Saturday, June 8, 2019

Nhân vật nổi bật: Robert Mueller là ai?

Trong suốt hai năm qua, một nhân vật đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận Mỹ và quốc tế. Kín đáo đến mức có thể được coi như bí ẩn, Robert Mueller được trao chức vụ công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo học luật tại Đại học Virginia, bản thân là một người ủng hộ Đảng Cộng hoà, ông Mueller nổi tiếng là một người chính trực, độc lập và không bị bất cứ phe phái nào chi phối.


Ông từng đứng đầu Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI, phục vụ dưới quyền các vị Tổng thống thuộc cả hai chính đảng lớn của Mỹ, Cộng hoà và Dân chủ. VOA-Việt ngữ phác họa chân dung của công tố viên Mueller, nhân dịp ông từ nhiệm sau khi hoàn tất báo cáo gửi lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Hầu như ai cũng công nhận ông Robert Mueller là một người chính trực, không thể bị mua chuộc, và bất chấp những lời chỉ trích mang động cơ chính trị, không ai thực sự tranh cãi về uy tín cá nhân của ông, và những thành tích của ông trong tư cách một người đã từng cầm súng chiến đấu cho đất nước, và cống hiến cuộc đời còn lại cho công vụ. Việc ông chiếm được lòng kính trọng của hầu hết mọi người, không phân biệt đảng phái chính trị, là một thành tích đáng nể trong một xã hội Mỹ nhiều chia rẽ dưới ‘thời đại Trump’, và bất chấp báo cáo của công tố viên đặc biệt vẫn tiếp tục gây chia rẽ và tranh cãi.

Ông Mueller là ai?

Câu hỏi đó đã được thường xuyên đặt ra từ khi ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt, giám sát cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, và liệu chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với phía Nga hay không?

Được Tổng thống Đảng Cộng hoà George W. Bush bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc FBI 1 tuần trước khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, trong cương vị này, ông Mueller là “một trong những nhân vật chủ chốt đã giúp cho nước Mỹ được an toàn sau biến cố 11/9/2001”, theo tạp chí UVA Lawyer.

Ông cải cách toàn diện cơ quan FBI từ một tổ chức điều tra những tội ác đã diễn ra, thành một tổ chức có khả năng phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác và cộng đồng tình báo, để chặn trước những mối đe dọa.

Thành tích của ông dẫn tới quyết định của Tổng Thống Barack Obama, người của Đảng Dân chủ, vận động để ông duy trì chức vụ quá giới hạn 10 năm cho phép.

Năm nay 74 tuổi, Robert Swan Mueller III ra đời vào ngày 7/8/1944 tại thành phố New York nhưng ông lớn lên tại một vùng ngoại ô thành phố Philadelphia. Ông là con trai duy nhất trong một gia đình 5 con, được miêu tả là giàu có và có truyền thống phục vụ quân đội. Cha ông từng chỉ huy một tàu ngầm trong Thế chiến II, trước khi làm việc với tập đoàn Dupont ở New York.

Chiến tranh Việt Nam

Thời thanh niên, sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton, Robert Mueller tình nguyện gia nhập quân ngũ và được điều động sang Việt Nam. Ông phục vụ quân chủng Thuỷ quân Lục chiến trong tư cách sĩ quan pháo binh. Nhờ thành tích chiến đấu và lòng quả cảm, ông được trao tặng Anh dũng Bội tinh, Huân chương sao Đồng và Chiến thương Bội tinh.

Ông Marschall Smith, một bạn đồng môn trường Luật của ông Mueller, nói mặc dù đạt được nhiều thành tích trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, nhưng Mueller hiếm khi nhắc tới giai đoạn này.

Biến cố 11/9 và công cuộc cải cách FBI

Mueller đang làm việc trong lĩnh vực tư khi TT Trump bãi nhiệm Giám Đốc FBI James Comey vào ngày 9/5/2017. Thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein bổ nhiệm ông Mueller vào chức vụ Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp trong cố gắng nhằm duy trì tính độc lập của cuộc điều tra.

Lúc đó, Giáo sư John C. Jeffries, cựu Khoa trưởng phân khoa Luật Đại học Virginia, từng là bạn đồng môn của Mueller tại trường luật, nói:

“Robert Mueller là lựa chọn tốt nhất. Quan trọng nhất là tính chính trực của ông. Đối với Bob, chính trực không chỉ là chính sách hay một lối hành sử, mà là một phần trong cá tính một người. Ông tuyệt nhiên không thể gian dối. Ngoài ra, ông còn có kỹ năng và kinh nghiệm để làm việc một cách hữu hiệu. Quyết định bổ nhiệm ông đáng được tất cả mọi người hoan nghênh.”

