Saturday, July 20, 2019

Bà mẹ trẻ và ‘canh bạc’ vực dậy trường nhạc thua lỗ

ORANGE, California (NV) – Từ một ngôi trường đang làm ăn thua lỗ, chỉ còn lác đác vài chục học sinh, sau ba năm “về tay” Lê Thiên Kim, trường dạy kèm âm nhạc Pacific Conservatory ở thành phố Orange nay đang trên đà phát triển, với số học sinh tăng gấp 10 lần lúc đầu, và đem về mức thu nhập gấp ba lần so với năm đầu tiên.

Không chỉ thế, cô còn tích cực tham gia làm nhiều việc thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng. Tháng Sáu vừa qua, cô được Phòng Thương Mại Thành Phố Orange (Chamber of Commerce Orange) trao tặng giải thưởng “Ambassador of the Year” để vinh danh những đóng góp tích cực của cô. Đồng thời, cô cũng được bầu chọn là thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Phòng Thương Mại Orange.

Lê Thiên Kim trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng này của thành phố Orange, nơi mà người Việt chỉ là thiểu số.

Và, để vực dậy ngôi trường đang làm ăn thua lỗ, ít ai biết rằng, Thiên Kim phải “đánh cược” tất cả vốn liếng của mình vào “canh bạc” trong lúc con cô mới được tám tháng!

Tự tay “vẽ” lại ngôi trường

Vào mùa Thu năm 2016, bà chủ của trường Pacific Conservatory, nơi Thiên Kim là giáo viên dạy kèm ở đây trong 16 năm, muốn nghỉ hưu. Mặc dù lúc đó có người hỏi mua lại trường này với giá hàng trăm ngàn đô la, nhưng bà từ chối. Bà chỉ tin tưởng vào Thiên Kim với một đề nghị mà nghe qua có vẻ rất “dễ ăn”: Bà sẽ tặng Kim trường này, với một điều kiện, cô phải “take over” hợp đồng thuê địa điểm.

“Lúc đó còn tám tháng là hết hạn hợp đồng đã ký với chủ phố, với tiền thuê là $5,000 một tháng. Bà ấy muốn rút khỏi hợp đồng thuê, bằng cách tôi phải có ít nhất $40,000 để trả hết một lần tám tháng tiền thuê địa điểm cho chủ phố,” cô giải thích.

Nghe kỹ thì “quà tặng” này không hề “dễ ăn” chút nào, với một người chưa từng kinh doanh và không có nhiều tiền vào thời điểm đó như Thiên Kim. Nhất là trong bối cảnh hàng loạt các trường dạy kèm âm nhạc ở Orange đang sắp đóng cửa như trường Premier, Pepperland và Pedrini’s. Trường Pacific Conservatory lúc đó cũng không là một ngoại lệ, chính vì thế mà mới được “tặng.”

Lê Thiên Kim (phải), chủ nhân của trường Pacific Conservatory, chuyên dạy kèm về âm nhạc ở thành phố Orange. (Hình: Tâm An/Người Việt)
 Hơn nữa, cô lại vừa sinh con xong sau tám tháng. Con cô lại chỉ bú sữa mẹ, không chịu bú sữa ngoài. Thiên Kim không có nhiều tiền, không kinh nghiệm, lại vướng bận con nhỏ, không có thời gian để toàn tâm toàn ý lo cho việc khởi nghiệp như người khác.

“Tôi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Ba mẹ tôi rất lo lắng, sợ rằng tôi không đủ khả năng để vực lại một cơ sở đang lúc làm ăn thua lỗ. Tôi đam mê âm nhạc nên đây cũng là một cơ hội lớn cho tôi. Cuối cùng thì với sự hỗ trợ tài chính của gia đình, tôi đã chấp nhận đương đầu với mọi thử thách,” cô chia sẻ.

“Có bao nhiêu tiền đã dùng hết vào việc trả tiền thuê, nên tôi không còn tiền nhiều để sửa sang lại trường học. Mọi thứ đã cũ kỹ, tôi phải tự tay lát gạch sàn nhà vệ sinh, quét sơn lại tường từ đêm tới sáng. Mặc dù căn phòng đó trước giờ người ta vẫn đồn đại là có ma, nhưng tôi đành phải tranh thủ làm đêm, để ban ngày trường học vẫn mở cửa bình thường,” cô kể.

Hằng ngày, cô làm tất cả mọi việc: từ dạy học tới dọn dẹp lau chùi nhà vệ sinh; từ tiếp khách, nghe điện thoại đến tư vấn học sinh, làm thủ tục giấy tờ. Cô phải mang con nhỏ tới trường, ở một góc phòng phía sau lớp học, để tiện chăm sóc và… cho con bú!

Cha mẹ cô, Giáo Sư Lê Văn Khoa và ca sĩ Ngọc Hà, cũng phải tới để phụ giúp cô trong việc dạy học và… trông cháu.

Cô phải tự mày mò để biết các thủ tục giấy tờ khi làm chủ một cơ sở kinh doanh. Nhờ đó, cô biết tới Phòng Thương Mại của thành phố Orange. Cô dành nhiều thời gian để làm việc thiện nguyện tại đây nhằm trợ giúp cho các cơ sở thương mại mới mở khác.

“Tôi không hề mất chi phí cho quảng cáo trên các kênh truyền thông, tất cả việc tôi làm là thiện nguyện. Nhờ đó người ta tin tưởng, quý mến và giới thiệu con em họ tới trường của tôi học đàn,” cô chia sẻ.

Cha của cô, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, cho hay: “Lúc đó tôi rất lo lắng. Nếu như trường này ở vị trí đông người Việt, nơi mà cha mẹ thường ép con cái học đàn, thì đâu có lo thiếu học trò. Đằng này trường ở Orange, nơi người Hispanic chiếm đa số, văn hóa của họ lại không ép con cái học hành…”

Thiên Kim nhìn cha một cách trìu mến, bày tỏ quan điểm hoàn toàn mới mẻ trong kinh doanh: “Đó mới thực sự là cơ hội, để khơi dậy đam mê âm nhạc cho những đứa trẻ ở đây. Nơi nào càng ít trường nhạc, càng ít người biết tới âm nhạc, nơi đó đầy tiềm năng.”

Tặng học bổng

Anh Juan Guiller (giữa) và vợ bên ba con trai được cô giáo Lê Thiên Kim tặng học bổng toàn phần mang tên Giáo Sư Lê Văn Khoa, học miễn phí suốt đời tại trường của cô. (Hình: Tâm An/Người Việt)


Quả thật như vậy, Thiên Kim luôn có hứng thú dạy kèm cho những đứa trẻ lúc đầu không thích học đàn. Với 16 năm dạy kèm đã giúp cho cô có nhiều kinh nghiệm để truyền cảm hứng học đàn cho lũ trẻ. Các em nhỏ từ chỗ khó chịu, trở nên thích thú và say mê. Không những thế, tiếng đàn của các em còn giúp hàn gắn không khí gia đình, giúp cho các bậc phụ huynh giải trí.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều phụ huynh mang con em tới ghi danh học đàn. Từ chỗ chỉ có vài chục học sinh, nay trường của cô đã có 194 học sinh đang theo học và sẽ còn nhiều thêm nữa.

Trong số đó, có ba em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: cha các em bị bệnh ung thư và không còn khả năng lao động. Các em rất yêu âm nhạc nhưng có thể nghỉ học vì không có tiền. Thiên Kim quyết định tặng ba suất học bổng toàn phần mang tên cha cô, để trao cho ba em học sinh là anh em ruột của nhau.

“Tôi muốn học bổng mang tên cha, để cám ơn ông và muốn cha tôi được toại nguyện tri ân lại cuộc đời. Cha tôi kể, ngày xưa còn nhỏ, nhà nghèo, nếu như không có những mạnh thường quân giúp đỡ học hành miễn phí thì ông đã không trở thành nhạc sĩ như ngày nay,” cô tâm sự.

Anh Juan Guiller, cha của ba em được nhận học bổng Lê Văn Khoa, chia sẻ: “Từ ngày các con tôi được học đàn ở đây, chúng mang âm nhạc về nhà, khiến cả gia đình chúng tôi được ngập tràn trong âm nhạc. Điều đó khiến tôi thêm sức mạnh, quên đi những đau đớn bệnh tật và những khó khăn. Chúng tôi có bốn đứa con và hiện giờ một mình vợ tôi gánh vác. Tôi rất muốn làm việc để phụ giúp vợ, nhưng tôi không thể. Nhờ cô Kim mà các con tôi tiếp tục được học đàn ở đây. Tôi không thể kể hết những gì tốt đẹp mà cô Kim đã dành cho chúng tôi…”

Nói tới đây, người cha trẻ không nén nổi xúc động, anh bật khóc. Thiên Kim vội chạy tới trao một cái ôm động viên anh Juan. Cô chia sẻ thêm: “Juan mới kết hôn hồi tháng trước, sau hơn chục năm sống chung và có những đứa con ngoan.”

Lê Thiên Kim nhìn cha, Giáo Sư Lê Văn Khoa, một cách trìu mến khi ông giúp cô một số vốn để gầy dựng lại trường âm nhạc Pacific Conservatory. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Cô cũng trao học bổng cho Elizabeth Lê, một em học sinh gốc Việt có giọng hát đầy triển vọng, sống với mẹ đơn thân trong hoàn cảnh khó khăn.

Thăm lớp nhạc của trường Pacific Conservatory, đa phần các em học sinh ở độ tuổi 4-10, là thế hệ con lai gốc Hispanic với các sắc dân khác nhau Việt, Hàn, Phi, Mỹ trắng… đang chơi đàn rất say sưa. Trường dạy chơi đủ loại nhạc cụ như piano, guitar, ukulele (nhạc cụ của Hawaii).

Ukulele
Để tăng thêm lợi tức, Thiên Kim sáng tạo ra nhiều chương trình học phù hợp với nhu cầu xã hội. Chẳng hạn như lớp dạy kèm đàn kiêm giám hộ trẻ, lớp thanh nhạc cho thiếu niên, lớp dạy đàn cho người trung niên và cao niên. Có lẽ xung quanh đây, không còn nhiều trường dạy kèm âm nhạc, nên trường của cô ngày càng đông học sinh.

Mới đây, trường còn có thêm môn trống. “Chúng tôi sắp đón nhận thêm một thầy giáo dạy trống rất giỏi, cùng một dàn trống và 10 học sinh chuyển sang từ một trường âm nhạc mới đóng cửa ở Orange hồi tháng trước,” cô cho hay.

Cô cho biết, trường cô đang không đủ chỗ cho các lớp học, cô đang cân nhắc tới một địa điểm lớn hơn hoặc mở thêm một cơ sở thứ hai.

“Âm nhạc cứu vớt linh hồn tôi”

Là con gái trong gia đình có truyền thống âm nhạc, từ khi bốn tuổi, Thiên Kim đã được học piano. Tuy nhiên, cô từng khó chịu khi bị cha mẹ ép học đàn, nên khi vào đại học, cô đã chọn ngành kỹ sư điện toán. Thiên Kim trở thành sinh viên giỏi của trường Santa Ana College. Ngoài ra, cô cũng nhận được việc làm thêm là đệm đàn piano tại trường, giúp cô có thu nhập, để dọn ra ở riêng.

Lê Thiên Kim (thứ hai, trái) được Phòng Thương Mại Thành Phố Orange trao tặng giải thưởng “Ambassador of the Year.” (Hình: Lê Thiên Kim cung cấp)

Thiên Kim sẽ trở thành một kỹ sư, nếu như không xảy ra biến cố vào năm thứ ba đại học, khiến cô rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.

“Tôi nhớ rất rõ một ngày sau sự kiện 11 Tháng Chín, 2001, có vài người bạn đến nhà tôi chơi, ăn uống và tám chuyện. Bạn trai tôi đã uống quá say nên tôi định bỏ đi cùng cô bạn gái. Nhưng anh ta đã đập cửa kính, đuổi theo tôi, đánh đập tôi bầm tím người, trước khi cảnh sát tới. Tôi vô cùng sợ hãi. Điều đó đã ám ảnh tôi hàng chục năm sau, cho tới khi tôi nhận được tin anh ta qua đời trong một tai nạn vào năm 2012,” cô kể lại chuyện 18 năm về trước.

“Tôi không dám nói với cha mẹ mình về điều này. Tôi nghĩ mình phải tự đứng dậy để giải quyết mọi rắc rối của bản thân. Tôi phải nghỉ học vì cơ thể đau nhức, sợ hãi và phải đi dự phiên tòa. Cũng may tôi được các giáo sư ở Santa Ana College thông cảm, nên họ không hề sa thải tôi. Đó là lý do gắn bó với họ trong 21 năm qua,” cô kể tiếp.

“Dịp Giáng Sinh năm đó, tôi ngồi đơn độc trong căn phòng lạnh lẽo với cánh cửa sổ kiếng vỡ tan, đối mặt với nỗi cô đơn, tủi hổ. Đã có lúc tôi nghĩ tới tự tử. Nhưng tôi cố ngồi vào cây đàn piano, mở đĩa CD bản giao hưởng Ravel – Piano Concerto in G Major mà tôi từng được tặng để đàn theo. Tôi đã chơi  hết bản nhạc đó một cách tuyệt vời hơn tôi tưởng. Bản nhạc đó đã cứu vớt linh hồn tôi, đã trở thành lối thoát tích cực cho cuộc đời tôi,” cô chia sẻ thêm.

Sau biến cố đó, Thiên Kim quyết định từ bỏ ngành đang học và chuyển sang học piano tại Santa Ana College.

Cô tiết lộ: “Vào năm tôi 19 tuổi, tôi đã sống sót sau một vụ tấn công bằng súng chỉ trong gang tấc, tại một trung tâm thương mại cách nhà tôi 5 phút lái xe. Sau tất cả những gì tôi đã trải qua, tôi nghĩ mình giống như một… con gián.”

Theo cô, con gián là biểu tượng của tuýp người năng động, không dễ đầu hàng số phận, tiêu diệt không dễ và có khả năng thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh sống.

Và ngày 20 Tháng Bảy, 2019, trường nhạc Pacific Conservatory của Thiên Kim sẽ trình diễn văn nghệ tại sân khấu Heritage, OC Fair, cùng cô hoa hậu của tiểu bang California 2019, Eileen Kim. Cô Eileen Kim, là người Mỹ gốc Đại Hàn cũng đồng thời là giáo viên dạy violin của trường Pacific Conservatory. (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/ba-me-tre-va-canh-bac-vuc-day-truong-nhac-thua-lo/

Nhật Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ

No comments:

Post a Comment