Saturday, May 18, 2013

Ngôn Luận – Chính Luận

Tôi vào Sài Gòn năm 1950. Năm 1954 đất nước bị chia cắt, tôi đang làm phóng viên nhật báo Sàigon Mới. Tôi mù tịt về chính chị chính em nhưng ngày ấy tôi nghĩ chắc còn lâu lắm tôi mới được thấy lại Hà Nội. Tôi muốn về thăm Hà Nội. Tôi đề nghị với bà Bút Trà cho tôi về thăm Hà Nội, trở lại Sài Gòn tôi sẽ viết phóng sự về Hà Nội Cờ Ðỏ, nhưng SàigònMới là báo của những “độc giả Bà Ba” miền Nam, bà chủ báo Sàigònmới không lý gì đến chuyện phóng sự Hà Nội Ðen, Hà Nội Ðỏ.

Khi ấy Việt Minh đã vào Hà Nội, nhưng theo Hiệp Ðịnh Geneve, Hải Phòng còn thuộc quyền Quân đội Pháp, và chính quyền Quốc Gia, trong 300 ngày. Tôi nói chuyện tôi muốn về Hà Nội với Tú – Nguyễn Ngọc Tú: Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già Godfather những năm 1970 – như nhiều lần tôi đã viết: Tú sắc xảo hơn tôi về mọi mặt, Tú bảo tôi:

“Mày xin ông Phạm Xuân Thái cho vé máy bay mày về Hải Phòng. Nhờ Thế Phong, Huy Sơn đưa vào gặp ông Thái. Mày nói mày về Hà Nội viết phóng sự.”

Hoàng Hải Thủy, 25 tuổi, thời còn ở miền Bắc

Sau Hiệp Ðịnh Geneve 1954, ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng Chính Phủ. Chính phủ này có đại diện của hai giáo phái Cao Ðài, Hoà Hảo. Ông Phạm Xuân Thái được Cao Ðài đưa vào chính phủ, làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, nhân vật Cao Ðài thứ hai là ông Nguyễn Mạnh Bảo, làm Bộ Trưởng Bộ Xã Hội. Nhờ hai bạn tôi là Thế Phong và Huy Sơn, khi ấy là thư ký riêng của ông Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái, tôi được vào gặp ông Bộ Trưởng, được ông cho Sư Vụ Lệnh về Hải Phòng làm công tác báo chí, được ông cấp lệnh trưng dụng đến Hàng Không Việt Nam lấy vé phi cơ về Hải Phòng.

Nhờ Tú, tôi được quen hai anh Bùi Dương, Bùi Băng là con ông Bùi Nhung và bà Thụy An. Ông Bùi Nhung đang là Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Bắc Việt – ông Lê Quang Luật năm 1954 là Thủ Hiến Bắc Phần – về Hải Phòng, tôi đến Ðài Phát Thanh Bắc Việt ở nhờ mấy ngày. Ông Bùi Nam, ông anh ông Bùi Nhung, Quản Lý Ðài Phát Thanh, cùng gia đình ở trên lầu toà nhà dùng làm trụ sở Ðài Phát Thanh Bắc Việt ở Hải Phòng. Bùi Băng đang ở đây.

Tôi rời Hà Nội trong một sáng mùa xuân, tôi trở về Hà Nội trong một sáng mùa xuân. Tôi đứng trên tầu hoả từ Ga Hải Phòng về Ga Hà Nội. Tôi đứng nhìn phong cảnh hai bên đường, nhớ lại ngày xưa, nhưng tôi không nhận ra một dấu xưa nào, ngay cả khi con tầu ngưng ở ga Phú Thụy, ga có đường vào làng quê tôi, tôi cũng không nhận ra. Ga Phú Thụy là ga cuối cùng của tầu hoả từ Hải Phòng về Hà Nội, ga thứ nhất tầu Hà Nội sang Hải Phòng ngưng lại. Ga Phú Thụy cách Ga Hàng Cỏ 18 cây số.

Trời lạnh. Mưa Xuân phơi phới bay. Tầu hoả Hải Phòng sang Hà Nội, tầu hoả Hà Nội sang Hải Phòng, đâu lại ở nửa Ðường Số 5, nơi gọi là Ga Phạm Xá. Ðội lái tầu Hải Phòng sang lái con tầu từ Hà Nội đến về Hải Phòng, đội lái tầu Hà Nội sang lái con tầu Hải Phòng về Hà Nội.

Theo Hiệp Ðịnh Geneve, dân Hải Phòng sang Hà Nội, dân Hà Nội sang Hải Phòng, tự do, không cần giấy phép, nhà cầm quyền hai bên không được ngăn cản, xét hỏi. Tôi về nhà chị tôi ở Hàng Trống, Hà Nội. Tôi đi xem Triển Lãm Mười Năm Quân Ðội VM Trưởng Thành ở Chùa Quán Sứ, xem phim Chiến Thắng Ðiện Biên Phủ, phim Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài, phim mầu của Tầu Cộng. Tôi sống ở Hà Nội 7 ngày. Một sáng tôi lên xe điện vào nhìn lại thị xã Hà Ðông của tôi. Tôi buồn đến nỗi đi đến Cửa Dinh Tổng Ðốc, tôi quay trở lại, lên tầu điện về Hà Nội, tôi không đi đến nhìn lại căn nhà của ông bố tôi ở cuối thị trấn.

Trở vào Sài Gòn, tôi viết phóng sự “Ðường về Hà Nội Ðỏ.” Phóng sự có 2 ảnh, một: tôi đứng ở Hồ Gươm, Tháp Rùa có cờ đỏ sao vàng, hai: tôi đứng bên cái xe Jis, một loại quân xa của Liên Xô làm theo kiểu xe Jeep của Mỹ. Tôi nhờ Thế Phong, Huy Sơn đưa tập phóng sự của tôi – tôi không nhớ bao nhiêu trang viết tay, trong cĩ hai tấm ảnh – trình ông Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái. Tôi không mong ông đọc. Tôi chỉ làm thế để ông PX Thái thấy tôi có viết phóng sự về Hà Nội Ðỏ.

Thế Phong ghé qua nhà tôi, nói ông Bộ Trưởng bảo tôi đến Bộ. Ðúng giờ tôi đến. Ông Hồ Anh, Chủ nhiệm Nhật Báo Ngôn Luận, đã ở trong văn phòng ông Bộ Trưởng. Ðây là lần thứ nhất tôi gặp ông Hồ Anh. Trước sự chứng kiến của ông Bộ Trưởng, Chủ Báo Hồ Anh nhận tập phóng sự “Ðường Về Hà Nội Ðỏ,” ông đưa tôi 3.000 đồng bạc Ðông Dương.

Như đã viết tôi trình ông Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái tập phóng sự chỉ để ông thấy tôi có viết phóng sự như tôi nói khi tôi xin ông cho tôi về Hải Phòng, tôi không nghĩ gì đến việc nhờ ông bán phóng sự cho tôi. Tập phóng sự đầu tay ấy nếu được nhà báo nào trả 1.000 đồng tôi đã hài lòng. Một phần ông Hồ Anh trả giá cao là vì tập phóng sự được ông Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái giới thiệu. 3.000 đồng bạc Ðông Dương năm 1955 có thể mua được 2 lạng vàng. Một phần vì Ngôn Luận là nhật báo của người Bắc Ri Cư, báo đang cần những tin tức, phóng sự về Hà Nội Ðỏ. Phóng sự “ Ðường về Hà Nội Ðỏ” quá tốt với báo Ngôn Luận.

Tôi kể dài dòng để nói lên chuyện mọi việc ở đời đều có nguyên nhân. Sau khi việc xẩy ra, nhiều chuyện ta thấy như có sự xếp đặt trước. Ðâu vào đấy. Nhờ ông Bộ Trưởng Phạm Xuân Thái, tôi được ông Chủ Báo Ngôn Luận biết đến. Năm 1956, sau khi Thủ Tướng Ngô Ðình Diêm làm Tổng Thống, Chủ Nhiệm Hồ Anh mở thêm Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, ông nhớ đến tôi, ông mời tôi viết. Tôi viết phóng sự Vũ Nữ Sài Gòn đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, tôi viết phóng sự, tiểu thuyết phóng tác cho nhật báo Ngôn Luận dài dài từ năm 1956 đến năm 1964.

Hôm nay, một sáng Tháng Mười Một năm 2011, nắng vàng trên Rừng Phong, tôi viết những gì tôi biết về hai Nhật báo Ngôn Luận, Chính Luận, hai tờ báo của dân Bắc Ri Cư nổi tiếng một thời ở Sài Gòn. Tại sao hôm nay tôi viết những chuyện này? Vì mới đây, đọc trên WEB một bài viết về nhật báo Chính Luận, tôi thấy câu:

“..Nhật báo Chính Luận bán chạy nhờ báo đăng tiểu thuyết Kim Dung.”

Nhật báo Chính Luận không đăng tiểu thuyết Kim Dung. Tôi không phải là nhân viên tòa soạn hai báo Ngôn Luận, Chính Luận, tôi viết tiểu thuyết cho hai báo đó. Năm 1956, năm mở đầu thời thịnh vượng, thịnh trị của Quốc Gia VNCH, có hai nhật báo do những ký giả người Bắc Ri Cư làm phục vụ người Bắc Ri Cư: Báo Tự Do và báo Ngôn Luận. Báo Tự Do ra đời trong ồn ào, kèn trống linh đình, báo có những ký giả-văn sĩ nổi tiếng của Hà Nội, như quí ông Tam Lang, Mặc Thu, Mặc Ðỗ, Ðinh Hùng, Như Phong, Mai Nguyệt, Hiếu Chân..v..v.. Báo Ngôn Luận ra đời trong im re, bà rè. Trong toà soạn Ngôn Luận có vài ông ký giả từng làm báo ở Hà Nội nhưng không ông nào nổi tiếng. Năm 1956 khi tôi được đến dự một cuộc họp của toà soạn, tôi thấy toà soạn Ngôn Luận có những ông ký giả này:

- Thư ký Tòa Soạn Từ Chung đang du học ở Thụy Sĩ,

- Ký giả Thái Lân, từng làm báo ở Hà Nội, phụ trách tin trang nhất,

- Ký giả Thái Linh, từng làm báo ở Hà Nội, phụ trách trang trong.

- Ký giả Vân Sơn Thuỳ Hương làm tin lô-can, gọi là tin Từ Thành đến Tỉnh, và bài nằm trang trong.

- Ký giả Tử Vi Lang viết mục “ Tiếng Dân Kêu.”

- Ký giả Ðạm Phong làm phóng viên.

- Quản lý Ngôn Luận là ông Quản Cương, ông anh rể của Chú nhiệm Hồ Anh.

- Quản đốc Trị sự là ông Lê Tâm Việt, nghe nói là ông cậu của ông Hồ Anh.

Ngôn Luận từ số đầu có mục “Mỗi Ngày Một Chuyện” nơi trang 3. Người viết Mỗi Ngày Một Chuyện nhiều nhất, nổi nhất là ông Chàng Phi. Nghe nói ông này tên thật là Phan Chi.

Còn vài ký giả nữa tôi không nhớ tên. Năm 1956. năm 2011, đã 60 mùa lá rụng qua đời tôi. Tôi xin lỗi đã không nhớ đúng chuyện xưa, không nhớ đủ người xưa.

Nhật báo Tự Do, được Phủ Tổng Thống hỗ trợ, quy tụ danh tài, nhưng nội bộ lục đục, chết đi, sống lại mấy lần. Nhật báo Ngôn Luận ra đời trong khiêm tốn, chỉ có một mình ông Hồ Anh quyết định mọi sự. Từ số báo đầu năm 1955 đến số báo cuối cùng Tháng Tư 1965, nhật báo Ngôn Luận ra đều, không một lần phải tự đình bản. Thời gian đầu Ngôn Luận có ông Hà Ðức Minh là Ðồng Chủ Nhiệm với ông Hồ Anh, hay là Chủ Bút, tôi không nhớ rõ. Vài năm sau ngày Ngôn Luận ra đời, ông Hà Ðức Minh rút lui, Ngôn Luận chỉ có ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng làm chủ nhiệm, ông Từ Chung là Thư Ký Tòa Soạn.

Năm 1957, Từ Chung du học trở về Sài Gòn, trở lại chức vụ Thư Ký Toà Soạn Ngôn Luận. Tờ báo vững mạnh, có nhà in riêng ở đường Lê Lai, nhân viên tòa soạn có thêm những ký giả Phan Nghị, Hồng Dương, Tô Ngọc, hai họa sĩ Huy Tường, Văn Hiếu. Ngôn Luận mở Trang Mai Bê Bi dành cho trẻ em, Trang Văn Nghệ Phụ Nữ. Hai cây bút chính của Trang Phụ Nữ Ngôn Luận là chị Kiều Diễm Hồng, chị Thùy Hương. Hay chị Thùy Trang, tôi lại nhớ không rõ. Nhiều nữ sinh Trung Học đóng góp Thơ Văn cho trang này. Năm 2000 ở Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi đọc được mấy dòng Hồi Ký của một Nhà Văn Nữ, kể chuyện những năm xưa khi là cô nữ sinh 17, 18 tuổi, bà gửi nhiều Thơ, Truyện đăng trên Trang Phụ Nữ Ngôn Luận, nhiều lần bà ngỏ ý muốn được gặp mặt chị Kiều Diễm Hồng, chị Thùy Hương – hay Thùy Trang – nhưng hai chị không cho bà gặp. Mãi đến năm 2000 bà Nhà Văn vẫn không biết rằng hai Nữ ký giả Kiều Diễm Hồng, Thùy Hương của Trang Phụ Nữ Ngôn Luận là hai ông ký giả: ông Thái Linh là Kiều Diễm Hồng, ông Vân Sơn là Thùy Hương.

Từ năm 1957 báo Ngôn Luận có mục Rao Vặt nổi hơn những báo khác. Tôi viết “nổi hơn” vì thời ấy nhiều nhật báo Sài Gòn có mục quảng cáo Rao Vặt, nhưng mục Rao Vặt của báo Ngôn Luận là nổi nhất, nhiều tin Rao Vặt nhất, linh động nhất, đúng là Quảng Cáo Rao Vặt nhất. Người phụ trách mục Rao Vặt Ngôn Luận là anh Lê Ban. Anh này nước da đen nên được gọi là Hắc Công Tử. Anh gây dựng lên mục Rao Vặt của báo Ngôn Luận.

Ðảo chánh. TT. Ngô Ðình Diệm bị giết. Hội Ðồng Quân Nhân, và Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, không đóng cửa một nhật báo nào của Sài Gòn. Cho đến ngày nhóm Nguyễn Khánh làm cái gọi là Cuộc Chỉnh Lý. Trong cuộc họp báo thứ nhất ở Bộ Tổng Tham Mưu – tôi, CTHÐ, có dự cuộc hội báo này – Ðại tá Ðỗ Mậu đọc quyết định:

“Ðóng của các nhật báo Sàigònmới, Ngôn Luận, Ðồng Nai vì tội cấu kết với Nhà Ngô..!”

Sàigònmới, Ngôn Luận là hai nhật báo tim gan của tôi, tôi làm nhân viên toà soạn Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết cho Ngôn Luận, hai báo là Nguồn Sống của tôi và vợ con tôi. Trong một chiều tôi mất luôn cả hai Nguồn Sống ấy. Ðời tôi đi vào chu kỳ đen hơn mõm chó.

Ngôn Luận chết, Chính Luận ra đời. Ông Ðặng Văn Sung, Chủ nhiệm Chính Luận, thừa hưởng trọn vẹn dư nghiệp Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Tờ báo chỉ đổi tên, từ Ngôn Luận sang Chính Luận. Toàn bộ nhân viên toà soạn, ty trị sự Ngôn Luận, trở thành nhân viên báo Chính Luận. Từ ông Thư Ký Toà Soạn Từ Chung qua các ông Ký giả Thái Lân, Thái Linh, Thùy Hương, Hồng Dương, Tô Ngọc đến ông Lê Tâm Việt, Hắc Công Tử Lê Ban, chuyên viên Rao Vặt, đi sang làm báo Chính Luận. Chỉ có hai ông Ngôn Luận không sang làm báo Chính Luận là ông Chủ nhiệm Hồ Anh và ông Quản Cương. Hai ký giả Ngôn Luận là Ðạm Phong và Tử Vi Lang ra làm chủ báo nên không sang làm báo Chính Luận. Tôi không biết tại sao hai họa sĩ Văn Hiếu, Huy Tường không có mặt trong tòa soạn Chính Luận.


