Friday, November 4, 2016

Chính sách của tổng thống Mỹ Obama ở Biển Đông

Hiện nay tổng thống Mỹ Obama sắp hết nhiệm kỳ thì có thể đưa ra nhận xét về chính sách của ông Obama về Biển Đông ra sao. 

Qua các hành động mà Mỹ đã làm tại Biển Đông từ mấy năm qua thì có thể tóm lược chính sách của tổng thống Obama về Biển Đông như sau:

1. Mỹ không chủ trương dùng vũ lực để giải quyết vấn đề ở Biển Đông mà muốn các nước giải quyết với Trung Quốc bằng cách dùng luật lệ.

2. Mỹ không trực tiếp tham gia vào việc tranh chấp đảo giữa các nước và Trung Quốc mà chỉ tìm cách hỗ trợ cho các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Tham dự trực tiếp vào tranh chấp các đảo là vấn đề rắc rối vì mỗi đảo có vài ba nước đều giành chủ quyền thì biết đứng về phe nào, mà các bằng chứng đưa ra của mỗi nước thì phải xét từng trường hợp để mà giải quyết.

3. Mỹ cương quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải của mình nhưng tránh để cho việc dùng vũ lực xảy ra.

Mỹ không dùng vũ lực nên mặc dù Mỹ đem tàu chiến để đi sát các đảo khiến người Việt nghĩ rằng Mỹ sắp đánh Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy Mỹ chỉ dùng tàu chiến đi vào hải phận các đảo để nói rằng Mỹ không tôn trọng chủ quyền vô lý của Trung Quốc nhưng Mỹ không dồn Trung Quốc đến mức xảy ra chiến tranh. Ngược lại, Trung Quốc chưa trang bị vũ khí đầy đủ cho các đảo nhân tạo nên cũng chưa muốn gây chiến tranh với Mỹ.

Mỹ giúp các nước có tranh chấp đảo với Trung Quốc mạnh hơn không phải để xúi các nước này đánh nhau với Trung Quốc. Mỹ không đánh nhau với Trung Quốc mà cũng không muốn các nước khác dùng vũ lực để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Nói chung, ông Obama không muốn thấy xung đột xảy ra ở Biển Đông. Mỹ giúp các nước trong vùng có thêm tàu tuần duyên, bỏ cấm vận vũ khí là để cho các nước này có thêm sức mạnh khi thương thuyết với Trung Quốc bằng luật lệ, không phải để các nước này đánh nhau với Trung Quốc. Chính sách này người Mỹ gọi là "Law not War", nghĩa là dùng luật lệ chứ không dùng chiến tranh. Việc Phillipines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài PCA là cách mà Mỹ mong đợi các nước ở quanh Biển Đông làm với Trung Quốc.

Chính sách giúp cho các nước đối nghịch với Trung Quốc mạnh thêm cũng là chính sách chung về đối ngoại của ông Obama. Điều đó có thể nhận thấy nhận thấy qua việc trong hai năm đầu ông Obama làm tổng thống từ 2008 đến 2010, Mỹ có thái độ thân thiện với Trung Quốc nhưng Trung Quốc tỏ vẻ kiêu căng, phách lối thì Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc bán vũ khí bao gồm máy bay, tầu ngầm cho Đài Loan từ lâu. Nhưng tổng thống Mỹ có quyền quyết định bán vào lúc nào. Khi mới lên làm tổng thống, ông Obama có ý nghĩ rằng nếu đối xử công bằng với Trung Quốc thì Trung Quốc sè đối xử tử tế trở lại. Thực tế cho thấy là không phải như vậy nên ông Obama quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Đó là một cách trả lời với Trung Quốc là nếu Trung Quốc có chính sách thù nghịch thì Mỹ có thể trả đũa ra sao.

Chính sách đối ngoại đó cũng được thấy khi Bắc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, Mỹ đề nghị Trung Quốc bảo Bắc Triều Tiên ngưng chương trình vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc lờ đi, Mỹ bèn xây dựng hệ thống chống phi đạn THAAD ở Hàn Quốc để Hàn Quốc và Nhật có thể cản được phi đạn bắn từ Bắc Triều Tiên.

Việc Mỹ quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải nhưng không tiến đến xung đột với Trung Quốc là chính sách của ông Obama mà thôi. Còn sau này các tổng thống khác có chính sách như thế nào thì tùy theo suy nghĩ và cá tính của họ. Như trường hợp đại tá Muammar Gaddafi tuyên bố vùng vịnh Sidra là của Lybia, cấm các nước khác đi vào từ năm 1973 thì đến năm 1986, ông Ronald Reagan làm tổng thống mới quyết định đánh nhau với Lybia vì tình hình hai nước căng thẳng, Lybia cho người bắt cóc máy bay và tấn công vào phi trường ở Ý và Áo.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment