Monday, October 1, 2012

Tự do Báo Chí và Phát Triển Kinh Tế

Bản thông cáo báo chí ngày 7-11-2002 của Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới (WAN, World Association of Newspapers), Paris.

Bản báo cáo mới của Ngân Hàng Thế Giới về liên quan giữa phát triển kinh tế và tự do báo chí.

Một bản báo cáo mới của Ngân Hàng Thế Giới cho các tổ chức phát triển và các chính phủ thấy bằng chứng hiển nhiên là tự do báo chí có thể giúp giảm bớt nghèo đói và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Trong một cuộc họp báo chung giữa Ngân Hàng Thế Giới và Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới tại Paris và Brussels vào tuần lễ đầu tháng 11-2002, hai cơ quan này đã đưa ra bản báo cáo với các phân tích khoa học cho thấy báo chí có thể góp phần vào việc đẩy mạnh kinh tế nếu như báo chí được độc lập, có chất lượng và việc được phổ biến đến quảng đại quần chúng được bảo đảm.

Ông Thimothy Balding, Tổng Giám Đốc của cơ quan Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới (WAN) tuyên bố trong buổi họp báo:

“Đây là sự đóng góp nghiêm túc và cụ thể nhất từ trước đến nay cho công cuộc nghiên cứu, phân tích và bàn luận về vai trò của tự do báo chí trong việc phát triển kinh tếvà xóa giảm đói nghèo.”

Ông tiếp:

“Có lẽ đây là lần đầu tiên mà Ngân Hàng Thế Giới vượt lên trên những phát biểu giản dị từ trước đến nay khi nói rằng việc được thông tin và tự do báo chí là nhân quyền, luân lý và là điều hiển nhiên tốt, mà bắt đầu đưa ra những trường hợp cụ thể một cách khoa học để chứng minh rằng một nền báo chí tự do có được sự độc lập, vững vàng là đồng minh đắc lực của phát triển xã hội và giảm bớt nghèo đói.”

Ông nói thêm: “Bản nghiên cứu này được đưa ra vào lúc này là đúng nhất, vì hai lý do: thứ nhất, sau vụ khủng bố ngày 11-9-2002 ở Mỹ, tự do thông tin thường bị trở thành nạn nhân của cái gọi la chiến tranh chống khủng bố, với nhiều chính quyền bắt tay vào việc hạn chế thông tin nhân danh lợi ích của quốc gia.”

“Thật sự thì như sự nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới và như Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới vẫn chủ trương, một nền báo chí được tự do, không bị kềm kẹp đóng vai trò tích cực lớn trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển xã hội, từ đó mà góp phần vào việc xóa đi các điều kiện gây ra nghèo khó sinh ra chỉ vì thiếu thông tin hoặc thiếu tranh luận các vấn đề một cách công khai. Thiếu thông tin và tranh luận công khai sẽ nuôi dưỡng và phát triển bạo lực khủng bố. Bản nghiên cứu này đã đặt tự do thông tin và một nền báo chí độc lập, vững chãi vào tâm điểm các ưu tiên của chiến lược làm sao cho viện trợ được xử dụng để phát triển một cách hiệu quả .”

Ông nói tiếp:

“Lý do thứ hai khiến cho sự xuất hiện của bản nghiên cứu này trở thành đúng lúc là nó đóng những nhát đinh vào nắp quan tài chôn đi cái ý tưởng thường được các chính quyền độc tài, áp bức cho rằng sự phát triển kinh tế và xã hội bị cản trở vì có tự do báo chí hoặc cho là ưu tiên hàng đầu là phải giới hạn tự do thông tin và ngôn luận cho đến lúc nào nền kinh tế phát triển đến một mức nào đó.”

