm trong một cuộc cải cách liên tục, trong đó câu khẩu hiệu được sử dụng nhiều nhất là “hãy tự mình làm” (do it yourself), mang đầy hơi hướng Mỹ. Đó cũng chính là điều mà nhà sinh hóa Tsou Chenlu lên án, bởi ông đã thấy mô hình Viện Hàn lâm Khoa học mà mình đã tin tưởng đang sụp đổ dưới chân mình.

Cạnh tranh, tất cả đều cạnh tranh

Trở lại một chút từ căn nguyên: sinh viên. Hệ thống tuyển sinh đầu vào cũ kỹ theo lối xã hội chủ nghĩa dựa trên các kỳ thi tuyển đại học áp dụng cho rất cả các khóa học đại học cũng như các trường đại học. Hệ thống này được hình thành từ năm 1955 rồi bị bãi bỏ trong Cách mạng văn hóa, nhưng rồi lại được khôi phục lại và lần này nằm trong khuôn khổ của một nền kinh tế đang chuyển sang “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tất cả trẻ em được đến trường cấp 1, nhưng chỉ có khoảng 86% học sinh được học tiếp cấp 2, 46% trong số đó được lên cấp 3 và chỉ có 4,5% số học sinh trung học được vào đại học (5).

Trong suốt ba ngày cực kỳ nóng nực của “tháng bảy đen tối”, các học sinh tốt nghiệp trung học tham gia kỳ thi vào đại học. Đây quả là một kỳ thi cực kỳ khó khăn bởi tính cạnh tranh rất cao. Những học sinh giỏi nhất được vào các trường đại học danh tiếng nhất, như Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, Đại học Nam Kinh hay vào Đại học Khoa học và Công Nghệ Trung Quốc (UCST) ở Hợp Phì, An Huy (trường đại học duy nhất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc). Và sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra ở trong các viện nghiên cứu Nhà nước. Một cuộc cải cách kép quan trọng đã diễn ra trong những năm 1984-1985. Một mặt từ các trường đại học, nơi vốn có nhiệm vụ chính là đào tạo sinh viên giờ cạnh tranh với nhau để có được các phương tiện phát triển các cơ sở nghiên cứu vốn ít ỏi của mình, hoặc xây dựng thêm các cơ sở nghiên cứu mới. Mặt khác là quyết định cải tổ các cơ sở giáo dục theo mô hình Mỹ. Tức là: tài trợ của Nhà nước cho các nghiên cứu khoa học dựa trên hiệu quả hoạt động thực sự của các cơ sở nghiên cứu, dù thuộc Viện Hàn lâm hay các trường đại học. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh ác liệt giữa các phòng thí nghiệm thuộc hệ thống của Viện Hàn lâm Khoa học cũng như của các trường đại học.

Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, một trong những trường đại học tên tuổi tại Trung Quốc

Việc đặt các cơ sở nghiên cứu trong tình trạng cạnh tranh theo cơ chế thị trường đã khiến người ta buộc phải tìm kiếm các nguồn tài trợ khác ngoài việc bám vào “bầu sữa” của Nhà nước. Ngay từ đầu những năm 1980, rất nhiều viện nghiên cứu cũng như các trường đại học đã được khuyến khích để tạo ra các doanh nghiệp trực thuộc, dù chúng có là doanh nghiệp công nghệ cao hay không. Những doanh nghiệp này sinh sôi nảy nở và chẳng bao lâu sau đó có hoạt động cực kỳ độc lập, dù chúng vẫn thuộc các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước. 125 viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã sản sinh ra 400 doanh nghiệp. Năm 1996, những doanh nghiệp này tạo ra thu nhập khoảng 265 triệu nhân dân tệ. Còn các doanh nghiệp trực thuộc các trường đại học cũng đạt một doanh số vào năm 1997 là 6,2 tỉ nhân dân tệ.

