Hai câu chuyện mà tôi sẽ kể đưới đây chẳng có gì hấp dẫn, nhất là đối với các bạn đọc hiện đang sống ở những nước theo thể chế dân chủ. Nhưng đối với các bạn đọc hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, có lẽ đây là chuyện chưa bao giờ xẩy ra. Các nhà chính trị Việt Nam thường không „biết” từ chức. Đảng „đặt” họ ở đâu, họ „ngồi” đấy. Khi họ có biểu hiện tham những hoặc làm việc quá kém cỏi, có ai đó gợi ý họ nên từ chức, họ trả lời một cách trơ trẽn, rằng họ có xin chức vụ đâu, họ không thể làm trái với sự phân công của Đảng.
Câu chuyện thứ nhất.
Slawomir Nowak là một thanh niên Ba Lan đầy nhiệt huyết, khi anh còn là sinh viên chuyên ngành chính trị học tại đại học Tổng Hợp Gdansk, anh ghi danh học thêm ngành quản trị kinh doanh. Cũng trong thời gian còn là sinh viên, năm 1994 anh đã thành lập và điều hành công ty quảng cáo.
Sau khi tốt nghiệp hai ngành chính trị và quản trị kinh doanh, anh trở thành giám đốc hãng quảng cáo „Signum Promotion” .
S. Nowak tham gia hoạt động chính trị từ khi còn là sinh viên, năm 1994 anh đã ghi tên sinh hoạt đảng Dân Chủ. Từ 1998 đến 2002, S. Nowak là đảng viên của Liên Minh Tự Do, phụ trách hội thanh niên của đảng. Năm 2001, một số đảng viên của Liên Minh Tự Do tách ra thành lập đảng Nền Tảng Công Dân (PO), S. Nowak là một trong những đảng viên đẩu tiên của PO.
Năm 2007, trong cuộc bầu cử vào hạ và thượng viện, PO đánh bại đảng đương quyền – Đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS), đảng do hai anh em song sinh của cố tổng thống Lech Kaczynski sáng lập . Trong thành phần chính phủ mới do PO thành lâp. S. Nowak trở thành bộ trưởng trẻ nhất ( 33 tuổi ) trong nội các của thủ tướng Donald Tusk.
Năm 2010, S. Nowak là trưởng ban vận động tranh cử tổng thống cho ứng cử viên của PO – ông Bronislaw Komorowski. Sau khi B. Komorowski thắng cử , S. Nowak trở thành bộ trưởng trong phủ tổng thống.
Tháng 11-2011, sau khi PO thắng cử nhiệm kỳ thứ 2, S. Nowak nhận chức bộ trưởng bộ giao thông, xây dựng và kinh tế bỉển. Anh là một bộ trưởng trẻ (37 tuổi), năng động, biết tổ chức và thực hiện công việc một cách hoàn thiện, đặc biệt anh rất chịu khó học hỏi. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã bao quát, chấn chỉnh các ngành thuộc bộ quản lý, thậm chí anh còn học hỏi nắm chắc công nghệ xây dựng đường cao tốc, phân biệt được các lọai bê tông nhựa khác nhau để trải trên mặt đường cao tốc. Dưới sự chỉ đạo của S. Nowak, tốc độ xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã được đẩy nhanh, những lộn xộn trong nghành đường sắt đã được chấn chỉnh, guồng máy hoạt động của bộ chạy đều đặn và hiệu quả. Với khả năng lãnh đạo hiện tại cùng với quá trình hoạt động chính trị của anh, nhiều người dự đoán anh còn tiến xa trên đường sự nghiệp chính trị. Có người còn nói chắc như đinh đóng cột, rằng 5 năm nữa anh sẽ trở thành thủ tướng và 20 năm nữa anh sẽ là tổng thống. Tại vùng Gdansk quê hương anh, còn lan truyền câu chuyện về anh. Chuyện kể rằng, một người quen đến thăm gia đình anh, bà Halina Nowak mẹ anh đã dẫn người đó đến bên chiếc bàn trên để ảnh của S. Nowak, với vẻ đầy tự hào bà giới thiệu : „Đây là bộ mặt của tổng thống Ba Lan tương lai”.