Cuốn sách “Quyền Được Kể Lại - Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng Trong Phát Triển Kinh Tế” (The Right to Tell - The Role of the Mass Media in Economic Development) bao gồm 19 chương được viết bởi nhiều tác giả khác nhau, trong đó có cựu kinh tế gia đứng đầu tổ chức Ngân Hàng Thế Giới là Joseph Stiglitz, từng được giải Nobel, cả tác giả cuốn 'Exuberance Irrational' là Garcia Marquez. Các cây viết của các nước đang phát triển cũng tả ra những khó khăn giới truyền thông gặp phải tại một số nước cụ thể, trong đó có Liên Bang Xô Viết cũ, Thái Lan, Bangladesh, Ai Cập và Zimbabwe, để trình bày cho thấy tiềm năng của thuyền thông như là chất xúc tác cho sự chuyển biến và tăng trưởng.

Cuốn sách này cũng trưng ra dẫn chứng về thành tích hoạt động của truyền thông và luật lệ tại các nước trên thế giới và đồng thời vạch ra những chính sách nào, điều kiện kinh tế nào có thể ngăn trở hoặc giúp cho ngành truyền thông trong vai trò hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Các tác giả này cũng tìm hiểu vai trò của truyền thông như là cơ chế giám sát chính quyền và giám sát khu vực kinh doanh, sức mạnh của truyền thông trong việc ảnh hưởng đến thị trường, sự hữu dụng của truyền thông trong việc loan truyền những ý kiến mới mẻ và truyền bá tin tức, và khả năng của truyền thông trong việc lên tiếng bênh vực giới nghèo. Các tác giả này cũng đề cập đến những cái hại có thể gây ra bởi nền báo chí thiếu đạo đức, vô trách nhiệm và những hậu quả của các luật cấm phỉ báng, cùng với những chính sách khác ngăn cản sự hoạt động của một nền báo chí tự do.

Ông Mark Nelson, một nhà Quản Lý Các Dự Án của Ngân Hàng Thế Giới và cũng là người đóng góp vào cuốn sách trên nói: “Chúng tôi đang soạn thảo ra những tài liệu để thuyết phục các chính quyền và các chính trị gia cũng như những người nắm quyền quyết định ở khắp nơi trên thế giới rằng một chế độ thông tin tự do và cởi mở là điều họ cần phải có để giúp cho sự cải tổ kinh tế được thành công.”

Ông Balding phát biểu: “Chúng tôi hy vọng rằng những lý lẽ trên sẽ nâng cao tầm quan trọng của viện trợ giúp cho báo chí phát triển trong chương trình hoạt động của các tổ chức thường làm việc với các chính quyền, trong đó có cả Ngân Hàng Thế Giới.”

Muốn biết thêm về nội dung cuốn sách “Quyền Được Kể Lại - Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng trong Phát Triển Kinh tế” xin liên lạc 'lkilman@wan.asso.fr'.

Tổ chức WAN, đặt văn phòng tại Paris, là tổ chức toàn cầu của ngành báo chí, có nhiệm vụ bảo vệ và đề cao tự do báo chí trên toàn thể thế giới. Tổ chức này đại diện 18 nghìn tờ báo; số hội viên bao gồm hiệp hội báo chí của 71 quốc gia, các nhà báo của hàng trăm quốc gia, 13 hãng thông tấn và 9 nhóm báo chí có tầm hoạt động từng vùng hoặc toàn thế giới.

Trang nhà của WAN:
http://www.wan-press.org


Bàn luận:

Giả sử bây giờ có người đưa ra con số Việt Nam hay Trung Quốc phát triển 7% , 8% mỗi năm thì cũng chưa chứng minh được bản tin của WAN về vai trò của tự do báo chí trong phát triển kinh tế là sai .

Bản tin của WAN nói là tự do báo chí đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và giám sát chính quyền . Bản tin này nói tự do báo chí đẩy mạnh kinh tế chứ không nói là nếu thiếu tự do báo chí thì sẽ không có phát triển kinh tế . Nếu muốn chứng minh là bản tin đó sai thì phải chứng minh là tự do báo chí không góp phần đẩy mạnh kinh tế . Đưa ra con số phát triển 7%, 8% một năm thì chưa chứng minh được bản tin đó sai vì nếu có tự do báo chí thì biết đâu tỉ lệ phát triễn của Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn cao hơn là 7%, 8% .

