Chính sách của Stalin có thể tóm tắt là tổ chức chế độ độc tài toàn trị để nhà nước có thể dồn tất cả tài nguyên, vật lực cho quân sự . Sự yếu kém trong kinh tế do chính sách cưỡng bách được bù bằng tiền khai thác khoáng sản. Chính sách này chỉ có thể áp dụng được cho Nga, vốn có đất đai mênh mông, khoáng sản dồi dào. Còn Mao áp dụng chính sách này thì Trung Quốc chỉ dựa vào nông nghiệp, ít khoáng sản nên không thể nào cất cánh được.
BBC Vietnamese
Cập nhật: 11:26 GMT - thứ tư, 21 tháng 4, 2010
Lenin năm 1923 – Sự thức tỉnh thiên tài
Đặng Phong
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Lenin không phải là người đầu tiên đưa ra những ý tưởng về mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước ông đã có rất nhiều nhà tư tưởng lớn phác họa những đường nét cơ bản của mô hình này.
Nhưng nếu nói đến việc phát hiện ra những khuyết tật của nó và can đảm nhìn thẳng vào những khuyết tật đó thì người đầu tiên chính là Lenin. Sự nhạy bén, trung thực và can đảm của ông trong việc này vẫn là một tấm gương sáng ngời đối với sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.
Năm 1917, Lenin đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại của giai cấp vô sản để xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Nhưng sau khi cách mạng thành công còn phải trải qua ba năm nội chiến ác liệt, chống can thiệp của bên ngoài.
Đến năm 1920, dưới sự lãnh đạo của Lenin, Liên Xô bước vào xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà chính Lenin là người thiết kế những nội dung cơ bản của mô hình kinh tế đó: Công nghiệp hóa và điện khí hóa, tập thể hóa nông nghiệp, kế hoạch hóa tập trung trên phạm vi toàn quốc và trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng…
Nhưng chỉ ba năm sau, tức là khi công việc mới chỉ bắt đầu, chính người thiết kế mô hình đã sớm “ngửi” thấy những mùi vị bất ưng từ mô hình này. Kiến tạo một mô hình hoàn toàn mới đã là khó, nhưng phát hiện và dũng cảm thừa nhận những khuyết tật của mô hình đó có lẽ là cái gì khó hơn, vì nó đòi hỏi không những kiến thức và sự sáng suốt, mà cả sự dũng cảm phủ nhận chính mình một cách không dè dặt, không né tránh, không úp mở. Đó cũng là một khía cạnh nữa của thiên tài Lenin.
Đến nay thì chúng ta đã thấy quá rõ những quy luật tất yếu dẫn mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ đến những ách tắc và thất bại: chế độ công hữu trên quy mô toàn trị ắt dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm và không phát huy được những sáng kiến cá nhân. Chế độ kế hoạch hóa tập trung ắt dẫn tới những vênh váo, trục trặc mà không một ủy ban kế hoạch nhà nước vĩ đại nào có thể tránh được. Chế độ hợp tác hóa trong nông nghiệp không tránh khỏi làm nông dân bất mãn và nông nghiệp sa sút tới mức thảm hại… Cuối cùng, như chính Lenin đã nói, chế độ này chiến thắng chế độ kia là do tạo ra năng suất lao động cao hơn. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ không ngoài lý do đó.
Những nhận xét này đã được Lenin tỉnh ngộ và đưa ra từ cuối năm 1922, nhất là từ năm 1923 trong hàng loạt bài phát biểu khác nhau tại các hội nghị trung ương, đại hội Xô Viết, thư từ và các bài viết… Dưới đây chúng ta thử trích nguyên văn một số lời phát biểu của ông trên những lĩnh vực tiêu biểu:
- Về khả năng tiến nhanh lên chủ nghĩa cộng sản, năm 1921 ông đã từng nói: “Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa toàn Nga = Chủ nghĩa cộng sản.”
Đến cuối năm 1922 ông đã nhìn vấn đề thực tế hơn: “Trong khi đã làm xong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa rồi, chúng tôi vẫn không đánh giá cao những mầm mống cũng như những cơ sở của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngược lai, ngay từ hồi đó, chúng tôi cũng đã có ý thức rằng tốt hơn là nên trước hết hãy thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước, để rồi sau đó đi đến chủ nghĩa xã hội.”[1]
“Các nước còn lạc hậu như các nước ở phương Đông, nhưng lại là đa số, thì đa số đó lại cần phải có thời gian để trở thành văn minh. Và chúng ta nữa, chúng ta cũng chưa đủ văn minh để có thể trực tiếp chuyển lên chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có được những tiền đề chính trị về mặt đó.”[2]
- Về tập thể hóa nông nghiệp và thái độ đối với nông dân,năm 1921 chính ông đã từng nói: “Nền sản xuất hàng hóa nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản.” Nhưng đến cuối năm 1922 ông đã tỉnh ngộ và nói:
“Không được làm cho nông dân đâm ra phẫn nộ bằng cách biến công cuộc hợp tác hóa thành một trò chơi ngu ngốc.”[3]
“Xét cả về mặt lý luận lẫn về mặt thực tiến, trong điều kiện một nền kinh tế tiểu nông mà lại đem thực hiện ngay lập tức chủ nghĩa cộng sản toàn vẹn là hết sức sai lầm… Đối với tất cả các nước có nền kinh tế tiểu nông đều là như vậy.”[4]
"Khi công việc mới chỉ bắt đầu, chính người thiết kế mô hình đã sớm “ngửi” thấy những mùi vị bất ưng từ mô hình này"
Đặng Phong
“Không thể đưa ngay vào nông thôn những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa một cách vô điều kiện. Chừng nào chúng ta còn chưa có được một cơ sở vật chất ở nông thôn cho chủ nghĩa cộng sản, thì làm như thế có thể nói là một việc có hại, một việc nguy hiểm cho chủ nghĩa cộng sản.”[5]
“Nếu nông dân cần được tự do buôn bán trong những điều kiện hiện tại và trong những phạm vi nhất định, thì chúng ta phải để cho họ được tự do buôn bán.”[6]
“Về việc sử dụng lao động làm thuê trong nông nghiệp và về những điều kiện cho thuê ruộng đất, không nên dùng những thủ tục thái quá để hạn chế hai hiện tượng đó. Chỉ nên nghiên cứu những biện pháp thực tiễn cụ thể nhằm hạn chế những hành vi cực đoan và những việc thái quá, có hại theo hai hướng đó.”[7]
“Không đạp tan cái cơ cấu kinh tế và xã hội cũ, tức là thương nghiệp, tiểu nông, tiểu thủ công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, mà phải chấn hưng thương nghiệp, công nghiệp nhỏ và chủ nghĩa tư bản…Nhà nước điều tiết những thứ đó, nhưng chỉ trong chừng mực làm cho chúng được chấn hưng…”[8]
- Về thái độ của những người buôn bán, ông nói: “Bây giờ là thời gian hòa bình để làm những việc bình thường hàng ngày. Các đảng viên cộng sản phụ trách ở hàng đầu hãy lùi lại! Người buôn bán bình thường – tiến lên!”[9]
- Về bệnh chủ quan duy ý chí, muốn dùng phương pháp xung phong để chiến thắng chủ nghĩa tư bản, ông đã nói:
“Nếu có thể dùng cách xung phong mà chiếm lĩnh được trận địa kinh tế của chủ nghĩa tư bản thì thật là dễ chịu hơn nhiều. Sai lầm hiện nay chính là ở chỗ chúng ta không muốn hiểu rằng nhất thiết phải hành động một cách khác.”[10]
“Sống trong bầy lang sói thì phải gào thét lên như lang sói. Còn việc tiêu diệt bọn lang sói… thì chúng ta hãy nắm vững câu tục ngữ khôn ngoan của Nga đã: Đừng vội khoe khoang khi ra trận, hãy đợi đến khi thắng trận trở về…”[11]
- Đánh giá chủ nghĩa tư bản và bàn về thái độ đối với thành phần này trong chế độ Xô viết, ông đã có những các nhìn thực tế hơn nhiều so với trước:
“Giám sát nghiêm ngặt sự hoạt động cảu các nhà công thương nghiệp tư doanh, nhưng không được làm trở ngại chút nào cho sự hoạt động của họ.”[12]
“Bọn tư bản hoạt động theo lối kẻ cướp. Chúng thu được nhiều lời, nhưng chúng biết cách cung cấp cho dân chúng. Còn các anh, các anh có biết làm việc đó không? Không! Các anh đang thử thách những phương pháp mới: Lời lãi thì các anh không thu được. Nguyên lý của các anh là những nguyên lý cộng sản. Lý tưởng của các anh thì tuyệt diệu. Tóm lại, nếu cứ nghe như lời các anh nói thì các anh là những ông thánh con, và ngay khi còn đang sống các anh cũng đáng lên thiên đường rồi. Nhưng các anh có biết cách làm việc không?”[13]
- Dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô nếu không quyết tâm sửa chữa những khuyết tật kể trên, ông đã nói:
“Từ nay, hoặc là chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có khả năng làm việc hoặc là chính quyền Xô viết không thể tồn tại được nữa. Nguy cơ lớn nhất là ở chỗ tất cả mọi người đã không nhận thấy được như thế.”[14]
“Chúng ta chỉ như giọt nước trong đại dương, nên chỉ khi nào biểu hiện đúng ý niệm của nhân dân thì chúng ta mới quản lý được Nhà nước. Nếu không Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã.”[15]
Nhưng đến khi cần phải nhìn nhận lại tất cả và làm lại tất cả thì bệnh tật đã ngăn chặn ông trong việc tiến hành một cuộc cách mạng vĩ đại nữa: Sửa chữa để đổi mới. Ông tạ thế vào tháng 2 năm 1924. Những thế hệ sau Lenin hầu như không làm được bao nhiêu trên hướng đi này, thậm chí đã làm cho những căn bệnh của mô hình cũ ngày càng trầm trọng hơn.
Đối với mọi nhà lãnh đạo, ở mọi thời đại, sai lầm là điều khó tránh và không đáng trách nếu có đủ kiến thức và sự tỉnh táo để sớm phát hiện sai lầm và dũng cảm tìm tòi hướng đi mới. Đây chính là đức tính cần thiết hàng đầu của lãnh đạo và cũng là yếu tố quyết định sự phát triển của một đất nước. Xét theo khía cạnh đó thì tấm gương về sự nhạy bén, nhìn thẳng vào sự thật và nói thẳng sự thật vẫn soi sáng con đường đổi mới.
[1] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản, ngày 13-11-1922”, Moskva: Nxb Tiến bộ, Bản tiếng Việt, 1978, tập 45, tr. 325-326.
[2] Lê-nin toàn tập, “Thà ít mà tốt”, tập 45, tr. 458.
[3] Lê-nin toàn tập, Thư gửi Molotov để chuyển cho toàn thể Bộ Chính trị, tập 45, tr. 53.
[4] Lê-nin toàn tập, “Bàn về đề cương ruộng đất”, tập 44, tr. 344.
[5] Lê-nin toàn tập, Những trang nhật ký ngày 2-1-1923, tập 45, tr. 419.
[6] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI – Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 143.
[7]Lê-nin toàn tập, “Dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI về công tác nông thôn ngày 1-4-1922, tập 45, tr. 159-160.
[8] Lê-nin toàn tập, “Bàn về tác dụng của vàng”, tập 44, tr. 275.
[9] Lê-nin toàn tập, tập 45, tr. 463.
[10] Lê-nin toàn tập, “Diễn văn đọc tại Hội nghị lần thứ VII Đảng bộ Moskva ngày 29-10-1921”, tập 44, tr. 269.
[11] Như trên.
[12] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội lần thứ IX các Xô viết toàn Nga, tập 44, tr. 413.
[13] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 95.
[14] “Bàn về tác dụng của vàng”, tr. 96.
[15] Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, tr. 134.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, một sử gia từ Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội. Tác phẩm gần đây của ông bao gồm Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, và 'Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (2009).
Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100421_lenin_dangphong.shtml
© BBC 2010
Bình Luận:
Bài viết của giáo sư Đặng Phong khen ngợi thiên tài của Lênin đã nhìn thấy cái sai lầm của đường lối kinh tế XHCN khi tịch thu ruộng đất, cấm tư nhân kinh doanh được viết vào lúc này quả là thích hợp với tình hình đảng CSVN phải bỏ đường lối kinh tế XHCN mà Liên Xô đã theo trong 70 năm để quay trở lại con đường tư bản .
Khi đảng CS thất bại, phải quay lại tư bản thì đảng CS có ngay người tìm ra trong hàng ngũ CS có thiên tài đã nhìn thấy sự sai lầm này . Nếu Lênin là thiên tài nhìn thấy sai lầm thì sự quay trở lại tư bản của đảng CSVN cũng là thiên tài, là làm theo lời của người khai sáng ra chế độ CS tại Nga chứ không phải chỉ là vì thấy bế tắc nên phải quay lại, đi bừa vào con đường tư bản để sống còn .
Bài viết khen ngợi Lênin này đặt ra câu hỏi là nếu từ 1920 Lênin đã thấy cái sai lầm trong đường lối kinh tế XHCN thì tại sao trong suốt hơn 70 năm qua bao nhiêu là lãnh tụ CS lại không nhìn ra ?
Đi ngược dòng lịch sử thì sau khi Lênin chết, Stalin xóa bỏ các cải cách Tân Kinh Tế của Lênin để quay trở lại con đường xóa bỏ tư hữu, tập thể hóa nông nghiệp bằng biện pháp bạo lực mặc dù sau khi tái lập lại chính sách kinh tế XHCN làm cho sản lượng nông nghiệp bị sụt giảm 40% . Thời Nga Hoàng, Nga đã từng xuất cảng lúa mì qua các nước Tây Âu, nhưng dưới chế độ XHCN, nạn đói xảy ra, thời thập niên 70, 80, dưới sự cai trị của Breznev, Liên Xô phải nhập cảng lúa mì của Mỹ, Canada, trong khi nước Nhật ít ruộng đất hơn Nga rất nhiều lại có thể tự túc được gạo .
Thế thì tại sao các lãnh tụ CS sau Lênin, các lãnh tụ CS của các nước khác như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông lại không nhìn ra sự lầm trong đường lối kinh tế XHCN đó ?
Để biện hộ cho việc Stalin cai trị độc tài những người ủng hộ Stalin thường nói:
"Khi Stalin bắt đầu cai trị thì Nga cày bằng lưỡi cày gỗ, khi Stalin qua đời (1953) thì Nga có máy bay phản lực"
hoặc
"Nhờ chính sách cai trị bằng bàn tay sắt mà Nga thắng được Đức Quốc Xã"
Nếu khen ngợi Lênin là thiên tài khi quay trở về kinh tế thị trường thì mặc nhiên Stalin rồi Hồ Chí Minh học của Stalin đem về Việt Nam áp dụng không phải là thiên tài . Vì Hồ Chí Minh chỉ sao chép của Stalin, mà Stalin thì xóa bỏ các cải cách được khen là thiên tài của Lênin .
Việc khen ngợi Stalin cho thấy nhừng người ngưỡng mộ Stalin coi trọng sức mạnh quân sự của Liên Xô trong khi lờ đi các khuyết điểm về kinh tế trong đường lối của Stalin .
Tại sao đường lối kinh tế XHCN có năng suất thấp lại tạo ra được một nước Nga mạnh về quân sự ?
Khi sản lượng nông nghiệp giảm sút, sản lượng công nghiệp kém, phẩm chất của sản phẩm công nghiệp kém, khiến Liên Xô không cạnh tranh nổi với các nước tư bản khác thì Liên Xô khai thác khoáng sản, trong đó có dầu hỏa, vàng, kim cương để xuất cảng . Nhờ tiền xuất cảng khoáng sản mà Liên Xô có tiền nhập cảng lúc mì để bù vào sản lượng nông nghiệp yếu kém .
Trước Đệ Nhị Thế Chiến, khi chưa bắt đầu chính sách bành trướng chủ nghĩa CS thì Stalin vẫn mở cửa để học hỏi kỹ thuật Tây phương, trong đó có việc mời kỹ sư Tây phương sang Nga giúp trong lãnh vực khai thác quặng mỏ, khoáng sản . Nhờ học hỏi kỹ thuật Tây phương mà sản lượng khoáng sản của Liên Xô tăng gấp bội so với thời Nga Hoàng .
Chính sách của Stalin có thể tóm tắt là tổ chức chế độ độc tài toàn trị để nhà nước có thể dồn tất cả tài nguyên, vật lực cho quân sự . Sự yếu kém trong kinh tế do chính sách cưỡng bách được bù bằng tiền khai thác khoáng sản .
Chính sách này chỉ có thể áp dụng được cho Nga, vốn có đất đai mênh mông, khoáng sản dồi dào. Còn Mao áp dụng chính sách này thì Trung Quốc chỉ dựa vào nông nghiệp, ít khoáng sản nên không thể nào cất cánh được.
Còn Việt Nam áp dụng chính sách này thì có được đạo quân mạnh nhất ở Đông Nam Á, về kinh tế nếu có kém cỏi thì đã có viện trợ của Liên Xô. Mà Liên Xô viện trợ được là nhờ có tiền xuất cảng khoáng sản. Nghĩa là Việt Nam áp dụng chính sách kinh tế XHCN có hiệp quả thấp được là nhờ kho tàng vô tận về khoáng sản của Liên Xô. Cho đến khi giá dầu xuống vào đầu thập niên 1980, Liên Xô xuất cảng dầu, vàng, kim cương mà vẫn không đủ chi dùng, phải cắt viện trợ cho Việt Nam từ 1986, thì qua 1987, ông Nguyễn Văn Linh phải từ từ gỡ bỏ kinh tế bao cấp để kinh tế có hiệu quả hơn, nông nghiệp sản xuất nhiều hơn, và cuối cùng sau khi Liên Xô sụp đổ thì Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa cho tư bản vào đầu tư.
No comments:
Post a Comment