Riêng nhóm công nghiệp Founder đã có thu nhập lên tới 20 triệu nhân dân tệ và công ty chính của nhóm này là Công ty sinh học Weiming Biotech thì kiếm được tới 3 triệu nhân dân tệ. Còn ở Thượng Hải, thủ đô kinh tế của Trung Quốc, người ta thống kê được khoảng 700 doanh nghiệp khoa học kiểu này vào năm 1992.

Được tạo ra chủ yếu bởi các giáo viên và nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp này thường có nhiều nhiệm vụ (rất nhiều doanh nghiệp trong số đó bị lỗ), nhưng một số nhiệm vụ họ cũng đã đạt được: đó là khuyến khích các nhà khoa học nghĩ tới việc “ứng dụng” và sử dụng tiềm năng khoa học để tạo ra một lĩnh vực công nghệ cao độc lập với các công ty Nhà nước lớn, giúp giảm bớt áp lực của ngân sách Nhà nước, tạo ra công ăn việc làm cũng như thu nhập phụ cho các nhà khoa học, đem lại nguồn thu cho các viện nghiên cứu và các trường đại học. Khởi đầu của trò chơi là ý tưởng tạo ra các công ty spin-off để chúng có thể tự bay bằng đôi cánh của mình, có thể dưới hình thức cổ phần. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này hiện đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ngày càng có nhiều phòng thí nghiệm được xây dựng mới và mở cửa tại Trung Quốc chứng tỏ nước này quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho KH&CN

Ít nhiều, toàn bộ những cải cách này chắc chắn đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng phi mã của nền kinh tế Trung Quốc. Chúng cũng dẫn tới việc cải thiện về chiều sâu chức năng hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các trường đại học.

Câu hỏi hiện nay là xem liệu khoa học Trung Quốc nhìn trên tổng thể đang ở tình trạng khá hay kém. Điều dễ nhận thấy là sự lo ngại mà Tsou bày tỏ trong bài báo của mình trên tờ Science lại là điều khá phổ biến trong môi trường khoa học cấp cao(6,7). Thậm chí các lãnh đạo ở tầm cao nhất cũng cảm thấy điều này. Tân Thủ tướng Chu Dung Cơ lúc đó cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề này. Trong buổi họp báo đầu tiên của mình, ông tuyên bố rằng bản thân ông sẽ đứng đầu một Ủy ban khoa học, công nghệ và giáo dục nằm trong Hội đồng Nhà nước nhằm tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách.

Ông khẳng định quyết tâm của mình trước khi được bổ nhiệm là sẽ đưa ra một kế hoạch trợ giúp cho các nghiên cứu cơ bản, trị giá chừng 2,5 tỉ nhân dân tệ trong thời gian 5 năm.

Nhưng những người tiền nhiệm của ông và kể cả Chủ tịch Giang Trạch Dân trong quá khứ cũng đã nhiều lần có những phát biểu và cam kết như vậy. Nhưng vẫn cần phải có sự trợ giúp nào đó của vận động hành lang, dù chi phí ở nơi này không quá đắt như các nơi khác. “Việc tồn tại các tranh luận là điều đương nhiên”, Chen Zhangliang, vị Phó Chủ tịch trẻ đầy sáng lạn của Đại học Bắc Kinh nói. Ông cũng đồng thời là người tham gia rất tích cực vào Công ty Weiming Biotech, nơi ông là một trong những thành viên sáng lập và quản lý Phòng thí nghiệm quốc gia, một phòng thí nghiệm lớn về protein và gene thực vật. “Các phòng thí nghiệm cần có những thiết bị và điều kiện tốt để nghiên cứu. Ngân sách của trường Đại học Bắc Kinh trong những năm vừa qua cũng đã được tăng lên. Hiện vào khoảng 120 triệu nhân dân tệ. Khoản tiền này là tương đối, nhưng không phải là quá nhiều”, ông nói. Đối với Chen Zhangliang, ông rất tin vào đội ngũ làm việc hiệu quả và năng động của mình, những người vừa có thể tạo ra các doanh nghiệp, đàm phán các hợp đồng với lãnh đạo quốc gia và địa phương, tìm kiếm tài trợ từ các quĩ của Trung Quốc cũng như nước ngoài, thậm chí thu hút sự chú ý của các tập đoàn đa quốc gia (thí dụ như Monsanto). Cùng lúc, họ cũng có thể kêu gọi, tập hợp được các nhà nghiên cứu xuất sắc nhất, có khả năng đảm nhiệm được những nghiên cứu khoa học có chất lượng.

