Monday, August 19, 2013

Cuộc tranh đấu giữa người CS và người CS

Một số người tại hải ngoại nuôi ý định giáo dục cho lớp con cháu mình trở thành những người chống cộng. Nhưng có một số trường hợp, những người trẻ tuổi lớn lên tại hải ngoại, có cha anh từng chống cộng lại không hăng hái chống cộng như cha anh của mình. Trong khi đó chúng ta lại thấy những người phản kháng lại chế độ cộng sản hiện nay lại là những đảng viên, cựu đảng viên, hoặc con cái cán bộ Anh Phạm Văn Viêm bị bắt vì viết cuốn "Chế Độ Phát Xít" lại có cha mẹ là cán bộ. Tại sao lại có hiện tượng mâu thuẫn như thế này ?

Điều này này có thể giải thích được.

Trước đây 30 chục năm, nhà văn Võ Phiến cũng có nhận xét là lớp trẻ lớn lên sau 1954 tại miền Nam không hăng hái chống cộng như lớp đàn anh của họ, là những người đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, kể cả trong và ngoài hàng ngũ Việt Minh. Những nhà văn trẻ tuổi tại miền Nam lúc đó thường viết về đề tài xã hội miền Nam hơn là viết về đề tài chống cộng.

 Võ Phiến

Nhà văn Võ Phiến phân tích về tâm lý những người chống và không chống cộng như sau:

"Vả lại tại sao có được một tâm lý chống cộng nhỉ ? Người ta có thể hoặc theo cộng sản hoặc không theo cộng sản, cũng như có thể hoặc tin đạo hoặc không tin đạo, có thể hoặc ham thích tranh lập thể hoặc không ham thích tranh lập thể; chứ còn chống ghét, tại sao phải chống ghét ? Đọc sách cộng sản thấy chủ thuyết của nó trái ý mình mà ghét ư ? Ở đời không mấy khi có cái ghét ấy; nếu có cái ghét ấy, không mấy khi mạnh mẽ. Sử sách thiên kinh vạn quyển, tư tưởng của thiên hạ mà ta gặp hàng ngày trăm lần chưa chắc gì đã hoàn toàn hợp được mươi lần; những chỗ không hợp ý đều giận đều ghét cả sao ? Đều quyết sống mái với nó cả sao ?"

"Gặp tư tưởng hoàn toàn sai quấy cả, chưa chắc đã đến nỗi thù hận, huống chi trong học thuyết mác xít có bao nhiều chỗ hay đúng, bao nhiều đóng góp quan trọng và triết học hiện đại không thể không biết đến, huống chi mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản là đạt tới một xã hội công bình không có cảnh người bóc lột ngườị Có gì đáng căm giận trong ấy ?"

"Bởi vậy thiết tưởng không ai vì tìm hiểu, nghiên cứu cộng sản trong sách, trong trường, mà đâm ra chống cộng. Nghiên cứu như vậy chỉ có hoặc thích thì theo, hoặc không thích thì bỏ, thế thôi. Còn tâm lý chống cộng, nó phải phát sinh trong một hoàn cảnh khác."

Cái hoàn cảnh khác ấy là gì ? Mời các bạn theo dõi tiếp Võ Phiến:

"Người ta chống cộng cũng như chống phong kiến, chống tư bản, không phải do một nhận định từ sách vở. Khổng giáo là lý thuyết của phong kiến, nó biện minh cho trật tự phong kiến; nhưng có ai đọc ngũ kinh tứ thư mà phát giác ra cái xấu xa tồi tệ của phong kiến, đâm ra thù ghét phong kiến, rồi làm cách mạng phản phong? Cái dở nhất của phong kiến có ở đâu trong kinh trong thư? Trái lại, quan niệm nhân nghĩa cùng giấc mơ đại đồng của Khổng Tử đáng yêu chứ. Khi đức Vạn Thế Sư Biểu suy cứu các nguyên tắc đạo lý, mơ tưởng cuộc sống tương lai, người chỉ nghĩ đến điều tốt lành êm đẹp. Thực bụng người vốn vậỵ Cái dở của phong kiến tự nó dần dà nảy sinh ra trong cái xã hội, ngoài sự tiên kiến dự liệu của thánh nhân. Cho nên thù ghét phong kiến chăng ấy là hạng người đã từng sống trong xã hội phong kiến: chịu sự áp bức của cường hào ác bá, của tham quan ô lại, thấm thía cái đau đớn của phận lẽ mọn, của cảnh chiếc én ba nghìn héo mòn trong tiêu phòng, trái tai gai mắt vì những thành kiến đạo đức giả dối v.v..."

"Cũng như một giáo dân có thể vì lòng mến đạo mà trông thấy rõ mồn một những khuyết điểm của giáo hữu và giáo hội: nào là đức tin người công giáo bình dân Việt Nam không dựa trên suy luận, không hướng vào nội tâm, mà có tính cách cuồng tín trung cổ, dựa trên những biểu lộ bề ngoài; nào là người công giáo bình dân hẹp hòi, không bao dung, muốn tiêu diệt kẻ ngoại đạo; nào là tài sản giáo hội thủ đắc bất chính và quản trị mờ ám v.v... Giáo hữu là ông này ông nọ, linh mục X, giám mục Y, là những nhân vật rõ rệt. Trái lại nhìn về phía bên kia, giáo dân ấy chỉ thấy "người cộng sản": người cộng sản tuyên bố thế này, chủ trương thế kia v.v... Những tuyên bố chủ trương ấy trích dẫn của Mác, của Lê Nin, của Hồ Chí Minh, Trường Chinh. Thành ra "người cộng sản" ấy là một nhân vật trừu tượng, mà thái độ là tổng hợp thái độ của những phần tử xuất sắc nhất bên phía họ, trong khi giáo hữu lại là những con người cụ thể với những thiếu sót tất nhiên khi bị nhìn gần."

"Trái lại, công việc nhìn gần để không chỉ thấy "người cộng sản" mà là những người cộng sản trong đó hạng hẹp hòi, cuồng tín không thiếu chút nào, thấy những người cộng sản này lừa gạt, nhồi sọ những người cộng sản kia, để thấy có những người cộng sản mãi đến khi hy sinh "vì chủ nghĩa" vẫn chưa hề hiểu thặng dư giá trị là cái gì, duy vật biện chứng là cái gì, mà lại được dạy rằng xe tăng Mỹ làm bằng giấy bồi, rằng trực thăng Mỹ chỉ có cái sườn vì bay vội không kịp hoàn tất, để thấy những lạm dụng trong việc quản trị tài sản nhà nước và đảng v.v..., để bực mình, căm giận, thì đó lại là công việc của những ai ở trong lòng xã hội cộng sản."


Boris Yelsin, người ra lệnh cấm đảng Cộng Sản Nga hoạt động (ngày 6-11, 1991) cũng đã từng là đảng viên

Như vậy, theo sự phân tích của Võ Phiến, những người có tâm trạng chống cộng là những người từng ở trong lòng xã hội cộng sản, biết rõ những cái xấu của cộng sản. Như vậy kẻ đồng hành với những người chống cộng ở hải ngoại là những người cộng sản cũ đang phản kháng lại chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước. Và Võ Phiến dẫn chứng câu nói sau để kết luận:

"Ignazio Silone có lần nói với Togliatti: "Cuộc tranh đấu cuối cùng sẽ là cuộc tranh đấu giữa đảng viên cộng sản và những người cộng sản cũ". Chống cộng có chăng là những người từ trong hàng ngũ, từ trong xã hội cộng sản ra."

Chúng ta có thể thấy điều Võ Phiến nhận xét cách đây 30 năm nay đã trở thành sự thật.


Trần Thái Hùng
2003

No comments:

Post a Comment