Chế độ phát xít Đức Quốc Xã trước đây tuy không có tự do báo chí nhưng cũng vẫn đạt được mức độ phát triển kinh tế cao . Chế độ độc tài cộng sản Liên Xô dưới thời Stalin cũng đạt được mức độ phát triển kinh tế cao . Có năm, nhà nước Liên Xô đưa ra tỉ lệ phát triển là 16% . Cứ cho là nhà nước Liên Xô phóng đại thì mức phát triển của Liên Xô lúc đó cũng vẫn có .

Nhưng bản tin của WAN và World đâu có nói là nếu không có tự do báo chí sẽ không có phát triển . Những người viết ra cuốn sách Right To Tell- Role of The Mass Media in Economic Development là những người hiểu biết về kinh tế họ đâu có dốt đến nỗi mà nói rằng không có tự do báo chí thì sẽ không có phát triển kinh tế . Thời các vua chúa ngày xưa, đâu đã có báo chí mà vẫn có phát triển kinh tế . Ở đây các tác giả nói về vai trò của tự do báo chí đối với sự phát triển kinh tế, nghĩa là nói những điều kiện gì của tự do báo chí đóng góp vào sự phát triển kinh tế, và các tác giả đó cũng không quên đề cập những sự tai hại của một nền báo chí tự do nhưng vô trách nhiệm, vô đạo đức .

Các chế độ thiếu tự do báo chí như phát xít Đức, Ý và Nhật đều quá ngắn ngủi và bị sụp đổ vì thua trận nên người ta chưa có dịp kiểm nghiệm vai trò của tự do báo chí đối với sự phát triển kinh tế . Các chế độ cộng sản Nga , Trung Quốc, Việt Nam và các nước cộng sản khác là các chế độ tồn tại đủ lâu để cho thấy sự thiếu tự do báo chí gây ra những hậu quả gì .

Trong thời Stalin, mặc dù nước Nga có phát triển kinh tế nhưng nhà nước Liên Xô dồn hết tài nguyên vật lực vào công nghiệp nặng, làm cho nguồn vốn dành cho khu vực tiêu dùng của nhân dân bị thu hẹp, kết quả là hàng tiêu dùng trở nên thiếu thốn, đời sống dân Nga lúc đó vô cùng khổ cực mặc dù kinh tế có tăng trưởng . Giả sử như có tự do báo chí lúc đó thì các báo của tư nhân sẽ lên tiếng nói lên cảnh khổ của dân thì nhà nước sè phải bớt dồn tài nguyên vào công nghiệp nặng mà phải cải thiện đời sống cho nhân dân . Dưới thời Breznev, trong suốt 15 năm cầm quyền, Breznev dồn hết tiền của vào việc chế tạo vũ khí, chạy đua với Mỹ làm cho mức sống nhân dân Nga ngày càng đi xuống và kết quả là nhân dân Nga đã nổi lên chấm dứt cái chế độ không cho phép mình được nói lên cảnh khổ của mình . Giả sử, chế độ Liên Xô có tự do báo chí, thì chính quyền Liên Xô sẽ phải chú ý hơn đến việc nâng cao mức sống của người dân Nga, giảm bớt chi tiêu cho quân sự . Nền kinh tế Liên Xô không phát triển nổi những năm cuối của chế độ độc tài cộng sản vì nhân dân bị kiệt quệ, chán nản . Nếu Liên Xô có tự do báo chí, thì đời sống nhân dân Nga không đến nỗi bị kiệt quệ, và nền kinh tế Liên Xô lúc đó có thể cũng đã khá hơn . Và biết đâu khi dân Nga không quá khổ thì sẽ không có những cuộc biểu tình làm sụp đổ chế độ cộng sản Liên Xô .

