Monday, September 21, 2015

Quyền mưu cầu hạnh phúc lại khó hiểu đến thế sao?

Trong một bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, do Vietnamnet đăng, ông Nguyễn Đức Kiên có nói rằng: "Đến thời điểm này chúng ta đã hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người.". Quyền mưu cầu hạnh phúc mà khó hiểu đến thế sao? Đằng sau các câu nói của ông Nguyễn Đức Kiên là cả một câu chuyện.



Trích lời ông Nguyễn Đức Kiên:

Đến thời điểm này chúng ta đã hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người. Và chúng ta tin là chúng ta đã hiểu hội nhập, và chúng ta chấp nhận cuộc chơi ấy.

Nếu trước đây "chúng ta" chưa hiểu rõ về quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống của một người thì tại sao đảng của "chúng ta" lại chọn con đường dùng bạo lực để tiêu diệt các lực lượng khác để độc quyền nắm quyền lực và bắt toàn thể dân tộc đi theo con đường của mình?

Xét trên mặt lý thuyết, trước đây các đảng Cộng Sản tại Nga, Trung Quốc, Việt Nam và các đảng Cộng Sản khác trong ảnh hưởng của Liên Xô đều cho rằng điều gọi là "quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống của một người" là quan niệm của nền dân chủ tư sản, còn dưới chế độ của các đảng Cộng Sản thì đảng Cộng Sản là người tổ chức để cho dân có tất cả các quyền đó và chẳng những thế lại còn có dân chủ gấp vạn lần các chế độ dân chủ Tây Phương.

Trên mặt thực tế, các chế độ kiểu Liên Xô không công nhận các quyền đó của người dân vì những người lãnh đạo đảng Cộng Sản muốn tổ chức một chế độ chuyên về chiến tranh để đánh bại các nước tư bản. Giấc mộng của các lãnh tụ Cộng Sản là sẽ có ngày, tất cả các nước trên thế giới đều được cai trị bởi đảng Cộng Sản, có chế độ giống như là chế độ ở Liên Xô và tất cả đều nghe lệnh phát xuất ra từ Liên Xô. 

Với chế độ chuyên về chiến tranh thì các quyền nói trên đều làm yếu đi guồng máy chiến tranh.

Quyền tự do cá nhân sẽ để cho dân được tự do phát biểu, tự do biểu tình. Khi dân được tự do phát biểu, tự do biểu tình thì sẽ có người dân phản đối cuộc chiến tranh mà chính quyền đang theo đuổi . Họ có thể đặt ra vấn đề có thực sự cần thiết phải theo đuổi chiến tranh hay không. Khi nhiều người không đồng tình với chiến tranh thì họ sẽ biểu tình phản đối, kêu gọi thanh niên đừng đi lính... Đó là điều đã xảy ra ở Mỹ trong thời gian Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Quyền tự do cá nhân cũng bao gồm quyền tự do thông tin. Người dân được tự do tìm hiểu đời sống tại các nước tư bản và có dịp so sánh với đời sống tại các nước xã hội chủ nghĩa thì họ sẽ đặt ra câu hỏi chế độ xã hội chủ nghĩa có thực sự là ưu việt khi năng suất lao động tại các nước tư bản cao hơn, mức sống người dân khá hơn. Nếu xã hội chủ nghĩa không thực sự ưu việt hơn thì tại sao các đảng Cộng Sản lại chọn con đường xã hội chủ nghĩa và lại dùng bạo lực, chấp nhận sự tàn phá. chết chóc và phung phí của cải của đất nước cho chiến tranh.

Để có cớ mà gây chiến tranh, các đảng Cộng Sản đã ngụy tạo tin tức để người dân có hình ảnh các nước Tây phương là thù địch. Chế độ Liên Xô đã ngụy tạo ra các tin tức về việc Mỹ và các nước Tây Phương có hành vi phá hoại kinh tế Nga, có ý đồ xâm lăng Nga... 

Tương tự, để có lý do đánh miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam đã ngụy tạo tin tức là dân miền Nam bị đói khổ, bị mất tự do, bị kềm kẹp ... cho dân miền Bắc đọc.

Nếu cho dân quyền tự do cá nhân thì các đảng Cộng Sản đã không thể thuyết phục được đa số người dân chấp nhận đường lối của đảng Cộng Sản và độc quyền cai trị như trong hàng chục năm qua.

Quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống cũng không được tôn trọng khi các chế độ lao vào chiến tranh. Các nước Liên Xô, Trung Quốc tuy tổng sản lượng quốc gia không bằng Mỹ nhưng các nước này cho dân hưởng thụ ít đi để lấy tiền dồn vào quân sự, dồn vào viện trợ cho các đảng Cộng Sản đàn em đang gây chiến tranh lấn vùng ảnh hưởng của Mỹ. Khi dồn phần lớn của cải cho chiến tranh thì chắc chắn là "quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống" của người dân bị hạn chế lại.

Vào thời thập niên 1970, một nhân viên KGB trốn sang Anh đã tiết lộ Liên Xô bỏ ra đến 30% GDP cho quân sự . Lúc đầu cơ quan tình báo Anh MI 6 không tin vì thông thường một nước chỉ bỏ ra 2% - 4% cho quân sự . Phải vài năm sau cơ quan tình báo MI 6 mới có thể kiểm chứng được điều này là đúng.


Năm 1985, một cán bộ ngoại giao cao cấp Liên Xô là Arkady N. Shevchenko đã bỏ chế độ Liên Xô, xin tị nạn ở Mỹ và viết ra cuốn sách "Breaking with Moscow" để trình bày lý do vì sao mình từ bỏ chế độ Liên Xô, trong đó nói lên thực trạnh xã hội Liên Xô vào thời cuối thập niên 1970 và đầu thập niền 1980.  Trong cuốn sách đó, ông nói rằng vào cuối thập niên 1970, đời sống tại Liên Xô đi xuống dần. Thực phẩm ngày càng khan hiếm, phải xếp hàng lâu để mua thực phẩm, trong nhà thương thiếu thuốc men, tuổi thọ người già càng ngắn đi, tử suất trẻ em càng cao hơn. Đó là thời giá dầu hỏa lên cao, chính quyền Liên Xô có rất nhiều tiền do xuất cảng dầu hỏa nhưng bỏ phần lớn vào việc chế tạo vũ khí và viện trợ cho các đảng Cộng Sản đàn em, chỉ chi một phần ít cho khu vực dân dụng tại Liên Xô. Đó là lý do ông Arkady N. Chevchenko ly khai với chế độ.

Giá dầu lên cao vào thời điểm 1979, 1980 và xuống nhanh vào thời điểm 1985, 1986. Năm 1986, Liên Xô cắt viện trợ cho Việt Nam nên Việt Nam phải bỏ chính sách kinh tế bao cấp, theo kinh tế thị trường. Giá dầu lên trở lại khi Vladimir Putin bắt đầu cầm quyền năm 2000

Chính quyền Liên Xô đã không quan tâm đến hạnh phúc và đời sống dân mình và cũng không cho phép dân được phát biểu đòi quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống . Ai dám nói chế độ hiện thời là khổ thì sẽ đi tù.

Chỉ đến ngày nay, khi đảng Cộng Sản Việt Nam phải thương thuyết về kinh tế với các nước tư bản thì các quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống mới được nới lỏng vì áp lực từ các nước tư bản .

Các nước tư bản làm áp lực để Việt Nam phải tôn trọng quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống là vì chế độ tư bản tổ chức theo cơ cấu khác với các nước xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô . 

Quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống bao gồm quyền người dân được tự do kinh doanh, kiếm tiền làm giàu. Ai bảo là quyền mưu cầu hạnh phúc không có quyền được làm giàu trong đó? Trước đây, làm giàu bị chế độ xã hội chủ nghĩa xem là tội lỗi vì ham muốn làm giàu sẽ sinh ra bóc lột người lao động. Lòng ham lợi nhuận bị các nhà Mác Xít coi là nguồn gốc đưa đến chế độ kinh tế có bóc lột. Trong khi đó, tại các nước tư bản, lòng ham lợi nhuận là động cơ để nền kinh tế phát triển. Như vậy, có tôn trọng quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân thì kinh tế mới phát triển .

Quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống cũng đóng góp cho nền kinh tế trên khía cạnh khác. Người dân có khá giả, có sống hạnh phúc về vật chất thì mới có tiền mua hàng hóa, mới có tiền dùng các dịch vụ. Dân có tiền mua hàng và dịch vụ thì mới có thêm người nhảy ra kinh doanh, sản xuất. Có thêm người nhảy ra kinh doanh sản xuất tức là kinh tế có tăng trưởng. Chỉ số tiêu thụ là điều các nước xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô không bao giờ nhắc đến vì các chế độ này không xem mức tiêu thụ của người dân là quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Trái lại, các chính quyền xã hội chủ nghĩa trước đây xem việc dân tiêu thụ nhiều là điều không nên vì dân tiêu thụ nhiều thì nhà nước sẽ bị bớt tiền dành cho quân sự. Sau năm 1975, các cán bộ từ miền Bắc vào Nam giảng chính trị đã nói rằng nhu cầu của con người chỉ có hạn. Một người chỉ cần có cơm ăn, áo mặc, nhà ở là đủ rồi không cần thêm. Trong khi đó, các sách vở về kinh tế tại miền Nam nói rằng nhu cầu của con người là vô hạn. Một người đã có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì vẫn có muốn có thêm. Điều này có thể nhìn thấy ngày nay tại Việt Nam. Người đã có đời sống vật chất tương đối khá vẫn muốn có thêm. Đã có xe gắn máy thì lại muốn có thêm xe hơi. Đã có điện thoại rồi lại muốn có thêm điện thoại di động có nhiều chức năng hơn, đã đủ ăn đủ mặc rồi lại muốn có tiền đi du lịch các nước...

Người dân khá giả hơn là cái lợi cho các nhà kinh doanh. Lấy thí dụ, có một bài báo đăng vào đầu thập niên 2000 nói rằng theo ước lượng thì tại Á Châu vào năm 2030 sẽ có khoảng 130 triệu người dân thuộc tầng lớp trung lưu. 130 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu là một thị trường lớn cho các hãng cung cấp thẻ tín dụng. Càng có nhiều người dùng thẻ tín dụng thì các hãng này càng kiếm được nhiều tiền. Mà người dân phải có khá tiền trong tài khoản thì mới sử dụng thẻ tín dụng. Nếu một nước mà phần lớn người dân chỉ mò cua, bắt tép, kiếm được ngày nào ăn ngày ấy, không đủ tiền để mở một tài khoản trong ngân hàng thì họ chẳng bao giờ cần đến thẻ tín dụng. Vì thế mà các nước tư bản cũng muốn các nước khác cũng tôn trọng quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền sống của người dân.

Trích lời ông Nguyễn Đức Kiên khi được hỏi vì sao chính quyền Việt Nam lại tham gia nhiều hiệp ước tự do mậu dịch để phải nhượng bộ về một số quyền chính trị, xã hội:

Các quốc gia khác họ tự cân đối được; còn nền kinh tế của Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 1,8 GDP, chúng ta không còn cửa nào phát triển, nếu không mở ra bên ngoài. Sức mua của thị trường nội địa quá thấp.

Sức mua của thị trường nội địa quá thấp vì dân nghèo không có tiền. Vì thế các chính phủ tại các nước tư bản tìm cách đánh thuế cho dân nhẹ đi. Dân được đóng bớt thuế thì có thêm tiền chi tiêu. Dân có thêm tiền chi tiêu thì sức tiêu thụ của dân tăng lên. Sức tiêu thu gia tăng thì các doanh nghiệp sẽ mở thêm để sản xuất hàng hóa làm cho nền kinh tế tăng trưởng.

Sức mua của dân không phải là điều quan trọng trong đầu các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản khi họ đề ra biện pháp đổi tiền tại miền Nam sau 1975. Trong đợt đổi tiền đầu tiên, mỗi hộ chỉ được đổi 100.000 đồng tiền cũ để lấy 200 đồng tiền mới. Số tiền mới này không nhiều, chỉ đủ ăn trong vòng một tháng. Như vậy, nếu một gia đình có hàng triệu đồng để dành thì sẽ bị mất hết, chỉ có được 200 đồng để mà tiêu mà thôi. Khi người dân bị mất hết tiền để dành thì sẽ phải nhịn tiêu, nhịn mặc, nghĩa là sức mua của dân bị giảm sút một cách đột ngột rất là ghê gớm. Điều này đóng góp vào việc suy sụp của nền kinh tế miền Nam sau năm 1975.

Tuy nhiên sức mua của dân miền Nam vẫn cao hơn dân miền Bắc lúc đó . Chỉ có những người rất nghèo là khốn đốn trước tiên. Phần lớn gia đình miền Nam có vàng để dành nên họ phải bán vàng để mà tiêu. Như vậy sức mua tại miền Nam cũng vẫn còn tương đối cao hơn sức mua tại miền Bắc lúc đó, nơi mà người dân sau bao nhiêu năm sống trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không mấy ai có vàng mà để dành. Vì thế có nhiều người miền Bắc lúc đó thích vào Nam sống vì vào Nam buôn bán dễ hơn. Chỉ cần có cái bàn bán phở, bán bún cũng đủ sống vì dân miền Nam cũng còn tí tiền để ăn vặt. Đến cuối thập niên 1970, qua thập niên 1980, sau các chiến dịch đánh tư sản, tịch thu ruộng đất, người dân nghèo đi nhanh chóng, các gia đình cũng dần dần bán hết vàng, nhiều người lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng phải vượt biên.

Chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa còn ảnh hưởng đến ngày nay cho nên người dân Việt vẫn còn nghèo, do đó thị trường nội địa không đủ mạnh để phát triển kinh tế mà phải dựa vào xuất khẩu. Tình trạng này cũng đang xảy ra tại Trung Quốc. Trong mấy năm gần đây, kinh tế Trung Quốc chậm lại vì xuất cảng ít đi trong khi thị trường nội địa không đủ mạnh để làm cho kinh tế tăng trưởng. Sự tăng trưởng về kinh tế tại Việt Nam và Trung Quốc tùy thuộc nhiều vào xuất cảng.

Có một nước tại Đông Nam Á có thị trường nội địa mạnh nên ít bị lệ thuộc vào xuất cảng là Indonesia.  Khi cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 xảy ra tại Mỹ rồi lan ra nhiều nước thì Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai, Nam Hàn, Nhật... đều bị giảm mức tăng trưởng về kinh tế vì các nước này xuất cảng nhiều qua các nước Tây phương. Riêng tại Indonesia, mức tăng trưởng kinh tế vẫn không suy giảm bao nhiêu. Người ta khám phá ra đó là vì thị trường nội địa của Indonesia vẫn rất mạnh. Indonesia có thị trường nội địa mạnh vì có đông dân và dân Indonesia không bị nghèo mạt dù đã trải qua mấy chục năm sống dưới chế độ độc tài của tướng Suharto. Ông Suharto và giới quân nhân cầm quyền tuy tham nhũng nhưng nông dân và dân thành thị Indonesia cũng vẫn có đời sống tương đối khá. Đó là vì tuy chính quyền độc tài, Indonesia vẫn theo kinh tế thị trường vào có nguồn lợi dầu hỏa. Dân số Indonesia hiện nay gần 260 triệu. Dân số này nhiều hơn dân số của Mỹ hay Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh, lúc đó Mỹ và Liên Xô có khoảng trên 200 triệu dân. Ngày nay dân số Indonesia sấp sỉ Mỹ, Mỹ có 310 triệu dân, và đông hơn dân số Nga, Nga có 143 triệu. Indonesia có một khối lượng dân đông đảo để tiêu thụ hàng hóa do người Indonesia làm ra. Giống như tại Mỹ, nhiều hãng Mỹ bán được hàng cho dân Mỹ là đủ làm giàu, không cần phải xuất cảng. Indonesia chỉ cần làm như Mỹ là làm cho dân khá giả lên, đừng đánh thuế dân nặng quá.

Những chuyện chính quyền Việt Nam phải nhượng bộ để cho công nhân được quyền thành lập công đoàn, việc cố gắng để xuất khẩu được hàng hóa là những việc làm có lợi cho quốc gia. Còn hơn là như Bắc Hàn, đóng cửa bắt dân ăn đói để dồn tiền chế tạo vũ khí. Nếu dùng chữ như những người Cộng Sản thường dùng thì Việt Nam ngày nay đang ở trong "thời kỳ quá độ" từ một mô hình chuyên về chiến tranh để trở thành một nước bình thường, xem việc sản xuất hàng hóa để nuôi sống dân là hoạt động bình thường của một quốc gia. 

Minh Đức

No comments:

Post a Comment