Nhưng trường hợp này liệu có là phổ biến? Một nhóm nghiên cứu có thể nói là đứng hàng đầu trong tất cả mọi lĩnh vực, nếu tính về chỉ số trích dẫn khoa học, đó là Phòng thí nghiệm các cấu trúc vi mô các chất rắn của Đại học Nam Kinh đã làm được những điều thần kỳ, nhưng lại sống trong sự nghèo khó. Ở Thượng Hải, một viện nghiên cứu ít nổi tiếng hơn-Viện Huyết học thuộc Đại học Y số 2 đã có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và có thể sống được nhờ vào các nguồn thu. Nhưng đây cũng chỉ là một trường hợp ngoại lệ và đến nay, chất lượng nghiên cứu ở đây đang bị đe dọa đi xuống.

Hiệu quả trong khoa học


Để đánh giá mức độ hiệu quả và sức khỏe của một hệ thống nghiên cứu, cần tính đến 3 tiêu chí: các kết quả thu được, khả năng tài chính có sẵn và khả năng thu hút cũng như giữ chân các nhà khoa học trẻ xuất sắc. Có ba vấn đề nóng bỏng hiện đang xảy ra ở Trung Quốc.

Điểm thứ nhất: sự yếu kém trong sản lượng khoa học. Ngược lại với những điều mà nhà sinh hóa Tsou đã miêu tả, phần lớn các bài báo đến từ Trung Quốc trong các công bố quốc tế có chất lượng đã tăng lên khá nhiều trong 10 năm vừa qua. Theo Cơ quan theo dõi khoa học và kỹ thuật Pháp (OST), nơi tiến hành công việc đánh giá các nghiên cứu khoa học, số lượng các công bố đáng được kể tới của Trung Quốc đã tăng từ mức 2.500 lên tới 6.600 từ năm 1987 đến 1995. Điều này giúp nước này đóng góp từ mức 0,6% lên 1,3% tổng số các công trình khoa học có chất lượng của toàn thế giới(8). Tuy nhiên, sự tương phản là điều dễ nhận thấy nếu đi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Theo các dữ liệu của OST, người Trung Quốc rất giỏi trong lĩnh vực vật lý (chiếm 3,6% trong tổng số các công bố khoa học của thế giới) và toán học. Điều này có vẻ trái ngược với nhận định của Tsou rằng người Trung Quốc không có năng khiếu đối với các ngành khoa học trừu tượng. Tuy vậy, Trung Quốc lại rất yếu trong các nghiên cứu sinh học cơ bản cũng như nghiên cứu y tế (chỉ chiếm 0,3%). Những dữ liệu quan trọng khác, cũng từ nguồn OST cho thấy một số thụt lùi trong nghiên cứu Trung Quốc nếu so sánh với thế giới trong giai đoạn 1987 đến 1995, thí dụ như miễn dịch học, khoa học trái đất-biển-khí quyển. Một sự tụt lùi mới đây (giai đoạn 1990-1995) của khoa học Trung Quốc là do các tốc độ phát triển trên thế giới quá nhanh, thí dụ như trong các lĩnh vực nghiên cứu ung thư, khoa học thần kinh và sinh học nói chung… Trên tổng thể thì đúng là Tsou có lý: Trung Quốc đóng góp cho khoa học thế giới kém hơn Ấn Độ, một nước có các điều kiện tương đồng về vị trí địa lý và dân số (chiếm 2,1% tổng công bố các công trình khoa học thế giới).