Mọi việc rắc rối đến với S. Nowak bắt đầu từ một buổi chiều mùa hè. Phóng viên của tạp chí WPROST ( Nói Thẳng ) gặp anh đang ngồi với một thương gia trong một nhà hàng sang trọng giữa Warsaw. WPROST là tuần báo đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ bê bối của các nhà doanh nghiệp, chính trị nổi tiếng. Ngay trong số báo tuần đó, ảnh của T. Nowak xuất hiện cùng với bài báo nói về anh. Trong ảnh, anh mặc bộ com lê đen, tay trái đặt trên bàn, chiếc đồng hồ Thụy Sỹ với dây đeo mầu đen, nổi bật bên cạnh màu trắng của cổ tay áo sơ mi cài măng sét.
Sławomir Nowak
Các nhà báo Ba Lan là những tay moi tin, săn tin khá chuyên nghiệp. Họ là một trong các lực lượng chống tham nhũng rất hiệu quả. Họ đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, nhiều vụ bê bối của các quan chức, đảng phái chính trị. Hàng năm cũng thường xẩy ra các vụ kiện cáo của các nghệ sỹ, các nhà chính trị kiện các báo, tạp chí, nhà báo đăng những bài báo xâm phạm danh dự và cuộc sống riêng tư của họ. Nhiều nhà chính trị rất cảnh giác với các nhà báo, họ ngại tiếp xúc và trả lời phỏng vấn. Nhưng T. Nowak thì khác, anh gặp gỡ, trò chuyện, trả lời phỏng vấn một cách bình thường. Qua các lần gặp gỡ, phỏng vấn…, các nhà báo đã đưa lên các trang báo về chiếc đồng hồ đeo tay của anh. Đó là chiếc đồng hồ của hãng Ulysse Nardin của Thụy Sỹ, nhãn hiệu Maxi Marine Chronometer. Một số tờ báo còn đưa ra những thông tin mâu thuẫn nhau về giá cả và nguồn gốc của chiếc đồng hồ mà họ nói đã được anh cho biết. Có tờ báo đưa tin chiếc đồng hồ này này anh đã nhờ người bạn mua hộ, trị giá 17.000 Zoty ( khoảng 5.500 USD ). Tờ báo khác thì đưa tin chiếc đồng hồ đó trị giá 20.000 Zoty ( khoảng 6.500 USD ).
Dư luận báo chí về chiếc đồng hồ của bộ trưởng S. Nowak đã làm cho Trung Tâm Chống Tham Nhũng ( CBA ) để mắt. Họ đã kiểm tra lại bản kê khai tài sản của vị bộ trưởng. Chiếc đồng hồ trị giá 17.000 Zoty đã không được kê khai. Để chống tham nhũng, luật pháp Ba Lan quy định, các quan chức nhà nước phải kê khai tài sản cá nhân và tài sản chung góp với người khác, bao gồm những vật dụng, bất động sản, tiền bạc, đồ trang sức v…v, trị giá từ 15.000 Zoty trở lên. S. Nowak đã vi phạm luật kê khai tài sản.
Theo đề nghị của CBA, ngày 15-11-2013 vừa qua, công tố viên trưởng đã gửi hạ viện hồ sơ đề nghị truất quyền miễn tố của S. Nowak ( vì anh cũng là dân biểu của hạ viện ).
Ngay sau đề nghị của công tố viên, anh đã tuyên bố từ chức bộ trưởng và tự nguyện từ bỏ quyền miễn tố của dân biểu. Trong tuyên bố anh viết : „ Tôi vô tội. Nhưng là người trọng danh dự, cũng để không gây khó khăn cho thủ tướng và các cơ qua điều tra, tôi tuyên bố từ chức bộ trưởng và từ bỏ quyền miễn tố của dân biểu.”
Câu chuyện thứ 2
Adam Hofman là dân biểu hạ viện ba khóa liên tục từ 2005 đến nay. Anh là dân biểu thuộc đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS), đảng có số dân biểu đứng thứ 2 trong hạ viện. Anh là một dân biểu trẻ (sinh năm 1980), một trong những cán bộ quan trọng của đảng PiS, đồng thời là người phát ngôn của đảng.
Adam Hofman
Hiện nay Ba Lan có 5 đảng có chân trong hạ viện. PO là đảng có số dân biểu nhiều nhất, liên minh với một đảng nhỏ để có đủ đa số thành lập chính phủ. Ba đảng còn lại đứng ờ vị trí đối lập. Mỗi đảng đều có một phát ngôn viên , những phát ngôn viên này kiêm phát ngôn viên của nhóm dân biểu của Đảng. Các phát ngôn viên đều là những người trong bộ máy lãnh đạo của đảng, họ luôn bận rộn và làm việc khá vất vả. Họ phải tổ chức họp báo định kỳ hay đột xuẩt, đưa ra những nhận định phản ảnh quan điểm của đảng đối với các nghị quyết, dự luật sẽ thảo luận và bỏ phiếu tại hạ viện. Hàng ngày, vài chục nhà báo chờ ngoài phòng họp hạ viện để săn tin và phỏng vấn các phát ngôn viên.
So với các phát ngôn viên của các đảng khác trong quốc hội, A. Hofman nổi trội như một ngôi sao sáng nhất giữa các vì sao. Đẹp trai, ăn nói lưu loát, anh luôn đưa ra các nhận định sắc sảo về những vẩn đề chính trị, kinh tế. Anh luôn làm chủ tình hình trong các cuộc họp báo, không né tránh các câu hỏi của các phóng viên. Khi phê phán đảng đương quyền PO, anh dùng như từ ngữ, hình ảnh rất ẩn tượng, làm người nghe khó quên. Có lẽ ngành chính trị học mà anh tốt nghiệp, chức chủ tịch diễn đàn sinh viên của trường Đại Học Tổng Hợp Wroslaw trước đây đã giúp anh trở thành một phát ngôn viên hoàn chỉnh của một đảng.
Nhưng CBA đã không nể mặt ai, dù họ giữ chức vụ gì, thuộc đảng phái nào. Sau một thời gian điều tra, giữa tháng 11, họ đã gửi bản báo cáo đến công tố viên trưởng. Báo cáo nêu rõ, trong 5 năm gần đây (5 năm là thời hạn các chứng từ, hóa đơn về tài chính có giá trị để cơ quan thuế có quyền kiểm tra), trong tài khỏan dân biểu và tài khoản cá nhân của A. Hofman, tổng số 140.000 Zoty ( khoảng 43.750 USD ) chuyển đến với những lần khác nhau. Theo luật tài chính của Ba Lan, nếu số tiền trên là số tiền A. Hofman vay mượn, mỗi lần tiền chuyển đến, trong vòng 14 ngày anh phải thông báo cho cơ quan thuế và nộp thuế 2% tổng số tiền vay ( tức 2.800 Zoty). Nhưng anh đã „quên” thông báo và nộp thuế. Giờ đây anh sẽ phải chịu mức thuế phạt là 20% tổng số tiền vay (tức 28.000 Zoty). Dĩ nhiên, CBA sẽ không dừng ở bước truy phạt tiền thuế, họ sẽ tìm nguồn gốc của những số tiền chuyển đến cho anh.
Khi những tin tức trên đây được lan truyền trên báo chí và truyền hình, A. Hofman tuyên bố từ chức phát ngôn viên của đảng PiS và tự nguyện từ bỏ quyền miễn tố của dân biểu. Nhưng ông Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng PiS còn đi một bước xa hơn, ông tuyên bố trứơc báo chí, rằng đảng của ông quyết định khai trừ đảng viên và thành viên trong nhóm dân biểu của A. Hofman trong thời gian chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Bạn đọc thân mến!
