Sunday, October 18, 2020

Mỹ lơ là nhân quyền, Việt Nam mạnh tay bắt Phạm Đoan Trang

Cô Phạm Đoan Trang, nhà báo đấu tranh dân chủ độc lập. (Hình: Facebook Pham Doan Trang)

NEW YORK, New York (NV) – Chuyện cô Phạm Đoan Trang, nhà báo đấu tranh dân chủ độc lập, bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt, được nhật báo The New York Times loan tin trên công luận Mỹ và thế giới.

Ký Giả Richard C. Paddock, người từng đoạt hai giải thưởng báo chí Pulitzer cao quý, đã viết bài về cô Phạm Đoan Trang trong bài viết “Nhà hoạt động bị bỏ tù để lại lá thư mang thông điệp: Tiếp tục tranh đấu,” đăng hôm Thứ Tư, 14 Tháng Mười.

 

“Cô Trang viết một lá thư và đưa cho một người bạn Mỹ với lời nhắn ‘hãy công bố nếu tôi bị bắt,’” ông Paddock tường thuật. “Trong lá thư, cô Trang nhắn các bạn đừng chỉ tranh đấu cho sự tự do của riêng mình mà dùng trường hợp của cô để đòi quyền bầu cử tự do và chấm dứt tình trạng độc đảng cai trị tại Việt Nam.”

Cô Phạm Đoan Trang, nhà báo độc lập, tác giả một số sách nổi tiếng, bị nhà cầm quyền CSVN bắt vào buổi tối Thứ Ba, 6 Tháng Mười, ở Sài Gòn.

Phạm Đoan Trang, năm nay 42 tuổi, khi chưa có Facebook cô đã là một blogger nổi tiếng có hàng ngàn người theo dõi với những bài viết sắc bén về tình hình thời sự Việt Nam.

Theo nhà đấu tranh dân chủ Phạm Thanh Nghiên, một ngày sau khi cô Phạm Đoan Trang bị bắt, hôm 7 Tháng Mười cũng “là ngày thứ hai và cũng là phiên cuối cùng diễn ra cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Việt Nam-Hoa Kỳ.”

Trước khi tham gia đấu tranh dân chủ, cô từng làm phóng viên cho một số báo nhà nước và trở thành cái gai trong mắt Hà Nội.

Nhà báo Paddock nhắc đến việc đi đứng của cô Trang hiện nay trở nên khó khăn hơn vì bị công an đánh vào năm 2015.

Ông Paddock mô tả với độc giả Mỹ về cô Trang qua nhận xét của ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, rằng: “Cô Trang là một ngòi bút sắt bén mà nhà cầm quyền Việt Nam không muốn cô được tự do.”

New York Times nhận định: “Đảng CSVN lâu nay vẫn lo sợ rằng tự do ngôn luận sẽ làm suy yếu quyền lực và đã xây dựng một bộ máy chính quyền lớn để ngăn chặn sự bất đồng chính kiến.”

Các nhà hoạt động dân chủ trong nước cho rằng việc bắt giữ cô Trang có thể bị thúc đẩy trước tình hình sắp xếp nhân sự trước khi đại hội đảng diễn ra vào Tháng Giêng năm tới.

“Vào thời điểm mà Việt Nam được đặt vào vị thế như là một đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ và một trung tâm sản xuất thế giới, khiến nhà cầm quyền Cộng Sản không còn e ngại để tiến hành những hành động đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến,” nhà báo của New York Time phân tích.

“Hà Nội càng được tiếp sức để bắt bớ các tiếng nói đối lập nhờ một chính quyền Hoa Kỳ hầu như phớt lờ những vi phạm nhân quyền một cách rộng rãi, hiện nay,” ký giả Paddock nhận định. (MPL) [qd]

Nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ

18 tháng 10 năm 2020

Bình Luận: 

Ngay từ khi Donald Trump mới lên làm tổng thống đài BBC đã có nói Donald Trump từng tuyên bố: 

"I don't care about nation building" 

Câu đó có nghĩa là Donald Trump không quan tâm đến các nước xây dựng chế độ như thế nào, dân chủ hay độc tài. Những gì Mỹ làm về nhân quyền có thể là do các nhân viên ngoại giao Mỹ làm theo chính sách sẵn có của Mỹ chứ không chắc là do Donald Trump thúc đẩy.

Hoặc có khi Mỹ nói về nhân quyền chỉ vì lợi ích cá nhân của Donald Trump. Chẳng hạn chính phủ Mỹ đả kích Trung Quốc bắt hàng triệu người dân Hồi Giáo Tân Cương vào trại tập trung cải tạo có thể là để cho dân Mỹ thấy là Donald Trump có lập trường chống Trung Quốc. Nhưng khi Donald Trump có dịp gặp riêng Tập Cận Bình thì Donald Trump nói với Tập Cận Bình là những gì ông làm ở Tân Cương là phải. Donald Trump nói Tập Cận Bình bắt dân Tân Cương đi học tập cải tạo là việc làm phải để mong đợi Trung Quốc mua nông sản của Mỹ trở lại. Trung Quốc mua nông sản của Mỹ thì sẽ giúp nông dân Mỹ thoát khỏi sự khó khăn vì Trung Quốc trả đũa Mỹ tăng thuế trên hàng Trung Quốc bằng cách không mua nông sản của Mỹ. Việc trả đũa của Trung Quốc khiến cho nông dân Mỹ phải giữ nông sản không bán cho ai được hoặc phải hủy bỏ. Nhiều người khai phá sản, bỏ nghề nông. Donald Trump sợ nông dân không bỏ phiếu cho mình nên muốn Trung Quốc mua nông sản Mỹ trở lại.

Việc Donald Trump không quan tâm đến dân chủ hay độc tài được thấy qua việc Donald Trump hý hửng khoe với nhà báo Bob Woodward các lá thư của nhà lãnh đạo độc tài của Bắc Hàn Kim Jong-un gửi cho mình với lời lẽ thân thiện, ca tung mình. Chẳng hạn trong thư có chỗ tả tâm trạng Kim Jong-un khi gặp Donald Trump thì trong lòng vô cùng sung sướng, thấy đó là những giây phút thần tiên. Donald Trump xem đó là tình cảm thật của Kim Jong-un nên mới đem khoe nhà báo. Trong khi đó mọi người khác thì chỉ xem đó là lá thư mà cấp dưới viết cho Kim Jong-un theo chỉ thị cốt để thỏa mãn lòng tự tôn quá mức của Donald Trump.




No comments:

Post a Comment