Friday, November 18, 2016

Thủ tướng Nhật tin tưởng ở ông Trump


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ tổng thống mới của Mỹ, Donald Trump, New York, 17-11-2016

Ngày 17-11-2016, Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe sau khi gặp gỡ tổng thống mới được bầu của Mỹ là ông Donald Trump đã tuyên bố với báo chí là ông ta tin tưởng ở ông Trump. Đây là lời tuyên bố có tính cách ngoại giao vì ông Donald Trump hiện đang bị cho là sẽ khó mà giữ được những lời đã phát biểu trong lúc tranh cử vì ông ta là người mới tham gia chính trị, chưa biết rõ thực tế nên đã nói nhừng điều khó thực hiện được. Nhưng cách tuyên bố của thủ tướng Nhật nếu đem so sánh với những lời tuyên bố cộc cằn của tổng thống Phillipines về Mỹ thì khác nhau một trời một vực và cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai nước.


Ông Duterte từ khi lên nhậm chức từ tháng năm 2016, chỉ mới có mấy tháng đã tuyên bố nhiều câu đáng lẽ ra không nên phát ra từ miệng một nhà lãnh đạo một quốc gia. Ngoài việc chửi thề khi phát biểu trước công chúng ông ta có những lời lẽ cay đắng về quan hệ Mỹ - Phillipines. Thế còn Nhật đã từng là đồng minh với Mỹ từ 1945 đến nay sao không thấy có lời oán trách nước Mỹ và tìm cách tách ra khỏi Mỹ như là Phillipines hiện nay?

Cách tuyên bố của ông Shinzo Abe sau khi gặp ông Donald Trump cho thấy ông ta là nhà chính trị có kinh nghiệm. Gia đình ông ta từ ông nội đến cha ông ta đều làm chính trị. Ông Donald Trump chỉ mới tham gia chính trị, đã nói trong khi tranh cử là sẽ bắt Nhật trả thêm tiền cho Mỹ để Mỹ đóng quân ở Nhật, bảo vệ cho Nhật. Ông Trump cũng nói là Mỹ sẽ không bảo vệ cho Nhật nữa mà để cho Nhật chế tạo bom nguyên tử để chống lại với Trung Quốc. Những lời tuyên bố trên có sẽ đem ra thực hiện được hay không thì không biết nhưng cũng cho thấy ông tổng thống Mỹ không có cái nhìn rõ ràng và thực tế về quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy thủ tướng Nhật vẫn nói rằng ông tin tưởng ở ông Donald Trump. Lời nói đó làm đẹp lòng ông Trump. Rồi đây, khi quan hệ hai nước có vấn đề gì thì tình cảm mà ông Trump dành cho ông Abe có thể sẽ giúp cho hai bên dễ dàng làm việc với nhau hơn. Rất khác với cách nói của tổng thống Phi, Rodrigo Duterte, khi nghe ông Obama nói rằng ông ta muốn gặp ông Duterte để bàn về các vụ giết người không qua xét xử của tòa án trong chiến dịch bài trừ ma túy của ông Duterte thì đã nổi hung lên chửi thề và nói là không để cho Mỹ dạy bảo mình.

Ông Rodrigo Duterte cũng đã tuyên bố sẽ không tập trận chung với Mỹ và cay đắng nói là làm đồng minh với Mỹ chẳng có lợi gì, sau khi tập trận xong người Mỹ đem hết quân cụ, khí giới về để cho quân đội Phi vẫn là một quân đội yếu. Thế tại sao Nhật tập trận với Mỹ bao nhiêu lần mà Nhật lại không thốt ra những lời cay đắng như thế?

Những người chống lại việc làm đồng minh với Mỹ có thể đem trường hợp Phillipines để nói rằng thấy chưa, làm đồng minh với Mỹ mà cũng chẳng mạnh, Mỹ chỉ cho chiếc tàu cũ không có gắn cả súng. Nhưng Nhật đâu có mong đợi ở tình đồng minh là Mỹ viện trợ cho khí giới để trở thành mạnh. Nhật tự lo liệu lấy. Trước hết, sau chiến tranh, Nhật lo phát triển kinh tế trước. Với ưu tiên phát triển kinh tế trước, Nhật cũng thành lập lực lượng quốc phòng, gọi tên là Lực Lượng Phòng Vệ, tránh dùng tiếng quân đội để các nước đã từng bị Nhật xâm chiến đừng sợ Nhật. Tình đồng minh giữa Mỹ và Nhật trong lúc này là Mỹ cam kết sẽ bênh Nhật khi Nhật bị nước khác đánh. Cụ thể lúc đó Nhật sợ Trung Quốc và Liên Xô sẽ đánh để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản. Tình đồng minh này có lợi ở chỗ Nhật chỉ cần bỏ một phần ít ngân sách vào quốc phòng, còn thì tất cả dồn cho kinh tế. Còn về tàu bè, khí giới Nhật tự chế tạo lấy, hoặc mua, không xin Mỹ. Nếu Nhật chỉ có một mình thì sẽ phải chạy đua vũ trang với Trung Quốc, Liên Xô. Dân số Liên Xô lúc đó đông gấp đôi dân số Nhật, lại thêm vì là nước độc tài không cho dân phản đối nên Liên Xô có khi dồn đến hơn 30% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GNP) cho quốc phòng. Nếu Nhật phải bỏ quá nhiều cho quốc phòng thì sẽ nghèo, không phát triển kinh tế được. Nhật dựa vào Mỹ, để Mỹ chạy đua vũ trang với Liên Xô, còn Nhật lo phát triển kinh tế. Tương tự, các nước Châu Âu và Nam Hàn, nhờ có sức mạnh quân sự của Mỹ bảo đảm nên có thể dồn nhiều ngân sách cho kinh tế hơn. Đó là ích lợi của sự liên minh.