Tại Trung Quốc, nếu có tự do báo chí thì biết đâu cái tư tưởng “không cần biết mèo trắng hay mèo đen, miễn là mèo bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình được tự do đăng trên báo, rồi được nhân dân Trung Quốc hưởng ứng, thì biết đâu Trung Quốc đã có thay đổi trước đó hàng chục năm . Ngày nay, Trung Quốc mỗi năm bỏ ra hơn 10 tỉ đô la để mua vũ khí . Vào lúc này, thì kinh tế Trung Quốc đang phát triển nên nhà nước Trung Quốc có tiền để chi tiêu như vậy . Nhưng về lâu về dài thì sao ? Hiện nay, nhiều vùng của Trung Quốc vẫn còn nghèo, hàng chục triệu dân vẫn thất nghiệp . Nếu Trung Quốc dồn hết tiền vào chạy đua vũ khí thì không chừng lại đi vào vết xe đổ của Liên Xô, nghĩa là phát triển kinh tế đến một mức nào đó rồi chỉ lo chạy đua vũ khí, bỏ mặc đời sống nhân dân .

Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Giang có lần viết là vào thập niên 70, năng suất của Liên Xô lúc đó đã tỏ ra thua xa năng suất của Mỹ và các nước tư bản, nhưng đảng CSVN vẫn tiến hành chiến tranh để đánh chiếm miền Nam, đưa miền Nam đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa. Để rồi kết quả là gì? Là đường lối XHCN là sai lầm, đảng CSVN phải chuyển qua kinh tế tư bản. Nhưng vậy là tiêu phí hơn 4 triệu mạng người cho chiến tranh, bỏ phí hàng chục năm không xây dựng kinh tế mà lại còn bị tàn phá, để rồi không đi đến đâu cả . Giả sử thời thập niên 70, tại miền Bắc có tự do báo chí, báo miền Bắc tự do đăng tin đời sống xã hội tư bản ra sao, so sánh cho nhân dân thấy năng suất giữa các nước XHCN và các tư bản khác nhau ra sao, thu nhập bình quân giữa các nước XHCN và các nước tư bản khác nhau ra sao, thì chắc là nhân dân miền Bắc không có ai muốn đi “giải phóng miền Nam”, mà trái lại còn đòi đảng CSVN phải thay đổi mà đi theo con đường kinh tế thị trường và kinh tế miền Bắc chắc là cũng không đến nỗi quá tồi tệ, thu nhập bình quân của Việt Nam chắc là cũng không đến nỗi đứng hạng bét so với các nước trong vùng như hiện nay . Điều đó chứng minh là tự do báo chí quả có đóng góp vào việc phát triển kinh tế .

Ông Vũ Cao Quận cũng đã viết rằng giả sử vào thập niên 60 tại miền Bắc có tự do báo chí thì chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp của ông Bí Thư Tỉnh Ủy Nghệ An Kim Ngọc đã có thể được công bố cho toàn dân biết và có thể là ông Kim Ngọc đã không bị trừng phạt mà kinh tế miền Bắc cũng đã khá hơn .

Qua trường hợp Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, người ta thấy tự do báo chí đóng vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế, nhất là về lâu về dài, tự do báo chí đóng vai trò phản ảnh tâm tự nguyện vọng của nhân dân, làm cho đường lối của nhà nước trở nên cần bằng hơn , không quá thiên vị cho nhà nước mà coi nhẹ quyền lợi của nhân dân . Một chính sách kinh tế cân bằng hơn có nghĩa là có sự phát triển lâu dài hơn .

