Monday, September 7, 2015

Mỹ thả bọ để phá hoại mùa màng Liên Xô

Ông Yuri Bezmenov (bên phải) trong buổi phỏng vấn
Ông Yuri Bezmenov, một cán bộ từng làm việc cho cơ quan an ninh Liên Xô KGB, bỏ trốn khỏi Liên Xô năm 1970, sau này kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ là chính quyền Liên Xô đã nói với dân Nga là Mỹ đã dùng máy bay để thả các con bọ có tên là Colorado để phá hoại các cánh đồng trồng khoai tây tại Liên Xô. Câu chuyện này nói lên cách thức chính quyền độc tài lèo lái tư tưởng của người dân ra sao.



Trong một buổi phỏng vấn bởi ông G. Edward Griffin vào năm 1984, khi được hỏi về kỷ niệm mà ông Yuri Bezmenov có vào thưở nhỏ tại Liên Xô, ông Yuri Bezmenov nói điều mà ông nhớ mãi là sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Mỹ từ một nước bạn đồng minh với Nga trong Đệ Nhị Thế Chiến, trong một sớm một chiều đã bị chính quyền Liên Xô mô tả thành kẻ thù ghê gớm nhất của Liên Xô. Chính quyền Liên Xô tung ra tin là Mỹ cho máy bay thả các con bọ tên là Colorado xuống các cánh đồng trồng khoai tây Liên Xô để phá hoại mùa màng. Colorado là tên một tiểu bang nằm giữa nước Mỹ. Ông Yuri Bezmenov lúc đó là học sinh, nhớ là bìa sau của một cuốn sách giáo khoa có in hình con bọ có tên là Colorado. Các học sinh được cho đi ra các cánh đồng trồng khoai tây để tìm bắt các con bọ này. Ông Yuri Bezmenov đã không tìm ra con bọ nào cả. Chuyện Mỹ thả bọ Colorado xuống Nga chỉ là chuyện bịa của cơ quan tuyên truyền Xô Viết. Dù con bọ Colorado chỉ là một con bọ thường nào đó bị đặt tên là Colorado rồi có học sinh nào đó bắt được thì câu chuyện này cũng nói lên cách thức làm sao một chính quyền cộng sản biến một nước đang là bạn trở thành thù. Đó là dựng đứng ra những câu chuyện giả tạo.

Cùng với câu chuyện con bọ Colorado, chính quyền Liên Xô đặt ra các chuyện Mỹ sắp sửa tấn công Liên Xô, có các chính sách phá hoại kinh tế Liên Xô..., làm cho dân Nga luôn luôn sống trong không khí phập phồng, lo sợ sẽ có chiến tranh trong nay mai.

Chính quyền Liên Xô sử dụng kỹ thuật thuật tuyên truyền mà các chế độ phát xít, độc tài thường sử dụng. Kỹ thuật đó là dựng lên một kẻ thù, một kẻ xấu xa, luôn luôn nói là kẻ đó đang đe dọa đến an ninh quốc gia. Sự phóng đại mối đe dọa sẽ làm cho dân chúng sợ hãi và đoàn kết với nhau, làm theo lời chính quyền bảo. Người dân bị thường xuyên sống trong sự đe dọa bị tấn công của ngoại bang sẽ dễ dàng chấp nhận các biện pháp an ninh chặt chẽ, các biện pháp đàn áp những người dân dám lên tiếng phê bình chính quyền, chấp nhận các biện pháp kinh tế khắc khổ, thắt lưng buộc bụng để chính quyền mặc sức dồn ngân sách cho quân sự.

Cùng với việc dựng ra một kẻ thù, guồng máy tuyên truyền cũng đưa ra luận điệu là nước chúng ta là nạn nhân, bị lép vế, bị ngoại bang đè nén đàn áp, để người dân mang tâm trạng uất ức, căm thù ngoại bang, sẵn sàng xung phong vào quân đội, sẵn sàng hy sinh mạng sống khi chính quyền đòi hỏi.

Nhưng nếu chỉ đưa ra luận điệu dân tộc ta bị lép vế thì sẽ làm dân chúng bi quan, thấy mình bất lực, yếu ớt thì chính quyền đồng thời đưa ra các tuyên truyền là chúng ta rất mạnh, chúng ta là vô địch, kẻ nào đụng đến chúng ta sẽ bị thảm bại, chúng ta sẽ đánh chúng tan tành.

Công thức tuyên truyền đó tóm tắt lại gồm:

- Dựng lên một kẻ thù.

- Làm cho dân phải luôn luôn lo sợ sống trong tình trạng phập phồng bị tấn công.

-  Nói với dân là chúng ta là nạn nhân của sự bất công, của kẻ mạnh, của đế quốc.

- Nói với dân là chúng ta rất mạnh, chúng ta sẽ đánh tan tành kẻ nào dám đụng đến chúng ta.

Kết quả của việc áp dụng các kỹ thuật tuyên truyền đó là người dân thấy đất nước mình tuy bị ngoại bang đe dọa nhưng may mắn thay mình có người lãnh đạo tài giỏi sẽ bảo vệ cho dân tộc chống lại được sự xâm lăng của ngoại bang.

Bằng cách dựng đứng lên các đe dọa giả tạo từ các nước tư bản mà đảng Cộng Sản Nga đã độc quyền cai trị nước Nga trong 70 năm.

Nước Đức sau Đệ Nhất Thế Chiến, vì bại trận bị các nước thắng trận bắt nộp tiền bồi thường chiến tranh rất nặng khiến cho dân Đức có tâm trạng thấy mình là nạn nhân của sự bất công, bị các nước lân bang chèn ép. Đảng Đức Quốc Xã đã dựng lên kẻ thù là người Do Thái, xem họ là đe dọa cho sự tồn tại của chủng tộc Đức. Cảm giác bị đe dọa khiến cho người dân Đức ủng hộ lãnh tụ Adoft Hitler, xem ông ta như là vị cứu tinh của dân tộc, nếu không có lãnh tụ Hitler và đảng Đức Quốc Xã thì chủng tộc Đức sẽ bị lâm nguy, bị tiêu diệt.

Đáng lẽ ra Liên Bang Xô Viết có thể có thái độ thân thiện với các nước Tây Phương, buôn bán với các nước này trong khi cứ tiếp tục đường lối xã hội chủ nghĩa ở trong nước mình. Nhưng đảng Cộng Sản Nga đã chọn con đường huấn luyện người và cung cấp khí giới cho những nhóm vũ trang tại các nước khác để lật đổ chính quyền tại nước đó, thiết lập chế độ chính trị theo mô hình của Liên Xô, xem Mỹ và các nước Tây phương như là thù địch. Từ đó mà Mỹ có chính sách ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô, đó là chính sách be bờ.

Đến năm 1984, khi ông Mikhail Gorbachev lên cầm quyền đã đi ra ngoài công thức tuyên truyền này. Chương trình Glasnost, nghĩa là cởi mở, đã cho dân biết là nhiều điều nhà nước Liên Xô nói không đúng sự thật. Sự thân thiện của ông Gorbachev với các nước Tây Phương khiến người dân Nga lúc đó không còn sống trong sự lo sợ phập phồng sợ bị Tây Phương tấn công nữa nên nhiều người đã đòi phải có nhiều quyền hơn, phải có dân chủ.

Ngày nay, ông Vladimir Putin lại lập lại các công thức tuyên truyền thời Xô Viết. Vào đầu năm 2015, trong khi nền kinh tế nước Nga có nguy cơ đi xuống vì giá dầu hỏa xuống thấp thì chính quyền Nga lại đưa ra bản tin nói là mặc dầu kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn nhưng chính quyền sẽ không cắt giảm ngân sách quốc phòng, và ra lệnh cho các đơn vị quân đội đóng tại biên giới sẵn sàng giữ vững vị trí khi bị ngoại bang tấn công, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Luận điệu Nga phải chống lại sự xâm lăng là luận điệu lạ lùng, không phù hợp với tình hình thực tế lúc đó. Lúc đó, Mỹ và các nước trong NATO không có ý định tấn công Nga, mà cũng không có ý định dùng quân sự để giải quyết vấn đề chiến tranh tại Ukraine, hay đánh Nga để Nga phải bỏ vùng Cremea của Ukraine mà Nga mới sáp nhập. Chẳng những thế Mỹ còn định rút quân bớt khỏi châu Âu và một số nước NATO cắt giảm thên ngân sách cho quân sự. Putin chỉ làm như vậy để cho dân Nga sống trong không khí phập phồng lo sợ, phải nghe lời chính quyền và chấp nhận bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận, chấp nhận các khó khăn kinh tế do chính sách phiêu lưu quân sự của Putin gây ra.

Khi Mỹ và các nước Liên Âu đề ra các biện pháp cấm vận về kinh tế với Nga thì Nga liên tiếp cho phi cơ ném bom tiến sát biên giới các nước trong NATO ở châu Âu và cả ở Mỹ, rồi tổ chức các cuộc tập trận. NATO và Mỹ thấy Nga có các động tác khiêu khích nên cũng tổ chức tập trận để khỏi bị bất ngờ khi Nga đổ quân vào các nước trong NATO và Mỹ cũng đem một số vũ khí nặng đến các nước có biên giới sát với Nga để chứng tỏ là phía NATO có phòng bị. Nga được dịp nói đó là dấu hiệu Mỹ và NATO muốn tấn công Nga và lờ đi các hành động khiêu khích mà Nga làm để cho NATO có phản ứng. Có thể nói là Nga đã cố tình có những hành động khiêu khích cốt để phía bên kia có phản ứng thì cơ quan truyền thông Nga la lối lên là bên kia có ý định tấn công . Có như thế thì mới làm cho dân Nga luôn luôn sống trong không khí lo sợ, phập phồng.