 Một giáo sư Trung Quốc đang giới thiệu kết quả nghiên cứu giống lúa được thực hiện tại phòng thí nghiệm của mình

Sự khác biệt này còn lớn hơn đối với Trung Quốc nếu người ta so sánh về sản lượng khoa học với Tổng thu nhập quốc dân: nếu với thang điểm 100, Trung Quốc đạt mức 11 trong khi Ấn Độ ở mức 57(9). Điều này chứng tỏ rằng dường như ít nhất các nhà khoa học Trung Quốc đã yếu thế hơn các đồng nghiệp Ấn Độ của mình trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa. Nếu tính mức độ ảnh hưởng (lượng trích dẫn trung bình trong vòng hai năm đối với mỗi công bố khoa học), Trung Quốc và Ấn Độ may thay ở mức tương đương với nhau, khoảng 0,3 vào năm 1995, so với mức 0,9 của Pháp và 1,4 của Mỹ.

Như vậy, sức mạnh đặc thù trong sản lượng khoa học của Trung Quốc cũng đang gia tăng, nhưng ở một mức độ thấp. Thế còn lượng tiền đầu tư cho cộng đồng khoa học? Trên bình diện quốc tế, mặc dù có mức tụt lùi vào những năm 1993 và 1994, chi tiêu quốc gia cho các hoạt động R&D (kể cả chi của doanh nghiệp và Nhà nước) đã có mức gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng như điều các nhà lãnh đạo khoa học Trung Quốc nhấn mạnh, mức tăng này không nhanh bằng mức tăng của Tổng sản lượng quốc dân. Nếu như phần R&D trong GDP đã giảm từ 1,4% của năm 1985 còn 0,7% vào năm 1990 và 0,5% vào năm 1996, thì mục tiêu chính thức, được đưa ra vào năm 1995 là đạt mức chi cho khoa học khoảng 1,5% GDP vào năm 2000 có vẻ là một điều nhảm nhí.

Nhất là, trừ các trường hợp ngoại lệ khác, thì mức tăng này dường như chẳng liên quan tới các khoản tài trợ cho các nghiên cứu khoa học công ở mức độ cao. Phần nghiên cứu cơ bản trong các chi tiêu R&D chiếm khoảng 6%, theo đánh giá của người Trung Quốc (dữ liệu năm 1996). Các nhà khoa học Trung Quốc mà chúng tôi gặp, những người sử dụng phần nhiều trong số các tài trợ này thì cho rằng con số đó là còn quá ít ỏi.

Điều thú vị là trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, Thủ tướng Chu Dung Cơ cho rằng định nghĩa về nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc là điều ít tranh cãi. Quĩ Khoa học Quốc gia Trung Quốc định nghĩa khoa học cơ bản là “nghiên cứu khoa học thuần túy”, chủ yếu là để thỏa mãn khát khao đào sâu kiến thức và “không đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” (10).

Đối với nhà khoa học trẻ, làm việc tại các doanh nghiệp đảm bảo một nguồn thu nhập cao hơn so với các công việc nghiên cứu thuần túy

Nhưng ngay trong văn bản đó cũng có đề cập tới một số đề tài nghiên cứu cơ bản “nhằm phục vụ các mục tiêu quốc gia” và cần “gắn các đề tài nghiên cứu này với hoạt động của các doanh nghiệp. Zhang Cunhao, Chủ tịch của FNCS thừa nhận rằng chưa tới 30% số tiền mà tổ chức này cấp phát được đưa tới cho các nghiên cứu “thực sự cơ bản”. Phần còn lại, theo ông là tài trợ cho các nghiên cứu “cơ bản có tính ứng dụng”.

