Trong ca khúc Địa chỉ của tôi : Liên bang Soviet (Мой адрес – Советский Союз) do nhóm Samotsvety hát năm 1978, Liên bang Soviet được ví như một đoàn tàu tốc hành hùng dũng lao về phía trước. Tuy nhiên, “đoàn tàu” đã vĩnh viễn dừng bánh tại một ga xép nhỏ, sau đó 13 năm.
Liên bang Soviet (СССР, tên gọi tắt là Liên Xô) được thành lập ngày 30 tháng 12 năm 1922 và giải thể ngày 25 tháng 12 năm 1991. Nó kế thừa hầu hết lãnh thổ và di sản chính trị – văn hóa của Đế quốc Nga (Российская империя), sau khi giải thể, lãnh thổ bị phân chia thành 15 quốc gia độc lập nhưng chỉ có Liên bang Nga (quốc gia rộng nhất) kế thừa các di sản chính trị của Liên Xô. Sau hai thập niên từ chính biến 1991, tranh cãi về di sản Liên bang Soviet cũng như việc bảo tồn những giá trị tích cực của cựu chính thể này vẫn là vấn đề nhức nhối ở Nga.
☭ KỲ I : VLADIMIR ILYICH LENIN
Liên bang Soviet tuy thành lập vào năm 1922, nhưng quá trình hình thành đã có từ trước. Các sử gia thường lấy mốc là sự kiện Cách mạng Tháng Mười, nó diễn ra trong thời điểm 7 và 8 tháng 11 năm 1917. Đảng Bolshevik đã tận dụng được sự bất mãn trong dân chúng về chiến tranh và nạn đói, họ huy động công nhân và thủy thủ Petrograd nổi dậy lật đổ chính phủ lâm thời Cộng hòa Nga (thành lập từ sự kiện Cách mạng Tháng Hai cùng năm). Hệ quả trực tiếp của cuộc chính biến này là khiến nước Nga rút khỏi Đệ nhất Thế chiến mà không phải chịu nhiều tổn thất, nhưng đồng thời đặt nước Nga ở nguy cơ bùng nổ nội chiến. Trong suốt thời kỳ Soviet, Cách mạng Tháng Mười được coi là ngày lễ trọng đại nhất, có duyệt binh và nghỉ công sở. Đến khi chính thể này tan vỡ, ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười bị phế bỏ, sau đó được thay bằng Ngày hòa giải và hòa hợp (4 tháng 11) ; khi ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống, Cách mạng Tháng Mười được khôi phục với tư cách ngày kỷ niệm (tức là không có nghỉ công sở). Năm 2013, một dự luật mới được đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin, theo đó, rất có thể Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười được gọi chung là Cách mạng Nga vĩ đại – với ý nghĩa, hai sự kiện này góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa nước Nga. Những ảnh thực về diễn biến Cách mạng Tháng Mười dĩ nhiên không tồn tại, nó chỉ được phục dựng bằng âm nhạc, mĩ thuật, điện ảnh… nguồn tư liệu xác tín nhất là cuốn sách Mười ngày rung chuyển thế giới (Ten days that shook the world) của John Reed, ngoài ra còn có một số sách báo do Đảng Bolshevik phát hành. Mặc dù có tầm quan trọng đối với lịch sử nước Nga, nhưng đây là sự kiện diễn ra trên quy mô nhỏ (nội đô Petrograd), những cuộc đụng độ vũ trang cũng không gây thiệt hại bao nhiêu.
Ngày 7 tháng 11 cũng là thời điểm bùng nổ cuộc Nội chiến Nga và kéo dài cho đến cuối năm 1922. Trong khoảng 100 năm trước đó, nước Nga chưa từng chứng kiến cuộc chiến nào sôi động và thảm khốc đến thế, khắp lãnh thổ đều vang tiếng súng, các bên tham chiến đối xử với nhau rất tàn nhẫn. Những người thuộc chính phủ Cộng hòa bị lật đổ đã phát tín hiệu cầu cứu khối Hiệp Ước, đáp lại là cuộc can thiệp của 14 nước. Tuy nhiên, nguyên cớ xung đột không đơn thuần như vậy : đó là mâu thuẫn giữa phái Bolshevik (chủ trương Leninism) và phái Menshevik (chủ trương dân chủ xã hội), giữa cộng sản và bảo hoàng, giữa nông dân và chính phủ, giữa người Chính thống giáo và chính quyền mới (phủ nhận tôn giáo), giữa sắc dân thiểu số với dân tộc Nga… Nền công – thương nghiệp vốn đã kém cỏi của Nga bị chiến tranh phá nát, nông nghiệp đình đốn khiến nạn khan hiếm thực phẩm trở nên nghiêm trọng.
Phong trào Trắng (Белое движение) là tên gọi lực lượng phản kháng chính quyền Soviet. Thành phần xuất thân của lực lượng này rất đa dạng nhưng đều chung mục đích hạ bệ Đảng Bolshevik, khôi phục một nước Nga với bản sắc vốn có.
Đại hội Soviet toàn Nga lần III, Всероссийский съезд Советов
Đại hội Soviet toàn Nga lần III (III Всероссийский съезд Советов) tổ chức từ 23 đến 31 tháng 1 năm 1918 đã quyết định dời đô từ Petrograd về Moskva (do Petrograd nằm sát biên giới Nga – Phần Lan, vị trí khó phòng thủ trong điều kiện chiến tranh). Vladimir I.Lenin vẫn được tín nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Dân ủy của nước Cộng hòa – chức vụ này cũng đồng nghĩa với vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng Bolshevik. Quốc danh là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Soviet Liên bang Nga (Российская Советская Федеративная Социалистическая Республика). Cho đến năm 1922, chính thể này chỉ được duy nhất Ireland công nhận tính hợp pháp.
