Sunday, August 18, 2013

Đã đến lúc “phá xiềng”!

RFA: Sau khi ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam Tp.HCM tung ra liên tiếp ba bài viết tuyên bố cần phải thành lập một đảng đối lập tại Việt Nam mà ông là người sáng lập, để làm đối trọng với chế độ độc đảng hiện nay, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trí thức nổi tiếng từng hoạt động công khai trong chính phủ Sài Gòn với vai trò của một dân biểu đối lập và sau năm 1975 ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới, đã tung bài viết mang tên Phá Xiềng đang tạo sôi nổi trong dư luận. Mặc Lâm phỏng vấn đặc biệt với ông để tìm hiểu thêm vấn đề quan trọng này.

Mặc Lâm:

“Thưa ông sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết liên tiếp ba bài nói về sự bức thiết phải thành lập một đảng đối lập với cái tên gợi ý là Đảng Dân chủ Xã hội. Ngày hôm nay ông cũng có bài viết với tên gọi “Phá Xiềng” chẳng những ủng hộ quyết định của ông Lê Hiếu Đằng mà còn bổ túc thêm nhiều ý tuởng cho sự hình thành đảng này. Xin ông cho biết lý do chính của việc cần thiết phải thành lập đảng đối lập này là gì?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu mà dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ. Khi mà dân chủ được thì mọi người đều có dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà  nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài.”

Mặc Lâm:

“Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện nay ông nhận thấy nền dân chủ của nuớc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có gì đáng để phân tích hay không và đặc biệt vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền dân chủ pháp trị mà chính phủ luôn hô hào vận động có điều gì cần phải bàn luận hay không?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Họ cứ nói là còn đảng còn mình nên quyết bảo vệ đảng. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, có thể họ ở lâu lắm, nhưng một ngày nào đó họ cũng ra đi nhưng là một sự tan nát ê chề bởi vì dân đâu có chịu! Nhiều đời lắm rồi, từ thời còn vua chúa kìa, dân mình không phải là dân không có tiếng nói. Luôn luôn có tiếng nói. Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý và xây dựng đất nước được? Cho nên điều tâm đắc nhất của tôi từ xưa đến giờ là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền.“

Mặc Lâm:

“Trong chế độ cũ ông từng là một dân biểu chọn vai trò đối lập, đồng thời cũng là giám đốc chính trị của nhật báo Tin Sáng có từ trước năm 1975. Giữa hai chế độ thì trong thâm tâm ông, ông có nhận xét như thế nào về nền dân chủ pháp trị trước đây và nền pháp trị của chế độ mới, nếu so sánh một cách công bằng, thưa ông?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được. Cái ông đảng này ổng thâu tóm hết rồi ổng “úm ba la” nay ổng làm cái luật này, mai ổng làm luật kia. Còn những cái mà ổng cho là quyền của dân thì ổng ghi trong hiến pháp thì ổng để đó. Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh. Còn cái này cũng không phải pháp trị mà cũng không pháp quyền nữa mà nó là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền. Vậy thôi.

Còn chế độ cũ, tôi là một dân biểu đối lập trong chế độ đó. Tại sao ở chế độ cũ người ta cho đối lập? Từ hồi mới 75, mấy ổng nói với tôi là đây là kiểu thực dân mới nên nó mới áp dụng như vậy để nó coi là có dân chủ“.

Đã có dân chủ thì phải có đa nguyên, có người này người khác chẳng hạn, không phải là tốt tuyệt đối đâu. Nó cũng có mặt này, mặt khác nhưng dưới chế độ cũ, tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác. Nói với anh Mặc Lâm, ngay cả bậc thầy của chúng ta trong làng báo là ông thầy Nguyễn An Ninh chẳng hạn, ổng từ Pháp về và viết những bài bằng tiếng Pháp. Hồi xưa dưới cái thời cai trị của thực dân nó cũng để cho người mình nói chuyện. Mặc dầu nó cũng bắt nhốt ổng và sau cùng ổng phải chết ở Côn đảo.

Thú thật ra bây giờ chế độ dân chủ ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp hay ở Âu châu chẳng hạn, nó cũng có những đàn áp…bởi vì đây thật sự là đấu tranh mà! nhưng đấu tranh dân chủ ít ra phải có tiếng nói của dân, ít ra phải có tiếng nói của báo chí. Còn đằng này ổng tóm thâu hết. Cả cái suy nghĩ, cái tình cảm ổng cũng muốn làm chủ.

Anh Đằng ảnh nói đúng đó. Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những  sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ… tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời còn bây giờ thú thật mấy ổng tặng thưởng này, tặng thưởng kia mà dân có ai đọc đâu?

Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân. Cho nên nói thì nhiều lắm, anh Mặc Lâm ơi nhưng mà nói thì đâu có phải đả phá hay tranh đấu với mấy ổng đâu. Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng ở trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ.”

