Monday, May 5, 2014

Shibusawa Ei-ichi Thủy tổ của "chủ nghĩa tư bản Nhật"

Người lập ra "giới kinh tài"

Shibusawa Ei-ichi là nhân vật đã có những hoạt động rộng lớn trong thời Minh Trị, đã có quan hệ với rất nhiều xí nghiệp, đã dựng nên hầu hết các ngành nghề sản xuất hiện đại của Nhật Bản.

Các ngành nghề mà Shibusawa đã có quan hệ gồm từ ngân hàng tới đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, v.v.. Có thể nói, ông đã dựng nên khoảng năm trăm xí nghiệp lớn trong hầu hết các ngành nghề.

Chỉ bao nhiêu đó thôi, có thể nói Shibusawa chính là nhân vật tiên phong trong chủ nghĩa tư bản Nhật. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Cái quan trọng là ông đã tạo ra "giới kinh tài," một giới không thấy có ở nước ngoài.

Thí dụ, ở Mỹ có vua sắt thép Andrew Carnegie, vua ôtô Henry Ford, những người đã đẻ ra những xí nghiệp khổng lồ, đã lập ra những tài đoàn[1] lớn mạnh để cống hiến cho văn hóa, học thuật. Thế nhưng, họ đã không lập ra "giới kinh tài," tức là đoàn thể gồm những doanh nhân cùng làm ăn, cùng hoạt động với nhau. Nhân vật kinh doanh lớn như Rothschild của Anh, Krupp của Ðức, cũng vậy, nghĩa là cũng không lập ra "giới kinh tài."

Nhật Bản là nơi duy nhất đã thấy hình thành "giới kinh tài," từ đó phát sinh ra thể chế "phe phen[2]," "thể chế đồng lõa" của giới kinh doanh. Ðó là bởi vì Shibusawa đã đồng thời có quan hệ với hàng mấy trăm xí nghiệp, và như vậy đã tạo ra môi trường cho các xí nghiệp này cùng xuất vốn làm ăn với nhau. Là người đã tạo ra phong cách làm ăn độc đáo như vậy của chủ nghĩa tư bản Nhật, Shibusawa Ei-ichi quả có giá trị đặc biệt, đã để lại ảnh hưởng lớn đối với nước Nhật ngày nay. Ông thật xứng đáng là một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.

Shibusawa Ei-ichi sinh năm 1840 (niên hiệu Thiên Bảo thứ 11), và mất năm 1931 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ sáu), hưởng thọ 91 tuổi. Thật là sống lâu lạ thường so với những người đương thời.

Xuất thân ở quận Hanzawa, đất Musashino (nay là thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama), từ một gia đình phú nông. Thời nay, khi nói nông gia hay nông dân, người ta thường mường tượng một cách sai lầm rằng đó là một gia đình làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, tự cấp tự túc thực phẩm. Nhưng nông gia thời mạc phủ Tokugawa thì không hẳn thế. Gia thế Shibusawa Ei-chi thật ra làm nghề nuôi tằm, chế thuốc nhuộm bằng lá lam (lá tràm), và như vậy là một nhà kinh doanh tiểu công thương nhiều mặt.

Tơ tằm cũng như thuốc nhuộm, đều là những sản phẩm để đổi bán lấy tiền. Tự mình chế ra sản phẩm, đồng thời lại mua góp của những nhà sản xuất địa phương, rồi bán ra như là một nhà bán buôn địa phương vậy.

Xem như vậy, nên coi gia thế Shibusawa Ei-ichi là nhà buôn, là thương gia, hơn là nhà nông. Ngoài ra, nghe nói gia đình ông còn làm cả nghề cầm đồ nữa. Gia đình ông hẳn phải có máu mặt trong địa phương. Xem như vậy, Shibusawa Ei-ichi đã sống thời thiếu niên trong gia cảnh vừa là nhà nông, vừa là nhà buôn lại vừa là nhà công nghiệp. Là một gia đình phong lưu, cho nên ông có điều kiện học hỏi được nhiều thứ.

Năm Shibusawa 14 tuổi, đoàn tàu đen của đề đốc Perry tới vịnh Uraga, gây ra sự xôn xao lớn làm cho dư luận trong nước Nhật chia hai.

Năm 22 tuổi, ra thành Edo, Shibusawa đã nhập bọn với đám người chủ trương xua đuổi bọn man di và như vậy đã bôn tẩu phấn đấu nhiệt tình cho mục đích đó. Ông đã nhập bọn với đám người âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama nghĩa là đã tham gia vào những hoạt động quá khích. Ðiều này chứng tỏ ông ở tuổi thanh niên đã là một người theo chủ nghĩa quốc túy, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt.

Âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama là do Kiyokawa Hachiro chủ mưu. Nhân vật này đã đề xướng việc thành lập đội tự vệ Shinsen-Gumi, đã tìm mọi cách để thực hiện âm mưu đó nhân giai đoạn hỗn độn cuối thời mạc phủ Tokugawa, song sắp đến lúc thực thi kế hoạch thì mục đích lại thay đổi, nên cuối cùng bị ám sát. Việc âm mưu đốt khu nhà người ngoại quốc ở Yokohama này bị thất bại nửa chừng như vậy, phần lớn là vì tính khí của Kiyokawa.

Bỏ trốn về Kyoto được, Shibusawa năm 1864, tức là chỉ bốn năm trước cuộc cách mạng Meiji, đã được nhận vào làm cho gia đình Hitotsubashi, một trong ba dòng họ mạc chúa Tokugawa. Thế rồi, khi công tử Yoshinobu được chọn lên làm mạc chúa (đời thứ 15), thì Shibusawa cũng trở thành một nhân vật trung tâm của thể chế mạc phủ.

Trái hẳn với phần đông những nhân vật hoạt động trong thời Minh Trị, Shibusawa đã vào làm gia thần cho mạc chúa ở thời kỳ mạt vận. Năm 1867 (niên hiệu Khánh ứng năm thứ ba) ông tháp tùng công tử Tokugawa Akitake, em mạc chúa Yoshinobu, sang dự Hội chợ Paris và như vậy có cơ hội được mắt thấy tai nghe về Âu Mỹ. Tuy nhiên, nửa chừng cuộc viễn du đó, cuộc cách mạng Minh Trị xẩy ra và mạc phủ Tokugawa bị giải tán.

Lúc đó tại Hội chợ Paris có đủ cả hai phe ủng hộ và chống đối mạc phủ. Sau này, cùng với Shibusawa trở thành một nhân vật lớn trong giới kinh tài thời Minh Trị, là Godai Tomoatsu, cũng có mặt ở Paris trong đoàn đại biểu của phiên bang Satsuma, đang triển khai đường lối ngoại giao hư hư thực thực ở đó.

Năm 1868 (niên hiệu Minh Trị nguyên niên), Shibusawa về nước, bèn cùng với gia đình Tokugawa lui về sống ở Shizuoka, và có một lúc đã lãnh chức kế toán trưởng, tức là quan chức phát hành tiền tệ của phiên bang Sunpu. Ðây chỉ là một thời gian rất ngắn.

Trước nhất lập ra chế độ lưu thông tiền tệ

Từ Paris về nước, việc làm trước tiên của Shibusawa Ei-ichi là vay của lãnh địa Tokugawa ở Shizuoka 500 ngàn "lượng" (lúc ấy tiền còn tính bằng "lượng") tiền giấy phi hối đoái, để lập ra "Phòng thương mại," một công ty hợp doanh, tức là công ty cổ phần đầu tiên của Nhật Bản. Trong thời gian Hội chợ Paris diễn ra, Shibusawa đã được mắt thấy châu Âu, và ông đã tỏ ra vô cùng quan tâm tới sự thành lập công ty. Bởi thế, ông đã lập tức thực hành ý tưởng đó.

Vậy "Phòng thương mại" là công ty làm gì? Thật ra, đây chỉ là sáng kiến mượn tiền của chính phủ trong khi chưa quyết định nội dung việc làm của công ty. Chính chỗ này cho thấy rõ cái cách suy nghĩ, cái điểm tựa tư tưởng của Shibusawa trong hoạt động sau này của ông. Nghĩa là, Shibusawa Ei-ichi chỉ quan tâm thành lập những tổ chức, chứ không chú trọng tới việc làm giầu cũng như tới việc gây dựng ngành nghề.

Nhưng, Shibusawa không ở lại Shizuoka. Ông tức thời từ chức và năm sau, 1869 (niên hiệu Minh Trị thứ hai), trở thành công chức Bộ Kho bạc của tân chính phủ. Thời ấy vì thiếu nhân tài, nên chính phủ đã vui lòng thu nhận cả cựu thần của mạc phủ.

Năm 1871 (niên hiệu Minh Trị thứ tư), đơn vị tiền tệ đổi từ "lượng" thành Yen. Năm sau, chính phủ chế định điều lệ Ngân hàng quốc doanh với mục đích thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ, đồng thời, đốt bỏ những tiền giấy phi hối đoái đã phát hành từ trước. Cùng với động thái này, Shibusawa năm 1872, đã từ chức khỏi Bộ Kho bạc và vận động thiết lập "Ngân hàng quốc doanh số 1" để năm sau nữa, năm 1873, chễm chệ ngồi vào ghế thống đốc của ngân hàng này.