Nhưng trong cái “nghiên cứu cơ bản có tính ứng dụng” này, FNCS tính cả các tài trợ cho nghiên cứu để xây dựng đập Tam Hiệp cũng như các công trình nghiên cứu về nano các bon, công bố trên tờ Science. FNCS cũng tài trợ các đề tài nghiên cứu công nghiệp, cùng với các tập đoàn nước ngoài (có thỏa thuận với Ford và General Motors). Như vậy, ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là khá mờ nhạt và tỉ lệ 6% hay 7% cho đối tượng nghiên cứu này cần phải xem xét lại.

Nhưng người ta có thể tìm thấy con số tương tự như vậy bằng một cách khác. Zhou Guangzhao, vị Chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học cho tới năm 1997 cho chúng tôi biết rằng ngân sách của viện (3,2 tỉ nhân dân tệ vào năm 1996, cho cả nghiên cứu ứng dụng và phát triển) chỉ gần bằng ngân sách nghiên cứu của một trường đại học lớn của Mỹ. Điều này chính xác bởi tổng ngân sách của Đại học Harvard lúc đó vào khoảng 1,5 tỉ USD trong đó ¼ chi cho nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, nếu người ta thêm vào đó ngân sách nghiên cứu khoa học ở mức độ tương tự của 36 trường “đại học trọng điểm” của Trung Quốc, người ta sẽ có một con số cỡ 6 tỉ nhân dân tệ, tức là khoảng 1/3 ngân sách của Cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp vào lúc đó.

Nếu người ta tính rằng khoảng 1/3 trong số 6 tỉ nhân dân tệ nói trên thực sự được dành cho các nghiên cứu khoa học có các kết quả công bố quốc tế, thì mức 2 tỉ nhân dân tệ đó cũng chiếm khoảng 6% chi tiêu quốc gia cho R&D.

Thực sự, đó là con số ít ỏi. Chính vì vậy mà phần lớn các phòng thí nghiệm, ngay cả các phòng thí nghiệm được đầu tư nhiều nhất cũng thiếu tiền một cách trầm trọng. Chính vì vậy người ta thấy một tình cảnh chung ở khắp nơi: có viện nghiên cứu bán một tòa nhà trong số cơ sở hạ tầng của mình cho các tập đoàn đa quốc gia, có viện thì cho thuê căng tin để người ta làm nhà hàng. Người ta có thể đưa ra lý do vì thu nhập cơ bản của các nhà nghiên cứu thấp, khó mà so sánh được ở bình diện quốc tế. Nhưng cần phải nhớ là 2/3 các thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phải trả bằng ngoại tệ còn thu nhập thì ngược lại. Và vấn đề thu nhập là con dao hai lưỡi. Nó dẫn tới câu chuyện cực kỳ nhạy cảm mà Tsou Chenlu đã đề cập đến: nạn chảy máu chất xám.

Trở về hay không?

Từ khi mở cửa vào năm 1978, rồi thực sự cởi mở vào từ năm 1985, đã có 290.000 sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học tập và chỉ có 90.000 người trở về nước, bà Yu Wei, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết. Phần lớn trong số sinh viên này (246.000 người) thuộc diện du học tự túc, tức là không dính líu gì đến tài trợ của Nhà nước. “Chúng tôi để họ tự do đi học, với chính sách mở cửa và hy vọng họ sẽ trở về vào một ngày nào đó”, vị Bộ trưởng đồng thời là Viện sĩ Hàn lâm này cho biết. Những ràng buộc chỉ có đối với các sinh viên đi học theo diện tài trợ bởi ngân sách Nhà nước. Những người này buộc phải về nước làm việc trong thời gian chừng khoảng 2 năm, thời gian đủ để trả lại phần tài chính tài trợ cho học bổng của họ. Tuy vậy, cũng chỉ có khoảng 35.000 sinh viên trên tổng số 44.000 người trong diện này trở lại Trung Quốc.

“Vấn đề làm làm thế nào để giữ chân hoặc thu hút các nhà khoa học giỏi nhất của chúng tôi về nước”, bà Yu Wei nói. Trên thực tế thì họ đã làm gì? Chỉ riêng ở Mỹ cho tới năm 1998 đã có 42.500 sinh viên Trung Quốc đến học tập. Một số lượng lớn chỉ đứng sau sinh viên Nhật Bản. Đội ngũ nhân viên gốc Trung Quốc tại các trường đại học có tới 9.200 người. Đây là con số khá ấn tượng bởi nó tương đương với 1/3 số người của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nếu tính cả con số người Trung Quốc làm việc trong môi trường khoa học ở Canada, châu Âu, Singapore và Nhật Bản…, con số cuối cùng có lẽ chiếm một nửa số người làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Điều quan trọng là những sinh viên tốt nhất thì ra nước ngoài học, và số xuất sắc nhất trong những sinh viên này thì ở lại nước ngoài. “Phân nửa số sinh viên của chúng tôi đi nước ngoài sau khi hoàn thành việc học cử nhân hoặc cao học”, Wang Yiping, Phó Chủ tịch Trường Khoa học sự sống của Đại học Bắc Kinh nói. Đây là một trong những chiếc nôi của ngành sinh học Trung Quốc. “Tôi chẳng thấy họ trở về”, ông nói. Bản thân ông thì lại là một ngoại lệ. Ông đã đi trở về từ Pháp vào năm 1994, sau khi làm nghiên cứu ở Viện Pasteur và học tiến sĩ ở Ireland. “Trong ba năm 1995, 1996 và 1997, chẳng có người nào trở về cả”, ông nói. Điều tương tự cũng được chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm mà chúng tôi ghé qua, dù chúng có ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh. “Phần lớn những người ưu tú nhất đã ra đi”, Liu Zhongfan, vị Giám đốc 36 tuổi của Trung tâm nghiên cứu các vật liệu thông minh thuộc Đại học Bắc Kinh nói. Nhà khoa học này cũng lại là một trường hợp ngoại lệ. Được đào tạo vật lý và hóa học, chuyên gia về vật liệu nano đã nhận bằng tiến sĩ ở Tokyo. “1/3 trong số 40 người ưu tú nhất trong số 120 người nhận bằng hằng năm tới Mỹ. Đó hầu hết là những người nhận bằng cao học hoặc tiến sĩ”, ông cho biết.

Trở về hay không? Đó là câu hỏi của hầu hết mọi người. Và đây là ý kiến của Liu Zhongfan: “Chúng tôi đang ở trong tình huống mà Đài Loan đã từng gặp cách đây 20 năm. Trong vòng 20 năm tới, mức sống cũng sẽ tương tự dù có ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Đài Loan đi nữa. Lúc đó, các nhà khoa học sẽ trở về”. Li Xing thuộc Trường đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng có ý kiến tương tự. Li đã trở về từ Mỹ, nơi ông đã làm việc trong vòng 8 năm để xây dựng Cernet, mạng lưới thông tin Internet kết nối toàn bộ hệ thống nghiên cứu và giáo dục của Trung Quốc. “Anh thấy ví dụ Đài Loan đấy, thế hệ các nhà khoa học kế tiếp sẽ trở về Trung Quốc để nuôi dạy lũ trẻ ở đại lục mà thôi”, Li nói.

Trước tiên, chất xám không chỉ chảy ra nước ngoài, mà còn từ các cơ sở hàn lâm chảy sang các doanh nghiệp, từ các thành phố bên trong lục địa chảy ra các thành phố ven biển. Một bên là tiếng gọi từ phía nước ngoài, còn bên kia là tiếng gọi từ thị trường. Đơn giản bởi người ta có thể có thu nhập gấp 10 lần hoặc hơn thế nữa nếu làm việc tại Columbia, ở New York hay một đại học của Singapore. Người ta cũng có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách làm kinh doanh ở Trung Quốc. Các sinh viên xuất sắc trong khoa học bị cuốn hút bởi các doanh nghiệp lớn, không chỉ bởi các công việc phát triển công nghệ, mà còn bởi các vị trí khác như marketing hay quản lý. Đôi khi tại một công ty chẳng liên quan gì tới các công việc R&D. Lương của các cán bộ khoa học thì khác nhau ở các cơ sở nghiên cứu Nhà nước khác nhau, nhưng mức thu nhập chung trong các cơ sở đào tạo đại học vào khoảng 600 nhân dân tệ/tháng, kém hơn cả mức lương trung bình của một công nhân ở Bắc Kinh, cỡ 1000 nhân dân tệ. Còn lương bình quân của một giáo sư đại học vào khoảng 1.500 nhân dân tệ.