Mặc Lâm:

” Như ông vừa nói, đảng Cộng sản còn đang rất mạnh, có biết bao nhiêu lực lượng trong tay, như vậy khi một đảng đối lập mới được hình thành với cái tên Đảng Dân chủ Xã hội chắc chắn sẽ bị chính quyền chống phá mãnh liệt và sự mãnh liệt ấy có thể dẫn đến đổ máu. Ông có dự báo câu chuyện có thể dẫn đến mức độ tồi tệ như vậy hay không?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Thât sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khỏe. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên là bịt miệng thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các  đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm màu được?

Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị nhưng tôi hy vọng ở tuổi trẻ. Thời nào cũng vậy hết, không có tuổi trẻ thì không làm ăn gì được hết. Và tôi hy vọng cả những ông đảng viên, thật sự như ông Đằng ổng nói đó, có nhiều người  chuyển sinh hoạt đảng đâu đó thì cũng không thèm. Con số âm thầm đó là bao nhiêu? Số đó đông lắm vì họ uất ức, họ nghẹn ngào, buồn tủi vì bị cấy lý tưởng thời còn trai trẻ. Họ vì dân vì nước mà bị người ta phản bội. Con số nguời đó thật tình đấu tranh, dấn thân, vào tù ra khám. Đó là thật sự những người đảng viên Cộng sản yêu nước và họ cũng là những người đấu tranh kiên cường“.

Mặc Lâm:

“Ông có cho rằng vì không thể im lặng nhìn một lực lượng nổi lên chống lại sự độc đảng của mình nên đảng cộng sản sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ những người tham gia vào đảng Dân Chủ Xã Hội hay không?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Có thể là bắt bớ người nhưng có ai làm gì đâu mà bắt bớ. Thật sự ra là họ bắt những người trong nội bộ đảng vì họ đã đứng ra không chấp nhận đảng nữa và lập cái đảng mới. Điều này tôi rất mong từ lâu rồi. Nói cách này thì họ ngại nhưng không có gì đáng ngại đâu, không phải là diễn tiến tự sụp đổ đâu mặc dù đúng là một hình thức đó, tự sụp từ bên trong.

Nếu họ bắt một người đảng viên cộng sản ly khai thì họ tự đục một cái lỗ hổng. Bắt nhiều người cộng sản ly khai thì họ đục thêm nhiều cái lỗ như vậy. Bắt nhiều người như vậy trong cùng một cái đảng của họ mà không còn chấp nhận họ nữa thì cứ cho họ tự phá con thuyền của họ“.

Mặc Lâm:

“Để bắt đầu xây dựng một đảng đối lập trong bối cảnh hiện nay ông nghĩ bộ phận nào trong xã hội sẽ được kêu gọi và gây dựng làm thành phần nòng cốt?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:

“Tôi tin rằng với nòng cốt của đảng mới này như ông Đằng hô hào và kêu gọi. Ông ấy hỏi tại sao chúng ta là những người đảng viên cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân, với con cháu vì bị phản bội; Nếu mình cứ tiếp tục làm thêm như vậy thì chính mình cũng là người phản bội. Ổng có kêu gọi những người bạn đó và tôi cũng kêu gọi những người đó. Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cộng sản muốn công khai đấu tranh ôn hòa, đấu tranh dân chủ để mà xây dựng đất nước, thế thôi.“

Mặc Lâm:

“Nếu vượt qua được bước đầu thành lập đảng mà không bị bắt bớ hay đàn áp vì theo như ông nói Đảng Cộng sản sẽ không dại gì mà tự đục thuyền của mình bằng cách bắt bớ đảng viên ly khai, như vậy buớc kế tiếp Đảng Dân Chủ Xã hội mà cốt cán là thành phần đảng viên ấy sẽ làm điều gì với đảng Cộng sản hiện nay?”

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:


“Nếu họ không làm chuyện đó vì họ nghĩ như vậy là tự đục thuyền thì chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện. Ông Đằng có nói rất rõ là ổng thách mấy ổng nói chuyện thẳng với ổng. Ổng thách cả ông đầu sỏ của tuyên huấn của đảng Cộng sản về lý luận nói chuyện với ổng. Chứ đâu có nói đấu võ đâu! Nói ra điều này ai cũng ngại nhưng mà đối với đảng Cộng sản thật sự mà thấy tình hình thực tế dân tình không cho phép mấy ổng làm chuyện cũ nữa. Không chuyên quyền nữa thì mấy ổng phải nghe.”

Mặc Lâm:

“Xin cám ơn ông Hồ Ngọc Nhuận đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.”

Mặc Lâm- RFA

2013-08-17



Bình Luận:

Cách thức hoạt động của đảng CSVN hiện nay vẫn là lối hoạt động Stalinist. Gọi là Stalinist tức là theo lối của Stalin. Stalin tiêu diệt tất cả ai không theo mình, bất kể người đó là cộng sản hay chống cộng.

