Tuesday, September 1, 2015

Tập Cận Bình tàn phá kinh tế Trung Quốc

Sáng ngày thứ hai 24 tháng 8 năm 2015, tin tức trên Internet lẫn truyền hình loan tin thị trường chứng khoán Trung Quốc kéo theo các theo các thị trường chứng khoán khác trên khắp thế giới. Các nước châu Âu và Mỹ đi sau Trung Quốc từ 6 tiếng đến 12 tiếng nên mọi người ở Tây Phương có thể nhìn thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống vào ngày thứ hai đầu tuần vào lúc nó đóng cửa. Câu chuyện thị trường chứng khoán Trung Quốc lúc gần đây gây ra nhiều bàn tán. Đặc biệt là ở Tây Phương người ta chú ý vào việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào kinh tế một cách vũ đoán và giả tạo.


Thị trường chứng khoáng Thượng Hải và Thẩm Quyến phần lớn là người Trung Quốc mua bán nên lúc đầu thế giới cũng không để ý đến cho lắm vì bao nhiêu năm nó vẫn bình bình như vậy. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng vọt vào đầu năm 2014 thì ở Tây Phương chỉ loan tin như tin tức của các thị trường chứng khoán khác mà thôi. Đến tháng 6 năm 2015 thì thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống. Điều một số bài viết trên Internet nói lúc đó là thị trường chứng khoán này đến lúc nó đi xuống vì nó đã lên nhiều quá, đừng nên mua vào vì nó sẽ không lên nữa mà đi xuống. Khi chính quyền Trung Quốc can thiệp vào thì lúc đó các bài báo ở Tây Phương mới bắt đầu bàn tán về những gì xảy ra cho thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Biện pháp mà chính quyền Trung Quốc đề ra để ngăn thị trường chứng khoán tuột dốc chẳng hạn như:

- Bắt một số công ty lớn chuyên buôn bán cổ phiếu phải mua một số cổ phiếu của công ty quan trọng với số lượng lớn và không được bán đi khi chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải ở dưới mức 4500 điểm.

- Chính quyền đưa một số lượng lớn tiền cho các công ty chuyên buôn bán cổ phiếu và các công ty này cũng dùng tiền của mình để mua cổ phiếu.

- Cho phép hàng ngàn công ty ngưng mua bán trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Có đến 50% số công ty trên thị trường chứng khoán Thượng Hải lấy cớ này cớ nọ mà ngưng để cho cổ phiếu của mình được mua bán. Họ làm như vậy hy vọng là giá cổ phiếu sẽ đứng một chỗ mà không bị sụt và đợi khi thị trường tăng giá thì họ mới cho mua bán.

- Chính quyền ra lệnh ngân hàng cho vay với điều kiện dễ dãi và triển hạn nợ để cho nhừng người muốn mua bán cổ phiếu có thể mượn tiền dễ dàng để mua cổ phiếu và hoãn phải trả nợ.

- Không cho hàng trăm công ty được đăng ký để bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải vì sợ các công ty này sẽ bị mất sạch vốn khi cổ phiếu của họ bị xuống giá.

- Ra lệnh đe dọa trừng phạt những người buôn bán cổ phiếu nào có hành vi bán nhiều quá hay thao túng làm cho giá cổ phiếu đi xuống.

- Cấm một công ty mua bán cổ phiếu nước ngoài thuộc nhóm tài chánh City Group không được tham gia mua bán trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Các biện pháp còn dài khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục vật lộn với thị trường chứng khoán để ngăn cho chỉ số của nó đừng đi xuống.

Tuy nhiên tin tức về các công ty của Trung Quốc bán hàng kém đi tiếp tục đưa ra làm cho chỉ số thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống. Nếu tin tức cho thấy các công ty làm ăn không phát đạt thì người dân sẽ không ham bỏ tiền góp vốn cho các công ty này qua thị trường chứng khoán.