Sa Hoàng Nicolai II và gia đình, tất cả đều bị cơ quan mật vụ Xô Viết bắn chết và không cho công chúng biết chỗ chôn xác. Sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, địa điểm chôn xác mới được tiết lộ
Với quân lực ít mà phải dàn trải tứ phía, chính quyền Soviet không ngại sử dụng những biện pháp khốc liệt nhất. Sự kiện đầu tiên là ngày 17 tháng 7 năm 1918, gia đình Sa hoàng Nikolai II bị sĩ quan Cheka (cơ quan mật vụ) sát hại bằng súng lục. Feliks Dzerzhinsky (giám đốc Cheka) từng tuyên bố trên báo New Life : “Chúng tôi hiện thân là sự khiếp sợ được tổ chức – điều này cần phải được nói rất rõ ràng – sự khiếp sợ như vậy là rất cần thiết đối với điều kiện cuộc sống của chúng ta hiện nay trong thời gian cách mạng“. Cheka đề ra chính sách Khủng bố Đỏ (Красный террор), dùng mọi thủ đoạn từ bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu cho đến hành quyết, thảm sát đối với mọi phần tử đối kháng chính quyền Soviet. Những hành vi này được công khai chụp ảnh, quay phim chứ không mấy khi che giấu.
Sau Cách mạng Tháng Mười, Vladimir I.Lenin thường xuyên diễn thuyết trước đám đông hoặc tham dự những buổi đại hội công đoàn, cao điểm là năm 1918 – năm khốn đốn nhất của chính quyền Soviet. Việc làm này đã phần nhiều chiếm cảm tình của công chúng Moskva, đồng thời gia tăng sự ủng hộ của người dân Nga đối với Đảng Bolshevik – bởi lúc này, chiến tranh và nạn đói đã gây chia rẽ nước Nga.
Fanni Kaplan, người ám sát hụt Lenin
Ngày 30 tháng 8 năm 1918, Lenin bị ám sát khi đang diễn thuyết tại nhà máy Búa Liềm (Moskva). Thủ phạm là Fanni Kaplan (tên thật : Feiga Haimovna Roytblat, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1890, người Ukraina gốc Do Thái), cô len lỏi giữa đám đông và bắn ba phát đạn từ khẩu Browning (giấu trong túi xách) : một xuyên qua cổ, một trúng phổi trái và một găm vào xương đòn phải. Rất may cho Lenin, lúc đó ông mặc áo khoác dày và được sự hỗ trợ của đám đông nên tính mạng không bị nguy hiểm, chỉ phải nằm nghỉ ít ngày. Thủ phạm ngay sau đó bị bắt, một số người tòng phạm hoặc là trốn thoát hoặc bị cảnh vệ bắn chết. Những người này được xác định là thành viên của Đảng Xã hội Cách mạng Cánh tả (một trong những tổ chức tham gia chính phủ lâm thời Cộng hòa Nga). Tại phòng thẩm vấn của Cheka, Fanni Kaplan nói : “Tên tôi là Fanya Kaplan. Hôm nay tôi đã bắn Lenin. Tôi thực hiện việc đó một mình. Tôi sẽ không tiết lộ ai đã trao cho mình khẩu súng. Tôi sẽ không cung cấp bất cứ tình tiết nào. Tôi đã quyết tâm hạ sát Lenin từ lâu. Tôi coi ông ta là kẻ phản cách mạng. Tôi từng bị lưu đày tại Akatui vì can dự vào một kế hoạch ám sát quan chức Sa hoàng tại Kiev. Tôi đã trải qua 11 năm lao động khổ sai. Sau cách mạng, tôi được trả tự do. Tôi ủng hộ Hội đồng Lập hiến và điều đó không bao giờ thay đổi“. Ngày 3 tháng 9 năm 1918, Fanni Kaplan bị xử tử bởi một phát súng phía sau gáy.
Hình bìa Hiếp Pháp nước Nga Soviet ban hành năm 1918, Обложка Конституции РСФСР 1918 года
Ngày 7 tháng 10 năm 1918, bản Hiến pháp nước Nga Soviet (Конституция РСФСР 1918 года) được công bố. Nội dung chính của nó bao gồm : Giai cấp công nhân là lực lượng cầm quyền duy nhất, dựa trên nguyên tắc chuyên chính vô sản ; công nhân phải thiết lập được liên minh chính trị với nông dân, đảm bảo quyền lợi công bằng ; tầng lớp trung lưu, thượng lưu, những người bảo hoàng và ủng hộ Bạch vệ binh không được tham gia tuyển cử cũng như nắm giữ chức vụ trong hệ thống công quyền ; cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội Soviet toàn Nga (tương tự quốc hội), mỗi địa phương phải cử ra đại biểu Soviet cho mình, mọi quyết định chính trị được thông qua bởi các kỳ họp Đại hội. Bên cạnh đó, bản Hiến pháp cũng xác định các thành phần cơ bản của xã hội Nga là : công nhân (trí thức được xếp vào nhóm này), nông dân, Hồng quân, người Kazakh. Từ lúc này, chủ nghĩa Marx (Marxism) cùng những quan điểm chính trị – xã hội của Vladimir I.Lenin (gọi chung là Marxism-Leninism) được xem là triết lý kiến thiết nước Nga.
Trong giai đoạn kiến tạo nhà nước Soviet, hai văn kiện quan trọng nhất là Nghị định hòa bình (Декрет о мире) và Nghị định đất đai (Декрет о земле), cùng được ban hành ngày 8 tháng 11 năm 1917. Nội dung chủ yếu của bản Nghị định hòa bình là đưa nước Nga đơn phương rút khỏi cuộc Đệ nhất Thế chiến, chấp nhận mất một phần lãnh thổ cho Đế quốc Phổ và bồi thường chiến phí. Bản Nghị định đất đai nhằm xác lập lại vai trò của bất động sản trong xã hội Nga (thành phần chủ yếu là nông dân lĩnh canh), nó quy định rằng : đất đai (bao gồm đất hoang, đất canh tác, nhà ở và công trình kiến trúc), nông cụ, gia súc thuộc sở hữu của toàn dân (tức là giao cho các Soviet địa phương quản lý) ; việc sản xuất và tiêu dùng phải được tập thể hóa triệt để ; trách nhiệm phân phối nông phẩm và cung cấp tư liệu sản xuất thuộc về Nhà nước. Thực chất, bằng cách này chính quyền Soviet đã xóa bỏ quyền tư hữu của cải (những thứ do người dân tự làm ra), mọi tư liệu sản xuất bị trưng thu cưỡng bức và không bồi thường ; chính sách này cũng đồng thời gây hệ lụy sút giảm năng suất lao động và sự phẫn nộ trong quần chúng lao động. Ngày 19 tháng 2 năm 1918, Nghị định đất đai được kiện toàn hóa bởi Luật cơ bản về xã hội hóa đất đai (Основной закон о социализации земли) ; ngày 1 tháng 12 năm 1922, Luật đất đai (Земельный кодекс) chính thức được ban hành.
