Saturday, September 12, 2015

'Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh' bốn mươi năm sau

Bìa sách Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh. (Ảnh của gia đình tác giả)
 
Vào khoảng cuối năm 1997, nhà xuất bản North Falls House ở thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ ấn hành một cuốn sách tiếng Việt mang tựa đề Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh (TVTVĐM). Tác giả của sách, Phạm Việt Châu, là một tên tuổi không phải độc giả người Việt nào cũng có thể nhận ra ngay lập tức.


 Sách "Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh" dưới dạng PDF

 
Thật ra, hiếm có người nghe nói đến bút hiệu này trừ phi họ là độc giả của tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) vào những năm 69 – 74 của thế kỷ trước, nơi các chương đoạn của Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh được đăng tải từng kỳ trong nhiều năm trời. Hơn nữa, tính đến khi Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh được ấn hành ở Hải ngoại, tác giả Phạm Việt Châu đã qua đời hơn hai mươi năm, vào ngày 5 tháng 5 năm 1975, chỉ ít hôm sau khi miền Nam rơi vào tay Bắc quân. Tuẫn tiết. Bằng độc dược.

Tên thật của nhà nghiên cứu Phạm Việt Châu là Phạm Đức Lợi, sinh năm 1932 tại làng Hiếu Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam. Ông từng là nhân viên nòng cốt trong ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên và là trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên ra Hà Nội năm 1972 để thi hành hiệp định Paris. Chức vụ cuối cùng của ông trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) là Trung Tá Trưởng Ban Nghiên Cứu Chiến Lược – Khối Tình Báo – Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài bút hiệu Phạm Việt Châu dành cho các công trình biên khảo, ông còn dùng bút hiệu Mạc Ly Châu và Phạm Chi Lăng cho các sáng tác văn học.

Tác giả Phạm Việt Châu. (Ảnh của gia đình tác giả)

Có vẻ như Phạm Việt Châu là người không thích phô trương. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người viết lời bạt cho Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh, cũng chỉ được ông chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu cho biết một cách lơ mơ rằng tác giả Phạm Việt Châu là một sĩ quan cấp tá của QLVNCH. Trong lần nói chuyện gần đây nhất với người viết, sử gia Tạ Chí Đại Trường, cấp bậc Đại úy, cũng làm việc tại bộ Tổng Tham Mưu, cho biết đã có lần gặp “thiếu tá Lợi” viết cho Bách Khoa nhưng hai người chưa hề chia sẻ với nhau về chuyện viết lách của mình.

Như vậy, có thể kết luận Phạm Việt Châu là người kín đáo, nhưng ý nghĩa của những điều ông viết ra  hơn 40 năm về trước trong Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh thì vô cùng minh bạch, nhất là khi các tranh chấp biên giới và lãnh hải giữa Việt Nam và người láng giềng khổng lồ phương Bắc khiến cho mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh, tuy vậy, không chỉ đề cập đến quan hệ Việt-Trung, cho dù đó là một phần rất quan trọng của sách. Tất cả các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Châu Á mà tác giả gọi chung là nhóm Bách Việt hoặc Trăm Việt được liệt kê đầy đủ, và các yếu tố văn hóa và lịch sử đưa đến sự hình thành của mỗi quốc gia cũng như hiện trạng kinh tế - xã hội của các quốc gia này (cho đến thời điểm những năm đầu thập kỷ 1970) được trình bày một cách chi tiết và khoa học. Chỉ cần nhìn qua phần mục lục rút gọn dưới đây, bạn đọc có thể nhìn thấy được chiều sâu của công trình nghiên cứu liên quan đến nhiều ngành học thuật và tầm nhìn rộng và xa của tác giả đối với tương lai của khu vực mà ông gọi là “vùng định mệnh.”