Trong một bài phóng sự về Nga bằng tiếng Anh của đài BBC vào năm 2015, có ba người Nga được phỏng vấn nói lên cách suy nghĩ điển hình của dân Nga vào lúc đó. Người thứ nhất, có học thức và công việc làm có lương khá thì nói là anh ta có ý định rời bỏ nước Nga. Anh ta thấy chính quyền bắt bớ, đàn áp những người phản kháng, nên sợ rằng mình có thể vì lỡ lời mà bị nhà nước bắt bớ. Anh ta có phương tiện nên đã cho gia đình ra sống ở nước khác rồi và đang chuẩn bị rời Nga. Người thứ hai là một bà nói rằng bà ta muốn đi khỏi nước Nga vì sợ Nga sắp có chiến tranh với Mỹ. Nếu là chiến tranh nguyên tử thì bà ta sợ sẽ bị chết lây. Nhưng bà ta không có phương tiện nào để có thể đi khỏi nước Nga . Người thứ ba thì nói là anh ta rất yêu nước Nga, anh ta không muốn đi ra khỏi nước Nga nhưng anh ta thấy chính quyền Nga ngày nay đã dùng lại các luận điệu tuyên truyền thời Liên Xô, là điều anh ta không thích.

Việc có người Nga lo sợ Nga sẽ có chiến tranh với Mỹ cho thấy chính sách tuyên truyền của Putin đã có tác dụng. Những người đó không có cơ hội đọc tin tức nước ngoài, cả ngày chỉ nghe đọc báo và xem đài truyền hình tại Nga nên không có cơ hội so sánh những gì chính quyền nói với những gì thật sự xảy ra trên thế giới. Với lại phần lớn người dân lo làm ăn, lo cho gia đình nên không còn thì giờ để tìm tòi, điều tra về những điều chính quyền nói.

Nhờ dùng các kỹ thuật tuyên truyền để làm dân lo sợ, và để đánh bóng hình ảnh lãnh tụ yêu nước anh minh, sáng suốt mà Putin và nhóm người đi theo ông ta có thể nắm quyền lâu dài tại Nga. Họ chia chác nhau các quyền lợi khổng lồ lấy từ của cải đáng lẽ ra là của quốc gia. Tạp chí The Atlantic cách đây mấy năm có bài báo ước lượng kể từ lúc ông Putin mới lên năm 2000, số tiền thất thoát do tham nhũng lên đến 400 tỉ đô la. Nước Nga là một nước lớn, có rất nhiều tài nguyên, số tiền lợi nhuận do xuất cảng dầu hỏa rất lớn, vì thế tham nhũng cũng rất lớn.

Nhờ nắm được kỹ thuật tuyên truyền, loan tin dối trá và nắm bạo lực, đàn áp những kẻ phản kháng mà đảng Cộng Sản Nga và tập đoàn Putin nắm được quyền lực lâu dài trong khi nếu cho tự do bầu cử, tự do ứng cử các lãnh tụ cộng sản lẫn Putin có cơ hội tranh luận tự do với những ứng cử viên khác của Nga thì kiến thức về kinh tế, xã hội và tình hình thế giới của họ chưa chắc đã trội hơn những người khác. Putin đã thắng cử trong một cuộc bầu cử, nhưng trước đó, những người có khả năng, có uy tín có thể làm hại cho uy tín của Putin đã bị chính quyền lấy cớ này, cớ kia mà ngăn cản sự hoạt động của đảng của họ hoặc cấm đảng của họ hoạt động. Đến khi bầu cử chỉ toàn những đảng với lãnh tụ kém cỏi, ăn nói toàn những luận điệu điên khùng, vớ vẩn thì được ra tranh cử. Trong tình trạng đó, người dân Nga thấy Putin là người sáng giá nhất.

Thi sĩ Tản Đà có câu thơ:

Cũng tại thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan

Những kẻ sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật tuyên truyền và bạo lực, làm cho dân tin thì có thể lên làm quan, muôn năm trường trị. Chỉ có điều nước đó thiếu sự cạnh tranh tự do để có được người có kiến thức nhất, tài giỏi nhất lên cầm quyền.

Minh Đức

Một thí dụ cho thấy Nga tung tin làm ra vẻ là Mỹ có ý định gây chiến với Nga:


Hoa Kỳ cho rằng, đòn tấn công Nga bằng hạt nhân là có khả năng

Sputnik (tên mới của đài Tiếng Nói Nước Nga)

14:17 05.06.2015(cập nhật 19:43 05.06.2015)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận về khả năng triển khai tên lửa trên đất liền ở châu Âu, có khả năng đánh phủ đầu và phá hủy vũ khí của Nga, theo Associated Press.

Cần lưu ý rằng một trong những vấn đề thảo luận về vị trí triển khai là cải thiện các loại vũ khí hạt nhân Mỹ, có khả năng phá hủy các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Nga, nếu cần thiết.

Trước đó, Giám đốc Ủy ban không phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov nói rằng cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh giải trừ vũ khí hạt nhân không thể nào đi theo hướng tích cực.

Hôm thứ Năm, ngày 4 tháng Sáu, có tin rằng Hoa Kỳ cho phép sử dụng "ngân sách bổ sung" trong trường hợp leo thang xung đột ở Ukraine.


No comments:

Post a Comment