Thời đó, Shibusawa được coi là nhân vật số một trong những vấn đề tiền tệ, ngân hàng, tổ chức công ty. Cho nên, khi ngân hàng quốc doanh được thiết lập, thì trước hết người ta đã ngỏ lời mời Shibusawa vậy.

Sự việc này đã quyết định vận mệnh của Shibusawa. Bởi vì từ đó về sau, ông đã có cơ hội lập ra nhiều tổ chức, nhiều công ty khác nữa.

Trước hết, Shibusawa đã liên quan đến sự thiết lập hệ thống ngân hàng. Không phải chỉ có "Ngân hàng quốc doanh số 1," mà ông còn can dự vào sự thiết lập rất nhiều ngân hàng mang tên có số hiệu tại mỗi địa phương nữa.

Sau này, tới năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), Ngân hàng Nhật Bản, ngân hàng Nhà Nước "chính hiệu" mới được thiết lập. Chứ cho đến lúc đó, những ngân hàng như "Ngân hàng quốc doanh số 1," hay những ngân hàng địa phương khác, tuy gọi là Ngân hàng quốc doanh, nhưng thực chất chỉ là ngân hàng dân doanh, được Nhà nước cho đặc quyền phát hành tiền tệ, không có vốn của Nhà nước đổ vào, cũng chẳng được Nhà nước bảo đảm gì cả.

Với hiểu biết hạn chế, cũng như chỉ có vốn hạn hẹp, chính phủ Minh Trị đã lập ra chế độ theo đó Nhà nước cho những thương gia hay những nhà giầu có uy tín ở các địa phương, được đặc quyền phát hành tiền tệ. Thay vào đó, họ phải nộp thế chấp cho Nhà nước bằng tiền vàng tiền bạc thực. Nói cách khác, Nhà nước dựa vào uy tín của những nhà giầu, giữ vàng bạc của họ làm thế chấp, rồi cho họ phát hành một lượng tiền giấy, gọi là Phiếu Ngân hàng quốc doanh, nhiều gấp mấy lần giá trị thế chấp của họ.

Việc cho phát hành ngân phiếu quốc doanh như trên còn có một mục đích nữa. Ðó là dùng những ngân phiếu quốc doanh đã được Nhà nước nắm giữ thế chấp như vậy, đổi cho loại tiền giấy phi hối đoái đã được phát hành trước đó. Loại tiền giấy phi hối đoái do chính Chính phủ Minh Trị Duy tân phát hành, song vì lạm phát nên đã bị mất tín nhiệm.

Ngoài ra, bởi vì ngân hàng còn có chức năng giữ tiền gửi nữa. Vừa phát hành tiền tệ vừa giữ tiền gửi mà nếu phá sản, thì vấn đề phức tạp lắm. Cho nên Nhà Nước bắt phải nộp thế chấp bằng vàng bạc thực. Ðó là chế độ đã được lập ra vào đầu thời Duy tân Minh Trị. Không biết ai đã đề xướng ra chế độ đó, nhưng xem ra quả là một phương pháp thao tác tinh vi sự lưu thông tiền tệ tín dụng.

Trụ sở Ngân hàng quốc doanh số 1 ở khu Nihon-Bashi, một kiến trúc hoành tráng kiểu phương Tây do chính người Nhật thiết kế thi công, đã trở thành một danh thắng ở Tokyo, một đối tượng cho bà con dân quê lên tham quan rất đông.

Tiếp theo Ngân hàng Quốc doanh số 1 này, trên một trăm ngân hàng khác có tên gọi bằng số thứ tự, đã được thiết lập ở khắp nước Nhật. Một số ngân hàng như vậy hiện nay vẫn còn hoạt động. Chẳng hạn Ngân Hàng Số 4 ở Niigata[3], là một ngân hàng như vậy. Một số không nhỏ những ngân hàng như vậy đã được thiết lập với sự nhúng tay của Shibusawa. Tuy nhiên, phải nói rằng, sự nghiệp đầu tiên của Shibusawa là thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ của Nhật Bản, chứ không phải chỉ là thiết lập ngân hàng.



Cha đẻ ra chủ nghĩa hòa hợp kiểu Nhật Bản

Thứ đến, Shibusawa đã lập ra rất nhiều xí nghiệp sản xuất. Năm 1873 (niên hiệu Minh Trị thứ sáu), ông đã thiết lập công ty giấy ở Oji, Tokyo (công ty này sau mang tên Cty Giấy Oji), cho người cháu đứng làm giám đốc kỹ thuật. Sản xuất giấy là việc làm vô cùng quan trọng ở thời Minh Trị.

Chín năm sau, tức là năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), ông đã sáng lập công ty Sợi Dệt Osaka. Ðây chính là mốc khởi đầu của nền công nghiệp dệt may hiện đại của Nhật Bản. Từ đó, Nhật Bản đã dần dần trở thành nước tâm điểm của thế giới về may dệt. Ngoài ra, Shibusawa còn tham gia sáng lập ra nhiều xí nghiệp may dệt khác, như Công ty sợi dệt Mie, v.v..

Năm 1887 (niên hiệu Minh Trị thứ 20), ông đã sáng lập ra Công ty phân bón nhân tạo Tokyo. Nghĩa là khi thấy rằng phân bón hóa học không thể thiếu được trong công cuộc chấn hưng nông nghiệp, ông đã lập tức thiết lập công ty phân bón hóa học vậy.

Sau đó, Shibusawa đã tham gia vào sự thiết lập nhiều công ty khác như Ðiện lực Tokyo, Khí đốt Tokyo, Khách sạn đế quốc, Ðường sắt mỏ than Hokkaido, Tàu biển Toyo, Ðường sắt Kyofu, v.v..

Từ năm 1906 (niên hiệu Minh Trị thứ 39) cho đến 40 năm sau, phong trào huy động vốn bằng cổ phiếu để khuếch trương hay tân lập công ty, đã trở nên rất sôi nổi. Hễ Shibusawa trở thành chủ tịch cho ủy ban huy động nào, thì cổ phiếu của công ty đó bán chạy như tôm tươi, đến nỗi nhà văn Hasegawa Kotaro, trong cuốn "Bút ký về sự thịnh suy của các tài phiệt (Tài phiệt thịnh suy ký)," đã miêu tả sự kiện như vậy bằng lời viết "những cổ phiếu quyền lợi của công ty đã mọc cánh mà bay." Sự kiện này đã nói lên sự kỳ vọng của người ta trước sự việc Shibusawa đã gây dựng nên bao nhiêu công ty vậy.

Shibusawa Ei’ichi trong khi hoạt động tích cực gây dựng ngân hàng và công ty như vậy, thì đồng thời năm 1891 (niên hiệu Minh Trị thứ 24) đã nhậm chức Hội trưởng Phòng thương nghiệp Tokyo. Tổ chức này đã được thiết lập năm 1878 với tên gọi là Phòng thương luật, rồi đổi tên thành Phòng thương nghiệp. Ðến năm 1927 (niên hiệu Chiêu Hòa thứ hai), tổ chức này lại đổi tên thành Phòng thương công. Trong suốt thời gian ấy, Shibusawa đã liên tục giữ chức Hội trưởng.

Nói tóm lại, không những ông đã lập ra những xí nghiệp cá thể, mà còn lập ra tập thể gọi là "giới kinh tài" nữa. Chính Shibusawa đã tỏ ra vô cùng quan tâm tới việc lập ra giới này.

Theo Shibusawa, cái cơ sở để tạo nên chủ nghĩa tư bản Nhật là chủ nghĩa góp vốn và chủ nghĩa hợp tác. Nghĩa là, góp vốn từ mỗi người rồi hợp tác với nhau gây dựng ngành nghề sản xuất. Muốn vậy, không phải mỗi nhà kinh doanh chỉ một mình lo toan mỗi việc, là xong, mà phải đặt phòng thương nghiệp ở khắp nơi, rồi để cho phòng thương nghiệp này kêu gọi những nhà hằng sản địa phương bỏ vốn ra xây dựng công ty. Như thế mới là cách làm đúng. Nói cách khác, đây là sự đề xướng ra "chủ nghĩa hợp tác Nhật Bản" vậy. Thật ra, sự kiện này cho thấy chính Shibusawa đã hiểu lầm rằng công ty cổ phần là cơ quan hợp tác giữa các nhà tư sản. Sự hiểu lầm đó đã khiến Shibusawa đề xướng ra "chủ nghĩa góp vốn," rồi trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nó đã dần dần biến thành "chủ nghĩa tư bản kiểu hợp tác" đặc trưng của Nhật Bản. Chủ nghĩa như vậy lại dần dần phát triển thành "chủ nghĩa hợp tác của giới kinh tài" như thấy biểu hiện ở sự kiện mỗi khi thấy cần đầu tư vào vấn đề gì, là các xí nghiệp chủ yếu liền được kêu gọi góp vốn.

Cứ như thế, từ thời Minh Trị, qua Ðại Chính tới Chiêu Hòa, Shibusawa Ei’ichi đã hoạt động ở cương vị chỉ đạo trung tâm của giới kinh tài. Hễ có việc gì, là lập tức người ta lại bảo nhau "tốt hơn hết là hãy mời Shibusawa chủ trì."

Chủ nghĩa hợp tác kiểu Nhật Bản lại càng trở nên gắn kết mãnh liệt trong thời hậu chiến. Nó đã hình thành ra thể chế phe đảng hay thể chất phe phen của từng ngành nghề. Ðến nỗi ngày nay, mỗi khi muốn thành lập một ngành nghề mới, phải để cho Keidanren[4] hay Kankeiren[5] lên tiếng trước, rồi để cho các ngành nghề đã có trước góp vốn vào tùy theo tôn ti trật tự. Sự việc này đã trở thành "lệ." Có thể nói chính Shibusawa là cha đẻ ra xã hội phe phen kiểu Nhật Bản.



Iwasaki Yataro, một tồn tại đối chọi

Xem những nhà kinh doanh thời Minh Trị, người ta có thể chia họ ra làm loại người chủ trương hợp tác, dùng phương thức góp vốn để gây dựng ngành nghề như Shibusawa Ei’ichi, hay Godai Tomoatsu ở vùng Kansai, và một loại người khác có chủ trương đầu tư tiến bộ, phong cách kinh doanh "cá nhân chủ nghĩa." Ðiển hình của loại người thứ hai này là ông tổ của nhóm tài phiệt Mitsubishi, tức là Iwasaki Yataro.

Iwasaki Yataro là người đáng coi là kình phùng địch thủ của Shibusawa EiỴichi, cả trên trường kinh doanh, lẫn về kinh nghiệm nhân sinh, cũng như về chủ trương, chủ nghĩa. Hai người này, sau này va chạm với nhau kịch liệt trong nghề vận tải đường biển, quả là hai tồn tại đối chọi với nhau, nhưng lại bổ trợ lẫn cho nhau trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản Nhật.

Vậy Iwasaki Yataro là nhân vật như thế nào? Ðể hiểu rõ thời đại Minh Trị, người ta không thể bỏ qua điều này được.

Iwasaki Yataro sinh năm 1834 (niên hiệu Tenpo thứ năm), nghĩa là lớn hơn Shibusawa Ei’ichi sáu tuổi. Xuất thân ở phiên bang Tosa (nay là tỉnh Kochi), con một võ sĩ samurai không chúa nghèo xác mùng tơi, mãi đến ba năm trước thời Minh Trị, tức là năm 1865 (niên hiệu Keio nguyên niên), mới mua nổi một chân hương sĩ[6]. Xem như vậy đủ biết Yataro thời niên thiếu, thanh niên rất nghèo khổ. Trong khi đó, Shibusawa lại có thời kỳ trưởng thành trong may mắn tột bực.

Iwasaki Yataro cũng dính dáng tới những phong trào chính trị cuối thời mạc phiên. Năm 1862 (niên hiệu Bunkyu: Văn cửu thứ hai), ông đã cùng với Yoshida Toyo, một trọng thần của phiên bang Tosa, bôn ba cải cách chính trị của phiên bang. Sau khi Yoshida bị thích khách thuộc phe cần vương ám sát, thì Iwasaki đuổi theo hung thủ tới Osaka. Nhưng, việc không thành, ông lại trở về phiên bang.

Sau đó, ông mở cửa hàng bán gỗ, chẳng bao lâu thất bại. Ðây là lúc khởi đầu của cuộc đời thương gia, rồi nhà kinh doanh của Iwasaki. Năm Minh Trị nguyên niên, tức 1867, ông mở Thương hội Tosa ở Nagasaki để mua trang thiết bị cho phiên bang, rồi làm cố vấn cho thương hội này.

Trong cùng năm, người ta thấy Shibusawa đã vay 50 vạn lượng tiền giấy phi hối đoái của chính phủ để lập ra Sở thương luật ở Shizuoka trong lãnh địa của họ Tokugawa và Iwasaki cũng lập ra một tổ chức để khởi sự làm ăn trong vùng lãnh địa của phiên bang Tosa. Thời kỳ này, Iwasaki còn xưng tên là Tosaya Zembei, chứ mãi sau này ông mới đổi tên là Iwasaki Yataro. Thế nhưng, Thương hội Tosa cũng chẳng phát triển được bao nhiêu. Bởi vì phiên bang Tosa đã bị lung lay sau sự đổi đời sang thời Minh Trị.

Năm 1870 (niên hiệu Minh Trị thứ ba), Tosaya Zembei lập công ty Tosa Kaijosha. Công ty này cũng gặp bế tắc, nên đổi tên là Thương hội Tsukumo. Năm sau, với sự hủy bỏ chế độ phiên bang, thương hội này trở thành công ty tư của Iwasaki. Thời gian này, công ty chuyên dùng thuyền bè của phiên bang làm nghề thông thương đường biển. Năm 1872, công ty đổi tên thành Thương hội Mitsukawa, và năm sau lại đổi thành Thương hội Mitsubishi. Ðến đây thì quyền kinh doanh và quyền sở hữu của Iwasaki đã thực sự xác lập.

Sở dĩ Iwasaki cho đổi tên công ty liên tục là để có thể vay thêm tiền kinh doanh. Thời gian như vậy chính là lúc Iwasaki bị thất điên bát đảo. Sau này, nhìn vào những thành công của ông, người ta khó có thể tưởng tượng ra được những thất bại như vậy. So với Shibusawa đã được đi Tây, được mọi người tín nhiệm vì có hiểu biết mới mẻ, thì Iwasaki khác xa lắm vậy.



Chủ nghĩa cá nhân trong phép kinh doanh của Iwasaki

Sau một thời gian xoay xở liên hồi, từ năm 1874 (niên hiệu Minh Trị thứ bảy) Iwasaki bỗng phất lớn. Nghĩa là khi trụ sở chính của Thương hội Mitsubishi đã chuyển về Tokyo, rồi năm sau đổi tên thành Công ty Tàu Bưu chính Mitsubishi (Mitsubishi Yusen Gaisha) và bắt đầu mua được những tàu do chính phủ mạc phiên và Chính phủ Minh Trị thanh lý. Nói cách khác, nhờ công ty tàu biển này ông đã phất lớn.

Năm 1874 xảy ra loạn Saga. Công ty Mitsubishi được chính phủ thuê chở binh lính, quân nhu tới nơi xảy ra xung đột. Lúc ấy công ty vừa dùng tàu bè của phiên bang Tosa, vừa thuê thêm tàu thuyền khác và vận hành khéo léo. Năm sau, công ty được nhà nước bán lại cho tàu thuyền thanh lý, nhờ có thành tích tốt.

Thế nhưng, sự kiện làm cho Công ty Mitsubishi phát đạt vượt mức, là trận chiến tranh Tây Nam năm 1877 do Saigo Takamori khởi hấn. Ðể dẹp loạn này, chính phủ đã phải tập trung quân đội ở khắp nơi trên toàn quốc về Osaka, rồi từ đó dùng tàu chở tới Kyushu. Công ty tàu bưu chính Mitsubishi của Iwasaki đã lãnh thầu chuyên chở và nhờ đó đã có lời lớn. Lúc đó, binh sĩ của Saigo xuất thân từ hàng sĩ tộc (samurai) nên rất tinh nhuệ. Vì thế, giới lãnh đạo chính phủ Minh Trị như bọn Okubo Toshimichi đều thấy cần phải huy động một quân số và trang bị áp đảo so với loạn quân. Lại đúng là mùa đông, nên quan quân phải mua sắm đủ trang bị, nào quần áo dạ, nào giầy da, nào súng ống đạn dược. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản quân đội đã đi giầy da đánh trận.

Với Chính phủ Minh Trị lúc đó, đây là trận quyết định hơn thua, nên không hề cò kè đắt rẻ. Nhờ thế, các nhà thầu đều đã kiếm được những mẻ lời lớn. Có không ít người đã trở thành triệu phú, như họ Shibukawa nhờ cung cấp dạ, họ Okura nhờ cung cấp giầy da, v.v.. Riêng Iwasaki thì lời vô kể. Ðây là khởi điểm của nhóm tài phiệt Mitsubishi vậy.

Dùng tiền lời, Iwasaki đã bỏ ra mua rẻ các mỏ than và mỏ quặng. Mỏ quặng thời đó cũng có nhiều vấn đề, như vấn đề lao động, vấn đề nước ngầm, v.v., nên rất khó khai thác. Thế nhưng, nếu không giải quyết kịp thời thì sự nghiệp hiện đại hóa Nhật Bản không thực hiện được. Do đó, Chính phủ Minh Trị đã quyết định bán những hầm mỏ quốc hữu, quốc doanh cho tư nhân khai thác. Iwasaki mới nhân cơ hội đó, dùng tiền lời kiếm được từ nghề vận tải đường biển, đầu tư vào mua hầm mỏ do nhà nước bán lại, khéo léo chỉnh đốn lại kinh doanh nên lại lời lớn hơn nữa.

Cái suy nghĩ của Iwasaki luôn luôn là "chính mình." Công ty chỉ là bề ngoài, chỉ là cái vỏ mượn. Nói cách khác, ông muốn mọi cái của Mitsubishi đều phải tập trung vào cá nhân Iwasaki. Ông dát vàng lên quạt giấy, rồi nói huênh hoang "khi người ta cúi đầu trước vàng, người ta không thấy bực bội." Chuyện này đã được truyền tụng phổ biến.

Do đó, ông không chủ trương góp vốn của người khác. Trái lại, ông coi là ông vay tiền của người khác làm tiền riêng của mình, rồi dùng tiền đó đầu tư làm hết việc này tới việc khác. Khác với Shibusawa chủ trương góp vốn của đông đảo người hằng sản, Iwasaki chỉ chuyên đi vay mượn.

Một nhà báo kiêm sử gia hoạt động ở thời Minh Trị và thời Ðại Chính (Taisho), tên Yamaji Aizan, trong khi phân tích các nhà tư bản Nhật Bản trong sách "Luận về phú hào ngày nay," đã viết "một thân làm nên sự giầu có của một họ, thì chủ nghĩa của người như vậy gọi là chủ nghĩa cá nhân chẳng được sao?" Ông kể những đại phú hào như vậy là Iwasaki, Mitsui, Sumitomo và Yasuda[7].

Nếu Iwasaki chủ trương "để tao, để tao," thì ngược lại Shibusawa theo chủ nghĩa "mọi người, mọi người." Họ đại diện cho hai đường lối làm ăn điển hình của thời Minh Trị.



Ðối chọi trực tiếp với Iwasaki trong ngành vận tải đường biển

Hai nhân vật đã trực tiếp đối đầu với nhau trong ngành vận tải đường biển.

Công ty vận tải đường biển Tàu Bưu chính Mitsubishi (sau này đổi tên là Công ty Tàu Bưu chính Nhật Bản: Nihon Yusen) do Iwasaki lập ra, làm ăn mỗi ngày một lời lớn. Thấy vậy, trong nước đã xuất hiện ý kiến là phải phá vỡ sự độc quyền của Mitsubishi, mới mong làm cho ngành vận tải đường biển phát triển hơn nữa. Một người như Shibusawa, vốn chủ trương hình thức công ty hợp doanh (công ty cổ phần ngày nay), thì không thể bỏ qua sự thành công như vậy của Iwasaki được. Ông bèn góp vốn của đông đảo nhà đầu tư, lập ra một công ty hải vận đặt tên là Vận tải Cộng đồng (Kyodo Un’yu), và bắt đầu vận chuyển hàng hóa giữa Tokyo và Osaka.

Dĩ nhiên là giữa hai công ty đã có sự cạnh tranh khốc liệt. Lúc đó là thời nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản, cho nên sự cạnh tranh "đấm đá" đã diễn ra. Chẳng riêng gì hai công ty vận tải này, mà khắp nơi đâu đâu cũng thấy sự cạnh tranh quá khích. Sự cạnh tranh quá khích đã lên tới tột bực ở giữa hai công ty Tàu Bưu chính Mitsubishi và công ty Vận tải Cộng đồng. Hai bên đua nhau hạ giá cước. Thậm chí, cuối cùng giá cước đã thành miễn phí. Chưa dừng lại ở đó, họ còn quảng cáo: "Nếu đi tàu của chúng tôi thì còn được chiêu đãi cơm hộp nữa," hoặc "Biếu thêm một tấm vải nữa." Nghĩa là, sự cạnh tranh đã tới điểm xuẩn động. Bên nào cũng trở nên bướng bỉnh, khó trị.

Kết quả, công ty Vận tải Cộng đồng của Shibusawa bị phá sản. Phía Iwasaki, nhờ trận chiến tranh Tây Nam đã tích lũy được nhiều vốn, tàu thuyền đã khấu hao xong, thủy thủ được huấn luyện tốt hơn, nên đã cạnh tranh thắng. Thế nhưng, về mặt kinh doanh, công ty cũng bị liểng xiểng. Ðồng thời, năm 1885 (niên hiệu Minh Trị thứ 18) Iwasaki Yataro qua đời ở tuổi 52.

Ngay vào thời đó, thì tuổi 52 cũng hãy còn là trẻ. Người ta nói chính vì vụ cạnh tranh với Công ty vận tải cộng đồng, Iwasaki đã bị hao mòn sức khỏe mới đến nông nỗi ấy.

Trước khi hai công ty đua nhau hạ giá cước, Iwasaki và Shibusawa đã hội đàm với nhau. Shibusawa đề nghị: "Hãy cùng góp vốn mở công ty hợp doanh." Ðối lại, Iwasaki chủ trương: "Làm công ty mà như làm hội thân hữu, làm câu lạc bộ, thì làm sao giảm kinh phí được. Nhân viên mỗi công ty phải xả thân ra, phải phát huy tài năng mà cạnh tranh, để cho cái tốt sống sót, thì hơn." Tóm lại hai bên đã cãi nhau mà chia tay.

Nói riêng về vụ cạnh tranh này, Công ty tàu bưu chính Mitsubishi của Iwasaki đã thắng, Công ty vận tải cộng đồng của Shibusawa phá sản. Nhưng, sự việc này cho thấy sự hình thành hai luồng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản Nhật.



"Tài phiệt" và Nhóm Xí nghiệp Liên hệ khác nhau thế nào?

Một là hình thức tài phiệt đại biểu bởi nhóm Mitsubishi của họ Iwasaki, theo đó những người đồng tông đồng tộc cùng nhau lập ra công ty, rồi lợi nhuận thu được thì trả về cho cổ đông (cá nhân).

Lúc đầu chỉ có gia đình Iwasaki thôi, nhưng sau đó Công ty Mitsubishi mẹ trở thành cổ đông, và lợi ích thu được từ công ty con lại được công ty mẹ đầu tư vào công ty khác. Ví dụ, tiền lời thu được qua công ty tàu thuyền, thì được đầu tư vào để lập ra Công ty khoáng sản Mitsubishi. Công ty này khai thác than đá, có lời, thì tiền lời lại chia cho Công ty Mitsubishi mẹ để đầu tư dựng nên Công ty hóa chất Mitsubishi, Công ty điện cơ Mitsubishi. Nói cách khác, nhóm tài phiệt áp dụng hình thức chủ nghĩa tư bản vốn có xưa nay để lập ra rất nhiều công ty.

Không cứ gì nhóm tài phiệt Mitsubishi của dòng họ Iwasaki, những nhóm tài phiệt khác như Mitsui, Sumitomo, Yasuda cũng vậy. Nhất là tài phiệt Mitsui thì rõ ràng là "Công ty hợp danh Mitsui," tức là của riêng một họ Mitsui.

Iwasaki coi công ty là của cổ đông, cho nên, lợi nhuận phải được phân chia cho cổ đông. Vì thế, lợi nhuận do Công ty tàu bưu chính Mitsubishi kiếm được là của cá nhân Iwasaki Yataro. Ông dùng tiền này làm vốn lập ra Công ty khoáng sản Mitsubishi, chứ không để cho Công ty tàu bưu chính Mitsubishi lập ra công ty con về than đá, rồi công ty con về than đá lại lập ra công ty cháu về đóng tàu.

Nói khác đi, ở Nhật Bản cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hình thành tư bản cũng giống như ở những nước tư bản khác. Nghĩa là, một công ty thời tiền chiến dù cho lớn đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng không có tới năm mươi vừa công ty con vừa công ty cháu. Tuy có quan hệ gia đình trong cùng nhóm tài phiệt, song tất cả các công ty đều gắn liền với công ty nắm cổ phần, chứ không phải là công ty con của các công ty chuyên ngành hay của ngân hàng trong nhóm tài phiệt.

Trong nền kinh tế của Nhật Bản, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo,... đều là những tài phiệt khổng lồ. Song những công ty thuộc nhóm tài phiệt chỉ là cùng hội cùng thuyền với công ty xuất vốn (công ty chủ chốt của nhóm tài phiệt), chứ về mặt kinh doanh họ đều độc lập. Chỉ có một tổ chức duy nhất, tức là công ty chủ chốt của nhóm tài phiệt, đứng ra thống suất tất cả các công ty thành viên. Thế nhưng, số nhân viên cán bộ được bố trí tới các công ty thành viên chỉ là khoảng vài chục người. Các công ty đều độc lập và hình thức làm thuê suốt đời cũng không có. Ở điểm này, sau chiến tranh, sự kiện các xí nghiệp đã được hệ thống hóa lấy sự lưu thông vốn liếng làm nòng cốt, thì khác hẳn.

Sau chiến tranh, nếu xí nghiệp được nhiều lợi nhuận, họ chỉ phân phát cho cổ đông một phần rất nhỏ thôi, còn phần lớn họ bảo lưu lại trong nội bộ xí nghiệp, rồi tùy theo sự phán đoán của người kinh doanh, tiền lời đó sẽ được dùng đầu tư vào công ty con hay khuếch đại kinh doanh của công ty mẹ. Do đó, tầm hoạt động doanh nghiệp và quan hệ nhân sự lớn rộng ra, khiến sinh ra nhiều địa vị cho sự "thuyên chuyển từ trên xuống dưới[8]."

Ngày nay, một công ty lớn vừa vừa thôi cũng có thể có tới năm trăm công ty con và công ty cháu. Những công ty khổng lồ như Hitachi, Mitsubishi mậu dịch, thì có tới hơn một ngàn công ty con và công ty cháu. Chính vì họ đã lập ra nhiều công ty con và công ty cháu như vậy, nên họ có đủ chỗ cho những nhân viên trung niên và cao niên có thể thuyên chuyển xuống công ty cấp dưới, và như vậy thực hiện được chế độ làm thuê suốt đời[9].

Iwasaki Yataro và những người khác đã lập ra những nhóm tài phiệt, đều chủ trương chủ nghĩa cá nhân, tức là coi công ty cổ phần là sở hữu của cổ đông. Phương thức này là dập theo một cách trung thực chủ nghĩa tư bản Anh Mỹ.



"Giới tài phiệt," đoàn thể của những nhà kinh doanh làm thuê

Một cách suy nghĩ khác trái ngược hẳn, của Shibusawa EiỴichi, là công ty không nên là của riêng của một cá nhân nào cả. Nhiều người chung tiền lập ra công ty, vì thế nên coi đó là sản vật của chủ nghĩa góp vốn. Người có nhiều vốn có thể góp nơi này một ít, nơi kia một ít, để có quan hệ với nhiều công ty. Theo ông, cách làm như vậy đúng hơn. Nói cách khác, mỗi cổ đông chỉ góp chút ít vốn thôi, thì không có ai chiếm phần vốn áp đảo trong công ty cả. Người kinh doanh công ty sẽ cũng chỉ là người làm thuê.

Xuất thân phú nông, tiến thân làm quan cho mạc chúa, chuyển sang làm quan cho tân Chính phủ Minh Trị, sau nhờ có kiến thức mới nên được người ta cầu khẩn xin chỉ đạo lập công ty, Shibusawa không muốn mang toàn thân mình ra đánh cá độ. Vì chỉ muốn giữ địa vị "một người có máu mặt an toàn," cho nên ông cũng muốn cho những nhà kinh doanh làm thuê như ông được quyền thế và vinh dự vậy.

Nhà kinh doanh làm thuê là những người không phải đã đóng góp một số vốn lớn cho công ty, nhưng có hiểu biết, có máu mặt, nên ở trong công ty đã leo thang danh vọng lên tới địa vị tổng giám đốc, chủ tịch. Shibusawa đã nghĩ tới "giới kinh tài" như là câu lạc bộ cho những nhà kinh doanh làm thuê như vậy.

Shibusawa Ei’ichi đã không trở thành đại phú hào như Iwasaki Yataro. Cũng không thấy xuất hiện "nhóm tài phiệt Shibusawa." Thế nhưng, ông có quan hệ ở khắp nơi; nơi nào cũng thấy có mặt ông; ông đã lập ra rất nhiều công ty, đã tổ chức hóa rất nhiều người. Không có một công ty nào trở thành vật sở hữu của ông cả. Ðồng thời, ông cũng không lãnh trách nhiệm đối với bất cứ công ty nào. Chẳng hạn, khi công ty Vận tải Cộng đồng thua cuộc cạnh tranh và bị phá sản, thì Shibusawa cũng không chịu trách nhiệm gì cả.

Shibusawa đã lập ra Phòng Thương mại và công nghiệp (Phòng thương công), một tổ chức kết hợp tất cả những nhà kinh doanh làm thuê, tức là những người chỉ xuất vốn ít thôi nhưng lại nắm trong tay quyền kinh doanh công ty. Rồi ông lại lập ra những đoàn thể chuyên ngành, như Hiệp hội Sợi dệt, hoặc những đoàn thể khác. Ông quan niệm và thực thi sự hòa hợp trong giới kinh doanh, coi đó là cơ sở cho nền kinh doanh hiện đại.

Xem như trên, giới kinh tế Nhật Bản thời Minh Trị gồm có hai trào lưu, một đại biểu bởi Shibusawa với ý chí hướng tới các đoàn thể chuyên ngành, và một đại biểu bởi Iwasaki với chủ trương hình thành các nhóm tài phiệt. Thế nhưng, năm 1885 Iwasaki Yataro qua đời ở tuổi 52, nhóm tài phiệt Mitsubishi bị mất vị chủ soái.

Người kế nghiệp Yataro làm tổng giám đốc đời thứ hai, là em ruột Yataro tên là Yanosuke. Người này cũng có khả năng, song không thuộc loại có tài lãnh đạo độc tài, nên dần dần đã ngả dần sang lối làm việc hòa hợp. Thế rồi, sang thời Showa (Chiêu Hòa), công chức (quan liêu) các bộ Thương Công, Bộ Kho Bạc lần lần xía sâu vào nội bộ các ngành nghề sản xuất. Rồi từ sau khi Shibusawa mất năm 1931, thì thể chế hòa hợp do quan liêu chỉ đạo kiểu Nhật Bản đã hoàn thành.

Từ đó, mỗi người đều hòa hợp với nhau, toàn thể giới kinh doanh đều nhịp bước với nhau dưới sự chỉ đạo của quan liêu. Người kinh doanh cũng quan liêu hóa, sự thăng tiến trong các công ty trở thành hình thức theo thứ tự thâm niên. Hơn thế nữa, bản thân người kinh doanh lại không phải đã góp phần lớn vốn cho công ty, nên thái độ kinh doanh của họ trở nên tiêu cực. Họ nhìn trước trông sau, ngó phải liếc trái, sao cho không gây sóng gió, sao cho không chơi trội hơn người khác, sao cho xếp hàng ngang cùng với mọi người khác.

Cách làm ăn này rất dễ cho quan liêu thống suất. Kể từ khoảng năm 1935 trở đi, thì việc thống suất trở nên ngặt nghèo, quan liêu bắt đầu thống suất giới kinh doanh qua các đoàn thể chuyên ngành, bất chấp luật lệ nữa. Ðây là cái gọi là "thể chế quan dân hòa hợp" đặc trưng của Nhật Bản vậy.

Thể chế trên đã bị băng hoại một thời kỳ ngắn sau khi Nhật Bản bại trận. Nhưng chẳng bao lâu, thể chế đó đã phục sinh. Nói cách khác, trạng thái lý tưởng do Shibusawa quan niệm, đã được xác lập tại Nhật Bản thời hậu chiến vậy.



Khuyết điểm của chủ nghĩa góp vốn

Hiện nay, giới kinh tế Nhật Bản đang tổ chức theo cái gọi là "Ðoàn tàu hộ tống."

"Ðoàn tàu h tống" là nói nhiều tàu chở hàng hợp lại thành một đoàn tàu xung quanh có khu trục hạm của hải quân hộ tống chống lại sự tấn công của tàu ngầm địch.

Ví dụ, tất cả các ngân hàng đều họp lại thành một đoàn tàu, rồi được Bộ Kho bạc hộ vệ xung quanh cho tiến lên, không để cho một ngân hàng nào bị tụt hậu cả. Phương thức này làm cho cả đoàn tàu phải tiến theo tốc độ của con tàu chậm nhất. Những tàu có sức tiến nhanh cũng phải hạ bớt sức máy, phải chạy ngoằn ngoèo, khiến cho toàn thể giới doanh nghiệp có năng suất thấp, kinh phí cao.

Ðiều này không riêng gì giới lưu thông tiền tệ như ngân hàng hay công ty chứng khoán, mà từ giới vận tải đường bộ bằng xe tải, giới y bác sĩ, cho tới giới nông gia, tất cả những giới cần có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp, đều họp thành đoàn tàu hộ tống như vậy cả.

Khi cho phép định giá lệ phí, chính phủ sẽ dựa theo nơi nào có kinh phí lớn nhất. Nghĩa là, căn cứ vào đơn vị làm ăn tệ nhất để tính lệ phí, sao cho không một đơn vị nào bị thua lỗ, không nơi nào bị phá sản cả. Ðiều này làm cho phí tiêu dùng lên cao, đồng thời sinh ra sự chênh lệch giữa giá cả trong nước với nước ngoài.

Ấy thế mà, hễ có xí nghiệp nào sắp phá sản, thì bèn cho hợp nhất với công ty khác để cứu sống. Vì thế, công ty mạnh phải nai lưng ra cõng công ty yếu, khiến cho kinh phí đã cao càng cao hơn nữa. Chính phủ thì coi sóc tỉ mỉ sao cho công ty yếu cũng không bị phá sản, nên sự can thiệp của quan liêu vào giới doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, sự chỉ đạo của họ ngày càng mạnh mẽ. "Chủ nghĩa góp vốn" của Shibusawa chính là đã đưa đến phương thức đoàn tàu hộ tống này. ít nhất nó cũng đã manh nha sinh ra phương thức ấy.

Trong phương thức đoàn tàu hộ tống, tàu có sức chạy nhanh cũng phải chạy chậm. Những tàu chạy nhanh sẽ có năng lực thặng dư, nghĩa là những công ty ưu tú sẽ kinh doanh có lời lớn. Thế nhưng, cho là có sức kinh doanh tốt, có tài nguyên kinh doanh phong phú, nhưng vì thế mà kiếm lời quá nhiều, thì thế gian sẽ phê phán là làm loạn nhịp bước của đồng đội.

Do đó, những công ty kinh doanh giỏi, có vốn kinh doanh dư dả, thì cơ quan nhà nước sẽ bắt nhận một số quan liêu thuyên chuyển từ trên xuống, nghĩa là phải nuôi báo cô một số người ngồi chơi xơi nước[10], sao cho giảm bớt lợi nhuận đi. Ấy thế mà nếu hãy còn lợi nhuận cao, thì bắt thôn tính hợp nhất với một công ty thua lỗ, nghĩa là "nuốt chửng" công ty thua lỗ này vào công ty mình. Ðổi lại sự hi sinh đó, phần chia (thị phần) của công ty bị thôn tính sẽ được trao cho công ty hợp nhất để khuếch đại phần chia của mình, để mở rộng địa bàn hoạt động. Ðể khuyến khích các công ty làm ăn giỏi tiếp nhận sự thôn tính hợp nhất như vậy, người ta cần đánh giá nhà kinh doanh không phải bằng lợi nhuận mà người ấy đạt được, mà bằng quy mô kinh doanh và bằng phần chia địa bàn kinh doanh.

Cho tới thập niên 1990, nền hành chính ngân hàng đúng là như kể trên vậy. Kết quả là tất cả các ngân hàng đều có kinh phí cao, và một khi bong bóng kinh tế nổ xẹp, thì tất cả đều ôm nặng bụng một mớ giấy nợ không trang trải được.

Ở Nhật Bản hiện nay, những ngành nghề ít bị cạnh tranh quốc tế, như xây dựng, ngân hàng, vận tải, điện lực, viễn thông, tin học, v.v., đều được bảo hộ bằng phương thức đoàn tàu hộ tống. Ðối với họ, kinh phí trở nên rất cao, đến nỗi phải coi tỷ giá đôla Mỹ là 1 đôla lớn hơn 200 Yen. Nói cách khác, chủ nghĩa góp vốn do Shibusawa nghĩ ra, ngày nay mới lộ khuyết điểm ra vậy.

Là người đề xướng rồi thực hiện chủ nghĩa tư bản Nhật Bản như kể trên, Shibusawa EiỴichi quả là người có ảnh hưởng lớn tới nước Nhật ngày nay.



Thang danh vọng kiểu Nhật

Một ảnh hưởng lớn nữa Shibusawa Ei’ichi đã để lại, là ý nghĩ về mục tiêu nhân sinh của nhà kinh doanh.

Theo suy nghĩ của Iwasaki Yataro, mục đích sống của doanh nhân là khuếch trương sự nghiệp để làm ra tiền. Doanh nhân làm ra tiền không phải là để khi chết cất đi. Trái lại, tiền lời làm ra, lại được đầu tư vào sự nghiệp mới để cống hiến cho xã hội. Như thế, doanh nhân tài ba như Iwasaki nếu cố gắng lập nên nhiều sự nghiệp, thì cách làm ăn khéo léo và kỹ thuật sẽ được phổ cập, nhân tài và tài nguyên sẽ được sử dụng tốt. Như vậy, bản thân sẽ được lợi mà xã hội cũng tốt ra, phong phú ra, mỗi người có chỗ làm việc để phát huy tài năng. Ðây mới là sự đóng góp đúng đắn của doanh nhân. Iwasaki Yataro hẳn muốn nói lên như vậy. Suy nghĩ như vậy chính là chủ nghĩa cá nhân Anglo-Saxon, là chủ nghĩa tư bản nguyên sơ.

Ðối lại, theo đường lối hòa hợp của Shibusawa EiỴichi, nếu một xí nghiệp nào đó có tài làm ra sản phẩm giá thành thấp, thì những xí nghiệp khác không làm được như vậy sẽ khốn đốn. Cho nên, những doanh nhân có tính hòa hợp phải đứng ra lãnh đạo điều chỉnh giới kinh tài. Như vậy, trong giới doanh nhân, người nào chăm lo việc của tập thể doanh nhân, biết điều chỉnh hoạt động, thì đáng được tôn vinh, hơn là người nâng cao lợi nhuận của xí nghiệp và làm giầu cho bản thân.

Ngày nay cũng vậy, một nhân viên lần lần leo thang danh vọng qua chủ sự, giám đốc rồi tới quản trị viên trơn, thì đều chỉ chăm lo việc nội bộ công ty. Chứ nếu đã lên tới địa vị quản trị viên thường trực, quản trị viên chuyên vụ, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, người ấy sẽ coi trọng vấn đề hòa hợp với toàn thể giới doanh nghiệp và sẽ không còn làm điều gì liều lĩnh nữa. Nếu là chủ tịch, thì người ấy bèn chú trọng tới chăm lo việc của giới doanh nghiệp hơn là việc của công ty nhà và bắt đầu nhắm nhía địa vị hội trưởng Phòng thương công, hoặc phó hội trưởng, hội trưởng Liên hiệp đoàn thể kinh tế (Keidanren). Nghĩa là từ người kinh doanh trở thành người "kinh tài." Làm người kinh tài để dẫn dắt giới kinh doanh và cố vấn cho chính phủ. Con đường danh vọng của đông đảo doanh nhân Nhật Bản là như vậy, nghĩa là họ muốn trở thành "Shibusawa của thời nay."

Trong thời hậu chiến, người ta còn thấy cả hai loại doanh nhân, kiểu Iwasaki và kiểu Shibusawa. Người kế thừa tư tưởng Iwasaki trong việc phát huy tài năng để khuếch trương kinh doanh, cống hiến cho xã hội, có lẽ là Matsushita Konosuke.

Matsushita Konosuke đã không trở thành Hội trưởng Liên hiệp Ðoàn thể Kinh tế, cũng không làm Hội trưởng Phòng Thương Công. Ông chỉ chăm lo phát triển công ty Matsushita Denki Sangyo và các công ty con, sản xuất ra những sản phẩm tiện và rẻ để cung cấp cho người tiêu dùng, trả lương cao cho nhân viên, phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Những việc như vậy, ông thường nói, là báo đáp lại cho xã hội. Nói khác đi, ông coi trách nhiệm của nhà kinh doanh là cống hiến cho xã hội qua sản phẩm của công ty Matsushita và các công ty con trong cùng nhóm. Kết quả là chính ông đã trở thành cổ đông lớn của công ty và trở nên giầu có.

Những người khác cùng có chung quan niệm triết học như Matsushita Konosuke, tức là những người đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Nhật Bản đồng thời nâng cao mức sống của người Nhật, là Honda So’ichiro, Ibuka Masaru, Ishibashi Nobuo, những người đã sáng lập ra những công ty Honda, Sony và Daiwa House.

Mặt khác, cũng có nhiều người xuất thân đi làm thuê, lần lần leo thang danh vọng trong công ty, rồi lên tới địa vị hội trưởng Phòng Thương Công, hội trưởng Keidanren, tức là trở thành những nhà kinh tài kiệt xuất. Những người như vậy rõ ràng là những nhà kinh tế tài ba, nhưng về mặt kinh doanh công ty, khó có thể phán xét được họ là doanh gia giỏi hay dở.

Ví dụ, so sánh với công ty Matsushita (Denki Sangyo), công ty Toshiba có thành tích kém hơn về mặt lợi nhuận. Từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Toshiba đã là xí nghiệp khổng lồ nhưng từ sau chiến tranh, thì Toshiba thụt xuống đứng sau Matsushita. Nếu chỉ xét mặt này thôi, thì phải coi Matsushita Konosuke là một nhà kinh doanh tuyệt vời, còn Toshiba thì không có ai sánh được như vậy. Thế nhưng, từ Toshiba, người ta đã thấy có đến hai nhân vật làm hội trưởng Keidanren: Ðó là Ishizaka Tanzan và Doko Toshio. Không những thế, cả hai người này đều là hội trưởng vĩ đại, đều là những nhân vật đáng nể trọng. Với thước đo kiểu Shibusawa, cả Ishizaka lẫn Doko đều là những nhà kinh tài tuyệt vời, đều là những hiện thân của chủ nghĩa góp vốn cả.



Ðã đến lúc thoát xác khỏi mẫu ngưới Shibusawa

Quả thật chính Shibusawa Ei’ichi đã đẻ ra, đã thực hiện và đã để lại khuôn mẫu cho sự thành đạt từ một nhà kinh doanh tới nhà kinh tài đặc trưng của Nhật Bản. Thế nhưng, liệu Shibusawa có tiên liệu được phần nào của thực trạng giới kinh tài trong thời hậu chiến chăng, đã tiên đoán được lề lối làm ăn triệt để kiểu đoàn tàu h tống chăng?

Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy là như sau. Thời trước chiến tranh, nhân vật đứng ra lèo lái giới kinh tài chỉ cần có tài năng như vậy là được, chứ kích thước lớn nhỏ của công ty người ấy xuất thân không thành vấn đề. Nhưng sau chiến tranh, người như vậy, ngoài sự kiện phải là người có nhân cách có kiến thức, còn phải có thêm điều kiện nữa, là quy mô của xí nghiệp mà người ấy kinh doanh.

Ở thời Shibusawa Ei’ichi, chính ông không kinh doanh một công ty lớn nào cả, mà chỉ chuyên tâm vào công tác môi giới. Ông đã gây dựng ra và có quan hệ với khoảng 500 công ty, nên không thể trực tiếp điều hành quản lý tất cả được. Bởi vì, dù cho mỗi ngày chỉ quản lý một công ty thôi, thì một năm cũng không luân phiên quản lý được tất cả. Việc làm của Shibusawa là một loại tư vấn kinh doanh kiêm chỉ đạo khởi nghiệp, và hơn tất cả, ông chỉ đóng vai trò của người tổ chức, người vận động xuất vốn, lập ra công ty rồi chọn người đích đáng trao quyền kinh doanh. Shibusawa là người đại diện cho sự khai hóa văn minh thời Minh Trị nhưng đã sống và tiếp tục thi thố ảnh hưởng cho tới tận thời Chiêu Hòa (Showa). Sau khi Shibusawa nghỉ hưu rồi thì một loại người đáng gọi là chuyên gia môi giới đã xuất hiện. Xí nghiệp người này kinh doanh tuy không lớn, nhưng là xí nghiệp lâu đời. Người ấy không cần phải miệt mài vào công tác kinh doanh, mà xí nghiệp vẫn đứng vững vàng. Nghĩa là, người đứng ra cầm trịch giới kinh tài không cần phải là người có tài kinh doanh lớn, nhưng phải là người có nhân cách, có kiến thức phong phú, được mỗi người kỳ vọng.

Ðể dẫn chứng, trước huyền quan Trụ sở Phòng Thương Công Osaka, người ta thấy có ba tượng đồng. Tượng thứ nhất là Godai Tomoatsu. Người này được coi như là "Shibusawa của vùng Kansai." Ông đã đẻ ra nhiều công ty cho miền Tây Nhật Bản và đã sáng lập ra Phòng thương công Osaka. Người thứ hai là Inabata Shotaro. Công ty Inaba Sangyo là công ty có truyền thống từ đời Minh Trị, và người kinh doanh công ty, Inaba Shotaro, một người có nhân cách và kiến thức được coi như mẫu mực cho thương gia Osaka. Người như vậy xứng đáng đại diện cho giới kinh tài Osaka, cho nên đã nhiệm chức Hội trưởng Phòng thương công Osaka và để lại nhiều thành tích vẻ vang. Người thứ ba là Sugi Michisuke. Ông này là một doanh nhân thời hậu chiến, giữ chức Tổng giám đốc Công ty mậu dịch Yagi Shoten. Ðây là một công ty mậu dịch có từ ba đời trước, một trong số 8 công ty vừa vừa của "5 công ty lớn 8 công ty vừa" của giới mậu dịch Kansai. Thế nhưng, Sugi Michisuke được ngưỡng mộ bởi nhân cách thanh cao, kiến thức phong phú, tính khí ôn hậu, đáng đứng địa vị thâu tóm toàn bộ giới kinh tài Osaka. Vì thế, ông đã giữ chức hội trưởng Phòng thương công Osaka nhiều năm.

Tuy nhiên, những điều kiện trên chỉ phù hợp cho tới khoảng năm 1960 (niên hiệu Showa thứ 35) thôi. Sau đó, trong ý thức của giới kinh tài, người ta cũng bắt đầu cho "to là tốt," và bước vào thời đại chú trọng tới quy mô kinh doanh của xí nghiệp. Nói khác đi, người ta bắt đầu quan niệm nếu không là doanh gia của một công ty khổng lồ, thì không xứng đáng ngồi ở địa vị chóp bu của giới kinh tài nữa.

Cho nên, đến địa vị hội trưởng Keidanren hay hội trưởng Phòng thương công, thì phải tự mình chuẩn bị đoàn thư ký, phải chi một số tiền đáng kể cho giao tế phí. Vì thế các doanh nhân xí nghiệp vừa và nhỏ không thể kham nổi nữa. Và đương nhiên, hội trưởng Keidanren đều là những doanh gia xuất thân từ những xí nghiệp khổng lồ không lo bị phá sản, như Ðiện lực Tokyo, Shin-Nittetsu, Toshiba, v.v..

Những cơ chế không thấy có ở các nước ngoài, như thể chế quan dân đề huề, thể chế phe phen của giới chuyên ngành đã hình thành, chính là xuất phát từ chủ nghĩa góp vốn của Shibusawa. Chủ nghĩa này đã cống hiến lớn lao cho sự hiện đại hóa ở thời Minh Trị, sự phục hưng kinh tế ở thời hậu chiến Chiêu Hòa. Nhưng từ nay về sau có nên duy trì cơ chế này nữa hay không, là vấn đề khác hẳn.

Thời nay lại là thời loạn, không khác gì thời Duy tân Minh Trị hay thời phục hưng hậu chiến. Nhưng khác với thời Minh Trị, ngày nay không phải là lúc kiến thức hay kỹ thuật có thể đổ ập vào như thời xưa. Do đó, không phải kiểu người như Shibusawa, mà phải chăng mẫu người kinh doanh như Iwasaki Yataro thời Minh Trị, Matsushita Konosuke hay Honda So’ichiro thời hậu chiến mới đáng cần có?

Tuy nhiên, động hướng duy trì thể chế quan dân đề huề kiểu Shibusawa của giới quan liêu và giới xí nghiệp đã có, hẳn sẽ tiếp diễn không ngừng. Những phiêu ngữ như Cải cách Hành chính, Nới lỏng Quy chế, Xây dựng Xã hội Cạnh tranh Tự do, đều là nhằm thoát xác khỏi mô hình Shibusawa. Sự kiện người ta đã phải nhiệt liệt hô to những phiêu ngữ đó, đủ cho thấy cái ảnh hưởng sâu đậm như thế nào của Shibusawa Ei’ichi.



Giới hạn của sáng kiến xuất phát từ "Luận ngữ"

Quyển Luận ngữ[11] mà Shibusawa Ei-ichi say mê đọc lúc sinh thời, đã được giới thiệu trong một chương trình TV của hệ thống truyền hình NHK. Ðó là một quyển Luận ngữ của giới Chu Tử học, có vẻ đã được đọc đi đọc lại, bị mòn rách tả tơi.

Ảnh hưởng Chu Tử học đối với chủ nghĩa tư bản và sự hiện đại hóa Nhật Bản đã được đánh giá hoàn toàn khác nhau từ thập niên 1960 tới thập niên 1990.

Trước kia, người ta đã đặt câu hỏi tại sao châu Á không phát triển như châu Âu sau thời kỳ Phục hưng (Renaissance) và sau cuộc cách mạng công nghiệp, là vì ảnh hưởng xấu của Luận Ngữ. Theo Luận Ngữ, thì xã hội có những trật tự cố hữu có sức nặng bất biến, như quan hệ cha con, quan hệ vua tôi, quan hệ già trẻ, quan hệ nam nữ. Nghĩa là, cơ chế "hạ khắc thượng" lật đổ trật tự của thế gian là không tốt. "Hạ khắc thượng" thật ra có phần gần với chủ nghĩa dân chủ. Chẳng hạn ở thời Minh Trị hình như đã có tự điển dịch từ "Democracy" thành "Hạ khắc thượng." Sự dạy bảo của Nho giáo lấy Luận ngữ làm trung tâm, không ưa sự lật ngược trật tự vốn có, cho nên đã cản trở sự phát triển và tiến bộ. Ðó là sự đánh giá âm đối với Luận ngữ.

Thế nhưng, từ khoảng những năm 1980 trở đi, Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Hong Kong đều phát triển nhanh chóng. Tiếp theo là các nước Ðông nam Á, rồi từ năm 1990 trở đi thì Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế. Kết quả là, người ta đã thấy xuất hiện những từ vựng như "vùng văn hóa Nho giáo," "vùng kinh tế Nho giáo," nghĩa là người ta tìm cách trích ra từ Nho giáo những giá trị tinh thần như sự làm ăn cần cù. Nhất là "chủ tri chủ nghĩa" (sư coi trọng hiểu biết) của Chu tử học, chẳng phải đã gắn với chế độ gia đình tạo ra tinh thần hiếu học, tinh thần lao động nhiệt tâm đó sao? Nghĩa là người ta đã bắt đầu có sự đánh giá tích cực đối với Luận Ngữ.

Với ý nghĩa như trên, tư tưởng của Shibusawa Ei-ichi cũng phản ánh tư tưởng của Luận Ngữ (Nho giáo). Ðó là, một mặt thì gây dựng nhiều ngành nghề tiên tiến, đồng thời coi trọng trật tự và sự hòa hợp. Không như Iwasaki Yataro chủ trương "Dù là mấy trăm vạn, ta cũng gánh," mà đằng này thì mỗi người bỏ ra một ít vốn, rồi lợi nhuận thì chia nhau đồng đều.

Tuy vậy, đối tượng của sự phân chia đồng đều này chỉ hạn chế ở giới thượng lưu của xã hội, tức là những người có khả năng xuất vốn. Chẳng hạn, huy động vốn từ những nhà hằng sản ở địa phương để lập ra ngân hàng quốc gia, góp vốn của các hào thương ở Tokyo và Osaka để lập ra công ty Vận tải Cộng đồng, nghĩa là thực hiện chủ nghĩa hòa hợp giai cấp thượng lưu dựa trên trật tự vốn có của giai cấp này. Ðiều này phải chăng cũng là tư tưởng kiểu Luận Ngữ?

Luận Ngữ một mặt thuyết: "Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân, bất hoạn quả nhi hoạn bất an[12];" song mặt khác lại dạy phải duy trì trật tự vua là vua, tôi là tôi, "con vua thì lại làm vua, con người thày chùa vẫn quét lá đa."

Ở thời Tokugawa, lúc ảnh hưởng của Chu tử học còn mạnh, cả mạc chúa, phiên chúa lẫn nông dân, có người còn nghèo rành rành, thế mà lại nói "không lo nghèo túng mà chỉ lo không được đồng đều," thì rõ ràng là thời đó, bậc minh quân đã chỉ đi tìm "cái bình đẳng chiều dọc," chứ không phải "cái bình đẳng chiều ngang."

Trong các loại bình đẳng, có "bình đẳng về cơ hội" và "bình đẳng về kết quả." Ví dụ, ai ai cũng dự thi tuyển sinh được, ai ai cũng có thể ra ứng cử nghị viên được, ai ai cũng có thể buôn bán tự do được. Ðây là sự "bình đẳng về cơ hội."

Thế nhưng, nếu duy trì sự "bình đẳng về cơ hội" thì thế nào cũng có người đậu kẻ rớt, thế nào cũng có người đắc cử và người thất cử, thế nào cũng có công ty làm ăn phát đạt và công ty phá sản. Nghĩa là, kết quả ắt phải là bất bình đẳng. Cái "bình đẳng" được tôn dương trong phiêu ngữ cách mạng Pháp hay trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tự do - Bình đẳng - Bác ái, là cái bình đẳng như vậy.