Mục Lục (rút gọn) của Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh:
•    Dẫn Nhập
•    Phần I: Hình thành và Tiếp nối
o    Chương I: Dấu chân Bách Việt
o    Chương 2: Hạt giống nẩy mầm
o    Chương 3: Hàng hàng tiếp nối
o    Chương 4: Từ Bị trị tới Độc lập
•    Phần II : Những bài học trước mắt
o    Chương 5: Xứ Thái: Tự thích ứng để sinh tồn
o    Chương 6: Indonesia: Kinh nghiệm liên hợp Quốc Cộng
o    Chương 7: Mă Lai: Trường hợp một phòng tuyến vỡ
o    Chương 8: Phi-Líp-Pin: Xã hội sa lầy
o    Chương 9: Miến Điện trước ba trận tuyến
o    Chương 10: Kam-Pu-Chia: Một thế trung lập chông chênh
o    Chương 11: Xứ Lào: Chiến tranh qua ba hiệp định hòa bình
o    Chương 12: Việt Nam: Vài tiêu mốc nhận định về cuộc chiến 60-73
•    Phần III: Trong tầm tay Đế quốc hiện đại
o    Chương 13: Cộng Sản có mặt
o    Chương 14: Tư bản Mỹ
o    Chương 15: Áp lực truyền kiếp: Người Hán
•    Phần IV: Ý chí nỗ lực kết khối
o    Chương 16: Ý thức MaPhilIndo
o    Chương 17: Hình thức Kết khối hiện đại
o    Chương 18: Thay kết luận

Mục lục này đồng thời là tấm bản đồ dẫn dắt người đọc dọc theo hành trình lập quốc của các dân tộc Bách Việt, hiện tình của mỗi đất nước, và quan trọng hơn hết, dẫn đến khả năng tồn tại của mỗi và toàn thể các quốc gia Đông Nam Á trong tư thế độc lập và tự do bằng cách liên kết và hợp tác với nhau để chống lại sự bành trướng của các thế lực quốc tế, ngụy trang dưới bất cứ  hình thái hoặc ý thức hệ nào. Đây chính là điều mà các triều đại phương Bắc qua nhiều thời kỳ, kể cả và nhất là triều đại Tập Cận Bình với những hoạt động bành trướng ở biển Đông nhộn nhịp hơn bao giờ hết, lo ngại sẽ phải đối diện. Sự kiện Trung Quốc phản đối việc mang các tranh chấp biển đảo vào chương trình nghị sự của hội nghị các nước ASEAN và đề nghị một cách không mệt mỏi các cuộc thương thảo tay đôi / riêng rẻ với các quốc gia liên hệ cũng đủ để xác định giá trị vượt thời gian của những nhận định và đề xuất sáng suốt của học giả Phạm Việt Châu.

Từ chối quyết liệt thân phận lệ thuộc là một ý thức xuyên suốt mà tác giả Phạm Việt Châu đã khẳng định một cách mạnh mẽ ngay từ những giòng chữ đầu tiên của phần dẫn nhập:

Cho đến khi người viết cầm bút viết những dòng này, năm 1968, học sinh Việt từ Nam chí Bắc vẫn còn phải đọc trong sách những dòng đầu địa lý về xứ sở mình: nước Việt Nam ở về phía Đông bán đảo Ấn-Hoa! Cái bản chất lệ thuộc trong địa danh Ấn-Hoa đã hạ nhục tất cả các quốc gia độc lập trong khu vực, cũng như cái bản chất chư hầu trong quốc hiệu An-Nam đã làm cho người Việt chúng ta phải tủi hổ khi nghe người khác gọi mình và đã quyết liệt xóa bỏ bằng chính máu của mình.

Cũng trong phần dẫn nhập, tác giả vạch rõ cái hiểm họa lớn nhất và dai dẳng nhất đối với các quốc gia Đông Nam Á:

[…] cái tính chất khai phóng trong việc tiếp nhận các tư trào mới nếu đã làm cho Đông Nam Á trở thành nơi đúc kết tinh hoa của tư tưởng loài người, thì trên thực tế cũng đã là mối họa triền miên có tính cách lịch sử, lúc âm ỉ, khi bộc phát, luôn luôn treo trên đầu nhân dân Đông Nam Á: đó là nhu cầu bành trướng quyết liệt của Trung Hoa về phương Nam. Nhu cầu ấy từ lâu đã trở thành quốc sách và dù cho Trung Hoa có ở trong chế độ quân chủ, dân chủ, tư bản hay độc tài cộng sản, mưu đồ Nam tiến vẫn được tiếp tục duy trì, tuy chiến lược có thể thay đổi, mỗi thời một khác.