Nói chung, những quyền con người mà các nước Tây phương tôn trọng đưa đến việc có đối lập chính trị, có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình đã tạo nên một hệ thống phản ảnh tâm tư nguyện vọng của người dân . Nhờ có hệ thống phản ảnh tâm tư nguyện vọng của người dân mà các chính quyền dân chủ điều chỉnh đường lối của mình theo sát với nguyện vọng của nhân dân . Sự phát triển lâu dài, bền bỉ của các nước Tây phương là kết quả chính sách phát triển theo sát với nguyện vọng nhân dân .

Đem so sánh hai nước Mỹ và Nga thì thấy vào đầu thế kỷ, Nga đã phải trải qua một cuộc cách mạng, rồi sau đó là một giai đoạn nội chiến đẫm máu . Đến thời Stalin, thì hàng chục triệu người dân Nga bị giết để Stalin tập trung quyền lực vào tay mình và bắt dân tộc Liên Xô đi theo ý riêng của mình . Rồi đến cuộc cách mạng vào đầu thập niên 90, làm sụp đổ chế động cộng sản và dẫn theo nhiều năm xáo trộn . Trong những thời kỳ biến độ ở Nga thì tại Mỹ xã hội vẫn phát triển đều đặn trong hòa bình . Chế độ dân chủ Tây phương không phải trải qua cuộc cách mạng gây ra xáo trộn vào đầu thập niên 90 như ở Nga vì nhân dân các nước dân chủ có bất mãn gì thì đã nói lên qua báo chí rồi, và chính quyền cũng đã giải quyết rồi, các vấn đề không bị dồn lại để rồi nổ tung ra thành cuộc cách mạng như tại Nga . Mà nước Mỹ phát triển công nghiệp không cần phải giết 50 – 60 triệu dân như ở Liên Xô dưới thời Stalin .

Các nhà lãnh đạo độc tài tước bỏ các quyền tự do của người dân là những người chỉ nhắm vào kết quả trước mắt mà bỏ qua cái lợi về lâu về dài của việc tôn trọng ý dân . Vì chỉ nhắm vào kết quả ngắn hạn nên việc làm của các chế độ độc tài cũng ngắn hạn . Vì thế mà các chế độ độc tài tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đã phải thay đổi sau một thời gian hoạt động, còn các chế độ dân chủ, vì nhắm vào cái lợi lâu dài nên đã tồn tại lâu hơn các chế độ độc tài .

Người ta có thể ví chế độ dân chủ với các quyền của người dân được tôn trọng như một hệ thống có phản ảnh, system with feedback, và chế độ độc tài, không tôn trọng quyền của người dân, như là một hệ thống không có phản ảnh, system without feedback .

Có thể thí dụ system without feedback là những hỏa tiễn thô sơ V1, V2 được chế tạo thời đệ nhị thế chiến . Các hỏa tiễn này chỉ được ngắm lúc trước khi phóng rồi khi phóng đi muốn rơi vào đâu thì rơi . Còn system with feedback có thể ví như các hỏa tiễn tầm nhiệt hiện đại ngày nay, có các sensor để dò nguồn nhiệt từ mục tiêu để báo cho hỏa tiễn tự động điều chỉnh đường đi cho theo sát mục tiêu .

Các chế độ độc tài, thiếu tự do báo chí, tức bỏ các quyền của người dân, là một hệ thống thô sơ. Chính quyền chỉ cắm đầu cắm cổ làm theo ý mính, còn ý dân thế nào thì mặc kệ, không cho dân phát biểu, nếu dân có kêu ca gì thì chính quyền cũng không cho dân phương tiện để phản đối để chính quyền có thể làm ngơ lời kêu ca của dân.

Các chế độ dân chủ là sytem with feedback, giống như các hỏa tiễn tầm nhiệt biết tự điều chỉnh đường bay để theo sát mục tiêu, các chính quyền dân chủ dễ dàng điều chỉnh chính sách khi nhận được sự phản ảnh của nhân dân qua báo chí, các cuộc biểu tình, các tiếng nói của các tổ chức của nhân dân.