    “.. bất kể chọn theo duổi ngành nghề nào, chúng ta sẽ được đánh giá qua việc liệu lời nói của mình có đáng tin cậy không. Nếu không thành thực, uy tín của chúng ta sẽ bị tổn hại, một khi uy tín bị tổn hại, thì không bao giờ, không bao giờ chúng ta có thể lấy lại được.”

Các đồng nghiệp của ông mô tả Mueller là một người luôn luôn bình thản, có tính kỹ lưỡng và tập trung cao độ vào công việc trước mắt. Theo họ, ông rất công bằng, không thiên vị đảng phái cho dù ông là một ủng hộ viên Đảng Cộng hoà. Ông nói tính trung lập đã giúp ông trở thành một công bộc tốt hơn.

Tạp chí UVA Lawyer dẫn lời Tổng Thống Obama ca ngợi ông Mueller vào năm 2013, trong buổi lễ vinh danh sự đóng góp của ông, khi ông mãn nhiệm chức Giám Đốc FBI, để nhường chức cho James Comey.

TT Obama nói: “Như một quân nhân Thuỷ quân Lục chiến, Bob không bao giờ sao nhãng trong sứ mạng được giao phó.”

Uy tín cá nhân và phương châm sống

Theo trang mạng của UVA, trường đại học Virginia, nơi ông được đào tạo, ông Mueller đề cập tới cách dạy con của cha ông, là “phải luôn luôn nói sự thật, và sống đạo đức”.

    “Tôi được ơn trên ban cho 3 gia đình: gia đình tôi- vợ và hai con gái, gia đình Thuỷ quân Lục chiến của tôi, và trong 11 năm qua, gia đình FBI của tôi.

Theo một bài viết về ông Mueller đăng trên tạp chí Wired, ông Mueller từng nói “Tệ hại nhất là tội nói dối”, cho thấy ông thấm nhuần giáo lý của gia đình.

Được mời phát biểu tại Lễ tốt nghiệp Trường William & Mary thời ông còn là Giám Đốc FBI, Mueller đề cập tới những mối liên hệ quan trọng nhất trong đời ông:

“Tôi được ơn trên ban cho 3 gia đình: gia đình tôi- vợ và hai con gái, gia đình Thuỷ quân Lục chiến của tôi, và trong 11 năm qua, gia đình FBI của tôi. Từ mỗi gia đình, tôi đã được học những bài học để đời.... Thượng đế biết rõ tôi đã được trao biết bao nhiêu là cơ hội để phát triển trong phạm vi 3 gia đình ấy.”

Lời khuyên nào cho sinh viên ra trường?

“Bất kể làm gì, chúng ta cũng phải hành động với lòng thành thật và chính trực, và bất kể chọn theo duổi ngành nghề nào, chúng ta sẽ được đánh giá qua việc liệu lời nói của mình có đáng tin cậy hay không. Nếu không thành thực, uy tín của chúng ta sẽ bị tổn hại, một khi uy tín bị tổn hại, thì không bao giờ, không bao giờ chúng ta có thể lấy lại được.”

Cả đời mình, công tố viên Mueller đã sống theo đúng phương châm đó. Theo chủ biên của tạp chí UVA Lawyer, ông Mueller xây dựng uy tín của ông tới mức không ai có thể nghi ngờ, thoạt tiên trong tư cách một công tố viên, và sau đó trong vai trò một Giám Đốc FBI đã thay đổi sâu rộng tổ chức này sau biến cố 11/9/2001.

Bước kế tiếp tùy thuộc vào quốc hội

Sau gần 2 năm điều tra, công tố viên Mueller kết luận rằng đặc vụ Nga đã thu thập thông tin và dùng truyền thông xã hội để phát động một chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng và tạo tranh cãi giữa các quan điểm chính trị Mỹ, xâm nhập email và kho dữ liệu của phe Dân chủ, phổ biến thông tin với mục đích gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton.

Ông Mueller đã truy tố nhiều giới chức điều hành chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, gồm các phụ tá trong vòng thân cận nhất của ông Trump, về nhiều hành vi sai trái, kể cả cản trở công lý và nói dối về các liên hệ với Nga.

Từ trái hàng trên, Michael Cohen, cựu luật sư của TT Trump; Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh quốc gia, Paul Manafort, cựu Trưởng Ban Vận động tranh cử của ông Trump; Hàng dưới bên phải: Roger Stone, Cố vấn chính trị

Ê-kíp của công tố viên đặc biệt đã đạt được thỏa thuận với luật sư cá nhân của ông Trump, Michael Cohen, và một số nhân vật khác trong vòng thân cận của Tổng thống Trump, để cung cấp những bằng chứng về những liên hệ với Nga, như cuộc thương thuyết về dự án kinh doanh của tập đoàn Trump với các quan chức Nga, được xúc tiến giữa và ngay cả sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Một người bạn lâu năm của ông Trump, Roger Stone, bị cáo buộc tội nói dối về những liên hệ với Wikileaks, đường dây mà phía Nga đã sử dụng để phát tán những tài liệu mật đã đánh cắp của Mỹ.

Hôm 29/5, trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra hồi tháng 5 năm 2017, công tố viên Mueller nói chính sách của Bộ Tư pháp không cho phép truy tố một Tổng thống còn tại chức, nhưng hàm ý ông không tin Tổng thống Trump hoàn toàn vô can:

“Nếu chúng tôi chắc chắn rằng Tổng thống rõ rệt không phạm tội hình sự, thì chúng tôi đã nói như vậy.”

Báo cáo của ông Mueller không phán xét liệu ông Trump có cản trở công lý hay không mặc dù bản báo cáo liệt kê ra 10 trường hợp trong đó ông Trump đã tìm cách cản trở điều tra, kể cả nhiều lần tìm cách sa thải công tố viên Mueller. Văn kiện này chỉ ra rằng có những cách khác để buộc một Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, bởi vì không có ai có thể “ngồi trên công lý”.

“Hiến pháp đòi hỏi phải có quy trình khác ngoài hệ thống tư pháp hình sự để chính thức cáo buộc một Tổng thống đương quyền về hành vi sai trái,” ông Mueller nói khi ông loan báo từ chức và tỏ ý từ nay muốn lui vào hậu trường.

Ông tuyên bố sẽ không nói thêm gì ngoài những gì đã trình bày trong bản báo cáo.

Toà Bạch Ốc và một số thành viên Cộng hòa nói đã đến lúc nên bỏ lại cuộc điều tra sau lưng để tập trung vào những vấn đề khác trong khi nhiều người trong phe Dân Chủ, kể cả một số ứng viên Tổng thống, hối thúc nên xúc tiến tiến trình luận tội. Trong các điều kiện đó, liệu ông Mueller có được lùi vào bóng tối theo ý nguyện hay không, vẫn còn là một dấu hỏi.

Hoài Hương-VOA Đăng ký



Bình Luận:

Ông Robert Mueller chỉ là một công chức chứ không phải là chính trị gia. Ông ta tuy làm việc trong chính quyền nhưng vẫn không được xem là làm chính trị. Các chế độ dân chủ xem hoạt động chính trị là hoạt động của đảng phái trong khi đó chính quyền có những khu vực độc lập với đảng phái. Vì thế khi có một đảng mới lên, họ không cần phải thay toàn thể các công chức. Ông Robert Mueller được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính quyền chứ ông tham gia vào đảng phái ra ứng cử để được bầu vào một chức vụ nào đó trong chính quyền hay trong quốc hội.

Có lẽ vì chỉ làm công chức nên ông ta có thể giữ được các nguyên tắc "rất công bằng, không thiên vị đảng phái", "phải luôn luôn nói sự thật, và sống đạo đức”, “bất kể làm gì, chúng ta cũng phải hành động với lòng thành thật và chính trực".

Và nước Mỹ cũng có một guồng máy chính quyền để cho các công chức giữ các đức tính trên có thể làm việc, có thể tồn tại trong chính quyền.

Trong khi đó, trong số các chính trị gia, người ta thấy có vô số những kẻ dối trá, gian xảo, bất lương, những kẻ làm bất cứ điều gì miễn là để được dân bầu cho. Nhưng FBI cần những người lương thiện, không thiên vị, không dối trá để trừng phạt những kẻ bất lương, kể cả các viên chức chính quyền và chính trị gia bất lương.

No comments:

Post a Comment