Friday, August 16, 2013

Suy nghĩ về "Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh..."

Phong trào Cộng Sản Việt Nam thời mà ông Lê Hiếu Đằng gia nhập là một bộ phận trong guồng máy chiến tranh khổng lồ của Liên Xô và Trung Quốc. Hai nước này thiết lập lên guồng máy chuyên dụng về chiến tranh và dùng chiến tranh để bành trướng. Tất cả những gì mà các sinh viên, thanh niên miền Nam chạy theo như Độc Lập Dân Tộc, Quyền Tự Quyết của dân miền Nam, Tự do, Dân chủ… là chiêu bài của guồng máy chiến tranh đó tung ra.


Các danh từ mỹ miều đó không phải là mục đích của cái guồng máy đó. Vì thế đoạn sau, ông Lê Hiếu Đằng mô tả sự thất vọng của ông về chế độ CSVN sau 1975 là sự thất vọng của một người thấy cái guồng máy đó không thực hiện các chiêu bài mà trước đây ông ta chấp nhận hy sinh cả mạng sống để theo đuổi. Cả chủ nghĩa Cộng Sản và chủ nghĩa Dân Tộc cũng chỉ là chiêu bài của cái guồng máy chiến tranh đó. Cái guồng máy đó sau này ông Trần Độ nhận ra và gọi nó là “chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa kiểu trại lính”.



Vì chỉ muốn có sức mạnh về quân sự nên những kẻ lãnh đạo guồng máy chiến tranh đó hy sinh cả nền kinh tế. Họ thiết lập nền kinh tế để phục vụ cho chiến tranh, không phải là nền kinh tế tối ưu để làm giàu đất nước. Tất cả văn hóa, nghệ thuật thời đó cũng chỉ là phục vụ cho chức năng chiến tranh của chế độ mà thôi.

Sự tính sổ với đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng là thái độ nói là những cái chiêu bài mà đảng CSVN tung ra thời đó, ngày nay tôi muốn nó có thật. Nếu đảng CSVN không muốn thực hiện những cái chiêu bài đó thì tôi đi đường tôi, xin giã từ đảng CSVN.

Khi nhắc đến các chiêu bài mà đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ đạo cho lớp thanh niên, sinh viên miền Nam thời đó phải theo đuổi ông Lê Hiếu Đằng viết:

"Về vấn đề Dân Chủ, Tự Do, Hạnh Phúc, thực chất đây là vấn đề dân sinh, dân chủ mà trước đây trong thời kỳ kháng chiến hoặc trước 75, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát động để đấu tranh giành quyền sống".

"Về dân chủ thì đã quá rõ. Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập"

Như vậy ông Lê Hiếu Đằng thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam nên cao chiêu bài dân sinh, dân chủ  nhưng rồi lại chỉ thiết lập chế độ độc tài toàn trị nên ông đòi hỏi phải chuyến thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập .

Về vấn đề Tự Do, ông Lê Hiếu Đằng cũng thấy chế độ hiện nay là không có tự do . Mặc dù chế độ hiện nay luôn luôn nhắc lại chuyện sinh viên Lê Văn Nuôi thời trước 75 cắn tay lấy máu viết lên tường tòa án câu "Tự Do hay là chết", nhưng chế độ Đảng Cộng Sản thực hiện là chế độ không có Tự Do . Ông Lê Hiếu Đằng viết:

"Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó"

Vì sao mà các ông thuộc giới trí thức miền Nam tranh đấu đến ngày nay mới lên tiếng?

Vì  tình hình chung của thế giới đã thay đổi và cũng vì chế độ cũng đã thay đổi.

Thời 1975 là thời cực thịnh, thời huy hoàng của khối Xã Hội Chủ Nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Cùng với việc Mỹ rút khỏi Đông Dương, việc thống nhất Việt Nam là việc khối Xã Hội Chủ Nghĩa bành trướng khắp trên thế giới. Tại Nam Mỹ, phong trào Cộng Sản dâng lên mạnh, đặc biệt là tại Nicaragua. Liên Xô có phương tiện viện trợ cho các nước Cộng Sản nên Cuba đã gửi hơn hai mươi ngàn lính sang Phi Châu để giúp các phong trào Cộng Sản tại Phi Châu lật đổ chính quyền tại nước mình.

Lính Cuba và lính người Angola, Namibia sát cánh chiến đấu tại Phi Châu. Lúc đầu Cuba gửi cố vấn quân sự và đem người Phi Châu về Cuba huấn luyện. Sau 1972, Cuba gửi quân đội sang các nước Phi Châu.