Biếm họa của chính quyền Soviet năm 1919 : Các tướng Bạch vệ Anton Denikin (1872 – 1947), Aleksandr Kolchak, Nikolai Yudenich được ví như những con chó bị điều khiển bởi các ông chủ Hoa Kỳ, Pháp, Anh.
Tranh cổ động của phe Bạch vệ năm 1919 : Tòa lâu đài tượng trưng cho nước Nga, chiến binh là hình tượng người Bạch vệ quân, con rồng đỏ là Đảng Bolshevik. Dòng chữ : Vì nước Nga thống nhất (За единую Россію).
Xử bắn những kẻ chống lại tập thể hóa đất đai. Ảnh trích từ bộ phim Ngày xửa ngày xưa có một bà (Жила-была одна баба), truyền hình Nga sản xuất năm 2011. Расстрел-тамбовского-восстания1
Cuộc trưng thu lương thực để phục vụ chiến tranh và tập thể hóa đất đai (được gọi là chính sách Cộng sản thời chiến) đã giáng đòn mạnh vào đời sống nông dân Nga, bắt đầu từ năm 1919, tình trạng mất mùa và nạn đói trở nên phổ biến khắp nước. Ngày 15 tháng 8 năm 1920, nông dân một số huyện trong tỉnh Tambov căm phẫn đã vùng lên chống đối chính quyền Soviet. Chỉ đến ngày 19 tháng 8 thì cuộc nổi dậy lan ra khắp tỉnh. Điều đáng chú ý, Tambov được xem là vựa lúa của nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười. Đáp trả, chính quyền đã cử tướng Mikhail Tukhachevsky (1893 – 1937) đem khoảng 55 ngàn Hồng quân tới dẹp loạn. Những người nông dân đã tự vũ trang thành quân đội, khoảng 50 ngàn quân nổi dậy chống lại quân chính phủ có pháo binh, tàu bọc thép, phi cơ yểm trợ. Cuộc phản kháng kéo dài đến tháng 6 năm 1921 thì bị dập tắt. Hồng quân đã sử dụng mọi vũ khí tối tân có được, thậm chí là vũ khí hóa học để hạ gục đối phương. Sau khi quân nổi dậy bị đánh tan, quân chính phủ xộc vào những ngôi làng có dính líu tới cuộc nổi dậy và lùa dân ra bãi đất trống xử tử. Ước khoảng 240 ngàn thường dân bị thảm sát, nhiều ngôi làng bị thiêu trụi. Ảnh chụp về cuộc nổi dậy hầu như ở tình trạng không hoàn hảo, ảnh trên trích từ bộ phim Ngày xửa ngày xưa có một bà (Жила-была одна баба), truyền hình Nga sản xuất năm 2011.
Ảnh trên: Một gia đình nông dân Nga trong những năm thực thi chính sách Cộng sản thời chiến (Военный коммунизм).
Ngày 29 tháng 10 năm 1918, tổ chức Komsomol (Đoàn Thanh niên Cộng sản) được thành lập ; ngày 19 tháng 5 năm 1922, Đội Thiếu nhi toàn Liên bang (ВЛКСМ) cũng ra đời. Hai tổ chức này là lực lượng dự bị của Đảng Bolshevik (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Liên Xô) ; hiện nay, Komsomol và VLKSM vẫn duy trì hoạt động nhưng lượng thành viên không nhiều. Cách thức hoạt động của các tổ chức này tương tự Hướng đạo, nhưng kết hợp với lý luận chính trị.
Huy hiệu Thiếu niên Soviet.
Yakov Mikhailovich Sverdlov (Яков Михайлович Свердлов) (1885 - 1919)
Ngày 16 tháng 3 năm 1919, Yakov Mikhailovich Sverdlov (Яков Михайлович Свердлов, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1885, người Nga gốc Do Thái) từ trần vì dịch cúm. Ông là chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đại hội Soviet toàn Nga và được xem là cộng sự đáng tin cậy nhất của V.I.Lenin. Tên tuổi của Yakov Sverdlov được chính quyền Soviet tận dụng tối đa, một số chiến hạm và địa danh được đặt theo tên của ông, thậm chí cơ sở đào tạo chính trị lớn nhất của Đảng Bolshevik được đặt là Đại học cộng sản mang tên Y.M.Sverdlov (Коммунистический университет имени Я.М.Свердлова).
Lev Davidovich Trotsky (Лев Давидович Троцкий) (1879 – 1940)
Lev Davidovich Trotsky (Лев Давидович Троцкий, 1879 – 1940 / người Ukraina gốc Do Thái) là nhân vật quyền lực thứ nhì trong Đảng Bolshevik. Ông được biết đến là người sáng lập Hồng quân Soviet, mặt khác, Lev Trotsky cũng có vai trò quan trọng trong việc “Nga hóa” chủ nghĩa Marx và để từ đó Lenin xây dựng học thuyết chính trị mang tên mình.
Budyonovka
Chiếc mũ budyonovka (Будёновка) – kỷ vật đặc trưng của thời Nội chiến Nga. Nó được đặt theo tên của danh tướng Semyon Budyonny (1883 – 1973), họa sĩ Viktor Vasnetsov (1848 – 1926) thiết kế chiếc mũ này phỏng theo mũ chiến binh Nga cổ xưa. Đây là loại mũ chỉ dành cho kị binh và có vành che tai để giữ ấm.
Bởi chính sách tổng động viên gắt gao và cưỡng bách, lực lượng Hồng quân lên tới 5 triệu người, trong đó có cả trẻ em, phụ nữ và người già. Con số này gấp 3/2 lần tổng quân số Bạch vệ, Kazakh và 14 nước đồng minh. Với quân lực vượt trội và chất lượng vũ khí không hề kém cạnh, Hồng quân Nga Soviet đã mau chóng đánh tan mọi sứ quân khác và đẩy họ ra khỏi biên thùy. Trong cuộc truy kích về hướng Tây khoảng đầu năm 1921, Hồng quân Soviet tiến đến gần Warsaw (thủ đô Ba Lan), mưu toan nhuộm đỏ cả Âu châu, thậm chí đã dự định kêu gọi công nhân Đức nổi dậy thiết lập chính quyền vô sản. Tuy nhiên, liên quân Ba Lan – Ukraina dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Józef Piłsudski (1867 – 1935) đã đánh bại cuộc xâm lăng bất ngờ của binh đoàn Đỏ. Hồng quân Soviet phải triệt thoái khỏi Ba Lan và đến ngày 18 tháng 3 năm 1921 thì Hòa ước Riga được ký kết. Về căn bản, cuộc Nội chiến Nga xem như đã kết thúc, phía Soviet vẫn được coi là kẻ thắng thế vì bảo vệ được chính quyền và lãnh thổ.
Thời điểm sau Cách mạng Tháng Hai, chính phủ lâm thời Cộng hòa Nga ra tuyên bố trao quyền tự quyết cho các lãnh thổ từng bị Sa hoàng cưỡng chiếm. Phần Lan, ba nước Baltic, Belarus, Ukraina, Moldova, các nước Ngoại Kavkaz và Trung Á đều độc lập, tự xây dựng chính quyền riêng. Nhưng trong cuộc Nội chiến Nga, Đảng Bolshevik đã tiến hành xâm lược và sáp nhập trở lại đối với Belarus, Ukraina, Ngoại Kavkaz và Trung Á. Tại những khu vực này, chính quyền Soviet địa phương được dựng lên.
Symon Vasylyovych Petlyura (Симон Васильович Петлюра, 1879 – 1926) là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của phe Bạch vệ. Ông giữ chức vụ Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Ukraina (li khai khỏi Đế quốc Nga sau Cách mạng Tháng Mười) từ 1917 đến 1921, chính quyền Soviet coi ông là “phần tử phản cách mạng”. Sau khi Ukraina bị Hồng quân cưỡng chiếm và phải sáp nhập trở lại với Nga, Symon Petlyura sống lưu vong và tạ thế tại Paris (Pháp). Trong suốt thời cộng sản, tiểu sử Symon Petlyura bị nhà nước Soviet tô vẽ như một kẻ phản quốc, chống đối chính quyền, thậm chí còn bị gán cho danh hiệu “kẻ cướp” ; chỉ đến khi Liên Xô giải thể, chính phủ Ukraina đã suy tôn Symon Petlyura là anh hùng dân tộc và được đứng ngang hàng với Taras Shevchenko - hai nhân vật này đều là văn sĩ, cùng có đóng góp lớn cho phong trào độc lập quốc gia và chấn hưng văn hóa Ukraina. Các chính khách Ukraina mỗi khi công du nước Pháp đều viếng mộ ông tại nghĩa trang Paris.
Ngày 2 tháng 3 năm 1919, tổ chức Quốc tế Cộng sản được thành lập tại Moskva, để phân biệt với hai tổ chức trước đó, nó thường được gọi là Đệ tam Quốc tế (Коминтерн, 3-й интернационал). Ngay từ cương lĩnh thành lập, Đệ tam Quốc tế tự xem mình là đại diện cho phong trào giải phóng dân tộc khắp năm châu và vạch ra mục đích lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa – thiết lập chuyên chính vô sản trên quy mô toàn cầu. Thực chất, đây là hướng đi nhằm bành trướng ảnh hưởng của nhà nước Soviet ra ngoài biên giới, xóa bỏ tính đa dạng của các quốc gia – dân tộc và thay thế bằng mô hình trung ương tập quyền. Từ lúc này, cụm từ “xuất khẩu cách mạng” phát sinh như để chỉ trích chính quyền Soviet. Quốc tế Cộng sản mau chóng trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của nhiều cá nhân hoặc phe phái, đỉnh điểm là cuộc xung đột quyền lực giữa Lev D.Trotsky và Iosif Stalin.
Thủy thủ trên các chiến hạm tại Petrograd tham gia nổi dậy chống lại chính quyền Soviet (Кронштадтское восстание)
Ngày 24 tháng 2 năm 1921, công nhân Petrograd đình công đòi bãi bỏ chính sách độc quyền phân phối thực phẩm và hạn chế tự do ngôn luận của chính quyền Soviet. Ngày 1 tháng 3 cùng năm, khoảng 15 ngàn công nhân và thủy thủ Kronstadt (một hòn đảo ở ngoài khơi vịnh Phần Lan, được sử dụng làm căn cứ hải quân từ thời Sa hoàng) tổ chức meeting, họ đưa ra khẩu hiệu “Sức mạnh thuộc về Soviet, không chủ trương đảng phái !” (Власть Советам, а не партиям ! ). Một Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập và đến ngày 8 tháng 3 thì ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên hưởng ứng, họ cũng lên án sự xa rời quần chúng của Đảng Bolshevik. Ngay từ ngày 7 tháng 3, chính quyền Soviet đã cử 17.600 Hồng quân cùng 3683 chiến đấu cơ tấn công Kronstadt, tướng Mikhail Tukhachevsky giữ chức vụ tổng tư lệnh. Phe nổi dậy có khoảng 18 ngàn tay súng, với sự yểm trợ của hai thiết giáp hạm. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến ngày 18 tháng 3 năm 1921 thì chấm dứt, những người nổi dậy bị quật ngã. Ngay sau đó, Hồng quân tiến hành một cuộc tảo thanh đẫm máu : hơn 2 ngàn tù binh bị xử tử và 6459 thường dân hưởng ứng cũng bị thảm sát. Cuộc nổi dậy Kronstadt và sự kiện Tambov đã giáng đòn mạnh vào chính sách Cộng sản thời chiến, Lenin vô cùng sửng sốt vì Kronstadt vẫn được coi là ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng vô sản Nga, chính tại nơi đây cũng đã mở màn sự kiện Cách mạng Tháng Mười. Ngày 21 tháng 3 năm 1921, Ủy ban Kinh tế Tối cao Soviet (Высший Совет Народного Хозяйства) đã quyết định hủy bỏ chính sách Cộng sản thời chiến và thay thế bằng chính sách Kinh tế mới (Новая экономическая политика / НЭП).