Về hiểm họa từ phương Bắc, tác giả Phạm Việt Châu đã dành hẳn một chương sách để thảo luận một cách cặn kẽ. Trong chương 15, “Áp lực Truyền kiếp: Người Hán,” tác giả đã tỉnh táo chỉ ra hoàn cảnh vô cùng khó xử của các nước Đông Nam Á khi họ cố gắng tìm kiếm giải pháp chống lại âm mưu bành trướng của Bắc Kinh.

[…] tự xé lẻ để cầu hoà, thần phục có thể được để ở yên trong giai đoạn hiện tại, song lấy gì bảo đảm cho tương lai, trong khi Trung Hoa đã có sẵn dự kế thống trị. Còn chống đối, đương đầu thì không đủ mạnh, nên có quốc gia đã bám theo đế quốc khác để tìm sự che chở. Hành động theo phản ứng ấy đã dựa vào một mệnh đề nghe ra thường hợp lý ‘Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta’, nhưng thật ra là sai lầm ấu trĩ trong trường hợp này. Vì hành động như vậy, chúng ta đã đồng hoá lập trường tự vệ thiêng liêng của mình với lập trường đế quốc. Hay nói một cách khác, chúng ta đã chỉ phụ họa theo tiếng gầm gừ của bầy thú dữ đang tính chuyện xâu xé lẫn nhau mà thôi.

Và tác giả tha thiết nhắc nhở, không chỉ Việt Nam mà toàn thể các quốc gia Đông Nam Á, rằng … chúng ta, nhân dân Đông Nam Á, chúng ta không có vấn đề Trung Cộng riêng rẽ mà chỉ có vấn đề Tàu. Tàu thì lúc nào cũng chỉ là Tàu, và cái mưu đồ theo đuổi tận diệt bằng cách đồng hoá các dân tộc nhỏ yếu xung quanh (dưới hình thức này hay hình thức khác) từ xưa đến nay cũng vẫn thế .
Để nắm bắt tốt hơn những giá trị vượt thời gian của một tác phẩm được viết ra hơn bốn mươi năm về trước, chúng ta nên đọc Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh từ đầu đến cuối. Điều may mắn là chúng ta có thể có được tác phẩm quan trọng này trong dạng ebook hoàn toàn miễn phí. Chỉ cần truy cập mạng Kệ Sách ebook theo đường dẫn dưới đây để được hướng dẫn cách download / tải về máy tác phẩm  Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh trong định dạng (format) ưa thích của mình: http://kesach.org/archives/1025

Sống trong một đất nước tan hoang bởi cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm, như là một người viết, tác giả Phạm Việt Châu vẫn luôn ôm ấp hoài bão đóng góp cho công cuộc chiến đấu của Việt Nam và các quốc gia anh em Trăm Việt chống lại tham vọng bành trướng của các đế quốc hùng mạnh trên thế giới. Như là một người lính, khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã rõ phần thắng bại, Trung tá Phạm Đức Lợi, tức Phạm VIệt Châu, đã dũng cảm nhận lãnh phần trách nhiệm của mình, “như một thuyền trưởng chấp nhận ở lại với con tàu lịch sử tháng 4 năm 1975" (phát biểu của cố luật sư Nguyễn Xuân Phước).

Chúng ta có thói quen chọn một ngày nào đó để cử hành lễ tưởng niệm những người mà chúng  ta tôn kính, những người đã xem nhẹ tử sinh để giữ lấy khí tiết, những bậc anh hùng. Với tuyệt đại đa số người Việt ở Hải ngoại, 30 tháng Tư là một ngày như thế. Chúng ta tụ họp, buồn bã và nghiêm trang, kể cho nhau nghe những câu chuyện hào hùng về họ, những anh hùng vị quốc vong thân. Rồi chúng ta chia tay, cho đến tháng Tư năm sau. Ở trong nước cũng thế, người ta chọn một ngày để tri ân anh hùng liệt sĩ, ở đó khói nhang nghi ngút, và những nghi thức trang trọng được bày ra. Tàn cuộc, mọi người kéo nhau ra về, và sẽ “đến hẹn lại lên” vào năm kế tiếp. Nam hay Bắc, trong hay ngoài, đó là những ngày buồn thảm cho người còn lại.

Cũng có những người như vì sao khiêm tốn, ẩn hiện đàng sau chòm tinh vân sặc sỡ, chỉ để chúng ta choáng ngợp khi nhìn ra sự huy hoàng của nó ở  cự ly gần. Đó là những người không chỉ tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, và lòng dũng cảm khiến chúng ta kính trọng mà thêm vào đó là sự tiếc nuối vô bờ chúng ta dành cho phần tài năng và trí tuệ siêu việt nay đã mất đi vĩnh viễn. Chúng ta có cơ sở để tin chắc, nếu còn sống, họ nhất định sẽ có thêm những đóng góp quan trọng cho đất nước, cho dân tộc. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, người lính, tác giả của Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Phạm Việt Châu là một người như thế.

Với Phạm Việt Châu và những người như ông, có lẽ không cần thiết phải chọn một ngày đặc biệt nào đó trong năm để cử hành những nghi thức tưởng niệm. Vào một ngày rất bình thường, bất cứ ngày nào, khi giàn khoan dầu Hải Dương 981 chậm rãi tiến vào vùng lãnh hải đang tranh chấp một cách êm thấm, chúng ta sẽ nghĩ đến họ với lòng  ngưỡng mộ và nỗi tiếc thương. Trong thinh lặng.




 02.09.2015
Phùng Nguyễn


Nhà văn Phùng Nguyễn sống và làm việc trong ngành IT ở Hoa Kỳ. Tác giả của 2 tập truyện ngắn Tháp Ký Ức và Đêm Oakland và Những Truyện Khác. Đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (damau.org) và tham gia biên tập tạp chí này từ năm 2006.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



Bình Luận:

Trích: "đó là nhu cầu bành trướng quyết liệt của Trung Hoa về phương Nam. Nhu cầu ấy từ lâu đã trở thành quốc sách và dù cho Trung Hoa có ở trong chế độ quân chủ, dân chủ, tư bản hay độc tài cộng sản, mưu đồ Nam tiến vẫn được tiếp tục duy trì, tuy chiến lược có thể thay đổi, mỗi thời một khác.".

Cái nhìn xem Trung Hoa là mối đe dọa cho Việt Nam và cho các nước trong vùng Đông Nam Á dù Trung Hoa theo bất cứ chế độ nào, quân chủ, dân chủ, tư bản hay cộng sản là cái nhìn căn cứ vào thực tế mà không căn cứ vào chủ nghĩa nào cả.

Cái nhìn đó mặc nhiên cho là con người ta kết hợp với nhau trên căn bản quốc gia chứ không trên căn bản giai cấp. Chủ nghĩa Mác xít thì cho rằng con người kết hợp trên căn bản giai cấp và tiên đoán là thế giới sẽ chia ra hai phe, phe giai cấp tư sản và phe giai cấp vô sản. Thời gian cho thấy phe giai cấp vô sản (tưởng tượng) đã tan vỡ mà phe giai cấp tư sản thì cũng chẳng phải là một khối. Đối với một chế độ theo chủ nghĩa Mác Lê thì cuốn sách Trăm Việt Trên Đường Định Mệnh mang tư tưởng phản động và theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Thực tế cho thấy cái nhìn của ông Phạm Việt Châu là đúng, cái nhìn của chủ nghĩa Mác Lê là sai. Dù Việt Nam và Trung Quốc cùng theo chủ nghĩa Cộng Sản nhưng Việt Nam vẫn bị nguy cơ xâm chiếm của Trung Quốc.


Nên nhớ là đường chín khúc mà Trung Quốc dùng để qui định vùng biển thuộc về Trung Quốc là do chế độ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đề ra. Rồi sau này Trung Quốc tiếp tục dùng đường này để đòi chiếm cả vùng biển Đông. Dù là Tàu Cộng Sản hay Tàu chống Cộng thì họ vẫn tìm cách chiếm các đảo ở biển Đông.  
 