Đảng CSVN sau khi cướp chính quyền năm 1946 đã thủ tiêu các đảng phái quốc gia. Việc làm này làm cho nhiều người tưởng rằng vì phe quốc gia không theo chủ nghĩa CS nên bị tiêu diệt. Nhưng đảng CSVN cũng thủ tiêu luôn những người Cộng Sản Đệ Tứ. Điều đó có nghĩa là hễ cứ không phải phe của mình là tiêu diệt, bất kể những người đó đúng hay sai, bất kể những người đó cũng cùng theo một chủ nghĩa với mình.

Đó là cách cai trị độc đoán. Giành cho mình độc quyền cai trị bất kể mình đúng hay sai. Đó là lối cai trị do bản năng tham quyền lực thôi thúc, mà dùng rất ít lý trí để suy nghĩ về con đường của mình đi, con đường của các phe khác đi. Thảo nào mà các chế độ CS kiểu Stalin đều phạm phải những sai lầm tày trời, làm phí phạm hàng triệu sinh mạng.

Lối cai trị đó khác một trời một vực với các chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ thì dù chưa được hoàn toàn thì ít ra mọi người cũng vẫn đối xử với nhau theo cách tôi có quyền hoạt động thì anh cũng có quyền hoạt động, chúng ta chủ trương khác nhau thì dùng bầu cử quyết định.

Ông Hồ Ngọc Nhuận nói: 

"tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác."

Ông Hồ Ngọc Nhuận là dân biểu đối lập có nghĩa là ông có lập trường độc lập với nhà nước nhưng vẫn được quyền ứng của vào quốc hội. Ông có quyền ra báo. Tuy có luật báo chí và báo ông bị đóng cửa vì vi phạm luật báo chí nhưng ông không mất quyền ra báo. Mà mọi người khác cũng không mất quyền làm báo nên họ xin ra tờ báo khác được. Nhà nước vẫn có thể cấp giấy phép cho ông ra báo khác hoặc ông vẫn có thể viết cho báo khác. Nghĩa là ông vẫn luôn luôn có quyền có tiếng nói.

Tiếng nói của đối lập không bị dập tắt mà vẫn được nói lên trong quốc hội hoặc qua báo chí. Nhờ thế mà những điều sai trái được nói lên cho quần chúng biết và chính quyền phải tìm cách giải quyết.

Ông Hồ Ngọc Nhuận nói: 

"Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ... tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời"

Chẳng những các tác phẩm của văn sĩ, thi sĩ lúc đó đang phục vụ cho chế độ tại miền Bắc được in lại tại miền Nam mà các bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ được dạy trong trường học tại miền Nam. Đó là các bài thơ có giá trị về nghệ thuật được đem ra làm thí dụ khi học sinh học về văn học vào thập niên 1930, 1940. Học sinh hỏi các thi sĩ đó bây giờ ở đâu thì thầy giáo nói họ đang ở miền Bắc. Học sinh lại hỏi thế các ông ấy theo Cộng Sản thì sao lại học thơ của các ông ấy. Thầy giáo trả lời đây là các tác phẩm có giá trị về nghệ thuật thì đem học còn việc họ làm về chính trị dù có sai thì các tác phẩm họ viết ra trước đó cũng vẫn là các tác phẩm có giá trị.

Điều đó có nghĩa là một số giá trị về đạo đức, văn hóa có khi được đặt cao hơn chính trị. Khác với lối "chính trị là thống soái" của đảng CSVN, là kẻ nào bị xem là kẻ thù về mặt chính trị thì chối bỏ tất cả những điều gì tốt đẹp mà họ đã làm, xem họ như kẻ thù.

Khi ký giả Mặc Lâm hỏi ông Hồ Ngọc Nhuận nhận xét như thế nào về chế độ pháp trị của Việt Nam Cộng Hòa và chế độ pháp trị của chế độ hiện nay thì ông Hồ Ngọc Nhuận trả lời:

"Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị."

Đây là câu trả lời chính xác. Chế độ hiện nay dù có thay đổi chút ít về cách đàn áp bằng cách thay vì kết án người dân dám lên tiếng nói với tội bịa đặt như gián điệp hay cái tội vu vơ như phản động thì làm ra một số điều luật như luật 88, luật 79, luật 258 để dùng luật mà cấm dân nói thì vẫn chưa đáng gọi là chế độ pháp trị. Chế độ pháp trị bao gồm cách thức áp dụng luật pháp như mọi hành vi phải đánh giá theo pháp luật không thể nào một số người vi phạm pháp luật thì được còn một số khác thì phải tuân theo pháp luật. Hay là cùng phạm một tội thì có người được phạt nhẹ hoặc làm ngơ còn người khác bị tội nặng. Lối dùng luật pháp của chế độ là tìm cách viết ra các luật một cách mơ hồ để chính quyền có thể diễn dịch một cách vặn vẹo sai lạc tùy theo ý mình. Đó không phải là chế độ pháp trị mà vẫn là chế độ đảng trị, vì vẫn cho đảng là có quyền lực cao nhất có quyền xuyên tạc luật pháp hoặc dẫm đạp lên luật pháp.

No comments:

Post a Comment