Chính sách Kinh tế mới (НЭП / NEP) thực chất không xa rời nguyên tắc dân chủ tập trung (Демократический централизм) mà Đảng Bolshevik đã khởi xướng từ năm 1917. Nền kinh tế thị trường tự do (trước đây thường được gọi là kinh tế tư bản – tư nhân) được phép tái hoạt động, nhưng quy mô chỉ vừa phải và chịu sự điều phối đáng kể của nhà nước. Mặc dù nó đã khắc phục được tình trạng khan hiếm thực phẩm, nhưng đời sống cộng đồng không có nhiều khởi sắc ; thời kỳ này, những người giàu có lên nhờ chính sách Kinh tế mới được gọi là NEPmen (Нэпманы), tất nhiên đó chỉ là thiểu số trong xã hội.
Ngày 21 tháng 2 năm 1920, V.I.Lenin đã báo cáo lên chính phủ Liên Xô (Sovnarkom) kế hoạch GOELRO (План ГОЭЛРО), tức là điện khí hóa trên diện rộng đất nước. Ngày 22 tháng 12 cùng năm, dự án này được phê chuẩn và thực thi với tên gọi Kế hoạch điện khí hóa nước Nga Soviet (План электрификации Р.С.Ф.С.Р). Lenin hồ hởi tuyên bố : “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là chính quyền Soviet cộng với điện khí hóa toàn quốc” (Коммунизм – это есть Советская власть плюс электрификация всей страны). Quả thật, kế hoạch điện khí hóa là bước thành công đầu tiên của chính quyền Soviet, nó đã đặt nền móng cho một nước Nga có văn minh công nghiệp và cũng lôi cuốn được những khoa học gia xuất sắc nhất lúc bấy giờ.
Lenin và Krupskaya
Từ năm 1922, sức khỏe Lenin bắt đầu giảm sút. Ông không thể đi diễn thuyết hay tham dự những cuộc họp đông người, thường xuyên phải tĩnh dưỡng và đôi lúc lên cơn đột quỵ, một bản di chúc chính trị đã khởi thảo trong bí mật. Sự ảnh hưởng của Lenin đối với tổ chức Đảng Bolshevik không còn mạnh mẽ nữa, các cá nhân tham vọng bắt đầu tranh giành quyền lực. Lev D.Trotsky tuy vẫn chiếm ưu thế nhưng dần bị cô lập, nổi lên một số nhân vật mới như Nikolai Bukharin, Griogry Zinovyev, Lev Kamenev, Iosif Stalin.
Ngày 29 tháng 12 năm 1922, đại diện 4 nước Cộng hòa (Nga, Ukraina, Belarus, Ngoại Kavkaz) đã ký tên vào bản Thỏa ước thành lập Liên bang Soviet (Договор об образовании СССР). Ngày 30 tháng 12 cùng năm, Đại hội Soviet toàn Nga họp đã tái khẳng định Thỏa ước này. Quốc danh được đề nghị là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Soviet (Союз Советских Социалистических Республик, gọi tắt là Liên Xô). 4 nước Cộng hòa được giữ nguyên quy chế tự trị (ngoại trừ các lĩnh vực ngoại giao – thương mại – quốc phòng), đảng cộng sản cầm quyền tại các quốc gia này là chi nhánh của Đảng Cộng sản Liên Xô. Thành phố Moskva vừa là thủ phủ của CHXHCN Soviet LB Nga vừa là thủ đô của Liên bang Soviet.
Ngày 12 tháng 11 năm 1923, mẫu quốc kỳ mới được công bố : Quốc huy được thay thế bởi ngôi sao đỏ và búa liềm vàng. Mẫu cờ này được sử dụng đến năm 1955.
Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Vladimir I.Lenin từ trần. Tang lễ dành cho ông được chính phủ Soviet tổ chức trọng thể trên quy mô toàn quốc, đây là sự kiện chính trị lớn nhất kể từ khi nhà nước Soviet được thành lập.
Một số nhà lãnh đạo cấp cao trong đoàn rước linh cữu.
(Khalin đi đầu, Stalin bên phải mặc quần áo trắng, đeo băng ở tay, Trostky đeo kính, phía sau Khalinin)
Di chúc của Lenin (Письмо к съезду)
Tháng 5 năm 1924, văn bản có nhan đề Thư gửi đại hội (Письмо к съезду, thường được biết đến với tên gọi Di chúc) của Lenin được đích thân vợ ông (Nadezhda Krupskaya) công bố trước chính phủ Soviet. Bức thư được Lenin viết trên giường bệnhtừ 23 tháng 12 năm 1922 đến 4 tháng 1 năm 1923, trong đó, ông chỉ ra khiếm khuyết của từng nhân vật tiêu biểu trong bộ máy quyền lực Soviet đương thời và kêu gọi các đồng chí của mình liên tục sửa đổi, cải thiện chính sách để tránh sụp đổ. Tuy nhiên, bản di chúc đã trở thành ngòi nổ cho một cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc.
