Ukrain tuy trên danh nghĩa đã độc lập với Nga nhưng trên thực tế thì vẫn bị lệ thuộc về kinh tế. Điều khiến người cầm quyền tại Ukrain phải ngả theo Nga khi mà cuộc thương thuyết để vào Liên Âu đã đến phút chót là nếu Ukrain đi theo Liên Âu thì Nga sẽ nâng giá bán ga và dầu xăng cho Ukrain. Ukrain phải mua nhiên liệu với giá cao sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế và việc hủy bỏ gia nhập Liên Âu vào phút chót để theo Nga có nghĩa là Ukrain từ bỏ độc lập, chủ quyền vì áp lực kinh tế của Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga đòi tăng giá nhiên liệu. Trước đây, năm 2004, khi dân Ukrain tranh đấu qua cuộc Cách Mạng Màu Cam để có người lãnh đạo là Viktor Yushchenko chủ trương độc lập với Nga thì Nga cũng đã tăng giá ga và xăng dầu bán sang Ukrain. Cuộc Cách Mạng Màu Cam xảy ra vì ứng cử viên thân Nga là Viktor Yanukovych đã gian lận trong bầu cử và tuyên bố mình thắng. Người dân Ukrain phẫn nộ xuống đường phản đối. Khi Nga tăng giá, Ukrain trả đũa bằng cách không trả tiền cho Nga theo giá mới. Nga trả đũa lại bằng cách đóng ống dầu khí đi sang Ukrain và làm ảnh hưởng đến cả Tây Âu vì Tây Âu cũng mua dầu khí qua đường ống này. Đến năm 2010, ông Yanukovych thắng cử rồi ngả về phía Nga thì Nga hạ giá dầu khí cho Ukrain . Khi ông Yanukovych định gia nhập Liên Âu thì Nga dọa sẽ tăng giá dầu khí khiến cho ông Yanukovych phải đổi ý.
Điều này cho thấy một nước có thể gây áp lực kinh tế lên nước bên cạnh khi nước này có chính sách không phù hợp với ý muốn của mình ra sao. Bài học từ Ukrain cho người Việt thấy là Trung Quốc cũng có thể trừng phạt kinh tế với Việt Nam nếu Việt Nam tỏ ra cứng đầu không chịu theo "16 chữ vàng" mà Trung Quốc muốn. Muốn có thể độc lập với Trung Quốc thì Việt Nam ngay từ đầu phải giừ sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc ở tỉ lệ vừa phải để khi Trung Quốc làm khó dễ thì kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này xem như quá trễ.
Cụ thể của việc Việt Nam tự mua dây thắt cổ là việc Việt Nam bỏ ra 200 triệu để làm ống dẫn dầu dài 225 km từ Khâm Châu, Trung Quốc qua Quảng Ninh. Giả sử ngày nay Việt Nam có cái lợi là mua dầu rẻ thì trong tương lai, Việt Nam sẽ có thể lâm vào tình trạng như Ukrain ngày nay, nghĩa là sẽ gặp khó khăn về kinh tế khi Trung Quốc cố tình tăng giá dầu để đánh vào kinh tế Việt Nam. Những người chủ trương làm ống dẫn dầu có thể bào chữa là ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số dầu được nhập cảng. Nhưng việc bỏ ra 200 triệu để làm ống dẫn dầu có thực sự là khôn ngoan? Sao không bỏ món tiền đó vào việc xây nhà máy lọc dầu cho chính Việt Nam. Cùng một số tiền đó bỏ ra xây nhà máy lọc dầu thì sẽ có được dầu với giá rẻ hơn là nhập cảng dầu đã lọc của nước khác, mà còn xây đắp được sự độc lập, tự chủ cho quốc gia.
Minh Đức
Đàm phán xây đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc đến Việt Nam
- Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrolimex) đang đàm phán với PetroChina về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu nối giữa nhà máy lọc dầu lớn Khâm Châu của Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây với kho chứa dầu K130 của Petrolimex ở tỉnh Quảng Ninh.
Theo một thông cáo của Petrolimex được hãng tin Reuters đăng lại, đường ống này sẽ có chiều dài 225km. Đường ống dự kiến chạy qua biên giới Việt Nam ở thành phố Móng Cái, tổng chi phí xây dựng vào khoảng 212 triệu USD. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2014.
Petrolimex cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn dầu sẽ giúp đảm bảo nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ lâu dài, bền vững và giá cả cạnh tranh cho khu vực miền Bắc.
Tập đoàn này dự định sẽ mua xăng và dầu diesel qua đường ống này. Theo trang tin Platts, cùng nằm trong dự án, một kho chứa dầu mới sẽ được xây dựng tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Theo Petrolimex, trong giai đoạn 1, kho chứa dầu này sẽ có khả năng trữ 60.000 m3 xăng và 90.000 m3 dầu diesel.
Kho chứa dầu Hải Hà sẽ kết nối với trạm K130 hiện tại ở Hạ Long, với sức chứa khoảng hơn 150.000 m3. Theo chính quyền tỉnh Quảng Ninh, chính phủ Việt Nam có kế hoạch sẽ tăng sức chứa của K130 lên 412.000 m3 vào năm 2020.
Nhu cầu xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam đã giảm 28,6% trong năm ngoái khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 35% nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam, nhu cầu xăng dầu cũng sẽ tăng nhanh. Trong giai đoạn từ 2011 - 2015, dự kiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu sẽ 6 - 8% mỗi năm, tương đương tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Năm 2010, Việt Nam tiêu thụ 16,3 triệu tấn các sản phẩm xăng dầu, trong đó 11,6 triệu tấn là từ nguồn nhập khẩu. Tổng nhu cầu tăng 8,7% từ năm 2009 đến nay. Theo dự tính của Petrolimex, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ đạt 19,5 triệu tấn vào năm 2013 và tăng lên mức 29 - 31 triệu tần vào năm 2020.
Hoàng Yến
Việt Báo (Theo_VnMedia)
No comments:
Post a Comment