Mặc dù lo phát triển kinh tế, Nhật vẫn không quên về quốc phòng. Người Mỹ quan sát thấy rằng tuy phát triển về kinh tế nhưng Nhật chọn các công nghiệp có thể áp dụng cho cả lãnh vực dân sự lẫn quân sự. Thí dụ, trong lãnh vực không gian, Nhật không chế tạo phi đạn để tấn công nước khác nhưng chế tạo hỏa tiễn để phóng vệ tinh. Khi có thể chế tạo hỏa tiễn và điều khiển được hỏa tiễn đi vào không gian để phóng vệ tinh thì kỹ thuật về hỏa tiễn đó sau này cũng có thể được dùng để chế tạo phi đạn mang đầu đạn nổ và điều khiển nó bay đến mục tiêu.

Nhật thấy có lợi khi chơi với Mỹ là học được kỹ thuật. Nhật không để cho mình bị tụt hậu về kỹ thuật quân sự. Mỗi khi Mỹ có loại máy bay gì mới Nhật đều mua. Điều này có lợi cho Mỹ vì Mỹ bán được vũ khí. Nhưng Nhật muốn mua với điều kiện Mỹ cho phép Nhật tự lắp ráp máy bay đó ở trên đất Nhật để Nhật có thể học được công nghệ mới về máy bay quân sự. Mỹ chỉ muốn bán hàng hóa mà không muốn nước khác học được cách chế tạo để rồi sẽ không mua của mình nữa. Nhật phải điều đình với Mỹ là Nhật sẽ chuyển giao cho Mỹ kỹ thuật chế tạo một vật liệu nào đó, đổi lại Mỹ chuyển giao kỹ thuật chế tạo máy bay cho Nhật. Khi thì Nhật chuyển giao cho Mỹ công thức chế tạo loại gốm nhân tạo có thể chịu được nhiệt độ cao trong các động cơ phản lực và hỏa tiễn. Khi thì Nhật chuyển giao cho Mỹ kỹ thuật chế tạo loại hợp kim mới, nhẹ hơn, có sức chịu đựng cao hơn có thể dùng để chế tạo máy bay. Đó là sự ích lợi của tình đồng minh giữa Nhật và Mỹ. Cả hai nước đều có lợi qua tình đồng minh này. Đó là điều ông Rodrigo Duterte tuy ở địa vị một tổng thống mà không nhìn thấy.

Có thể nói là trong suốt quá trình hàng chục năm làm đồng minh với Mỹ, Nhật nhìn thấy cái lợi của tình đồng minh là Mỹ là một thị trường lớn để Nhật xuất cảng hàng hóa, đem lại sự giàu có cho nước Nhật. Mỹ cũng là một nguồn kỹ thuật để Nhật học hỏi. Nhật không nhìn Mỹ như là một nước giàu có để Nhật xin viện trợ mà cũng không mong đợi Mỹ cho không điều gì. Nếu Mỹ có thể giúp được thì tốt còn không thì Nhật tự xoay sở. Sau khi bại trận, người Nhật có ý nghĩ là rồi đây Nhật sẽ phải trải qua một giai đoạn nghèo khó lâu dài, người dân Nhật sẽ phải sống và làm việc kham khổ. Việc Mỹ giúp cho Nhật được nhận thầu cung cấp quân dụng trong hai cuộc chiến tranh ở Đại Hàn và Việt Nam khiến cho kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh hơn là điều may mắn thêm cho Nhật. Nhưng Nhật vẫn luôn luôn tự trông vào sức mình. Khi đã tự trông vào sức mình thì Nhật không có nhừng lời cay đắng như ông tổng thống Duterte là làm đồng minh với Mỹ chẳng có lợi gì, Phi vẫn nghèo, quân đội Phi vẫn yếu.

Vì Nhật thấy cái lợi là làm bạn với Mỹ sẽ xuất cảng được vào thị trường lớn của Mỹ và học hỏi được kỹ thuật của Mỹ nên Nhật cũng cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử, không để cho những xích mích nhỏ trong mối quan hệ làm tan vỡ mối quan hệ, mất đi cái lợi lớn.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment