Friday, January 11, 2013

Truyền thống phong trào sinh viên học sinh tranh đấu: Khôi phục tinh hoa phẩm chất

Trong chế độ hiện nay, phong trào sinh viên học sinh (SVHS), được hiểu là phong trào yêu nước, chống xâm lược, chống bất công áp bức trong SVHS từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ trước 1975. Những hoạt động của họ trong những thời kỳ trước đây được xem là truyền thống cho thế hệ trẻ, được tuyên truyền cổ vũ rầm rộ nhưng sau 1975, việc kỷ niệm và phát huy truyền thống mỗi năm mỗi khác đi, hướng về các mục đích khác nhau và cho đến nay hầu như đảng Cộng Sản Việt Nam(CSVN) và nhà cầm quyền muốn triệt tiêu truyền thống này trong bối cảnh toàn dân đang dấy lên phong trào chống Trung Quốc xâm lược. Tại sao có hiện tượng này là một câu hỏi cần được giải đáp.

Thực chất, đặc điểm của phong trào SVHS là một hiện tượng cần được nghiên cứu dưới cái nhìn khách quan từ một độ lùi lịch sử. Tâm tình của những thành viên phong trào ở Miền Nam trước 1975 hiện còn sống và thái độ của họ hiện nay cũng là điều cần phân tích khi một số họ bắt đầu xuất hiện và lên tiếng, hành động trong những cuộc biểu tình ở Sài Gòn chống Trung Quốc xâm lược. Nghiên cứu những vấn đề này sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi trên đây.

Việc nghiên cứu đòi hỏi một công trình dài hơi. Bài viết ngắn này chỉ đưa ra những nhận xét ban đầu và chắc chắn chưa đầy đủ.

Ngày 9/1/1950, Trần Văn Ơn, học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn bị bắn chết khi tham gia cuộc biểu tình lớn chống Pháp của SVHS, đòi hỏi trả tự do cho một số bạn bè bị bắt. Đảng CSVN đã dùng ngày này làm dấu mốc cho truyền thống phong trào sinh viên học sinh. Phong trào này đặc biệt sôi nổi, có tác dụng mạnh mẽ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam 1954 -1975, đã làm rung chuyển chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), gây tiếng vang trong dư luận quốc tế và làm xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu được coi là lãnh tụ SVHS ở cả Miền Nam và nước ngoài, nơi có sinh viên Việt Nam du học.

Đặc điểm của SVHS, thế hệ trẻ, là sự trong sáng và nhiệt huyết. Đặc điểm này được phát huy cao độ trong phong trào với tinh thần yêu nước, mục tiêu chống xâm lược, chống bất công áp bức trong những hoàn cảnh cực đoan rất dễ kích thích tuổi trẻ. Rõ ràng SVHS tham gia phong trào với sự trong sáng gần như tuyệt đối vì họ chẳng có mục đích lợi ích cá nhân nào (trừ một số rất ít). Sự hăng hái của họ bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đối đầu với dùi cui, lựu đạn cay, phi tiễn, nhà tù, tra tấn, kể cả tàn phế, mất tương lai và có khi mất cả mạng sống. Chính vì đặc điểm đó, đảng CSVN đã sử dụng họ như một “ngòi pháo xung kích” trong phong trào đấu tranh đô thị.

Điều này không có nghĩa là đảng CSVN có thể huy động, tổ chức, lãnh đạo phong trào SVHS một cách toàn diện, triệt để, từ đầu đến cuối. Phong trào SVHS ban đầu thường nổ ra do SVHS tự phát hay do các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo phát động. Đảng CSVN chỉ từng bước lợi dụng, cài cấy người chi phối và khi có đủ điều kiện mới hình thành tổ chức lãnh đạo phong trào nhưng đều phải núp dưới danh nghĩa các tổ chức SVHS thuần túy. Phần lớn SVHS tham gia phong trào với tư cách là tuổi trẻ học đường bằng cảm xúc và nhận thức đơn sơ với sự bồng bột của tuổi trẻ, đối với một số người, đôi khi chỉ là ham vui hay muốn nghỉ học.

Ở Miền Nam từ 1954 – 1975, phong trào SVHS chống rất nhiều thứ: Chống độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, chống Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh, chống độc tài quân phiệt, chống bầu cử độc diễn Nguyễn Văn Thiệu, chống can thiệp Mỹ vào chiến tranh VN, chống quân sự hóa học đường, chống đi quân dịch, chống kiểm duyệt báo chí, chống Lonnol Kampuchia tàn sát dân Việt, chống Trung quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974… Chống ở đây chính là phản kháng những gì mà tuổi trẻ cho là sai trái, làm tổn hại đến lợi ích dân tộc và những quyền cơ bản của con người.

Trong nhiều trường hợp, tuyên truyền của đảng CSVN rất gần gũi hay tương đồng với suy nghĩ, tâm tình và khát vọng của SVHS nên đảng có điều kiện hướng phong trào SVHS vào tổng thể phong trào đấu tranh đô thị trong toàn bộ sách lược chiến tranh. Một số người được lôi kéo hay tự động tìm đến với đảng CSVN, trở thành cốt cán hay đảng viên. Có thể nói phần lớn những người này là “đảng viên cộng sản lý tưởng, yêu nước”, theo nghĩa vào đảng chỉ để chống xâm lược, chống bất công áp bức chứ không phải “giác ngộ giai cấp”, giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên khi vào đảng họ cũng được học tập đôi chút về chủ nghĩa nhưng mục tiêu và hành động trước mắt chỉ là tham dự vào cuộc đấu tranh gọi là “giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc”. Những mục tiêu khác quá xa vời khi cuộc chiến đang nóng bỏng từng ngày với máu xương và nước mắt.

Có người cho rằng đây là sự ngây thơ và ấu trĩ về chính trị và trong hoàn cảnh đó họ cũng có tự do lựa chọn. Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam trước đây, ở Miền Nam, khó có thể nói sự lựa chọn nào là đúng đắn đối với SVHS: tham gia đấu tranh, lo học, ăn chơi, tự nguyện nhập ngũ, bị bắt lính, trốn lính, đào ngũ… tùy hoàn cảnh, nhận thức và tâm trạng mà người ta lựa chọn hay trôi theo dòng cuốn. Có người còn nhập cuộc tranh đấu vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng “dấn thân” trong triết học hiện sinh. Chỉ sau khi lịch sử đã đi qua, nhìn lại mới có thể thẩm định một cách chính xác nếu có cái nhìn khách quan, không thiên kiến, không bị sự hận thù hay kiêu ngạo chi phối.

Sau 1975, thành phần tham gia phong trào SVHS đấu tranh ở Miền Nam phần lớn đã trưởng thành. Họ đi theo nhiều hướng. Những cốt cán và đảng viên dĩ nhiên đứng trong hàng ngũ những người thắng trận và tham gia chế độ mới. Một số khác trong hàng ngũ VNCH vượt biên ra nước ngoài. Phần lớn trở về cuộc sống đời thường. Riêng với số cán bộ cốt cán của phong trào từ sau 1975, tâm trạng của họ có nhiều diễn biến mà Hạ Đình Nguyên trong bài viết “Suy nghĩ cuối năm – Nhân ngày truyền thống phong trào” ( http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/12/suy-nghi-cuoi-nam-nhan-ngay-truyen.html ) đã phân tích khá rõ:

“Có người chủ trương gác quá khứ qua một bên, nhân danh tuổi già sức yếu, điều nầy cũng có một phần nhỏ sự thật. Có người thì an phận sống như mình đang sống, nếu có lúc day dứt một điều gì về thời cuộc, thì tự vỗ về bằng ý nghĩ bất lực. Có người lại vô tư về quá khứ, và để nó ngủ yên. Có người xem đó là hành trang để thăng tiến, hoặc là một chút hài lòng để sống với đời, tự cho là mình đã góp phần vào một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm. Có người phủ nhận hoàn toàn và cho rằng đó là sai lầm. Nhưng cũng có nhiều người day dứt, không vì quá khứ, mà vì hiện tại, bởi sự lệch pha giữa mong muốn và hiện thực, từ đó có thái độ đòi hỏi một sự thay đổi, tự cải tổ nào đó từ phía nhà nước. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, hệ thống nhà nước không thể tự thay đổi, như không ai tự giải phẫu được cho mình.”

Thực tế cho thấy cán bộ cốt cán phong trào SVHS không được đảng và chế độ mới tin dùng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Phần lớn họ chỉ được bố trí giữ cấp phó trong các tổ chức hoặc công tác trong những cơ quan, tổ chức không mang tính quyết định về chính trị, dù về trình độ và năng lực, trong nhiều trường hợp, họ vượt xa những người từ trong rừng ra hoặc từ Miền Bắc mới chi viện vào. Điều này có thể hiểu vì đảng không đủ tin cậy đối với những thành phần xuất thân tiểu tư sản, dễ dao động và có nhiều mối quan hệ phức tạp trong môi trường hoạt động của các thành thị Miền Nam thời chiến tranh.

Không phải hay không chỉ vì không được tin dùng, mà chính vì sự sa đọa của chế độ mới đã làm cho cán bộ cốt cán phong trào chán ngán và tâm trạng ngượng ngùng khi nhớ về quá khứ vì thực tiễn của chế độ mới hoàn toàn đi ngược lại lý tưởng trong sáng mà họ đã hoài bảo khi tham gia phong trào trước đây. Hạ Đình Nguyên (nguyên Chủ tịch Ủy Ban Hành Động thuộc Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trước 1975) khẳng định điều này trong bài viết dẫn trên:

“Trong một buổi họp mặt của anh em cũ, đề cập đến phong trào đấu tranh thời “chống Mỹ cứu nước”, có một ý kiến phát biểu mà lâu nay, riêng tôi có cảm nhận tương tự : “Nói đến cái tự hào của thế hệ tham gia phong trào đấu tranh trước đây, ở thời điểm nhận thức hôm nay, chúng ta thấy ngượng lắm !”.

Ngượng là một hình thức xấu hổ. Nhưng đây không phải là sự cắn rứt của lương tâm vì đã làm điều mình cho là sai trái. Ngượng vì mình từng tự hào góp phần vào một cuộc đấu tranh cho những điều tốt đẹp, cuối cùng lại mang đến những kết quả đáng thất vọng. Dù không muốn, mình cũng có một phần trách nhiệm đã góp phần mang lại kết quả này dù trách nhiệm chính, trách nhiệm lớn hơn thuộc về những người cầm quyền. Tôi hoàn toàn chia sẻ với Hạ Đình Nguyên về sự quy kết này. Tôi còn từng đặt ra vấn đề phải làm gì với ý nghĩa “sám hối tích cực” trong một bài viết khá dài cách đây 20 năm: “Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối” (Tạp chí Đối thoại, Hoa Kỳ 1994; đăng lại trên website talawas 2006 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6498&rb=0103).

“Sám hối là nhận thức lại và ăn năn về lỗi lầm của chính bản thân hay của cả một tập thể, một dân tộc đã đi sai đường, dù chính mình chủ động hay thụ động, tình nguyện hay bị bó buộc. Ăn năn sám hối vì đã cố tình hay vô ý làm điều sai, điều ác.

Sám hối phải có cắn rứt lương tâm, phải đau đớn, tiếp đến có ý thức và hành động chuộc lỗi. Sám hối đó mới có gía trị tích cực. Sám hối không phải chỉ tự đấm ngực và cầu xin tha tội. Sám hối là dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại sự hèn nhát, yếu đuối, sai lầm của bản thân, chống lại thế lực của sự ngu si, cuồng tín, tàn bạo đã tạo ra tội ác.”

Đảng CSVN, người cầm quyền hiện nay, với đối tượng SVHS, hầu như đã làm ngược lại những gì đảng làm trước đây. Thay vì khuyến khích sáng tạo, đấu tranh chống cái xấu cái ác, yêu nước, chống xâm lược, đảng lại làm cho SVHS chỉ biết vâng phục, chỉ lo “lập thân, lập nghiệp”, thực chất là kiếm tiền làm giàu, sợ hãi hay làm ngơ trước lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy từ cuộc xâm lược của bá quyền bành trướng Đại Hán Trung Quốc. Vì sợ rằng chính mình sẽ trở thành đối tượng đấu tranh của SVHS như truyền thống của phong trào, với kinh nghiệm hoạt động phong trào ngày trước, người cầm quyền đã dùng mọi thủ đoạn để trấn áp “ngay từ trong trứng nước”. Việc cài cấy nhân viên an ninh vào hàng ngũ SVHS, đe dọa bản thân và gia đình những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vừa qua, đe dọa ban giám hiệu, giáo viên và ban quản lý SVHS là những biện pháp đi ngược lại những gì đảng đã cổ võ trong truyền thống của phong trào. Không gì có thể biện minh cho điều này kể cả an ninh, trật tự xã hội, quốc phòng, bí mật quốc gia, ổn định chính trị, sách lược ngoại giao hay để làm vừa lòng người “bạn vàng bốn xấu”.

Những biện pháp này không chỉ có hại trước mắt mà còn di hại lâu dài. Chưa nói đến những hiện tượng suy đồi khác trong lãnh vực giáo dục về tri thức, đạo đức đã đến mức báo động, đất nước sẽ ra sao khi SVHS bị thui chột lòng yêu nước, thờ ơ với vận mệnh quốc gia, với cái xấu cái ác lan tràn, khi ai cũng thừa nhận rằng SVHS – thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước. Đảng CSVN và những người cầm quyền hiện nay phải trả lời vấn nạn này trước lịch sử. Thực ra đảng có thể làm khác hơn, hợp lòng dân hơn, hợp truyền thống hơn nhưng không đủ bản lĩnh để làm vì sợ rằng đây sẽ là con dao hai lưỡi có thể đe dọa đến độc quyền toàn trị của mình.

Về phía các cán bộ cốt cán phong trào SVHS trước đây, sau một thời gian dài im lặng, mấy năm gần đây, qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược hay trước những biểu hiện vi phạm nhân quyền của nhà nước, một số cán bộ cốt cán hàng đầu của phong trào SVHS Sài Gòn ngày trước, hay tham gia nơi khác nhưng nay cư trú ở Sài Gòn, đã tỏ thái độ phản kháng tích cực: Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Phú Yên, Hồ Hiếu, Hà Thúc Huy, Hoàng Dũng, Nguyễn Hoàng Trúc, Trần Văn Long, Nguyễn Xuân Lập, Nguyễn Huy Diễm, Võ Thị Bạch Tuyết, Lê Thân…

Chậm hơn và ở mức độ nhẹ hơn, từ Huế – một trung tâm của phong trào SVHS trước đây, một số ít người bắt đầu tham gia ký vào các kiến nghị hay lời kêu gọi chống Trung Quốc xâm lược, phản đối việc vi phạm nhân quyền của nhà nước như Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Nguyễn Văn Dũng…(Chưa kể bài viết có tính phản kháng của Nguyễn Đắc Xuân về vụ nhà nước truy bức trung tâm Làng Mai – Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng của thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2009 và bài thơ “Xuống đường” mới đây của Võ Quê năm 2011).

Có thể kể thêm các hình thức phản kháng mang “dấu ấn phong trào” sớm hơn của một số thành viên SVHS năm xưa ở các nơi: Sớm nhất là nhà thơ Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao ở Huế, trong chiến tranh thoát ly ra rừng, bị thương được đưa ra bắc điều trị nhưng vì viết nhật ký ghi lại trung thực suy tư của mình về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc nên đã bị trù dập cho đến cuối đời nhưng vẫn tiếp tục làm thơ phản kháng. Nhà văn Đào Hiếu (gốc Bình Định) với các tác phẩm văn học và những bài chính luận mang phong cách tự do, bất chấp ràng buộc, triệt để phê phán những sai lầm của nhà cầm quyền và chế độ. Đặc biệt là ở Đà Lạt, Lâm Đồng với Mai Thái Lĩnh, Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải (hai anh em tự ý ra khỏi đảng từ cuối năm 1988 khi đang giữ các chức vụ khá quan trọng), Nguyễn Quang Nhàn, Trần Minh Thảo… từ hơn 20 năm qua cho đến nay, đã có những bài chính luận sắc sảo về mọi vấn đề của đất nước thoát ra ngoài mọi quy định và quan điểm giáo điều chính thống. Có thể kể thêm Bùi Chí Vinh, nhà thơ “tưng tửng” không thèm đi theo “lề phải”…

Hiện tượng này đích thực là phát huy truyền thống SVHS trong tình hình mới của “dân phong trào” ngày cũ. Nhưng vấn đề đặt ra quan trọng hơn là làm thế nào để phát huy truyền thống đó trong tầng lớp SVHS đang ngồi trên ghế nhà trường ngày hôm nay vì toàn bộ sức mạnh tiềm ẩn đang nằm nơi đây.

Xét cho cùng, phẩm chất của phong trào SVHS là trong sáng, nhiệt huyết, yêu nước, chống xâm lược, phản kháng trước bất công áp bức, kêu đòi tự do dân chủ hòa bình, chính là phẩm chất của thế hệ trẻ mọi thời đại, cũng là của con người, công dân một đất nước. Ở đây, tôi lại muốn trích dẫn Hạ Đình Nguyên trong bài viết nói trên, một bài viết quan trọng đầu tiên đề cập một cách khá toàn diện và thẳng thắn về phong trào, một đề tài gần như “cấm kỵ” ngay cả đối với người trong cuộc:
“Cuộc đấu tranh Nam-Bắc vì độc lập dân tộc, lồng trong chiến tranh ý thức hệ của hai phe, trong phạm vi cục bộ của VN, dù có hay không có phong trào đấu tranh đô thị của TNSVHS, thì phe thất bại vẫn thất bại, phe thắng cuộc vẫn thắng cuộc, vì nhiều yếu tố khác. Cái giá trị của phong trào đấu tranh không có vai trò gì lớn trong sự thành bại của đôi bên. Quan niệm chính thống của CSVN xem nó không hơn một quả pháo.

Song ý nghĩa lớn nhất ở chỗ, nó thể hiện tinh thần yêu nước thuần khiết, thái độ dấn thân tự nguyện của thế hệ thanh niên, biết quan tâm đến Tổ quốc trước họa xâm lược, biết yêu độc lập và tha thiết với dân chủ tự do.”

Khôi phục và phát huy tinh hoa phẩm chất này chính là chuẩn bị cho tương lai của đất nước, trước mắt đối phó với nạn xâm lược của con rồng đỏ tim đen Trung Quốc Cộng Sản đang trỗi dậy lăm le chinh phục Á Đông và thế giới.

Đối với việc hòa giải hòa hợp dân tộc tạo nên sức mạnh để dân chủ hóa đất nước, tinh hoa phẩm chất này cũng là chất kết dính các thành phần dân tộc Miền Nam và Miền Bắc, trong và ngoài nước, bất luận quá khứ và xuất thân khi cùng đứng trên lập trường dân tộc để chung cùng một cuộc chiến đấu cho tương lai khi hiểm họa gần kề.

Đà Lạt những ngày đầu năm 2013 trước ngày kỷ niệm truyền thống sinh viên học sinh 9/1

© Tiêu Dao Bảo Cự
(Nguyên Phó Chủ tịch ngoại vụ, Phụ trách Đài phát thanh tranh đấu, Đoàn trưởng Đoàn 3 Sinh Viên Quyết Tử thuộc Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng Đại Học Huế trong cao trào Biến động Miền Trung năm 1966)

No comments:

Post a Comment