Đồng thời với việc ngăn cản không cho chỉ số của thị trường chứng khoán đi xuống thì nhà nước hạ tỉ giá của đồng nhân dân tệ so với Mỹ kim trong ba ngày liên tiếp. Nếu nhà nước hy vọng tin hạ tỉ giá đồng nhân dân tệ được người dân coi là dấu hiệu các công ty sẽ xuất cảng được hàng nhiêu hơn trong tương lai, từ đó có niềm tin vào các cổ phiếu mà sẽ giữ lại không bán ra thì kết quả ngược lại. Việc hạ giá nhân dân tệ làm cho người dân cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang yếu kém vì thế nhà nước phải phá giá tiền khiến cho họ hoảng hốt lại bán cổ phiếu nhanh hơn.

Cứ mỗi lần cổ phiếu sụt giảm ào ạt thì nhà nước lại tung tiền ra mua cổ phiếu với giá cao để ngăn chặn tình trạng xuống giá. Nhà nước lại dùng cả quĩ hưu bổng quốc gia có tổng số hàng ngàn tỉ Mỹ kim để bỏ vào việc ngăn không cho chỉ số thị trường chứng khoán đi xuống. Theo qui định thì có thể dùng 30% quĩ này để đầu tư sinh lợi trên thị trường chứng khoán. Nhưng đầu tư là xem cổ phiếu nào tương lai có triển vọng sẽ lên giá để mua chứ không phải là tung tiền vào mua các cổ phiếu đang sụt giá với giá giả tạo cao hơn giá thị trường. Làm như vậy có nguy cơ là một lượng tiền rất lớn của quĩ hưu bổng sẽ bị bốc hơi biến mất trong thị trường chứng khoán khi cổ phiếu sụt giá.

Theo các nhà phân tích Tây phương thì trị trường chứng khoán đã không bắt đầu đúng cách khi vào đầu năm 2014 nhà nước phát động phong trào tuyên truyền khuyến khích dân mua cổ phiếu. Người dân Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn có thói quen cho là cái gì cũng phải do chính quyền làm. Họ nghĩ thị trường chứng khoán là của chính quyền mà chính quyền hô hào dân tham gia vào thị trường chứng khoán thì chắc là chính quyền sẽ không để cho cổ phiếu mất giá. Thế là nhiều người ào ạt dùng tiền để dành cả đời của mình hoặc mượn tiền ngân hàng để mua cổ phiếu. Trong vòng một năm, chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải gia tăng 150%. Theo các nhà phân tích Tây Phương đó là sự gia tăng giả tạo vì kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, không gia tăng đáng kể. Theo các nhà phân tích này thì khi chỉ số thị trường chứng khoán đi xuống thì đó là lúc nó tự điều chỉnh cho đúng với giá trị của các cổ phiếu trên thị trường. Đáng lẽ ra chính quyền đừng nhúng tay vào mà cứ để nó đi xuống. Xét về ảnh hưởng với nền kinh tế thì việc chỉ số đi xuống không có gì đáng kể vì nó trở lại với mức cũ của nó. Hơn nữa thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 15% GDP của Trung Quốc mà thôi. Còn số người bị thiệt khi cổ phiếu mất giá chỉ khoảng chừng 2% dân số. Trong khi một số người mất tiền khi cổ phiếu đi xuống thì một số người đã có thêm tiền khi họ bán cổ phiếu vào lúc nó đang lên. Chuyện buôn bán là phải như vậy.

Cùng lúc với việc giải cứu thị trường chứng khoán, chính quyền lại hạ giá đồng nhân dân tệ. Việc hạ giá nhân dân tệ là việc làm đúng vì trong mấy năm qua giá đồng Mỹ kim lên dần. Vì nhân dân tệ được định theo Mỹ kim nên nhân dân tệ cũng lên so với tiền của các nước khác. Do đó, hàng hóa của Trung Quốc xuất cảng sang các nước khác cũng có giá cao hơn, trừ ở Mỹ, nên xuất cảng của Trung Quốc chậm dần. Việc hạ giá nhân dân tệ tuy là làm đúng nhưng không làm đúng lúc. Nhằm lúc người dân đang hoang mang vì thị trường chứng khoán thì nhà nước hạ giá nhân dân tệ làm cho người dân hoảng hốt thêm.