Chính Luận ra đời, thay thế Ngôn Luận đúng chỗ, đúng lúc. Tôi được Chính Luận, qua Từ Chung, mời viết tiểu thuyết. Tôi nhận tiền nhà báo chi trước nhưng tôi bê bối trong việc nộp bài nên tôi can tội sai hẹn, lấy tiền mà không viết. Từ Chung giận tôi. Khi tôi cần có báo để đăng truyện, lấy tiền để sống, tôi không đến được báo Chính Luận.

Năm 1965 là năm đen tối nhất trong đời viết tiểu thuyết của tôi. Vợ chồng tôi về sống trong một căn nhà nhỏ vách ván ở Xóm Chuồng Bò, gần bến xe đò đi Ðàlạt năm ấy ở đường Petrus Ký. Khoảng 5 giờ một buổi chiều, vợ chồng Hồng Dương-Linh Linh Ngọc, dắt con trai đầu lòng, hai hay ba tuổi, đến nhà tôi. May cho tôi là lúc ấy tôi ở nhà. Hồng Dương bảo tôi:

“Tôi đã nói để Chính Luận họ mời anh viết lại. Mai anh đến toà báo nói chuyện.”

Nhiều người trong toà soạn Chính Luận không ưa việc tờ báo mời tôi viết tiểu thuyết, vì tôi bê bối trong việc viết, tôi chuyên đưa bài muộn, làm mất thì giờ vô lý của nhiều người, tôi lại bị cái án nhận tiền mà không viết, Hồng Dương phải bảo đảm là bây giờ tôi sẽ viết đều.

Ðó là chuyện giữa năm 1965. Tôi viết truyện dài Môi Thắm Nửa Ðời trên Chính Luận. Môi Thắm Nửa Ðời lấy trong bài Thơ Thu 1954 của tôi:

“Mùa Thu mây trắng xây thành
Tình Em mầu ấy có xanh da trời?
Hoa Lòng Em có về tươi?
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh?”

Một số ông bạn viết của tôi gọi Môi Thắm Nửa Ðời là Môi Thắm Nửa Ðùi.

Năm mươi mùa lá vàng rơi qua đường đời tôi, hôm nay ngồi viết ở xứ người, tôi như thấy lại Hồng Dương và Linh Linh Ngọc dắt con trai đầu lòng, đi trong ngõ hẹp Xóm Chuồng Bò. Tôi có dự tiệc cưới của hai người ở Grande Monde. Năm 1977 một trong những ký-lô quà, thuốc Tây từ Mỹ gửi về cho tôi là của Linh Linh Ngọc. Trong hộp quà có cái bật lửa Zippo Dame. Linh Linh Ngoc biết tôi thích chơi hộp quẹt. Chiếc Zippo Dame thật đẹp. Vợ chồng tôi giữ mãi cái Zippo này: không dùng, không bán, cứ cất kỹ. Năm 1990 tôi bỏ hút thuốc điếu, chiếc Zippo Dame Linh Linh Ngọc vẫn ở với vợ chồng tôi.

o O o

Nhật báo Ngôn Luận có hai ông Ký giả Thái Lân, Thái Linh. Cuộc đời làm báo của hai ông Ký này trước năm 1975 gần như giống hệt nhau: hai ông cùng làm báo ở Hà Nội trước năm 1954, hai ông cùng vào Toà soạn Ngôn Luận ở Sài Gòn năm 1955, hai ông không có những cái tật chung của đa số ký giả Sài Gòn, viết rõ hơn: hai ông không ăn chơi, không ngồi đấu hót cả buổi ở tiệm cà phê, không uống la ve, không cờ bạc, không ăn tục, nói phét, hai ông đến sở làm đúng giờ, làm trọn phần việc. Ông Thái Lân hút mỗi ngày khoảng năm, bẩy điếu thuốc lá, ông Thái Linh không hút. Trong 20 năm từ 1955 đến 1975 hai ông chỉ làm trong hai tòa báo: Nhật báo Ngôn Luận từ 1955 đến 1964, nhật báo Chính Luận từ 1965 dến 1975, hai ông chỉ qua mấy tháng thất nghiệp khi Ngôn Luận bị đóng cửa, Chính Luận chưa ra đời. Ngày 30 Tháng Tư 1975 hai ông Thái Lân, Thái Linh cùng chạy thoát sang Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, cuộc sống của hai ông Thái Ký giả khác hẳn nhau. Ký giả Thái Linh ở Virginia. Vào khoảng năm 1985 ông bị liệt nửa người, ông sống trong một Nhà Nursing. Ông qua đời khoảng năm 2000.

Ký giả Thái Lân sống ở Cali. Năm nay, 2011, ông vẫn mạnh, minh mẫn, tuổi đời ông dễ đến Chín Bó.

Trong bài này tôi chỉ kể những ông Ký giả từng làm trong toà soạn Ngôn Luận năm xưa, tôi không viết về những ông Ký giả nổi lên từ nhật báo Chính Luận.

Thư Ký Tòa Soạn Ngôn Luận-Chính Luận Từ Chung Vũ Nhất Huy bị bắn chết trước cửa nhà của ông trong Cư Xá Nguyễn Tri Phương năm 1965. Tôi nghe nói nhật báo Chính Luận vẫn trả lương ông đều mỗi tháng sau khi ông qua đời, bà quả phụ Từ Chung được hưởng số lương này. Việc tòa báo trả lương tháng đều cho bà vợ ông Nhà báo đã qua đời của nhật báo Chính Luận là việc làm có một không hai của làng báo Sài Gòn kể từ ngay dân Việt có nhật báo. Chưa có, và sẽ không bao giờ có, nhật báo nào trả lương cho ông Thư Ký Tòa Soạn đã chết. Nhật báo Chính Luận cũng có bác sĩ khám bệnh cho nhân viên và vợ con nhân viên: Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm là người được tòa báo nhờ chữa trị cho nhân viên. Cũng chưa nhật báo nào, và sẽ không có nhật báo nào, có bác sĩ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho nhân viên và gia đình nhân viên như nhật báo Chính Luận.

Ký giả Tử Vi Lang, dịch giả Bộ Tam Quốc Chí , chạy thoát sang Hoa Kỳ trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, ông qua đời khoảng năm 1985.

Ký giả Ðạm Phong, phóng viên báo Ngôn Luận, chạy thốt trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, qua đời ở Houston, Texas khoảng năm 1983.

Hôm nay, Tháng 11, 2011, có, và còn ba ông Ký giả báo Ngôn Luận sống ở Hoa Kỳ: Thái Lân, Hồng Dương, Tô Ngọc. Hai Ký giả Ngôn Luận Hồng Dương, Tô Ngọc bị bọn Bắc Cộng cho đi tù năm 1976. Ký giả Hồng Dương tù khoảng 1 niên, Ký giả Tô Ngọc tù khổ sai khoảng 5 niên. Ký giả Thanh Thương Hoàng, một thời là Chủ Tịch Nghiệp Ðoàn Ký Giả Việt Nam, hiện sống ở San José, tù khổ sai 5 niên. Nhưng ông Thanh Thương Hoàng không phải là Ký giả Ngôn Luận, ông nổi lên từ báo Chính Luận. Như đã viết: trong bài này tôi chỉ kể những ký giả toà soạn Ngôn Luận, tôi không kể về những ký giả toà soạn Chính Luận. Nhật báo Chính Luận có nhiều vị danh tài, tôi “kính nhi viễn chi.”

Ông Hồ Anh, Chủ nhiệm báo Ngôn Luận, qua đời ở Virginia. Ông chạy thoát khỏi Sài Gòn Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Hoa Kỳ, ông xuất bản ngay tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Nay Văn Nghệ Tiền Phong mỗi tháng ra hai số, là tờ báo sống lâu năm nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam: VNTP ra đời ở Sài Gòn năm 1956, sống ở Sài Gòn đến Tháng Tư 1975, sống ở Hoa Kỳ từ 1975 đến nay.

Ông Ðặng Văn Sung, Chủ nhiệm báo Chính Luận, chạy thoát Tháng Tư 1975, qua đời ở Cali.

Dòng thời gian dzài một ánh bay… Những ngày như lá, tháng như mây… Khi tôi bắt đầu viết bài này, Rừng Phong nắng vàng. Khi tôi viết xong bài này, Rừng Phong tuyết trắng.

Tôi ngừng viết ở đây.

Hoàng Hải Thủy

http://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/11/04/ngon-luan-chinh-luan/

No comments:

Post a Comment