Ở đây, sự so sánh có vẻ khập khiễng bởi hầu hết cán bộ Nhà nước đều được hưởng một căn nhà hầu như miễn phí (tất nhiên thường phải trả giá cao nếu không muốn phải chờ đợi), được cơ quan trả các khoản bảo hiểm xã hội và được hưởng lương hưu khi về già. Nhưng lương trung bình của một nhà quản lý trong công ty ở mức 5.000 nhân dân tệ. “Một doanh nghiệp có thể trả mức lương cao gấp 3 đến 4 lần mức lương của một giáo sư đại học”, Chen Zhangliang nói. “Tất nhiên, họ không được hưởng các trợ cấp bảo hiểm xã hội”. Người Trung Quốc gọi việc ra ngoài làm là “nhảy ra biển”. Trên thực tế thì vấn đề phức tạp hơn nhiều bởi nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các mức trợ cấp xã hội ở mức rất cạnh tranh và đóng bảo hiểm hưu cho người lao động.

Nhờ được hưởng qui chế tự chủ ngày càng lớn, được mời gọi bất cứ nguồn tài trợ nào, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu giờ có thể giữ hoặc mời gọi các nhà nghiên cứu có chất lượng bằng cách hứa các mức lương cao hơn mức trung bình hoặc áp dụng các cơ chế thưởng. Trong một số trường hợp, một nhà khoa học làm việc trong một cơ sở nghiên cứu công có thể có mức thu nhập bằng một giám đốc doanh nghiệp. Con số có lẽ lớn hơn nếu mức thu nhập của họ vào khoảng 3.500 nhân dân tệ, chưa tính các khoản trợ cấp xã hội. Phần lớn các nhà nghiên cứu xuất sắc mà chúng tôi đã gặp, với chức danh giáo sư của mình có thể kiếm được mức thu nhập vào khoảng 2.000-3.000 nhân dân tệ/tháng (tính cả tiền thưởng). Đây là mức lương tương đương với một người trẻ tuổi bắt đầu làm việc tại các doanh nghiệp. “Một thanh niên mới ra trường làm việc tại một công ty thương mại hoặc một ngân hàng có thể có mức thu nhập nhiều hơn một giáo sư đại học”, nhà vật lý thiên văn trẻ tuổi Cui Xiangqun, người đứng đầu một dự án lớn về xây dựng kính thiên văn Lamost ở Nam Kinh nói. 

Cui cũng là một nhà nghiên cứu đã trở về từ châu Âu sau 9 năm học tập và làm việc trong chương trình ESO ở Munich, nơi xây dựng một kính thiên văn khổng lồ. Cô có thể ở lại châu Âu, nơi mà điều kiện nhập cư khó khăn hơn so với khu vực Nam Mỹ. Một doanh nghiệp Đức đã mời cô làm việc. Nhưng cô nghĩ rằng “tình hình đã cải thiện sau mỗi năm và ngày càng có nhiều người trở về Tổ quốc”.