Việc nhà nước cần làm có lẽ chỉ là để mặc cho chỉ số của thị trường chứng khoán đi xuống và đợi đến một thời điểm nào thích hợp thì hạ giá nhân dân tệ.

Nhưng vẫn còn một vấn đề khác khi thị trường chứng khoán sụt giá là nhiều người đã lỡ vay tiền của ngân hàng để mua cổ phiếu thì khi cổ phiếu sụt giá họ không có tiền trả nợ ngân hàng. Ngân hàng bị mang nợ nhiều quá sẽ bị lỗ vốn hoặc phá sản gây ra khủng hoảng tài chánh. Vì thế chính quyền phải tung tiền ra cứu thị trường chứng khoán.

Đầu đuôi của chuyện thị trường chứng khoán là chính quyền Trung Quốc thấy có nhiều công ty mượn tiền ngân hàng rồi làm ăn lỗ lã, không có tiền trả nợ khiến số nợ xấu chồng chất dần. Những kẻ được ngân hàng cho vay dễ dãi là những kẻ có thần thế, quen biết, họ mượn tiền bừa bãi rồi làm ăn không ra gì. Để tránh nạn ngân hàng mang nợ xấu, chính quyền nảy ra ý định "thị trường hóa" kinh tế, nghĩa là kêu gọi dân mua cổ phiếu để đóng góp vốn cho các công ty, trong đó có các công ty quốc doanh. Người dân thấy chính quyền hô hào thì nghĩ rằng chính quyền sẽ đảm bảo là cổ phiếu sẽ không bị mất giá nên nhiều người mượn tiền ngân hàng để lao vào kinh doanh trong chứng khoán. Khi cổ phiếu mất giá thì họ không có tiền để trả nợ ngân hàng. Thế là chính quyền muốn tránh cho ngân hàng bị mang nợ xấu nên hô hào dân mua cổ phiếu. Dân lại mượn tiền ngân hàng mua cổ phiếu thì ngân hàng lại mang nợ xấu. Chính quyền đi đường nào thì ngân hàng cũng vẫn bị mắc vào cái nạn nợ xấu.

Lúc đầu các nước không để ý lắm đến thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Dù chỉ số của thị trường này đi xuống cũng không ảnh hưởng gì đến các thị trường chứng khoán khác vì nó đã bị kích lên một cách giả tạo. Nhưng khi chính quyền liên tiếp đưa ra các biện pháp can thiệp thì thị trường thế giới bắt đầu lo lắng vì họ sợ rằng các biện pháp của chính quyền có thể làm cho kinh tế Trung Quốc bị xáo trộn, khủng hoảng về tài chánh, kinh tế. Kinh tế của Trung Quốc bị xáo trộn thì các nước bán nguyên liệu cho Trung Quốc sẽ bán được ít đi.

Chuyện thị trường chứng khoán còn kéo dài khi chính quyền còn tiếp tục an thiệp vào lãnh vực này. Kinh tế Trung Quốc vẫn còn sản xuất được hàng thì về căn bản nó vẫn tiếp tục hoạt động dù cho thị trường chứng khoán trồi sụt trong chốc lát. Cách thức can thiệp của chính quyền làm cho nhà nước phải tiêu phí vào thị trường chứng khoán một khoản tiền rất lớn để rồi không đi đến đâu. Cách thức chính quyền Trung Quốc nhúng tay vào thị trường chứng khoán nói lên sự hiểu biết của Tập Cận Bình và những người đi theo ông ta đến đâu. Họ vẫn có ý nghĩ họ có quyền lực như ông Trời, có khả năng vô hạn, có thể thao túng tất cả mọi mặt trong xã hội. Trường hợp này cho thấy thị trường có những qui luật của nó, con người có thể lợi dụng các qui luật này để làm lợi cho mình nhưng không thể ngăn cấm hay đi ngược lại nó.

Nói một cách khác, Tập Cận Bình và những người phụ tá cho ông ta còn nặng đầu óc duy ý chí. Duy ý chí ở chỗ cho là tuyên truyền là quyết định hết thảy. Vì thế chính quyền Tập Cận Bình cho báo chí, đài phát thanh, truyền hình ca tụng việc mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc mua cổ phiếu quả thật có lợi khi góp vốn cho các công ty làm ăn. Nhưng góp vốn với ý nghĩ quá lạc quan, quá chắc chắn, không nghĩ đến rủi ro là hậu quả của chủ nghĩa duy ý chí.

Thời xưa, cũng có thời chính quyền Trung Hoa can thiệp vào nền kinh tế như thời nhà Tống, Vương An Thạch làm tể tướng đã can thiệp vào nền kinh tế. Chẳng hạn ông ta lập ra chính sách Thanh Miêu, triều đình cho nông dân vay tiền để trồng lúa, khi nào nông dân gặt lúa, đem bán có tiền sẽ trả nợ cho chính quyền. Chính sách này là để tránh cho nông dân phải vay nợ của tư nhân với lãi cao khiến cho sau khi gặt lúa, nông dân trả nợ thì không còn gì nên nông dân rất nghèo. Nhưng các chính sách của Vương An Thạch đã đưa đến tình trạng lạm phát, nghĩa là chính quyền phải tiêu tốn quá nhiều cho kinh tế nên phải in thêm tiền. Rốt cuộc thì cuộc cải cách của Vương An Thạch bị bãi bỏ. Người Trung Hoa có câu:

"Thiên hạ là con vật thần, đụng đến nó thì nó chết, để mặc kệ thì nó sống".

Đó là vì thời xưa có những người can thiệp vào nền kinh tế nhưng không hiểu các qui luật kinh tế nên làm xáo trộn nền kinh tế. Người Trung Hoa đã từng thử các biện pháp xã hội chủ nghĩa kiểu như Vương An Thạch nhưng thất bại nên họ để mặc cho kinh tế tự do theo các qui luật của thị trường. Người Tây Phương ngày nay, họ cũng can thiệp vào nền kinh tế nhưng họ hiểu các qui luật về kinh tế nên biết trường hợp nào có thể can thiệp vào, trường hợp nào thì để cho qui luật thị trường quyết định.

Minh Đức


Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc sụt 94 tỷ USD

    7 tháng 9 2015


Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị sụt mất 93.9 tỷ USD trong tháng 8 với xu hướng dòng vốn rút chạy khỏi nước này.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đóng vai trò của Ngân hàng trung ương nước này công bố hôm thứ Hai 07/09/2015, dự trữ ngoại tệ vốn lớn nhất thế giới của TQ nay còn 3,557 nghìn tỷ USD.

Nhưng xu hướng lo ngại với thị trường Trung Quốc những tuần qua khiến dòng vốn chạy ra nước ngoài ngày càng nhanh.

Theo Bloomberg, chỉ trong nửa năm qua, số vốn chạy khỏi Trung Quốc đã đạt 300 tỷ USD.

Giới quan sát nói con số vốn chạy khỏi Trung Quốc còn có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD tính đến hết tháng 8.

Can thiệp của chính quyền cũng là yếu tố làm giảm dự trữ ngoại tệ.

Reuters trích lời một nhà kinh tế cao cấp của Commerzbank ở Singapore cho rằng "càng can thiệp nhiều thì dự trữ ngoại tệ bị đốt bớt đi càng nhanh".

Giá nhân dân tệ

Sự sụt giảm hiện nay khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu các nỗ̉ lực của Trung Quốc nhằm giữ giá cho đồng nhân dân tệ có bền vững hay không.

Tuy nhiên, con số chỉ chừng 94 tỷ USD cũng làm giảm đi căng thẳng vì có những nhà bình luận từng cho rằng Trung Quốc có thể mất 200 tỷ USD.

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% hôm 11/08, đồng tiền nước này bị bán tháo đi.

Về phía mình, Thống đốc Ngân hàng trung ương, Chu Tiểu Xuyên nói với quan chức tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới hôm cuối tuần qua rằng thị trường tài chính Trung Quốc "đã hoàn tất quá trình chỉnh sửa".

Cũng hôm thứ Hai tuần này, Trung Quốc sửa lại dự báo tăng trưởng năm 2014, từ 7,4% xuống 7,3%, cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua.



No comments:

Post a Comment