Tôi đã kể 2 mẩu chuyện nhỏ về hai quan chức trong bộ máy chính quyền của Ba Lan. Đọc xong, chắc nhiều bạn tặc lưỡi :”Đó là chuyện của Ba Lan”, . Vâng! Đúng là chuyện của Ba Lan. Nhưng „trông người lại nghĩ đến ta”. Vì sao trong bộ máy chính quyền cộng sản Việt Nam đầy dẫy các quan chức, từ „đồng chí X” đến các bộ trưởng, các quan tỉnh, quan huyện, tham nhũng, bất tài, bất lương …,vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Họ thà „mất mặt chứ không chịu mất chức”. Họ là con đẻ của Đảng Cộng Sản, được đảng dung dưỡng và bảo vệ.
Để loại bỏ những quan chức hại dân, hại nước này, bắt họ khi “mất mặt” thì phải mất chức, việc làm cần thiết đầu tiên là loại bỏ chế độ độc tài, toàn trị , thiết lập thể chế tự do dân chủ, trong đó báo chí tự do giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là con đường mà hầu hết các quốc gia của thế giới văn minh đã đi qua.
Đinh Minh Đạo
Warsaw tháng 12-2013
© Đàn Chim Việt
Bình Luận:
Trên đây là hai người làm chính trị hành xử theo đúng qui định. Nhưng nếu họ làm mặt dầy không từ chức thì sao? Lãnh đạo đảng của họ có thể bắt họ từ chức để bảo vệ uy tín cho đảng. Đảng có uy tín thì mới có hy vọng đạt được nhiều phiếu trong bầu cử.
Nhưng nếu đảng của họ ăn gian trong bầu cử mà vẫn đắc cử thì đảng đó không cần phải loại bỏ các đảng viên lem nhem. Một đảng ăn gian trong bầu cử mà vẫn đắc cử, mà vẫn cầm quyền thì phải đàn áp các sự phản đối từ phía người thất cử và từ phía dân. Muốn đàn áp sự phản đối thì đảng đó phải nắm công an hay quân đội hay cả hai.
Ba Lan có được dân chủ, có các chính trị gia tuân theo pháp luật, tuân theo các thể lệ dân chủ là nhờ không để cho đảng nào nắm công an hoặc quân đội. Công an phải đứng ngoài việc phục vụ cho một đảng mà chỉ phục vụ cho việc duy trì pháp luật mà thôi. Quân đội phải đứng ngoài việc phục vụ cho một đảng mà chỉ để dùng chống ngoại xâm mà thôi.
Bình Luận:
Trên đây là hai người làm chính trị hành xử theo đúng qui định. Nhưng nếu họ làm mặt dầy không từ chức thì sao? Lãnh đạo đảng của họ có thể bắt họ từ chức để bảo vệ uy tín cho đảng. Đảng có uy tín thì mới có hy vọng đạt được nhiều phiếu trong bầu cử.
Nhưng nếu đảng của họ ăn gian trong bầu cử mà vẫn đắc cử thì đảng đó không cần phải loại bỏ các đảng viên lem nhem. Một đảng ăn gian trong bầu cử mà vẫn đắc cử, mà vẫn cầm quyền thì phải đàn áp các sự phản đối từ phía người thất cử và từ phía dân. Muốn đàn áp sự phản đối thì đảng đó phải nắm công an hay quân đội hay cả hai.
Ba Lan có được dân chủ, có các chính trị gia tuân theo pháp luật, tuân theo các thể lệ dân chủ là nhờ không để cho đảng nào nắm công an hoặc quân đội. Công an phải đứng ngoài việc phục vụ cho một đảng mà chỉ phục vụ cho việc duy trì pháp luật mà thôi. Quân đội phải đứng ngoài việc phục vụ cho một đảng mà chỉ để dùng chống ngoại xâm mà thôi.
No comments:
Post a Comment