Một số người đã trở về. Họ trở về từ lời mời của các nhà khoa học đã có tuổi, đáng kính trọng và có ảnh hưởng ở trong nước. Những người này cũng cung cấp các điều kiện làm việc đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học từ nước ngoài trở về. Thí dụ như làm việc trong một dự án quốc gia như Lamost. Môi trường làm việc căng thẳng, trách nhiệm thì lớn nhưng đó cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ có thể bước nhanh và có một vị trí xã hội mà trước đó là chỗ của các nhà khoa học đã có tuổi. Chen Zhangliang giải thích điều này một cách thực tế hơn: “Ở nước ngoài, ngay cả khi bạn là nhà khoa học giỏi thì sự cạnh tranh vẫn rất lớn, chúng tôi dễ bị chìm nghỉm trong đám đông các nhà khoa học. Còn khi bạn trở về nước, ngay lập tức bạn có thể đã có một vị trí xã hội tương đối cao”. Khi đề cập tới số lượng các nhà khoa học làm việc tại Mỹ, ông đưa ra nhận xét: “Ở đó, chúng tôi khó có thể hạnh phúc lâu dài bởi có nhiều người giàu hơn chúng tôi. Người ta luôn so sánh với nhau. Nếu bạn thuộc tầng lớn trên, bạn sẽ hạnh phúc hơn”. Bản thân ông ta cũng là một nhà nghiên cứu từng làm việc ở Mỹ trước khi anh nhận được lời mời về Tổ quốc làm việc của đích thân vị Bộ trưởng Khoa học vào thời đó. Bộ trưởng Song Jian còn hứa trao một vị trí then chốt và nhiều điều kiện đặc biệt khác cho ông khi ông về nước. Giờ thì ông phụ trách công việc chọn lựa các hồ sơ và xét duyệt các ứng cử viên tiến sĩ.

Trung Quốc đang cần các nhà nghiên cứu trẻ, lãnh đạo trung ương đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về nước, bằng việc đưa ra các điều kiện làm việc ưu tiên, quyền được tự do ra nước ngoài, và loại bỏ cơ chế bổ nhiệm theo thâm niên, tạo sự cạnh tranh giữa các trường đại học và các tổ chức khoa học trong nước để đảm bảo các công việc tốt hơn cho các nhà khoa học. Về phần mình, các nhà khoa học khi trở về cũng có nhiều sự lựa chọn: làm việc tại các cơ sở khoa học công, hay tại các công ty trong nước hoặc nước ngoài.

Điều đáng ngại trong khi đó lại chính ở việc cuộc cách mạng diễn ra với tốc độ chậm, một phần do sức ì vẫn còn tồn tại, hoặc bởi sự hạn chế trong các chi tiêu tài chính mà người ta rất khó để thoát ra. Việc giảm các vị trí trong biên chế Nhà nước cũng khiến vấn đề nhân sự càng nhức nhối hơn. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á đã khiến tiến trình cải cách bị chậm lại. Tất nhiên, rồi thời gian cũng sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng mặc dù người ta có thể cảm thấy sự chậm chạp trong đổi mới nhưng rõ ràng Trung Quốc đã có một thu hoạch rõ ràng. Chủ tịch Giang Trạch Dân mới đây đã trích dẫn các câu thơ của Xing Qi, thuộc đời nhà Tống: “Các ngọn núi đã làm tốt công việc của mình và dòng sông thì tiếp tục chảy về phía Đông”…

Hoàng An  dịch
La Recherche, No313-10/1998
-------------------------
(1) China Science and Technology Newsletter, 10 mars 1998.
(2) Chen-Lu Tsou, « Science and scientists in China », Science, 24 avril 1998.
(3) E. Signer et A.W. Galston, « Education and Science in China », Science, 7 janvier 1972.
(4) The Economist, 27 juin 1998.
(5) Banque mondiale, China Higher Education, Reform, 1997.
(6)” Science in China, a Great Leap Forvard “, Science, 270, 17 novembre 1995.
(7)” China Still Hopefull Ten Years on “, Nature, 378, 7 décembre 1995.
(8) OST, Fiche-pays, 1998.
(9) OST, Rapport 1998
(10) NNSFC Guide to programs, Fiscal year 1997.

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=3309&CategoryID=36

No comments:

Post a Comment