Khi Lê Duẩn đọc những từ đầu tiên của bài điếu văn, người dân Hà Nội và Bắc Việt Nam đối diện một hiện thực ảm đạm.
Đó là một ngày đẹp trời đầu tháng 9 năm 1969. Hàng ngàn người đã tụ tập về Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội trong một sự kiện mà quy mô của nó gợi nhớ lúc Việt Nam tuyên bố độc lập khỏi Pháp vào năm 1945. Họ đến để vĩnh biệt người đọc bản tuyên ngôn đó, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.
Ông Hồ qua đời vào sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969 sau một cơn đau tim, theo những tường thuật chính thống. Lãnh tụ cách mạng Việt Nam nổi bật nhất trên trường quốc tế hưởng thọ 79 tuổi.
"Hồ Chủ Tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa!" Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam, mở đầu bài điếu văn. "Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại."
Trên khán đài khách viếng quốc tế đứng trầm ngâm, dưới quảng trường nhiều người không nén được cảm xúc và bật khóc.
Đến cuối đời ông Hồ vẫn duy trì hình ảnh của mình như là một lãnh tụ sáng suốt và bình dân trong lòng nhiều người. Nhưng sự ngưỡng vọng dành cho ông khỏa lấp một thực tế là ông chỉ còn là một nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng và đã bị gạt ra khỏi quyền lực, theo nghiên cứu của các nhà sử học quốc tế.
‘Đứng ra ngoài’
Với vai trò bí thư thứ nhất, Lê Duẩn là nhân vật cao cấp thứ nhì trong Đảng Lao động Việt Nam chỉ sau ông Hồ, người giữ chức Chủ tịch Đảng. Nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay ông Duẩn, nhà cách mạng dày dạn xuất thân từ Quảng Trị.
Giới học giả ghi nhận bất đồng công khai giữa hai nhà lãnh đạo từ đầu những năm 1960. Dù cả hai đều là những người cộng sản kiên định, Lê Duẩn cổ xúy chính sách leo thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam để giành chiến thắng trong khi Hồ Chí Minh có lập trường ôn hòa hơn và chủ trương kết hợp các biện pháp chính trị lẫn quân sự.
Ông Duẩn, người vươn lên nắm giữ vị trí quan trọng hàng đầu từ cuối những năm 1950, sớm nhận ra sự khác biệt quan điểm giữa hai người sẽ là chướng ngại trên con đường ông hiện thực hóa viễn kiến của mình ở miền Nam.
"Họ cho [Hồ Chí Minh] là mối đe dọa lớn từ năm 1963 rồi," Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Lịch sử Đại học Maine, Mỹ nói với VOA. "Lê Duẩn muốn đưa quân vào miền Nam rồi. Cuối cùng ông Hồ Chí Minh và đặc biệt là [Tổng Tư lệnh quân đội] Võ Nguyên Giáp nói rằng đưa như vậy thì sẽ có cớ cho Mỹ đưa quân vào. Đó là sau khi [Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình] Diệm bị giết."
Sự chống đối của ông Hồ đối với kế hoạch quân sự của ông Duẩn vào năm 1963 bị đáp lại bằng chỉ trích và đe dọa.
Dựa trên thông tin từ các văn khố của Đông Đức, sử gia Martin Grossheim viết trong một bài nghiên cứu đăng trên chuyên san Lịch sử Chiến tranh Lạnh vào năm 2005 rằng ông Duẩn đã cho ông Hồ lựa chọn "hoặc theo đường lối của Bộ Chính trị hoặc đứng ra ngoài" vào năm 1963.
Sử gia này dẫn nguồn từ đại sứ quán Đông Đức ở Hà Nội khi đó cho biết cái gọi là "thuyết hai sai lầm" được tuyên truyền ngày càng rộng rãi trong hàng ngũ đảng viên – rằng ông Hồ phạm hai sai lầm khi thỏa hiệp với người Pháp vào năm 1945 và khi chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước.
Ông Hồ bị buộc phải im tiếng.
Gạt khỏi kế hoạch Tổng tiến công 1968
Bất đồng một lần nữa bùng lên vào năm 1967 khi Lê Duẩn ra mắt chiến lược quân sự nhằm lật đổ chính quyền Sài Gòn bằng các cuộc tấn công và nổi dậy đồng loạt khắp các thành thị ở miền Nam. Kế hoạch này vấp phải sự phản đối "ngay lập tức" từ các nhà lãnh đạo Đảng và quân đội và tiếng nói có uy quyền nhất đến từ Hồ Chí Minh, theo học giả Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư lịch sử tại Đại học Columbia ở thành phố New York.
Bà viết trong cuốn sách “Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam” xuất bản năm 2012:
"Trong nỗ lực cuối cùng của mình nhằm khẳng định uy quyền đối với cuộc cách mạng mà ông chỉ lãnh đạo về mặt biểu tượng, Hồ Chí Minh lên tiếng công kích. Đầu tiên, nhà lãnh đạo cao tuổi đặt nghi vấn về ‘tính chủ quan’ của kế hoạch của Lê Duẩn và [Tướng Văn Tiến] Dũng, ngụ ý rằng có lẽ vị bí thư thứ nhất và vị tướng thiếu thực tế và lạc quan thái quá trong những mục tiêu của họ cho cuộc tiến công sắp tới."
Ông Hồ kêu gọi cẩn trọng nhưng ông Duẩn bỏ ngoài tai và xúc tiến kế hoạch của mình. Khi phiên bản cuối cùng mang dấu ấn rõ ràng của ông Duẩn, ông Hồ rời nước sang Bắc Kinh dưỡng bệnh.
Trong khi ông vắng mặt một cuộc thanh trừng chính trị diễn ra ráo riết ở Hà Nội nhắm vào những người bị gán mác theo "chủ nghĩa xét lại" và "chống Đảng." Hàng chục nhân vật cao cấp trong Đảng và quân đội bị bắt giữ, trong đó có những phụ tá và thuộc cấp của ông Hồ và của ông Võ Nguyên Giáp. Ông Hồ một lần nữa chọn cách giữ im lặng.
Cuộc Tổng Tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 thất bại và phe cộng sản chịu tổn thất nhân mạng to lớn. Nhưng Lê Duẩn vẫn quyết theo đuổi chiến lược của mình. Suốt mùa xuân và mùa hè năm đó, ông ra lệnh phát động thêm hai đợt tiến công nữa nhưng chiến thắng vẫn không đến gần hơn.
Dịch chuyển chính sách
Cái chết của ông Hồ là một cú giáng về tinh thần đối với Bắc Việt Nam giữa những thất bại quân sự và một cuộc chiến gia tăng cường độ. Bom Mỹ vẫn trút xuống miền Bắc và số lượng binh sĩ Mỹ tham chiến ở miền Nam lên đến đỉnh điểm hơn 500.000 người trong năm 1969.
Hà Nội bắt đầu thi hành chính sách "vừa đánh, vừa đàm."
Những cuộc thương thuyết chính giữa Bắc Việt Nam và Mỹ cuối cùng đưa đến Hiệp định Paris mở đường cho việc lập lại hòa bình ở Việt Nam sau khi người Mỹ rút đi. Chiến sự kéo dài đến năm 1975 khi quân cộng sản và Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn và chấm dứt chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Một nước Việt Nam thống nhất là là một trong những di nguyện của Hồ Chí Minh, nhưng có một di nguyện của ông sẽ không được đáp ứng.
Trước khi ông qua đời, Trung ương Đảng được nói là đã xin phép bảo quản di hài của ông cho hậu thế thay vì hỏa táng như ông căn dặn.
No comments:
Post a Comment