Thursday, November 24, 2016

Doanh nghiệp Việt Nam không thoát khỏi văn hóa 'bôi trơn'

Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho biết phải hối lộ khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây cho thấy trong năm 2015, gần phân nửa các doanh nghiệp này bị buộc phải trả các khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” việc kinh doanh của họ.

Báo cáo “Các đặc điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát của CIEM năm 2015” được phổ biến hôm 10/11 cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn bị sức ép phải hối lộ các cơ quan nhà nước để công việc kinh doanh được thuận lợi.

Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng các điều tra cho thấy “tình hình chi phí ngoài pháp luật vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có chỉ dấu nào đáng tin cậy để cho thấy tình trạng đó đã có giảm bớt.”

Với số lượng gần 43% DNNVV ở Việt Nam phải chi những khoản tiền “không chính thức” vào năm 2015, điều tra cho thấy con số này không khác mấy so với 44,6% trong năm 2013 cũng do CIEM công bố.

Theo CIEM, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả hối lộ nói các khoản phí này cho phép họ tiếp cận được với các dịch vụ công và có được các giấp phép cũng như đối phó với các cơ quan thuế và hải quan. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nếu không “bôi trơn.” Tiến sĩ Doanh cho biết:

"Ví dụ nếu anh không bôi trơn thì container của anh ở cảng sẽ không di chuyển mặc dù có thể có cần cẩu bởi vì những nhân viên của các cơ quan nào đấy sẽ không xử lý vấn đề và container hay xe hàng hóa của anh sẽ không di chuyển được. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải chi hoặc phải ngoan ngoãn chi mặc dù các khoản chi đó của họ là rất lớn và (điều này) hiện nay đang gây sức ép rất là nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam."

Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may khi tăng trưởng giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi ngoài pháp luật – hay nói cách khác, là “đút lót” – từ 0,72 đồng tới 1,02 đồng.

Điều tra của CIEM kết luận rằng mặc dù không có những sự thay đổi nào đáng kể trong việc chi trả hối lộ trong các DNNVV ở Việt Nam nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp phải trả các khoản phí này không đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn những doanh nghiệp không chi trả các khoản phí đó.

Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức theo dõi nạn hối lộ có trụ sở tại Mỹ - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Trace International xếp hạng Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Trace International cũng cho thấy Việt Nam nằm trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41,8.

Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Doanh tác động của luật này rất hạn chế:

"Chính phủ đã tuyên bố xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính và chống tham nhũng. Tuy việc việc đó, dù là được tuyên bố bởi thủ tướng chính phủ, nhưng có lẽ không phải được thực hiện một cách dễ dàng bởi vì nếu thực hiện như vậy thì các quan chức sẽ mất các khoản thu nhập ngoài pháp luật của họ và các khoản thu nhập đó là rất lớn."

Tiến sĩ Doanh cũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng các doanh nghiệp thường “than rằng cứ sau 5 năm khi có 1 chính phủ mới ở các tỉnh và địa phương thì lại có một chính sách mới và lại gặp những khó khăn và những vấn đề mới.”

Theo khảo sát của viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, các doanh nghiệp nói rằng lượng tiền hối lộ mà họ bị buộc phải nộp sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hơn 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh ở 10 tỉnh và thành phố, bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho cuộc khảo sát này.


VOA Tiếng Việt
http://www.voatiengviet.com

http://www.voatiengviet.com/a/doanh-nghiep-viet-nam-khong-thoat-khoi-van-hoa-boi-tron/3606923.html

 Doanh nghiệp gánh nặng phí bôi trơn: Ai lợi, ai thiệt?

(Doanh nghiệp) - Chi phí bôi trơn cứ tiếp tục gia tăng chắc chắn sẽ là lực cản lớn cho đà tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như triệt tiêu động cơ đổi mới.

TS Phan Anh Tú, Khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ nhận định như vậy khi trao đổi với Đất Việt về tình trạng doanh nghiệp phải chi phí 'bôi trơn' để được việc.

PV: - Tại Hội thảo “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp” vừa diễn ra tại VCCI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã dẫn con số điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, số tiền doanh nghiệp Việt Nam phải chi để bôi trơn chiếm từ 0,72-1,02 lần lợi nhuận của doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra được một đồng lợi nhuận thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng cho phí bôi trơn.

Ông bình luận gì về thực trạng này? Hệ quả của nó là gì? Liệu người tiêu dùng có phải là đối tượng gánh chiụ thiệt thòi nhất khi các loại phí bôi trơn đó sẽ được cộng vào giá thành của sản phẩm?

TS Phan Anh Tú: - Kết quả điều tra này cho thấy chi phí bôi trơn của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng với lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản (trong dài hạn) là điều tất yếu nếu chi phí bôi trơn không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, khác với cuộc khảo sát của WB, khảo sát về hối lộ (đút lót) của chúng tôi có phần “lạc quan”. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho hơn 600 doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở ĐBSCL năm 2004 cho thấy hối lộ có lợi ích biên tế giảm dần (diminishing returns) với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (đo lường bằng cả doanh thu và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp). Có nghĩa là, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi chi phí bôi trơn là nhỏ và lợi ích này sẽ giảm dần khi chi phí bôi trơn gia tăng.

Lợi ích mà doanh nghiệp hưởng lợi có thể kể ra như: nhận được sự ủng hộ, nhận được tài trợ vốn, xây dựng mối quan hệ, nhận được giấy phép kinh doanh (đầu tư) sớm hơn. Tuy nhiên, rủi ro của hành động bôi trơn có thể đưa doanh nghiệp vào vòng xoáy của sự trục lợi nhiều hơn, giảm động cơ đầu tư vào đổi mới do kiệt quệ về tài chính.

Mặc dù chúng tôi chưa có cuộc điều tra có hay không người tiêu dùng sẽ là người chịu hậu quả từ chi phí bôi trơn của doanh nghiệp, thế nhưng theo cách suy luận thông thường thì khi chi phí doanh nghiệp gia tăng cũng là lúc giá thành và tiếp theo đó là giá bán ra sẽ tăng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

PV: - Nếu doanh nghiệp làm ra được 1 đồng lợi nhuận thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng cho phí bôi trơn, vậy theo ông, lãi của doanh nghiệp từ đâu mà ra?

TS Phan Anh Tú: - Như đã nói, lợi nhuận kinh doanh là mục tiêu cuối cùng và nó quyết định sự tồn vong của một doanh nghiệp. Nếu chi vượt quá thu kéo dài trong dài hạn thì dù có làm ăn giỏi đến đâu cũng sẽ đứng trước bờ vực phá sản như là hệ quả tất yếu. Việc làm ăn gian dối hay không chỉ có trời mà biết được. Nếu vi phạm luật pháp thì sẽ có luật pháp chế tài. Vấn đề là ở chỗ hối lộ không hoàn toàn nhất thiết gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong ngắn hạn khi mà tiền lương của nhân viên nhà nước còn thấp, khi mà hành lang pháp lý vẫn đang hoàn thiện.

PV: - Trong khi doanh nghiệp kêu ca và WB đã công bố kết quả khảo sát về nạn bôi trơn ở Việt Nam thì nhiều tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... vẫn không phát hiện ra tham nhũng dù khẳng định đã làm việc rất tích cực. Điều này phải được hiểu như thế nào thưa ông?

TS Phan Anh Tú: - Cần phải nói là tham nhũng là hiện tượng phức tạp và đa chiều hướng. Sự phức tạp và đa chiều hướng ở đây được hiểu có nguyên nhân chính từ khái niệm tham nhũng là gì? và có những loại hình tham nhũng nào? Nhiều cuộc vận động chống tham nhũng cấp quốc gia và quốc tế được phát động nhưng tham nhũng vẫn tiếp tục tồn tại và biến tướng do tính chất phức tạp của hoạt động này. Có thể nói tham nhũng là căn bệnh ung thư di căn qua nhiều thế hệ và hình thức của nó thì ngày càng tinh vi.




1 comment:

  1. Singapore thường được xếp hạng vào hàng đầu trên thế giới về sức cạnh tranh. Sức cạnh tranh của Singapore không thể cao nếu các doanh nghiệp Singapore phải bỏ một số chi phí lớn để hối lộ các quan chức. Ông Lý Quang Diệu đã biến Singapore thành một bộ máy kinh tế tuyệt hảo. Bộ máy kinh tế tuyệt hảo là làm ra sản phẩm ở mức cao nhất trong khi giữ cho chi phí ở mức thấp nhất. Để cho chi phí ở mức thấp nhất thì phải loại bỏ việc doanh nghiệp làm cái điều vô ích là bỏ tiền ra hối lộ. Giống như một vận động viên chạy đua phải giữ cho cơ thể gọn gàng, nhẹ nhàng, không có mỡ thừa. Vì mỡ thừa làm nặng người, sẽ bị chạy chậm đi. Vì thế ông Lý Quang Diệu triệt để bài trừ tham nhũng. Viên chức nào mà tham nhũng thì được mời ra khỏi chính quyền hoặc đi vào tù. Có thể nói chế độ tại Singapore là chế độ "chuyên chính tư sản". Nghĩa là chế độ trong đó tư sản được tôn trọng nhất. Cấm các viên chức làm phiền, nhũng nhiễu các nhà tư sản. Dù gọi đó là chế độ bóc lột hay là gì đi chăng nữa thì các nhà tư sản có làm ăn được thì mới có tiền đóng thuế cho nhà nước. Nhà nước có thu được thuế thì mới có tiền trợ cấp về nhà ở, y tế cho dân nghèo.

    ReplyDelete