Sau khi Lenin mất, chính phủ Liên Xô đã dựng một lăng tưởng niệm ông tại cổng chính điện Kremlin. Lăng này ban đầu được làm bằng gỗ và mở cửa cho người dân đến viếng từ 1925. Đặc biệt, thi hài Lenin được ngâm trong dung dịch chống phân hủy và quàn tại lăng. Một câu chuyện trào phúng thời Soviet như sau : Có lão nông viết thư đề người nhận là Vladimir I.Lenin, cán bộ ủy ban xã bèn hỏi ông : “Chẳng lẽ cụ không biết đồng chí Lenin đã mất rồi sao ?“, lão nông nói : “Mẹ kiếp ! Khi các người cần thì đồng chí Lenin cứ sống mãi, còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại mất rồi“.
Lăng Lenin (Мавзолей Ленина) được thiết kế dựa trên mô hình kim tự tháp Ai Cập. Diện tích tương đối nhỏ và chất liệu xây dựng không quá cầu kỳ.
Ngay từ buổi bình minh của điện ảnh, những thước phim chuyển động đã được sử dụng vào mục đích tuyên truyền chính trị, tuy nhiên thuở ban sơ, chúng thường là dạng phim tài liệu. Khi chính quyền Soviet được bảo toàn, phim ảnh đã được tận dụng để thu hút sự ủng hộ của quần chúng cũng như dư luận quốc tế. Bên cạnh phim tài liệu, chính quyền Soviet không ngần ngại tạo ra những phim có kịch bản dựng sẵn. Điển hình là bộ phim Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của mr.West trên đất nước Bolshevik (Необычайные приключения мистера Веста в стране большевиков), sản xuất năm 1924 : Một doanh nhân Mỹ tên là mr.West nảy ý định “thám hiểm” đất nước Soviet. Bạn bè rỉ tai mr.West rằng, người Soviet sống rất hoang dã, cho nên ông ta bận một chiếc áo lông thú sờn rách và đem gã cao bồi Jeddie theo để bảo vệ. Đến nơi, mr.West bị một nhóm người Bolshevik bắt cóc, họ khiến ông ta tin rằng đất nước Soviet còn ở tình trạng nguyên thủy ; nhưng những kẻ bắt cóc vốn là thuộc hạ của Sa hoàng. Sau khi được thả, mr.West đi tham quan Moskva nhìn thấy những công trình vĩ đại được xây mới dưới chế độ Soviet ; ông ta kết luận rằng người Soviet thực tế rất văn minh. Rồi mr.West tha thiết xin gia nhập đảng cộng sản, lúc về Mỹ, ông ta yêu cầu vợ treo chân dung Lenin giữa nhà.
Aelita (Аэлита) – bộ phim câm nổi tiếng của đạo diễn Yakov Protazanov (1881 – 1945), được sản xuất năm 1924. Nó được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết viễn tưởng cùng tên của nhà văn Aleksey Nikolayevich Tolstoy (1883 – 1945).
Một cảnh trong phim Aelita
Aelita (Аэлита) – bộ phim câm nổi tiếng của đạo diễn Yakov Protazanov (1881 – 1945), được sản xuất năm 1924. Nó được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết viễn tưởng cùng tên của nhà văn Aleksey Nikolayevich Tolstoy (1883 – 1945).
Bích chương quảng cáo phim Thiết Giáp Hạm Potyomkin, Броненосец Потёмкин
Bộ phim Thiết giáp hạm Potyomkin (Броненосец «Потёмкин») do Sergey Eisenstein (1898 – 1948) đạo diễn, ra đời năm 1925. Nó được xem là mẫu mực về kỹ thuật dựng phim. Đây cũng là bộ phim đánh dấu bước chuyển mình của điện ảnh Soviet : từ tính chất giải trí trở thành nghệ thuật đỉnh cao.
Sergey Mikhailovich Eisenstein là một nhà làm phim người Nga gốc Do Thái, ông đã sản xuất hàng chục bộ phim câm nhưng chỉ một số được biết đến : Đình công (Стачка), Thiết giáp hạm Potyomkin (Броненосец «Потёмкин»), Tháng Mười : Mười ngày rung chuyển thế giới (Октябрь : Десять дней,которые потрясли мир), Cũ và mới (Старое и новое), ¡ Que Viva México !, Aleksandr Nevsky (Александр Невский), Ivan Hung đế (Иван Грозный).
Ngày 28 tháng 12 năm 1925, một sự kiện gây chấn động nước Nga : Thi sĩ Sergey Aleksandrovich Yesenin từ trần. Thi thể ông được tìm thấy ở tình trạng treo lơ lửng trong căn phòng của khách sạn Anglettere, cạnh đó còn bức thư tuyệt mệnh được viết bằng máu. Nảy sinh nhiều giả thuyết rằng đây là một vụ ám sát được ngụy tạo, nhưng không có bằng chứng nào ủng hộ. Những năm cuối đời, Yesenin ở trong trạng thái suy kiệt về tinh thần, luôn đắm chìm trong bia rượu và đôi lúc phải điều trị tâm lý trong bệnh viện hàng tháng trời. Tang lễ dành cho ông được tổ chức trang trọng, có sự tham dự của hàng ngàn người ; bởi dẫu sao, ông cũng được coi là nhà thơ tình lớn thứ hai của nước Nga (sau A.S.Pushkin). Người ta đã rước linh cữu Yesenin diễu một vòng quanh tượng đài Pushkin. Cái chết của Sergey A.Yesenin có lẽ là sự kiện gây xúc động dư luận cuối cùng trong giai đoạn cầm quyền của V.I.Lenin ; từ lúc này về sau, văn hóa – nghệ thuật nước Nga rất mau chóng bị quyền lực chính trị đưa vào vòng kiểm soát.
Xem tin nguồn: http://ttxva.org/tro-lai-lien-bang-soviet-1/#ixzz2lgJKhswh
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook
Trở lại Liên bang Soviet (kỳ 2)
Published on November 25, 2013
Khi nhắc nhớ về Liên Xô, những người Nga luống tuổi thường thốt lên rằng : “Наша родина – СССР !” (Tổ quốc ta – Liên bang Soviet).
Từ cuối năm 1922, Vladimir I.Lenin bị tai biến và để an tâm nghỉ dưỡng, ông đã chỉ định Iosif Stalin (một tướng trẻ phụ trách mặt trận Nam Kavkaz) chức vụ Tổng bí thư BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, Lenin vẫn giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (nguyên thủ quốc gia) nhưng không mấy khi điều hành nữa. Đây là cơ hội để các nhân vật mới xuất hiện và gầy dựng thế lực ; họ là những cán bộ cấp cao và cấp vừa trong Đảng Cộng sản, hoặc là tướng lĩnh có chút uy tín trong Hồng quân. Nhưng chỉ sau khi Lenin từ trần (1924), cuộc tranh giành quyền lực mới trở nên lộ liễu và khốc liệt.
☭ KỲ II : IOSIF VISSARIONOVICH STALIN
Mikhail Ivanovich Kalinin (Михаил Иванович Калинин, 1875 – 1946) giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn chủ tịch Soviet Tối cao Liên Xô (vị trí tương tự nguyên thủ quốc gia) từ 1919 cho đến khi qua đời. Ông đứng ngoài những cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và chỉ có vai trò “vua không quyền lực”. Điều này phần nào tránh cho M.I.Kalinin khỏi những hiểm họa quyền lực. Người dân Soviet thường trìu mến gọi ông là Kalinych (Калиныч). Đây là một trong những nhân vật chính trị Liên Xô ít được quốc tế biết đến.
Ảnh chụp năm 1929 : Kliment Y.Voroshilov, Iosif Stalin, Mikhail Kalinin.
Trong giai đoạn 1925 – 1927, chủ yếu là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Lev D.Trotsky (1879 – 1940) và Iosif Stalin (1879 – 1953), họ đại diện cho hai nhóm có thế lực lớn nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Lev D.Trotsky nắm giữ bộ phận Chính trị, Ngoại giao, Quốc phòng còn Iosif Stalin chỉ có ảnh hưởng trong lực lượng mật vụ (GRU). Mọi bất lợi dồn về phía Iosif Stalin : Hầu hết cán bộ chính trị cấp cao và giới tướng lĩnh đều phản đối Stalin, ông chỉ được sự ủng hộ của Lenin – nhờ có điều này mà Stalin được tín nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, nhưng vào giai đoạn cuối đời của Lenin, ông cũng bị Lenin chỉ trích vì sự thô lỗ, chuyên quyền.
Giai đoạn 1926 – 1928, cuộc Nội chiến Quốc-Cộng (còn gọi là Bắc phạt trường chinh) lan rộng tại Trung Hoa Dân quốc. Iosif Stalin đứng về phía Trung Hoa Quốc dân Đảng để yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp tác, trong khi Lev D.Trotsky ủng hộ những người cộng sản Trung Hoa tiến hành cách mạng vô sản để lên nắm quyền. Thắng lợi của phe Quốc dân Đảng năm 1928 vừa gây được cảm tình của chính phủ Liên Xô vừa gián tiếp tạo uy tín cho Stalin. Từ 1927 đến 1929, Iosif Stalin vừa trục xuất vừa sử dụng mật vụ để tranh trừng những người ủng hộ Lev D.Trotsky. Khoảng tháng 2 năm 1929, Trotsky bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Liên Xô, quyền lực của Iosif Stalin trở nên vững vàng hơn lúc nào hết.
Năm 1927, Iosif Stalin hạ lệnh bãi bỏ NEP và thay thế bằng chính sách kinh tế hóa tập trung, một cơ quan đặc trách kinh tế được lập ra với tên gọi : Ủy ban Kế hoạch Quốc gia (Gosplan). Ở khu vực nông thôn, chính sách tập thể hóa nông nghiệp và trưng thu lương thực của kulak (phú nông) được ráo riết thi hành. Thực chất, nền kinh tế Liên Xô đã bị “quân sự hóa”, mọi sinh hoạt sản xuất và tiêu dùng bị đặt dưới sự điều khiển của Nhà nước.
Một bức tranh tuyên truyền cổ vũ cho ngành sản xuất thép. Женщины-трактористки у трактора Интернационал (1929)
Năm 1928, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (Great Depression) bùng nổ tại Mỹ và lan rộng khắp thế giới. Liên bang Soviet thuộc về số ít những quốc gia không bị ảnh hưởng, nhưng chủ yếu do nền công nghiệp của đất nước này còn rất nhỏ bé và ngoại thương thì không phát đạt. Đây cũng là thời điểm bắt đầu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928 – 1931), mục tiêu là chú trọng công nghiệp nặng để đưa Liên Xô trở thành một quốc gia công nghiệp hóa.
Sông Don Êm Đềm . Тихий Дон - 1928
Cũng vào năm 1928, phần 1 bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Don êm đềm (Тихий Дон) được phát hành, phần 2 ra mắt ngay năm 1929. Cuốn sách khắc họa số phận một gia đình Kazakh vùng sông Don từ Cách mạng Tháng Mười cho đến Nội chiến Nga, lập tức gây xôn xao dư luận văn học. Người ta kinh ngạc về quy mô của nó cũng như sự am tường sâu sắc văn hóa Kazakh của nhà văn. Tác phẩm văn chương này đã sớm đem lại vinh quang cho tác giả của nó – nhà văn Mikhail Aleksandrovich Sholokhov (1905 – 1984), bấy giờ còn là một tác gia trẻ và không nổi danh. Năm 1930, mặc dù tiểu thuyết chưa hoàn thành nhưng nội dung hai phần đầu đã được chuyển thể thành phim. Trong ảnh là trang bìa cuốn sách năm 1928.
Tác phẩm Sông Don êm đềm rất được Iosif Stalin ưa thích, chính Stalin cũng trực tiếp góp ý và sửa chữa một số đoạn trong tiểu thuyết này. Mikhail Sholokhov gần như trở thành nhà văn duy nhất được Iosif Stalin nâng đỡ phát triển sự nghiệp, năm 1932 ông gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và đến năm 1937 thì được bầu vào Tối cao Soviet (Верховный Совет, tương tự quốc hội). Khi M.Sholokhov sinh thời, tiểu thuyết Sông Don êm đềm được xuất bản ở dạng đã lược bỏ (kiểm duyệt những đoạn không phù hợp quan niệm của Nhà nước), phải đến năm 2011 thì nguyên bản tác phẩm mới được tìm thấy và ấn hành.
Ngày 14 tháng 4 năm 1930, đất nước Soviet lại rúng động vì cái chết của Vladimir Vladimirovich Mayakovsky (1893 – 1930). Gần giống như trường hợp Sergey Yesenin, V.V.Mayakovsky tự sát bằng súng lục và để lại thư tuyệt mệnh. Ông được coi là đại biểu lớn nhất của trường phái thơ vị lai (Futurism – trường phái này đề cao sự đoạn tuyệt với quá khứ, tán dương lối sống đô thị, thời đại của công nghiệp và tốc độ), cũng được xem là nghệ sĩ tiên phong của “thế hệ Tháng Mười” . Vladimir V.Mayakovsky tán thành nhiệt liệt cuộc Cách mạng Tháng Mười, ông đã tận dụng tối đa năng khiếu thi ca và hội họa của mình để tụng ca Đảng Cộng sản, Lenin – nổi tiếng nhất là các trường ca Đám mây mặc quần, Vladimir Ilyich Lenin. Tuy nhiên, kể từ sau Nội chiến trở đi, giọng điệu thơ Mayakovsky trở nên bi phẫn và có phần trào lộng trước thực trạng lối sống đô thị nhiều tệ nạn, sự tha hóa của các đảng viên cộng sản trước cám dỗ tiền bạc… Cái chết của Sergey A.Yesenin và Vladimir V.Mayakovsky đã chứng minh rằng : Nghệ thuật không thể là bạn đường của chuyên chế ; Nhà nước Soviet chỉ coi nghệ thuật là công cụ tô vẽ cho mình, phải sống dưới nền chính trị hà khắc với người nghệ sĩ là bi kịch, họ tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Một chuyện tiếu lâm lưu hành thời Soviet như sau : “Phải chăng Vladimir Mayakovsky bị ám sát ?”, “Đúng vậy. Và người ta đã ghi âm được lời nói cuối cùng của nhà thơ : Xin đừng bắn, các đồng chí !”.
Bút tích tuyệt mệnh của Vladimir V.Mayakovsky : “Tôi, có lẽ, là thi sĩ cuối cùng…” (Я, быть может, последний поэт…).
Закованная фильмой
Poster một bộ phim câm năm 1918 do Vladimir V.Mayakovsky vẽ, ông cũng đồng thời là nhà biên kịch và diễn viên của bộ phim.
Первый съезд Союза писателей СССР
Tại Đại hội Nhà văn Liên Xô lần 1 (Первый Всесоюзный съезд советских писателей) tổ chức từ 14 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1934, diễn văn đọc trước hội nghị của Maksim Gorky được xem là dấu mốc hình thành trường phái Hiện thực xã hội chủ nghĩa (Социалистический реализм) trong nghệ thuật. Ông cho rằng : “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khẳng định tồn tại như là sự hoạt động, sự sáng tạo mà mục đích là liên tục phát triển những năng lực quý giá của cá nhân con người, vì thắng lợi của nó đối với các lực lượng của tự nhiên, vì sức khỏe và tuổi thọ, vì cái hạnh phúc lớn nhất là được sống trên trái đất“. Trường phái này đề ra 3 nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật : Tính nhân dân (Народность), tính tư tưởng (Идейность), tính cụ thể (Конкретность). Thực chất, đây là sự “chính trị hóa” chức năng của nghệ thuật, nó loại bỏ tính nhân văn – giải trí để thay thế bằng sự cổ vũ và tuyên truyền cho ý thức hệ ; nghệ thuật không còn độc lập mà bị chính trị chi phối.
Anatoly Lunacharsky
Nhà phê bình nghệ thuật Anatoly Vasilyevich Lunacharsky (Анатолий Васильевич Луначарский, 1875 – 1933) được xem là nhân vật tiên phong của trào lưu Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngay từ năm 1906, ông đã đề ra thuật ngữ Hiện thực vô sản (Пролетарский реализм).
Рабочий и колхозница
Tượng đài Công Nông (Рабочий и колхозница), điêu khắc gia Vera Mukhina (1889 – 1953) hoàn thành năm 1937, tác phẩm được xem là tiêu biểu của phong cách Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
АХРР
Ảnh chụp một số thành viên của Hội Nghệ sĩ Cách mạng Nga (Ассоциация художников революции), một trong các tiền thân của Hiệp hội Nghệ sĩ Liên bang Soviet (Союз художников СССР).
Максим Горький 1936
Ngày 18 tháng 6 năm 1936, nhà văn Maksim Gorky từ trần. Chính phủ Soviet đã tổ chức lễ quốc tang dành cho ông. Trong ảnh là Chủ tịch Iosif Stalin và Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov dẫn đầu đoàn rước linh cữu, ngày 21 tháng 6 năm 1936.
Gorky-headphone
Những năm cuối đời của Maksim Gorky (1868 – 1936) cũng là thời điểm diễn ra cuộc thanh trừng khốc liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhiều bạn bè của Maksim Gorky bị Iosif Stalin giam cầm hoặc thủ tiêu, bản thân ông dù được Stalin tin tưởng nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Maksim Gorky từng nói rằng : “Chính trị là cái máy tạo ra tình trạng thù địch xã hội, những nghi ngờ ma quỷ, những lời nói dối không hổ thẹn, những tham vọng bẩn thỉu và sự không tôn trọng cá nhân. Kể tên bất kỳ thứ gì tồi tệ ở con người và nó sẽ chính xác trong mảnh đất của tranh giành chính trị lớn lên cùng tham vọng“.
Nguồn:
http://ttxva.org/tro-lai-lien-bang-soviet-1/
http://ttxva.org/tro-lai-lien-bang-soviet-ky-2/
Nguồn:
http://ttxva.org/tro-lai-lien-bang-soviet-1/
http://ttxva.org/tro-lai-lien-bang-soviet-ky-2/
No comments:
Post a Comment