 
 

Đọc Phạm Việt Châu, hai mươi lăm năm sau…



Lời bạt của Nguyễn Mộng Giác cho tập biên khảo Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh

Dongsondrum Nếu tôi không lầm, hồi đó vào khoảng hai năm 1972, 1973; tạp chí Bách Khoa đăng liên tiếp nhiều kỳ loạt bài Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh của Phạm Việt Châu. Tôi say mê theo dõi loạt bài này, hỏi anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa tác giả là ai. Anh Châu chỉ trả lời chung chung Phạm Việt Châu là bút hiệu của một sĩ quan cấp tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh gây ấn tượng sâu đậm trong tôi hồi đó do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, điều lâu nay tôi vẫn thường nghe, đến nỗi tưởng là điều hiển nhiên, là ba nước Đông Dương (Indochina) thuộc về một vùng giao tiếp mờ nhạt của hai thế lực chính trị văn hóa khổng lồ Trung Hoa và Ấn Độ, cho nên các nước thuộc vùng Đông Nam Á này không có một thực thể riêng, một căn cước riêng, số phận các dân tộc đó tùy thuộc vào những chuyển biến của hai nền văn minh Á châu lớn lao bên cạnh. Thành kiến ấy sâu đậm đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ quan tâm đến số phận của các nước láng giềng. Thử hỏi một trí thức bậc trung nào đó của Việt Nam về lịch sử, văn hóa, phong tục, nghệ thuật của các nước Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan… chúng ta sẽ thấy họ không biết gì nhiều. Họ rành rẽ về phong tục tập quán của người Trung Quốc, Pháp, Mỹ nhưng không hề biết người Lào ăn uống ra sao, người Miến ưa dùng thứ nhạc khí gì. Mỗi dân tộc ở khu vực Đông Nam Á sống riêng rẽ và dồn sức đối phó với thế lực đang thuộc địa xứ sở hộ. Họ vừa thù ghét nền văn hóa thực dân vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa đó. Họ yêu ghét lẫn lộn, tự do và nô lệ không có ranh giới, đến nỗi họ không còn biết rõ mình là ai, mình ở đâu, mình muốn gì. Loạt bài Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh của Phạm Việt Châu, đối với riêng tôi, là một tiếng chuông thức tỉnh. Phạm Việt Châu lay tôi dậy, nhắc cho tôi nhớ nguồn gốc và chỗ đứng thực sự của dân tộc Việt Nam, bằng những dẫn chứng rõ ràng về liên hệ chủng tộc, lịch sử, phong tục giữa các nước trong vùng Đông Nam Á. Tôi cảm ơn Phạm Việt Châu về món quà trí tuệ quí giá ấy.

Nguyên nhân thứ hai là tâm trạng hoang mang chung của thế hệ chúng tôi vào thời điểm Bách Khoa đăng loạt bài của Phạm Việt Châu. Sau hiệp định ngưng chiến ký kết ở Paris, Hoa Kỳ giao lại cho chính quyền miền Nam vai trò chính yếu trong cuộc chiến tranh tự vệ, chuẩn bị rút lui “trong danh dự” khỏi một cuộc phiêu lưu làm phân hóa trầm trọng xã hội Hoa kỳ. Những người Việt Nam lạc quan thời bấy giờ thấy le lói một niềm hy vọng mới, hy vọng bằng chính sức mình duy trì và bảo vệ được một chính thể tự do, dân chủ thực sự, trong quan hệ mật thiết với các nước lân bang, và nhất là thoát ra ngoài ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp quyền lực giữa các đại cường. Đó là cụm từ như “thân phận da vàng”, “nỗi buồn nhược tiểu”, “chiến tranh uỷ nhiệm” trở thành thời thượng trong các bài bình luận chính trị, trong các lời ca phản chiến. Bây giờ, chúng ta mới thấy niềm hy vọng ấy chỉ là ảo tưởng, khi miền Bắc không hề bỏ ý định thôn tính miền Nam dù Hoa kỳ có rút lui, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn. Nhưng xin bạn đọc trở lui lại thời kỳ sôi động đầy hoang mang ấy, thời kỳ khắc khoải đi tìm đường của cả một thế hệ, bạn đọc mới thấy những lời viết của Phạm Việt Châu tác động mạnh mẽ như thế nào. Ông cho chúng tôi một căn cước mới, một niềm hãnh diện mới, một gia đình mới, và dĩ nhiên, một hướng đi mới.

Điều đáng tiếc là Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh bị những biến cố lịch sử dồn dập suốt những năm đầu thập niên 70 che khuất, và vùi dập vào lãng quên do biến cố 30.4.1975. Phạm Việt Châu qua đời cùng chính thể Việt Nam Cộng Hòa, như một thuyền trưởng cùng tự trầm với con tàu thất trận.

Từ đó đến nay đã hai mươi lăm năm trôi qua. Bao nhiêu nước chảy qua cầu trong hai mươi lăm năm ấy. Bao nhiêu tang thương biển dâu trong số phận dân tộc, số phận từng gia đình, số phận từng người. Kể cả gia đình Phạm Việt Châu, sau khi ông qua đời năm 1975. Một hệ thống cai trị chuyên chính triệt để kiểm soát từ cây kim sợi chỉ đến cách thương yêu thù hận của người dân đã sụp đổ, dù đã được trang bị một guồng máy công an mật vụ qui mô nhất trong lịch sử nhân loại. Một số dân tộc trong “Trăm Việt” đã trở thành những “con rồng Á châu” về kinh tế. Trung Quốc trở thành một cường quốc thực sự và cũng thực sự trở thành hiểm họa lâu dài đối với “Trăm Việt”. Riêng đối với đồng bào của Phạm Việt Châu, cuộc tang thương diễn ra dau khi ông qua đời còn khốc liệt hơn. Hàng trăm nghìn người vào lò cải tạo. Hàng triệu người liều chết vượt biển ra đi. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Việt học làm người di dân, “sống nhờ đất khách chết chôn quê người”…

Những người con của Phạm Việt Châu cũng chia sẻ số phận chung của dân Việt, cũng phấn đấu hết mình để sinh tồn trong một khung cảnh lạ ở ngoài dòng sinh tồn của “Trăm Việt”. Tác giả đã qua đời nhưng tác phẩm vẫn còn đó, trong di cảo, trong bộ Bách Khoa tàng trữ trong thư viện của các đại học trên thế giới. Mặt trăng đã lặn sau núi nhưng ánh trăng vẫn còn mãi đó, làm xao xuyến bao nhiêu người thuộc cùng thế hệ hoặc sau thế hệ của Phạm Việt Châu. Những người con của Phạm Việt Châu nay đã trưởng thành, sưu tập lại những lời tâm huyết của thân phụ hơn hai mươi năm trước, cho in thành sách.

Tôi được hân hạnh nhận một tập bản thảo Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh do nữ họa sĩ Mai Ly, ái nữ của Phạm Việt Châu, gửi tặng. Đọc lại những lời từng một thời gây chấn động sâu xa cho mình, tôi hết sức ngạc nhiên.

Không ngạc nhiên sao được! Lời Phạm Việt Châu phát biểu hơn hai mươi năm trước, nay đọc lại chẳng những không hề lỗi thời mà còn nguyên giá trị cảnh cáo. Còn nguyên vẹn một lời thức tỉnh cho những ai còn thao thức về vận mệnh đất nước. Vì đối với nhiều người, thời gian đứng lại từ năm 1975. Vì đối với nhiều người quá khứ vẫn là tương lai, bất cần những biến chuyển trọng đại diễn ra quanh mình. Xin đọc những lời Dẫn Nhập Phạm Việt Châu viết: “Nhìn thẳng vào quá trình hình thành và tiếp nối đế sắp đặt đường đi nước bước cho mai sau, nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc nhất để tìm giải pháp xác đáng, nhìn thẳng vào mặt những đế quốc hiện đại đang xâu xé vùng đất này để cùng quyết tâm đối phó, nhìn thẳng vào những vết rạn phân cách các dân tộc anh em để cùng đưa tay bắc một nhịp cầu kết hợp, đó là công việc mà thế hệ hôm nay yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu vùng đất đã nuôi dưỡng mình nên làm và phải làm. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh mong được là một đóng góp nhỏ bé trong muôn một”.

Lời di chúc đó, cho đến nay, vẫn còn nguyên tính chất cấp thiết. Vẫn còn là một viễn kiến không hề bị thời gian đào thải, như những viễn kiến chính trị khác.

Nguyễn Mộng Giác
Tháng 10.1997

 



No comments:

Post a Comment