Ðối lại với cái bình đẳng trên, Luận Ngữ thuyết giảng cái "bình đẳng về kết quả." Trong cái "bình đẳng về kết quả," lại có "bình đẳng chiều dọc" và "bình đẳng chiều ngang."

Thời mạc phủ Tokugawa thì không có "bình đẳng chiều ngang." Mạc chúa và nông dân, cha và con, nam và nữ, tất cả đều không bình đẳng, và cũng không thấy có tư tưởng cách mạng nào đòi thay đổi tình trạng ấy. Vậy sao lại nói "không lo nghèo túng mà lo không đồng đều?" Ðây là ý muốn thực hiện sự "bình đẳng chiều dọc."

Cụ thể hơn là ví dụ sau.

Ở một thời điểm nào đó, thu nhập và tài sản của mỗi người dân đều không còn sai lệch lớn lao nữa, thì lúc đó có thể nói là sự "bình đẳng chiều ngang" đã thực hiện được. Nhưng, đối lại, 30 năm trước một người lính trơn bây giờ vẫn là lính trơn, 20 năm trước một nhóm tốt nghiệp đại học cùng vào làm cho công ty, nếu nay tất cả đều đã trở thành chủ nhiệm bộ môn thì sự "bình đẳng chiều dọc" đã được thực hiện trong nhóm đó.

Một người trong đám phiên chúa 30 năm trước nay đã trở thành lính trơn. Ngược lại, một người trong đám lính trơn 30 năm trước nay đã trở thành phiên chúa. Dù cho mỗi trường hợp như vậy đều có lý do chính đáng xui khiến ra, nhưng đây là sự "bất bình đẳng chiều dọc."

Cái mà Luận Ngữ đi sâu vào, chính là "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc." Nhật Bản ngày nay cũng đang có "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc" rất mạnh.

Chẳng hạn, nhà nông trồng lúa thì được bảo hộ, được chăm sóc, sao cho suốt đời có thể chuyên tâm vào trồng lúa. Không chừng người này bỏ nghề trồng lúa, quay sang xây chung cư lại có thể trở nên giầu hơn. Thế nhưng, mỗi người thấy an tâm hơn nếu mỗi người cứ giữ nghề trước. Nghĩa là người ta sẽ xin được bảo hộ để có thể tiếp tục làm nghề trồng lúa.

Ở công sở hay ở xí nghiệp tư, cơ chế thứ tự thâm niên chính là để duy trì sự "bình đẳng chiều dọc." Những người cùng thế hệ gia nhập công ty, thì đều được đồng loạt thăng lên làm trưởng phòng, chẳng hạn. Ðây chính là hai mặt phải và trái của chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa. Cái đó đã phát triển thành "chủ nghĩa quan dân đề huề" ngày nay vậy.

Chủ nghĩa "bình đẳng chiều dọc" không làm cho xã hội phát triển. Duy trì cơ chế này là nền "chính trị đố kỵ." Xét điểm này, ta thấy Luận Ngữ cũng có hạn chế, và như vậy, chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa cũng có hạn chế.

Nhật Bản trong thời đại Heisei (Bình Thành, niên hiệu hiện nay của Nhật Bản) có thể vượt lên trên "Shibusawa" được không? Có thể vứt bỏ hẳn "Shibusawa" được không? Ðây là vấn đề lớn, quan trọng, có tính cách quyết định sự thành bại của sự cải cách hành chính.


Chú Thích:


[1] "Tài đoàn" là từ Nhật bản, đọc âm Việt, dùng để dịch từ Foundation của Anh ngữ, hay Fondation của Pháp ngữ. Ðây là một loại hình pháp nhân tài chính được thành lập dưới sự giám sát của chính phủ để hoạt động cho một mục đích nhất định, như từ thiện, học thuật, nghệ thuật,... Một tổ chức như vậy được lập ra để quản lý một tài sản lớn, thường là của một cá nhân đã cúng cho mục đích đó. Ford Foundation là một trường hợp điển hình ở Mỹ. Tài đoàn Ford này đã tài trợ nhiều chương trình văn hóa xã hội tại Việt Nam. Ở Việt Nam chưa thấy có những tổ chức nào tương tự. Ở Trung Quốc cũng chưa thấy có những tổ chức như vậy. Ở Rossia (Nga) có Gorbachev Foundation. Tuy nhiên, tiếng Hoa đã du nhập từ "tài đoàn" của tiếng Nhật. Quyển Hán Việt Từ Ðiển Hiện Ðại, Nhà Xuất Bản Thế Giới, trang 84, có sưu tập từ này, tuy nhiên đã giải thích sai lầm với nghĩa xấu là "tập đoàn tư sản cỡ bự, trùm tư bản." Ở VN, Foundation có được dịch là Quỹ, tức là lẫn lộn với Fund.

[2] "Phe phen" là dịch ý từ "Dangô (Ðàm hợp)" của Nhật Bản. "Ðàm hợp" có nghĩa là "thỏa hiệp ngầm," "sắp xếp ngầm" giữa các nhà thầu trước khi tham gia đấu thầu, vừa để chia nhau những gói thầu, đồng thời để tự mình định mức giá thầu.

[3] Ở ngay chính trung tâm Tokyo, trước nhà ga Shinjuku, người ta cũng thấy có ngân hàng mang bảng hiệu Ngân Hàng 101.
[4] Viết tắt của Keizai Dantai Rengokai, tức là Hội liên hiệp doanh nghiệp, tức là hội đoàn của tất cả các xí nghiệp kinh doanh của miền Ðông Nhật Bản.
[5] Viết tắt của Kansai Keizai Dantai Rengokai, tức là tổ chức tương tự như Keidanren (xem lời chú ngay trên) ở miền Tây Nhật Bản.

[6] Hình thức samurai ở thôn quê, chứ không phải samurai ở thành thị. Sống bằng nghề nông nhưng được hưởng một số đặc quyền của giai cấp samurai.

[7] Tên bốn dòng họ chủ của bốn nhóm tài phiệt Nhật Bản, tức là Mitsubishi, Mitsui, Yasuda và Sumitomo. Những nhóm tài phiệt này đều là những tập thể doanh nghiệp bao trùm hàng mấy trăm xí nghiệp lớn, từ ngân hàng tới các công ty sản xuất công nghiệp nặng nhẹ, công ty xây dựng, công ty vận chuyển đường thủy đường bộ, v.v.. Sau khi Nhật Bản thua trận Chiến tranh thế giới lần thứ hai rồi, tất cả các nhóm tài phiệt đã bị giải thể. Thế nhưng trên thực chất, những xí nghiệp trong cùng một nhóm tài phiệt xưa, ngày nay vẫn còn có quan hệ khá mật thiết với nhau trên phương diện kinh doanh.

[8] "Thuyên chuyển từ trên xuống dưới" là dịch nghĩa từ "amakudari (từ trên trời xuống)," một hình thức xử lý nhân sự theo đó một nhân viên của một cơ quan chính quyền thuyên chuyển xuống làm cho một công ty trực thuộc cơ quan chính quyền đó hoặc một công ty tư nhân có liên hệ với cơ quan chính quyền đó, hay một nhân viên của công ty mẹ thuyên chuyển xuống làm cho một công ty con hoặc công ty cháu.

[9] Chế độ làm thuê ở Nhật Bản cơ bản làm suốt đời, nghĩa là cho tới khi người làm thuê về hưu. Tuy nhiên, cấu tạo nhân sự của mỗi công ty, mỗi cơ quan đều theo hình chóp (hình kim thự tháp, hình pyramid), nghĩa là càng lên cao thì số địa vị càng ít đi. Vì thế, một số nhân viên trung niên và cao niên trong công ty mẹ, sẽ không có cơ hội tiến thân. Ðể giải quyết tình trạng này, người ta đã lập ra những công ty con và công ty cháu, tức là tăng thêm cơ hội cho những nhân viên trung niên và cao niên đó thuyên chuyển xuống giữ địa vị cao hơn địa vị đáng lẽ của họ ở công ty mẹ.

[10] Như đã nói ở Chú thích ngay trên, chế độ nhân sự gọi là "thuyên chuyển từ trên xuống" một phần là để giải quyết những vấn đề nhân sự khúc mắc của cơ quan chủ quản. Những cơ quan này ôm đồm nhiều công chức trung niên và cao niên nhưng không có cơ hội thăng tiến nữa. Những người như vậy ăn lương cao nhưng không làm công việc tương xứng với đồng lương. Những gánh nặng như vậy, cơ quan chủ quản sẽ tìm cách bán khoán cho những công ty có quan hệ. Ở công ty họ được thuyên chuyển xuống, họ cũng sẽ không có việc làm tương xứng mà sẽ chỉ "ngồi chơi sơi nước." Tiếng Nhật gọi họ là "bọn ngồi bên song cửa," nguyên văn là Mado Giwa Zoku.

[11] Luận Ngữ là một sách trong Tứ Thư (Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử) của Nho giáo.

[12] Nghĩa là: "Không lo nghèo túng mà lo không đồng đều, không lo vắng người mà lo không yên ổn." Câu này trích trong Thiên 16, Quí Thị, là lời đức Khổng tử nói với một học trò tên là Nhiễm Hữu.
Nguyên tác của : Sakaiya Taichi Người dịch : Đặng Lương Mô

No comments:

Post a Comment