Xét về đặc tính thì system without feedback, thô sơ hơn, dễ thực hiện hơn, ổn định hơn, nhưng về mặt xử dụng thì kém hiệu năng hơn . Tương tự, một chế độ độc tài thì giản dị, dễ thực hiện, ổn định, thực tế cho thấy chế độ độc tài cũng là chế độ kém hiệu năng.

System with feedback, thì phức tạp hơn, mất công thực hiện hơn, kém ổn định hơn, một hỏa tiễn có thể tự điều chỉnh đường bay dĩ nhiên là kém ổn định hơn một hỏa tiễn không bao giờ đổi đường bay vì hỏa tiễn có khả năng tự điều chỉnh có nhiều máy móc phức tạp, có nhiều bộ phận có thể hư hỏng, nhưng lại có hiệu năng cao hơn.

Các chế độ vua chúa thời xưa, và các chế độ độc tài thời nay là các chế độ thô sơ , thiếu các cơ chế để dân phản ảnh nguyện vọng của mình . Các chế độ dân chủ là chế độ hiện đại hơn các chế độ độc tài vì có cơ chế để dân phản ảnh nguyện vọng của mình . Chế độ dân chủ xây dựng tuy khó khăn hơn chế độ độc tài, nhưng hiệu năng của các chế độ dân chủ cũng cao hơn các chế độ độc tài.

Một vai trò khác của báo chí ngòai vai trò phản ảnh là vai trò kiểm sóat và phê phán. Các nhà báo độc lập theo dõi cách cai trị, cách thi hành chính sách của nhà cầm quyền rồi lên tiếng phê phán. Sự phê phán của báo chí có ảnh hưởng đến dư luận quần chúng. Nhà cầm quyền sợ làm cho quần chúng bất bình, sợ mất sự ủng hộ của quần chúng thì phải giữ gìn đừng làm bậy, hoặc phải sửa sai nếu đã làm bậy. Chính quyền nào cũng cần phải có sự ủng hộ của dân đến một mức nào đó mới cai trị được. Một chế độ mà hòan tòan không có sự ủng hộ của dân thì chính sách, luật lệ đưa ra sẽ bị thi hành lệch lạc, hoặc bị dân làm ngơ không tôn trọng. Vì có khả năng phê phán và ảnh hưởng đến dư luận, báo chí có một quyền lực đối với chính quyền. Cái quyền lực đó chỉ có thể có tác dụng tích cực nếu như báo chí được tự do và độc lập.

Một nền báo chí tự do sẽ dùng sức mạnh của ngòi bút để phê phán những vụ tham nhũng, làm thất thóat công quĩ, và như vậy sẽ có tác dụng hạn chế bớt hoặc ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực này. Đó chính là sự đóng góp của báo chí mà các tổ chức cấp viện quốc tế mong muốn có ở các nước mà họ cấp tiền cho để giúp đỡ phát triển. Các tổ chức cấp viện muốn cho tiền của mình cấp cho các nước được thực sự xử dụng vào các việc đem lại phát triển chứ không muốn nó bị phung phí vì bị lọt vào tay viên chức tham nhũng hoặc bị xử dụng một cách phí phạm. Ý muốn tiền cấp viện được xử dụng một cách hữu hiệu chẳng cũng là ý muốn của nhân dân tại các nước nhận tiền cấp viện hay sao? Nhà nước tham nhũng lấy tiền đi vay của các tổ chức quốc tế đem phung phí, hay đút túi làm của riêng rồi sau này bắt dân đóng thuế để trả nợ, hoặc nếu không trả nợ được thì quịt nợ thì chẳng những làm thiệt hại cho các tổ chức cấp viện mà còn làm thiệt hại cho tòan thể nhân dân nước đó.

Vì thế nhân dân thì thấy tự do báo chí là cần thiết, các tổ chức cấp viện quốc tế cũng thấy tự do báo chí là cần thiết, còn những kẻ cầm quyền tham nhũng thì xem tự do báo chí là điều tối kỵ.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment