Võ Phiến |
Nếu tôi không lầm, “tạp luận” là chữ của Võ Phiến. Trước, người ta gọi là “tạp trở”, sau, khi tác phẩm của Lỗ Tấn được đọc và dịch nhiều, người ta gọi là “tạp văn”. Chữ “tạp văn” sau này rất phổ biến ở miền Bắc trong khi ở miền Nam chữ “tạp ghi” xuất hiện và có lúc khá thịnh hành. Tôi liều gắn chữ “nhà” trước chữ “tạp luận” để chỉ một khía cạnh khác trong con người và sự nghiệp của Võ Phiến, một khía cạnh độc đáo và quan trọng song, không hiểu vì sao, dường như ít được chú ý và không được đánh giá đúng mức, mặc dù người ta vẫn đọc, hơn nữa, vẫn thích đọc tạp luận của ông.[1]
Gọi là tạp luận nhưng các bài “luận” của Võ Phiến không hề “tạp” chút nào cả. Chúng khác hẳn các bài hài đàm, nhàn đàm của Tản Đà, hoặc các bài tạp văn của Ngô Tất Tố trước đây, chẳng hạn. Chúng cũng không giống tạp văn của Lỗ Tấn. Trong tạp luận của Võ Phiến, tính chất “luận” rất rõ, nổi bật hẳn lên, một thứ lý luận chặt chẽ, vững vàng, không nhằm kích động mà chỉ nhằm thuyết phục. Chúng không phải là một thứ “vũ khí chiến đấu” nhanh, nhẹ, gọn mà chỉ là những nỗ lực tìm kiếm sự thật. Thực chất những cái Võ Phiến gọi là tạp luận là tiểu luận. Nhưng tại sao ông lại không gọi là tiểu luận? Tôi ngờ, ở đây, Võ Phiến có chút thiên vị. Thứ nhất, ông thiên vị cái dài: trong khi “Tiểu thuyết hiện đại và Chúng ta”, qua cách viết được gọi là tiểu luận thì các bài viết khác, ngắn hơn, ông gộp chung lại thành tạp luận. Thứ hai, ông thiên vị những gì trực tiếp liên quan đến văn học: những bài viết về thể thơ, câu thơ, về chiều dài, chiều rộng của tiểu thuyết... được gọi là tạp bút trong khi những bài viết về cộng sản và quốc gia, về tuổi trẻ và cách mạng, về người Mỹ và người Việt tị nạn... thì ông gọi là tạp luận; “Yêu và đọc” được gọi là tạp bút trong khi chỉ yêu thôi, “Cách yêu mỗi thời” và “Lối yêu hôm nay” thì lại được gọi là tạp luận. Chữ “tạp luận”, bởi vậy, với Võ Phiến, là những bài tiểu luận với hai đặc điểm nổi bật: một là ngắn, hai là về những đề tài không phải văn học.
Tuy viết về những đề tài không phải văn học, hoặc về chính trị, về xã hội, hoặc về văn hoá nói chung, chất văn học trong các bài tạp luận của Võ Phiến rất đậm đà. Nếu muốn tìm các bài văn nghị luận hoàn chỉnh theo nghĩa trường ốc của Võ Phiến để làm mẫu cho học trò không chừng chúng ta phải tìm trong Tạp luận chứ không phải là trong Tiểu luận hay trong Tạp bút. Giọng văn trong Tiểu luận và Tạp bút thường linh động, nhẹ nhàng và dí dỏm. Giọng văn trong Tạp luận, ngoài những đặc điểm ấy, còn gọn, sắc, có lúc đanh thép, có lúc sôi nổi, có lúc nghẹn ngào, và bao giờ cũng thiết tha: phần lớn những vấn đề được ông bàn luận không phải là các ý niệm trừu tượng, xa xôi mà là những cái có ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí tàn khốc đến số phận của từng người. Ông phân trần:
khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mặt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm hoạ thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã (TP: 25).
Tôi ngờ là, ở miền Nam, trước năm 1975, không phải chỉ trong giới cầm bút mà cả trong giới chính khách nữa, ít có ai hiểu cộng sản một cách sâu sắc và chính xác như là Võ Phiến. Võ Phiến phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia một cách tinh tường:
Trên lý thuyết, cộng sản chỉ kêu gọi sự liên kết vì quyền lợi giai cấp chứ không hề khuyến khích những tình cảm lưu luyến đối với nước nhà. Nhưng thực tế, trong khi hành động, để đạt mục tiêu của mình, cộng sản không quên lợi dụng tinh thần quốc gia của quần chúng. [...] Cách mạng thành công ở Trung Hoa, ở Cuba, ở Bắc Việt v.v... đều không do thợ thuyền chống tư bản, mà do dân tộc chống ngoại thuộc. [...] Như vậy, trong một hoàn cảnh nào đó, cộng sản không hề chê bai tinh thần quốc gia. [...] Thế mà vào một giai đoạn khác họ lại xem danh nghĩa quốc gia là một sỉ nhục để văng vào mặt nhau. [...]. Có gì đâu: tinh thần quốc gia chống lại áp bức từ bên ngoài đến, lúc sự áp bức ấy do tư bản thì cộng sản cổ võ tinh thần quốc gia, lúc sự áp bức ấy do chính cộng sản thì cộng sản phỉ báng tinh thần quốc gia. Thế thôi. Để ý mà nghe, nơi nào có cộng sản léo nhéo kêu gọi tinh thần dân tộc, quốc gia v.v... nơi ấy họ đang giành giật ảnh hưởng với đế quốc; nơi nào có tiếng cộng sản lao xao kết tội tinh thần quốc gia, nơi ấy các nước anh em đang thống trị nhau, không sai (TP: 39-40).
Chính Võ Phiến, chứ không phải ai khác, đã nhận ra cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai miền Nam, Bắc không phải chỉ bắt đầu từ khi Mặt trận giải phóng Miền Nam được hình thành vào năm 1958 hay ra mắt vào năm 1960. Ông lý luận:
Mặt trận này, mặt trận nọ..., đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ cho họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng (TP: 15).
Với cách nhìn như vậy, Võ Phiến phát hiện cuộc chiến tranh Nam-Bắc đã thực sự được chuẩn bị ngay từ năm 1954. Ngay sau khi hiệp định đình chiến vừa được ký kết, ngay lúc chính quyền quốc gia cơ hồ không biết hay không thể làm gì khác hơn cái việc đùm túm kéo nhau vào Nam, cộng sản đã tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới rồi. Những sự chuẩn bị ấy, theo sự phân tích của Võ Phiến, bao gồm các việc: (i) Chôn giấu vũ khí; (ii) Cho một số cán bộ đảng viên ở lại Miền Nam để tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau; (iii) Dỗ dành gây cảm tình với dân chúng; ai không thể dỗ dành được thì thủ tiêu vì sợ tố giác cán bộ nằm vùng của họ; (iv) Tạo ra thật nhiều liên hệ tình cảm giữa dân chúng Miền Nam và cán bộ tập kết ra Bắc bằng các cách: hoặc mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở; hoặc lo cưới vợ thật gấp cho cán bộ và bộ đội trước khi rút họ ra Bắc.
Biện pháp thứ tư cực kỳ thâm độc: Những cô vợ trẻ ấy, cùng với gia đình, họ hàng của họ tự nhiên hướng về Bắc, theo bóng người thân yêu, rất dễ dàng trở thành nội tuyến cho cộng sản: hoặc vì bị nghi ngờ, họ đâm bất mãn và cuối cùng thành đối lập với chính quyền Miền Nam; hoặc vì phải chứa chấp người thân hoặc người thân của người thân từ Miền Bắc lén lút trở về, họ dần dần nhập hẳn vào hàng ngũ của cộng sản.
Võ Phiến kết luận:
Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận giải phóng ra đời.
Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.
Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng... Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ toạ. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành goá bụa từ 1954 (TP: 18).
Nhờ hiểu rõ bản chất của cộng sản, Võ Phiến có nhiều phán đoán, thậm chí tiên đoán sáng suốt đến đáng kinh ngạc: Năm 1968, khi hội nghị Paris vừa nhóm họp, giữa lúc mọi người xôn xao về chuyện đình chiến và cãi cọ với nhau về kế hoạch hậu chiến, Võ Phiến cảnh giác:
cuộc chiến tranh mới đang bắt đầu (TP: 14). Giữa lúc những người được coi là có viễn kiến nhất của thời đại tuyên bố ồn ào là với hội nghị Paris, cuộc đấu tranh quân sự đang chuyển hướng thành cuộc đấu tranh chính trị, Võ Phiến báo động: cuộc chiến tranh trước mắt vẫn là một cuộc chiến tranh quân sự (TP: 14 & 22-3). Giữa lúc phần lớn người Việt miền Nam đang hy vọng vào sự trợ giúp tích cực của Mỹ và của các quốc gia Tây phương, Võ Phiến lên tiếng: sự trợ giúp ấy rất có nguy cơ mỏi mệt và thực sự đã bắt đầu mỏi mệt (TP: 27 & 36). Giữa lúc phần lớn đang tin tưởng vào sức mạnh và sự khôn ngoan của Mỹ, Võ Phiến nhắc nhở: trên các bàn hội nghị với cộng sản, Mỹ rất thường bị lừa, và trên thực tế, Mỹ đã bị lừa khi chấp nhận sự hiện diện của Mặt trận giải phóng Miền Nam tại bàn hội nghị (TP: 33-34 & 66).
Tiên tri, tiên giác nhất là ngay từ 1968, Võ Phiến đã linh cảm là miền Nam sẽ mất. Trong bài “Bắt trẻ đồng xanh” viết vào tháng 10.1968, Võ Phiến tiên đoán hai khả năng sẽ xảy ra: một, đến một lúc nào đó, Miền Nam sẽ không chịu nổi những cuộc tấn công từ bên ngoài và những sự hỗn loạn, chống phá từ bên trong, cộng sản sẽ tiến thẳng đến tận mũi Cà Mau; hai, trong trường hợp may mắn, tại Miền Nam và cả tại các quốc gia đồng minh xuất hiện những nhà chính trị và những tướng lãnh thật giỏi, thật có lòng - Võ Phiến gọi là “thật chì” - cộng sản sẽ lại điều đình và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác, nghĩa là, ngay cả trong trường hợp may mắn nhất đó, chiến tranh cũng vẫn dây dưa kéo dài mãi (TP: 28). Trong bài “Tiếng cú” viết sau đó một tháng, Võ Phiến cho cái trường hợp may mắn nhất đó khó mà xảy ra: chiến tranh càng kéo dài, thế bất lợi càng nghiêng về Miền Nam. Tâm lý thích bình yên của dân chúng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới cầm quyền tại các quốc gia đồng minh khiến họ tìm cách kết thúc chiến tranh thật sớm. Nếu không kết thúc được sớm, họ sẽ bỏ cuộc, mặc cho Miền Nam đối diện với cả khối cộng sản đằng đằng sát khí. Ông tự hỏi:
Vậy chúng ta bị xô đẩy tới thảm hoạ thật sao? Trời quang mây tạnh, lẽ đâu chúng ta chìm tàu trước con mắt thoả mãn của những người chung quanh?.
Rồi ông tự trả lời, một cách đầy cay đắng:
Có những quốc gia nhỏ bé đành mất tự do trong cảnh thanh bình của thế giới. Để cứu vãn cái ảo tưởng thanh bình của thế giới. Người ta vẫn hạ dê để tế thần, có khi tế bằng cả mạng người để cầu mong tránh cho tập thể những ôn dịch tai ương (TP: 67).
Dám nhìn nhận tất cả những sự thật ấy, theo tôi, là một thái độ dũng cảm. Đã nhìn nhận những sự thật ấy mà vẫn tiếp tục cầm bút lên án cộng sản, tranh đấu cho tự do và dân chủ càng là một thái độ dũng cảm. Hơn nữa, nên chú ý đến thời điểm 1968. Đó là năm được mở đầu bằng biến cố Mậu Thân: cộng sản tấn công thẳng vào tận các đô thị lớn của Miền Nam. Ranh giới giữa cái gọi là hậu phương và tiền tuyến nhạt mờ dần, hay nói như Võ Phiến, từ hậu phương ra tiền tuyến chỉ tốn có ba đồng xe lam (TP: 33). Không có ai, dù ở bất cứ đâu, còn có thể có cảm giác an toàn được nữa. Cộng sản có thể đột nhập vào Toà đại sứ Mỹ ngay giữa trung tâm Sài Gòn, huống hồ các tư gia, đặc biệt tư gia của những người cầm bút, thường nằm giữa các khu lao động ngổn ngang, nghèo khó, có khi sát ngay bên cạnh nhà một đảng viên cộng sản nằm vùng. Cộng sản đã tấn công đợt một rồi đợt hai, không có gì bảo đảm là cộng sản sẽ không tấn công vào Sài Gòn đợt ba, đợt bốn... Trong hoàn cảnh ấy, Võ Phiến vẫn công nhiên vạch trần âm mưu của cộng sản, tố cáo những sự độc tài và tàn bạo của cộng sản, để mong thức tỉnh những người có trách nhiệm thoát ra khỏi thái độ nguỵ tín, tự dối mình, hầu có một sách lược đúng đắn hơn, hữu hiệu hơn. Tôi cho đó là một sự dũng cảm. Chưa hết. Nên nhớ hai bài tiểu luận “Viết trong tiếng súng” và “Tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ” của Võ Phiến cũng được viết vào năm 1968: ở bài trên, Võ Phiến phá vỡ huyền thoại về sứ mệnh của người cầm bút, hoài nghi mọi sự dấn thân của những người cầm bút;[2] ở bài dưới, ông quan niệm một tác phẩm lớn phải được hình thành từ những bận tâm lớn, những bận tâm siêu hình và xa vời.[3] Nghĩ như thế, tin như thế, nhưng trong suốt năm 1968, ông lại viết rất nhiều bài về chính trị, về xã hội, về những bận tâm rất gần và không chừng, so với nhân loại, cũng là những bận tâm rất nhỏ. Võ Phiến, đứng trước bão tố của thời cuộc, cuối cùng, đã chọn làm một công dân hơn là một nghệ sĩ. Ở một khía cạnh và với một mức độ nào đó, có thể coi đó là một sự lựa chọn dũng cảm.
Dũng cảm và bao dung. Một thứ bao dung nhuốm màu nhẫn nhục. Trong lúc đem hết tâm huyết ra viết bài để vạch trần những âm mưu thâm độc của cộng sản, để báo động về nguy cơ thất bại ê chề trước mắt, nhìn quanh, Võ Phiến thấy gì? Ông chỉ thấy sự ngây thơ và khờ khạo của các chính khách (TP: 22-23). Ông chỉ thấy sự mệt mỏi, muốn rút lui để được yên thân của chính phủ Mỹ (TP: 66). Ông chỉ thấy sự hờ hững của người đọc: số lượng sách bán được càng ngày càng giảm. “Kịch ít ai đọc. Thơ ít ai mua. Rồi truyện cũng mất dần độc giả” (TP: 97). Cuối cùng, ông chỉ thấy một tình thế oái oăm trong giới sáng tác: trong lúc cuộc chiến ngày một leo thang, sự thù ghét đối với chế độ cộng sản của những người cầm bút lại ngày một nguôi ngoai, hậu quả là những tác phẩm xuất phát từ cảm hứng chính trị và có tinh thần “chiến đấu” cao ít hẳn đi (TP: 81-83). Đối với cái thấy thứ nhất, Võ Phiến không giấu được sự chua chát, đôi khi, phẫn nộ. Điều đó dễ hiểu: sự ngây thơ và khờ khạo của các chính khách có thể mang lại hậu quả khốc liệt cho đất nước. Còn đối với những cái thấy sau, mặc dù xót xa, Võ Phiến không một lời trách móc. Ông chấp nhận những sự thật phũ phàng ấy như những quy luật của cuộc đời và tìm cách lý giải, tra vấn nguyên nhân. Chẳng hạn, đối với thái độ muốn phủi tay của chính phủ Mỹ, ông cho đó chỉ là mặt trái tự nhiên của một chế độ dân chủ: trong một chế độ dân chủ, chính quyền bị quần chúng chi phối rất nặng. “Tình hình càng căng thẳng, không khí càng ngột ngạt vì đe doạ, quần chúng càng có tâm trạng lo ngại, càng yêu mê yêu mệt hoà bình, càng thích những lời trấn an từ cửa miệng các chính khách, và mỗi khi sử dụng lá phiếu thì càng chọn lựa kỹ càng cho được đúng cái ông yêu hoà bình nhất” (TP: 65). Nên trách cứ ai? Trách chính quyền ư? Một người cầm quyền trong một chế độ dân chủ, thật ra, khó mà làm được điều gì khác, trừ việc thoả mãn nguyện vọng của đám đông. Trách cái đám đông ấy ư? Nhưng nhân danh cái gì để trách họ? Trong bài “Kẻ ác người thiện” (TP: 49-55), Võ Phiến phân tích tính chất tương đối của cái gọi là lòng nhân đạo: nó tuỳ thuộc vào chỗ đứng, vào cách nhìn của từng người, từng hoàn cảnh. Chấp nhận sự tương đối đó, người ta sẽ bao dung hơn. Sự bao dung của Võ Phiến một phần xuất phát từ đó chăng?
Có điều chắc chắn là chính sự bao dung ấy làm cho Võ Phiến trở thành một trong vài người cầm bút hiếm hoi tại Việt Nam trước và kể cả sau 1975 nữa thấm nhuần tinh thần dân chủ một cách sâu sắc. Cho đến tận bây giờ, ở hải ngoại, hiếm gì kẻ vừa cầm bút tranh đấu vừa quát nạt đồng nghiệp với lý do là những đồng nghiệp ấy không nổi lửa trên trang sách như mình. Không nổi lửa như mình tức là vô trách nhiệm, nếu không muốn nói, là tay sai của Việt cộng. Từ sự kiêu căng và độc đoán, thoắt một cái, người ta trở thành hèn hạ: vu khống. Khuôn mặt của một số khá lớn của các “chiến sĩ văn hoá” ở hải ngoại nhiều khi trông lem luốc một phần là vì thế. Võ Phiến thì khác. Năm 1968, 1969, lúc cuộc chiến tranh đang độ ác liệt, lúc Võ Phiến đang viết những bài tạp luận chính trị hừng hực tâm huyết, nhìn thái độ hờ hững của lớp nhà văn trẻ đối với vấn đề cộng sản, ông lo lắng:
“Sự hững hờ trong tâm lý, tư tưởng, làm sao có thể đi đôi với những hành động ác liệt ngoài mặt trận?” (TP: 82). Nhưng không phải vì lo lắng mà ông thành bất công. Ông nhận thức được chính lớp người trẻ tuổi ấy mới là những kẻ “gánh chịu phần thiệt thòi nhất của chiến tranh” (TP: 83).
Ông chỉ ngạc nhiên: tại sao có hiện tượng nghịch lý ấy? Theo ông, cái nghịch lý ấy té ra lại rất giản dị: lớp trẻ không hề sống dưới chế độ cộng sản làm sao họ có thể thù ghét cộng sản được? Họ chỉ bắt gặp khái niệm chủ nghĩa cộng sản trên các trang sách: người ta có thể thích hay không thích, tin hay không tin chứ không ai có thể thù ghét một khái niệm trừu tượng trong sách vở cả. Họ chỉ đối diện với những bộ đội Bắc Việt ngoài chiến trường: trước mặt họ là những địch thủ cụ thể chứ không phải là một chế độ, cũng không phải là một chủ nghĩa.
Thái độ bao dung ấy làm cho Võ Phiến bình tĩnh phân tích vấn đề, từ đó, phát hiện ra nhiều điều, ngỡ giản dị, thế nhưng trước ông, chưa ai thấy bao giờ. Ví dụ xu hướng chống cộng trong văn học Việt Nam. Theo Võ Phiến, xu hướng chống cộng chỉ xuất hiện và thành cao trào trong nửa sau thập niên 50 và nửa đầu thập niên 60 mà thôi. Trước đó: không có. Sau đó: nhạt nhoà dần. Xu hướng ấy hình thành bởi những người đã ít nhiều sống hoặc đã từng cộng tác với cộng sản trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, từ miền Bắc hoặc từ các vùng kháng chiến cũ, họ đổ dồn vào Sài Gòn. Khác nhau về tuổi tác, khác nhau về quan điểm thẩm mỹ, tất cả những người ấy lại có ít nhất hai điểm chung: một, kinh nghiệm ê chề về sự tàn bạo và khắc nghiệt của cộng sản; hai, nhiệt tình chống lại cộng sản đến cùng. Chính họ, bằng tâm huyết và tài năng văn học lỗi lạc, đã lôi cuốn quần chúng, tạo thành một phong trào chống cộng sôi nổi. Võ Phiến nhấn mạnh: “Chống cộng trở nên đặc trưng của một lớp người ấy, của một thời kỳ văn học ấy” (TP: 88). Nhấn mạnh như thế là để chuẩn bị đi đến một nhận định khác:
lớp người ấy đến với miền Nam chứ không phải ở tại miền Nam, đối với miền Nam là khách chứ không phải là chủ, tới sống ở miền Nam mà mang nơi mình cái kinh nghiệm sống từ một hoàn cảnh khác, cái tâm trạng bất bình đối với một chế độ ở nơi khác (TP: 86).
Hậu quả:
Thành ra lớp người của năm 1954 hoá bơ vơ; bơ vơ với nét tâm lý chống cộng giữa một xã hội không cộng sản, bơ vơ giữa các thế hệ trước họ và thế hệ sau họ. Họ là lớp người của cuộc chọn lựa chỉ xảy ra một lần trong lịch sử. Họ quyết định sự chọn lựa và ý thức sâu xa về quyết định của mình, họ đưa ý thức ấy vào văn chương. Nhưng sau cuộc chọn lựa, trở lại cuộc sống bình thường, bên nào chỉ biết chuyện bên ấy: tâm trạng của họ, tâm trạng mang từ bên kia về bên này, hoá lỗi thời. Không những chỉ có Bão thời đại ra đời muộn, mà bộ trường giang tiểu thuyết Khu rừng lau của Doãn Quốc Sỹ cũng không hưởng được sự chú ý xứng đáng với giá trị của nó (TP: 89).
Những luận điểm này không chừng vẫn còn có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nền văn học Việt Nam tại hải ngoại từ năm 1975 đến nay.
Phát hiện ra mối quan hệ sâu xa giữa tâm lý con người và hoàn cảnh lịch sử, Võ Phiến đồng thời cũng phát hiện ra một đặc điểm nổi bật trong sinh hoạt văn học Miền Nam: nó không được phân chia theo trường phái mà chủ yếu theo tuổi tác. Mỗi lứa tuổi có một kinh nghiệm khác nhau, do đó, có cách ứng xử khác nhau. Lớp trưởng thành trước 1945 ít quan tâm đến chính trị, ngược lại, lớp trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, những người, nói theo Võ Phiến, “đã bị cuộc cách mạng 1945 phá trinh về tinh thần” (TP: 111), thường không có ám ảnh nào khác ngoài chính trị. Lớp trưởng thành sau 1954 lại khác. Đó là một thế hệ mất niềm tin, một thế hệ hoang mang. Cả luận điểm này nữa, nó cũng có thể giúp lý giải những khác biệt trong giới cầm bút ở hải ngoại đấy chứ?
Những người cầm bút bị phân hoá đến như thế. Mức độ phân hoá trong giới độc giả cũng nặng nề không kém. Trước 1945, Việt Nam tương đối thuần nhất. Tương đối thuần nhất về chế độ chính trị: Pháp thuộc; về tâm lý: khát khao độc lập; về văn hoá: ngả theo Tây phương, chủ yếu là Pháp. Mức độ Âu hoá còn yếu nên trong văn học đường ranh giữa các trường phái chỉ mờ mờ nhạt nhạt. Trong sự thuần nhất dù một cách tương đối ấy, dễ hiểu tại sao một số tác giả, như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nhất Linh, Nguyễn Tuân... dễ dàng gặp tri âm tri kỷ trong cả nước. Sau 1945, tính chất thuần nhất ấy không còn. Đời sống mỗi người bị chính trị hoá rõ rệt. Những sự bất đồng mỗi ngày một gay gắt. Cách cảm thụ văn học cũng chịu ảnh hưởng theo: mỗi tác giả chỉ có thể hy vọng tìm thấy sự đồng điệu ở một số người.
Cũng với một thái độ bao dung và sáng suốt như thế, Võ Phiến phân tích sắc sảo ý nghĩa các cuộc bầu cử tại Mỹ và các phong trào của giới trẻ tại Tây phương những năm cuối thập niên 60. Những bài “Người hiền của quần chúng”, “Tuổi trẻ như một giai cấp”, “Tuổi trẻ như một phát giác” hoặc “Tuổi trẻ và cách mạng” trong tập Tạp luận, tôi đoán, Võ Phiến viết không mấy khó khăn. Tài liệu nhiều, ông chỉ cần đọc, chọn lựa và tổng hợp. Tài hoa của Võ Phiến ở đây là: ông chọn được những ý kiến mới mẻ, chính xác và sâu sắc nhất. Ông thấy được nhiều điều, ngay ở Tây phương, mãi đến nửa sau thập niên 70, người ta mới tự giác hoàn toàn: ý nghĩa của thân xác, của ngoại hình và của tuổi trẻ. Nhưng điều tôi thú vị nhất ở Võ Phiến chính là cái thái độ tỉnh táo của ông: chắc chắn là ông không đồng ý với những sự phá phách của giới trẻ trong thập niên 60. Năm 1968, Võ Phiến 43 tuổi, lứa tuổi, ở Việt Nam, nhiều người cho là đã khá già, tôi không tin là ông có thể thông cảm nổi tâm trạng của những thanh niên 18, 20 tuổi ở châu Âu, châu Mỹ, những quốc gia lúc ấy ông chưa đến bao giờ. Có điều, không thông cảm, không đồng ý, nhưng ông cũng không lên án họ một cách độc đoán và cao ngạo như nhiều bậc “trưởng thượng” từng làm. Ông hiểu được một sự thật:
“Chiều hướng văn minh kỹ thuật nó khiến ra như thế” (TP: 134).
Có lẽ nhờ cách nhìn, cách nghĩ như thế mà những bài viết về những đề tài rất ư thời sự, sau hơn ba mươi năm, vẫn mang lại cho người đọc những cảm giác thú vị. Riêng tôi, đọc các bài viết ấy của Võ Phiến, tôi cứ hay liên tưởng đến các bài phân tích của những học giả được coi là hậu hiện đại (postmodernists) gần đây, đặc biệt là Featherstone.[4]
Căn cứ vào tuỳ bút của Võ Phiến, nhiều người đã nói đến lòng hoài cựu của Võ Phiến. Tạp luận của Võ Phiến hé mở thêm một khía cạnh khác: Võ Phiến chỉ hoài cựu nhưng không hề thủ cựu. Ông luyến tiếc cái cũ, những cái đang phôi pha dần trong cuộc sống song ông cũng chấp nhận cả những cái mới, ngay cả những cái mới ông chưa yêu, không yêu được, chỉ vì lý do giản dị: đó là quy luật tiến hoá tự nhiên của lịch sử, của xã hội. Sự chấp nhận của ông nhiều khi đầy nhẫn nhục, một cách tội nghiệp, như sự chấp nhận cái thế yếu, cái nguy cơ thảm bại của Miền Nam, cái hờ hững của độc giả Miền Nam đối với văn học nói chung. Văn tạp luận của ông, do đó, thường buồn hiu hắt. Chút dí dỏm trong giọng văn, trong cách dùng từ, thỉnh thoảng loé lên, đâu đó, gợi lên một ấn tượng chua cay, đọc, thấy se cả lòng.
Dĩ nhiên không phải bao giờ sự chấp nhận tiến hoá cũng gây nên cảm giác ngậm ngùi. Sự nhạt nhoà của cá tính địa phương (TP: 193-212) không làm Võ Phiến ngậm ngùi. Sự biến mất của hình ảnh người nông dân trong văn học (TP: 213-223) không làm Võ Phiến ngậm ngùi. Những sự thay đổi trong tình yêu và cách nhìn tình yêu (TP: 247-263) cũng không làm Võ Phiến ngậm ngùi. Trái lại. Chúng chỉ làm cho ông hiểu rõ hơn, từ đó, quyết tâm hơn trong việc giũ bỏ cái cũ và đi tiếp con đường hiện đại hoá ngòi bút của mình. Ông trêu chọc những người hoài cổ:
Con người thật trung hậu. Mất thôn quê, ta luyến tiếc không nguôi. Thỉnh thoảng trong chúng ta lại có kẻ giật mình chép miệng than thở: “Đã lâu, không thấy ai vẽ bức tranh quê, kể chuyện con trâu nhỉ! Nhớ quá. Anh em, nào, thử nói lên một chút gì về dân quê đi chứ!”.
Than thở, giục giã như thế, chỉ tỏ dạ trung thành, chứ còn trong chuyện sáng tác văn nghệ cái gì làm được ta làm ngay, việc gì phải hô hào đôn đốc “anh em”!. (TP: 222-3).
Thái độ chấp nhận hoàn cảnh và quy luật tiến hoá càng nổi rõ khi Võ Phiến định cư tại Mỹ vào năm 1975. Giữa lúc bao nhiêu người ngoái cổ ngóng về cố hương, trở thành những “chàng Cù Lần” như trong thơ Cao Tần,[5] thành những “ông Khó tính” như trong tuỳ bút Nguyễn Bá Trạc,[6] Võ Phiến, trong một lá Thư gửi bạn, viết:
Dù sao, lá thư của bạn cho thấy một triệu chứng đáng mừng: là bạn đã tạm quên mình mà chú ý đến xung quanh. Trước, bạn toàn nêu ra những chuyện buồn bã, nhớ mong, ray rứt trong cảnh xa nhà xa nước, những băn khoăn về tin tức xứ sở v.v..., bạn chỉ những quay đầu về dĩ vãng và cố hương. Bây giờ hình như bạn có một cố gắng tìm hiểu người Mỹ, đất Mỹ, xã hội Mỹ. Phải thế, bạn ạ. Cuộc sống hiện tại và mai sau ở nơi đây là chuyện phải chấp nhận, là cả một khó khăn phải lo liệu, không thể làm ngơ mãi được (LT: 10).
Đọc Thư gửi bạn, in năm 1976,[7] một năm sau khi Võ Phiến đến Mỹ và đặc biệt, Lại thư gửi bạn, [8] tác phẩm được Võ Phiến viết trong hai năm 1977 và 1978, xuất bản năm 1979, chúng ta không thể không kinh ngạc trước những hiểu biết và nhận xét của ông về nơi ông mới định cư. Ông có óc tò mò kỳ lạ: ở đâu ông cũng truy lùng những đặc điểm nổi bật ở đó, chẳng hạn, ý nghĩa của các địa danh, lịch sử thành lập của các thành phố, các loại cây cỏ, hay chi tiết hơn, trong thành phố ấy có bao nhiêu nhà thờ, bao nhiêu người già cả. Chính ở những vùng đất xa lạ ấy, khả năng quan sát vốn tinh tế của Võ Phiến càng được phát huy triệt để. Ông rình rập cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp của người Mỹ để mong khám phá ra cá tính của họ. Theo ông, họ vừa hiền lành lại vừa hung tợn, vừa tốt bụng lại vừa ích kỷ, vừa dễ làm quen lại vừa khó thân, vừa cực kỳ duy vật lại vừa rất ư duy tâm, vừa thích đi nhà thờ lại vừa thích làm những chuyện bậy bạ, v.v... nghĩa là, nói tóm, họ hoàn toàn khác “chúng ta”. Nếu chỉ dừng lại ở những nhận định đại loại như vậy, Võ Phiến chẳng còn là Võ Phiến: vô số người Việt định cư tại Mỹ cũng thấy như thế và chỉ thấy như thế. Võ Phiến đi xa hơn: theo ông, những sự khác biệt ấy không phải do thiên bẩm mà chỉ do điều kiện lịch sử và hoàn cảnh xã hội tại Mỹ. Ví dụ về cái gọi là sự bạc tình của Mỹ, ông viết:
con người sinh ra tại xứ này không tự họ bạc tình. Bạc tình không phải là bản chất tiên thiên của người xứ này. Gái Mỹ ngày nay không đeo, nhưng gái Mỹ đầu thế kỷ trước đeo cứng, chung tình kinh khủng. Vậy thủ phạm không phải là giống dân Mỹ (giống nào?); thủ phạm là xã hội Mỹ (LT: 58).
Xã hội Mỹ là gì? Đó chỉ là một xã hội kỹ nghệ, một xã hội của khoa học kỹ thuật, của tốc độ, của văn minh, thế thôi. Do đó, nhân danh cái nhìn từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu như ở Việt Nam hoặc Trung Hoa để lên án Mỹ là điều không thực tế. Võ Phiến nhắc nhở:
“Bạn mắng họ mà chi? Vì ai biết mai kia chúng ta rồi sẽ biến đổi ra sao trên đất nước này?” (LT: 59).
Năm 1969, lúc còn ở Việt Nam, trong bài “Nhàn và nhã” (TU1: 48-52), Võ Phiến, theo chân Lâm Ngữ Đường, so sánh cách hưởng nhàn của Đông phương và của Tây phương: trong khi người Đông phương, chủ yếu là người Trung Hoa và người Việt Nam thừa nhàn một cách thanh nhã như uống trà, thưởng hoa, đánh cờ, chăm nom cây kiểng..., người Tây phương, ngược lại, thừa nhàn một cách rộn ràng, quần quật, đẫm mồ hôi: đá banh, phóng xe, bơi thuyền, nhảy nhót hò hét... Cách so sánh như thế ẩn đằng sau chút gì như kỳ thị: thứ nhàn thanh nhã cao hơn thứ nhàn tất tả; và một chút gì như tiếc nuối, như hoài cổ:
Hùng hục đuổi theo chiều hướng văn minh Tây phương, chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ chộp được cái quyền nhàn du. Tha hồ hí hửng. Bấy giờ chỉ thiếu có cái cốt cách thanh nhã để thừa nhàn, thế thôi (TU1: 51-2).
Sau này, qua Mỹ, quan niệm của Võ Phiến có chút thay đổi. Thứ nhất, ông hoài nghi cách lý giải của Lâm Ngữ Đường cho sự hiếu nhàn gắn liền với bản tính đặc biệt của dân tộc:
tôi muốn nói nhỏ với bạn điều này: Bạn để ý mà xem, dường như các bạn Da Đỏ lắm người chịu sống cái đạo lè phè lắm. Mà chắc chắn không phải là vì đọc sách Lâm Ngữ Đường đâu nhé (LT: 29).
Thứ hai, ông không còn vẻ gì là ngậm ngùi khi tống tiễn cái nhàn nhã truyền thống cả. Ông chấp nhận cách hưởng nhàn mới - dù trên lý thuyết
Ông Lâm Ngữ Đường nói đến bản tính đặc biệt của một dân tộc... Tôi thích những cái ấy. Tôi chỉ hơi ngán cái trường hợp nó chỉ là đặc điểm của một trình độ chậm tiến, và sẽ bị bắt buộc biến mất trong cái xu hướng xã hội ngày nay. Nếu có thế triết gia bất đắc chí sẽ còn khổ sở dài dài, vì sinh bất phùng thời, tị nạn bất phùng xứ (LT: 30).
Cố gắng hội nhập song Võ Phiến không hề có chút ảo tưởng nào về việc hội nhập của mình, đặc biệt với tư cách là một nghệ sĩ, một người cầm bút. Vấn đề không phải chỉ ở ngôn ngữ: các hoạ sĩ, các nhạc sĩ vốn không bị trở ngại ngôn ngữ, vẫn khó mà hội nhập được hoàn toàn. Cũng không phải do người Mỹ kỳ thị. Ngược lại, người Mỹ thường cởi mở và ít thành kiến: họ chào đón âm nhạc Phi châu một cách nồng nhiệt. Vậy mà, Võ Phiến để ý, hầu như chưa có một văn nghệ sĩ Á châu nào gây sóng gây gió được ở Mỹ, chưa có một trào lưu, một khuynh hướng văn nghệ có gốc gác từ châu Á nào làm sôi động sinh hoạt văn nghệ Hoa Kỳ. Mà, Võ Phiến nhắc nhở: người Nhật, người Hoa, người Đại Hàn... đã di cư qua Mỹ từ lâu, sống ở đó đã nhiều thế hệ, đã “hội nhập” hẳn vào xã hội và cả lịch sử nước Mỹ, đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ về kinh tế, về khoa học, về kỹ thuật. Võ Phiến ghi nhận:
Sang đây từ tháng 5.75, chúng ta có những ca sĩ tiếng tăm, những nhạc sĩ tài năng; những người ấy đã cố mở “một con đường máu” vào xã hội Mỹ. Hai năm rưỡi sau, những cố gắng ấy đã tỏ ra vô hiệu: người Việt rốt cuộc chỉ hát cho người Việt nghe mà thôi (LT: 85-6).
Hai mươi năm sau: tình hình vẫn không có gì thay đổi! Võ Phiến tiên đoán: còn lâu lắm. Ông viết: “Nhà khoa học là người của lý trí, không cần “hợp” với ai cả, nhà khoa học Á châu tha hồ thành công ở Âu Mỹ. Còn các nghệ sĩ đi đến đâu cũng khệ nệ cái tâm hồn theo đến đó” (LT: 88). Mà cái tâm hồn của người Mỹ gốc Á và của người Mỹ gốc Âu thì khác nhau xa. “Một cuộc “hội nhập” chừng mấy nghìn năm thì đủ xoá cách biệt ấy?”, Võ Phiến tự hỏi (LT: 86).
Lại thư gửi bạn là tác phẩm phác hoạ diện mạo của người Mỹ, của xã hội Mỹ, nhưng điểm riêng tôi thấy tâm đắc nhất lại là những phát hiện của Võ Phiến về... người Việt Nam, đặc biệt, cái cười và cái liếc của người Việt Nam. Người Việt Nam, so với người Tây phương, rõ ràng là hay cười và hay liếc. Cái liếc của người Việt Nam dù được các văn nghệ sĩ khai thác tận tình trong thơ và trong tiểu thuyết song dường như trước Võ Phiến chưa ai phân tích và cũng chưa ai phát hiện ra điều này:
Liếc là một hình thức trong sinh hoạt ái tình Việt Nam [...] cái liếc không hẳn chỉ để “biểu lộ” tình yêu, chỉ là một phương cách tỏ tình; nó cũng là một cách sống ái tình đấy. [...] nói về cường độ cảm xúc, tôi không dám chắc giữa liếc, với vuốt ve hôn hít bên nào đem đến những cảm xúc mạnh hơn đấy nhé. Một người đàn bà đã nhớ mãi một cái liếc ngang đến bốn mươi năm, nếu trời cho bà còn sức khoẻ, không có gì ngăn cản bà tiếp tục nhớ nó thêm mười năm, mười lăm năm nữa. Liệu mấy ai nhớ một cái hôn đến nửa thế kỷ? (LT: 38, 41 & 42).
Võ Phiến nhắc đến những cái liếc giữa Kim Trọng và Thuý Kiều, giữa Từ Hải và Thuý Kiều, những cái liếc trong bài “Tình già” của Phan Khôi, trong thơ Vũ Hoàng Chương, trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn làm cho cách lý giải của ông thêm nhiều lý thú, không những chỉ giúp chúng ta hiểu thêm một nét độc đáo trong cá tính của dân tộc mà còn hiểu thêm một nét đẹp trong tác phẩm văn học.
Riêng cái cười thì được nhiều người chú ý hơn, chủ yếu là vì nó bị Nguyễn Văn Vĩnh chê: “Người Nam ta có tật là cái gì cũng cười. Hay cũng cười, dở cũng cười, phải cũng cười, trái cũng cười. Hì một tiếng mọi việc đều hết nghiêm trang”. Võ Phiến không bị cái mặc cảm tự ti dân tộc day dứt như Nguyễn Văn Vĩnh nên có cái nhìn hợp lý hơn và cũng tinh tế hơn: với người Việt Nam - và có lẽ, với khá nhiều người Á đông khác nữa - cái cười, cũng như cái liếc, là một thứ ngôn ngữ. Có thể gọi đó là thứ ngôn ngữ nhân thể (body language):
Qua nụ cười, chúng ta nói với nhau nhiều lắm. Có khi là bày tỏ sự thông cảm, chia xẻ nhau một ý xót thương; có khi là khen mừng; có khi là trách móc; có khi muốn diễn tả một ý tưởng mệt mỏi chán chường [...]; lại cũng có khi là biểu lộ cay đắng; có khi khác cười là thách đố, hăm doạ, là khinh bỉ nhau v.v... (LT: 47).
Những phát hiện có vẻ nho nhỏ như thế rải rác khá nhiều trong Lại thư gửi bạn cũng như trong tạp luận của Võ Phiến nói chung. Nói là nho nhỏ song ý nghĩa của chúng nhiều khi lại to lớn bất ngờ: chúng làm sáng lên một góc cạnh nào đó trong tâm tình một thế hệ, trong ý thức một thời đại, trong phong cách một dân tộc. Chúng giống như cái đáy nước trong Truyện Kiều, dưới mắt Thúc Sinh: Long lanh đáy nước in trời. Qua tạp luận của Võ Phiến, chúng ta cũng thấy trời thấy mây thấy giông thấy bão. Tạp luận của Võ Phiến là cái phần ý thức lắng đọng, cái phần tự giác sâu thẳm của xã hội Việt Nam, lịch sử Việt Nam trong thời kỳ đầy giông bão vừa qua.
Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc
Chú Thích:
[1]Trong Võ Phiến Toàn Tập do nhà Văn Nghệ xuất bản tại California từ năm 1986 đến nay, tập Tạp luận là một trong vài tập đã bán hết hoàn toàn.
[2]Bài “Viết trong tiếng súng” đăng trên Bách Khoa đầu năm 1968; in lại trong Tạp bút, Văn Nghệ, California, 1989, tr. 125-40.
[3]Bài “Tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ” được in lại trong Tạp bút, tr. 51-9; đăng lại trên Làng Văn số 43 (3.1988), số đặc biệt về Võ Phiến, tr. 54-6.
[4]Xem Featherstone, M. (1991), Consumer Culture and Postmodernism, Sage Publications, London; đặc biệt bài “The Body in Consumer Culture” đăng trên tạp chí Theory, Culture and Society, vol. 1, . 2, 1981, tr. 18-33.
[5]Thơ Cao Tần, Văn Nghệ, California, 1985.
[6]Nguyễn Bá Trạc (1986), Ngọn cỏ bồng, Người Việt, California, tr. 1-3.
[7]Thư gửi bạn do Người Việt xuất bản năm 1976; sau in lại trong Tuỳ bút 2.
[8]Lại thư gửi bạn (1979) gồm 10 bài, sau Võ Phiến chỉ tuyển 6 bài vào Tạp luận (1987).
No comments:
Post a Comment