Thời 1975 cũng là thời mà sự cai trị rất khắt khe. Việc kiểm soát tư tưởng, hành vi lời nói rất chặt chẽ. Nói không đúng với chủ trương, đường lối của nhà nước thì nhẹ là bị mất tin tưởng, sự nghiệp không còn tương lai, nặng thì đi tù. Với sự thành công của khối Xã Hội Chủ Nghĩa, những người lãnh đạo có uy tín, có nhiều người ủng hộ và tin tưởng nên họ có thể áp dụng cách cai trị rất chặt chẽ mà quần chúng phải chấp nhận, không dám phản kháng.

Các trí thức miền Nam đi theo Cộng Sản lúc đó cũng tin tưởng vào tương lai và sự ưu việt của Chủ Nghĩa Xã Hội nên họ chấp nhận các biện pháp kiểm soát gắt gao, cấm có tư tưởng khác là cần thiết.

Nhưng rồi tình hinh thay đổi.

Sự sụp đổ của Liên Xô làm cho nhiều người thấy cách thức mà Liên Xô cai trị không phải là ưu việt nữa và họ có những suy nghĩ khác. Sự sụp đổ của Liên Xô và việc chuyển hướng qua kinh tế thị trường, một mô hình kinh tế mà trước đây phe Xã Hội Chủ Nghĩa cho là xấu, là dở, cũng làm cho những người cầm quyền không còn lý do mạnh mẽ để cấm đoán sự khác biệt tư tưởng như trước.

Cái thời bài trừ văn hóa phản động xa xưa. Ngày 21-5-1975, ba tuần lễ sau khi các chiếc xe tăng T-54 tiến vào dinh Độc Lập, học sinh và sinh viên Sài Gòn được huy động diễn hành mang biểu ngữ bài trừ văn hóa phản động. Rồi tịch thu sách, đốt sách. Ngày nay, nhiều sách thời xưa bị xem là độc hại được phép lưu hành.

Trước đây kẻ bị xem là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam là Mỹ, là nước có mô hình chính trị, kinh tế khác với phe Xã Hội Chủ Nghĩa nên dễ dàng nói rằng Mỹ là kẻ thù. Ngày nay, kẻ xâm phạm chủ quyền Việt Nam là Trung Quốc, cũng là một nước có đảng Cộng Sản lãnh đạo nên khó mà lên án Trung Quốc là đế quốc. Nếu còn Liên Xô để dựa thì những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có lẽ vẫn có thái độ chống Trung Quốc. Còn ngày nay thì Việt Nam và Trung Quốc là hai nước trong số nước ít ỏi còn lại có hệ thống chính trị giống nhau nên phải dựa vào nhau mà sống còn. Như thế thì không thể mạnh miệng lên án Trung Quốc là kẻ xâm lăng như đã lên án Mỹ.

Chính bản thân chế độ Cộng Sản tại Việt Nam và Trung Quốc cũng thay đổi. Trước đây làm giàu và sống tiện nghi bị lên án, bị xem là lạc hậu, phản động thì ngày nay đảng viên được làm một cách thoải mái, không e dè thì đảng viên cũng khó mở miệng lên án người khác là phản động, lạc hậu.

Hai chiêu bài Chủ Nghĩa Cộng Sản và chống xâm lăng khiến cho ông Lê Hiếu Đằng và một số trí thức miền Nam lúc đó đi theo đảng Cộng Sản ngày nay đã phai nhạt màu khiến cho họ thấy việc tuyệt đối trung thành với đảng Cộng Sản không còn cần thiết nữa.

Ông Lê Hiếu Đằng được giao cho các nhiệm vụ bên Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức không có thực quyền, thì xem ra ông Lê Hiếu Đằng và các trí thức miền Nam tranh đấu thời trước nói chung không leo cao được trong nấc thang quyền lực của chế độ.

Việc ông Lê Hiếu Đằng phản đối nạn "kiêu binh" của đảng Cộng Sản, cho thấy ông không ăn cánh lắm với những người có quyền lực. Ông không có lối suy nghĩ và cá tính giống họ. Họ có thể nghĩ rằng "thằng này không phải phe ta". Ông Lê Hiếu Đằng kể lại một số trường hợp mà bản thân ông chứng kiến rồi kết luận: "Tôi nêu những trải nghiệm nói trên để chứng minh rằng trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh."

Việc kết hợp ông Lê Hiếu Đằng cũng như các trí thức miền Nam với đảng Cộng Sản xảy ra do một số yếu tố của thời đó. Ngày nay, các yếu tố đó đã thay đổi thì sự gắn bó không còn chặt chẽ nữa.






No comments:

Post a Comment