Saturday, July 6, 2019

Ai là học trò trung thành của chủ nghĩa Marx?

Tượng Karl Marx do Trung Quốc tặng cho thành phố Trier, Đức, nơi Karl Marx sinh ra
'Người Marxist' là niềm hãnh diện hay sự sỉ nhục?

Ông Boris Johnson, người đang chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Anh, vừa tung một đòn tấn công vào đảng Lao động đối lập trong cuộc vận động tranh cử tại Exeter.

Ông gọi Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động là "Nhà lãnh đạo của một đảng phái theo chủ nghĩa Marx già cỗi".

Đây không phải là lần đầu tiên ông Corbyn bị chỉ trích vì từng theo chủ nghĩa Marx.

Không chỉ có ông Corbyn, phát ngôn viên về kinh tế - tài chính của đảng Lao động, ông John McDonnell, cũng bị coi là "một kẻ Marxist".

Nhưng thực sự thì một tín đồ theo chủ nghĩa Marx, hay còn gọi là Marxist, là một người thế nào, và vì sao từ 'người Marxist' lại đang được dùng như một hình thức sỉ nhục tại Anh?

Sự ra đời của chủ nghĩa Marx

Mọi chuyện bắt đầu vào Thế kỷ 19.

Karl Marx và người bạn thân, Engels, được coi là cha đẻ của chủ nghĩa xã hội.

Dưới cách nhìn của một số người phương Tây thì chủ nghĩa Marx gắn liền với chủ nghĩa cộng sản, và người Marxist thì đồng nghĩa với người cộng sản.

"Khi tôi nói với bà tôi rằng mình là một người Marxist, bà tôi nói, 'Sophie, cháu sẽ bị nhốt lại mất thôi. Họ luôn bỏ tù bọn cộng sản'," Sophie Squire, một cô gái trẻ nhiệt thành tin theo chủ nghĩa Marx, nói với BBC.

Ý tưởng về một xã hội bình đẳng không phải là điều gì thực sự mới mẻ, nhưng Marx và Engels đã trao nhiệm vụ đấu tranh vì bình đẳng cho giai cấp công nhân.

Họ tin rằng tầng lớp cần lao, tức giai cấp vô sản và giới trung lưu, còn gọi là giai cấp tư sản, có mâu thuẫn mang tính lịch sử với nhau.

Marx và Engels không tán thành ý tưởng vì lợi nhuận. Hai ông cho rằng đó chỉ là một cách để bóc lột người lao động, trong lúc khiến người giàu càng giàu hơn.

"Một trong những ý tưởng chính của chủ nghĩa Marxist là để xã hội kiểm soát nền kinh tế và phân phối rộng khắp nhất ở mức có thể, công bằng nhất ở mức có thể," Giáo sư Lea Ypi, giảng dạy môn học thuyết chính trị tại Đại học Kinh tế London, nói.

"Bất kể những sai lầm trong quá khứ, chủ nghĩa Marx vẫn luôn thu hút được nhiều người đi theo nhờ việc nó chỉ trích chủ nghĩa tư bản," bà Ypi nói thêm.

Chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản

Đánh giá về chủ nghĩa Marx, Tiến sỹ Daniel Beer, người nghiên cứu lịch sử hiện đại, cho rằng chủ nghĩa Marx theo cách hiểu của Marx, và theo cách hiểu, cách áp dụng của những người Marxist, là khác nhau.

"Những người Marxist nói rằng những giới chủ tư bản làm chủ đồng vốn không trả công xứng đáng cho người lao động," Tiến sỹ Beer nói.

"[Ngày nay,] việc tạo ra những hệ thống phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp, cấp nhà ở cho người lao động, toàn bộ các chính sách đó được đưa ra tiên phong dưới cái bóng từ Liên Xô phủ xuống," ông giải thích.

"Bởi chính phủ các nước sợ rằng nếu như họ không đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp lao động trong nước mình, thì họ sẽ có nguy cơ gặp phải các rủi ro kiểu Cách mạng Nga tại chính nước mình."

Sophie Squire thì cho rằng xã hội tư bản là "một hệ thống mục ruỗng", và đó là lý do khiến Marx trước đây đấu tranh, cũng như khiến cô cùng những người Marxist khác bây giờ tiếp tục đấu tranh.

Cô nói rằng xã hội kiểu Marx mong muốn là nơi mà "công nhân đứng lên cướp lấy công cụ sản xuất và tạo ra một thế giới kiểu khác".

Thế nhưng Tiến sỹ Beer cho rằng chủ nghĩa Marx là một ý thức hệ "rất đẫm máu".

"Nó gắn với những tội ác của giới lãnh đạo độc tài cộng sản trong thế kỷ 20. Thế giới nhớ tới những hình ảnh về các đội hành quyết ở Liên Xô, các trại lao cải, đoàn xe tăng tiến vào Budapest hồi 1956," ông nói.

Giáo sư Ypi giải thích rằng theo viễn kiến của Marx thì, "Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn trước của chủ nghĩa cộng sản".

"Chủ nghĩa xã hội thì cũng giống như xã hội tư bản, một xã hội phân chia giai tầng, tuy nhiên, chỉ khác ở chỗ đó là một xã hội có phân chia giai tầng nhưng một bộ phận dân chúng - mà cụ thể là tầng lớp lao động - được trao quyền chống lại các tầng lớp tư bản."

"Thế còn chủ nghĩa cộng sản thực sự là miền đất trong mơ của người Marxist. Đó là sự chấm dứt tồn tại của một xã hội có phân chia giai cấp, chấm dứt nền chính trị có xung đột, mâu thuẫn."

Người Marxist: Điều sỷ nhục hay niềm tự hào?

Vậy tại sao một học thuyết chính trị lại bị dùng tại Anh thời nay như một công cụ để sỉ nhục?

Tiến sỹ Beer và Giáo sư Ypi đưa ra những cách lý giải riêng của mình.

"Người ta nói rằng nếu bạn vẫn tin rằng chủ nghĩa Marx là hệ thống vẫn còn sức sống thời nay, thì hoặc là bạn bị lừa dối, hoặc là bạn ngây thơ tới mức ngu ngốc," Tiến sỹ Beer nói.

"Người ta cũng nói rằng nếu bạn tin rằng đây là thứ chấp nhận được về mặt đạo đức, thì bạn hoặc là hoàn toàn mục ruỗng, hoặc là kẻ cuồng tín."

Thế còn Giáo sư Yip thì cho rằng lý do là bởi, "Chủ nghĩa Marx thường gắn với những chế độ đàn áp, độc tài, những chế độ nói rằng họ theo đuổi chủ nghĩa Marx nhưng lại không hiện thực hóa được những lý tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx, trong đó gồm cả các ý tưởng về quyền tự do."

Bất kể thế nào, những người tin theo chủ nghĩa Marx dường như vẫn giữ vững quan điểm của mình.

"Mọi người vẫn coi ông ấy là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất mọi thời đại, và đó là lý do vì sao tôi tự hào là một người Marxist," Sophie Squire nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48831886#

Bình Luận:

Bài này do BBC Tiếng Việt dịch ra từ tiếng Anh, do người Anh viết nên nói về các suy nghĩ của người Anh về chủ nghĩa Marx.

Đối với người Việt chủ nghĩa Marx có thể được nhiều người nhìn dưới các khía cạnh khác nhau .

Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến tranh giữa hai phe Quốc Cộng. Câu hỏi được đặt ra suốt trong suốt thời gian chiến tranh là đường lối của phe nào sẽ làm cho quốc gia phát triển, giàu mạnh, văn minh như các nước đi trước ở Tây Phương .

Người Việt cũng trải qua thời gian bị Pháp đô hộ nên muốn có chủ nghĩa, đường lối nào để Việt Nam có độc lập, không bị lệ thuộc ngoại bang.

Sau khi chiến tranh thì vấn đề phát triển kinh tế được xem là quan trọng. Lúc đó thì câu hỏi đật ra là chủ nghĩa nào tạo ra công ăn việc làm cho mọi người, chủ nghĩa nào nâng cao mức sống của người dân nhanh chóng hơn.

Còn để trả lời câu hỏi "Ai là học trò trung thành của chủ nghĩa Marx?" thì người học trò trung thành với chủ nghĩa Marx là người:

- Không ham lợi nhuận, không ham trở thành giàu sang, phú quí.

- Muốn cho xã hội không còn giai cấp, không còn kẻ giàu, người nghèo, mọi người đều bình đẳng về của cải. Muốn mình cũng sống bình đẳng như mọi người khác, không ham có của cải để giàu hơn người khác.

Chỉ có thế mà thôi.

Người trung thành với chủ nghĩa Marx không phải là người hăng hái chống xâm  lược vì chủ nghĩa Marx không bàn về việc chống ngoại bang xâm lược.

Người mong muốn quốc gia được độc lập, không bị lệ thuộc ngoại bang cũng không phải là học trò trung thành của chủ nghĩa Marx vì Karl Marx không bàn về việc làm sao giữ cho quốc gia được độc lập.

Người mong muốn cho quốc gia có kinh tế phát triển nhanh, trở thành giàu mạnh không phải là người học trò trung thành với chủ nghĩa Marx, vì Karl Marx không bàn về việc làm sao cho quốc gia giàu có, sung túc mà chỉ muốn san bằng giai cấp, trong xã hội không còn giàu nghèo, không còn các tầng lớp khác biệt nhau.

Quan tâm đến chống xâm lược là theo chủ nghĩa quốc gia, hay là chủ nghĩa dân tộc.

Quan tâm đến việc quốc gia được độc lập không lệ thuộc ngoại bang là theo chủ nghĩa quốc gia, hay là chủ nghĩa dân tộc.

Quan tâm đến việc làm cho quốc gia giàu mạnh, sung túc là theo chủ nghĩa quốc gia, hay là chủ nghĩa dân tộc.

No comments:

Post a Comment